COVID-19 16/9: Ổ dịch phức tạp mới phát hiện có thêm nhiều ca mắc, một địa phương họp khẩn

HÀ ANH - Ngày 16/09/2021 12:13 PM (GMT+7)

Liên quan đến ổ dịch mới phát hiện tại thị xã Long Mỹ, được xem là ổ dịch lớn và phức tạp nhất từ trước đến nay ở Hậu Giang, gần nửa đêm 15/9, lãnh đạo tỉnh có cuộc họp khẩn với thị xã Long Mỹ.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Võ Văn Trung - Bí thư Thị ủy Long Mỹ cho hay, sau khi phát hiện trường hợp dương tính là ông N.V.B ở ấp Long Hòa 2, xã Long Phú chiều 14/9, công tác khoanh vùng, dập dịch đang được dốc toàn lực.

Đến nay đã ghi nhận 24 trường hợp mắc COVID-19 (23 trường hợp ở xã Long Phú, 1 trường hợp ở xã Long Trị A), trong đó có nhiều học sinh. Công tác test nhanh kháng nguyên đã thực hiện được 50% dân số toàn xã Long Phú (dự kiến trên 10.300 người).

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành phê bình lãnh đạo thị xã Long Mỹ.

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành phê bình lãnh đạo thị xã Long Mỹ.

Theo ông Trương Văn Khanh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hậu Giang, đây là ổ dịch hết sức phức tạp, qua xét nghiệm tất cả các trường hợp dương tính có chỉ số ngưỡng chu kỳ (CT) đều dưới 20, nguy cơ lây nhiễm dịch rất cao. Các F1 liên quan 6 xã/phường của thị xã Long Mỹ và có F1 liên quan huyện Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp.

Ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh, Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hậu Giang cho rằng, đây là ổ dịch lớn nhất và phức tạp nhất tại Hậu Giang từ trước đến nay. Một số người dân lơ là, không chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Công tác quản lý địa bàn còn nhiều hạn chế, kiểm soát chưa chặt chẽ…

Phát biểu chỉ đạo, ông Nghiêm Xuân Thành - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hậu Giang cho rằng phát sinh ổ dịch này có nhiều nguyên nhân: Người đứng đầu cấp ủy, Ban Chỉ đạo, Trung tâm Chỉ huy tại thị xã Long Mỹ không tròn vai, quản lý lỏng lẻo, là sự lỏng lẻo có tính hệ thống, từ thị xã đến tận ấp đều có hạn chế.

Phê bình lãnh đạo thị xã Long Mỹ vì đã thiếu sâu sát, ông Nghiêm Xuân Thành chỉ đạo, bước đầu sẽ luân chuyển lãnh đạo cấp xã tại nơi để xảy ra dịch bệnh bùng phát. Rà soát, kiện toàn các cấp lãnh đạo công tác phòng, chống dịch của toàn thị xã, đánh giá toàn diện nguyên nhân, nhất là những nguyên nhân chủ quan.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, quy định phòng, chống dịch phải bằng hoặc cao hơn quy định trung ương, nhưng không cứng nhắc, không được đặt ra quy định không cần thiết. Tạo điều kiện để sản xuất, kinh doanh trên tinh thần là an toàn để sản xuất, sản xuất phải đảm bảo an toàn.

Dừng việc đến trường đối với lớp 9 và lớp 12, chờ các quyết định tiếp theo. Triển khai nhanh chóng việc tầm soát cộng đồng toàn tỉnh, tất cả số hộ dân của Hậu Giang.

Toàn tỉnh thực hiện Chỉ thị 15 và 15+, các địa phương có người nhiễm COVID-19 sẽ chuyển sang Chỉ thị số 16 và 16+. Chỉ thị 15+ là đi chợ theo giờ, ai ở đâu đi chợ ở đó; không ra đường trong khung thời gian quy định và khi không thật sự cần thiết, thực hiện 5K…

Với 24 ca mắc tại ổ dịch mới phát hiện, tổng số ca mắc COVID-19 ở Hậu Giang đến nay là 492 ca, điều trị khỏi 396 ca, tử vong 2 ca, từ vong sau khi chuyển tuyến trên điều trị 1 ca.

Công an TP.HCM lý giải việc "đang giãn cách mà người đi trên đường đông"

Chiều 16/9, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về dịch bệnh trên địa bàn, phóng viên đặt câu hỏi vì sao đang trong thời gian giãn cách xã hội nhưng trên đường vẫn có rất nhiều phương tiện lưu thông, tại các chốt kiểm soát vẫn xảy ra ùn tắc?

Ông Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng tham mưu công an TP.HCM, cho biết tham khảo với các nước trên thế giới khi thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, lượng phương tiện lưu thông trên đường tại TP.HCM trong những ngay qua giảm đến 80%.

Thời gian thực hiện giãn cách cũng kéo dài nhất, đến nay là 106 ngày. Điều này cho thấy việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và sự tự giác chấp hành của người dân rất nghiêm.

Ghi nhận phương tiện lưu thông trên đường Phan Văn Trị vào sáng 16/9

Ghi nhận phương tiện lưu thông trên đường Phan Văn Trị vào sáng 16/9

Tuy nhiên, việc giãn cách xã hội kéo dài cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân. Sau một thời gian thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như đẩy mạnh tiêm vaccine, xét nghiệm, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng đã đạt những kết quả bước đầu. Thành phố đã có những quy định từng bước nới lỏng giãn cách như cho lực lượng shipper hoạt động, cấp thêm giấy đi đường cho các đối tượng lưu thông.

Trên nhiều địa bàn cũng có một số tuyến đường bị chặn vì đi qua “vùng đỏ”, điều này cũng khiến phương tiện dồn qua những tuyến đường chính khác, khiến lưu lượng phương tiện trên tuyến đó tăng lên.

Vì vậy, theo Thượng tá Hà khi các chốt thực hiện kiểm soát giấy đi đường, tình trạng ùn tắc cục bộ tại một số điểm cũng là điều dễ hiểu. Lực lượng trực tại các chốt tuỳ theo thực tế để điều tiết, ưu tiên cho lực lượng nào lưu thông trước.

“Kiểm tra 200 người thì chỉ có 1 người vi phạm về các điều kiện giấy đi đường. Như vậy là người dân cũng chấp hành rất nghiêm quy định khi lưu thông trên đường”, ông Hà nói.

Theo thống kê, tính đến 18h00 ngày 15/9, có 315.623 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 315.147 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 476 trường hợp nhập cảnh.

Hiện đang điều trị 41.297 bệnh nhân, trong đó có 2.967 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.544 bệnh nhân nặng đang thở máy và 22 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 15/9 có 2.507 bệnh nhân xuất viện, 160 trường hợp tử vong trong ngày.

(Theo Báo Giao Thông)

Công an Hà Nội gặp khó khăn trong kiểm soát người dân sau nới lỏng

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến của Sở Chỉ huy phòng, chống dịch thành phố với các cơ quan, đơn vị liên quan vào chiều 16/9, Đại tá Nguyễn Hồng Ky - Phó Giám đốc Công an Tp.Hà Nội cho biết, việc một số cơ sở kinh doanh tại 19 quận, huyện được mở cửa trở lại đã khiến đơn vị gặp một số khó khăn trong cơ chế kiểm soát người và phương tiện ra đường.

Theo đó, Phó Giám đốc Công an Tp. Hà Nội kiến nghị UBND Thành phố có quy định rõ để làm căn cứ kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện di chuyển từng vùng và liên vùng sau khi nới lỏng hoạt động.

Liên quan đến đề nghị này, ông Nguyễn Mạnh Quyền – Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội cho biết, thành phố sẽ có hướng dẫn chi tiết hơn nữa để lực lượng Công an thành phố thực hiện.

Sự kiện - Công an Hà Nội gặp khó khăn trong kiểm soát người dân sau nới lỏngCông an Hà Nội gặp khó khi Thành phố áp dụng nới lỏng nhiều dịch vụ.Phó Chủ tịch UBND đánh giá cao sự vào cuộc chủ động, có trách nhiệm của các sở, ngành, quận, huyện, thị xã trong công tác phòng, chống dịch. Theo ông, về cơ bản các địa bàn đã "phủ" hết mũi 1 vắc-xin phòng Covid-19 cho các nhóm đối tượng theo kế hoạch đề ra.

Đến nay, Thành phố đã xét nghiệm được 85% số người theo kế hoạch, việc tiêm vắc-xin đạt 93,18%. “Những người còn lại chưa được tiêm vắc-xin là nằm trong đối tượng chống chỉ định, người già có bệnh nền sức khỏe yếu, không đủ điều kiện tiêm chủng".

"Các quận huyện thị xã, xã phường thị trấn rà duyệt lại để xây dựng ngay kế hoạch để tiêm vắc-xin mũi 2 theo thời hạn khuyến cáo của từng loại vắc-xin. Có danh sách từng đối tượng với từng loại vắc-xin để từ đó, Thành phố phối hợp với Bộ Y tế đảm bảo nguồn cung vắc-xin", Phó Chủ tịch Tp nói.

Cũng tại buổi giao ban, Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội cho biết, Thường trực Thành ủy đã có chỉ đạo điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch theo hướng không triển khai 3 vùng "đỏ-cam-xanh" như hiện nay.

Bên cạnh đó, việc phong tỏa các ổ dịch phải bám sát chỉ đạo của Thủ tướng, hướng dẫn của Bộ Y tế. Vì vậy, Hà Nội sẽ không phong tỏa ở quy mô lớn, chỉ thực hiện quy mô hẹp nhất ở tại điểm phong tỏa để kiểm soát dịch bệnh nhưng vẫn tạo điều kiện tối đa đảm bảo hoạt động phục hồi kinh doanh, đời sống nhân dân.

"Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã giao Ban cán sự Đảng UBND thành phố rà soát, có phương án cụ thể báo cáo vào tuần tới để có phương pháp, giải pháp triển khai sau ngày 21/9" - ông Quyền cho hay.

(Theo Người Đưa Tin)

Hà Nội: Đề xuất cho shipper được giao đồ ăn tại 19 quận, huyện

Chiều 16/9, ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở vừa có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội, đề xuất cho xe mô tô, xe hai bánh được vận chuyển bưu phẩm, bưu kiện và hàng hoá thiết yếu, bao gồm cả xe có sử dụng phần mềm ứng dụng giao hàng công nghệ (shipper) tại 19 quận, huyện, thị xã tại Hà Nội.

Theo ông Long, hiện Sở đề xuất các shipper được hoạt động từ 9h đến 21h hằng ngày. Họ sẽ phải đáp ứng một số điều kiện, như tiêm tối thiểu 1 mũi vaccine CCOVID-19, xét nghiệm PCR hoặc test nhanh còn thời hạn, phải chủ động khai báo y tế qua website suckhoe.dancuquocgia.gov.vn trước khi tham gia giao thông và xuất trình giấy tờ (như chứng minh thư, căn cước công dân) khi được kiểm tra.

Sở GTVT Hà Nội đang đề xuất cho shipper công nghệ được hoạt động trở lại tại 19 quận, huyện được phép bán đồ mang về.

Sở GTVT Hà Nội đang đề xuất cho shipper công nghệ được hoạt động trở lại tại 19 quận, huyện được phép bán đồ mang về. 

Với đơn vị quản lý shipper và đơn vị cung cấp phần mềm, Sở Giao thông Vận tải yêu cầu kiểm tra, giám sát, sàng lọc, quản lý người giao hàng đảm bảo các điều kiện. Đồng thời, các đơn vị này cũng phải đảm bảo chỉ kết nối dịch vụ trong khu vực được thành phố cho phép hoạt động.

Ngoài ra, Sở Giao GTVT Hà Nội cũng đề xuất tiếp tục dừng hoạt động vận chuyển hàng hoá bằng xe mô tô, xe hai bánh với tất cả cá nhân hoạt động tự do và vận chuyển hành khách bằng xe 2 bánh (gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ).

Trước đó, từ ngày 24/7 Hà Nội bắt đầu giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16, Sở Giao thông Vận tải đã cấm shipper công nghệ hoạt động.

Ngày 15/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành văn bản hỏa tốc về việc điều chỉnh một số biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Trong đó, đối với 19 quận, huyện, thị xã chưa ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng từ ngày 6/9 được hoạt động một số cơ sở kinh doanh: Cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; Cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng; Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21h hàng ngày.

Cụ thể: Ba Đình, Ba Vì, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Long Biên, Mê Linh, Mỹ Đức, Nam Từ Liêm, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thanh Oai, Ứng Hòa và Tây Hồ.

(Theo Dân Việt)

Shipper và giấy đi đường quy định thế nào khi hàng ăn uống ở 19 quận, huyện được bán mang về?

Ngày 16-9, liên quan đến việc Hà Nội cho phép một số quận, huyện thị xã chưa ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng (từ 6-9) được hoạt động một số cơ sở kinh doanh, nhiều người dân đặt vấn đề shipper (người giao hàng) có được hoạt động trở lại hay không và việc kiểm tra giấy đi đường thế nào?

Một nhà hàng bán đồ mang về ở Hà Nội - Ảnh: Ngô Nhung

Một nhà hàng bán đồ mang về ở Hà Nội - Ảnh: Ngô Nhung

Về vấn đề này, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội, cho biết Sở đang xây dựng phương án quản lý, đề xuất nới lỏng hoạt động đối với shipper tại khu vực an toàn để trình lên TP quyết định. "Tinh thần là sẽ quản lý như shipper đang hoạt động hiện nay, bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch, gắn với trách nhiệm của các doanh nghiệp công nghệ phải bảo đảm shipper hoạt động đúng khu vực được phép hoạt động" - ông Viện nêu rõ.

Trao đổi với báo chí, ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Hà Nội, cho biết TP đã giao các sở ngành liên quan có văn bản hướng dẫn cụ thể các đơn vị quản lý người giao hàng (shipper) và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển hàng trên địa bàn nhằm tạo điều kiện cho shipper hoạt động khi một số dịch vụ được cho phép trở lại. 

Tuy nhiên, shipper thuộc nhóm nguy cơ cao, nên vẫn phải áp dụng các điều kiện cụ thể để có thể hoạt động. Theo đó, họ phải có 2 mũi tiêm vắc-xin, được xét nghiệm thường xuyên và phải dưới sự quản lý trực tiếp của doanh nghiệp. Trước mắt là tạo cơ chế để shipper của doanh nghiệp được hoạt động, còn shipper tự do hoặc shipper không có đầu mối thì phải từng bước.

Cũng theo ông Sơn, sau khi TP quyết định nới lỏng một số hoạt động phòng chống dịch trên địa bàn, việc kiểm tra, kiểm soát giấy đi đường sẽ được điều chỉnh theo hướng thuận tiện hơn cho người dân. Hà Nội sẽ tạo điều kiện để đáp ứng nhu cầu của người dân như mua đồ online, đồ ăn, uống mang về ở một số quận, huyện được cho phép.

Trước đó, tối 15-9, Sở Y tế Hà Nội đã có thống kê về danh sách quận, huyện không ghi nhận ca mắc ngoài cộng đồng từ ngày 6-9 đến nay có thể được mở lại một số hoạt động kinh doanh từ 12 giờ ngày 16-9. 

Theo đó, 19 quận, huyện, thị xã đáp ứng điều kiện gồm: Ba Đình, Ba Vì, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Long Biên, Mê Linh, Mỹ Đức, Nam Từ Liêm, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thanh Oai, Ứng Hòa và Tây Hồ.

Hà Nội quy định một số cơ sở kinh doanh được hoạt động lại gồm: Cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày.

(Theo Người Lao Động)

Thủ tướng yêu cầu Kiên Giang và Tiền Giang kiểm soát dịch trước 30/9

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến với hai tỉnh Kiên Giang và Tiền Giang về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Thông báo nêu rõ, trong thời gian qua, 2 tỉnh Kiên Giang và Tiền Giang đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong phòng, chống dịch bệnh và một số đạt kết quả bước đầu. Tuy nhiên, dù đã thực hiện giãn cách xã hội liên tục trong thời gian dài nhưng đến nay cả hai tỉnh vẫn chưa kiểm soát triệt để được dịch bệnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Nguyên nhân là do có nơi, có lúc chủ quan, lơ là cả trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tại một số địa phương. Việc nắm bắt, đánh giá, dự báo tình hình và nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch của một số nơi chưa chắc, chưa sát, chưa đầy đủ. Tổ chức thực hiện, nhất là tại cơ sở còn bị động, lúng túng, thiếu khoa học, chưa phù hợp, hiệu quả chưa cao.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Kiên Giang và tỉnh Tiền Giang rà soát, khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế nêu trên; tổ chức quán triệt, tập huấn, hướng dẫn đầy đủ các phương châm, nguyên tắc, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch đến tận xã, phường, thị trấn và đến người dân. Tỉnh, huyện phải tăng cường kiểm tra, giám sát, gắn với hướng dẫn, hỗ trợ, chấn chỉnh, uốn nắn việc tổ chức thực hiện phòng, chống dịch tại xã, phường, thị trấn, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.

Căn cứ diễn biến tình hình dịch, Thủ tướng yêu cầu Kiên Giang và Tiền Giang xác định cụ thể mục tiêu phòng, chống dịch cho từng địa phương trên địa bàn; xác định rõ phạm vi, thời gian tiếp tục giãn cách xã hội, tăng cường giãn cách xã hội và các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể (như về xét nghiệm, điều trị, tiêm vắc xin). Hai tỉnh phải phấn đấu với quyết tâm, nỗ lực lớn hơn nữa để kiểm soát dịch bệnh trong thời gian sớm nhất và chậm nhất đến 30/9/2021 dứt khoát phải kiểm soát được dịch bệnh, không để phải tiếp tục giãn cách xã hội kéo dài, trên phạm vi rộng.

Thủ tướng cũng lưu ý hai tỉnh rà soát, đề xuất cụ thể nhu cầu hỗ trợ (về nhân lực y tế để xét nghiệm, tiêm chủng, chăm sóc, điều trị F0, nhân lực hỗ trợ kiểm tra, kiểm soát giãn cách xã hội, trang thiết bị, vật tư phòng, chống dịch, vaccine…) gửi Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, các bộ để xem xét, đáp ứng tối đa, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

(Theo Tiền Phong)

Tài xế xe luồng xanh dương tính với SARS-CoV-2, Hà Nội tìm người tới điểm tiêm chủng

Ngày 16/9, UBND phường Thịnh Liệt, (Hoàng Mai, Hà Nội) đã có thông báo tìm người từng đến tiêm chủng tại trường Tiểu học Thịnh Liệt do anh P.Đ.M. tài xế lái xe luồng xanh có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 từng đến điểm tiêm chủng này.

Theo đó, UBND phường đề nghị người dân đã đến trường Tiểu học Thịnh Liệt tiêm vắc xin phòng dịch COVID-19 tại khung giờ từ 13h đến 15h10 phút ngày 14/9 khẩn trương khai báo y tế với Trạm Y tế phường Thịnh Liệt hoặc tổ trưởng nơi người dân sinh sống.

Lực lượng chức năng lập rào chắn tại nơi có F0.

Lực lượng chức năng lập rào chắn tại nơi có F0.

Lãnh đạo UBND phường Thịnh Liệt cho biết, chiều 14/9, tại nơi tiêm chủng ở trường Tiểu học Thịnh Liệt có khoảng 447 người, hiện phường đang gọi trực tiếp cho họ để truy vết và yêu cầu khai báo y tế để được lấy mẫu xét nghiệm.

Đại diện Trạm y tế phường Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, anh M. là lái xe luồng xanh thuộc một công ty trên đường Giải Phóng (Hoàng Mai, Hà Nội). Ngày 14/9, anh M. được công ty phát phiếu đi xét nghiệm và tiêm phòng vắc xin nên đã đến điểm tiêm chủng tại trường Tiểu học Thịnh Liệt.

Theo đại diện Trạm y tế phường Thịnh Liệt, nam tài xế được đo nhiệt độ trước khi tiêm, khoảng 38 độ C, cao hơn mức quy định. Lực lượng chức năng đã yêu cầu anh M. lấy mẫu xét nghiệm và ngồi nghỉ, sau đó đo lại thân nhiệt. Tuy nhiên, anh M. đã tự ý ra về, sau đó di chuyển lên tỉnh Lào Cai và anh này đã có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Đại diện Trạm y tế phường Thịnh Liệt cho hay, qua check camera, cơ quan chức năng xác định có 10 người xếp hàng đợi tiêm chủng cùng anh M.

(Theo Dân Việt)

Phong tỏa khẩn cấp chung cư 20 tầng sau khi phát hiện 4 người nhiễm SARS-CoV-2

Tối 16-9, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An cho biết trong 12 giờ qua (từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 16-9), tỉnh Nghệ An ghi nhận 4 ca cộng đồng dương tính SARS-CoV-2 tại phường Bến Thủy, TP Vinh.

Lực lượng chức năng phong tỏa chung cư HTX Trung Đô sau khi phát hiện 4 ca mắc Covid-19. Ảnh: A. Tài

Lực lượng chức năng phong tỏa chung cư HTX Trung Đô sau khi phát hiện 4 ca mắc Covid-19. Ảnh: A. Tài

Trường hợp thứ nhất là chị N.T.V.A. (SN 1990), trú chung cư HTX Trung Đô, phường Bến Thủy, TP Vinh. Ngày 16-9, chị A. có triệu chứng sốt, ho, đau rát họng đến trạm y tế khai báo và được làm test nhanh cho kết quả dương tính. Ngay sau đó, chị A. được lấy mẫu xét nghiệm PCR gửi Bệnh viện đa khoa Cửa Đông, chiều ngày 16-9 cho kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2.

Trường hợp thứ 2 là anh N.N.T. (SN 1991), trú chung cư HTX Trung Đô, phường Bến Thủy, TP Vinh. Anh T. là chồng của bệnh nhân N.T.V.A. được công bố cùng lúc. Ngày 16-9, ngay sau khi chị A. có kết quả test nhanh dương tính, anh T. được lấy mẫu xét nghiệm PCR gửi Bệnh viện đa khoa Cửa Đông, chiều ngày 16-9 cho kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2.

Trường hợp thứ 3 là cháu N.M.Đ. (SN 2015), trú chung cư HTX Trung Đô, phường Bến Thủy, TP Vinh. 

Trường hợp thứ 4 là cháu N.G.H. (SN 2021), trú chung cư HTX Trung Đô, phường Bến Thủy, TP Vinh. 

Hai cháu Đ và H. là con của vợ chồng anh N.N.T. và chị N.T.V.A. được công bố cùng lúc. Ngày 16-9, ngay sau khi bố và mẹ có kết quả test nhanh dương tính, cháu H. được lấy mẫu xét nghiệm PCR gửi Bệnh viện đa khoa Cửa Đông, chiều ngày 16-9 cho kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2

Được biết, chung cư HTX Trung Đô cao 20 tầng, hơn 200 hộ dân với trên 500 nhân khẩu. Sau khi phát các trường hợp dương tính, lực lượng chức năng đã tiến hành phong tỏa khẩn cấp chung cư HTX Trung Đô. 

(Theo Người Lao Động)

TP.HCM dự tính đưa ra 3 giai đoạn nới giãn cách từ ngày 1-10

Tại các cuộc họp trực tuyến với địa phương trên cả nước và các bộ để tháo gỡ khó khăn cho vận chuyển hàng hóa chiều 15-9, Vụ Vận tải (Bộ GTVT), cho biết tuần qua giao thông cả nước cơ bản ổn định, không xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài.

Cá biệt xảy ra ùn ứ tại một số chốt kiểm soát do địa phương áp dụng quy định chưa thống nhất với chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và hướng dẫn của Bộ GTVT.

Tuy nhiên, Tổ công tác đặc biệt của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ đã kịp thời nắm bắt, có văn bản đề nghị tháo gỡ và trực tiếp xuống hiện trường để phối hợp, hướng dẫn.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ trực tiếp kiểm tra công tác vận chuyển hàng hóa tại các tỉnh phía Nam. Ảnh: MT/VŨ HOA

Thứ trưởng Lê Đình Thọ trực tiếp kiểm tra công tác vận chuyển hàng hóa tại các tỉnh phía Nam. Ảnh: MT/VŨ HOA 

Còn theo đại diện Sở GTVT TP.HCM, từ nay đến cuối tháng 9, TP vẫn giữ nguyên tình hình giãn cách. Đến 1-10 có thể tạm thời chia 3 giai đoạn: Từ ngày 1-10 đến 31-10, 1-11 đến 15-1-2022 và sau 15-1-2022 để điều chỉnh, tuy nhiên tất cả mọi vấn đề phụ thuộc vào diễn tiến tình hình dịch bệnh. Qua đó, Thành ủy và UBND thành phố sẽ xem xét, dự báo tình hình và đưa ra những bộ tiêu chí an toàn cho các hoạt động, trong đó có vận tải.

Hiện nay Sở GTVT TP.HCM đang xây dựng dự thảo về tổ chức giao thông từng giai đoạn, và tiêu chí an toàn phòng chống dịch trong lĩnh vực vận tải. Cạnh đó tổng hợp danh sách các lái xe vận tải để chuyển cho Sở Y tế tổ chức tiêm vaccine.

Tại TP Hà Nội, ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội, cho biết hiện nay địa phương vẫn tăng cường công tác kiểm tra các phương tiện tại chốt kiểm soát dịch bệnh. Thời gian qua, đơn vị phát hiện rất nhiều trường hợp lái xe có giấy xét nghiệm hết hạn, không đủ điều kiện để lưu thông nên buộc phải quay đầu.

“Nếu doanh nghiệp và lái xe không thực sự nghiêm túc và nêu cao ý thức trong việc chấp hành các quy định của pháp luật và quy định phòng, chống dịch COVID-19 cũng sẽ là nguyên nhân gây nên những cản trở trong việc lưu thông hàng hóa”- ông Long nhấn mạnh.

Hiện công an TP Hà Nội đang xây dựng triển khai hệ thống Camera quét mã tự động tại 23 chốt kiểm soát. Đồng thời thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thành ủy và UBND thành phố,  Sở GTVT đang tập trung xây dựng phương án để mở lại các loại hình vận tải hành khách công cộng và liên tỉnh theo từng giai đoạn, phù hợp với các quy định về kiểm soát dịch bệnh.

Với việc nhiều địa phương đang chuẩn bị kịch bản nới lỏng giãn cách, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết đang giao cho các cơ quan trực thuộc xây dựng kịch bản, phương án tổ chức giao thông, tổ chức vận tải cả năm lĩnh vực giao thông để hướng dẫn triển khai thực hiện trong tình hình mới.

Khi hoàn thiện dự thảo, Bộ GTVT sẽ lấy ý kiến các bộ, ngành và địa phương để thống nhất. Trên cơ sở đó các tỉnh phải nghiêm túc triển khai theo nguyên tắc chung, không được tạo ra bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp.

“Cạnh đó, các tỉnh cần phải ngăn chặn quyết liệt hơn nữa hiện tượng phương tiện lợi dụng luồng xanh để chở người và hàng hóa trái phép. Sở GTVT phải tăng cường công tác quản lý, quán triệt, nhắc nhở các doanh nghiệp vận tải và lái xe. Đồng thời phải có biện pháp mạnh, xử lý nghiêm đối với những doanh nghiệp, lái xe cố tình vi phạm…”- ông Thọ yêu cầu.

(Theo Pháp luật TPHCM)

Ổ dịch tại đám tang ở Thanh Hóa đã có 38 ca nhiễm, 1 người tử vong

Ngày 16/9, trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Văn Dậu - Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) cho biết, địa bàn có một bệnh nhân nhiễm Covid-19 (SN 1984, quê quán ở Tiểu khu Long Khang, Thị trấn Nga Sơn, huyện Nga Sơn) điều trị tại Bệnh viện Phổi Thanh Hóa đã tử vong.

Thị trấn Nga Sơn vẫn đang bị phong tỏa do liên quan đến ổ dịch Covid-19

Thị trấn Nga Sơn vẫn đang bị phong tỏa do liên quan đến ổ dịch Covid-19

“Bệnh nhân là giáo viên và lập gia đình ở thị xã Nghi Sơn. Sau khi tổ chức đám tang cho bố ở Nga Sơn, bệnh nhân về thị xã Nghi Sơn cách ly vì mẹ nhiễm Covid-19 trong quá trình chăm chồng ở phòng 303, khoa Ung Bướu, Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực. Do gia đình đang thực hiện cách ly, điều trị Covid-19 nên trong đêm qua, người thân đã đưa bệnh nhân hỏa táng rồi sẽ đưa về quê mai táng", Ông Dậu thông tin.

Được biết, trước đó, bố của bệnh nhân điều trị tại Khoa Ung Bướu của Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực được đưa về nhà và mất. Ngày 26/8, gia đình tổ chức đám tang cho ông. Đến ngày 30/8, mẹ của bệnh nhân dương tính với Sars-CoV-2 chuyển về Bệnh viện Phổi Thanh Hóa điều trị đến nay chưa khỏi, bệnh nhân sau đó mắc Covid-19 dẫn đến tử vong.

Liên quan đến ổ dịch tại đám tang này, tính đến nay, huyện Nga Sơn đã ghi nhận 38 trường hợp nhiễm Covid-19. Huyện Nga Sơn đã phải phong tỏa, giãn cách toàn huyện theo Chỉ thị 16. Riêng 4 Tiểu khu Long Khang, Thắng Thịnh, Trung Bắc, Bách Lợi thuộc thị trấn Nga Sơn và toàn bộ xã Nga Trung, huyện Nga Sơn giãn cách mức cao hơn theo Chỉ thị 16+.

Như vậy, đây là ca bệnh thứ 2 tử vong tại Thanh Hóa do nhiễm Covid-19. Ca tử vong thứ nhất vào ngày 26/8/2021 là nữ, sinh năm 1968, quê ở xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), trở về từ TP HCM thì phát hiện dương tính, có bệnh nền.

(Theo Báo Giao Thông)

Hàng trăm y bác sĩ ở Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành F0, F1

Ngày 16/9, Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, qua 4 lần bùng phát dịch bệnh COVID-19, đến nay, tỉnh này có 350 nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch là F0 và F1. Hiện sức khoẻ các ca bệnh đã ổn định và đang làm công tác điều trị, xét nghiệm tại cơ sở y tế, điểm cách ly trên địa bàn.

Cụ thể, trong số 350 nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch thì có 33 bác sỹ và điều dưỡng là F0; 317 thuộc diện F1. Có rất nhiều lý do để nhân viên y tế trở thành F0 hoặc F1 nhưng nguyên nhân chủ yếu là vô tình tiếp xúc với F0 trong cơ sở điều trị.

COVID-19 16/9: Ổ dịch phức tạp mới phát hiện có thêm nhiều ca mắc, một địa phương họp khẩn - 10

Theo ông Trương Đình Chính, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tại các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19, hầu hết nhân viên y tế này khi làm việc đều có trang bị bảo hộ cá nhân. Tuy nhiên, có lúc những y, bác sỹ ngoài giờ làm việc vô tình tiếp xúc với người bệnh. Tình trạng này đã ảnh hưởng đến sức khoẻ của nhân viên và nhân lực của ngành y tế.

Ông Chính cho biết thêm, sau khi phát hiện các nhân viên y tế bị F0, Sở đã đưa đi cách ly tập trung tại Ban Bảo vệ sức khoẻ cán bộ Bà Rịa-Vũng Tàu. Đối với nhân viên y tế là các F1 và F2 thì được bố trí làm việc, điều trị tại các khu cách ly tập trung.

“Để không mất nhân lực thì ngành Y tế được phép sử dụng bác sỹ, điều dưỡng là F1 điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân là F1 và bác sỹ, điều dưỡng là F2 thì điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân là F2”, ông Chính nói.

Theo ông Chính, đến nay Bà Rịa-Vũng Tàu có gần 4.000 ca mắc COVID-19, nguồn nhân lực y tế tại địa phương không đáp ứng đủ và Bộ Y tế, các tỉnh khác, sinh viên trường ĐH Y dược TPHCM phải chi viện.

Đối với những người được về theo nhiệm vụ được tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phân công, chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin thì cách ly tại nơi lưu trú 3 ngày. Sau đó, về địa phương tiếp tục theo dõi 14 ngày, bảo đảm 5K, thực hiện xét nghiệm.

(Theo Tiền Phong)

Vùng tâm dịch không được ra đường, 14 thanh niên vẫn tụ tập đánh bóng chuyền

Ngày 16/9, đại diện Công an phường Thuận Giao (TP.Thuận An, Bình Dương), cho biết đơn vị đang tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý vi phạm hành chính 14 thanh niên tụ tập đánh bóng chuyền vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19.

Thuận Giao là 1 trong 4 phường của TP Thuận An đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, đồng thời tăng cường biện pháp mạnh theo hình thức “đông cứng, khóa chặt”. Do đó, người dân không ra khỏi nhà, sẽ có lực lượng chức năng cung cấp lương thực nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh COVID-19.

Nhóm thanh niên tụ tập đánh bóng chuyền

Nhóm thanh niên tụ tập đánh bóng chuyền

Tuy nhiên, chiều 15/9, tại một bãi đất trống trên địa bàn khu phố Hòa Lân 1, phường Thuận Giao xuất hiện 14 thanh niên tổ chức kéo lưới, tụ tập đánh bóng chuyền. Trong lúc tuần tra, lực lượng chức năng phát hiện, lập biên bản xử lý nhóm người này.

Được biết, từ ngày 22/8 khi áp dụng biện pháp “đông cứng, khóa chặt”, công an phường Thuận Giao đã lập biên bản với 300 trường hợp vi phạm, tổng số tiền hơn 600 triệu đồng.

Sáng cùng ngày, Công an TX Bến Cát (Bình Dương) thông tin, ngành chức năng đã lập biên bản xử phạt hành chính với số tiền khoảng 100 triệu đồng đối với 7 người tụ tập ăn nhậu khi địa phương đang áp dụng giãn cách xã hội.

(Theo Tiền Phong)

Quảng Nam: Phát hiện thêm nhiều ca bệnh COVID-19 tại ổ dịch KCN Điện Nam – Điện Ngọc

Tối 15/9, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVDID-19 tỉnh Quảng Nam thông tin, trong ngày địa phương ghi nhận 9 ca dương tính với SARS-COv-2 tại thị xã Điện Bàn. Tất cả đều có yếu tố liên quan đến các ổ dịch tại khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc.

Cụ thể: 4 ca bệnh là công nhân tại Công ty giày Rieker; 1 ca là công nhân tại phòng lông vũ (xưởng 1, Công ty Việt Vương 2); 1 ca là công nhân bộ phận xe dắt, chuyền máy sóng (xưởng 2, Công ty bao bì Tấn Đạt); 1 ca là công nhân làm việc tại bộ phận sản xuất Line Pet, Công ty Pepsico; và 2 ca là công nhân làm việc tại chuyền 6, Công ty Phú Tường (xã Điện Phước) và F1 của trường hợp này.

Liên quan đến các ca bệnh trên, có 15 F1 liên quan được giám sát cách ly và lấy mẫu xét nghiệm.

Như vậy, từ ngày 9/9 đến ngày 13/9, KCN Điện Nam - Điện Ngọc ghi nhận tổng cộng 33 ca nhiễm COVID-19, trong đó riêng Công ty Giày Rieker Việt Nam có 21 ca. 

(Theo Tiền Phong)

Người dân 5 phường ở Quy Nhơn có thể bị khởi tố nếu không đi test Covid-19

Ngày 15/9, UBND TP Quy Nhơn đã có quyết định khoanh vùng, phong tỏa tạm thời 5 phường: Hải Cảng, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Văn Cừ, Ngô Mây, Đống Đa để tầm soát toàn dân nhằm phòng chống dịch Covid-19. Thời gian thực hiện phong tỏa là 48 giờ, kể từ 0 giờ 16/9.

Đây là quyết định được đưa ra khi TP Quy Nhơn xuất hiện ổ dịch nguy hiểm trong cộng đồng.

Quy Nhơn xuất hiện ổ dịch nguy hiểm ở phường Hải Cảng

Quy Nhơn xuất hiện ổ dịch nguy hiểm ở phường Hải Cảng

UBND TP Quy Nhơn ban hành thông báo yêu cầu tất cả người dân ở 5 phường nói trên đến trụ sở khu sinh hoạt nhân dân và một số địa điểm khác của các khu vực, tổ dân phố trên địa bàn để lấy mẫu tầm soát, truy vết dịch Covid-19 diện rộng trong hai ngày, từ ngày 16/9 đến hết ngày 17/9.

Cũng theo thông báo của UBND TP Quy Nhơn, trường hợp người dân không đi hoặc cố tình chống đối sẽ bị cưỡng chế hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực y tế theo quy định, mức phạt tiền tối đa 3 triệu đồng/lượt. Trường hợp nếu làm phát sinh ổ dịch do không tham gia test nhanh để tầm soát Covid-19 thì sẽ bị khởi tố hình sự theo quy định.

Chiều 15/9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Định ghi nhận thêm 31 bệnh nhân mới. Trong đó riêng TP Quy Nhơn có 18 ca liên quan đến ổ dịch tại phường Hải Cảng, phường Nhơn Bình. Ngoài ra, 3 nhân viên y tế cũng được xác định mắc Covid-19.

Đặc biệt, từ ngày 12/9 đến nay, TP Quy Nhơn cũng đã ghi nhận 51 người dương tính với Covid-19 tại các phường: Hải Cảng (28 người), Đống Đa (5 người), Nhơn Bình (5 người), Trần Hưng Đạo (11 người)… Trong đó có 43 ca mắc trong cộng đồng liên quan đến các ổ dịch tại phường Hải Cảng và phường Nhơn Bình.

Như vậy, từ ngày 28/6 đến nay, tỉnh Bình Định đã ghi nhận 970 người mắc Covid-19, trong đó 700 người đã khỏi bệnh, 10 người tử vong và 260 người đang điều trị.

(Theo Báo Giao Thông)

Số ca bệnh giảm, tỉnh Quảng Bình nới lỏng mức độ cách ly xã hội

Theo đó, tỉnh Quảng Bình tiếp tục áp dụng các biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16 trong thời gian 7 ngày, bắt đầu từ 19h ngày 15/9 tại 4 xã, phường thuộc Tp.Đồng Hới gồm: Bảo Ninh, Bắc Lý, Hải Thành, Đồng Phú; đối với huyện Bố Trạch, thực hiện Chỉ thị 16 tại các xã: Thanh Trạch, Hải Phú, Đức Trạch, Nhân Trạch; khu vực Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo, huyện Minh Hóa.

Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 từ 19h ngày 15/9 đến khi có thông báo mới tại các địa bàn Tp.Đồng Hới gồm 10 xã, phường: Đức Ninh Đông, Lộc Ninh, Đồng Hải, Quang Phú, Đức Ninh, Đồng Sơn, Nam Lý, Phú Hải, Thuận Đức, Bắc Nghĩa.

COVID-19 16/9: Ổ dịch phức tạp mới phát hiện có thêm nhiều ca mắc, một địa phương họp khẩn - 13

Huyện Bố Trạch gồm 9 xã, thị trấn: Đại Trạch, Vạn Trạch, Hưng Trạch, Sơn Lộc, Nam Trạch, Bắc Trạch, Đồng Trạch, Hoàn Lão, Nông trường Việt Trung.

Huyện Quảng Ninh gồm 7 xã, thị trấn: Quán Hàu, Gia Ninh, Vĩnh Ninh, Duy Ninh, Lương Ninh, Võ Ninh, Hải Ninh.

Huyện Tuyên Hóa gồm 2 xã: Mai Hóa, Thanh Hóa; huyện Minh Hóa gồm 1 xã: Dân Hóa; huyện Quảng Trạch gồm 1 xã: Quảng Châu; huyện Lệ Thủy gồm 2 xã: Ngư Thủy Bắc, Xuân Thủy.

Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Bình áp dụng thực hiện Chỉ thị 19 đối với các xã, phường, thị trấn còn lại từ 19h ngày 15/9, đến khi có thông báo mới (trừ các địa bàn áp dụng Chỉ thị 16 và Chỉ thị 15).

Quyết định này được đưa ra sau khi tỉnh Quảng Bình đã kiểm soát tình hình dịch bệnh tại một số địa phương, số ca mắc Covid-19 giảm đáng kể trong mấy ngày vừa qua cũng như không phát hiện thêm ổ dịch mới.

Sáng 15/9, tỉnh Quảng Bình công bố 26 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số bệnh nhân từ trước đến nay là 1.330, trong đó có 317 ca đã điều trị khỏi.

(Theo Người Đưa Tin)

Phó chủ tịch Hà Nội: Thành phố cơ bản đã kiểm soát được dịch COVID-19

Chiều 15/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã làm việc với UBND TP Hà Nội về công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Một trong những nội dung được lãnh đạo Bộ Y tế quan tâm là công tác xét nghiệm và tiêm chủng vắc xin COVID-19.

Báo cáo của TP Hà Nội cho biết trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến 6h00 ngày 14/9), Hà Nội ghi nhận tổng số 4.080 ca mắc, trong đó, 1.595 ca ngoài cộng đồng; 2.225 ca mắc trong khu cách ly, khu phong tỏa; 213 ca mắc trong bệnh viện; 47 ca nhập cảnh.

Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, tốc độ xét nghiệm tăng lên trong các ngày gần đây nhưng các ca mắc cộng đồng giảm nhiều, cao nhất là 73 ca phát hiện ngày 25/8/2021, giảm xuống thấp nhất cho đến ngày 12/9 là 4 ca, có 1 ngày 9/9 không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng). Để triển khai xét nghiệm diện rộng trên địa bàn, Thành phố đã huy động các lực lượng tham gia và công xuất xét nghiệm đạt gần 70.000 mẫu đơn tương đương 700.000 mẫu gộp 10/ngày.

Đến nay, tính cả 97.000 liều vắc xin AstraZeneca mới được phân bổ ngày 14/9, Hà Nội đã được Bộ Y tế phân bổ hơn 5,4 triệu liều vắc xin COVID-19. Tổng cộng đến nay, Hà Nội đã tiêm hơn 5,13 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 (trong đó hơn 4,7 triệu mũi 1 và hơn 425 ngàn mũi 2).

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết Hà Nội vẫn duy trì việc cách ly F1 tập trung. Ông Dũng cho biết thêm Thành phố luôn chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch xây dựng các khu cách ly tập trung ở mức độ cao, có thể đáp ứng điều kiện cách ly cho 120.000 người, với phương án bảo đảm về nhân lực và nguồn lực cho các khu cách ly. Hiện nay, thành phố đã kích hoạt các cơ sở cách ly tập trung cho tối đa 70.000 người.

Về điều trị, Hà Nội đã xây dựng phương án 40.000 giường bệnh điều trị người bệnh COVID-19, trong đó tỷ lệ tầng 1 là 32.000 giường (đạt 80%), tầng 2 và tầng 3 là 8.000 giường (chiếm 20%). Thành phố đã có phương án về nhân lực, trang thiết bị, cơ số thuốc cho các cơ sở điều trị hoạt động hiệu quả.

COVID-19 16/9: Ổ dịch phức tạp mới phát hiện có thêm nhiều ca mắc, một địa phương họp khẩn - 14

Quảng CáoPhó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội thông tin: “Qua việc triển khai công tác tiêm chủng, xét nghiệm, kiểm soát dịch bệnh thời gian qua, thành phố có thể tự tin khẳng định cơ bản đã kiểm soát được dịch. Các ca bệnh mới ghi nhận trong những ngày gần đây chủ yếu khu cách ly, khu phong toả. Hà Nội nóng như vậy, nguy cơ cao như vậy mà giữ được như hiện tại là sự cố gắng rất lớn, trong đó có sự hỗ trợ từ Bộ Y tế”.

Do đặc điểm của biến thể Delta nên nguy cơ lây nhiễm và bùng phát của dịch luôn hiện hữu, vì vậy, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Hà Nội phải xác định nhiệm vụ phòng chống dịch là chính, cơ bản và lâu dài. Khi đã khoanh vùng phong toả thì thần tốc xét nghiệm nhanh, để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng nhanh chóng và từ đó thu hẹp dần vùng phong toả, giãn cách.

Về điều trị, Thành phố phải thực hiện nghiêm phân tầng theo đúng quy định của Bộ Y tế. “Nếu làm tốt phân tầng và điều trị hiệu quả ở tầng 1 và tầng 2 thì tránh được gánh nặng cho tầng 3, đồng thời giảm nguy cơ tử vong cho người bệnh”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng lưu ý Hà Nội cần chú trọng công tác phòng chống dịch trong các khu/ cụm công nghiệp vì “dịch ở khu công nghiệp và cộng đồng có liên quan đến nhau”. “Chúng ta phải đảm bảo theo đúng phương châm “An toàn để sản xuất. Sản xuất phải an toàn”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên lưu ý. Đối với doanh nghiệp ở “vùng xanh” thuộc trạng thái bình thường mới cần sàng lọc 7 ngày/ 1 lần.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng cũng đề nghị Hà Nội xây dựng phương án cách ly F1 tại nhà, cách ly, điều trị, chăm sóc sức khoẻ của F0 tại nhà; lên phương án xây dựng, thiết lập các trạm y tế lưu động.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng lưu ý Hà Nội sau đợt tổng xét nghiệm lần này cần đánh giá lại trên cơ sở Quyết định 2686/QĐ-BYT về đánh giá mức độ nguy cơ các vùng, để từ đó có kế hoạch xét nghiệm tiếp theo phù hợp với từng khu vực, từng mức độ nguy cơ. Đồng thời Hà Nội cũng cần xây dựng lộ trình cụ thể để gỡ bỏ phong toả từng khu vực, căn cứ trên hướng dẫn tại Quyết định 2686/QĐ-BYT.

(Theo Tiền Phong)

 Hà Nội: Xem xét dừng kiểm tra giấy đi đường ở 19 quận, huyện bình thường mới
TPO - Đại diện lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cho biết, 19 quận, huyện được đánh giá ở trạng thái "bình thường mới" sẽ xem xét dừng kiểm soát giấy đi đường.

Tin tức 24h

HÀ ANH (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19