lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, đơn vị đang giao cho công an quận lập hồ sơ để xem xét xử lý trường hợp cô gái dương tính với SARS-CoV-2 về từ TP.Hồ Chí Minh. Cô gái này từ TP.Hồ Chí Minh ra Hà Nội nhưng không thực hiện theo dõi ở nhà mà l
Hà Nội: Xác định 9 F1 của cô gái dương tính SARS-CoV-2 về từ TP.HCM, di chuyển nhiều nơi
Ngày 17/10, lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, đơn vị đang giao cho công an quận lập hồ sơ để xem xét xử lý trường hợp cô gái dương tính với SARS-CoV-2 về từ TP.Hồ Chí Minh. Cô gái này từ TP.Hồ Chí Minh ra Hà Nội nhưng không thực hiện theo dõi ở nhà mà lại đi nhiều nơi, lịch trình phức tạp.
Theo báo cáo của UBND quận Hoàn Kiếm, ca dương tính SARS-CoV-2 này là N.T.D.V. (27 tuổi, ở Gia Lâm, Hà Nội) nhưng đi từ TP.Hồ Chí Minh ra Hà Nội đã đến ở cùng bạn tại số 8 Đình Ngang, phường Cửa Nam (Hoàn Kiếm).
Lực lương chức năng tạm thời phong toả phố Đình Ngang, Cửa Nam (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Theo điều tra dịch tễ cho thấy, ngày 11 – 13/10/2021, V. làm test nhanh từ TP.Hồ Chí Minh có kết quả âm tính. Sau đó, V. đi ô tô từ TP.Hồ Chí Minh về Hà Nội.
Đến 13h ngày 13/10, V. đi ô tô cùng bác về nhà bạn ở số 8 Đình Ngang, sau đó đi mua cơm viên ở 11 phố Đình Ngang.
Tối 13/10, mua đồ và nhận ship tại số 8 Đình Ngang, sau đó đến nhà em gái ở Hàng Bông ăn tối rồi về số 8 Đình Ngang.
Sáng 14/10, đi làm tóc ở phố Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Chiều cùng ngày, đến nhà bạn ở chung cư Imperia, tiếp xúc khoảng 5 người.
Ngày 15/10 nhận được tin 2 người đi cùng ô tô từ TP.Hồ Chí Minh là F0, sau đó đi xe về số 8 Đình Ngang tự mua và làm test nhanh có kết quả dương tính và thông tin đến trạm y tế phường Cửa Nam.
Ngày 16/10, CDC Hà Nội xét nghiệm khẳng định dương tính với SARS-CoV-2.
Theo UBND quận Hoàn Kiếm, qua điều tra truy vết, lực lượng chức năng xác định được 9 F1 liên quan đến chị V. UBND phường Cửa Nam tạm thời phong toả phố Đình Ngang, phối hợp với Trung tâm y tế quận lấy 119 mẫu xét nghiệm PCR, phun khử khuẩn khu vực liên quan đến F0.
Nguồn:
http://danviet.vn/ha-noi-xac-dinh-9-f1-cua-co-gai-duong-tinh-sars-cov-2-ve-tu-tphcm-di-chuyen-nhieu-noi-502021171016563780.htm
Thanh Hóa: Ổ dịch tại thị xã Bỉm Sơn đã có hơn 20 học sinh, giáo viên là F0
Theo thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa cuối giờ chiều ngày 17/10 cho biết, trong 24h qua trên địa bàn tỉnh ghi nhận 25 bệnh nhân mắc COVID-19 mới, trong đó Bỉm Sơn: 13; Bá Thước: 02; Hà Trung: 04; Hoằng Hóa: 02; Như Thanh: 01; Như Xuân: 01; Sầm Sơn: 01; Thạch Thành: 01
Tại Thị xã Bỉm Sơn ghi nhận 13 bệnh nhân mới tại 7 xã phường, nâng tổng số bệnh nhân tại ổ dịch này lên 62 bệnh nhân.
Đáng chú ý là trong số 62 ca nhiễm COVID-19, có đến 25 giáo viên và học sinh là F0 (tính đến 14h ngày 17/10). Bao gồm giáo viên và học sinh của 3 cấp Tiểu học, THCS, THPT. Đến thời điểm hiện tại riêng số lượng F1 là học sinh có 2455 em, giáo viên F1 là 304 người. Nhiều trường đã có hàng trăm trường hợp giáo viên và học sinh trở thành đối tượng F1.
Theo thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thị xã Bỉm Sơn, hiện các khu cách ly đã đầy, các đối tượng là F1 nếu đủ các điều kiện theo quy định, sẽ được cách ly tại nhà.
Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thị xã đã chủ động triển khai phương án "3 tại chỗ" (ăn, nghỉ tại chỗ, làm việc tại chỗ và phòng, chống dịch tại chỗ) thì tiếp tục hoạt động bình thường.
Những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thị xã chưa chủ động triển khai phương án "3 tại chỗ" (ăn, nghỉ tại chỗ, làm việc tại chỗ và phòng chống dịch tại chỗ) thì tạm dừng hoạt động đến khi đảm bảo các biện pháp "3 tại chỗ".
Huyện Hà Trung ghi nhận 4 bệnh nhân có địa chỉ thôn Bắc Sơn, xã Hà Bắc, trong đó 1 bệnh nhân nữ làm việc tại thị xã Bỉm Sơn và lây bệnh cho 3 người cùng gia đình.
TP Sầm Sơn ghi nhận 1 bệnh nhân nữ, có địa chỉ thôn Minh Cát, xã Quảng Cư có tiếp xúc với 1 bệnh nhân của ổ dịch thị xã Bỉm Sơn.
Các huyện có bệnh nhân dương tính mới trở về từ các tỉnh thành phố phía Nam đang được cách ly tập trung gồm: Huyện Hoằng Hóa 2 bệnh nhân (bệnh nhân nữ địa chỉ thôn Nga Phú, xã Hoằng Xuân và bệnh nhân nam thôn Kim Sơn, xã Hoằng Đông); Huyện Thạch Thành ghi nhận 1 bệnh nhân nữ địa chỉ thôn Eo Bàn, xã Thành Long; Huyện Như Xuân ghi nhận 1 bệnh nhân nam địa chỉ Làng Kèn, xã Thanh Lâm; Huyện Như Thanh ghi nhận 1 bệnh nhân nữ địa chỉ thôn Xuân Thịnh, xã Yên Thọ; Huyện Bá Thước ghi nhận 2 bệnh nhân nam cùng địa chỉ Làng Khò, xã Điền Quang.
Nguồn:
https://giadinh.net.vn/thanh-hoa-o-dich-tai-thi-xa-bim-son-da-co-hon-20-hoc-sinh-giao-vien-la-f0-172211017174722041.htm
47 học sinh một trường cấp 2 ở Phú Thọ mắc, nghi mắc COVID-19
Ngày 17/10, UBND tỉnh Phú Thọ ra văn bản về việc khẩn trương thực hiện các biện pháp để chủ động ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan trong cộng đồng.
Từ ngày 13/10, tỉnh này đã phát hiện 53 ca COVID-19 tại xã Chu Hóa và phường Bạch Hạc (thành phố Việt Trì); thị trấn Hùng Sơn và thị trấn Lâm Thao (huyện Lâm Thao).
Từ 12h trưa 17/10, UBND thành phố Việt Trì, UBND huyện Lâm Thao tạm dừng, hạn chế một số hoạt động: Dừng tổ chức đối với các hoạt động văn hóa, lễ hội, nghệ thuật, nghi lễ tôn giáo, hoạt động tổ chức giao lưu thi đấu thể dục - thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại địa điểm công cộng; dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, mát- xa, xông hơi, quán bar, quán internet, trò chơi điện tử, bi-a, spa làm đẹp; nhà hàng, quán ăn, uống không phục vụ tại chỗ. Cùng với đó, yêu cầu người dân tạm thời dừng tổ chức các hoạt động cưới, hỏi; đối với đám hiếu tổ chức gọn, nhanh, hạn chế số lượng người tham dự.
Trước mắt, chính quyền tỉnh Phú Thọ đánh giá nguy cơ dịch bệnh tại Cấp độ 4 (nguy cơ rất cao, màu đỏ) đối với thị trấn Hùng Sơn, thị trấn Lâm Thao (thuộc huyện Lâm Thao) và xã Hy Cương, xã Thanh Đình, xã Chu Hóa và phường Bạch Hạc (thuộc thành phố Việt Trì). Các địa bàn còn lại của thành phố Việt Trì, huyện Lâm Thao xác định nguy cơ dịch ở Cấp độ 3.
Đối với việc dạy học, tỉnh này yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp, chỉ đạo trước mắt tạm dừng việc dạy học trực tiếp tại tất cả các cấp học trên địa bàn thành phố Việt Trì, huyện Lâm Thao.
Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế sáng 17/10, tỉnh này đã phát hiện thêm 6 trường hợp khẳng định dương tính SARS-CoV-2 chưa rõ nguồn lây tại TP Việt Trì (2 ca) và Lâm Thao (4).
Trường hợp thứ nhất mắc COVID-19 tại TP Việt Trì là chị Đ.T.Q, ở khu 8, xã Chu Hóa, thành phố Việt Trì, là quản lý xưởng Công ty TNHH công nghệ Namuga Phú Thọ. Chồng chị Q làm tại Công ty TNHH công nghệ Namuga Phú Thọ và hai người con học Trường Tiểu học Chu Hoá và THCS Chu Hóa.
Trường hợp thứ hai mắc COVID-19 tại Việt Trì là ông D.V.Đ, ở tổ 20, Lang Đài, Bạch Hạc, Việt Trì.
4 trường hợp mắc COVID-19 ở huyện Lâm Thao đều ở khu 1, Thị trấn Hùng Sơn, là người trong cùng gia đình và là F1 của các bệnh nhân COVID-19 đã công bố trước đó.
Họ gồm anh N.M.C là thợ sửa chữa điện lạnh, chị N.T.T.T là lao động tự do và hai con học trường THCS Chu Hóa, TP Việt Trì. Trước đó, anh C có tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 (hàng xóm) hôm 8/10. Hôm 14/10, người hàng xóm này có kết quả dương tính, nhà anh C được cách ly y tế.
Ngay sau khi ghi nhận các trường hợp mắc COVID-19 trên địa bàn, Sở Y tế đã phát hiện cùng chung yếu tố dịch tễ liên quan đến trường tiểu học và THCS Chu Hóa, TP Việt Trì. Ngay lập tức, ngành y tế đã lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ học sinh và giáo viên tại hai trường này.
Nhà chức trách đã lấy mẫu xét nghiệm nhanh 53 mẫu (34 học sinh, 19 giáo viên) ở Trường tiểu học Chu Hóa, kết quả 100% âm tính SARS-CoV-2.
Tuy nhiên trong 477 mẫu (gồm 21 giáo viên, 456 học sinh) Trường THCS Chu Hóa thì phát hiện 45 mẫu nghi ngờ dương tính. 45 mẫu này đều là học sinh thuộc 7 lớp của trường THCS Chu Hóa; riêng lớp 7A có 31/41 học sinh dương tính với SARS-CoV-2.
Đối với bệnh nhân Đ.T.Q (khu 8, xã Chu Hóa), sơ bộ nhà chức trách xác định có 53 F1. Kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên có 2 mẫu nghi ngờ dương tính, số còn lại âm tính.
Lấy mẫu xét nghiệm nhanh 12 người trong cùng gia đình ca bệnh tại khu 4 và khu 8, xã Chu Hóa, cho kết quả 2 mẫu nghi ngờ dương tính (là con của bệnh nhân Q), số còn lại âm tính. Tất cả 12 mẫu được lấy để gửi BVĐK tỉnh Phú Thọ xét nghiệm khẳng định. Đến sáng nay, kết quả khẳng định 2 trường hợp dương tính.
Nguồn:
https://giadinh.net.vn/47-hoc-sinh-mot-truong-cap-2-o-phu-tho-mac-nghi-mac-covid-19-172211017161314793.htm
Xe khách đón thêm 18 người khi chạy từ TP.HCM - Đắk Lắk có người nhiễm COVID-19
Theo Sở GTVT TP.HCM, đến chiều 15-10, Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk có Công văn về việc tạm dừng hoạt động thí điểm vận tải hành khách tuyến cố định TP.HCM – Đắk Lắk và ngược lại.
Qua kiểm tra, Sở GTVT và lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk phát hiện một số trường hợp ô tô vận tải hoạt động không đúng quy định làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Trường hợp vi phạm là nhà xe Thuận Hiếu thuộc Công ty TNHH Vận tải Thịnh An (đơn vị vận tải tỉnh Đắk Lắk).
Theo tường trình của Công ty TNHH Vận tải Thịnh An, khi xe xuất bến tại Bến xe Ngã Tư Ga, được đại diện bến xe xác nhận có 4 người trên xe (gồm hai lái xe và hai hành khách). Trong suốt hành trình từ TP.HCM về đến chốt kiểm soát Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, lái xe đã đón thêm 18 hành khách.
Sau đó, khi về đến chốt kiểm soát Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk toàn bộ hành khách được lực lượng y tế rà soát, lấy mẫu xét nghiệm, kết quả có ba hành khách là một gia đình có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Theo báo cáo, lái xe đã đón dọc đường ba người này tại Mỹ Phước 1, Quốc lộ 13 thuộc tỉnh Bình Dương và có giấy xác nhận kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 vào ngày 14-10 còn thời hạn. Trong đó, chỉ có một người được tiêm ngừa một mũi vaccine, hai trường hợp còn lại chưa đủ 18 tuổi để tiêm ngừa.
Trước thực trạng trên, Sở GTTV đề nghị các cơ quan, đơn vị tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm đón, trả khách dọc đường trên địa bàn TP.
Trong thời gian thí điểm tổ chức hoạt động một số tuyến vận tải hành khách liên tỉnh cố định từ ngày 13 đến 20-10 trên địa bàn TP các đơn vị vận tải không được dừng đón, trả khách dọc đường kể cả tại các điểm dừng đón, trả khách đã được công bố; Xe khách khi xuất bến phải có lệnh xuất bến do đơn vị vận tải cấp, được đại diện bến xe xác nhận giờ xe xuất bến, số lượng hành khách trên xe và có danh sách hành khách.
Thanh tra Sở GTVT phối hợp với các lực lượng thuộc Công an TP, các đơn vị thuộc UBND TP Thủ Đức và các quận huyện (khi có đề nghị) tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm tại các bến xe khách và vi phạm đón, trả khách dọc đường trên địa bàn TP.
Các đơn vị quản lý bến xe khách liên tỉnh tăng cường giám sát, kiểm tra các trường hợp vi phạm tại bến và phối hợp với các bến xe đầu tuyến nơi đến để quản lý danh sách hành khách khi xuất bến; đảm bảo thực hiện đúng các quy định hiện hành và công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại bến xe.
Đối với các đơn vị vận tải hành khách theo tuyến cố định đảm bảo thực hiện đúng quy định hiện hành và công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, các đơn vị trên cần tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý chặt chẽ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe trong quá trình vận chuyển, không được đón, trả khách dọc đường.
Nguồn:
https://plo.vn/do-thi/xe-khach-don-them-18-nguoi-khi-chay-tu-tphcm-dak-lak-co-nguoi-nhiem-covid19-1022270.html
Hành khách tham gia giao thông không phải xét nghiệm, trừ hàng không và đường sắt
Sáng ngày 17/10, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ban hành Quyết định số 10906/QĐ-BGTVT Hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường thuỷ nội địa, hàng hải, đường sắt, hàng không) đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Điều đáng chú ý trong hướng dẫn mới là người dân khi tham gia các phương tiện giao thông (trừ hàng không, đường sắt) chỉ phải xét nghiệm khi có các biểu hiện triệu chứng số, ho, mệt mỏi…và đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng(phong toả); không yêu cầu xét nghiệm khi đi lại trong địa bàn. Văn bản cũng không nhắc đến vấn đề phải cách ly sau khi kết thúc hành trình.
Lãnh đạo Bộ GTVT cho hay, mục tiêu cao nhất đặt ra khi ban hành văn bản là nhằm khôi phục lại hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt, hàng không) phù hợp với công tác phòng, chống dịch COVID-19 để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của người dân dần trở lại tình trạng bình thường mới. Đồng thời, thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP, hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 4800/QĐ-BYT.
Người dân tham gia các phương tiện giao thông đi lại trong địa bàn sẽ không phải xét nghiệm.
Theo đó, Hướng dẫn tạm thời này áp dụng đối với hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt, hàng không) trên phạm vi toàn quốc đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; Hoạt động vận tải hành khách: tuyến bờ ra đảo, hàng không nội địa, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.
Đối tượng áp dụng: Các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng kiểm soát dịch, đơn vị kinh doanh vận tải của 5 lĩnh vực; đơn vị vận tải nội bộ; bến xe, trạm dừng nghỉ trên đường bộ; cảng biển; cảng, bến thủy nội địa; cảng hàng không, sân bay, bãi đáp thủy phi cơ; ga, trung tâm, trạm vận tải đường sắt; đầu mối xếp dỡ hàng hóa khác; Người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ trên phương tiện, người đi theo phương tiện (đối với vận tải hàng hóa, vận tải người nội bộ) và hành khách tham gia giao thông bằng phương tiện vận tải 5 lĩnh vực; Tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vận tải.
Bộ GTVT cũng nêu rõ, để tổ chức hoạt động vận tải đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, cần theo một nguyên tắc chung. Lần này, phạm vi đánh giá dịch sẽ được chia làm 4 cấp độ. Cấp 1 là nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh; cấp 2 nguy cơ trung bình tương ứng với mầu vàng; cấp 3 nguy cơ cao tương ứng với màu cam; cấp 4 nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ. Đánh giá từ quy mô cấp xã (khuyến khích đánh giá từ phạm vi, quy mô nhỏ nhất có thể dưới cấp xã) nhằm đảm bảo linh hoạt, hiệu quả.
Khách tham gia giao thông (trừ vận tải hàng không, đường sắt) phải đáp ứng các yêu cầu sau: Tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế; Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế; Xét nghiệm y tế trong các trường hợp có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở…;
Đáng chú ý, hướng dẫn nêu rõ: Đối với tất cả các cấp độ dịch, chỉ yêu cầu xét nghiệm một trong các trường hợp: Có nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp 3; Đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa); không yêu cầu xét nghiệm khi đi lại trong địa bàn.
Đối với người đã tiêm đủ liều vaccine và người đã khỏi bệnh, chỉ xét nghiệm một trong các trường hợp: Khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; Đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa). Việc xét nghiệm SARS-CoV-2 được thực hiện bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh có giá trị trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhận kết quả).
Nguồn:
https://cand.com.vn/Giao-thong/hanh-khach-tham-gia-giao-thong-khong-phai-xet-nghiem-tru-hang-khong-va-duong-sat-i631718/
Cả nước thống nhất dùng 1 ứng dụng khai báo, nhập dữ liệu tiêm vắc-xin Covid-19
Hội nghị trực tuyến với các địa phương quán triệt một số nội dung về tiêm chủng vắc-xin Covid-19 và giải pháp xác thực, liên thông dữ liệu tiêm chủng với dữ liệu quốc gia về dân cư đã diễn ra chiều 16-10, tại Hà Nội.
Hội nghị kết nối đến 11.000 điểm cầu trên toàn quốc do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, đồng chủ trì.
Lãnh đạo 3 bộ Y tế, Công an và Thông tin - Truyền thông đồng chủ trì hội nghị - Ảnh: Trần Minh
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thời gian qua, Việt Nam đã triển khai chiến lược vắc-xin, với sự nỗ lực tiếp cận, đàm phán, đến nay đã có trên 80 triệu liều vắc-xin Covid-19 về Việt Nam. Nước ta đã và đang tổ chức chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử.
Ông Nguyễn Thanh Long cho biết thời gian qua, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đồng hành, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong các công tác liên quan đến vắc-xin, tiêm chủng vắc-xin.
"Khi triển khai chiến dịch quy mô lớn như vậy, phải có những cách thức quản lý để mọi người dân đều được tiêm chủng, cũng như để chúng ta biết được tình hình tiêm chủng trên toàn quốc"- Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hiện có tình trạng thông tin tiêm chủng của người dân chưa cập nhật đầy đủ, người đã tiêm chủng nhưng không có thông tin trên Sổ Sức khỏe điện tử, nhập đuổi dữ liệu tiêm chủng, hay việc sử dụng chứng nhận tiêm chủng bản giấy…
Ông Nguyễn Thanh Long cho rằng tình trạng tiêm chủng của mỗi người dân hết sức quan trọng, do đó các bộ Y tế - Công an - Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp thống nhất cùng triển khai một phần mềm cập nhật dữ liệu tiêm chủng để quản lý tiêm chủng trên phạm vi toàn quốc và xác thực thông tin về tiêm chủng một cách chính xác, vừa phục vụ phòng chống dịch, vừa phục vụ việc đi lại và tham gia các hoạt động khác của người dân.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc giao nhiệm vụ liên quan đến việc xác thực tiêm chủng cho từng đơn vị của ngành công an trong phối hợp với ngành y tế và thông tin, truyền thông; đồng thời nhấn mạnh đơn vị nào không thực hiện nhiệm vụ được giao phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo bộ.
Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan trong việc phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Công an để đảm bảo thực hiện tiến độ nhập liệu, xác thực tiêm chủng.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh từ ngày 20-10, không chấp nhận tình trạng người dân tiêm vắc-xin trước rồi mới cập nhật thông tin lên hệ thống. Các tỉnh, thành phố phải sử dụng duy nhất một phần mềm cập nhật dữ liệu tiêm chủng, phấn đấu đến ngày 11-11 tới sẽ hoàn thành việc rà soát dữ liệu tiêm chủng để người dân được cập nhật thông tin một cách chính xác, không còn tình trạng sai hoặc thiếu dữ liệu…
Về những sai sót trong quá trình nhập liệu dữ liệu tiêm chủng, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị trong vòng 30 phút ngồi đợi theo dõi sau tiêm, mỗi người đã tiêm chủng cần theo dõi sát Sổ Sức khỏe điện tử để kịp thời báo ngay thông tin sai sót (nếu có) trong dữ liệu tiêm chủng trên Sổ Sức khỏe điện tử.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị mỗi điểm tiêm đối chiếu với danh sách người đến tiêm chủng do trạm y tế xã phường cung cấp hoặc do các cơ quan, đơn vị gửi đến để rà soát và xác thực ngay thông tin tiêm chủng của người dân.
Đối với các trường hợp F0 đã khỏi bệnh, cơ sở y tế tuyến xã, phường phải nhập liệu bởi chính đội ngũ này hiểu rõ, quản lý cụ thể trên địa bàn của mình đã có bao nhiêu F0 khỏi bệnh.
Đến nay, cả nước đã tiêm được hơn 61,5 triệu liều vắc-xin trong đó hơn 17,6 triệu người tiêm đủ 2 liều vắc-xin.
Nguồn:
https://nld.com.vn/suc-khoe/ca-nuoc-thong-nhat-dung-1-ung-dung-khai-bao-nhap-du-lieu-tiem-vac-xin-covid-19-20211017083201682.htm
Thái Bình tạm dừng hoạt động chốt kiểm soát ra/vào tỉnh từ 12h ngày 17/10
UBND tỉnh Thái Bình vừa phát đi công điện hỏa tốc số 10/CĐ-UBND do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Thận ký về việc điều chỉnh một số biện pháp "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, từ 12h ngày 17/10, tỉnh sẽ tạm dừng hoạt động của 8 chốt kiểm soát cửa ngõ ra/vào tỉnh gồm các chốt cầu Tân Đệ, cầu Nghìn, cầu Triều Dương, cầu Thái Hà, cầu La Tiến, cầu Sông Hóa, phà Sa Cao và phà Cồn Nhất.
8 chốt kiểm soát ra/vào tỉnh Thái Bình tạm dừng hoạt động từ 12h ngày 17/10
Giám đốc Sở Y tế chủ trì ban hành hướng dẫn điều chỉnh việc kiểm soát quản lý, giám sát người đến, về tỉnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả chống dịch Covid-19
Khi phát hiện ca bệnh, phải lập tức khoanh vùng, giám sát chặt chẽ, điều tra kỹ lưỡng, truy vết thần. tốc, triệt để, tiến hành phân loại F1, F2, .. để thực hiện cách ly y tế theo quy định, hạn chế đến mức thấp nhất các tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.
Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, người ra/vào tỉnh Thái Bình phải thực hiện nghiêm việc khai báo tế ngay với chính quyền địa phương nơi đến; chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo yêu cầu của chính quyền địa phương nơi đến ngay sau khi khai báo y tế và các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Nguồn:
https://www.baogiaothong.vn/thai-binh-tam-dung-hoat-dong-chot-kiem-soat-ravao-tinh-tu-12h-ngay-1710-d528910.html
Sóc Trăng: Quán Karaoke, vũ trường ở vùng xanh được phép mở cửa trở lại
Tối 16/10, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành quy định tạm thời các biện pháp hành chính "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quá dịch COVID-19" theo từng cấp độ trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, từ 0h ngày 17/10, người dân ở tất cả các vùng không được đi đến vùng đỏ, trừ các trường hợp đặc biệt được cho phép. Người từ vùng xanh được đến hoặc đi qua vùng xanh, vùng vàng nhưng phải tuân thủ 5K.
Trường hợp người vùng xanh đến vùng cam, hoặc người vùng vàng, cam đi lại các vùng phải có chứng nhận đã tiêm đủ hai liều vaccine, trong đó, mũi hai đã hơn 14 ngày hoặc có giấy điều trị khỏi COVID-19 không quá 6 tháng.
Người dân khi vào tỉnh Sóc Trăng phải tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc F0 khỏi bệnh trong vòng 6 tháng. Nếu công dân di chuyển từ vùng dịch phải có thêm giấy xét nghiệm âm tính nCoV bằng phương pháp RT-PCR còn giá trị. Các trường hợp còn lại phải cách ly tập trung hoặc tại nhà theo quy định của bộ Y tế.
Theo quy định mới của tỉnh Sóc Trăng, nhà hàng, quán ăn tại vùng xanh được phép hoạt động, nhưng bố trí không quá 4 người/bàn, mỗi bàn cách nhau 2m; vũ trường, massage, quán bar được hoạt động nhưng cùng một thời điểm trong cơ sở không quá 10 người, mỗi phòng không quá bốn người; cơ sở kinh doanh karaoke, bida được hoạt động nhưng không bố trí quá 4 người/bàn hoặc phòng.
Tại vùng vàng, người dân được tập trung 20 người tại những hoạt động trong nhà, ngoài trời tại một địa điểm; nhà hàng, quán ăn, giải khát được 2 người một bàn cách nhau 2 m.
Đối với vùng cam, người dân được tập trung 6 người; nhà hàng, quán ăn chỉ bán mang về và người dân được phát phiếu đi chợ 2 ngày một lần.
Hoạt động vận chuyển hàng hóa nội tỉnh và liên tỉnh, hoạt động vận tải hành khách công cộng đường bộ đường thủy được phép hoạt động, sở GTVT sẽ có hướng dẫn cụ thể riêng. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ cắt tóc, làm đẹp, gym, yoga, bán hàng rong, vé số, hoạt động giáo dục đào tạo trực tiếp được hoạt động.
Còn đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các công trình, dự án, trung tâm thương mại, siêu thị, của hàng tiện ích, chợ truyền thống, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, khách sạn, nhà nghỉ được hoạt động nhưng có điều kiện.
Nguồn:
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/soc-trang-quan-karaoke-vu-truong-o-vung-xanh-duoc-phep-mo-cua-tro-lai-a516480.html
Người dân có thể chủ động đăng ký tiêm vắc xin COVID-19 mũi 2
Theo số liệu thống kê của Sở Y tế TPHCM đến ngày 15/10, Thành phố còn hơn 1,6 triệu người cần chích mũi 2. Hiện số lượng vắc xin dự trù để tiêm cho mũi 2 đã có đủ. Để nhanh chóng có thể trở lại trạng thái bình thường mới, Thành phố đang đẩy nhanh tiến độ tiêm đủ 2 liều vắc xin cho người dân cư trú trên địa bàn.
Trước thực tế cần đẩy nhanh tiến độ tiêm đủ liều vắc xin cho người trên 18 tuổi, chiều 16/10, Sở Y tế TPHCM đã có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận huyện đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát lại danh sách người trên 18 tuổi đang cư trú trên địa bàn, thống kê báo cáo các số liệu về số người đã tiêm mũi 1, số người đã tiêm mũi 2, số người chưa tiêm mũi 2.
Thành phố đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng COVID-19 để hoàn tất mũi 2 cho nhóm trên 18 tuổi
Đặc biệt, trong nhóm chưa tiêm mũi 2 cần làm rõ số lượng người đã đến hạn mà chưa được tiêm cũng như các lý do mà họ chưa được tiêm như: đã nhiễm COVID-19 nên phải hoãn tiêm, không còn ở nơi cư trú, đã tiêm nơi khác…
Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng kế hoạch tổ chức tiêm chủng trong đó áp dụng nhiều hình thức thông tin đến người dân về kế hoạch tiêm chủng, lịch tiêm chủng… trên địa bàn, mời gọi người dân đến tiêm mũi 1 và mũi 2 khi đủ thời gian.
Công tác tổ chức cần tạo mọi thuận lợi cho người dân ra tiêm. Người dân đủ thời gian tiêm mũi 2 có thể chủ động ra điểm tiêm đăng ký, không phân biệt thường trú, tạm trú, chỉ cần là người đang cư trú đều sẽ được tiêm chủng đầy đủ.
Tính đến ngày 15/10 Thành phố đã thực hiện tiêm tổng cộng 12.539.422 liều vắc xin phòng COVID-19 trong đó đã tiêm được 7.108.111 mũi 1 và 5.431.311 mũi 2, đạt tỷ lệ mũi 1 là 98,6% và mũi 2 là 75,3%.
Nguồn:
https://tienphong.vn/nguoi-dan-co-the-chu-dong-dang-ky-tiem-vac-xin-covid-19-mui-2-post1385445.tpo
Tạm đình chỉ 3 chủ tịch phường vì để các cơ sở ăn uống vi phạm phòng dịch
Đêm 16-10, UBND TP Hạ Long cho biết TP này đã ra quyết định tạm đình chỉ nhiệm vụ đối với chủ tịch UBND các phường Hồng Hải, Hà Khẩu, Hoành Bồ do để các cơ sở ăn uống không tuân thủ đúng yêu cầu phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Trước đó, tối 16-10, UBND TP Hạ Long tổ chức đoàn công tác thực hiện kiểm tra đột xuất công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ cũng như công tác kiểm tra của các xã phường trên địa bàn.
Đoàn công tác tiến hành kiểm tra Nhà hàng Hồng Hạnh 2 (thuộc địa bàn phường Hồng Hải), phát hiện cơ sở này chưa thực hiện nghiêm việc yêu cầu khách hàng thực hiện quét mã QR-Code, chưa điều chỉnh phương án phòng chống dịch trong tình hình mới.
Lực lượng chức năng TP Hạ Long kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Nhà hàng Hồng Hạnh 2
Đoàn kiểm tra của TP Hạ Long cũng tiến hành kiểm tra nhà hàng Hồng Minh (thuộc địa bàn phường Hà Khẩu) và quán gà tươi Mạnh Hoạch (thuộc địa bàn phường Hoành Bồ) cũng phát hiện các dấu hiệu vi phạm phòng chống dịch tương tự.
Ngay trong tối 16-10, UBND TP Hạ Long đã chỉ đạo lực lượng chức năng thực hiện đóng cửa đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống này.
Đồng thời, UBND TP Hạ Long cũng đã ra quyết định tạm đình chỉ đối ông Lê Hữu Nghĩa - Chủ tịch UBND phường Hồng Hải, ông Phạm Tiến Phúc - Chủ tịch UBND phường Hà Khẩu và bà Ngô Thị Huệ - Chủ tịch UBND phường Hoành Bồ vì có cơ sở vi phạm thuộc địa bàn quản lý.
Cả 3 chủ tịch phường bị tạm đình chỉ nhiệm vụ 15 ngày để tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong phòng chống dịch COVID-19.
Theo UBND TP Hạ Long, thời gian qua, địa phương này đã tích cực triển khai công tác phòng chống dịch COVID-19, tiêm chủng diện rộng đạt kết quả cao, chủ động triển khai các biện pháp kiểm soát, giữ địa bàn an toàn, từng bước mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Biện pháp cứng rắn này của TP Hạ Long nhằm phát huy những thành quả trong công tác phòng chống dịch thời gian qua, giữ địa bàn an toàn nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa kiểm soát dịch bệnh vừa phát triển kinh tế.
Nguồn:
https://plo.vn/thoi-su/tam-dinh-chi-3-chu-tich-phuong-vi-de-cac-co-so-an-uong-vi-pham-phong-dich-1022258.html