COVID-19 19/4: Hệ lụy khủng khiếp từ cuộc chiến chống COVID-19 ở Hồng Kông

H.A - Ngày 19/04/2022 12:15 PM (GMT+7)

Những người đến Hồng Kông (Trung Quốc) vào thời gian này bắt gặp nhựa ở khắp mọi nơi tại các khách sạn cách ly: điều khiển từ xa bọc trong giấy bóng kính, gối nằm trong túi nhựa hay dao muỗng nhựa.

7 diễn biến

Hệ lụy khủng khiếp từ cuộc chiến chống COVID-19 ở Hồng Kông

Các chính sách cách ly nghiêm ngặt tại Hồng Kông (Trung Quốc)với mục đích ngăn chặn Covid-19 ở biên giới và trong cộng đồng đang bị chỉ trích vì gây thiệt hại cho nền kinh tế và sức khỏe tinh thần. Ngoài ra, các nhà bảo vệ môi trường cũng lên án những chính sách này đang làm tổn hại môi trường vì tạo ra rác thải dư thừa.

"Tất cả các nhân viên tại khách sạn đều mặc đồ bảo hộ. Điều khiển từ xa hay tất cả mọi thứ đều được bọc trong giấy bóng kính" - bà Clemetine Vaughan, một người đến Hồng Kông từ ngày 4-4, nhận xét.

Theo số liệu từ chính quyền, Hồng Kông thải ra hơn 2.300 tấn nhựa mỗi ngày và vì tỉ lệ tái chế chỉ khoảng 11%, hầu hết số rác thải này được đưa ra bãi rác. Một phát ngôn viên chính phủ nói các quan chức đều biết về tình trạng này và đã thúc giục người dân áp dụng lối sống xanh càng nhiều càng tốt.

Một bãi rác ở Hồng Kông được chụp vào ngày 11-4. Ảnh: Reuters

Một bãi rác ở Hồng Kông được chụp vào ngày 11-4. Ảnh: Reuters

Hồng Kông, một trong số ít những nơi áp dụng chính sách zero Covid, đã cách ly hàng ngàn người trong năm nay tại các cơ sở dành cho bệnh nhân Covid-19 và những người có tiếp xúc gần.

Các cơ sở này làm tăng thêm vấn đề rác thải khi nhiều người xác nhận với hãng tin Reuters rằng các bữa ăn đều được bọc trong túi nhựa. Ông Paul Zimmerman, một ủy viên hội đồng quận, cho biết các cơ sở này cũng là sự lãng phí vì không thể được sử dụng lâu dài. "Chúng được xây rất vội vàng và không tuân thủ bất kỳ tiêu chuẩn xây dựng cụ thể nào ở Hồng Kông" - trích lời ông Zimmerman.

Các nhân viên vệ sinh mặc đồ bảo hộ bỏ rác tại 1 khách sạn cách ly ở Hồng Kông. Ảnh: Reuters

Các nhân viên vệ sinh mặc đồ bảo hộ bỏ rác tại 1 khách sạn cách ly ở Hồng Kông. Ảnh: Reuters

Trong 1 diễn biến khác, chính quyền Tổng thống Joe BIden sẽ không còn áp dụng quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng. Quyết định này được đưa ra sau khi 1 thẩm phán liên bang tại Florida ngày 18-4 ra phán quyết rằng chỉ thị kéo dài 14 tháng trên là bất hợp pháp, làm đảo lộn nỗ lực quan trọng của Nhà Trắng trong việc giảm bớt sự lây lan của Covid-19.

Ngay sau thông báo trên, nhiều hãng hàng không lớn như American Airlines, United Airlines, Delta Air Lines và tuyến tàu hỏa quốc gia Amtrak đã nới lỏng các hạn chế ngay lập tức.

Phán quyết của thẩm phán Kathryn Kimball Mizelle, một người được cựu Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm, được đưa ra trong 1 vụ kiện do nhóm Quỹ Bảo vệ Tự do Y tế đệ đơn vào năm ngoái tại TP Tampa, Florida. Thẩm phán Mizelle nói Cơ quan Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã vượt quá thẩm quyền với quy định bắt buộc đeo khẩu trang, không tham khảo ý kiến của công chúng và không giải thích thỏa đáng các quyết định của họ.

Hành khách đeo khẩu trang tại sân bay TP Denver, bang Colorado. Ảnh: Reuters

Hành khách đeo khẩu trang tại sân bay TP Denver, bang Colorado. Ảnh: Reuters

Một quan chức Mỹ nói trong khi các cơ quan đang đánh giá các bước đi tiềm năng tiếp theo, quyết định của tòa án có nghĩa là quy định đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng của CDC không còn hiệu lực. Tuy nhiên, chính quyền vẫn có thể chọn cách kháng nghị lệnh hoặc tìm cách trì hoãn khẩn cấp việc thực thi lệnh.

Phán quyết được đưa ra trong bối cảnh các ca nhiễm Covid-19 đang tăng trở lại ở Mỹ với trung bình 36.251 ca nhiễm và 460 ca tử vong được báo cáo mỗi ngày. Đây là con số cao nhất trong tổng số ca tử vong do Covid-19 được báo cáo trên thế giới.

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/he-luy-khung-khiep-tu-cuoc-chien-chong-covid-19-o-ho...

Covid-19 vẫn là ẩn số

Hàn Quốc đã dỡ bỏ hầu hết biện pháp phòng dịch Covid-19 hôm 18-4, thể hiện bước tiến dài để quay lại cuộc sống bình thường. Nhà hàng và các doanh nghiệp không còn phải đóng cửa trước nửa đêm và lệnh cấm tụ tập trên 10 người được hủy bỏ. Dù vậy, người nhập cảnh chưa tiêm vắc-xin vẫn phải cách ly bắt buộc.

Số ca mắc Covid-19 mới ở Hàn Quốc ngày 18-4 dừng ở mốc hơn 47.700 ca, thấp nhất kể từ ngày 9-2. Nước này từng chứng kiến hơn 620.000 ca/ngày vào giữa tháng 3 vừa qua nhưng nhờ phủ vắc-xin đầy đủ tới gần 87% trong tổng số 52 triệu dân, nên Hàn Quốc vẫn khống chế được số trường hợp tử vong và nguy kịch.

Các công ty cũng dần đón nhân viên quay lại làm việc - theo Reuters. Hầu hết nhân viên của nhà sản xuất thép khổng lồ POSCO đã quay lại nơi làm việc từ tháng trước, còn LG Electronics giảm tỉ lệ nhân viên làm việc tại nhà từ 50% xuống 30%.

Người dân ở thủ đô Seoul - Hàn Quốc ngắm hoa anh đào nở hôm 9-4 Ảnh: REUTERS

Người dân ở thủ đô Seoul - Hàn Quốc ngắm hoa anh đào nở hôm 9-4 Ảnh: REUTERS

Cùng ngày 18-4, du thuyền Pacific Explorer đã cập cảng Sydney của Úc, đánh dấu lần đầu tiên cảng biển này tiếp nhận các tàu thuyền du lịch trở lại sau hơn 2 năm áp đặt lệnh cấm.

Dù nhiều nước nới lỏng biện pháp phòng dịch nhưng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn khẳng định còn rất lâu Covid-19 mới trở thành một bệnh thông thường. Giám đốc Chương trình y tế khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan, hôm 14-4 nhắc nhở rằng Covid-19 vẫn có khả năng gây dịch bệnh rất lớn.

Vài ngày sau cảnh báo của WHO, Ấn Độ hôm 18-4 thông báo số ca mắc Covid-19 hằng ngày đã tăng gần gấp đôi, lên mức 2.183 ca, lần đầu tiên trong tháng này. Riêng bang Kerala ở miền Nam, theo Reuters, thông báo số ca tử vong nhảy vọt, chiếm 151/214 ca tử vong mới của cả nước.

Tại Trung Quốc, TP Thượng Hải ghi nhận 3 trường hợp tử vong hôm 17-4, cả 3 người trong độ tuổi 89-91 và đều có bệnh nền. Đây là những ca tử vong đầu tiên của đợt bùng phát mới hiện nay cũng như của hơn 1 năm qua ở Trung Quốc, nâng tổng số bệnh nhân tử vong lên 4.641 người, theo AP.

Trong ngày 18-4, Trung Quốc thông báo ghi nhận 23.362 bệnh nhân mới trong 24 giờ trước đó. Từ cuối tuần rồi, TP Tây An ở phía Tây bắt đầu phong tỏa một phần trong 4 ngày, còn TP Trịnh Châu ở miền Trung đóng cửa sân bay trong 2 tuần và xét nghiệm diện rộng. Chính quyền TP Ôn Châu thậm chí treo thưởng 50.000 nhân dân tệ để tìm ra người khai báo y tế gian dối, theo trang tin The Paper.

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc quý I/2022 đạt 4,8% - cao hơn so với mức 4,4% dự báo - song không vì thế mà giới chuyên gia bớt lo ngại, theo đài Al Jazeera. Thậm chí, họ sợ sẽ có một cuộc suy thoái sâu do chính sách "không Covid-19" của Trung Quốc và chiến sự tại Ukraine.

Trong khi sản lượng công nghiệp Trung Quốc trong tháng 3 tăng 5% (so với cùng kỳ năm ngoái) thì doanh số bán lẻ giảm 3,5%. "Điều tồi tệ nhất chưa tới. Hoạt động tháng 1-2 mạnh hơn kỳ vọng nhưng chúng ta đã kịp thấy ảnh hưởng của các biện pháp phong tỏa lên doanh số bán lẻ của tháng 3" - ông Carlos Casanova, nhà kinh tế cấp cao của Ngân hàng UBP, nói với Al Jazeera.

Theo Công ty Nghiên cứu đầu tư Gavekal, trong số 100 thành phố lớn nhất về quy mô kinh tế của Trung Quốc, có tới 87 nơi đang chịu hạn chế phòng dịch với chiều hướng ngày càng thắt chặt. Điều này khiến cho nhiều nhà kinh tế lo ngại Trung Quốc khó đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5% cả năm nay.

Tâm lý lo ngại của nhà đầu tư cũng được thể hiện qua phản ứng trái chiều của các thị trường châu Á sau khi Trung Quốc công bố dữ liệu kinh tế mới.

Tại Mỹ, thị trường chứng khoán phái sinh của Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch sáng 18-4 (giờ địa phương), giữa lúc giới đầu tư chờ đợi tuần lễ công bố doanh thu quan trọng của quý I/2022. "Tiên phong" công bố báo cáo là Ngân hàng Mỹ, tiếp đó là hàng loạt đại gia như IBM, Procter and Gamble, Johnson and Johnson… cùng những tên tuổi dẫn dắt xu hướng như Netflix, Tesla, Snap…

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/covid-19-van-la-an-so-20220418211155211.htm

Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh trở lại

Sau một thời gian số ca COVID-19 giảm, Ấn Độ một lần nữa chứng kiến sự gia tăng các trường hợp nhiễm Covid-19.

Ấn Độ là nơi bị ảnh hưởng nặng về vì dịch COVID-19 vào năm 2021 nhưng tình hình đã được cải thiện rõ rệt trong năm nay và hầu hết các biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19 bao gồm cả việc đeo khẩu trang gần đây đã được bãi bỏ tại quốc gia này.

Nhiều biện pháp phòng ngừa COVID-19 tại Ấn Độ đã được dỡ bỏ, bao gồm cả việc đeo khẩu trang. Ảnh: Reuters

Nhiều biện pháp phòng ngừa COVID-19 tại Ấn Độ đã được dỡ bỏ, bao gồm cả việc đeo khẩu trang. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, số ca mắc bệnh đang gia tăng trở lại ở đất nước hơn tỷ dân, với 2.183 ca nhiễm mới được báo cáo vào ngày 18/4, nâng tổng số ca lên hơn 43 triệu ca, theo số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ (Dữ liệu được cập nhập lúc 8 giờ sáng).

Trong 24 giờ qua, nước này cũng ghi nhận 214 trường hợp tử vong do COVID-19, trong đó có 213 trường hợp từ bang Kerala, miền nam nước này, nơi được coi là đưa ra dữ liệu chính xác hơn nhiều bang khác tại Ấn Độ.

Ngoài bang Kerala, thủ đô Delhi và các bang Maharashtra và Haryana đã báo cáo số ca nhiễm COVID-19 tăng lên ba con số trong 24 giờ qua. Dữ liệu trên tờ The Times of India ngày 18/4 cho thấy, trong tuần từ 11-17/4, Ấn Độ ghi nhận 6.610 ca mắc mới COVID-19, tăng 35% so với mức 4.900 ca trong 7 ngày trước đó.

Đây là lần đầu tiên số ca mắc mới COVID-19 trong một tuần ở Ấn Độ tăng kể từ tháng 1/2022.

Tuy nhiên, tổng số ca mắc COVID-19 trong 7 ngày qua ở nước này nhìn chung vẫn ở mức thấp so với cách đây 2 năm và đợt lây nhiễm ở các bang New Delhi, Haryana và Uttar Pradesh dường như đã được kiểm soát.

Số ca nhập viện tại Ấn Độ vẫn ở mức thấp mặc dù số ca nhiễm COVID-19 đang có chiều hướng tăng lên trong những ngày gần đây kể từ khi tất cả các hạn chế được bãi bỏ.

Song, giới chuyên gia nhấn mạnh đại dịch COVID-19 chưa kết thúc và số ca mắc mới ở các bang điểm nóng dù không tăng cao nhưng chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/an-do-ghi-nhan-so-ca-nhiem-covid-19-tang-manh-tro-lai-a...

Tp.HCM: Khuyến cáo phụ huynh theo sát trẻ sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19

Chiều 18/4, tại cuộc họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế Tp.HCM, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tp.HCM (HCDC) đã trả lời về tình hình tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sau 2 ngày triển khai.

Theo ông Tâm, ngày 16/4, địa phương bắt đầu ra quân chiến dịch tiêm vắc-xin cho trẻ lớp 6.

Ngày đầu tiên tổ chức, ngành y tế và ngành giáo dục đã phối hợp tiêm được cho hơn 10.400 trẻ học lớp 6 và hoãn tiêm đối với 1.379 trẻ do mắc Covid-19 chưa đủ 3 tháng hoặc có tiền sử dị ứng và các bệnh lý khác.

Sau một ngày nghỉ, ngày 18/4, đồng loạt 22 quận, huyện và Tp.Thủ Đức đã tiến hành tiêm chủng cho các trẻ khi dự kiến 433 điểm tiêm, hơn 42.500 trẻ em, tức là gấp 4 lần ngày đầu tiên.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tp.HCM tại họp báo.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tp.HCM tại họp báo.

Ông Tâm cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại, Tp.HCM chưa ghi nhận ca tai biến nào. Mặc dù có 1 điểm do trẻ có tâm lý sợ hãi nên dẫn đến mệt mỏi sau tiêm, theo dõi chưa thấy vấn đề gì”.

Đại diện HCDC khuyến cáo, trẻ phải được theo dõi tại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút và ít nhất 3 ngày đầu tiên, người lớn phải theo sát trẻ 24/24 giờ. Trong 28 ngày đầu tiên, phụ huynh và nhà trường cần để ý những dấu hiệu của trẻ và liên hệ nhân viên y tế để được hướng dẫn kịp thời.

Trước đó, ngày 16/4, Tp.HCM tổ chức tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi với gần 900.000 trẻ đang sinh sống và học tập tại địa phương trong độ tuổi này. Trong đó, có hơn 885.000 trẻ đi học và hơn 12.800 trẻ không đi học, được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Dự kiến, chiến dịch sẽ kéo dài đến ngày 30/4.

Tại họp báo, trước câu hỏi về việc trẻ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 có được tiêm các loại vắc-xin khác cùng thời điểm hay không, bà Lê Thiện Huỳnh Như, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế Tp.HCM cho biết: “Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trẻ có thể được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 và các loại vắc-xin khác cùng một lúc, kể cả vắc-xin cúm nhưng tiêm ở vị trí khác nhau”.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/tp-hcm-khuyen-cao-phu-huynh-ke-can-tre-sau-khi-tiem-vac-xin-...

Đà Nẵng gia hạn thanh tra việc mua kit test Covid-19

Chiều 18/4, trong buổi họp báo quý I năm 2022, ông Phan Thanh Long, Chánh Thanh tra Tp.Đà Nẵng cho biết, theo quy định, Thanh tra thành phố này đã có đoàn thanh tra, kiểm tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit test xét nghiệm Covid-19 trên địa bàn. Thời gian thanh tra đến 15/4.

Tuy nhiên, khi hết thời hạn, do sự việc phức tạp nên Thanh tra Tp.Đà Nẵng đã gia hạn thêm 25 ngày. “Khi có kết quả, Thanh tra thành phố sẽ công bố công khai”, ông Long cho biết.

Trước đó, Sở Y tế Tp.Đà Nẵng thông tin, thời điểm tháng 5/2021, trước yêu cầu cấp bách của công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 và để bảo đảm kịp thời sinh phẩm xét nghiệm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Tp.Đà Nẵng đề xuất mua 70.000 test sinh phẩm xét nghiệm LightPower IVASARS-CoV-2 1stRT-rPCR Kit, hãng sản xuất là Công ty cổ phần công nghệ Việt Á với đơn giá dự toán 509.250 đồng/test.

Cơ sở xây dựng giá dự toán của mặt hàng sinh phẩm xét nghiệm LightPower IVASARS-CoV-2 1stRT-rPCR Kit gồm 3 báo giá thị trường, các quyết định trúng thầu trước đó được công khai tại cổng công khai kết quả đấu thầu Bộ Y tế theo quy định.

Từ ngày 2/7/2021, Bộ Y tế cập nhật giá bán công khai sinh phẩm này tại Công văn số 5288 BYT-TB-CT là 470.000 đồng/test cho đơn hàng dưới 500.000 test, 367.500 đồng/test với đơn hàng từ 500.000 đến dưới 1.000.000 test.

Trên cơ sở đề xuất của CDC Đà Nẵng, Sở Y tế phối hợp các cơ quan có liên quan trình UBND Tp.Đà Nẵng phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu 3 gói thầu, với tổng số lượng mua sắm 200.000 test, đơn giá 367.500 đồng/test.

Liên quan đến việc thực hiện thủ tục mua sắm, Hội đồng thẩm định Sở Y tế thực hiện thẩm định hồ sơ, xin ý kiến Hội đồng mua sắm phòng, chống Covid-19 thành phố gồm các thành viên Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Công an Tp.Đà Nẵng và lấy ý kiến Sở Tài chính về giá dự toán mua sắm, đồng thời tổng hợp, xây dựng báo cáo trình UBND phê duyệt mua sắm và kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Bên cạnh đó, theo dữ liệu tại hệ thống đấu thầu quốc gia, Công ty cổ phần công nghệ Việt Á đã trúng một số gói thầu do CDC Tp.Đà Nẵng mời thầu.

Cụ thể, gói thầu Mua sắm sinh phẩm để triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2 công bố ngày 19/11/2020 có giá 1.618.050.000 đồng. Công ty cổ phần công nghệ Việt Á đã trúng thầu với giá 1.618.050.000 đồng.

Trong đó, 50 bộ/50 test LightPower iNA SARS-CoV-2 1 st RT-Rpcr Plus Kit có đơn giá 26.250.000/bộ; 12 bộ/50 test LightPower iNA SARS-CoV-2 1 st RT-Rpcr Kit có đơn giá 25.462.500/bộ.

Ngày 24/4/2021, CDC Tp.Đà Nẵng công bố gói thầu Mua sinh phẩm phục vụ công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 với hình thức đấu thầu rộng rãi, dự thầu qua mạng. Giá gói thầu là 29.292.500.000 đồng, Công ty cổ phần công nghệ Việt Á trúng thầu 29.032.500.000 đồng.

Khối lượng mời thầu là 90.000 test. Trong đó test iVAaDNA/RNA Extraction Kit aM có đơn giá 136.500 đồng, test LightPower IVASARS-CoV-2 1stRT-rPCR Kit có đơn giá 509.250. Các bộ test này đều của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á sản xuất.

Riêng bệnh viện Đà Nẵng, vào giữa năm 2021 thông báo mời thầu gói thầu Mua hóa chất xét nghiệm SARS-CoV-2 trong 6 tháng năm 2021; hình thức đấu thầu rộng rãi qua mạng, phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ.

Ngày 1/6/2021, gói thầu này được mở và chỉ có duy nhất Công ty cổ phần công nghệ Việt Á tham gia với tỉ lệ giảm giá 0%. Giá gói thầu là 12,6 tỷ đồng và công ty này trúng thầu nguyên giá 12,6 tỷ.

Cụ thể, danh sách hàng hóa gồm 24.000 kit xét nghiệm phát hiện Covid-19 có ký hiệu VAS-RHD.96H-SA2AR2 với đơn giá 509.250 đồng/test, 12.000 kit tách chiết RNA có ký hiệu sản phẩm VAS-RAD.96H-EXRAP1 với đơn giá 31.500 đồng/test.

Bên cạnh đó, gói thầu Mua vật tư y tế sử dụng xét nghiệm SARS-CoV-2 trong 6 tháng năm 2021 được đấu thầu rộng rãi qua mạng, mở thầu ngày 24/5/2021 có 2 nhà thầu tham gia. Giá gói thầu 3.852.000.000 đồng, Công ty TNHH Thiết bị y tế Quang Trung trúng thầu với giá 2.126.016.000 đồng.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/da-nang-gia-han-thanh-tra-viec-mua-kit-test-covid-19-a550198...

Thượng Hải tiếp tục thông báo ca tử vong vì Covid-19

Theo hãng tin Bloomberg, những bệnh nhân tử vong ở độ tuổi từ 60 đến 101, đều có bệnh nền nặng.

Cũng trong sáng 19-4, Thượng Hải báo cáo thêm 20.416 ca nhiễm mới, con số vẫn cao những đã giảm so với mức đỉnh gần đây. Hơn 25 triệu cư dân Thượng Hải đã bị phong tỏa trong nhiều tuần với nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn cung cấp thực phẩm tươi sống, nhu yếu phẩm và chăm sóc sức khỏe.

Bệnh nhân Covid-19 trong một bệnh viện dã chiến ở Thượng Hải. Ảnh: EPA-EFE

Bệnh nhân Covid-19 trong một bệnh viện dã chiến ở Thượng Hải. Ảnh: EPA-EFE

Trong khi hầu hết các quốc gia trên thế giới đang chọn giải pháp chung sống với Covid-19, Trung Quốc vẫn theo đuổi chiến lược "Không Covid-19" (Zero-Covid) bất chấp những lo ngại về thiệt hại kinh tế xã hội.

Thượng Hải mới chỉ bắt đầu nới lỏng đối với khối ngành công nghiệp sau tuyên bố ngày 16-4, trong đó yêu cầu các công ty ôtô, chất bán dẫn và y sinh học phải nộp kế hoạch chi tiết về việc phòng chống dịch Covid-19 khi khôi phục sản xuất dựa trên hướng dẫn chung được ban hành cùng ngày, theo Thời báo Hoàn Cầu.

Bloomberg cho hay báo cáo của Thượng Hải về những ca tử vong đầu tiên chỉ bắt đầu sau hơn 1 tháng kể từ khi bùng phát dịch và khi ngày càng có nhiều tranh luận về số ca tử vong chính thức. Con số được báo cáo thấp hơn đáng kể so với các quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao hơn Trung Quốc.

Hôm 18-4, ông Ma Xiaowei, người đứng đầu Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho rằng nếu nới lỏng các biện pháp kiểm soát, sẽ có một số lượng lớn ca mắc ở người mang bệnh nền, người già và trẻ em, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định của nền kinh tế và xã hội. Do đó, Trung Quốc vẫn quyết theo đuổi các biện pháp cứng rắn.

Theo AP, tỉ lệ tiêm chủng tổng cộng của Trung Quốc vào khoảng 90% song tỉ lệ này ở người cao tuổi lại thấp. Chỉ có 62% cư dân trên 60 tuổi của Thượng Hải đã tiêm vắc-xin, theo số liệu công khai mới nhất. Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc phải nâng được tỉ lệ tiêm vắc-xin ở người cao tuổi lên rồi mới có thể tính đến sống an toàn với Covid-19.

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/thuong-hai-tiep-tuc-thong-bao-ca-tu-vong-vi-covid-19...

24 giờ qua, Nga là quốc gia có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 285.481 trường hợp mắc COVID-19 và 1.111 ca tử vong. Tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt 504 triệu ca, trong đó trên 6,22 triệu người không qua khỏi.

Các nước cũng ghi nhận trên 456 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 42 triệu ca và trên 63.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 18/4, thế giới có 85 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới và 52 nước có người tử vong vì căn bệnh này.

Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc là nước có số ca mắc mới cao nhất (với trên 47.000 ca), trong khi Nga là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 200 ca.

Tính tới 23 giờ 59 phút ngày 18/4, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 212 ca tử vong.

Tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi ngay số vắc xin được phân bổ

Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã có quyết định phân bổ vắc xin phòng COVID-19 đợt 143 gồm 1.382.400 liều vắc xin Moderna (tính theo liều 0,25ml) do Chính phủ Úc viện trợ cho trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh thành trong cả nước để phục vụ công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi.

Theo quyết định này, TP HCM được phân bổ 193.800 liều, tiếp đến là Hà Nội với 104.000 liều; các tỉnh thành khác như Thanh Hóa được phân bổ 51.000 liều, Nghệ An 48.600 liều, Bình Dương 28.200 liều, Đồng Nai 44.400 liều, Bà Rịa - Vũng Tàu 13.600 liều, Quảng Ninh 24.000 liều...

Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương yêu cầu các đơn vị tiếp nhận vắc xin và tổ chức tiêm ngay số vắc xin phòng COVID-19 được phân bổ và báo cáo kết quả thực hiện về Cục Y tế dự phòng, các viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur và trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố theo phân vùng quản lý.

Vắc xin Moderna phân bổ đợt này rã đông lúc 23h ngày 13/4/2022, tiêm liều lượng 0,25ml mỗi trẻ.

Trước đó, Viện Vệ sinh dịch tễ TW cũng đã phân bổ 921.600 liều vắc xin Moderna phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi do Chính phủ Úc viện trợ cho trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh thành trong cả nước.

Nguồn: https://tienphong.vn/24-gio-qua-nga-la-quoc-gia-co-so-ca-tu-vong-vi-covid-19-cao-nhat-t...

Cập nhật 18/4: Thiệt hại khủng khiếp ở Thượng Hải do lệnh phong tỏa COVID-19
Thu nhập thực tế của TP Thượng Hải - Trung Quốc giảm hơn một nửa do lệnh phong toả COVID-19 kéo dài.

Dịch COVID-19

H.A (tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19