Người lao động khi làm việc ngoài giờ sẽ được trả lương làm thêm giờ. Vậy, tiền lương làm thêm giờ có đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và thuế TNCN không?
Trong bối cảnh phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15 đồng ý tăng số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động.
Theo Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15, trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ, nhưng không quá 300 giờ trong 1 năm, trừ các trường hợp là người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi; người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Ngoài ra, không áp dụng quy định này đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 107 của Bộ luật Lao động.
Về số giờ làm thêm trong 1 tháng, Nghị quyết nêu rõ trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động, được sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4. Riêng quy định về số giờ làm thêm trong 1 năm có hiệu lực từ ngày 1/1.
Tiền lương làm thêm giờ có phải chịu thuế TNCN không?
Tại khoản 2 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) quy định thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân gồm các khoản thu nhập sau đây: Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công; Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công, phụ cấp quốc phòng, an ninh, phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm, phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật, trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật lao động theo giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế, tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận, tiền thưởng về việc phát hiện, khai báo hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các khoản trợ cấp khác do Bảo hiểm xã hội chi trả, trợ cấp giải quyết tệ nạn xã hội; Tiền thù lao dưới các hình thức; Tiền nhận được từ tham gia hiệp hội kinh doanh, hội đồng quản trị, ban kiểm soát, hội đồng quản lý và các tổ chức; Các khoản lợi ích khác mà đối tượng nộp thuế nhận được bằng tiền hoặc không bằng tiền; Tiền thưởng, trừ các khoản tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước phong tặng, tiền thưởng kèm.
Ngày 2/6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN. Theo đó, điều chỉnh nâng mức giảm trừ cho người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng, cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng và áp dụng ngay từ kỳ tính thuế năm 2020. |
Căn cứ Điểm i Khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC, thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ thì thuộc đối tượng không chịu thuế thu nhập cá nhân.
Cụ thể, phần tiền lương, tiền công trả cao hơn do làm việc thêm giờ, làm đêm được xác định như sau:
Phần tiền lương, tiền công trả cao hơn do làm việc thêm giờ, làm đêm = Tiền lương, tiền công thực trả do phải làm đêm, thêm giờ – Tiền lương, tiền công tính theo ngày làm việc bình thường
Như vậy, theo quy định trên thì thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ thì thuộc đối tượng không chịu thuế thu nhập cá nhân. Phần còn lại của tiền lương làm thêm giờ sẽ thuộc đối tượng tính thuế thu nhập cá nhân và sẽ tính thuế như bình thường.
Tiền lương làm thêm giờ có tính đóng BHXH không?
Hiện nay, các khoản thu nhập tính đóng và không tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được hướng dẫn theo Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH (khoản 26 Điều 1).
Cụ thể, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Mức lương tính theo công việc hoặc chức danh; phụ cấp lương theo thỏa thuận của hai bên (người sử dụng lao động và người lao động).
Các khoản thu nhập không phải tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm: Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.
Các chế độ và phúc lợi khác như thưởng theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác thì ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.
Về tiền lương làm thêm giờ, việc xác định người lao động có làm thêm giờ hay không và người sử dụng lao động có phải trả lương làm thêm giờ hay không tùy thuộc vào từng hình thức trả lương áp dụng đối với người lao động đó.
Cụ thể, đối với lao động hưởng lương theo thời gian thì sẽ được trả lương làm thêm giờ khi làm việc ngoài giờ làm việc bình thường theo yêu cầu của người sử dụng lao động.
Đối với lao động được hưởng lương theo sản phẩm và lương khoán thì sẽ được trả lương làm thêm giờ khi làm thêm số lượng sản phẩm, khối lượng công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động ngoài định mức được giao trong giờ làm việc bình thường.
Đối với một số đối tượng đặc biệt như người lãnh đạo, người phục vụ, người sử dụng lao động nên quy định nguyên tắc xác định làm thêm giờ cụ thể để có căn cứ thanh toán tiền lương làm thêm giờ hợp lý.
Tiền lương làm thêm giờ lại là khoản tiền không xác định được mức cụ thể, bởi doanh nghiệp sẽ trả lương theo thời gian làm việc thực tế, người làm nhiều được hưởng nhiều, người làm ít được hưởng ít.
Do đó, tiền lương làm thêm giờ sẽ thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 5 Điều 3 Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH, là khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
Như vậy, tiền làm thêm giờ, tăng ca là các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động, cho nên sẽ không phải đóng bảo hiểm xã hội.