Loài cá đặc sản bé tí này có ở các vùng biển Việt Nam, trước kia là món ăn nhà nghèo, giờ đổi đời thành đặc sản và là nguyên liệu để làm nước mắm cá cơm lừng danh.
Cá cơm than (còn có tên gọi khác ài là cá cơm đen, cá trỏng đen) là loài cá nước mặn, có nhiều ở vùng biển thuộc các tỉnh miền Trung.
Về đặc điểm nhận dạng, loài cá này bé tí, mình tròn, thịt mềm, thân dài chừng 3 - 7 cm. Chúng có hai sọc đen chạy dài khắp 2 bên lườn, chính vì thế mà người dân vùng biển gọi nó là cơm than, để phân biệt với các loại cá cơm khác như cá cơm trắng.
Cá cơm than có hai sọc đen chạy dài khắp 2 bên lườn, đây chính là đặc điểm nhận dạng của chúng
Anh Chính (ở Hội An) chia sẻ, cá cơm than chỉ có vào mùa nước cạn, khoảng tháng Giêng cho đến tháng 3 Âm lịch. Tuy nhiên, trước đó khoảng nửa tháng, người ta đã thấy nó xuất hiện, lúc này chúng còn rất nhỏ, chỉ to hơn cây tăm một chút. Mùa cá cơm diễn ra rất nhanh trên dưới một tháng do đó người dân làng chài tranh thủ thả lưới cả ban đêm để thu hoạch.
"Đến mùa, mỗi chuyến biển gần bờ, tàu công suất nhỏ khai thác được khoảng 500kg cá cơm than. Những năm trước đây, cá cơm than giá rất rẻ, nó có mặt trong bữa cơm của người nghèo, hoặc là nguyên liệu làm nước mắm. Giờ đây, loại cá này không còn có nhiều như xưa, giá cả vì thế cũng tăng lên", anh Chính cho hay.
Nói về cá cơm than, chị Bích Lan (ở Namm Ô, Đà Nẵng) tự hào nói, ai đã từng nếm vị ngọt mặn của nước mắm Nam Ô hẳn sẽ không thể quên được mùi thơm đặc trưng của nó. Đó là mùi thơm của cá cơm than quyện với muối, tạo nên một hương vị rất riêng.
Vào mùa, mỗi chuyến biển gần bờ, tàu công suất nhỏ khai thác được khoảng 500kg cá cơm than.
Sau khi bắt được cá cơm than tươi, bà con là sạch, chọn lựa từng con kỹ càng rồi muối với thứ muối hạt to. Cá được muối trong những chiếc chum lớn, dưới đáy chum chèn nhiều sạn, cuội nhỏ và chổi đót. Mỗi chum muối như vậy có thể chứa được gần 300kg cá để cho ra gần 150 lít nước mắm loại 1, còn lại là các loại nước mắm loại 2, loại 3 với giá rẻ hơn.
Cá cơm than rim mặn ngọt có mặt trong bữa cơm bình dị của người dân làng chài thời còn nghèo khó
"Ngoài làm nước mắm, trước đây cá cơm còn được rim tiêu, kho mặn ngọt hay nấu canh chua, đều là những món ăn dân dã của người dân miền quê nhưng rất hấp dẫn", chị Lan nói.
Giờ đây, thứ cá dân dã này đã lên đời thành đặc sản, khô cá cơm than ngon nổi tiếng gần xa, còn xuất khẩu ra cả nước ngoài. Trên thị trường, khô cá cơm than được bán với giá từ 250.000-360.000 đồng/kg.
Chị Hòa Giang (một người bán cá cơm than trên chợ mạng) cho biết nhà chị bán 2 loại: Cá cơm than hấp và cá cơm than khô. Loại cá hấp là cá tươi chần nước sôi chín để hong nắng vừa ráo, sau đó chia thành từng khay rồi cấp đông, có thể đem kho hành mỡ, nấu canh, chiên bột..., giá 150.000 đồng/kg.
Cá cơm than khô cũng là cá cơm than tươi chần nước sôi chín xong phơi nắng khô. Khác với cá cơm khô khác là nó đã chín rồi chứ không phơi sống. Cá phơi sống thường tanh và cứng hơn. Khách mua về có thể bắt chảo rang không cho nóng là chấm tuơng ớt ăn được. Loại khô này có thể rim mắm, xóc tỏi ớt tuỳ khẩu vị, giá 360.000 đồng/kg.
Cá cơm than khô có giá lên tới 360.000 đồng/kg, từ thứ cá dân dã ở quê đã trở thành đặc sản được người dân thành phố mê mẩn
Theo chị Giang, cá cơm than khô chị lấy ở quê, một gia đình họ hành của chị làm nên rất đảm bảo, hàng đều, thơm ngon, không sợ bị nấm mốc. Cá cơm khô nếu bảo quản trong tủ lạnh có thể ăn quanh năm mà không sợ hỏng. Mỗi tuần chị đóng cả tạ cá cơm than khô để bán đi cho khách ở khắp các tỉnh thành.