Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM cho biết sau khi nhận được báo cáo của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP về 3 trường hợp nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng, đơn vị đã tiến hành điều tra dịch tễ.
8 diễn biến
3 ca mắc Omicron trong cộng đồng ở TP HCM từng đến những nơi nào?
Bệnh nhân đầu tiên là bà N.T.N.P (41 tuổi, quốc tịch Việt Nam), ngụ tại quận Bình Thạnh, TP HCM. Bà P. đã tiêm 3 mũi vắc-xin ngừa COVID-19. Trước đó, ngày 4-1, bà P. được xét nghiệm PCR tại Mỹ, kết quả âm tính. Ngày 5-1, bà từ Mỹ về Việt Nam, nhập cảnh tại sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) trên chuyến bay BN5404 ngày 7-1 và được cách lý tại khách sạn ở TP Nha Trang.
Trong quá trình cách ly tại đây, bà P. ở phòng riêng. Ngày 9-1, bà được xét nghiệm PCR tại CDC Khánh Hòa và cho kết quả âm tính. Ngày 10-1, bà P. bay chuyến VN1345 từ Nha Trang đến TP HCM lúc 16 giờ 30.
Các bệnh nhân đã được chuyển đến Bệnh viện dã chiến số 12 (TP Thủ Đức, TP HCM) theo dõi, cách ly, điều trị.
Bà P. được 3 người là ông P.D.K (35 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh), bà P.T.N.H. (46 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) và chị T.B.T. (31 tuổi, ngụ quận 11) đón tại sân bay Tân Sơn Nhất. Cả 3 người này cũng đều được tiêm 2 đến 3 mũi vắc-xin ngừa COVID-19.
Khoảng 17 giờ ngày 10-1, tất cả đến nhà một người bạn tại quận Tân Bình. Sau đó, nhóm 3 người (P., K., H.) cùng đi ăn tại nhà hàng Rạn Biển trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3), khoảng 22 giờ thì ra về.
Ngày 11, 12, và 13-1, bà P. ở nhà dọn dẹp, làm việc nhà, không gặp gỡ ai. Tối 13-1, bà ho khan, rát họng nhẹ. Ngày 14-1, bà đến Phòng khám Bernard (quận 3) để lấy thuốc uống rồi về nhà.
Đến ngày 14-1, ông K., bà H. và chị T. có triệu chứng và được phòng khám nêu trên lấy mẫu xét nghiệm, sau đó gửi đến Bệnh viện 30-4 để xét nghiệm PCR, cho kết quả dương tính SARS-CoV-2 vào ngày 15-1. Ngày 16-1, bà P. cũng có kết quả xét nghiệm dương tính do Bệnh viện 30-4 thực hiện.
Sau khi nghi ngờ các mẫu bệnh phẩm, Bệnh viện 30-4 gửi mẫu xét nghiệm của ông K., bà H. và chị T. qua Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM để giải trình tự gen. Khi phát hiện dương tính, Bệnh nhân K. và H. đến nhà bệnh nhân P. để cách ly, điều trị; riêng bệnh nhân T. tự cách ly tại nhà.
Ngày 18-1, phòng xét nghiệm của Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM báo cáo kết quả giải mã 3 mẫu bệnh phẩm của 3 bệnh nhân K., T. và H., cho thấy cả 3 người đã mắc biến thể Omicron. Hiện tại, tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân K., H., T. và P. đều ổn.
Sau khi điều tra dịch tễ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM đã chuyển 4 bệnh nhân nêu trên đến Bệnh viện dã chiến số 12 (TP Thủ Đức) cách ly, theo dõi, điều trị.
Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/3-ca-mac-omicron-trong-cong-dong-o-tp-hcm-tung-den-nhung-no...
TPHCM khẩn cấp tìm người đi cùng 2 chuyến bay có ca nhiễm biến chủng Omicron
Ngày 19/1, thành phố ghi nhận 3 ca mắc COVID-19 biến chủng Omicron có liên quan đến một người nhập cảnh là bà N.T.N.P. (41 tuổi, ngụ tại phường 17, quận Bình Thạnh).
Bà Nam P. đã tiêm 3 mũi vắc xin Pfizer và về Việt Nam trên chuyến bay VN5409 từ Hàn Quốc đến Cảng Hàng không Quốc tế Cam Ranh vào ngày 7/1. Sau khi về nước, bà được cách ly tại khách sạn ở Nha Trang (Khánh Hòa).
Bốn ngày sau, bệnh nhân có xét nghiệm PCR âm tính do CDC Khánh Hòa thực hiện. Ngày 10/1, bà Nam P. bay chuyến VN1345 từ Cam Ranh đến TPHCM.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) đề nghị tất cả hành khách đi trên 2 chuyến bay trên phải liên hệ khai báo cho Trạm Y tế địa phương nơi cư ngụ để được tư vấn và xét nghiệm nhằm phát hiện sớm nguy cơ nhiễm biến chủng Omicron.
Nguồn: https://tienphong.vn/tphcm-khan-cap-tim-nguoi-di-cung-2-chuyen-bay-co-ca-nhiem-bien-chu...
Phát hiện 3 ca nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng ở TP.HCM
Đêm 18/1, Bệnh viện 30/4 (Bộ Công an) cho biết, phòng xét nghiệm sinh học phân tử của bệnh viện đã nghi ngờ, gửi 3 mẫu đi giải trình tự gene, phát hiện 3 ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên trong cộng đồng.
Phòng xét nghiệm SARS-CoV-2 Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: SYT
Trước đó, ngày 15/1, bệnh viện nhận một số mẫu đề nghị xét nghiệm PCR trên các bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Kết quả xét nghiệm PCR SARS-CoV-2 bằng quy trình TapPath (Thermal Fisher Scientifie) tại Bệnh viện 30/4 phát hiện gene S bất thường, trong khi PCR các gene mục tiêu khác cho kết quả bình thường.
Ngay sau đó, các cán bộ phòng đã báo cáo Ban giám đốc Bệnh viện 30/4 và được chỉ đạo thông báo ngay cho các đơn vị liên quan. Ngày 16/1, các mẫu xét nghiệm được gửi tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM để thực hiện giải trình tự gene.
Chiều tối 18/1, kết quả giải mã 3 bộ gene thuộc biến chủng Omicron ( BA.1). Ba mẫu bệnh phẩm này là của 3 bệnh nhân ngụ tại huyện Bình Chánh, quận 11 và quận Gò Vấp.
Ba người này có triệu chứng đau họng và chảy nước mũi nên đến khám tại một phòng mạch tư, được lấy mẫu xét nghiệm (phết họng) gửi Bệnh viện 30/4 nhờ làm xét nghiệm PCR.
Các trường hợp bệnh nhân trên cũng đã được báo cáo tới Sở Y tế TP.HCM vào chiều tối 18/1. Các ca tiếp xúc gần đang được khoanh vùng, điều tra giám sát.
Nguồn: https://danviet.vn/phat-hien-3-ca-nhiem-bien-the-omicron-trong-cong-dong-o-tphcm-202201...
Thanh tra việc mua sắm sinh phẩm, kit xét nghiệm tại Bộ Y tế
Theo nguồn tin, cuộc thanh tra sẽ diễn ra 45 ngày kể từ ngày công bố, không kể ngày lễ, ngày nghỉ theo quy định, thời kỳ thanh tra từ đầu năm 2020 cho đến nay.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện Nghị quyết của Chính phủ; đồng thời tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng chương trình thanh tra năm 2022. Trong đó, TTCP đã xây dựng kế hoạch thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch vừa qua để chống lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Được biết, ngoài Bộ Y tế, Tổng TTCP cũng đã phê duyệt 2 cuộc thanh tra với nội dung tương tự tại UBND TP Hà Nội và TP HCM.
Thời gian vừa qua, dư luận đặc biệt bức xúc khi vụ việc thổi giá kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á được phanh phui. Quá trình điều tra đến nay, C03 – Bộ Công an đã khởi tố 19 bị can về tội danh “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Đưa và Nhận hối lộ”.
Đáng chú ý, ngoài các bị can thuộc nhóm lãnh đạo Công ty Việt Á, CQĐT cũng đã khởi tố, bắt tạm giam một số giám đốc và cán bộ thuộc CDC các tỉnh Hải Dương, Nghệ An, Bình Dương.
Tại Bộ Y tế cũng đã có 2 cán bộ cấp vụ bị khởi tố, bắt tạm giam là ông Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị - Công trình y tế và ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính.
Cơ quan điều tra đã tiến hành kê biên 28 bất động sản, phong tỏa tài khoản hơn 320 tỷ đồng, 100.000 USD và tạm giữ số tiền hơn 4,8 tỷ đồng do một số đối tượng có liên quan tự nguyện giao nộp.
Theo cơ quan điều tra, Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á khai đã "bắt tay" với các đối tác nâng khống giá kit xét nghiệm lên khoảng 45%; số tiền "hoa hồng" Việt Á chi cho các "đối tác" lên tới gần 800 tỷ đồng.
Nguồn: https://tienphong.vn/thanh-tra-viec-mua-sam-sinh-pham-kit-xet-nghiem-tai-bo-y-te-post14...
Pháp lập kỷ lục với gần nửa triệu ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ
Dữ liệu được công bố hôm 18/1 bởi cơ quan y tế Pháp cho thấy nước này đã ghi nhận thêm 464.769 ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, khi biến thể Omicron tiếp tục lây lan nhanh chóng.
Con số này cao gấp hơn 4 lần so với một ngày trước đó (17/1), khi 102.144 người nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Dữ liệu mới nhất cho thấy số ca mắc mới trung bình hằng ngày trong 7 ngày qua ở Pháp đã vượt qua con số 300.000.
Tại Anh, số ca tử vong do COVID-19 trong ngày 18/1 đã tăng lên tới 438 ca, mức cao nhất kể từ ngày 24/2 năm ngoái. Đến thời điểm hiện tại, Anh đã ghi nhận tổng cộng 152.513 ca tử vong do COVID-19, xếp thứ 7 thế giới.
Cùng ngày, truyền thông Anh đưa tin chính phủ nước này đang xem xét dỡ bỏ dần các biện pháp phòng dịch còn lại, bao gồm quy định làm việc tại nhà và việc sử dụng “thẻ xanh” vắc xin.
Mặc dù số ca mắc mới chạm mức kỷ lục trong những tuần gần đây, nhưng việc triển khai nhanh chóng mũi tiêm tăng cường đã giúp số ca nhập viện và số ca tử vong không tăng mạnh như các đợt dịch trước đó.
Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết ông lạc quan rằng các biện pháp kiểm soát sự lây lan của biến thể Omicron sẽ được thu hẹp vào tuần tới khi số ca mắc mới và số ca nhập viện có vẻ đã qua đỉnh.
Cũng trong ngày 18/1, cả Mexico và Brazil đều ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao kỷ lục.
Tại Mexico, thêm 49.343 ca bệnh mới đã được báo cáo. Số ca tử vong cũng lên tới 320 ca, mức cao nhất kể từ cuối tháng 11.
Tại Brazil, thêm 137.103 ca mắc mới được ghi nhận. Số ca tử vong cũng đang tăng lên, với thêm 351 ca được báo cáo ngày 18/1, mức cao nhất kể từ giữa tháng 11/2021.
Sự xuất hiện của biến thể Omicron đã khiến các bệnh viện tại Brazil trở nên quá tải. Cơ quan chức năng buộc phải huy động thêm giường và nhiều nhân viên y tế dù biến thể Omicron dường như ít có nguy cơ gây chết người hơn so với những biến thể trước đó.
Gần 70% dân số Brazil đã được tiêm chủng đầy đủ, và tuần này bắt đầu triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi.
Nguồn: https://tienphong.vn/phap-lap-ky-luc-voi-gan-nua-trieu-ca-mac-moi-covid-19-trong-24-gio...
Bình Dương: Ca mắc COVID-19 giảm nhiều, còn 107 F0 nặng
Ngày 19/1, Sở Y tế tỉnh Bình Dương thông tin trong những ngày gần đây số ca mắc COVID-19 giảm đáng kể, dao động từ 30 đến dưới 100 ca mỗi ngày. Cùng với đó, số bệnh nhân điều trị tại nhà công bố khỏi bệnh từ 1.000 đến 2.000 trường hợp.
Tuy nhiên, số ca tử vong ở Bình Dương lại có xu hướng tăng. Đơn cử, trong 24 giờ qua, Bình Dương ghi nhận đến 8 ca tử vong, trong khi những ngày trước đó chỉ từ 1 đến 3 ca. So với ngày 17/1 tỷ lệ tử vong tăng khoảng 4,9% trong tổng số bệnh nhân nặng nhập viện cần được hồi sức tích cực; tuy nhiên số bệnh nhân nặng chuyển tầng điều trị giảm 13 bệnh nhân.
Hiện toàn tỉnh Bình Dương còn 107 bệnh nhân nặng. F0 nguy kịch cần thở oxy có 61 bệnh nhân. Tính trong đợt dịch lần thứ 4 đến nay, Bình Dương ghi nhận 291.960 ca mắc COVID-19; đã có 511.260 bệnh nhân khỏi bệnh (bao gồm cả kết quả test nhanh), 3.355 bệnh nhân tử vong.
Do tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 tử vong trong ngày tương đối cao, Sở Y tế Bình Dương chỉ đạo các cơ sở y tế củng cố hệ thống điều trị bệnh nhân COVID-19. Đặc biệt trong công tác điều phối chuyển tuyến giữa các tầng điều trị và đẩy mạnh hỗ trợ chuyên môn với các bệnh viện tuyến dưới.
Bình Dương nâng cao năng lực y tế cơ sở, theo dõi F0 tại nhà để giảm thiểu nguy cơ tăng nặng dẫn đến tử vong Ảnh: Hoàng Linh.
Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Dương Huỳnh Minh Chín cho biết, để nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 ngay tại tuyến cơ sở, ngành y tế triển khai giải pháp nâng cao năng lực điều trị F0 tại nhà của các trạm y tế cố định, trạm y tế lưu động. Ngành chủ trương người dân phải được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở nên y tế cơ sở phải nâng cao năng lực, chủ động trang thiết bị, nhân lực, nhất là thuốc điều trị, oxy... nhằm thực hiện tốt mục tiêu chẩn đoán, điều trị sớm, giảm tỷ lệ bệnh nặng và tử vong. Ngoài ra, ngành cũng đẩy mạnh tiêm vắc xin cho người dân. Đây là yếu tố chiến lược, quyết định cả trước mắt và lâu dài đối với công tác phòng, chống dịch bệnh.
Lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương, thông tin thêm hiện ngành đặc biệt quan tâm công tác phát hiện biến chủng Omicron có thể xâm nhập vào địa bàn. Y tế cơ sở tuyệt đối không lơ là, chủ quan, bám sát tình hình, phối hợp Viện Pasteur TP.HCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các Trung tâm Y tế huyện, thị, thành phố tạo thành một hệ thống đánh giá, sớm phát hiện các chủng mới; quan tâm phòng, chống dịch bệnh tại các đô thị, khu, cụm công nghiệp.
Tại tỉnh Bình Phước, theo thông tin từ Sở Y tế cho biết, tính đến nay tổng số ca mắc COVID-19 trên địa bàn có 41.710 ca. Trong tuần qua, toàn tỉnh này ghi nhận thêm 3.400 ca F0 và 22 ca tử vong (tổng số ca tử vong tại Bình Phước là 128 ca). Số ca tử vong chủ yếu là người cao tuổi, có bệnh lý nền, một số người chưa tiêm vắc xin hoặc chưa tiêm đủ các mũi vắc xin theo quy định. Số ca đang điều trị là 8.200 ca. Trung bình mỗi ngày qua, Bình Phước ghi nhận từ 500 đến trên 600 ca mắc COVID-19.
Theo thống kê của ngành y tế, toàn tỉnh Bình Phước hiện có 215.000 người thuộc nhóm nguy cơ mắc COVID-19, trong đó 214.000 người đã tiêm 1 mũi vắc xin; hơn 203.000 người đã tiêm mũi 2 và trên 40.000 người đã tiêm mũi 3 vắc xin. Còn gần 1.300 người chưa tiêm mũi vắc xin nào.
Nguồn: https://tienphong.vn/binh-duong-ca-mac-covid-19-giam-nhieu-con-107-f0-nang-post1410743....
Công bố quyết định thanh tra mua thiết bị, kit test tại Hà Nội
Ngày 19-1, Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố quyết định thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch COVID-19 tại Hà Nội.
Theo Quyết định số 18/QĐ-TTCP, thời kỳ thanh tra từ ngày 1-1-2020 đến ngày 31-12-2021, khi cần thiết có thể xem xét trước và sau thời kỳ thanh tra.
Thời hạn thanh tra là 30 ngày làm việc thực tế kể từ ngày công bố quyết định thanh tra (không kể ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định).
Đoàn thanh tra gồm có 6 thành viên do ông Lê Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục I, TTCP làm Trưởng đoàn.
TTCP công bố quyết định thanh tra việc mua sắm thiết bị y tế kit xét nghiệm ở Hà Nội. Ảnh: Tuyến Phan
Phát biểu tại buổi công bố, Phó Tổng TTCP Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh đây là cuộc thanh tra đột xuất mà Chính phủ chỉ đạo TTCP thực hiện sau khi xảy ra một số việc trong việc mua kit xét nghiệm.
Do cuộc thanh tra thực hiện trong thời gian ngắn với nhiều nội dung lớn, Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm đề nghị UBND TP Hà Nội cử đầu mối cung cấp hồ sơ, tài liệu để đoàn thanh tra thuận tiện liên hệ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Đối với đoàn thanh tra, Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm yêu cầu thực hiện đúng theo nội dung thanh tra đã được phê duyệt, thực hiện đúng quy chế làm việc, quy chế phát ngôn, thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch, tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động thường xuyên của đơn vị.
Thay mặt lãnh đạo UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng trân trọng cảm ơn TTCP đã tổ chức buổi công bố quyết định thanh tra. Ông Dũng cho biết, cuộc thanh tra sẽ giúp cho TP đánh giá lại quá trình thực hiện công tác phòng, chống dịch trong 2 năm qua. Qua đó chỉ ra những hạn chế để TP khắc phục, rút kinh nghiệm, đồng thời TP tiếp tục phát huy những mặt tốt, tích cực để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm yêu cầu của TTCP theo kế hoạch, triển khai đúng, đầy đủ và kịp thời đảm bảo việc thực thi chất lượng, đúng tiến độ.
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội giao Sở Y tế Hà Nội làm đầu mới cung cấp hồ sơ, tài liệu trực tiếp liên hệ với đoàn thanh tra. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị, bệnh viện nghiêm túc thực hiện, chuẩn bị các nội dung theo yêu cầu của đoàn thanh tra, có báo cáo kịp thời với UBND TP khi cần thiết.
Trước đó, trong báo cáo gửi Thủ tướng, Chính phủ về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng năm 2021, TTCP cho hay đã tham mưu Thủ tướng phê duyệt định hướng chương trình thanh tra năm 2022.
Trong đó, giao TTCP thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 tại Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội, TP.HCM.
Tổng TTCP đã xây dựng, phê duyệt ba cuộc thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 tại Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội, UBND TP.HCM.
TTCP cũng có văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2022, trong đó có nội dung thanh tra việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ, việc mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
“Thanh tra Chính phủ sẽ triển khai các cuộc thanh tra nói trên ngay trong Quý I-2022”- báo cáo nêu rõ.
Nguồn: https://plo.vn/thoi-su/cong-bo-quyet-dinh-thanh-tra-mua-thiet-bi-kit-test-tai-ha-noi-10...
Kiểm toán việc sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19
Sáng 19/1, Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức Hội thảo khoa học “Kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19”.
Theo Phó Tổng KTNN Vũ Văn Họa, Hội thảo được tổ chức để lấy thêm ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý và nhất là ý kiến của các lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Kiểm toán nhằm mục tiêu đánh giá việc tuân thủ pháp luật, việc ban hành các cơ chế chính sách, các khó khăn vướng mắc trong quá trình huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch COVID-19, nhằm báo cáo kịp thời với Quốc hội, Chính phủ, thông tin kịp thời cho công luận và xã hội.
Kiểm toán việc huy động quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch COVID-19 tại 32 tỉnh, thành và các Bộ, ngành
Chuyên đề kiểm toán này sẽ tập trung vào việc huy động quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch COVID-19 tại 32 tỉnh, thành phố trực thuộc TW và các Bộ Y tế, Tài chính, Công an, Lao động thương binh xã hội, Ngân hàng nhà nước, Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam…
Chuyên đề này không kiểm toán việc mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, kit xét nghiệm tại tất cả các đơn vị (nội dung này Thanh tra chính phủ thực hiện), KTNN chỉ tổng hợp số liệu theo báo cáo của các đơn vị.
Về thời gian kiểm toán, ông Vũ Văn Họa cho biết, dự kiến được diễn ra từ 16/2 đến 31/3/2022, phát hành báo cáo kiểm toán trước 31/5/2022, nhằm kịp thời báo cáo Quốc hội tại kỳ họp giữa năm. Về tổ chức thực hiện, mỗi chuyên ngành, khu vực thành lập một đoàn kiểm toán tại các bộ, ngành, địa phương thuộc phạm vi kiểm toán.
Đáng lưu ý, nội dung kiểm toán sẽ tập trung vào việc huy động các nguồn lực phòng chống dịch COVID-19. Theo ông Họa, đây là nội dung hết sức quan trọng bởi nguồn lực phòng chống dịch COVID hết sức đa dạng và phong phú như từ ngân sách nhà nước trung ương và địa phương; kinh phí và quỹ của các cơ sở y tế; nguồn viện trợ và tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn thu từ dịch vụ xét nghiệm (nhanh và PCR)…
Nội dung thứ hai thuộc về lĩnh vực sử dụng các nguồn lực, đây là nội dung quan trọng nhất của cuộc kiểm toán chuyên đề này, bởi có rất nhiều chính sách, khoản chi cũng như đối tượng của trung ương, các bộ, ngành, địa phương cho các lực lượng như chính sách hỗ trợ phòng chống dịch cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch; chính sách đối với bệnh nhân được điều trị, người bị cách ly y tế; chính sách đối với người lao động…
Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước đề nghị các đại biểu so sánh, phân tích và cho ý kiến về những khó khăn, vướng mắc về cơ sở pháp lý và hồ sơ thanh, quyết toán và nhất là việc thực hiện các khoản chi và các chính sách trong bối cảnh “Chống dịch như chống giặc”.
Cùng với đó, lần kiểm toán này cũng đề cập đến những khó khăn vướng mắc và những vấn đề phát sinh, trong quá trình tổ chức xây dựng, thanh quyết toán chi phí xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các cơ sở thu dung, cơ sở cách ly, cơ sở điều trị, bệnh viện dã chiến; khó khăn vướng mắc trong việc tiếp nhận, bảo quản phân phối và sử dụng các khoản viện trợ, tài trợ bằng hiện vật nhất là các phương tiện phòng chống dịch như vắc xin, phương tiện vận tải, máy thở, ôxy và các trang thiết bị y tế khác…
Đồng thời, kiểm toán cũng tập trung vào việc xây dựng và ban hành giá các loại dịch vụ trong công tác phòng chống dịch COVID-19, nhất là giá các dịch vụ xét nghiệm (Nhanh và PCR); khó khăn vướng mắc trong việc thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh thông thường và khám chữa bệnh cho người bệnh COVID-19.
Nguồn: https://tienphong.vn/kiem-toan-viec-su-dung-cac-nguon-luc-phong-chong-dich-covid-19-pos...