COVID-19 15/1: Những tỉnh, thành yêu cầu xét nghiệm, cách ly khi về quê ăn Tết

H.A - Ngày 15/01/2022 12:14 PM (GMT+7)

Đa số các địa phương hiện nay đều quy định phòng dịch theo tinh thần của Nghị quyết 128 thích ứng, linh hoạt, tạo điều kiện cho người dân về quê ăn tết.

9 diễn biến

Những tỉnh, thành yêu cầu xét nghiệm, cách ly khi về quê ăn tết

Thời điểm Tết nguyên đán năm 2022 đang cận kề là lúc rất nhiều người dân đang làm ăn, sinh sống tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… chuẩn bị về quê đón Tết.

Tuy nhiên, năm nay do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Mỗi địa phương, mỗi khu vực lại có cấp độ dịch khác nhau nên nhiều người lo sợ rằng khi về quê sẽ bị cách ly hoặc địa phương sẽ áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

Để giúp người dân và bạn đọc có cái nhìn cụ thể và thông tin cần thiết trước khi về quê, Pháp Luật TP.HCM tổng hợp lại các quy định phòng, chống dịch hiện nay của các tỉnh, TP.

Quảng Bình

Sở Y tế tỉnh Quảng Bình cho biết đối với người về/đến từ địa bàn phân loại dịch cấp 3, cấp 4 hoặc vùng cách ly y tế (phong tỏa) thì trước khi về địa phương phải thực hiện xét nghiệm RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên trong vòng 72 giờ.

Người đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 (6 tháng tính đến thời điểm về địa phương) sẽ tự theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú trong bảy ngày.

Với người tiêm chưa đủ liều vaccine sẽ thực hiện cách ly tại nhà/nơi lưu trú bảy ngày kể từ ngày về/đến địa phương.

Với người chưa tiêm vaccine sẽ thực hiện cách ly tại nhà/nơi lưu trú 14 ngày, xét nghiệm COVID-19, sau đó tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.

Đối với người về/đến từ địa bàn có dịch cấp 1, cấp 2 sẽ không yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm khi đi lại, tự theo dõi sức khỏe và thực hiện 5K.

Quảng Ngãi

Tất cả trường hợp đang lao động, sinh sống và làm việc ở các tỉnh, TP trên cả nước khi về Quảng Ngãi ăn tết không cần thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2.

Chỉ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi giao cho các địa phương, tùy vào tình hình cụ thể được phép điều chỉnh, nới lỏng quy định cho phù hợp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các trường hợp F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà.

Quảng Trị

Tất cả người đến từ vùng đỏ (cấp độ 4) phải có xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính còn hiệu lực trong 72 giờ kể từ thời điểm xét nghiệm vào tỉnh.

Đối với người đến từ vùng cam (cấp độ 3) phải có xét nghiệm khi có triệu chứng nghi ngờ hoặc chỉ định điều tra dịch tễ.

Người về từ vùng vàng (cấp độ 2) đã tiêm đủ vaccine hoặc khỏi bệnh COVID-19 (có giấy ra viện không quá 6 tháng) sẽ tự theo dõi sức khỏe 14 ngày kể từ ngày đến/về dịa phương và không bắt buộc xét nghiệm; người chưa tiêm vaccine sẽ cách ly tại nhà 7 ngày kể từ ngày về địa phương, hạn chế tiếp xúc và tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo, thực hiện xét nghiệm vào ngày đầu tiên và ngày thứ 7.

Người đến từ vùng xanh sẽ không hạn chế đi lại, thực hiện khai báo y tế điện tử.

Trường hợp người về từ vùng cam (cấp độ 3) và vùng đỏ (cấp độ 4): Đã tiêm đủ vaccine hoặc khỏi bệnh COVID-19 (có giấy ra viện không quá 6 tháng) tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong 7 ngày, thực hiện xét nghiệm vào ngày thứ nhất; người chưa tiêm đủ vaccine sẽ thực hiện cách ly tại nhà 7 ngày, thực hiện xét nghiệm ngày thứ nhất và thứ 7; những người chưa được tiêm vaccine sẽ thực hiện cách ly tại nhà 14 ngày, xét nghiệm ngày thứ nhất, thứ 7 và 14.

Một số trường hợp đặc biệt như người từ vùng đỏ và vùng cam đến Quảng Trị trong thời gian ngắn dưới 14 ngày sẽ tự theo dõi sức khỏe, xét nghiệm SASR-CoV-2 bằng RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên với tần suất 3 ngày/lần (tự trả chi phí) trong thời gian công tác/ lưu trú.

Nghệ An

Tỉnh này không hạn chế việc người dân trở về quê ăn Tết. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Nghệ An quy định người dân khi về quê nếu đến/về từ các khu vực nguy cơ rất cao (cấp độ 4) hoặc khu vực nguy cơ cao (cấp độ 3) phải khai báo y tế bắt buộc tại trạm y tế xã/phường/thị trấn trước khi về nhà, nơi lưu trú.

Người đi từ khu vực nguy cơ (cấp độ 2) và khu vực bình thường mới (cấp độ 1) thì thực hiện khai báo y tế bắt buộc, thực hiện 5K, tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày kể từ ngày đến/trở về địa phương.

Đà Nẵng

Sở Y tế TP Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch triển khai cách ly, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà và nơi lưu trú. Riêng đối với các F1, F2, TP Đà Nẵng cũng đã cho tổ chức cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày.

Việc đi lại và người dân từ các địa phương khác tới Đà Nẵng diễn ra thuận lợi, tuân thủ quy định phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế và không có gì trở ngại.

Đà Nẵng đã mở cửa đón khách đến du lịch TP vào dịp tết Dương lịch 2022, công tác phòng chống dịch của TP cũng đang dần linh hoạt hơn.  Ảnh: BÙI TOÀN

Đà Nẵng đã mở cửa đón khách đến du lịch TP vào dịp tết Dương lịch 2022, công tác phòng chống dịch của TP cũng đang dần linh hoạt hơn.  Ảnh: BÙI TOÀN

Thừa Thiên Huế

Người về từ các địa phương vùng xanh sẽ tự theo dõi sức khỏe tại nhà tối thiểu 7 ngày.

Người về từ các địa phương vùng vàng (cấp độ 2) sẽ thực hiện giám sát y tế tại nhà bảy ngày (nếu chưa tiêm vaccine) hoặc tự theo dõi sức khỏe tại nhà (đã tiêm đủ vaccine hoặc công bố khỏi bệnh trong vòng sáu tháng).

Trường hợp người về từ vùng đỏ thì áp dụng biện pháp cách ly, theo dõi tại nhà, nơi lưu trú.

Lâm Đồng

Tỉnh này cho biết công dân về Lâm Đồng ăn Tết, kể cả khách du lịch, đều được qua lại tự do nhưng phải thực hiện theo đúng quy định phòng chống dịch.

Người địa phương khi về quê ăn tết buộc phải khai báo y tế tại địa phương sinh sống. Du khách khai báo y tế tại nơi cư trú.

Gia Lai

Lãnh đạo tỉnh cho biết người dân vẫn về quê đón tết bình thường, không phải cách ly hay cần giấy xét nghiệm. Người dân về quê phải khai báo y tế, đối với trường hợp có triệu chứng như ho, sốt hoặc nghi ngờ thì phải báo với cơ quan y tế để thực hiện các biện pháp test nhanh kháng nguyên COVID-19.

Đắk Nông và Đắk Lắk 

Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông và UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết đối với người dân ở TP.HCM và các tỉnh về quê đón tết thì thực hiện theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Theo quy định này, việc đi lại của người dân đến từ các địa bàn có cấp độ dịch khác nhau: Đối với vùng có cấp độ dịch cấp 1, cấp 2 thì không hạn chế việc đi lại; đối với vùng dịch cấp độ 3 thì không có hạn chế nhưng có điều kiện là phải tuân thủ điều kiện về tiêm chủng, xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đối với người về từ vùng dịch cấp độ 4 thì bị hạn chế, phải tuân thủ các điều kiện về tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trường hợp Bộ Y tế hướng dẫn cách ly tại nhà nhưng địa phương có địa điểm cách ly tập trung đảm bảo an toàn và được cá nhân người thuộc diện cách ly đồng ý thì có thể tổ chức cách ly tập trung thay vì cách ly tại nhà.

Khánh Hoà 

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Khánh Hòa cho biết người từ các tỉnh, thành khác trên cả nước về Khánh Hòa du lịch, công tác, lưu trú phải tuân thủ khai báo y tế, thực hiện 5K và tiêm đầy đủ vaccine để đảm bảo phòng chống dịch bệnh.

Bình Định 

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định, cho hay tỉnh không có quy định cách ly hay hạn chế đi lại đối với tất cả mọi người đến tỉnh này. Ngành y tế tỉnh Bình Định chỉ yêu cầu mọi người thực hiện nghiêm túc 5K để phòng dịch.

Phú Yên 

Một lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên cho biết tất cả mọi người đến tỉnh này đều được đi lại, sinh hoạt bình thường, không có sự phân biệt hay hạn chế. Tỉnh yêu cầu mọi người tuân thủ 5K để phòng dịch.

Người dân TP Cần Thơ được lực lượng làm nhiệm vụ thu thập thông tin, khai báo y tế đưa đi cách ly hồi tháng 10-2021. Ảnh: CHÂU ANH

Người dân TP Cần Thơ được lực lượng làm nhiệm vụ thu thập thông tin, khai báo y tế đưa đi cách ly hồi tháng 10-2021. Ảnh: CHÂU ANH

Cần Thơ

Lãnh đạo UBND TP Cần Thơ cho biết đối với công dân của Cần Thơ đang làm ăn ở các tỉnh, thành trở về quê Cần Thơ ăn tết. Người dân chỉ cần thực hiện 5K và báo với y tế địa phương. Khi về thì thực hiện test nhanh, không cần test PCR.

Trường hợp nếu là F0 mà đủ điều kiện thì thực hiện cách ly tại nhà, không đủ điều kiện thì cách ly tập trung. Còn F1 thì cho cách ly tại nhà.

An Giang

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang khuyến cáo người dân về vui xuân đón tết thì cần tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, không tụ tập đông người, thực hiện biện pháp 5K nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cả cộng đồng.

Hậu Giang

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết về cơ bản, tỉnh khuyến cáo người dân nên thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 (tuân thủ 5K, hạn chế tập trung đông người…).

Nguồn: https://plo.vn/ban-doc/nhung-tinh-thanh-yeu-cau-xet-nghiem-cach-ly-khi-ve-que-an-tet-10...

Nóng: Lập Ban chỉ đạo thanh tra mua sắm thiết bị, kit xét nghiệm trên toàn quốc

Ngày 14-1, Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ công tác giúp việc để thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến chuyên đề thanh tra mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch COVID-19.

Theo quyết định, Ban Chỉ đạo gồm tám thành viên, do ông Trần Văn Minh, Phó Tổng TTCP làm Trưởng Ban. Các thành viên còn lại đều là các vụ trưởng, cục trưởng trực thuộc TTCP.

Ban Chỉ đạo có trách nhiệm tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra chuyên đề mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vacine, thuốc phòng, chống dịch COVID-19 cho các vụ, cục thuộc TTCP và Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh theo đề cương hướng dẫn của TTCP.

Vụ án mua sắm kit xét nghiệm của Công ty Việt Á là một trong những vụ việc tiêu cực gây xôn xao dư luận thời gian qua. Ảnh: CA

Vụ án mua sắm kit xét nghiệm của Công ty Việt Á là một trong những vụ việc tiêu cực gây xôn xao dư luận thời gian qua. Ảnh: CA

Ban Chỉ đạo cũng sẽ chỉ đạo, đôn đốc hoạt động thanh tra chuyên đề mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch COVID-19 của TTCP, Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra theo đúng mục đích, yêu cầu, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ đề ra.

Đồng thời, Ban Chỉ đạo còn chỉ đạo việc tổng hợp và xây dựng báo cáo kết quả thanh tra trên phạm vi toàn quốc trình Tổng TTCP, giúp Tổng TTCP xây dựng báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đối với  Tổ công tác, quyết định thành lập nêu rõ gồm chín thành viên, do ông Lê Hồng Lĩnh, Vụ trưởng Vụ III, TTCP làm Tổ trưởng.

Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu Ban Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ đã được nêu ở trên; giúp Ban Chỉ đạo tổng hợp và xây dựng báo cáo kết quả thanh tra chuyên đề mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc để báo cáo Ban chỉ đạo và giúp Ban Chỉ đạo xây dựng báo cáo Tổng TTCP.

Trước đó, trong báo cáo gửi Thủ tướng, Chính phủ về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng năm 2021, TTCP cho hay đã tham mưu Thủ tướng phê duyệt định hướng chương trình thanh tra năm 2022.

Trong đó, giao TTCP thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 tại Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội, TP.HCM.

Tổng TTCP đã xây dựng, phê duyệt ba cuộc thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 tại Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội, UBND TP.HCM.

TTCP cũng có văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2022, trong đó có nội dung thanh tra việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ, việc mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

“Thanh tra Chính phủ sẽ triển khai các cuộc thanh tra nói trên ngay trong Quý I-2022”- báo cáo nêu rõ.

Nguồn: https://plo.vn/thoi-su/nong-lap-ban-chi-dao-thanh-tra-mua-sam-thiet-bi-kit-xet-nghiem-t...

Cảnh báo F0 tự ý dùng thuốc điều trị Covid-19

Đáng nói là nguyên nhân không phải vì suy hô hấp mà vì chảy máu, sốc mất máu do tự ý dùng thuốc chống đông máu trong quá trình điều trị Covid-19 tại nhà.

Tụt huyết áp, sốc mất máu vì tự ý dùng thuốc

Theo BS. Phạm Quốc Thái, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, BV Bạch Mai, nhiều loại thuốc điều trị Covid-19 hiện đều có tác dụng phụ, nếu không kiểm soát tốt.

Trong đó, có hai loại thuốc chống đông (Rivaroxaban hoặc Apixaban) và chống viêm (Dexamethasone hoặc Methylprenisolon).

Việc dùng thuốc trị Covid-19 đối với F0 điều trị tại nhà cần phải tuân theo hướng dẫn y tế nếu không sẽ xảy ra hậu quả đáng tiếc (Ảnh minh họa)

Việc dùng thuốc trị Covid-19 đối với F0 điều trị tại nhà cần phải tuân theo hướng dẫn y tế nếu không sẽ xảy ra hậu quả đáng tiếc (Ảnh minh họa)

Việc sử dụng 2 loại thuốc này đúng thời điểm theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế sẽ mang lại hiệu quả trong quá trình điều trị.

Tuy nhiên, tác dụng phụ của thuốc chống đông là gây chảy máu. Do vậy với người có quá trình đông máu bình thường, nếu tự ý dùng thuốc sẽ dẫn tới tình trạng như bệnh nhân nhập viện nêu trên.

Tương tự với thuốc chống viêm, không phải lúc nào dùng thuốc chống viêm cũng có lợi. Ví như giai đoạn đầu của Covid-19 phản ứng viêm chưa cần thiết thì chưa nên dùng.

Tuy nhiên, nhiều người bệnh lạm dụng sử dụng khiến hệ miễn dịch tê liệt, không thải loại được virus; kéo theo nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn; gia tăng nguy cơ xuất huyết đường tiêu hóa; làm các bệnh tiềm ẩn trong cơ thể (chẳng hạn như bệnh lao) bùng phát.

“Thời điểm dùng thuốc chống viêm là khi người bệnh Covid-19 xuất hiện hiện tượng suy hô hấp, thở nhanh hơn, SpO2 giảm dưới 96%. Thời điểm dùng thuốc chống viêm sẽ đồng thời với thuốc chống đông. Và khi đã dùng cả hai loại thuốc này, người bệnh cần nhanh chóng liên hệ cơ sở y tế; trong quá trình chờ đợi bệnh nhân cần ngồi tư thế thoải mái nhất, nới lỏng quần áo, uống đủ nước, nếu sốt dùng thêm hạ sốt”, ông Thái khuyến cáo.

BS. Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga cũng cho biết: “Trong quá trình tư vấn từ xa cho F0 điều trị tại nhà, nhiều bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu đuối sức chỉ sau ít ngày phát hiện mắc Covid-19 do tự ý dùng thuốc kháng viêm corticoid quá sớm. Điều này làm bệnh nặng hơn, virus nhân lên nhiều hơn. Có tới hơn 20% các F0 gọi điện tư vấn đã tự ý dùng thuốc như vậy”.

BS. Hoàng cho biết thêm, hiện đa phần F0 dự trữ nhiều loại thuốc nhưng cách uống thuốc kiểu truyền tai nhau rất nguy hiểm. Điển hình như việc uống 2 loại kháng sinh cùng thành phần, 2 loại thuốc kháng viêm thành phần methylprednisolon 16mg nhưng có tên khác nhau, hoặc dùng nhiều loại thuốc chống đông cùng lúc...

Đáng báo động hơn cả là việc F0 tự ý mua và dùng thuốc kháng virus Molnupiravir. BS. Quốc Thái cho biết, mặc dù nhiều F0 không có triệu chứng, không có chỉ định nhưng vẫn bất chấp sử dụng.

Việc lạm dụng thuốc kháng virus để lại nhiều hệ lụy.

Thứ nhất là tác dụng phụ của thuốc đã được nhà sản xuất khuyến cáo là nguy cơ gây đột biến dòng tế bào sinh sản, do vậy thuốc Molnupiravir không dùng cho phụ nữ mang thai hoặc nguời có ý định mang thai, sinh con.

Chưa kể Molnupiravir có chuyển hóa không tốt trên gan, nên nếu lạm dụng có thể dẫn đến viêm gan, nhiễm độc, ngộ độc gan, suy gan…

“Đáng nói, nhiều người không phân biệt được 2 dòng thuốc kháng virus Molnupiravir và Favipiravir, nên cá biệt có người dùng cả 2 loại, hoặc cùng Favipiravir nhưng 2 loại biệt dược khác nhau và uống cả 2 rất nguy hiểm”, BS. Hoàng cảnh báo.

Chưa có bằng chứng xông hơi thảo dược diệt được virus

BS. Huy Hoàng cho biết: “Rất nhiều người F0 tại nhà khi liên lạc để được tư vấn điều trị tại nhà cho biết rất tích cực xông hơi thảo dược để diệt virus. Hiện nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy xông hơi diệt được virus. Nếu sốt thì xông một chút có thể giúp đỡ mệt, nhưng xông nhiều càng mệt”.

Theo BS. Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM (cơ sở 3), xông hơi thảo dược chỉ là biện pháp giúp cải thiện triệu chứng về hô hấp (nghẹt mũi, sổ mũi), làm dịu thần kinh, giảm đau nhức, an thần, dễ ngủ… không phải là phương pháp chữa trị virus.

Theo lý giải của BS. Vũ, nồi xông giải cảm kết hợp tác dụng vật lý của hơi nước nóng và tác dụng dược lý của các chất bay hơi chứa trong thảo dược theo hơi nước.

Hơi nước nóng sẽ làm giãn mạch ngoại biên, lượng máu được tăng cường, kích thích tuyến mồ hôi hoạt động, đào thải các chất độc trong cơ thể ra ngoài giúp người bệnh có cảm giác dễ chịu…

Tuy nhiên, BS. Vũ đặc biệt lưu ý, trong quá trình xông nếu thấy khó thở, tức ngực, choáng váng, bủn rủn... cần ngừng ngay.

Trường hợp sốt cao, co giật do nhiễm khuẩn (chấn thương, nhiễm trùng...) thì không nên tùy tiện xông hơi mà cần thăm khám y tế; không nên xông quá 15 - 20 phút/lần.

Bệnh nhân già yếu, có bệnh mãn tính, suy nhược cơ thể… khi xông cần phải có người hỗ trợ ngồi phía sau giữ vai tránh cho người bệnh khỏi ngã.

Một số trường hợp không nên xông hơi, đó là khi bệnh nhân đang sốt cao, sợ nóng không sợ lạnh, ra nhiều mồ hôi, không khát nước, cơ thể suy nhược, vừa ốm khỏi, già yếu, mệt mỏi, thiếu máu, đang mang thai hoặc vừa mới sinh, đang bị tiêu chảy.

“Việc xông hơi nước nóng liên tục có thể tổn thương màng nhầy, làm giảm khả năng miễn dịch, vì vậy không nên lạm dụng xông hơi. Để phòng Covid-19, người dân phải tuân thủ những phương pháp phòng ngừa của Bộ Y tế”, ông Vũ nhấn mạnh.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/canh-bao-f0-tu-y-dung-thuoc-dieu-tri-covid-19-d539210.html

Liên tục ghi nhận số ca nhiễm cao, Hà Nội không còn quận, huyện "vùng xanh"

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội vừa có báo cáo kết quả đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch Covid-19 (cập nhật đến 9h ngày 14/1).

Theo đánh giá của CDC Hà Nội, hiện TP vẫn ở cấp độ 2 (màu vàng) như công bố cách đây một tuần.

Hà Nội còn 7 quận, huyện ở cấp độ 3 (màu cam), gồm: Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Ba Đình, Gia Lâm, Hoàng Mai, Long Biên. 23 quận, huyện, thị xã còn lại ở cấp độ 2.

So với tuần trước, quận Hoàn Kiếm giảm từ cấp độ 3 về cấp độ 2 (màu vàng). Tuy nhiên, 2 huyện là Phú Xuyên và Phúc Thọ lại từ cấp độ 1 lên cấp độ 2.

Hà Nội hiện vẫn đang ở cấp độ dịch 2 (màu vàng)

Hà Nội hiện vẫn đang ở cấp độ dịch 2 (màu vàng)

Ở cấp độ xã, phường, thị trấn, theo đánh giá, trong vòng 14 ngày trở lại đây, có 158 xã, phường ghi nhận nhiều ca bệnh trong cộng đồng, ở cấp độ 3; 367 xã, phường ở cấp độ 2 và 54 xã, phường ở cấp độ 1. Hà Nội không có địa bàn nào cấp độ 4.

Hiện tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn TP là 99% (đã đạt tỷ lệ tối thiểu là 70%); tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc xin là 97,1% (đã đạt tỷ lệ tối thiểu là 80%).

Hôm nay, Hà Nội ghi nhận 2.993 ca Covid-19 tại 475 xã phường thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4) là 85.577 ca.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/lien-tuc-ghi-nhan-so-ca-nhiem-cao-ha-noi-khong-con-quan-huy...

Các quán ăn, karaoke, spa ở Hậu Giang được hoạt động lại

Ngày 14/1, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang vừa ban hành văn bản về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, trước trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu người dân hạn chế di chuyển khi không cần thiết trong dịp Tết Nguyên đán.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu người dân hạn chế di chuyển khi không cần thiết trong dịp Tết Nguyên đán.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân hạn chế di chuyển khi không cần thiết trong dịp Tết Nguyên đán.

Trường hợp do nhu cầu phải đến/về địa phương từ vùng có dịch, phải thực hiện khai báo y tế trung thực, chính xác, thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú để được hướng dẫn kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Đối với các huyện, thị xã, thành phố, người đứng đầu chính quyền tỉnh Hậu Giang yêu cầu dừng tổ chức các lễ hội, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các sự kiện, liên hoan, dịp cuối năm có tập trung đông người trên địa bàn và theo phân cấp quản lý, trừ các lễ hội, hội nghị theo yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Còn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống, karaoke, internet, khu vui chơi, giải trí, trò chơi điện tử, các cơ sở làm tóc, spa, mát xa, làm đẹp… kể từ 15h ngày hôm nay được hoạt động phục vụ khách tại chỗ (trừ địa bàn có dịch cấp 4 phải dừng hoạt động) nhưng cam kết phục vụ số lượng khách không quá 50% công suất, giãn cách tối thiểu 2m giữa các bàn.

Đồng thời, chủ cơ sở phải có biện pháp kiểm soát thông tin khách hàng, tất cả khách hàng, nhân viên và người quản lý đều phải tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng và thực hiện test nhanh kháng nguyên sàng lọc SARS-CoV-2 thường xuyên cho người lao động định kỳ ít nhất 2 tuần/lần.

Đối với Sở Y tế, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang giao tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng hướng dẫn, tư vấn việc điều trị F0 tại nhà đảm bảo theo quy định của Bộ Y tế, Tỉnh, nâng cao năng lực, chất lượng điều trị bệnh nhân tại trạm y tế lưu động, các cơ sở thu dung điều trị Covid-19.

Thực hiện đầy đủ việc phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị ngay từ các cơ sở y tế, tổ Covid-19 cộng đồng đến các cơ sở thu dung, điều trị, chuyển tuyến đúng đối tượng, phấn đấu tỷ lệ người khỏi bệnh cao và sớm nhất, giảm tỷ lệ tử vong đến mức thấp nhất có thể.

Sở Y tế cũng chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế ứng trực 24/24 giờ; có phương án bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, vật tư, thiết bị nhất là máy thở, oxy y tế… để tổ chức điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/cac-quan-an-karaoke-spa-o-hau-giang-duoc-hoat-dong-lai-d539...

Cần Thơ giảm xuống cấp độ 2, cấm gây cản trở sản xuất kinh doanh

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ xác nhận thông tin trên và cho biết, cấp độ dịch của TP là cấp 2.

Trong đó, có 5 quận/huyện cấp 1 và 4 quận/huyện cấp 2. Ở quy mô nhỏ hơn, có 45 phường/xã/thị trấn cấp 1 và 38 phường/xã/thị trấn cấp 2. Kèm theo văn bản này là phụ lục các hoạt động được cho phép hoặc hạn chế tương ứng với từng cấp độ...

Một góc đường phố Cần Thơ.

Một góc đường phố Cần Thơ.

Với việc giảm cấp độ dịch lần này, Cần Thơ cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động tuy nhiên cần đảm bảo các nguyên tắc phòng, chống dịch. Chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ chịu trách nhiệm nếu vi phạm các nguyên tắc phòng, chống dịch.

UBND TP giao các địa phương, đơn vị tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với từng cấp độ dịch, tuyệt đối không để gây ách tắc, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội...

Trước đó, từ ngày 31/12/2021, Cần Thơ áp dụng cấp độ dịch là cấp 3; và đưa ra một số biện pháp áp dụng thống nhất trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, không tập trung quá 30 người tại một địa điểm ở nơi công cộng, đám hỏi, cưới, tang và ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình xây dựng được phép hoạt động.

Đặc biệt, người dân chỉ ra khỏi nơi ở trong trường hợp thật sự cần thiết. Người dân chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine phòng Covid-19 (trừ người thuộc đối tượng chống chỉ định tiêm chủng) hạn chế tối đa việc di chuyển ra khỏi nơi ở, không đến nơi tập trung đông người.

Trong ngày 14/1, Cần Thơ ghi nhận thêm 139 ca nhiễm Covid-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm toàn thành phố lên hơn 40.000 ca.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/can-tho-giam-xuong-cap-do-2-cam-gay-can-tro-san-xuat-kinh-d...

Đà Nẵng: Số ca mắc Covid-19 vượt mốc 700 ca, nhiều chợ ghi nhận hàng chục F0

Ngày 14-1, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng, cho biết trên địa bàn vừa ghi nhận 765 ca Covid-19. Trong đó có 7 ca đã cách ly tập trung, 187 ca cách ly tại nhà,  72 ca trong khu phong tỏa và 499 ca cộng đồng.

Một số chợ trên địa bàn ghi nhận hàng chục ca cộng đồng qua lấy mẫu tiểu thương. Cụ thể, chợ Cẩm Lệ có 14 F0, chợ Kỳ Đồng có 7 F0, chợ Cồn có 19 F0. Hiện chuỗi lây nhiễm chợ Cồn đã ghi nhận tổng cộng 140 ca.

Ngày 14-1 Đà Nẵng ghi nhận kỷ lục ca mắc Covid-19 với 765 ca

Ngày 14-1 Đà Nẵng ghi nhận kỷ lục ca mắc Covid-19 với 765 ca

Qua lấy mẫu tại Khu du lịch sinh thái biển Bãi Bắc cũng phát hiện cùng lúc 13 ca Covid-19. Số ca cộng đồng còn lại chủ yếu là người dân tự đi khám, xét nghiệm tại cơ sở y tế (247 ca); 53 ca tự test dương tính; 20 ca xét nghiệm định kỳ tại Công ty giấy Tân Long, Công ty TNHH NITTO JOKASO, Công ty Poster, Công ty Đồ hộp Hạ Long, Công ty Hữu Nghị, Công ty Pivina, công ty TTTI.

Số ca Covid-19 tập trung nhiều nhất ở quận Sơn Trà với 142 ca, quận Thanh Khê và Liên Chiểu cùng 134 ca, quận Cẩm Lệ 129 ca. Từ ngày 1-1 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 5.572 ca.

Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/da-nang-so-ca-mac-covid-19-vuot-moc-700-ca-nhieu-cho-ghi-nh...

Căng dây phong tỏa nhà người đủ điều kiện nhưng từ chối tiêm vắc-xin Covid-19

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 xã Vĩnh Trung (Móng Cái, Quảng Ninh) đã tiến hành căng dây phong tỏa theo quy định và yêu cầu trường 2 trường hợp ký cam kết về việc đủ điều kiện nhưng từ chối thực hiện tiêm vắc-xin Covid-19.

Trước đó, công dân P.T.V., trú tại thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) đã từ chối tiêm chủng vắc-xin Covid-19 mặc dù đủ điều kiện tiêm.

Ban Chỉ đạo tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 TP Móng Cái căng dây phong tỏa những trường hợp đủ điều kiện nhưng từ chối tiêm vắc-xin Covid-19

Ban Chỉ đạo tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 TP Móng Cái căng dây phong tỏa những trường hợp đủ điều kiện nhưng từ chối tiêm vắc-xin Covid-19

Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 xã Hải Sơn đã tiến hành căng dây phong tỏa theo quy định, đảm bảo người chưa tiêm chủng vắc-xin (đủ điều kiện nhưng từ chối tiêm) không ra khỏi nhà và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, yêu cầu công dân P.T.V. ký cam kết với UBND xã về việc không thực hiện tiêm chủng, nêu rõ lý do và cam kết chịu mọi chi phí liên quan xét nghiệm, điều trị Covid-19 và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu là nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Qua rà soát thống kê của ngành Y tế trước ngày 11-1, trên địa bàn thành phố Móng Cái còn 1.268 trường hợp chưa thực hiện tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Trước tình hình trên, TP Móng Cái tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị từ thành phố đến địa phương quyết tâm, quyết liệt, chủ động phương án tuyên truyền, vận động, không để bỏ sót ai thuộc diện đủ điều kiện mà không được tiêm chủng đầy đủ. Đồng thời, chính quyền TP kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp dù đủ điều kiện tiêm chủng nhưng lại chưa tự giác đi tiêm vắc-xin, không chấp hành việc tiêm chủng diện rộng theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương và tỉnh Quảng Ninh.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các xã, phường trên địa bàn thành phố tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động những trường hợp chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19 khẩn trương đi tiêm vắc-xin Covid-19. Nhiều người sau khi được chính quyền địa phương vận động, tuyên truyền đã tự nguyện đi tham gia tiêm phòng Covid-19.

Cũng theo UBND TP Móng Cái, địa phương này vẫn có một số trường hợp không chấp hành. Đó là công dân Đ.V.Đ. (SN 1982) và công dân Đ.V.C. (SN 1972), đều trú tại thôn 2, xã Vĩnh Trung. Thực hiện Công văn chỉ đạo của Ban chỉ đạo Tiêm chủng vắc'xin phòng Covid-19 Thành phố, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 xã Vĩnh Trung đã tiến hành căng dây phong tỏa theo quy định và yêu cầu trường 2 trường hợp ký cam kết về việc đủ điều kiện nhưng từ chối thực hiện tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 theo đúng quy định.

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/mong-cai-cang-day-phong-toa-nha-nguoi-du-dieu-kien-nhung-tu-...

Một trường tiểu học có 32 giáo viên, học sinh mắc Covid-19

Trong 24 giờ qua, tỉnh Thanh Hóa ghi nhận 290 ca mắc Covid-19 mới, trong số này có một trường tiểu học trên địa bàn ghi nhận 32 giáo viên, học sinh mắc bệnh.Ngày 14-1, tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa cho biết từ 16 giờ ngày 13-1 đến 16 giờ ngày 14-1, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 290 trường hợp mắc Covid-19 mới.

TP Thanh Hóa đã thực hiện điều trị F0 tại nhà

TP Thanh Hóa đã thực hiện điều trị F0 tại nhà

Trong số này có 97 ca mắc ngoài cộng đồng, 193 bệnh nhân ghi nhận tại các khu cách ly theo quy định.

Đáng chú ý, qua xét nghiệm tầm soát kháng nguyên SARS-CoV-2 tại Trường tiểu học Điện Biên 2, phường Điện Biên (TP Thanh Hoá) đã ghi nhận 32 giáo viên, học sinh dương tính với SARS-CoV-2.

Theo đó, từ 8 giờ đến 14 giờ ngày 14-1, qua xét nghiệm, lực lượng chức năng ghi nhận 32 giáo viên, học sinh mắc Covid-19.

Ngay khi có kết quả trên, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Thanh Hoá đã có thông báo khẩn chỉ đạo, từ ngày 14-1, tất cả các trường hợp F0 là học sinh tiểu học trên địa bàn TP được phép cách ly, điều trị tại nhà nếu đủ điều kiện theo phương án cách ly, điều trị tại nhà người nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng đã được UBND TP Thanh Hoá ban hành ngày 12-1.

Được biết, hiện lực lượng chức năng TP Thanh Hóa đang tổ chức truy vết, xét nghiệm sàng lọc để tầm soát đối với gần 1.300 học sinh của nhà trường.

Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa, từ ngày 27-4-2021 đến nay, Thanh Hóa ghi nhận 11.995 bệnh nhân Covid-19 cộng dồn; 8.819 người điều trị khỏi được ra viện; 18 bệnh nhân tử vong.

Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận 4.993.360 liều vắc-xin phòng Covid-19. Tỉ lệ bao phủ mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 99,41%; tỉ lệ người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ mũi đạt 96,52%; trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm mũi 1 đạt tỉ lệ 99,2%; trẻ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm đủ mũi, đạt tỉ lệ 64,5%; 77.712 người tiêm mũi bổ sung và 19.509 người tiêm mũi nhắc lại.

Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/mot-truong-tieu-hoc-co-32-giao-vien-hoc-sinh-mac-covid-19-2...

COVID-19: Một quốc gia có ca nhiễm biến thể Omicron phá vỡ kỷ lục toàn cầu, bệnh viện quá tải
Mỹ đang tính lại chiến lược chống dịch cho phù hợp với thực tế biến thể Omicron chiếm hơn 98% ca nhiễm trong làn sóng dịch khủng khiếp hiện tại.

Dịch COVID-19

H.A (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19