Một hiệu trưởng ở quận 7. TP.HCM là F0, đang trong thời gian cách ly, làm việc tại nhà nhưng vẫn đến trường để lấy hồ sơ.
8 diễn biến
TPHCM: Hiệu trưởng là F0, đang trong giai đoạn cách ly vẫn đến trường học
Một số phụ huynh có con học tại trường Tiểu học, THCS - THPT Nam Sài Gòn phản ánh, Hiệu trưởng Phạm Thành Nam xuất hiện ở trường sáng 17/1. Trong khi, người này được xác nhận đang dương tính SARS-CoV-2 cuối tuần trước, vẫn đang trong thời gian cách ly, làm việc tại nhà.
Trường Tiểu học, THCS - THPT Nam Sài Gòn (Ảnh webiste nhà trường).
Dân trí thông tin, theo ông Phạm Thanh Nam thời điểm này, công việc nhiều, ông vào trường lấy laptop về xử lý công việc. Phòng làm việc của vị Hiệu trưởng nằm ở khu vực tách biệt dành cho học sinh tiểu học. Thời điểm này, học sinh tiểu học chưa đi học, thầy vào trường đeo khẩu trang, phòng dịch kỹ càng và không tiếp xúc với học sinh.
Vị hiệu trưởng cũng nhìn nhận, mình thực hiện chưa đúng các quy định về phòng chống dịch COVID-19.
Trao đổi với VietnamNet, ông Đặng Nguyễn Thịnh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 7, TP.HCM cho hay, Phòng đang làm việc với trường Tiểu học -THCS-THPT Nam Sài Gòn về việc này để nắm rõ sự việc. Khi nào làm việc xong, phòng sẽ thông tin cụ thể.
Được biết, theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), F0 cách ly tại nhà là một biện pháp quan trọng trong phòng chống COVID-19 trong tình hình mới. Trong đó, sự tuân thủ của F0 là rất quan trọng để vừa không làm lây nhiễm cho người khác vừa đảm bảo sức khỏe trong suốt quá trình cách ly.
Hướng dẫn ngày 28/12/2021 của bộ Y tế, F0 cách ly, điều trị tại nhà sẽ được dỡ bỏ cách ly, điều trị tại nhà khi đã cách ly, điều trị đủ 10 ngày, kết quả xét nghiệm kháng nguyên âm tính với SARS-CoV-2...
Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/tphcm-hieu-truong-f0-dang-trong-giai-doan-cach-ly-van-d... Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/tphcm-hieu-truong-f0-dang-trong-giai-doan-cach-ly-van-den-truong-hoc-a526066.html
Thái Bình: Kiểm điểm trưởng thôn khóa cửa người từ "vùng đỏ" để phòng dịch
Ngày 17/1, chính quyền xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đã tổ chức họp để kiểm điểm, rút kinh nghiệm với Trưởng thôn khóa trái cửa nhà dân trong suốt 7 ngày vì gia đình có người trở về từ "vùng đỏ" Hải Phòng.
Trước đó, như Báo Giao thông đưa tin, một gia đình ở thôn Cao Bạt Lụ, xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình bị thôn khóa trái cửa, nhốt 7 ngày để đảm bảo việc cách ly y tế tại nhà.
Bảng thông báo được dán trước cửa nhà bà S.
Sự việc bắt đầu vào ngày 9/1, khi Hải Phòng công bố cấp độ dịch thuộc "vùng đỏ" nên anh N.X.B. (trú tại thôn Vĩnh Khê, xã An Đồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng) quyết định đưa 2 con, lớn 10 tuổi, bé 7 tuổi, về quê Thái Bình gửi ông bà nội là ông N.X.T. và bà P.T.S.
Khi các cháu về nhà, bà S. chủ động đưa 2 cháu nhỏ đến Trạm y tế xã Nam Cao khai báo y tế và làm xét nghiệm test nhanh Covid-19, kết quả, cả 2 cháu nhỏ đều âm tính.
Tuy nhiên, cả gia đình bà S. và 2 cháu vẫn phải thực hiện nghiêm việc cách ly y tế tại nhà trong 7 ngày.
Điều đáng nói là chính quyền thôn Cao Bạt Lụ còn khóa trái cửa nhà ông bà S., thu giữ chìa khóa, treo thông báo trước cửa với nội dung: "Gia đình có người cách ly, theo dõi y tế tại nhà từ ngày 9/1 đến ngày 16/1/2022".
Sau khi xuất hiện thông tin này, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình đã yêu cầu UBND huyện Kiến Xương khẩn trương báo cáo nội dung vụ việc.
Ngày 17/1, lãnh đạo xã họp để xem xét sự việc. Ông Phạm Ngọc Thao là trưởng thôn Cao Bạt Lụ được mời tới dự họp, kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Trong ngày hôm nay (ngày 18/1), chính quyền địa phương sẽ tổ chức xin lỗi gia đình bà S - lãnh đạo xã thông tin.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/thai-binh-kiem-diem-truong-thon-khoa-cua-nguoi-tu-vung-do-d... Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/thai-binh-kiem-diem-truong-thon-khoa-cua-nguoi-tu-vung-do-de-phong-dich-d539636.html
Sau Tết, người dân từ vùng dịch trở lại TPHCM có bị cách ly hay không?
Tại buổi họp báo về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TPHCM chiều 17/1, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM đã giải đáp vấn đề trên. Ông Tâm khẳng định những người từ TPHCM về quê đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 khi quay trở lại thành phố sẽ không phải thực hiện cách ly phòng chống dịch COVID-19.
Nhiều người dân sẽ rời TPHCM về quê đón Tết Nguyên Đán
Theo ông Tâm, tất cả những người dân trở lại thành phố sau khi đón Tết ở các địa phương khác cần phải phải tuân thủ 5K. Hiện nay TPHCM đang thực hiện việc thích ứng an toàn nên việc giám sát những người từ địa phương khác đến thành phố phải có triệu chứng hoặc có yếu tố dịch tễ, có yếu tố nghi ngờ. “Không phải bất cứ người dân nào đến TPHCM sẽ cách ly hay thực hiện giám sát” - ông Tâm nhấn mạnh.
Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch khi người dân di chuyển về quê đón Tết, Bộ Giao thông Vận tải đã quy định hành khách đi từ địa phương này sang địa phương khác bằng đường hàng không hoặc đường tàu hỏa phải khai báo y tế trước khi lên tàu, lên máy bay.
Liên quan đến việc ứng phó với nguy cơ dịch bệnh COVID-19 khi xuất hiện biến Omicron cũng như việc mở cửa đón khách du lịch trở lại, ông Tâm cho biết, thành phố đã có kế hoạch ứng phó với biến chủng Omicron và đã giám sát chặt chẽ từ cửa khẩu, nhập cảnh cho đến cộng đồng.
Thời gian qua, thành phố đã phát hiện 30 ca nhiễm biến thể Omicron. Tất cả bệnh nhân đều là các ca nhập cảnh được phát hiện ngay tại cửa khẩu và được quản lý chặt chẽ, chưa có ca nào lây lan trong cộng đồng.
Ngành y tế sẽ thực hiện test nhanh tất cả các hành khách trước khi nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất, nếu có kết quả dương tính sẽ được chuyển nhanh đến Bệnh viện dã chiến số 12 để cách ly và điều trị. Trong quá trình điều trị này sẽ thực hiện giải trình tự gen để xác định có mắc biến thể Omicron hay không.
Nguồn: https://tienphong.vn/sau-tet-nguoi-dan-tu-vung-dich-tro-lai-tphcm-co-bi-cach-ly-hay-kho... Nguồn: https://tienphong.vn/sau-tet-nguoi-dan-tu-vung-dich-tro-lai-tphcm-co-bi-cach-ly-hay-khong-post1410346.tpo
Không có chuyện "ngăn sông cấm chợ", phong tỏa Đà Nẵng từ 25 Tết
Chiều 17/1, Sở TT&TT TP.Đà Nẵng cho biết, chủ trương của Đà Nẵng là "không ngăn sông cấm chợ", không có việc phong tỏa toàn thành phố vào 25 Tết như thông tin lan truyền những ngày qua.
Theo Sở TT&TT, thành phố sẽ đảm bảo thông suốt giao thông để người dân ra, vào, đảm bảo hàng hoá ở các chợ phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân.
Nhiều tin đồn lan truyền về việc phong tỏa Đà Nẵng từ 25 âm lịch khiến người dân hoang mang
Sở TT&TT cũng cho biết, tính theo cấp xã, phường, Đà Nẵng hiện có 19/56 xã phường cấp độ 3, 35/56 xã phường cấp độ 2 và 2/56 xã phường cấp độ 1. Một số khu vực nhỏ hơn cấp xã, phường được xác định cấp độ 3, 4.
"Hiện nay, khai báo y tế được thực hiện bắt buộc đối toàn bộ người dân. Trước khi đến/ về Đà Nẵng, người dân phải thực hiện đăng ký trên hệ thống trực tuyến của Quốc gia hoặc của Đà Nẵng (ứng dụng Danang Smart City hoặc vào website https://khaibaoyte.danang.gov.vn và lưu lại mã QR được cấp để sử dụng khi di chuyển đến/về thành phố", Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết thêm.
Đối với việc xét nghiệm SARS-CoV-2, Đà Nẵng quy định các trường hợp bắt buộc gồm: Người nhập cảnh từ nước ngoài vào Đà Nẵng; Các trường hợp đến Đà Nẵng từ địa bàn có cấp độ dịch là cấp 3, cấp 4 mà không có kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 trong vòng 72 giờ.
Người có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan đến bệnh nhân Covid-19; Người sinh sống tại các khu vực phong tỏa. F0 cách ly, điều trị tại nhà và người ở cùng. Các trường hợp khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế được chỉ định xét nghiệm theo quy định.
Được biết, trong ngày 17/1, Đà Nẵng ghi nhận 924 ca mắc Covid-19, gồm: 2 ca cách ly tập trung, 295 ca cách ly tại nhà, 37 ca trong khu phong tỏa và 590 ca chưa cách ly.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/khong-co-chuyen-ngan-song-cam-cho-phong-toa-da-nang-tu-25-t... Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/khong-co-chuyen-ngan-song-cam-cho-phong-toa-da-nang-tu-25-tet-d539570.html
Đỉnh dịch Omicron dần qua, đừng chủ quan với người lớn tuổi
Dữ liệu tại nhiều nước cho thấy làn sóng biến thể Omicron bắt đầu dần qua đỉnh khi số ca nhiễm mới có xu hướng giảm mạnh. Song giới chuyên gia cảnh báo vẫn cần tiếp tục cảnh giác do đặc tính của biến thể vẫn có thể khiến hệ thống y tế quá tải bất kỳ lúc nào.
Người dân Pháp xếp hàng xét nghiệm trước một hiệu thuốc ở thủ đô Paris hồi tháng 12-2021. Ảnh: AP
Tín hiệu tích cực ở nhiều khu vực
Theo tạp chí Fortune, Nam Phi đã đạt đỉnh từ cuối tháng 12 năm ngoái và hiện nước này ghi nhận khoảng 2.000-4.000 ca nhiễm mới/ngày, giảm mạnh so với mức 10.000-20.000 ca khi Omicron mới xuất hiện. Số ca nhập viện lúc này bằng 2/3 số ca nhập viện trong đợt dịch do biến thể Delta gây ra và hầu hết các trường hợp này đều được xuất viện nhanh.
Tại châu Âu, đợt dịch Omicron cũng đang bắt đầu chững lại và khả năng sẽ chạm đỉnh trong tháng này hoặc tháng sau. Đơn cử, số ca nhiễm trung bình/ngày trong tuần từ ngày 10 đến 16-1 ở Anh đã giảm 30.000 ca so với lúc Omicron bắt đầu lây lan. Theo ước tính của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh, cứ 15 người ở Anh thì chỉ còn một người nhiễm bệnh.
Tỉ lệ lây nhiễm Omicron tại Pháp cũng có chiều hướng đi xuống. Tại những khu vực nóng như vùng thủ đô Ile-de-France (gồm tám tỉnh, trong đó có thủ đô Paris), số ca nhiễm từ hơn 4.100 ca/100.000 người dân hồi đầu tuần qua xuống còn gần 3.800 ca/100.000 người dân. Pháp có khả năng sẽ chạm đỉnh dịch trước tháng 2. Tuy nhiên, tờ Midi Libre dẫn lời Chủ tịch Hội đồng định hướng chiến lược vaccine Pháp - GS Alain Fischer nhận định phải tới tháng 3 mới có thể kiểm soát hoàn toàn đợt dịch. Những biến thể mới có thể xuất hiện nhưng nhiều khả năng sẽ yếu hơn Omicron, khi mức độ nguy hiểm của các biến thể virus đang giảm dần so với trước.
Giới chức y tế ở Thụy Điển và Thụy Sĩ cũng dự đoán hai nước có khả năng sẽ đạt đỉnh dịch Omicron trong khoảng thời gian tương tự.
Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe (IHME) có trụ sở tại Mỹ hồi đầu tháng 1 từng dự báo rằng có thể hơn 50% dân số ở châu Âu sẽ nhiễm Omicron trong 6-8 tuần tới.
Chưa nên vội mừng
Trước diễn biến tích cực trên, nhiều chuyên gia vẫn khuyến cáo các nước không chủ quan, vì còn nhiều yếu tố gây lo ngại. Thứ nhất, vẫn chưa thể đánh giá đúng được việc người dân quay lại trường học và chỗ làm sau kỳ nghỉ Giáng sinh và mừng năm mới vừa qua sẽ có tác động thế nào đến làn sóng dịch.
Thứ hai, đến nay hầu hết các ca nhiễm và nhập viện do Omicron đều là những nhóm tuổi nhỏ hơn, các chuyên gia vẫn chưa nói chính xác được liệu Omicron có làm tăng số ca nhập viện hay không trong trường hợp biến thể này lây lan mạnh trong các nhóm người dân lớn tuổi hơn.
Thứ ba, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Anh Sajid Javid, dù làn sóng bệnh nhân nhập viện bắt đầu dịu lại, song hệ thống y tế vẫn sẽ chịu áp lực trong vài tuần tới để giải quyết nốt những trường hợp đang điều trị. Một hệ lụy khác của tình trạng quá tải hệ thống y tế kéo dài là độ linh hoạt trong chữa trị các bệnh nhân khác ngoài COVID-19 của các bệnh viện ở châu Âu bị ảnh hưởng, theo hãng tin AP. Thống kê từ Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia Anh cho biết khoảng 13.000 bệnh nhân các bệnh khác ở Anh trung bình phải chờ hơn 12 tiếng trước khi có giường nằm. Nước Anh hiện cũng có khoảng 5,9 triệu dân đang phải chờ được khám sàng lọc ung thư và phẫu thuật theo lịch trình cũng như một số dịch vụ chăm sóc y tế khác. Các chuyên gia ước tính con số đó có thể tăng gấp đôi trong thời gian tới nếu không giảm được số bệnh nhân COVID-19 đang điều trị.
Ở Pháp, các nhân viên y tế liên tục buộc phải tăng ca và làm việc quá sức mỗi ngày để chăm sóc lượng bệnh nhân COVID-19 khổng lồ, không có thời gian lo cho các bệnh nhân khác. Chẳng hạn tại BV Strasbourg thuộc TP Strasbourg, tuần qua có khoảng 15% trong 13.000 nhân viên ở đây nghỉ việc. Tại một số bệnh viện khác, tỉ lệ nhân viên nghỉ việc có thể lên tới 20%.
Nguồn: https://plo.vn/quoc-te/dinh-dich-omicron-dan-qua-nhung-chua-duoc-chu-quan-1039582.html Nguồn: https://plo.vn/quoc-te/dinh-dich-omicron-dan-qua-nhung-chua-duoc-chu-quan-1039582.html
Nghệ An có 146 ca, Tp.Vinh thêm 1 lớp chuyển sang học trực tuyến
Tối 17/1, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Nghệ An, trong 24 giờ qua tỉnh ghi nhận thêm 197 ca nhiễm, trong đó có 22 ca cộng đồng.
Cụ thể, từ 18h00 ngày 16/1 đến 6h00 ngày 17/1/2022, tỉnh ghi nhận 51 ca dương tính mới với Covid-19 tại 12 địa phương (Tp.Vinh 20 ca, Quỳnh Lưu 9 ca, Nghi Lộc 4 ca, Tx.Hoàng Mai 4 ca, Diễn Châu 3 ca, Yên Thành 3 ca, Tân Kỳ 2 ca, Tx.Thái Hòa 2 ca, Thanh Chương 1 ca, Quỳ Hợp 1 ca, Con Cuông 1 ca, Quỳ Châu 1 ca).
Trong đó có 6 ca cộng đồng tại 2 địa phương (Tp.Vinh 4 ca, Hoàng Mai 2 ca); 45 ca đã được cách ly từ trước (33 ca là F1, 10 ca từ các tỉnh có dịch về, 2 ca từ nước ngoài về). Ghi nhận 26 ca có triệu chứng, 25 ca không có triệu chứng.
Từ 6h00 đến 18h00 ngày 17/1/2022, tỉnh ghi nhận 146 ca dương tính mới với Covid-19 tại 20 địa phương (Quỳnh Lưu 27 ca, Nghi Lộc 13 ca, Nam Đàn 14 ca, Nghĩa Đàn 10 ca, Tp.Vinh 10 ca, Tx.Hoàng Mai 10 ca, Yên Thành 9 ca, Kỳ Sơn 9 ca, Diễn Châu 9 ca, Quế Phong 7 ca, Đô Lương 6 ca, Tân Kỳ 5 ca, Thanh Chương 4 ca, Hưng Nguyên 3 ca, Tương Dương 3 ca, Anh Sơn 2 ca, Tx.Thái Hòa 2 ca, Con Cuông 1 ca, Cửa Lò 1 ca, Quỳ Hợp 1 ca).
Lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm cho người dân.
Trong đó có 16 ca cộng đồng tại 7 địa phương (Quỳnh Lưu 9 ca, Tp.Vinh 2 ca, Hoàng Mai 1 ca, Nghi Lộc 1 ca, Tân Kỳ 1 ca, Thanh Chương 1 ca, Nam Đàn 1 ca ); 130 ca đã được cách ly từ trước (76 ca là F1, 48 ca từ các tỉnh có dịch về, 5 ca từ nước ngoài về, 1 ca trong khu cách ly). Ghi nhận 75 ca có triệu chứng, 71 ca không có triệu chứng.
Trong các ca cộng đồng, đáng chú ý có 1 ca cộng đồng là học sinh trên địa bàn xã Hưng Chính, Tp.Vinh. Cụ thể, bệnh nhân là V.N.M., nam, SN 2014; địa chỉ xóm 4, xã Hưng Chính, Tp.Vinh. Ngày 16/1, bệnh nhân mệt và đau họng nên người nhà đưa đến khám tại Bệnh viện Thái An và được test nhanh cho kết quả dương tính. Bệnh nhân hiện đang là học sinh lớp 2B, Trường Tiểu học Hưng Chính.
Chính quyền xã Hưng Chính cho biết, ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, xã Hưng Chính đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ học sinh của lớp cùng giáo viên chủ nhiệm với tổng số 39 người. Điều khó khăn hiện nay là chưa xác định được nguồn lây của ca bệnh này.
Bên cạnh việc lấy mẫu, xã Hưng Chính cũng chỉ đạo nhà trường cho lớp 2B dừng học trực tiếp, chuyển sang học trực tuyến từ ngày 17/1. Các em học sinh ở nhà cách ly phải đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch, được lấy mẫu xét nghiệm 3 lần/tuần. Phụ huynh giám sát chặt chẽ việc cách ly, học tập của con em tại nhà, nếu có dấu hiệu của bệnh phải liên hệ ngay với cơ sở y tế để xử lý kịp thời.
Kết quả truy vết bước đầu đã xác định được 16 F1 của bệnh nhân, bao gồm 11 em học sinh trong lớp tiếp xúc gần (ngồi cạnh bàn của học sinh nhiễm bệnh) và giáo viên chủ nhiệm. Số F1 còn lại là thành viên trong gia đình. Được biết, ngoại trừ lớp 2B, các lớp khác tại trường vẫn học tập bình thường và không được tụ tập trong giờ ra chơi.
Lũy tích từ đầu mùa dịch đến nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 10.464 ca mắc Covid-19 ở 21 địa phương. Lũy tích số bệnh nhân điều trị đã khỏi bệnh, ra viện 8.868 bệnh nhân. Lũy tích số bệnh nhân tử vong 37 bệnh nhân. Số bệnh nhân hiện đang điều trị 1.559 bệnh nhân.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/nghe-an-co-146-ca-tpvinh-them-1-lop-chuyen-sang-hoc-truc-tuy... Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/nghe-an-co-146-ca-tpvinh-them-1-lop-chuyen-sang-hoc-truc-tuyen-a540286.html
Nhiều địa phương tạm dừng các lễ hội vào dịp Tết để đảm bảo an toàn
Hà Tĩnh tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và hoạt động bắn pháo hoa nổUBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có văn bản yêu cầu tăng cường đảm bảo an toàn hoạt động VH-TT&DL dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Theo đó, tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và hoạt động bắn pháo hoa nổ theo tinh thần Chỉ thị 35/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ; các hoạt động, dịch vụ tại Thông báo số 228/TB-BCĐ của BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh.
Các di tích, danh thắng, bảo tàng, thư viện, rạp chiếu phim được mở cửa đón khách nhưng phải tuyệt đối đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng, chống dịch. Tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ và Nhân dân tổ chức việc cưới, việc tang, các hoạt động truyền thống trong dịp Tết Nguyên đán (tảo mộ, tế lễ tại nhà thờ họ, đón giao thừa, mừng thọ...), rằm tháng Giêng gọn nhẹ, văn minh, không tập trung đông người, tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định hiện hành.
Các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn căn cứ các quy định về công tác phòng, chống dịch để xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức các hoạt động phục vụ nhân dân, khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán đảm bảo theo đúng quy định; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn khách du lịch và người lao động tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Y tế và của tỉnh.
Nghệ An dừng tổ chức lễ hội đến hết tháng 3 Âm lịchUBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản về việc tăng cường các biện pháp quản lý hoạt động văn hóa, thể thao đảm bảo đón tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Theo đó, UBND yêu cầu tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội trước, trong và sau tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (từ tháng 1 Âm lịch đến hết tháng 3 Âm lịch) và bắn pháo hoa nổ trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần trên địa bàn tỉnh. Hạn chế tối đa tổ chức các sự kiện và hoạt động văn hóa, thể thao tập trung đông người.
Nhiều địa phương trên cả nước tạm dừng các lễ hội vào dịp Tết để đảm bảo an toàn - Ảnh 2.Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, dịp Tết Nguyên đán năm nay, nhiều tỉnh thành lại phải tiếp tục tạm dừng tổ chức các lễ hội.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu phải hạn chế tối đa số người tham gia cùng thời điểm trong tổ chức việc cưới, việc tang, tảo mộ, mừng thọ, giỗ chạp, các hoạt động vui chơi giải trí... Vận động các hộ gia đình giảm thiểu quy mô, hạn chế tối đa số lượng khách đến dự, phục vụ; khuyến khích các gia đình dùng hình thức báo hỷ thay cho mời dự lễ cưới, tiệc cưới; thực hiện nghiêm 5K.
Hạn chế tối đa tổ chức hoặc tổ chức quy mô phù hợp các sự kiện của mỗi gia đình, đơn vị, cộng đồng, xã hội đảm bảo phù hợp với quy định của ngành Y tế tại địa bàn theo phương châm "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Đây là năm thứ 2 liên tiếp Nghệ An phải dừng các hoạt động lễ hội dịp đầu năm mới vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Mỗi năm, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có hơn 30 lễ hội, trong đó khoảng 20 lễ hội tập trung trong khoảng tháng 1 đến tháng 3 Âm lịch.
Thái Bình: Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Thái Bình đã có công văn đề nghị dừng tổ chức Lễ hội đền Trần và Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2022. Đây là năm thứ hai tỉnh Thái Bình buộc phải tạm dừng tổ chức Lễ hội đền Trần và Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trước bối cảnh dịch COVID-19 đang tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội.
BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Ninh ra văn bản yêu cầu tạm dừng tổ chức lễ hội, các hoạt động trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, để tăng cường thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn. Đối với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, thờ tự, tiến hành các nghi lễ do các chức sắc tôn giáo tại cơ sở đó thực hiện. Đặc biệt, đối với các địa phương được tổ chức nghi lễ tâm linh, tại phần lễ không quá 10 người có mặt và phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Điện Biên: Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và không tổ chức bắn pháo hoa trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, dừng tập trung đông người khi không cần thiết. Đây là năm thứ 2 liên tiếp tỉnh Điện Biên không bắn pháo hoa đón năm mới.
Hà Nam: Để tăng cường công tác phòng, chống dịch và thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của TW, nhất là Nghị quyết số 128/NQ-CP về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID- 19," phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện "bình thường mới," UBND tỉnh Hà Nam yêu cầu tạm dừng bắn pháo hoa tầm cao đêm Giao thừa, tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, chỉ tổ chức lễ hội khi có văn bản đồng ý của UBND tỉnh.
Ninh Bình: Để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực vào cuối năm và dịp Tết Nguyên đán; đồng thời, bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, UBND tỉnh Ninh Bình có văn bản số 02/UBND-VP2 về việc tổ chức đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Theo đó, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tỉnh Ninh Bình tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và bắn pháo hoa và không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, các sự kiện, liên hoan, tiệc cuối năm...
Lâm Đồng: Tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và bắn pháo hoa nổ trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết; tăng cường giám sát dịch bệnh tại các địa bàn, khu vực có nguy cơ cao; tổ chức lực lượng phòng, chống dịch bảo đảm xử lý kịp thời các tình huống xảy ra; đánh giá, cập nhật cấp độ dịch trên cổng thông tin điện tử của địa phương để có các biện pháp tăng cường đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã yêu cầu các địa phương dừng toàn bộ các hoạt động lễ hội tập trung đông người. Theo đó, các địa phương dừng tổ chức các loại hình lễ hội và bắn pháo hoa nổ trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần; dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết; tăng cường giám sát dịch bệnh tại các địa bàn, khu vực có nguy cơ cao.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/nhieu-dia-phuong-tam-dung-cac-le-hoi-vao-dip-tet-de-dam-bao-a... Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/nhieu-dia-phuong-tam-dung-cac-le-hoi-vao-dip-tet-de-dam-bao-an-toan-169220118094810388.htm
Sàng lọc y tế tại Hà Nam phát hiện nhiều trường hợp dương tính SARS-CoV-2
Tối 17/1, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Nam công bố thêm 98 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó có đến 86 F0 được phát hiện thông qua sàng lọc y tế; các trường hợp còn lại ghi nhận ở khu cách ly tập trung và tại nhà.
Theo CDC Hà Nam, kế trong đợt dịch mới từ ngày 19/9 đến nay, lực lượng y tế phát hiện 1.550 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 qua sàng lọc tại các cơ sở y tế. Việc triển khai xét nghiệm diện rộng, sàng lọc tại các cơ sở y tế nhằm đánh giá nguy cơ lây nhiễm để phát hiện sớm những trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng, không để dịch bùng phát và lây lan rộng.
Từ ngày 19/9 đến nay, tỉnh Hà Nam ghi nhận 3.873 ca mắc COVID-19 đã được Bộ Y tế cấp mã.
Đến nay, đã có 3.155 trong số 3.873 bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hà Nam khỏi bệnh và ra viện. Số còn lại đang được điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Dã chiến số 1 tỉnh và các cơ sở y tế trên địa bàn.
Hiện, toàn tỉnh còn 31 F1 đang cách ly tập trung và 3.795 F1 cách ly tại nhà.
Do tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, CDC Hà Nam khuyến cáo, mặc dù đã được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, người dân vẫn cần nghiêm túc tuân thủ các quy định 5K của Bộ Y tế, hạn chế tụ tập đông người. Khi có các biểu hiện: ho, sốt, đau họng, mất vị giác… cần gọi điện ngay tới các cơ sở y tế gần nhất.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/sang-loc-y-te-tai-ha-nam-phat-hien-nhieu-truong-hop-duong-tin... Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/sang-loc-y-te-tai-ha-nam-phat-hien-nhieu-truong-hop-duong-tinh-sars-cov-2-169220117173908001.htm