COVID-19 2/1: Không có triệu chứng, xét nghiệm phát hiện nhiều người mắc Covid-19

Bảo Anh. - Ngày 02/01/2022 12:14 PM (GMT+7)

Trong 24 giờ qua, bằng việc lấy mẫu xét nghiệm lực lượng chức năng tại Nghệ An đã phát hiện 167 ca mắc Covid-19, trong đó có 35 ca trong cộng đồng.

14 diễn biến

Không có triệu chứng, xét nghiệm phát hiện nhiều người mắc Covid-19

Sáng 2-1, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Nghệ An cho biết trong 24 giờ qua (từ 6 giờ ngày 1-1 đến 6 giờ ngày 2-1-2022), tỉnh Nghệ An ghi nhận 167 ca mắc Covid-19 mới. Trong đó, có 35 ca cộng đồng, các trường hợp còn lại đã được cách ly từ trước, ở khu vực phong tỏa hoặc từ các tỉnh khác, nước ngoài về.

Lực lượng chức năng Nghệ An lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng cho người dân trong đêm

Lực lượng chức năng Nghệ An lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng cho người dân trong đêm

Được biết, trong các ca cộng đồng mới ghi nhận trong 24 giờ qua có 12 trường hợp tại xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Những ca này đều chủ yếu được phát hiện qua việc lấy mẫu test sàng lọc trong cộng đồng.

Liên quan đến chùm ca bệnh tại xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, Nghệ An, được phát hiện trong mấy ngày gần đây, hiện tại lực lượng chức năng đã tiến hành cách ly y tế các khu vực xuất hiện dịch, đồng thời tổ chức phun khử trùng, tập trung truy vết các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân. Bước đầu cơ quan chức năng xác định 39 trường hợp là F0, trong đó có nhiều em là học sinh. Lực lượng chức năng đã xác định được khoảng 400 người ngày F1 của các bệnh nhân. Hiện nay, toàn bộ F1 đang được cách ly tại nhà và phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng trong số 167 ca mắc Covid-19 tại Nghệ An trong 24 giờ qua có 90 ca có triệu chứng, 77 ca còn lại không có triệu chứng.

Như vậy, tính từ đầu mùa dịch đến nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận 8.081 ca mắc Covid-19 ở 21 địa phương: TP Vinh: 1.181, Quỳnh Lưu: 707, Nghi Lộc: 574, Yên Thành: 557, Quỳ Châu: 496, Diễn Châu: 478, Quế Phong: 425, Hoàng Mai: 397, Con Cuông: 371, Tân Kỳ: 328, Đô Lương: 311, Quỳ Hợp: 304, Thanh Chương: 320, Nghĩa Đàn: 301, Hưng Nguyên: 293, Nam Đàn: 264, Kỳ Sơn: 238, Cửa Lò: 193, Tương Dương: 150, Anh Sơn: 102, Thái Hòa: 91...Lũy tích số bệnh nhân (BN) điều trị đã khỏi bệnh, ra viện: 6.633 người, số bệnh nhân tử vong: 35 người, bệnh nhân hiện đang điều trị: 1.413 người.

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/khong-co-trieu-chung-xet-nghiem-phat-hien-nhieu-nguoi-mac-co...

Đánh giá lại cấp độ dịch, Cà Mau có 82/101 đơn vị cấp xã nguy cơ cao

Ngày 1-1-2022, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Văn Dũng, ký quyết định số 01/QĐ-SYT công bố cấp độ dịch COVID-19 quy mô cấp xã, phường, thị trấn (cấp xã) trên địa bàn tỉnh và quyết định này có hiệu lực từ 00 giờ ngày 4-1-2022. 

Theo quyết định trên, địa bàn tỉnh Cà Mau có 82/101 đơn vị cấp xã thuộc cấp độ 3 (vùng cam – nguy cơ cao) về dịch COVID-19, 19 đơn vị cấp xã thuộc cấp độ 2 – vùng vàng và không có đon vị cấp xã là vùng xanh. Đáng chú ý trong 82 đơn vị cấp xã được phân loại cấp độ 3 – vùng cam có 12 đơn vị ấp, khóm thuộc cấp độ 4 -vùng đỏ.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ông Huỳnh Quốc Việt (bìa phải) thăm và tặng quà cho đại diện Trạm y tế lưu động thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời. Ảnh: TTĐTCM

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ông Huỳnh Quốc Việt (bìa phải) thăm và tặng quà cho đại diện Trạm y tế lưu động thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời. Ảnh: TTĐTCM

Theo báo cáo của Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Cà  Mau, tính từ đầu năm 2021 đến tối 31-12-2021, toàn tỉnh có tổng số 37.654 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó  còn 15.577 trường hợp đang điều trị; số tử vong  đến nay là  173 trường hợp.

Trong số 15.577 trường hợp mắc COVID-19 trên địa bàn Cà Mau,  có 1.936 trường hợp điều trị tại cơ sở y tế, 994 trường hợp điều trị tại cơ sở tăng cường và 12.627 trường hợp điều trị tại nhà. Cà Mau đã chủ động đảm bảo nguồn nhân lực, trang thiết bị y tế, thuốc điều trị cung cấp cho F0; phân công cụ thể việc theo dõi các F0 điều trị tại nhà cho từng nhân viên y tế cơ sở.

Cạnh đó, tỉnh Cà Mau huy động khoảng 300 cán bộ y tế nghỉ hưu và tình nguyện viên cùng tham gia hỗ trợ điều trị F0 tại nhà; các địa phương đang tiếp tục huy động nhân viên các phòng khám đa khoa, bệnh viện ngoài hệ thống công lập, đoàn viên, hội viên, giáo viên để tăng cường nhân lực cho các trạm y tế lưu động, cơ sở thu dung điều trị và hỗ trợ điều trị F0 tại nhà. 

Nguồn: https://plo.vn/thoi-su/danh-gia-lai-cap-do-dich-ca-mau-co-82-101-don-vi-cap-xa-nguy-co-...

Khánh Hòa hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Khánh Hòa vừa có hướng dẫn tạm thời thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh qua Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh và các cảng hàng không quốc tế khác về lưu trú tại tỉnh Khánh Hòa.

Theo hướng dẫn, người nhập cảnh cần tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19; có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP) trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh về Việt Nam và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận (trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi). Đồng thời, thực hiện khai báo y tế trước khi nhập cảnh tại địa chỉ tokhaiyte.vn.

Khi nhập cảnh vào Việt Nam phải cài đặt và sử dụng ứng dụng khai báo y tế PC-Covid để khai báo y tế, theo dõi sức khỏe theo quy định của Việt Nam (đối với khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ thì khuyến khích sử dụng ứng dụng này). Việc cài đặt ứng dụng PC-Covid có thể thực hiện tại nơi lưu trú (khách sạn, khu nghỉ dưỡng) hoặc tại nhà ở để tránh gây ùn tắc, tập trung đông người nơi nhập cảnh.

Riêng người nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ; chuyên gia người nước ngoài, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày) hoặc dài ngày; người nhập cảnh theo chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; người Việt Nam trên các chuyến bay giải cứu công dân (gồm người có hoàn cảnh khó khăn, người thất nghiệp, người lao động hết hợp đồng, người bị trục xuất, sinh viên…); người Việt Nam trên các chuyến bay charter nhập cảnh về nước thì thực hiện theo quy định cụ thể của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan.

Người nhập cảnh thực hiện chi trả chi phí xét nghiệm, chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh, chi phí vận chuyển và các chi phí liên quan (nếu có) trong phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.

Khách quốc tế có hộ chiếu vắc-xin đến tỉnh Khánh Hòa.

Khách quốc tế có "hộ chiếu vắc-xin" đến tỉnh Khánh Hòa.

Đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, trong vòng 3 ngày đầu kể từ khi nhập cảnh tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú hoặc tại nhà ở nếu nhà đảm bảo điều kiện và được sự đồng ý của chính quyền địa phương nơi cư trú; không tiếp xúc với người xung quanh, không được ra khỏi nhà hoặc nơi lưu trú. Đồng thời, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 3 kể từ ngày nhập cảnh. 

Đối với người nhập cảnh chưa tiêm vắc-xin hoặc tiêm chưa đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 thì thực hiện cách ly tại nơi lưu trú hoặc tại nhà ở trong 7 ngày kể từ ngày nhập cảnh; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 3 và ngày thứ 7.

Đối với người nhập cảnh là trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền (nhưng không phải theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế): Được cách ly cùng cha/mẹ/người chăm sóc (gọi chung là người chăm sóc). Người chăm sóc phải tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 và phải ký cam kết tự nguyện cách ly cùng sau khi được giải thích về các nguy cơ lây nhiễm Covid-19; phải thực hiện nghiêm các yêu cầu xét nghiệm và các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 như đối với người nhập cảnh.

Trường hợp người nhập cảnh là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và thân nhân (gồm vợ/chồng, con) chưa tiêm vắc-xin hoặc chưa tiêm chưa đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 sẽ được thực hiện tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 miễn phí trong thời gian thực hiện cách ly (nếu tỉnh có đủ điều kiện).

Đối với hộ gia đình có thân nhân nhập cảnh về cư trú theo dõi sức khỏe hoặc cách ly y tế tại nhà có trách nhiệm báo cáo, đề nghị UBND xã, phường, thị trấn có văn bản xác nhận nhà ở đảm bảo đủ điều kiện theo quy định và đồng ý tiếp nhận, quản lý đối với người nhập cảnh. Thời gian thực hiện ít nhất 10 ngày làm việc trước khi thân nhân từ nước ngoài nhập cảnh về Việt Nam.

Bên cạnh đó, thông báo đến Sở Y tế trước khi chuyến bay hạ cánh ít nhất 3 ngày để phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ. Khi về đến địa phương, thực hiện khai báo tại Trạm Y tế xã phường nơi cư trú theo quy định để phối hợp theo dõi, giám sát y tế, lấy mẫu xét nghiệm PCR theo quy định.

Cơ quan, tổ chức doanh nghiệp có người nhập cảnh về cư trú theo dõi sức khỏe hoặc cách ly y tế tại khách sạn: Thông báo đến Sở Y tế trước khi chuyến bay hạ cánh ít nhất 3 ngày để phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ, theo dõi, giám sát y tế, lấy mẫu xét nghiệm PCR…

Trong hướng dẫn cũng nêu rõ các yêu cầu về tổ chức vận chuyển đối với người nhập cảnh qua Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh về nơi lưu trú trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, về lưu trú tại các tỉnh thành phố khác và nhập cảnh từ các cảng hàng không quốc tế khác về lưu trú tại Khánh Hòa…

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/khanh-hoa-huong-dan-phong-chong-dich-covid-19-doi-voi-nguoi-...

Hà Nội: 3 quận, huyện "nguy cơ cao" dừng bán hàng ăn uống tại chỗ

Theo VietNamNet, quận Thanh Xuân, huyện Gia Lâm và Thanh Trì đã chuyển từ cấp độ 2 - nguy cơ trung bình (màu vàng) lên cấp độ 3 - nguy cơ cao (màu cam) trong đánh giá cấp độ phòng chống dịch Covid-19.

Các quận, huyện trên đã ban hành công văn về điều chỉnh các biện pháp hành chính tương ứng mức độ dịch ở cấp độ 3 để phòng, chống dịch. Cụ thể, những biện pháp bao gồm:

Các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được phép bán mang về, đóng cửa trước 21h hàng ngày. Cấm hoạt động kinh doanh buôn bán tại các chợ cóc, chợ tạm.

Tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như: Cơ sở làm đẹp, mát xa, karaoke (kể cả karaoke loa kéo, quán hát cho nhau nghe), quán bar; trò chơi điện tử, điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng. Riêng đối với dịch vụ cắt tóc được hoạt động, phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 (tuân thủ nghiêm 5K, quét mã QR).

Không tổ chức các hoạt động hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Yêu cầu những người tham gia phải được tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ, tuân thủ nghiêm ngặt 5K, cài đặt và quét mã QR.

Tạm dừng tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh khối 12 các trường Trung học phổ thông, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Dừng các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng…

Quận Thanh Xuân áp dụng các biện pháp trên từ 12h ngày 3/1; huyện Gia Lâm từ 12h ngày 2/1; huyện Thanh Trì hiện đã thực hiện.

Theo Lao Động, trước đó, ngày 31/12/2021, UBND Tp. Hà Nội đã có thông báo về đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Theo đó, toàn thành phố vẫn ở cấp độ 2 (màu vàng, nguy cơ trung bình). Tuy nhiên, số lượng các quận, huyện và xã, phường nâng lên cấp độ 3 tiếp tục tăng lên so với tuần trước đó.

Hà Nội hiện có 10 quận, huyện ở cấp độ 3 (màu cam, nguy cơ cao) gồm: Ba Đình, Gia Lâm, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Trì, Thanh Xuân. Như vậy, quận Đống Đa được đánh giá "giảm nhiệt", chuyển từ "vùng cam" xuống "vàng". Trong khi đó, 3 quận, huyện tăng nguy cơ so với tuần trước là Thanh Trì, Thanh Xuân và Gia Lâm.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/ha-noi-3-quan-huyen-nguy-co-cao-dung-ban-hang-an-uong-tai-ch...

Từ 4/1, người dân thành phố Hải Dương tham gia dịch vụ ăn uống cần điều kiện gì?

UBND TP Hải Dương vừa có công văn về việc điều chỉnh, bổ sung một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể, thành phố đề nghị nhân dân và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, tuân thủ nguyên tắc 5K. 

Mọi người chủ động test nhanh kháng nguyên xét nghiệm COVID-19, đặc biệt là những người từ tỉnh ngoài, vùng có dịch trở về; không chủ quan, lơ là khi đã tiêm vaccine.

Hạn chế tập trung đông người nơi công cộng, nếu tổ chức các sự kiện yêu cầu không tập trung quá 20 người trong cùng thời gian, địa điểm.

Các đơn vị tổ chức sự kiện có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch; yêu cầu phải thực hiện việc test nhanh kháng nguyên xét nghiệm COVID- 19 hoặc kiểm tra kết quả xét nghiệm PCR của người tham dự (có thời hạn trong 72h), đảm bảo người tham dự sự kiện có kết quả âm tính mới được tiến hành tổ chức sự kiện.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hạn chế tổ chức hội nghị, gặp mặt cuối năm, đầu năm và không tổ chức ăn, uống, liên hoan. Cán bộ, công chức, viên chức từ thành phố đến các phường, xã thực hiện nêu gương không tổ chức, tham gia liên hoan, tập trung ăn uống đông người.

Công văn nêu rõ: Từ 0h ngày 04/01/2022, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được phép hoạt động khi đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch, không phục vụ quá 50% công suất và không quá 20 người trong một phòng; phải đóng cửa trước 21h hằng ngày; thực hiện nghiêm việc khai báo y tế hoặc quét mã QR-code.

Chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống có trách nhiệm tổ chức xét nghiệm nhanh hoặc kiểm tra kết quả xét nghiệm PCR của khách hàng (có thời hạn trong 72h); kết quả âm tính mới được tham dự.

Các chủ khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở kinh doanh lưu trú trên địa bàn, Ban Quản lý chợ đầu mối Gia Xuyên, chợ Hội Đô có trách nhiệm test nhanh kháng nguyên xét nghiệm COVID-19 hoặc kiểm tra kết quả xét nghiệm PCR (có thời hạn trong 72h) cho khách lưu trú, lái xe đi/về từ tỉnh ngoài, vùng dịch; kết quả âm tính mới được phép lưu trú và vào chợ. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 cho công nhân, người lao động theo quy định.

Theo ngành Y tế tỉnh Hải Dương, trong ngày hôm qua (01/01), địa phương này ghi nhận số ca mắc COVID-19 kỷ lục với 333 trường hợp ở 8 huyện, 1 thị xã và 2 thành phố. Trong đó có 267 trường hợp F1, 44 ca ho sốt cộng đồng, 17 trường hợp về từ các tỉnh khác và 5 trường hợp sàng lọc cộng đồng. Đáng chú ý, trong 333 bệnh nhân được ghi nhận trong ngày, có đến 264 ca đã được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Nguồn: https://giadinh.net.vn/tu-4-1-nguoi-dan-thanh-pho-hai-duong-tham-gia-dich-vu-an-uong-ca...

NÓNG: Giám đốc CDC Bình Phước "xin" trả lại quà của Công ty Việt Á

Sáng 2-1, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Bình Phước xác nhận CDC Bình Phước có thực hiện các hợp đồng mua kít xét nghiệm của Công ty Việt Á, vụ việc hiện đang được công an vào cuộc làm rõ.

Theo ông Sáu, việc mua sản phẩm của Công ty Việt Á là từ thông tin của Bộ Y tế. Hình thức mua chỉ định thầu rút gọn, đấu thầu rộng rãi và thực hiện theo quy định của pháp luật.

Đối với việc mua theo hình thức chỉ định thầu rút gọn vì muốn rút ngắn thời gian mua bán để có vật tư y tế cho quá trình chống dịch cấp bách.

Giám đốc CDC Bình Phước khẳng định không ăn chia hoa hồng với Công ty Việt Á, mãi đến đầu tháng 10-2021, phía Công ty Việt Á có đến cơ quan và gửi quà cho ông. Sự việc này ông đã báo cáo với tổ chức, lãnh đạo các cấp. "Sau khi kết thúc kỳ nghỉ, tôi sẽ giao nộp cho cơ quan chức năng", ông Sáu cho hay.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao động, Bình Phước mua của Công ty Việt Á khoảng 87.000 kít xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2, với tổng số tiền trên 40 tỉ đồng.

Ngoài ra, trên mạng còn lùm xùm thông tin CDC Bình Phước mua bán vật tư y tế với Công ty Việt Á theo chỉ đạo của một phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước.

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/giam-doc-cdc-binh-phuoc-xin-tra-lai-qua-cua-cong-ty-viet-a-2...

Hải Phòng giảm số ca nhiễm, Quảng Ninh đón du khách vui xuân trong an toàn

Theo thông tin từ ngành y tế thành phố Hải Phòng, số ca dương tính SARS-CoV-2 trên toàn địa bàn hôm nay đã giảm mạnh.

Hải Phòng giảm số ca nhiễm, Quảng Ninh đón du khách vui xuân trong an toàn.

Hải Phòng giảm số ca nhiễm, Quảng Ninh đón du khách vui xuân trong an toàn.

Cụ thể, toàn thành phố ghi nhận thêm 495 F0, công bố khỏi trong ngày báo cáo 251 ca, hồi phục xuất viện 3.482 ca, đang điều trị 6.892 bệnh nhân và hiện có 21 F0 đang diễn biến nặng.

Trong số 495 F0 hôm nay có 214 trường hợp tự đi làm xét nghiệm, 217 trường hợp diện F1, 47 trường hợp sàng lọc tại công ty thuộc các khu công nghiệp Tràng Duệ, An Dương (huyện An Dương), 16 test nhanh dương tính, còn lại là trường hợp xét nghiệm sàng lọc nhân viên y tế.

Tại Quảng Ninh, ngay trong ngày đầu xuân năm mới, chính quyền đã yêu cầu các địa phương, đơn vị chủ động triển khai nhiều hoạt động đảm bảo cho người dân, du khách vui xuân; tuyệt đối không để lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Theo ghi nhận của phóng viên, trong ngày đầu năm mới, nhiều du khách đã tới các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh để đón Xuân. Nhìn chung, công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các đơn vị du lịch, dịch vụ đều có sự chuẩn bị kỹ càng, chặt chẽ đảm bảo an toàn cho du khách khi đến vui chơi.

Mọi du khách khi tới các điểm tham quan, vui chơi đều tuân thủ việc đeo khẩu trang phòng dịch và quét mã QR code.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/hai-phong-giam-so-ca-nhiem-quang-ninh-don-du-khach-vui-xuan-t...

Hải Dương có số ca mắc kỷ lục trong ngày đầu tiên năm mới

Ngày 1/1/2022, tỉnh Hải Dương ghi nhận số ca mắc COVID-19 kỷ lục với 333 trường hợp ở 8 huyện, 1 thị xã và 2 thành phố.

Cụ thể: có 267 trường hợp F1, 44 ca ho sốt cộng đồng, 17 trường hợp về từ các tỉnh khác và 5 trường hợp sàng lọc cộng đồng. Đáng chú ý, trong 333 bệnh nhân được ghi nhận trong ngày, có đến 264 ca đã được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Tại huyện Bình Giang có 24 ca mắc mới được ghi nhận tại 3 ổ dịch: Công ty May Hải Anh 1 (xã Bình Minh); thị trấn Kẻ Sặt; tại K-Café (thị trấn Kẻ Sặt) và xã Vĩnh Hồng. Trong số những bệnh nhân nói trên có 22 ca là F1, còn lại là ho sốt cộng đồng và từ vùng dịch về.

Đối với huyện Cẩm Giàng và Gia Lộc có tổng 78 bệnh nhân mắc trong ngày liên quan đến các ổ dịch gồm: Công ty Brother - KCN Phúc Điền; công ty Sambound, KCN Tân Trường; công ty Haivina. Ngoài ra, huyện Gia Lộc còn ghi nhận thêm 3 ca mắc ho sốt cộng đồng.

Tại huyện Tứ Kỳ và Kim Thành, ngày hôm nay có 54 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế đánh mã số bệnh nhân. Chủ yếu những ca bệnh là trường hợp F1, ngoài ra tại ổ dịch công ty Lucky (Hải Phòng), công ty Freedom (Cường Ngoan) trong ngày tiếp tục ghi nhận những ca mắc mới.

Ngày hôm nay, tại huyện Ninh Giang có thêm 15 ca mắc là những F1 ở các xã: Đồng Tâm, Hiệp Lực, Hồng Phong, Nghĩa An, Tân Quang, Ứng Hòe, Vĩnh Hòa. Trong đó, ổ dịch xã Đồng Tâm ghi nhận 4 ca mắc mới; liên quan đến ổ dịch công ty Sky Dragon (xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ) tại huyện này có thêm 9 bệnh nhân. Đối với huyện Thanh Hà cũng ghi nhận 24 trường hợp mắc COVID-19 chủ yếu là các trường hợp F1.

Cũng theo ngành Y tế Hải Dương, hôm nay TP. Chí Linh có số ca mắc cao nhất với 106 trường hợp. Trong đó, 67 ca là F1, ho sốt cộng đồng 33 ca, 4 trường hợp sàng lọc cộng đồng và 1 công dân từ vùng dịch về; riêng ổ dịch phường Sao Đỏ ghi nhận 80 ca.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/hai-duong-co-so-ca-mac-ky-luc-trong-ngay-dau-tien-nam-moi-169...

Thủ tướng chỉ đạo mua vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi

Ngày 1/1, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Theo đó, để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng bộ Y tế chỉ đạo rà soát, cập nhật thường xuyên để kịp thời có giải pháp phù hợp bảo đảm số lượng vaccine đủ tiêm cho trẻ em các lứa tuổi theo tiến độ được giao; trực tiếp chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Thủ tướng chỉ đạo bộ Y tế tiến hành ngay các thủ tục cần thiết theo quy định để mua vaccine cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt về chủ trương.

Tại công văn trước đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Y tế chỉ đạo họp với chuyên gia, phối hợp lực lượng y tế, quân đội để thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa việc tiêm vaccine phòng COVID-19, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; có kế hoạch truyền thông thật tốt về việc vaccine Pfizer được gia hạn.

Đồng thời, bộ Y tế báo cáo cụ thể vaccine tiêm và nhận trong tháng 1/2022, kế hoạch bảo đảm đủ vaccine để tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên để hoàn thành mũi 3 trong Quý I năm 2022, bảo đảm mục tiêu đã được Thủ tướng chỉ đạo.

Bộ Y tế nghiên cứu các thông tin liên quan đến các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, bảo đảm phù hợp, hiệu quả.

Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/thu-tuong-chi-dao-mua-vaccine-covid-19-cho-tre-em-tu-5-...

Cần Thơ đã có người nghi nhiễm biến chủng Omicron về từ Anh

Ngày 1-1, nguồn tin của PLO xác nhận, Cần Thơ đã có người nghi nhiễm COVID-19 biến chủng Omicron.

Cụ thể, một gia đình ba người từ nước Anh bay về Việt Nam đã cách ly 7 ngày tại Sầm Sơn (Thanh Hóa). Khi về đến Cần Thơ thì hai người có kết quả xét nghiệm âm tính, một em bé hơn 1 tuổi có kết quả xét nghiệm dương tính nhưng chỉ số CT 33,9.

Theo nguồn tin, với chỉ số CT trên thì em bé chỉ trong 2-3 ngày tới sẽ khỏi. Do em bé có chỉ số CT như trên và gia đình có đủ điều kiện nên địa phương cho bé cách ly tại nhà.

Tính đến ngày 31-12-2021, TP Cần Thơ đã ghi nhận hơn 50.000 ca nhiễm COVID-19, trong đó đã điều trị khỏi cho 41.943 người. Tỉ lệ trẻ 12-17 tuổi và người trên 18 tuổi trên địa bàn TP đã tiêm đủ liều vaccine đạt lần lượt là 85,9% và 95,41%.

Trước đó, trong tháng 12-2021, TP Cần Thơ đã có nhiều văn bản tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trước biến chủng Omicron.

Văn bản mới nhất ngày 24-12, UBND TP giao Sở Y tế phối hợp Công an TP và các đơn vị liên quan rà soát các trường hợp nhập cảnh từ ngày 28-11-2021 có kết quả xét nghiệm dương tính bằng phương pháp NAAT, PCR trong 14 ngày, phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để đánh giá dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm gửi hai viện trên để thực hiện xét nghiệm giải trình tự gen nhằm xác định biến chủng Omicron…

Nguồn: https://plo.vn/suc-khoe/can-tho-da-co-nguoi-nghi-nhiem-bien-chung-omicron-ve-tu-anh-103...

Đà Nẵng cách ly, điều trị F0 tại nhà trên toàn thành phố

Ngày 1-1, Sở Y tế TP Đà Nẵng vừa ban hành kế hoạch triển khai cách ly, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà/nơi lưu trú trên toàn thành phố.

Việc này nhằm giảm tải cho các cơ sở y tế trên địa bàn, tập trung nguồn nhân lực y tế chăm sóc cho những ca bệnh có triệu chứng tại các tầng điều trị khác.

Theo đó, F0 cách ly, chăm sóc, điều trị tại nhà, nơi lưu trú và người ở cùng được quản lý, giám sát, chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất tiến triển nặng và tử vong, không để lâu nhiễm chéo trong gia đình và cộng đồng.

Những trường hợp nhiễm COVID-19 có thể cách ly, chăm sóc, điều trị tại phòng trọ, nhà ở chung cư, nhà tập thể nếu đủ điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định hiện hành, hướng dẫn của ngành y tế và chính quyền địa phương (áp dụng tương tự đối với các trường hợp F1 cách ly tại nhà, nơi lưu trú).  

Trung tâm kiểm soát bệnh tật, trung tâm y tế quận, huyện và các bệnh viện, cơ sở y tế, cơ sở xét nghiệm trực 24/7, thiết lập đầu mối liên lạc để chia sẻ, tiếp nhận, nắm bắt thông tin về các trường hợp nhiễm COVID-19. Nghiên cứu phát triển mạng lưới “thầy thuốc lưu động” gồm các y, bác sĩ, dược sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng, nhân viên y tế tại các cơ sở y tế… để hỗ trợ từ xa F0 điều trị tại nhà.

Trạm y tế thực hiện giám sát, chăm sóc, điều trị tối đa 20-30 F0 tại nhà/nơi lưu trú với tối đa 5 nhân viên y tế; kịp thời đề xuất kích hoạt trạm y tế lưu động khi vượt quá năng lực chăm sóc, điều trị F0 tại nhà/nơi lưu trú.

Các địa phương thiết lập và kích hoạt trạm y tế lưu động với số lượng, vị trí phù hợp với tình hình dịch bệnh, năng lực của địa phương, đảm bảo hiệu quả, thích ứng an toàn, linh hoạt trong công tác chăm sóc, cách ly, điều trị F0 tại nhà hoặc nơi lưu trú. Mỗi đơn vị này điều trị cho khoảng 50-100 người theo quy định.

Trường hợp trạm y tế lưu động thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, điều trị F0 tại nhà, nơi lưu trú trên địa bàn từ hai xã phường trở lên thì UBND các quận, huyện quyết định trạm y tế quản lý trạm y tế lưu động.

Nguồn: https://plo.vn/suc-khoe/da-nang-cach-ly-dieu-tri-f0-tai-nha-tren-toan-thanh-pho-1036929...

Nâng cấp trạm y tế phường, xã là hoạt động trọng tâm của y tế TP.HCM năm 2022

Sáng 2-1, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã xây dựng chín nhóm hoạt động trọng tâm trong năm 2022.

Mục tiêu là để định hướng cho toàn ngành y tế cùng phát huy những bài học kinh nghiệm đã được đúc kết trong năm 2021. Cạnh đó là cùng nhân rộng những cách làm đổi mới sáng tạo để hướng đến mục tiêu cuối cùng là chăm sóc sức khoẻ người dân tốt hơn.

Nhân viên trạm y tế phát thuốc cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà. Ảnh: TRẦN NGỌC

Nhân viên trạm y tế phát thuốc cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà. Ảnh: TRẦN NGỌC

Chín nhóm hoạt động trọng tâm gồm:

1. Triển khai các chiến lược y tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19: Triển khai hiệu quả công tác tiêm vaccine ngừa COVID-19 đến từng người dân TP; Nâng cao chất lượng quản lý, chăm sóc và điều trị người mắc COVID-19; Sẵn sàng nguồn nhân lực tuyến đầu và nhân lực chuyên sâu ứng phó với mọi tình huống diễn biến của dịch bệnh COVID-19...

2. Khôi phục các hoạt động khám, chữa bệnh và nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh: Tái cấu trúc các cơ sở khám chữa bệnh, đảm bảo thực hiện hai chức năng chăm sóc và điều trị cho người bệnh COVID-19 và không COVID-19; Đẩy mạnh chuyển đổi mô hình hoạt động theo nguyên lý y học gia đình tại trạm y tế... 

3. Triển khai các giải pháp giúp ổn định tài chính cho các đơn vị sự nghiệp trong tình hình dịch bệnh kéo dài: Nghiên cứu và đề xuất các cơ chế tài chính giúp cho các đơn vị ổn định tài chính trong tình hình dịch bệnh kéo dài; Thực hiện thanh, quyết toán chi phí phòng chống dịch COVID-19 đảm bảo đúng quy định và đúng thời hạn... 

4. Phát triển nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe ban đầu và chuyên khoa sâu: Triển khai hiệu quả đề án nâng cao năng lực y tế cơ sở; Thực hiện đề án chuyển đổi trung tâm y tế và bệnh viện quận, huyện, TP Thủ Đức từ Sở Y tế TP.HCM về UBND quận, huyện, TP Thủ Đức quản lý... 

5. Củng cố công tác quản lý của một số đơn vị trực thuộc, xây dựng các đề án trọng tâm về công nghiệp dược và nâng cao năng lực Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC): Kiện toàn công tác tổ chức bộ máy và lãnh đạo, quản lý của một số đơn vị trực thuộc; Tăng cường giám sát, thanh kiểm tra công tác đấu thầu mua sắm tại các cơ sở y tế công lập...

6. Triển khai chuyển đổi số, xây dựng dữ liệu lớn của ngành y tế TP.HCM: Tạo lập hồ sơ sức khoẻ điện tử của người dân trên địa bàn TP.HCM; Xây dựng nền tảng số quản lý dịch bệnh COVID-19... 

7. Đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng và đưa vào sử dụng hiệu quả: Hoàn thành và đưa vào hoạt động hiệu quả các công trình xây dựng mới:  BV Truyền máu Huyết học, BV Nguyễn Trãi, BV Nhi đồng 1, BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Pháp Y; Đưa các công trình xây dựng đã hoàn thành đi vào hoạt động, gồm BV Ung bướu (cơ sở 2), khu kỹ thuật cao của BV Nhân dân 115; Nâng cấp cơ sở hạ tầng các trạm y tế phường, xã đủ điều kiện hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.

8. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tăng cường cải cách thủ tục hành chính hướng đến sự hài lòng của người dân: Xây dựng trang thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19; Triển khai dịch vụ công trực tuyến tại các đơn vị trực thuộc, tích hợp vào cổng dịch vụ công trực tuyến của ngành y tế... 

9. Tăng cường quản lý hành nghề y dược tư nhân: Triển khai thí điểm các cơ chế để các cơ sở hành nghề y dược tư nhân tham gia công tác phòng chống dịch; Kiểm tra chất lượng các phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa (thẩm mỹ, răng hàm mặt); Tăng cường kiểm tra, thanh tra tuân thủ các quy định pháp luật của các cơ sở hành nghề y dược tư nhân; Tăng cường kiểm tra bán thuốc kê đơn, thực hiện việc cấp tài khoản liên thông trên cổng dữ liệu dược quốc gia cho các cơ sở bán buôn thuốc.

Nguồn: https://plo.vn/suc-khoe/nang-cap-tram-y-te-phuong-xa-la-hoat-dong-trong-tam-cua-y-te-tp...

Nghệ An ghi nhận thêm 124 ca nhiễm Covid-19 ở 20 địa phương

Trong 12 giờ qua (từ 06h00 đến 18h00 ngày 01/01/2022), Nghệ An ghi nhận 124 ca dương tính mới với SARS-CoV-2 tại 20 địa phương (Kỳ Sơn 27 ca, Hoàng Mai 18 ca, Thanh Chương 15 ca, Quỳnh Lưu 12 ca, Con Cuông 6 ca, Tp.Vinh 5 ca, Diễn Châu 6 ca, Quỳ Hợp 6 ca, Nghĩa Đàn 5 ca, Đô Lương 4 ca, Tân Kỳ 4 ca, Quỳ Châu 3 ca, Yên Thành 2 ca, Hưng Nguyên 2 ca, Nghi Lộc 2 ca, Thái Hòa 2 ca, Quế Phong 2 ca, Cửa Lò 1 ca, Tương Dương 1 ca, Nam Đàn 1 ca).

Trong đó, có 22 ca cộng đồng tại 9 địa phương (Quỳnh Lưu 7 ca, Nghĩa Đàn 5 ca, Tp.Vinh 1 ca, Nghi Lộc 2 ca, Tân Kỳ 2 ca, Thái Hòa 2 ca, Đô Lương 1 ca, Hoàng Mai 1 ca, Hưng Nguyên 1 ca), 102 ca đã được cách ly từ trước (82 trường hợp là F1, 5 ca trong khu vực phong tỏa, 3 ca từ Lào về, 12 ca từ ngoại tỉnh có dịch về). Ghi nhận 58 ca có triệu chứng, 66 ca không có triệu chứng.

Xã Diễn Yên hiện là địa phương có dịch phức tạp nhất trên địa bàn huyện Diễn Châu khi liên tiếp ghi nhận ca nhiễm Covid-19 cộng đồng, chủ yếu là học sinh.

Sáng 1/1, có 12 ca cộng đồng được ghi nhận tại xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, nâng tổng số F0 tại địa phương này lên 39 bệnh nhân chỉ trong vài ngày. Sau khi có kết quả xét nghiệm, xã Diễn Yên đã tiến hành cách ly y tế các khu vực xuất hiện dịch, đồng thời tổ chức phun khử trùng, tập trung truy vết các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân.

Hiện nay, dịch đã xuất hiện tại 12/12 xóm trên địa bàn, các F0 chủ yếu là học sinh. Địa phương đã dừng học trực tiếp đối với cả 3 cấp học trên địa bàn bao gồm mầm non, tiểu học và trung học cơ sở để chống dịch...

Trong những ngày qua, xã Diễn Yên đã lấy mẫu xét nghiệm khoảng 3.000 người, bao gồm học sinh các trường và người thân của các em, các trường hợp tiếp xúc gần với các bệnh nhân.

Công tác truy vết cũng được địa phương rốt ráo thực hiện. Đến nay, đã xác định được 370F1 của các bệnh nhân, số F1 dự kiến sẽ còn tăng do các bệnh nhân vẫn đang khai báo. Hiện nay, toàn bộ F1 đang được cách ly tại nhà và phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch.

Xã Diễn Yên hiện là địa phương có dịch phức tạp nhất trên địa bàn huyện, do đó, huyện Diễn Châu đang tập trung dồn nhân lực, vật lực, phương tiện hỗ trợ địa phương này dập dịch. Trong đó tập trung vào các nhiệm vụ bao gồm tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân chấp hành tốt việc cách ly tại nhà, hạn chế tối đa việc đi lại không cần thiết, nhất là trong thời điểm đang được nghỉ Tết Dương lịch. Bên cạnh đó, địa phương phải tập trung xét nghiệm tại các vùng có nguy cơ cao để kịp thời bóc tách các F0 ra khỏi cộng đồng.

Lũy tích từ đầu mùa dịch đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 8.038 ca mắc Covid-19 ở 21 địa phương. Trong ngày 1/1/2022, có 152 bệnh nhân khỏi bệnh, ra viện. Lũy tích số bệnh nhân điều trị đã khỏi bệnh, ra viện 6.633 bệnh nhân. Lũy tích số bệnh nhân tử vong 35 bệnh nhân. Số bệnh nhân hiện đang điều trị 1.370 bệnh nhân.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/nghe-an-ghi-nhan-them-124-ca-nhiem-covid-19-o-20-dia-phuong-...

Khánh Hòa ghi nhận thêm 331 ca nhiễm Covid-19, có 38 ca cộng đồng

Sáng 2/1, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Khánh Hòa, Tỉnh này có thêm 1.394 bệnh nhân mắc Covid-19 đã được các y bác sĩ của các bệnh viện dã chiến, chăm sóc sức khỏe tại nhà điều trị khỏi bệnh. Như vậy, số bệnh nhân xuất viện từ ngày 22/7/2021 đến nay là 29.448 ca, chiếm hơn 82,1% số ca mắc.

Cũng theo báo cáo, từ 17h ngày 1/1 đến 7h ngày 2/1, tỉnh Khánh Hòa ghi nhận thêm 331 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Các ca bệnh được ghi nhận tại: Tp.Nha Trang 217 ca, Tp.Cam Ranh 9 ca, thị xã Ninh Hòa 28 ca, huyện Vạn Ninh 11 ca, huyện Diên Khánh 16 ca, huyện Cam Lâm 26 ca, huyện Khánh Sơn 20 ca và huyện Khánh Vĩnh 4 ca.

Trong đó, 38 trường hợp ghi nhận trong cộng đồng tại huyện Khánh Vĩnh (xã Cầu Bà 2 ca, xã Khánh Trung 2 ca), Tp.Nha Trang (phường Phước Tân 1 ca, phường Vạn Thắng 2 ca, xã Vĩnh Hiệp 1 ca, xã Vĩnh Lương 2 ca, xã Vĩnh Ngọc 1 ca, phường Vĩnh Phước 1 ca, xã Vĩnh Phương 2 ca, xã Vĩnh Thạnh 1 ca), thị xã Ninh Hòa (phường Ninh Hải 1 ca, phường Ninh Hiệp 1 ca, xã Ninh Ích 2 ca, xã Ninh Lộc 1 ca, xã Ninh Sim 5 ca, xã Ninh Tây 3 ca), huyện Vạn Ninh (xã Vạn Bình 1 ca, thị trấn Vạn Giã 2 ca, xã Vạn Lương 3 ca, xã Vạn Thắng 4 ca).

Cùng với đó là 285 trường hợp cách ly tại nhà, 8 trường hợp ghi nhận trong khu cách ly tập trung.

COVID-19 2/1: Không có triệu chứng, xét nghiệm phát hiện nhiều người mắc Covid-19 - 7

Liên quan đến các trường hợp dương tính mới, ngành y tế và cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã truy vết, cách ly 149 F1 và 39 F2.

Như vậy, từ ngày 23/6/2021 đến 7h ngày 2/1/2022, toàn tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 35.851 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Có 8/9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh ghi nhận có ca mắc Covid-19.

Trong đó, nhiều nhất là Tp.Nha Trang với 18.057 trường hợp, tiếp đến là thị xã Ninh Hòa với 5.996 trường hợp, huyện Diên Khánh 3.974 trường hợp, Tp.Cam Ranh 2.439 trường hợp, huyện Cam Lâm 2.308 trường hợp, huyện Vạn Ninh 1.570 trường hợp, huyện Khánh Sơn 757 trường hợp và huyện Khánh Vĩnh 750 trường hợp.

Toàn tỉnh đã truy vết 36.230 F1 và 23.568 F2, thực hiện lấy 1.185.957 mẫu xét nghiệm RT-PCR và 5.662.379 mẫu test nhanh kháng nguyên.

Theo CDC Khánh Hòa, Tỉnh này có thêm 6 ca tử vong liên quan đến Covid-19. Như vậy, số ca tử vong cộng dồn từ ngày 20/7/2021 đến nay là 182 ca. Số bệnh nhân đang điều trị là 6.221 người.

Về công tác triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi, đến nay đã có 112.636 trẻ tiêm mũi 1 (tỉ lệ 98,57%), 97.701 trẻ tiêm mũi 2 (tỉ lệ 85,5%).

Về chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định hỗ trợ cho 195.000 người với tổng kinh phí hơn 389,690 tỷ đồng.

Trong đó, huyện Vạn Ninh 27.255 người, thị xã Ninh Hòa 41.857 người, Tp.Nha Trang 77.029 người, huyện Diên Khánh 16.656 người, huyện Cam Lâm 9.754 người, Tp.Cam Ranh 19.514 người, huyện Khánh Vĩnh 1.118 người, huyện Khánh Sơn 420 người và Công ty Xổ số kiến thiết 1.397 người.

Tính đến 17h ngày 1/1, Trung tâm Cứu trợ Covid-19 tỉnh Khánh Hòa đã trích hơn 19,212 tỷ đồng để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch và mua lương thực, thực phẩm cứu trợ; phân bổ tất cả gạo, rau củ quả, nhu yếu phẩm và thiết bị y tế đã tiếp nhận.          

Để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, Trung tâm đã tổ chức nhiều đợt thăm hỏi, động viên và tặng quà các hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn, các hộ ở trọ, gia đình chính sách, già làng, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, lao động tự do, cơ sở bảo trợ xã hội, các mái ấm tôn giáo, các bếp ăn khu cách ly tập trung toàn tỉnh, người nước ngoài khó khăn...

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/khanh-hoa-ghi-nhan-them-331-ca-nhiem-covid-19-co-38-ca-cong-...

COVID-19: 19 học sinh cùng xã dương tính, ổ dịch lây nhiễm phức tạp, hỏa tốc cách ly y tế
Liên quan đến ổ dịch này, các trường trên địa bàn xã chuyển học trực tuyến, một số thôn thực hiện cách ly y tế.

Dịch COVID-19

Bảo Anh. (t/h)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19