Liên quan đến ổ dịch này, các trường trên địa bàn xã chuyển học trực tuyến, một số thôn thực hiện cách ly y tế.
9 diễn biến
Một xã có nhiều học sinh mắc COVID-19, các trường chuyển học trực tuyến
Ngày 31/12, Trung tâm kiểm soát Bệnh tật Nghệ An cho biết, trên địa bàn vừa ghi nhận thêm 90 ca mắc mới. Trong đó, có 30 ca cộng đồng. Đáng lưu ý, trong các ca cộng đồng có 19 ca chủ yếu là học sinh trên địa bàn xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu.
Ảnh minh họa.
Ông Phan Thái Ất – Giám đốc Trung tâm y tế huyện Diễn Châu cho biết, các ca mắc mới này chủ yếu là học sinh THCS, Tiểu học trên địa bàn xã. Khi phát hiện những ca mắc này các trường đã chuyển sang học trực tuyến. Cơ quan chức năng đã truy vết hơn 250 F1 và đang tiếp tục truy vết, lấy mẫu tìm các ca F0.
Liên quan đến ổ dịch này, một phần xóm 11, xóm 6 của xã Diễn Yên tiến hành cách ly y tế.
Địa bàn đã có gần 270 trẻ em từ 12-17 tuổi tiêm ít nhất 1 mũi vaccine.
Cùng ngày, Sở Y tế Nghệ An thông tin, hiện toàn tỉnh đã có hơn 1,93 triệu người trên 18 tuổi đã tiêm đủ mũi vaccine phòng COVID-19, đạt tỷ lệ 98,6% so với người trên 18 tuổi và tỷ lệ 58% so với tổng dân số.
Trong khi đó, số người tiêm ít nhất 1 mũi là hơn 1,95 triệu người, đạt tỷ lệ 99,7% so với người từ 18 tuổi trở lên và 59% so với tổng dân số toàn tỉnh. Ngoài ra, có gần 270.000 trẻ em từ 12 - 17 tuổi đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, trong đó, có hơn 111.000 em đã tiêm đủ mũi cơ bản. Ngoài ra, Nghệ An cũng đã tiêm mũi thứ 3 cho hơn 220.000 người.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/nghe-an-mot-xa-co-nhieu-hoc-sinh-mac-covid-19-cac-truong-chuy... Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/nghe-an-mot-xa-co-nhieu-hoc-sinh-mac-covid-19-cac-truong-chuyen-hoc-truc-tuyen-169211231170709763.htm
TPHCM xác nhận 5 ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên
Trưa 1/1, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM xác nhận 5 trường hợp đầu tiên trên địa bàn nhiễm biến thể Omicron. Tất cả đều là người nhập cảnh vào Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất. Hàng trăm người đi cùng các chuyến bay có bệnh nhân đang được cách ly.Theo bà Huỳnh Mai, trước đó hệ thống giám sát ca bệnh ghi nhận 5 trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam từ ngày 20/12 đến ngày 25/12. Tất cả các trường hợp được cách ly tập trung ngay khi nhập cảnh và được lấy mẫu xét nghiệm.
5 người nhập cảnh có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Mẫu xét nghiệm ngay sau đó được chuyển đến Viện Pasteur để thực hiện xét nghiệm giải trình tự gen. Ngày 31/12/2012, kết quả được thông báo là nhiễm biến thể mới Omicron.
Tình trạng sức khỏe của 5 trường hợp này đều ổn định và đã có kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính sau 5 đến 7 ngày. Ngoài các bệnh nhân trên, 305 hành khách đi chung các chuyến bay có trường hợp nhiễm Omicron đều được cách ly theo quy định và đã có kết quả xét nghiệm âm tính.
Tất cả hành khách nhập cảnh qua sân bay Tân Sơn Nhất từ ngày 1/1/2022 sẽ phải thực hiện xét nghiệm
Ngay sau khi nhận kết quả giải trình tự gen, Thành phố đã tiếp tục thực hiện điều tra, truy vết các đối tượng liên quan theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại công điện số 2308/CĐ-BYT ngày 31/12/2021 đồng thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo kịch bản đã được chuẩn bị từ trước.
Ngành y tế đang triển khai thế trận y tế ứng phó với biến thể Omicron. Giám sát chặt các trường hợp nhập cảnh, lấy mẫu xét nghiệm và cách ly theo quy định. Tiến hành giải trình tự gen các trường hợp nhập cảnh nhiễm COVID-19.
Như Tiền Phong đã thông tin, 5 trường hợp được phát hiện nghi nhiễm biến thể gồm nam công dân Việt Nam, đã tiêm 2 mũi vắc xin, từ Mỹ nhập cảnh vào Việt Nam tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 21/12 (chuyến bay VN99). Trường hợp thứ hai là nữ quốc tịch Việt Nam, từ Mỹ nhập cảnh vào Việt Nam (chuyến bay VN99) cả hai được cách ly tại khách sạn.
Trường hợp thứ ba là nữ tiếp viên hàng không, quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ, nhập cảnh vào Việt Nam ngày 22/12 (chuyến bay TK162) được cách ly tại khách sạn. Trường hợp thứ tư là nam, quốc tịch Việt Nam từ Mỹ quá cảnh tại Nhật Bản sau đó nhập cảnh vào Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất (chuyến bay JL759), được cách ly tại khách sạn. Trường hợp thứ 5 là nữ, quốc tịch Việt Nam từ Nam Sudan nhập cảnh qua sân bay Tân Sơn Nhất (chuyến bay QR970).
Nguồn: https://tienphong.vn/tphcm-xac-nhan-5-ca-nhiem-bien-the-omicron-dau-tien-post1406229.tp... Nguồn: https://tienphong.vn/tphcm-xac-nhan-5-ca-nhiem-bien-the-omicron-dau-tien-post1406229.tpo
Ngày đầu năm 2022, một số hàng quán ăn uống ở quận Đống Đa được đón khách
Ngày 31/12/2021, Hà Nội công bố đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn thành phố. Quận Đống Đa giảm từ cấp độ 3 - nguy cơ cao (màu cam) về cấp độ 2 - nguy cơ trung bình (màu vàng).
Ở cấp độ phường, quận Đống Đa còn các phường Trung Phụng, Kim Liên, Văn Miếu, Thổ Quan, Khâm thiên, Quốc Tử Giám, Ô Chợ Dừa ở cấp độ 3 - nguy cơ cao về dịch COVID-19. Các phường còn lại thuộc quận ở cấp độ 2.
Quận Đống Đa cho phép các hàng quán ăn uống được phục vụ tại chỗ
Sau khi có thông báo đánh giá cấp độ dịch của thành phố, UBND quận Đống Đa đã phát đi thông báo về việc điều chỉnh các biện pháp hành chính tương ứng với dịch ở cấp độ 2 trên địa bàn toàn quận.
Theo thông báo, sau 21 ngày thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, tình hình dịch bệnh trên địa bàn quận đã cơ bản được kiểm soát, số ca mắc COVID-19 tại cộng đồng có dấu hiệu giảm mạnh.
UBND quận nêu, kể từ 6h ngày 1/1/2022, quận điều chỉnh các biện pháp tương ứng với cấp độ 2 trên toàn bộ địa bàn quận theo tinh thần Nghị quyết 128. Như vậy các cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn quận Đống Đa sẽ được phép bán hàng tại chỗ, đóng cửa trước 21h hàng ngày. Đồng thời, các hoạt động dịch vụ không thiết yếu khác cũng sẽ được quận này cho phép hoạt động trở lại.
Chính quyền quận đề nghị các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhằm thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác nhưng cũng không hoang mang, lo lắng.
Quận Đống Đa cũng khuyến cáo người cao tuổi, người có bệnh nền, người có nguy cơ cao hạn chế tham gia các hoạt động tập trung đông người khi không cần thiết.
Nguồn: https://tienphong.vn/ngay-dau-nam-2022-mot-so-hang-quan-an-uong-o-quan-dong-da-duoc-don... Nguồn: https://tienphong.vn/ngay-dau-nam-2022-mot-so-hang-quan-an-uong-o-quan-dong-da-duoc-don-khach-post1406185.tpo
Cấp độ dịch ở Hà Nội: 10 quận, huyện ở cấp độ 3 - vùng cam
Tối 31/12, UBND TP Hà Nội có thông báo đánh giá cấp độ trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Theo đó, toàn thành phố Hà Nội vẫn ở cấp độ 2. Tuy nhiên, tính theo quy mô cấp quận, huyện, thị xã thì thành phố đang có 10 địa phương có dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao, vùng cam), 18 địa phương ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, vùng vàng) và 2 địa phương có dịch ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp, vùng xanh).
Cấp xã, phường có 190 phường, xã cấp độ 1, 278 phường, xã cấp độ 2 và 111 phường, xã cấp độ 3.
10 quận, huyện, cấp độ 3 gồm: Quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Xuân và huyện Thanh Trì, Gia Lâm.
Như vậy, so với thông báo vào tuần trước, dịch ở quận Thanh Xuân, huyện Thanh Trì và huyện Gia Lâm đã chuyển từ cấp độ 2 lên cấp độ 3. Riêng cấp độ dịch ở quận Đống Đa chuyển từ cấp độ 3 xuống cấp độ 2.
Chốt kiểm soát dịch nơi có F0
Tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin phòng COVID-19 là 98,5%. Tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID19 là 95,8%. Trong thời gian 2 tuần vừa qua trên địa bàn đã ghi nhận 23.606 ca F0 tại cộng đồng.
Trong vòng 14 ngày gần đây có 111 xã phường, thị trấn ghi nhận nhiều ca bệnh trong cộng đồng, phân bố theo các quận, huyện thị xã như sau: Ba Đình 13 đơn vị, Bắc Từ Liêm 1, Cầu Giấy 1, Chương Mỹ 1, Đan Phượng 1, Đông Anh 1, Đống Đa 7, Gia Lâm 7, Hà Đông 5, Hai Bà Trưng 11, Hoài Đức 1, Hoàn Kiếm 9, Hoàng Mai 13, Long Biên 7, Nam Từ Liêm 6, Quốc Oai 1, Tây Hồ 6, Thanh Oai 1, Thanh Trì 8, Thanh Xuân 6, Thường Tín 3, Ứng Hoà 2.
Trước những nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là sự xuất hiện biến chủng Omicron, UBND Hà Nội có Công điện hoả tốc số 27 tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVDI-19 trong dịp Tết Dương lịch và đầu năm mới 2022. Đặc biệt, khuyến cáo người dân có việc cần thiết mới ra ngoài trong dịp Tết.
Thành phố cũng yêu cầu UBND, Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã căn cứ vào cấp độ dịch trên địa bàn để áp dụng các biện pháp hành chính phù hợp; tăng tối đa công suất thu dung điều trị F0 tại xã, phường, tại nhà khi đủ điều kiện, rà soát lại trang thiết bị y tế tại các trạm y tế lưu động, như ô xy, thuốc điều trị, thiết bị đo SpO2, xem xét cần thiết thì có thể bố trí phòng cấp cứu.
Nguồn: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-dong/cap-do-dich-o-ha-noi-10-quan-huyen-o-cap-do-3-vung... Nguồn: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-dong/cap-do-dich-o-ha-noi-10-quan-huyen-o-cap-do-3-vung-cam-c2a22914.html
Vụ "thổi giá" kit test Việt Á: Khởi tố 1 Vụ trưởng, 1 Vụ phó và 2 giám đốc CDC
Ngày 31/12, Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương (CDC Hải Dương) và các đơn vị, địa phương có liên quan.
Kết quả điều tra đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thấy có căn cứ xác định dấu hiệu sai phạm trong việc quản lý, nghiên cứu, chuyển giao Đề tài khoa học về sản phẩm Kit xét nghiệm COVID-19 tại Bộ Khoa học & Công nghệ và trong việc cấp phép đăng ký lưu hành tạm thời, cấp phép đăng ký lưu hành chính thức sản phẩm Kit xét nghiệm COVID-19, việc hiệp thương giá sản phẩm Kit xét nghiệm COVID-19 với Công ty Việt Á tại Bộ Y tế.
Bị can Phan Quốc Việt bị khởi tố thêm tội danh
Mở rộng điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an còn xác định một số lãnh đạo, cán bộ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An (CDC Nghệ An) và Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương (CDC Bình Dương) đã thông đồng, câu kết với Phan Quốc Việt và các đối tượng liên quan thuộc Công ty Việt Á, Công ty TNHH Phát triển Công nghệ ứng dụng Việt Nam (Công ty VNDAT) vi phạm các quy định của Luật Đấu thầu khi tổ chức đấu thầu mua vật tư phòng, chống dịch COVID-19, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Ngoài hành vi đã khởi tố, Phan Quốc Việt và Vũ Đình Hiệp, Phó Giám đốc Công ty Việt Á và Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương còn có hành vi đưa, nhận hối lộ số tiền 27 tỷ đồng.
Ngày 31/12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án về các tội Đưa hối lộ, Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; đồng thời, ra các Quyết định, thủ tục tố tụng.
Cụ thể, Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố bị can đối với Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á và Vũ Đình Hiệp, Phó Tổng giám đốc Công ty Việt Á về tội Đưa hối lộ; Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương về tội Nhận hối lộ.
Ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 12 đối tượng.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị & Công trình y tế, Bộ Y tế; Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế; Ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học & Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học & Công nghệ bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Nguồn: http://danviet.vn/vu-thoi-gia-kit-test-viet-a-khoi-to-1-vu-truong-1-vu-pho-va-2-giam-do... Nguồn: http://danviet.vn/vu-thoi-gia-kit-test-viet-a-khoi-to-1-vu-truong-1-vu-pho-va-2-giam-doc-cdc-502021311219204939.htm
Lo biến thể Omicron lan rộng, Bộ Y tế yêu cầu giải trình tự gen để phát hiện sớm
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa có công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 dịp tết Dương lịch 2022.
Theo Bộ Y tế cho biết tình hình dịch Covid-19 trên cả nước vẫn diễn biến hết sức phức tạp, số ca mắc cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương, đặc biệt đã ghi nhận các ca nhiễm biến thể Omicron.
Bộ Y tế yêu cầu chủ động giám sát dịch Covid-19
Trong thời gian tới, thời tiết chuyển mùa Đông - Xuân thuận lợi cho sự phát triển, lây lan của virus; nguy cơ xâm nhập thêm các trường hợp nhiễm biến chủng mới; đồng thời tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác vẫn có tại một bộ phận người dân, cơ sở trong việc thực hiện quy định về phòng, chống dịch và đặc biệt sự gia tăng di chuyển của người dân trong dịp nghi lễ; nên nguy cơ xuất hiện các ổ dịch mới trên diện rộng là rất cao.
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng và triển khai các kế hoạch, phương án, kịch bản phòng, chống dịch trên địa bàn trong dịp Tết Dương lịch 2022.
Tăng cường hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch ngay tại cơ sở, bảo đảm người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm; tổ chức các trạm y tế lưu động, cấp phát thuốc kháng virus cho người nhiễm; rà soát, tiêm ngay cho các đổi tượng chưa tiêm vắc-xin Covid-19.
Tiếp tục tăng cường công tác giám sát phòng, chống dịch, kiểm dịch y tế biên giới. Thực hiện nghiêm việc tổ chức quản lý người nhập cảnh theo quy định, điều trị kịp thời, thực hiện giải trình tự gen nhằm phát hiện kịp thời biến thể mới của virus.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương quan tâm đến các chế độ, chính sách động viên lực lượng y, bác sĩ, người tình nguyện tham gia chống dịch trên địa bàn trong dịp Tết Dương lịch 2022 bằng các hình thức hỗ trợ cụ thể, thiết thực.
Quán triệt các nhân viên y tế nêu cao tỉnh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ, đáp ứng các tiêu chuẩn về quy tắc giao tiếp, ứng xử, thái độ phục vụ của nhân viên y tế đối với người bệnh, người nhà người bệnh khi đến khám, điều trị tại cơ sở y tế.
Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/lo-bien-the-omicron-lan-rong-bo-y-te-yeu-cau-giai-trinh-tu-... Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/lo-bien-the-omicron-lan-rong-bo-y-te-yeu-cau-giai-trinh-tu-gen-de-phat-hien-som-20220101090902684.htm
Yêu cầu hạn chế các sự kiện đông người dịp Tết Dương lịch
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Công điện số 1850/CĐ-TTg ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp Tết Dương lịch 2022.
Công điện gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Công điện nêu rõ dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với sự lây lan rất nhanh của biến chủng Omicron. Để kiểm soát dịch bệnh, không để quá tải cả hệ thống y tế. Trước tình hình đó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Tất cả các ngành, các địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch bệnh như thực hiện 5K, tổ chức tiêm vaccine, bảo đảm thuốc và oxy y tế, giám sát dịch và chăm sóc, điều trị người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 ngay tại cơ sở...
Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, đặc biệt tại các điểm tham quan, du lịch, nhà ga, sân bay, bệnh viện, chợ, siêu thị... Trong dịp nghỉ Tết dương lịch, không tổ chức bắn pháo hoa, hạn chế tối đa các sự kiện tập trung đông người.
Bộ Y tế tăng cường các giải pháp chuyên môn giám sát dịch bệnh, biến chủng của virus để chỉ đạo, đề xuất chỉ đạo theo thẩm quyền các biện pháp ứng phó hiệu quả, phù hợp.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/yeu-cau-han-che-cac-su-kien-dong-nguoi-dip-tet-duong-lich-a5... Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/yeu-cau-han-che-cac-su-kien-dong-nguoi-dip-tet-duong-lich-a538762.html
Vĩnh Long: Số ca mắc Covid-19 tăng cao kể từ đầu đợt dịch
Trong 24 giờ qua, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long ghi nhận hơn 1.200 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Đây là số ca nhiễm cao nhất từ đầu đợt dịch đến nay.
Cụ thể, 996 trường hợp qua xét nghiệm sàng lọc cộng đồng tại Tp.Vĩnh Long (74), huyện Long Hồ (441), huyện Mang Thít (233), huyện Vũng Liêm (76), thị xã Bình Minh (82) và huyện Bình Tân (90).
34 trường hợp qua sàng lọc tại cơ sở y tế: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long (7), Bệnh viện Y dược cổ truyền Vĩnh Long (2), Trung tâm Y tế Tp.Vĩnh Long (2), Trung tâm Y tế Mang Thít (21), Trung tâm Y tế Nguyễn Văn Thủ (2).
193 trường hợp là F1 được cách ly tại nhà trước đó tại Tp.Vĩnh Long (33), huyện Long Hồ (9), huyện Mang Thít (17), thị xã Bình Minh (91), huyện Bình Tân (43).
Từ đầu đợt dịch bùng phát đến nay, tỉnh Vĩnh Long ghi nhận trên 31.000 ca mắc Covid-19, hơn 19.000 bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi bệnh, 365 trường hợp tử vong.
Riêng trong ngày 1/1, có 16 trường hợp Covid-19 tử vong, đa phần là người lớn tuổi.
Hiện, tỉnh đã tiêm 1.605.347 mũi tiêm (tiêm mũi 1: 770.511 người, tỉ lệ 99,9%; tiêm mũi 2: 748.465 người, tỉ lệ 97,3%; tiêm mũi nhắc: 54.256 người, tỉ lệ 7,06%; tiêm mũi bổ sung: 32.115 người) cho người từ 18 tuổi trở lên. Tiêm 177.344 mũi cho trẻ từ 12-17 tuổi (tiêm mũi 1: 91.093 người, tỉ lệ 99,35%; tiêm mũi 2: 86.263 người, tỉ lệ 94,08%).
Theo Sở Y tế Vĩnh Long, hiện tỉnh đang ở cấp độ 3 (vùng cam) - nguy cơ cao và có 34 xã, phường, thị trấn cấp độ 4 (vùng đỏ) - nguy cơ rất cao.
Cụ thể, 34 đơn vị cấp xã “vùng đỏ” tại các địa phương trong tỉnh, gồm: Phường 1, phường 2, phường 3, phương 5, phường 8, phường Tân Hòa, phường Tân Hội (Tp.Vĩnh Long); các xã Hòa Phú, Lộc Hòa, Phú Đức, Tân Hạnh, Thanh Đức (huyện Long Hồ); các xã Chánh An, Mỹ An, Mỹ Phước, Tân Long (huyện Mang Thít); các xã Trung Hiệp, Trung Hiếu, Trung Thành Đông (huyện Vũng Liêm); các xã Hậu Lộc, Mỹ Lộc, Hòa Lộc, Phú Lộc, Song Phú, Tân Phú (huyện Tam Bình); các xã Thiện Mỹ, Hòa Bình, thị trấn Trà Ôn (huyện Trà Ôn).
Tại thị xã Bình Minh gồm: Phường Thành Phước và các xã Mỹ Hòa, Đông Thạnh; thị trấn Tân Quới và các xã Mỹ Thuận, Nguyễn Văn Thảnh (huyện Bình Tân).
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long yêu cầu người dân tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch và nghiêm túc thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/vinh-long-so-ca-mac-covid-19-tang-cao-ke-tu-dau-dot-dich-a53... Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/vinh-long-so-ca-mac-covid-19-tang-cao-ke-tu-dau-dot-dich-a538842.html
Ứng phó biến thể Omicron, TP HCM ban hành quy trình mới giám sát người nhập cảnh
UBND TP HCM vừa có công văn khẩn ban hành Quy trình giám sát, quản lý cách ly y tế cho người nhập cảnh.
Việc này nhằm tăng cường quản lý, tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19, khi Việt Nam cũng như TP HCM đã ghi nhận một số trường hợp nhập cảnh mắc biến thể Omicron.
UBND TP HCM đề nghị các tổ chức, cá nhân liên quan triển khai thực hiện nghiêm quy trình giám sát, quản lý cách ly y tế với người nhập cảnh, tăng cường giám sát, không để phát sinh chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng.
Hành khách làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) với chuyến bay từ TP HCM đi San Francisco - Mỹ ngày 28-11 Ảnh: Đức Anh
Quy trình này áp dụng cho người nhập cảnh Việt Nam qua cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Theo đó, điều kiện cách ly tại nơi lưu trú gồm nhà ở, khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng, trụ sở của cơ quan đại diện, ký túc xá, nhà khách của cơ sở sản xuất - kinh doanh... phải bảo đảm theo quy định của Bộ Y tế.
Trường hợp nơi lưu trú (nhà ở) không đáp ứng các điều kiện cách ly, người lưu trú phải thực hiện cách ly tập trung theo quy định.
Quy trình này gồm 5 bước:
Bước 1: Đăng ký "Mã QR cá nhân": Người nhập cảnh cài đặt và sử dụng ứng dụng PC-Covid để tạo "Mã QR cá nhân".
Trong trường hợp người nhập cảnh không sử dụng được ứng dụng PC-Covid thì truy cập Cổng thông tin An toàn Covid-19 TPHCM tại địa chỉ https://antoan-covid.tphcm.gov.vn để tạo "Mã QR cá nhân" (đây là mã QR thống nhất với hệ thống PC-Covid).
Khuyến khích người nhập cảnh chủ động đăng ký để có "Mã QR cá nhân" trước khi lên máy bay nhập cảnh Việt Nam.
Bước 2: Xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 cho người nhập cảnh ngay sau khi nhập cảnh.
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất bố trí khu vực thực hiện xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 và phối hợp với các hãng hàng không quốc tế hướng dẫn người nhập cảnh đến điểm thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 tại sân bay; sử dụng "Mã QR cá nhân" để cung cấp thông tin cho đơn vị xét nghiệm.
Đơn vị xét nghiệm thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho người nhập cảnh, trả kết quả xét nghiệm cho họ và nhập kết quả vào phần mềm CDS theo quy định.
- Nếu kết quả xét nghiệm dương tính: Lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR, thông báo ngay cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM phối hợp với Trung tâm Cấp cứu 115 chuyển người nhập cảnh đến bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị Covid-19 số 12 để cách ly, điều trị.
- Nếu kết quả xét nghiệm âm tính: Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, các hãng hàng không hướng dẫn người nhập cảnh đến điểm kiểm soát để thực hiện các thủ tục rời khỏi sân bay về nơi lưu trú.
Bước 3: Di chuyển về nơi lưu trú.
Trong suốt quá trình di chuyển từ cửa khẩu nhập cảnh về nơi lưu trú, người nhập cảnh phải thực hiện nghiêm quy định 5K.
Phương tiện đón người nhập cảnh chỉ bao gồm tài xế và người nhập cảnh. Các trường hợp khác đi đón người nhập cảnh không được ngồi cùng phương tiện với người nhập cảnh (trừ trường hợp là người nước ngoài, cần có người phiên dịch đi cùng).
Phương tiện vận chuyển người nhập cảnh hạn chế dừng, đỗ dọc đường. Trường hợp đặc biệt, khẩn cấp phải dừng đỗ dọc đường thì phải thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19.
Bước 4: Theo dõi sức khỏe và khai báo y tế mỗi ngày:
Nơi tiếp nhận phải xác nhận người nhập cảnh đã đến địa điểm lưu trú bằng cách quét "Mã QR cá nhân" của họ ngay sau khi đến điểm lưu trú. Việc khai báo y tế và xác nhận điểm lưu trú được thực hiện hằng ngày trong thời gian cách ly.
Người nhập cảnh phải thực hiện khai báo y tế trên ứng dụng PC-Covid, thực hiện đầy đủ quy định 5K (đeo khẩu trang, khai báo y tế, khử khuẩn tay thường xuyên, không đến nơi đông người, không tụ tập); thực hiện xác nhận điểm lưu trú.
Trường hợp có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, đau họng thì báo ngay trạm y tế để xử lý theo quy định.
Việc tuân thủ thời gian cách ly y tế tại nơi lưu trú theo quy định:
- Đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19: Tự theo dõi sức khỏe, không tiếp xúc với người xung quanh, không được ra khỏi nơi lưu trú trong vòng 3 ngày sau nhập cảnh.
- Đối với người nhập cảnh chưa tiêm vắc-xin hoặc tiêm chưa đủ liều vắc-xin Covid-19: Cách ly tại nơi lưu trú trọng 7 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
- Đối với người nhập cảnh dưới 18 tuổi, người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền (nhưng không phải theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế): Được cách ly cùng cha/mẹ/người chăm sóc. Cha/mẹ/người chăm sóc phải tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 và phải ký cam kết tự nguyện cách ly cùng sau khi được giải thích về các nguy cơ lây nhiễm; phải thực hiện nghiêm các yêu cầu về xét nghiệm và các quy định về phòng chống dịch như đối với người nhập cảnh.
Bước 5: Lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR cho người nhập cảnh trong thời gian cách ly y tế tại nơi lưu trú.
Trường hợp kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2: Tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
Trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính: Đơn vị xét nghiệm bảo cáo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM điều phối mẫu đến Viện Pasteur TP HCM thực hiện giải trình tự gen. Đồng thời, báo cho Trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức nơi người bệnh cách ly để vận chuyển người nhập cảnh đến Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12 (nếu người bệnh không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ) hoặc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (nếu người bệnh có dấu hiệu suy hô hấp).
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/ung-pho-bien-the-omicron-tp-hcm-ban-hanh-quy-trinh-moi-giam-... Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/ung-pho-bien-the-omicron-tp-hcm-ban-hanh-quy-trinh-moi-giam-sat-nguoi-nhap-canh-20220101140841751.htm