COVID-19 20/9: Nhân viên khu công nghiệp dương tính, hàng loạt người phải đi cách ly

H.A - Ngày 20/09/2021 12:14 PM (GMT+7)

Nhân viên này làm việc tại Công ty TNHH Thương mại Nam Anh (KCN An Đồn - Đà Nẵng), hiện đã xác định được 21 người liên quan và đưa đi cách ly.

Tối 20-9, bác sĩ Phạm Hồng Nam - Giám đốc Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng - cho biết tại Công ty TNHH Thương mại Nam Anh - trụ sở ở KCN An Đồn (nằm trên địa bàn quận này) vừa phát hiện một ca dương tính với SARS-CoV-2. Người này là T.D.P, nhân viên Công ty TNHH Thương mại Nam Anh ( cư trú tại phường Thuận Phước, quận Hải Châu).

Sáng cùng ngày, nam nhân viên này đi xét nghiệm tại Bệnh viện 199 thì có kết quả dương tính. Theo bác sĩ Nam, ngành chức năng đã xác định được 21 người làm cùng Công ty Nam Anh có tiếp xúc với bệnh nhân và đưa đi cách ly. 

Phường Thuận Phước tổ chức di dời dân khi phát hiện ca F0 ở khu vực dân cư đông

Phường Thuận Phước tổ chức di dời dân khi phát hiện ca F0 ở khu vực dân cư đông

Lãnh đạo UBND phường Thuận Phước cho biết liên quan trường hợp trên, tối cùng ngày, ngành chức năng đã phong tỏa khu vực nhà bệnh nhân sinh sống tại đường Hàn Mặc Tử. Ngành y tế cũng đang tiến hành lấy mẫu test nhanh đối với 8 thành viên trong gia đình bệnh nhân, hiện chưa có kết quả.

Theo bác sĩ Phạm Hồng Nam, Trung tâm Y tế quận đã đề xuất với Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho phép tiến hành test nhanh toàn bộ người vào làm việc tại KCN An Đồn sáng 21-9.

Tiêm 2 mũi vắc-xin AstraZeneca cách nhau 10 phút, nữ giáo viên nói gì?

Cô L.T.L (32 tuổi) giáo viên tiêm 2 mũi vắc-xin cùng lúc gây xôn xao dư luận, vừa có tường trình gửi Ban giám hiệu Trường Tiểu học và THCS số 1 Trường Thủy và Phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Theo cô L., khoảng 7 giờ 30 ngày 18-9, Phòng GD-ĐT huyện Lệ Thủy đã tổ chức cho các giáo viên trên địa bàn đến Bệnh viện Đa khoa huyện Lệ Thủy làm thủ tục tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đúng theo quy định.

Đúng lịch hẹn, cô L. có mặt tại điểm tiêm và mang theo 2 tờ giấy, gồm: Giấy tự nguyện kê khai tiêm vắc-xin và tờ giấy do bác sĩ khám xác nhận tiêm vắc xin để vào làm thủ tục tại bàn tiêm số 1. Sau khi tiêm, thay vì nộp giấy ở bàn cấp phát giấy chứng nhận và ngồi chờ 30 phút theo quy trình tiêm chủng thì nữ giáo viên này lại di chuyển sang bàn tiêm số 2.

Bản tường trình của nữ giáo viên L.T.L

Bản tường trình của nữ giáo viên L.T.L

"Dù vẫn biết là tiêm 2 mũi phải cách nhau, nhưng lúc đó tâm trạng tôi lo lắng, hồi hộp…, phần nữa lại đang có việc gia đình. Lúc này như ai xui khiến, tôi lại đi qua bàn tiêm số 2. Tôi tiếp tục đưa giấy và được tiêm tiếp mũi 2 luôn, lúc đó tôi mới giật mình và báo với cán bộ y tế" - cô L. trần tình.

Nữ giáo viên giải thích rằng do bản thân quá run sợ nên không để ý đến việc phải nộp giấy tại bàn chứng nhận mà tiếp tục di chuyển qua bàn số 2 để làm thủ tục tiêm và khẳng định không hề cố tình che giấu hay có chủ đích để tiêm 2 mũi cùng lúc, bởi cô hiểu rõ việc tiêm 2 mũi vắc-xin liên tục sẽ rất nguy hiểm.

Theo cô L. một số luồng thông tin nói cô có ý định gian dối để tiêm "4 mũi vắc-xin cùng lúc" là không đúng; việc này khiến bản thân cô L. từ hôm qua đến nay hết sức áp lực, bức xúc. Nữ giáo viên cũng đã làm tường trình sự việc để gửi lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Lệ Thủy.

Trong 1 diễn biến khác, khi trả lời báo chí ngày hôm qua, ông Lê Viết Sĩ, Trưởng Phòng Y tế huyện Lệ Thủy, xác nhận thông tin cô L.T.L. đã tiêm 2 mũi vắc-xin cùng lúc và cho biết lỗi này là do các nhân viên y tế tại các bàn tiêm không kiểm tra kỹ. Ông Sĩ cũng cho biết khi các bác sĩ dò hỏi về việc nữ giáo viên sao lại cố tình tiêm 2 mũi vắc-xin chỉ cách nhau 10 phút, cô L. trả lời: "Tôi định tiêm 4 bàn 4 mũi".

Trong khi đó, theo ông Ngô Đức Vận, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Lệ Thủy, thông tin nói cô giáo L. "có ý định tiêm 4 mũi" thực hư chưa rõ và khẳng định không phải từ phía bệnh viện đưa ra, đơn vị này cũng đã có báo cáo cụ thể gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình, Sở Y tế.

Ông Vận cho biết hiện đơn vị đang tích cực theo dõi sức khỏe của cô giáo L., phía bệnh viện cũng sẽ thường xuyên liên lạc để kịp thời xử lý nếu có vấn đề xảy ra.

Theo lãnh đạo Trường Tiểu học và THCS số 1 Trường Thủy, cô giáo L.T. L. là một giáo viên dạy giỏi cấp huyện, có năng lực và trách nhiệm trong công tác, hết lòng thương yêu học sinh, được phụ huynh và học sinh quý trọng, lãnh đạo trường tin tưởng. Năm học này nhà trường phân công cô giáo L. dạy lớp 2, là lớp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018.

(Theo Người Lao Động)

11 tiêu chí để mở cửa dịch vụ ăn uống, kinh doanh thực phẩm ở TP.HCM

Ngày 20-9, Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP.HCM đã có quyết định 3316 ban hành bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cửa hàng kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP. Nổi bật trong các tiêu chí là phải bảo đảm phòng chống COVID, tiêm vacine, tuân thủ 5K...

Từ 8-9, UBND TP.HCM cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống được phép hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày theo hình thức bán hàng mang đi. Ảnh: HOÀNG GIANG

Từ 8-9, UBND TP.HCM cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống được phép hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày theo hình thức bán hàng mang đi. Ảnh: HOÀNG GIANG

6 tiêu chí cho cơ sở dịch vụ ăn uống

Theo đó, đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được hoạt động khi đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và các quy định liên quan công tác phòng, chống dịch.

Cụ thể có 6 tiêu chí mà các cơ sở kinh doanh này phải đảm bảo:

Thứ nhất, cơ sở phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Thứ 2, đảm bảo điều kiện an toàn an toàn thực phẩm theo đúng quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người, bảo quản, vận chuyển, nguồn gốc nguyên liệu và chứng từ liên quan.

Thứ 3, người lao động, người giao nhận hàng, khách hàng, người liên hệ…. phải thực hiện đúng hướng dẫn của ngành y trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Những người này cần được tiêm ngừa vaccine COVID-19, thực hiện xét nghiệm và có kết quả âm tính với COVID-19.

Thứ 4, cơ sở kinh doanh phải có biện pháp kiểm soát phòng, chống COVID-19 theo hướng dẫn ngành y tế đối với người lao động, người ra – vào: đảm bảo 5K, đo thân nhiệt, tiêm ngừa vaccine…

Thứ 5, cơ sở phải bố trí khu vực giao nhận sản phẩm, có bàn trung chuyển và tách biệt khu vực khác, đảm bảo khoảng cách giữa 2 người tối thiểu 2m, trang bị nước rửa tay, sát khuẩn, có phương tiện làm khô tay hoặc khăn làm khô dùng một lần.

Thứ 6, cơ sở phải xây dựng kế hoạch và các phương án phòng, chống COVID-19, khu vực ăn uống đảm bảo mật độ tối thiểu 4m2/người, khoảng cách tối thiểu 2m hoặc bố trí vách ngăn.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 nhấn mạnh, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải đảm bảo 5 tiêu chí đầu tiên mới được hoạt động. Tiêu chí thứ 6 áp dụng với cơ sở có phục vụ ăn uống tại chỗ (cơ quan, doanh nghiệp có tổ chức khu vực ăn uống cho nhân viên).

5 tiêu chí với hoạt động kinh doanh thực phẩm

. Đối với các hoạt động kinh doanh thực phẩm tại siêu thị, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TP, Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP ban hành 5 tiêu chí. Các cơ sở này phải đạt đủ 5/5 tiêu chí mới được hoạt động.

Gồm:

- Có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

- Đảm bảo điều kiện an toàn an toàn thực phẩm theo đúng quy định.

- Khu vực kinh doanh đảm bảo mật độ tối thiểu 4m2/người, khoảng cách tối thiểu giữa hai người là 2m (bao gồm nhân viên).

- Bố trí khu vực giao - nhận sản phẩm, có bàn trung chuyển, đảm bảo khoảng cách giữa hai người tối thiểu 2m, tuân thủ 5K.

- Người lao động, người đến cơ sở phải thực hiện đúng hướng dẫn của ngành y trong công tác phòng, chống dịch COVID-19: tiêm ngừa vaccine, xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính, thông báo nếu tiếp xúc F0, F1…

(Theo Pháp Luật TP.HCM)

Một phụ nữ dương tính SARS-CoV-2 chưa rõ nguồn lây, Hà Nội tạm phong toả chung cư 1.200 dân

Chiều 20/9, lãnh đạo UBND quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, lực lượng chức năng đã phong toả tạm thời toà chung cư Park View Tower - Đồng Phát (phường Vĩnh Hưng) sau khi ghi nhận ca dương tính SARS-CoV-2. 

Theo lãnh đạo quận Hoàng Mai, chung cư này có khoảng 1.200 người dân. Sau khi có kết quả xét nghiệm của cư dân, chúng quyền sẽ quyết định thu hẹp hay giữ nguyên phạm vi phong toả.

Trước đó, ngày 18/9, UBND phường Vĩnh Hưng thông báo có một mẫu gộp (gồm 10 người dương tính với SARS-CoV-2). Sau khi được lấy lại mẫu PCR, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông báo một người dương tính khẳng định, sống tại tầng 25 của toà A. Ngay trong đêm, các hộ gia đình tại tầng 25 của toà A đã được lấy mẫu xét nghiệm.

Chung cư Park View Tower - Đồng Phát (phường Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Hà Nội) ghi nhận ca dương tính SARS-CoV-2.

Chung cư Park View Tower - Đồng Phát (phường Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Hà Nội) ghi nhận ca dương tính SARS-CoV-2. 

Phường Vĩnh Hưng tiếp tục dừng hoạt động toàn bộ các cửa hàng kinh doanh dịch vụ tại tầng 1 chung cư. Trạm y tế phường phối hợp với Tổ dân phố, Ban quản lý tòa nhà khẩn trương lấy mẫu theo yêu cầu, kịp thời gửi theo quy định và bám sát CDC Hà Nội để có kết quả nhanh nhất.

Phường Vĩnh Hưng giao Công an phường, Ban chỉ huy quân sự phường bố trí lực lượng kiểm soát chặt chẽ, tuyệt đối không để người dân ra khỏi toà nhà.

Theo CDC Hà Nội, ca dương tính tại toà chung cư Park View Tower - Đồng Phát thuộc chùm sàng lọc ho, sốt ngoài cộng đồng, chưa rõ nguồn lây. Người phụ nữ 41 tuổi làm nghề kinh doanh tự do, nghỉ làm ở nhà gần 2 tháng nay.

Hằng ngày, người này thường ở nhà, có đi mua đồ ăn tại chợ và siêu thị gần nhà. Ngày 19/9, người phụ nữ này đi xét nghiệm sàng lọc cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

(Theo Dân Việt)

Từ 1-10, người dân TP.HCM đến cơ quan nhà nước phải tiêm đủ 2 mũi vaccine

Ngày 20-9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký văn bản khẩn số 3086 về thay đổi phương thức làm việc của các cơ quan, đơn vị nhà nước phù hợp với các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Từ ngày 1-10 đến 31-10, người dân trực tiếp đến trụ sở làm hồ sơ phải được tiêm 2 mũi vaccine hoặc có xét nghiệm âm tính. Ảnh: LÊ THOA

Từ ngày 1-10 đến 31-10, người dân trực tiếp đến trụ sở làm hồ sơ phải được tiêm 2 mũi vaccine hoặc có xét nghiệm âm tính. Ảnh: LÊ THOA

Theo đó, phương thức làm việc của các cơ quan, đơn vị được chia thành 4 giai đoạn.

Giai đoạn 1 (thử nghiệm) chỉ áp dụng với quận 7, huyện Cần Giờ, Củ Chi và Khu công nghệ cao TP.

Từ 1-10, từ giai đoạn 2 trở đi áp dụng trên toàn TP. Cụ thể như sau: 

Thứ nhất (giai đoạn thử nghiệm) từ ngày 16-9 đến 30-9: các cơ quan chỉ bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (gọi chung là cán bộ, công chức) đã được tiêm đủ hai mũi vaccine làm việc tại trụ sở và không quá 1/3 tổng số cán bộ, công chức.

Trong giai đoạn này tiếp tục tạm ngưng trực tiếp tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính và chỉ tiếp nhận bằng hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Đối với quận 7, huyện Cần Giờ, Củ Chi và Khu công nghệ cao TP, ngoài thực hiện các nội dung trên thì việc bố trí cán bộ, công chức đủ hai mũi vaccine tuỳ vào nhu cầu công tác. Khuyến khích việc dùng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4, hạn chế tiếp xúc đông người.

Danh mục thủ tục hành chính cấp bách được mở rộng hơn và cá nhân, đại diện tổ chức đến trụ sở làm hồ sơ phải được tiêm đủ hai mũi vaccine. Trường hợp chưa tiêm đủ hai mũi thì phải có giấy xét nghiệm âm tính.

Từ ngày 1-10 đến 31-10: các cơ quan chỉ bố trí cán bộ, công chức đã được tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19 hoặc được cấp Thẻ xanh COVID làm việc trực tiếp tại trụ sở với tối đa 1/2 trên tổng số cán bộ, công chức.

Trường hợp các cơ quan có nhu cầu bố trí hơn số lượng này thì phải được UBND TP chấp thuận bằng văn bản.

Trong giai đoạn này, công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục sẽ trên tinh thần phục vụ yêu cầu của cá nhân, tổ chức; đảm bảo sự công bằng, công khai, minh bạch và 5K.

Tuy nhiên, trường hợp các thủ tục đã được cung cấp dịch vụ công 3,4 hoặc nhận - trả qua bưu chính công ích thì tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ theo hình thức này.

Các trường hợp thủ tục hành chính đặc biệt, cấp bách được tiếp nhận trực tiếp theo hướng dẫn của Văn phòng UBND TP tại Công văn số 4230 ngày 3-6. Tuy nhiên, tùy đặc điểm tình hình, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có thể chủ động đề xuất mở rộng lĩnh vực thủ tục.

Còn các cá nhân, tổ chức đến trực tiếp trụ sở để làm hồ sơ phải được tiêm hai mũi vaccine ngừa COVID-19. Trường hợp chưa tiêm đủ thì phải có kết quả xét nghiệm âm tính.

Thứ ba, từ ngày 1-11 đến 15-1-2022: các cơ quan chỉ bố trí cán bộ, công chức đã được cấp Thẻ xanh COVID làm việc trực tiếp tại trụ sở với tối đa 2/3 tổng số cán bộ, công chức.

Trong giai đoạn này TP vẫn khuyến khích, ưu tiên cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và thực hiện tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính thông qua dịch vụ bưu chính công ích nhằm hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp và tập trung đông người tại trụ sở cơ quan, đơn vị.

Ngoài phạm vi danh mục thủ tục hành chính đặc biệt, cấp bách được tiếp nhận trực tiếp do Văn phòng UBND TP hướng dẫn, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ động mở rộng lĩnh vực, số lượng thủ tục hành chính tiếp nhận, xử lý trả kết quả phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực tế tại địa phương.

Các cá nhân, tổ chức đến trực tiếp trụ sở yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính phải được cấp Thẻ xanh COVID. Trường hợp cá nhân, đại diện tổ chức chỉ được cấp Thẻ vàng COVID phải có kết quả xét nghiệm âm tính.

Thứ tư, sau ngày 15-1-2022: bố trí toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trực tiếp tại trụ sở đã được cấp Thẻ xanh COVID, Thẻ vàng COVID (có kết quả xét nghiệm âm tính) theo quy định bình thường mới.

Ngoài ra, đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định và thực hiện nghiêm Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ quan, đơn vị nhà nước.

Việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính được thực hiện theo quy định. Tuy nhiên vẫn tiếp tục khuyến khích, ưu tiên dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Người dân đến trụ sở phải được cấp Thẻ xanh COVID. Trường hợp chỉ được cấp Thẻ vàng COVID phải có kết quả xét nghiệm âm tính.

(Theo Pháp luật TPHCM)

 Phó Chủ tịch Hà Nội nói gì về việc nới lỏng giãn cách, chống dịch sau 21-9?

Ngày 19-9, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chủ trì họp giao ban với Sở Chỉ huy các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.

Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu tại cuộc họp

Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu tại cuộc họp

Tại cuộc họp, đại diện quận Long Biên cho biết liên quan đến ổ dịch tại tổ 4, phường Việt Hưng, tính từ 18-9 đến nay, ghi nhận tổng số 12 trường hợp F0. Đến nay, quận đã cho rà soát lại toàn bộ các khu vực có các trường hợp liên quan đến F0, tiến hành khoanh vùng, phun khử khuẩn; lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho khoảng hơn 4.000 người tại khu vực này và dự kiến ngày 20-9 sẽ có kết quả.

Đối với ổ dịch tại ngõ 328, 330 đường Nguyễn Trãi, lãnh đạo quận Thanh Xuân báo cáo tình hình đã được kiểm soát. Hiện, quận đang tiếp tục lấy mẫu 2 đến 3 ngày/lần đối với hơn 100 người già, người có bệnh lý không di chuyển cách ly tập trung được; đồng thời, tiến hành phun khử khuẩn, mời các chuyên gia dịch tễ về đánh giá độ an toàn... Quận đang xây dựng kế hoạch, dự kiến báo cáo Thành phố để ngày 28-9 đón hơn 1.000 dân đang cách ly tập trung tại Thạch Thất về.

Kết luận buổi giao ban, ông Dương Đức Tuấn cho biết từ 24-7, trong đợt đầu Hà Nội giãn cách xã hội để phòng dịch, trung bình nghi nhận có 71,2 ca mắc mới/ngày, đến đợt giãn cách thứ 4 chỉ còn trung bình 25 đến 27 ca/ngày; đến ngày 19-9, dự kiến cũng khoảng dưới 15 ca. TP cũng đạt mốc đến ngày 15-9, trên 93% người trên 18 tuổi tiêm mũi 1; gần 70% toàn dân số đã được tiêm vắc-xin.

Qua chiến dịch thần tốc vừa qua, TP đã xét nghiệm diện rộng trên 4 triệu người để bóc tách F0 khỏi cộng đồng và tỷ lệ ca mắc ngoài cộng đồng đã giảm xuống còn 10%. Sau đó, TP đã điều chỉnh xét nghiệm theo hướng có trọng điểm, đúng đối tượng, khu vực nguy cơ. Từ các mốc thời gian của từng loại vắc-xin, TP sẽ tiếp tục triển khai, đảm bảo sẽ tiêm vắc-xin mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên hoàn thành dự kiến trong tháng 11-2021. Đây là điều kiện quan trọng để thực hiện "mục tiêu kép".

Ông Tuấn cho hay theo định hướng chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP, dự kiến, sau 21-9, TP sẽ không chia 3 phân vùng nữa. Nơi nguy cơ rất cao, có ca F0 sẽ trở thành "điểm đỏ" với quy mô hẹp. Điểm đỏ thì phải áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Khu vực xuất hiện F0 và các gia đình lận cận phải phong tỏa, cách ly y tế. Khu vực lân cận là vùng vàng, còn lại là vùng xanh. Việc kiểm soát dịch thực hiện theo tinh thần: "Không có đỏ là tốt nhất, có thì phải thu hẹp tối đa".

Ông Tuấn nêu rõ kinh nghiệm thực tế cho thấy việc nới lỏng phải đi kèm với phải kiểm soát chặt chẽ. TP sẽ tiếp tục duy trì 23 chốt kiểm soát cửa ngõ ra, vào Thủ đô. Hà Nội cũng báo cáo Thủ tướng để làm việc với các tỉnh thành lân cận để phối hợp quản lý người ra vào Thủ đô.

Đề nghị các quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng các phương án phòng, chống dịch sau ngày 21-9 theo hướng nới lỏng từng bước để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Trong đó, các địa phương cần chú trọng triển khai việc quét mã QR code. Cùng với đó, các quận, huyện cần chú trọng các phương án bảo đảm phòng chống dịch cho các phương tiện đường bộ, đường hàng không về TP; với các trường học được trưng dụng làm nơi cách ly phải tiến hành các biện pháp phòng dịch theo quy định để sẵn sàng đón học sinh quay trở lại học tập.

Sau ngày 21-9, Hà Nội dự kiến sẽ cơ bản cho các công trình xây dựng hoạt động trở lại với các điều kiện cụ thể để đảm bảo an toàn, vì thế việc chủ động các phương án phòng, chống dịch cần được triển khai. Tuy nhiên, tại các khu vực điểm đỏ không được xây dựng, hoặc đang triển khai xây dựng mà có F0 thì cũng phải dừng.

(Theo Người lao động)

Nhiều địa phương nới lỏng quy định đối với người về từ "vùng xanh" Hà Nội

Thời gian qua, trước việc Hà Nội và nhiều tỉnh, thành từng bước khống chế được dịch Covid-19, một số địa phương cũng thực hiện các biện pháp nới lỏng quy định người từ các vùng ở Hà Nội nhằm đảm bảo "mục tiêu kép" trong phòng, chống dịch.

Theo đó, nhiều tỉnh đã chấp nhận người Hà Nội vào địa bàn, nhưng cũng có những yêu cầu cách ly, giám sát riêng. Cụ thể:

Hải Phòng kiểm soát người tại các cửa ngõ vào thành phố

Hải Phòng kiểm soát người tại các cửa ngõ vào thành phố

Công dân "vùng xanh" Hà Nội khi về Thái Bình chỉ cần khai báo y tế

Theo hướng dẫn của Sở Y tế Thái Bình, tỉnh này không tiếp nhận công dân sinh sống tại "vùng đỏ" ở Hà Nội về địa phương.

Người sống tại các "vùng cam" ở Hà Nội được phép về Thái Bình nhưng phải cách ly tập trung theo quy định.

Người về từ "vùng vàng" Hà Nội sẽ thực hiện cách ly tại nhà trong 14 ngày theo quy định.

Còn công dân sinh sống tại "vùng xanh" ở Hà Nội khi về Thái Bình chỉ cần khai báo y tế và theo dõi sức khỏe tại nhà.

Tất cả người dân từ Hà Nội vào Thái Bình cần chuẩn bị giấy tờ xác nhận nơi đang cư trú ở Hà Nội và phiếu test Covid-19 cho kết quả âm tính.

Hải Phòng cách ly tại nhà đối với người về từ "vùng xanh" Hà Nội

Hiện Hải Phòng yêu cầu người từ các địa phương vào thành phố phải có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ (kể từ khi lấy mẫu).

Với người từ "vùng đỏ", "vùng vàng" của Hà Nội, cũng như người đến/về từ các địa phương đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, khi vào TP Hải Phòng phải thực hiện cách ly tập trung 14 ngày.

Với người từ "vùng xanh" của Hà Nội, cũng như người đến/về từ các địa phương đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thỉ 15 của Thủ tướng khi vào Hải Phòng phải thực hiện nghiêm cách ly tại nhà 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm ngày thứ 14, nếu âm tính sẽ kết thúc việc cách ly.

Hải Dương: Người từ "vùng xanh" đã tiêm đủ 2 liều vaccine Covid-19 được tự theo dõi sức khoẻ tại nhà

Tại Hải Dương, người từ các địa phương khác vào Hải Dương (kể cả người Hải Dương trở về từ tỉnh ngoài) phải có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ.

Với người từ "vùng đỏ", "vùng vàng" của Hà Nội, cũng như người đến/về từ các địa phương đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thỉ 16 của Thủ tướng, khi vào Hải Dương phải thực hiện cách ly tập trung 14 ngày.

Riêng đối với những người từ "vùng đỏ" đã tiêm đủ 2 liều vaccine Covid-19 (có chứng nhận tiêm chủng trên Sổ sức khoẻ điện tử hoặc có giấy chứng nhận, trong đó liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm đến/về địa phương) hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 (có giấy xác nhận khỏi bệnh hoặc giấy ra viện) thì khi vào Hải Dương, phải tự cách ly tại nhà trong 7 ngày, phải thực hiện xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu và ngày thứ 7.

Với người từ "vùng xanh" của Hà Nội, cũng như người đến/về từ các địa phương đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thỉ 15 của Thủ tướng khi vào khi vào Hải Dương phải thực hiện cách ly tại nhà 14 ngày, thực hiện xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ 7 và ngày thứ 14. Nếu đã tiêm đủ 2 liều vaccine hoặc khỏi bệnh Covid-19, thì tự theo dõi sức khoẻ tại nhà trong 7 ngày, xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu và ngày thứ 7.

Người dân từ địa bàn đang áp dụng Chỉ thị 15, 16 vào Quảng Ninh đều phải cách ly

Quảng Ninh đang quy định, mọi người dân vào địa bàn phải có kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR âm tính tối đa 48 giờ kể từ giờ lấy mẫu và phải có giấy xác nhận đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Đồng thời, phải trực tiếp có mặt và làm thủ tục khai báo y tế tại chốt (trừ bệnh nhân, người già đi lại khó khăn, trẻ em dưới 5 tuổi); sử dụng ứng dụng Bluezone.

Đối với người về từ các địa phương đang áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 27/3/2020 và Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, dù "vùng vàng", "vùng xanh" cũng phải tiếp tục thực hiện cách ly y tế tập trung có trả phí 14 ngày tại khu cách ly tập trung của các huyện, thị xã, thành phố, sau đó cách ly tại nhà 7 ngày.

Trừ các trường hợp người đi thực hiện công vụ, đoàn ngoại giao, các nhà đầu tư, bệnh nhân có yêu cầu phải chăm sóc y tế, người hoàn thành cách ly và các trường hợp thực sự cần thiết, thì báo cáo Chủ tịch UBND các địa phương quyết định và chịu trách nhiệm về công tác bảo đảm phòng chống dịch.

(Theo Báo Giao Thông)

Xuất hiện ca nhiễm Covid-19 mới, Bí thư Hà Nam yêu cầu xét nghiệm trong đêm

Theo đó, trường hợp nghi nhiễm là chị Đ.T.T (SN 1980, nhà ở thôn Lê Lợi, xã Phù Vân, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam). Bước đầu, điều tra dịch tễ cho thấy, chị T. cùng chồng từ tỉnh Đồng Nai về quê ngày 22/8/2021 và cách ly tại nhà, đã được xét nghiệm 3 lần đều có kết quả âm tính.

Thôn Lê Lợi hiện đã bị phong tỏa để truy vết các trường hợp liên quan đến ca lây nhiễm. (Ảnh BHN)

Thôn Lê Lợi hiện đã bị phong tỏa để truy vết các trường hợp liên quan đến ca lây nhiễm. (Ảnh BHN)

Tuy nhiên, đến sáng 19/9 chị Đ.T.T. có biểu hiện ho sốt nên đã được Trung tâm Y tế TP Phủ Lý mẫu gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nam xét nghiệm và cho kết quả dương tính với Sars-CoV-2.

Hiện chị T. đã được đưa đi cách ly và chờ Bộ Y tế cấp mã bệnh nhân. Toàn bộ thôn Lê Lợi hiện đã phong tỏa để phục vụ việc truy vết F1, F2, F3.

Trước sự việc này, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam - Lê Thị Thủy đã trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo ngay trong đêm nay lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ dân cư của thôn Lê Lợi và các hộ dân ở sát ngoài cổng của thôn.

Dự kiến có khoảng 3.000 người được lấy mẫu xét nghiệm trong chiều và đêm nay.

(Theo Báo Giao Thông)

Trung Quốc: "Ổ dịch" mới đã lây lan trong 2-3 thế hệ trước khi có báo cáo đầu tiên

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ngày 20/9 cho biết, nước này ghi nhận thêm 49 ca nhiễm mới COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, trong đó có 28 ca nhiễm trong nước, đều ghi nhận tại tỉnh Phúc Kiến, bao gồm 16 trường hợp ở Hạ Môn, 7 trường hợp ở Phủ Điền và 5 trường hợp ở Tuyền Châu.

Tỉnh Phúc Kiến đang là tâm điểm của đợt dịch mới ở Trung Quốc, sau khi các ca F0 đầu tiên được ghi nhận hôm 10/9 tại thành phố Phủ Điền của tình này. Dịch sau đó đã lan sang các thành phố khác của tỉnh như Hạ Môn, Tuyền Châu.

2 em bé phải đi cách ly tập trung do có liên quan đến ca bệnh COVID-19 ở thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Ảnh: Weibo

2 em bé phải đi cách ly tập trung do có liên quan đến ca bệnh COVID-19 ở thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Ảnh: Weibo

Chính quyền thành phố Hạ Môn hôm 19/9 tổ chức họp báo để báo cáo tình hình dịch bệnh mới nhất. Theo đó, tính đến hết ngày 18/9, Hạ Môn đã ghi nhận 131 ca nhiễm COVID-19 trong đợt dịch này, xác định được 4.002 F1 và 8.755 F2.

Ông Vương Đình Lượng, Phó tổng thư ký Chính quyền thành phố Hạ Môn, cho biết, nguồn gốc đợt dịch này tại Hạ Môn là các ca bệnh du nhập từ các thành phố khác, bùng phát và lây lan ở những nơi đông dân cư như nhà máy và "đã lây lan trong 2-3 thế hệ trước khi ca bệnh đầu tiên được phát hiện, dẫn đến tình hình nghiêm trọng và phức tạp".

Ông Vương cho biết thêm chuyên gia y tế Hạ Môn đã thực hiện giải trình tự gen trên các mẫu dương tính. Kết quả kiểm tra 28 mẫu được phát hiện cho thấy tất cả đều là biến thể Delta,có tính tương đồng cao và thuộc cùng một chuỗi lây nhiễm.

Ca bệnh đầu tiên được xác định trong đợt dịch này ở Trung Quốc là một người đàn ông tại thành phố Phủ Điền (tỉnh Phúc Kiến) trở về từ Singapore. Đáng chú ý, sau khi hoàn tất quá trình cách ly 21 ngày với 9 lần xét nghiệm âm tính, 1 tuần sau người đàn ông này cùng con gái và 1 số người khác xác nhận nhiễm COVID-19.

Điều này đặt ra nhiều nghi vấn cho giới chức địa phương, bởi biến thể Delta có tải trọng lớn và thời gian khởi phát ngắn. Hiện vấn đề này vẫn chưa thể kết luận nhưng các chuyên gia nước này cho rằng người đàn ông trên có thể nhiễm bệnh trong quá trình cách ly hoặc thuốc thử được sử dụng không đạt hiệu quả.

Kể từ khi dịch COVID-19 lần đầu bùng phát tại thành phố Vũ Hán đến nay, Trung Quốc đã ghi nhận tổng cộng 95.738 ca nhiễm, trong đó có 4.636 trường hợp tử vong.

(Theo Người Đưa Tin)

Cặp vợ chồng làm nghề lái xe tự do từ Đồng Nai về Hà Nam mắc Covid-19

Ngày 20-9, tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Nam cho biết trên địa bàn TP Phủ Lý đã ghi nhận 3 trường hợp mắc Covid-19 ngoài cộng đồng.

Cụ thể, tối ngày 19-9, bệnh nhân Đ.T.T., mã số BN687.470, là nữ (SN 1980; ngụ thôn Lê Lợi, xã Phù Vân, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) được ghi nhận dương tính SARS-Cov-2.

CDC tỉnh Hà Nam lấy mẫu xét nghiệm tại khu vực chợ Phù Vân - Ảnh Đ.H.

CDC tỉnh Hà Nam lấy mẫu xét nghiệm tại khu vực chợ Phù Vân - Ảnh Đ.H.

Đến sáng 20-9, có thêm 2 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 gồm Anh N.T.Q. (SN 1977, là chồng của bệnh nhân T.) và chị Đ.T.Q. (SN 1980, ngụ phố Mễ Nội, phường Liêm Chính, TP Phủ Lý) là bạn, có tiếp xúc với chị Đ.T.T..

Nhận định đây là ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng phức tạp, tiếp xúc với nhiều người, nên ngay chiều 19-9, bà Lê Thị Thủy, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, đã đi kiểm tra, chỉ đạo thực hiện cấp bách các biện pháp phòng chống dịch tại thôn Lê Lợi.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Hà Nam yêu cầu phong tỏa toàn bộ thôn Lê Lợi gồm hơn 500 hộ với gần 2.000 nhân khẩu. Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ dân cư của thôn Lê Lợi và các hộ dân ở sát ngoài cổng của thôn (sát cổng thôn Lê Lợi là chợ Phù Vân, có nhiều hộ kinh doanh hai bên đường) ngay trong đêm 19-9. Ước tính sẽ có khoảng 3.000 người được lấy mẫu xét nghiệm.

Theo CDC tỉnh Hà Nam, vợ chồng chị T. làm nghề lái xe tự do tại phường Tam Phước, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Ngày 20-8, hai vợ chồng chị T. đi theo xe vận chuyển hàng hóa từ Đồng Nai về Hà Nam. Ngày 22-8, sau khi về đến địa phương, cả 2 vợ chồng chị T. đã đến Trạm Y tế xã để khai báo y tế và được quyết định cách ly tại nhà theo quy định phòng chống dịch.

Trong thời gian thực hiện cách ly tại nhà từ ngày 23-8 đến ngày 5-9, vợ chồng chị T. đã 3 lần được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 vào các ngày: 23-8, 28-8, 3-9 và cho kết quả âm tính.

(Theo Người Lao Động)

Đồng Nai ra văn bản giữa đêm để triển khai "bình thường mới" ở một số vùng

Văn bản số 11339 của UBND tỉnh Đồng Nai có nội dung thống nhất theo kế hoạch được đưa ra trước đó. Điểm nổi bật trước hết là quản lý việc tham gia lưu thông, đi lại giữa các vùng, kiểm soát chặt vùng đỏ, cam, vàng và từng bước triển khai bình thường mới ở vùng xanh.

Thực hiện triển khai kế hoạch, tỉnh Đồng Nai thông báo khuyến khích người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng quản lý di chuyển nội địa "VN-eID" do Bộ Công an phát hành để khai báo, quét mã QR tại các chốt kiểm soát. Đồng thời, người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử để chứng minh đã được tiêm vắc- xin khi tham gia các hoạt động.

Hiện tại, TP Biên Hòa vẫn đang là vùng đỏ

Hiện tại, TP Biên Hòa vẫn đang là vùng đỏ

Các huyện, xã được quy định là vùng xanh áp dụng Chỉ thị 15 khi có tỉ lệ dưới 60% người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin; áp dụng Chỉ thị 16 khi có từ 60 - 70% người tiêm 1 mũi vắc-xin và khi có trên 70% người tiêm 1 mũi vắc-xin thì sẽ áp dụng bình thường mới.

Khi thực hiện các bước triển khai, UBND các xã có trách nhiệm quản lý việc đi lại trong địa bàn xã, quản lý về hộ khẩu, thường trú, tạm trú của người dân địa bàn đồng thời cấp giấy đi đường cho người dân khi có nhu cầu cấp thiết đi lại giữa các xã vùng xanh trong địa bàn huyện, theo yêu cầu đảm bảo phòng, chống dịch.

Các UBND huyện, thị, TP có trách nhiệm cấp, quản lý việc sử dụng giấy đi đường cho người có nhu cầu cấp thiết đi, đến các huyện, TP vùng xanh trong tỉnh hoặc đi đến huyện, TP vùng đỏ, cam, vàng trong tỉnh. Khi đi đến vùng đỏ sẽ không được trở lại vùng xanh cho đến khi huyện, TP đã đến trở thành vùng xanh.

Đối với công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn cấp huyện mà nơi làm việc và nơi ở khác xã, khác huyện do thủ trưởng đơn vị cấp giấy đi đường, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch.

Theo đó, như kế hoạch đã đưa ra, đối với cấp huyện, xã vùng đỏ, cam, vàng tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16. Các chốt kiểm soát tại các vùng xanh sẽ được giảm nhưng các chốt giữa vùng xanh và các vùng đỏ, cam, vàng sẽ được tăng cường.

UBND cấp huyện, TP được giao thẩm quyền quyết định về việc trở lại bình thường mới khi đạt các tiêu chí vùng xanh. Việc nới lỏng để trở về bình thường mới được thực hiện theo từng bước, đảm bảo tuyệt đối an toàn, được cập nhật tình hình, đánh giá mức độ nguy cơ trong từng tuần lễ. Tại nơi bình thường mới, các hoạt động cơ bản được diễn ra bình thường với mức độ đảm bảo 5K.

Hiện tại Đồng Nai có 5 huyện, TP vùng xanh là Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, TP Long Khánh; vùng vàng là huyện Thống Nhất; vùng cam là các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh Cửu; vùng đỏ là TP Biên Hòa.

Rạng sáng nay 20-9, ông Phan Huy Anh Vũ- Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, 24 giờ qua tại tỉnh ghi nhận 906 ca dương tính, toàn tỉnh hiện đã ghi nhận tổng số 40.922 ca.

(Theo Người Lao Động)

Sửa kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 từ âm thành dương tính để trốn việc

Ngày 19/9, Công an huyện Cư Jút (Đắk Nông) cho biết, Giám đốc Công an tỉnh vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông N.V.K (41 tuổi, trú huyện Cư Jút) 7,5 triệu đồng về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang.

Ông K. là nhân viên Cty viễn thông Cao Nguyên Xanh. Chiều 21/8, ông K. đến Bệnh viện đa khoa Tâm Đức (TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 và có kết quả xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên không muốn đi làm nên ông K. đã sửa kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 thành dương tính rồi chụp lại, gửi cho kế toán của công ty và một số người thân qua ứng dụng Zalo và Facebook.

Do lo lắng cho em trai nên chị gái ông K. đã báo Trung tâm Y tế huyện Cư Jút. Sau đó, cán bộ trung tâm y tế đến nơi cư trú của ông K. khử khuẩn, lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả, ông K. âm tính với SARS-CoV-2.

Cơ quan chức năng cũng kiểm tra thông tin Bệnh viện đa khoa Tâm Đức được biết, vào chiều 21/8, ông K. có đến bệnh viện xét nghiệm và kết quả là âm tính với SARS-CoV-2.

(Theo Tiền Phong)

Khẩn: Hà Nội yêu cầu các cơ sở y tế đặt cảnh báo phòng, chống dịch COVID-19 ở mức cao nhất

Trong công văn do Phó Giám đốc Nguyễn Đình Hưng ký ban hành, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong và ngoài công lập đặt cảnh báo phòng chống dịch COVID-19 ở mức cao nhất, tuyệt đối không lơ là, chủ quan trước nguy cơ dịch bệnh; Tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo tại Chỉ thị số 06 ngày 12/5 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị trên thường xuyên đánh giá việc thực hiện Bệnh viện, Phòng khám an toàn phòng chống dịch COVID-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; cập nhật báo cáo theo hướng dẫn của Bộ Y tế và báo cáo Sở Y tế 1 lần/ tháng.

Yêu cầu về việc tăng cường chỉ định xét nghiệm sớm SARS-CoV-2 đối với người bệnh, người hỗ trợ chăm sóc người bệnh, nhân viên y tế có biểu hiện nghi ngờ (ho, sốt, khó thở, biểu hiện cúm...) tiếp tục được đưa ra.

Người bệnh điều trị ngoại trú, nội trú lưu ý tại các khoa cấp cứu, hồi sức tích cực, chạy thận chu kỳ, bệnh nhân cao tuổi, người mắc các bệnh mãn tính, hội chứng cúm, viêm phổi nặng, thở máy... cần được sàng lọc chỉ định xét nghiệm SARS-CoV-2 và cách ly kịp thời. “Tuyệt đối không để tình trạng phát hiện muộn ca bệnh" - công văn nêu rõ.

Các cơ sở y tế, Trung tâm Y tế các quận/huyện/thị xã cũng phải thường xuyên kiểm tra giám sát việc thực hiện phòng, chống COVID-19 tại các khoa, phòng, bộ phận trong bệnh viện, đặc biệt lưu ý khu cách ly tiếp nhận các ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh dương tính phải được kiểm soát chặt chẽ; tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

Đặc biệt, các cơ sở y tế không được từ chối tiếp nhận bệnh nhân đi từ vùng dịch, ca nghi ngờ đến khám. Tổ chức vùng đệm (khu cách ly tạm thời) để quản lý người bệnh đi từ vùng dịch, ca bệnh nghi ngờ trong lúc chờ kết quả xét nghiệm...

(Theo Tiền Phong)

Hà Nội: Sau ngày 21/9, nơi nguy cơ rất cao, có ca F0 sẽ trở thành điểm đỏ
Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành tiêm vaccine mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên trong tháng 11/2021.

Tin tức 24h

H.A (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19