Trong đợt dịch mới này, tỉnh Quảng Nam ghi nhận số ca dương tính COVID-19 "kỷ lục" với 143 ca chỉ trong ngày 21/11, trong đó có 89 ca cộng đồng.
8 diễn biến
Quảng Nam ghi nhận số ca COVID-19 tăng kỷ lục trong ngày
Tối 21/11, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Quảng Nam thông tin, từ 15h ngày 20/11 đến 15h ngày 21/11 địa phương ghi nhận 143 ca mắc mới, trong đó 89 ca cộng đồng. Các ca bệnh cộng đồng được phát hiện tại huyện Tiên Phước 27 ca, Điện Bàn 26 ca, Hiệp Đức 22 ca, TP. Hội An 9 ca, Tam Kỳ 2 ca, Đại Lộc 2 ca, Quế Sơn 1 ca) và 54 ca đã được giám sát, cách ly từ trước.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm.
Đáng chú ý, nhiều trường học tại Quảng Nam đã xuất hiện F0 là học sinh và giáo viên. Cụ thể: Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu (thị xã Điện Bàn) có 56 ca là học sinh và giáo viên. Ngoài ra, có 5 ca là học sinh Trường tiểu học Phan Ngọc Nhân; Tại trường Tiểu học Tiên Cẩm (huyện Tiên Phước) có 23 ca bệnh đều là học sinh.
Từ 18/7 đến nay, Quảng Nam ghi nhận 2.268 ca bệnh COVID-19, trong đó 537 ca bệnh cộng đồng, 1.346 ca lây nhiễm thứ phát, 284 ca xâm nhập từ các tỉnh và 101 ca nhập cảnh.
Nguồn: http://tienphong.vn/quang-nam-ghi-nhan-so-ca-covid-19-tang-ky-luc-trong-ngay-post139484... Nguồn: http://tienphong.vn/quang-nam-ghi-nhan-so-ca-covid-19-tang-ky-luc-trong-ngay-post1394844.tpo
Gia Lai: Ghi nhận 51 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2
Ngày 22/11, tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Gia Lai cho biết, tính từ 8h ngày 21/11 đến 8h ngày 22/11, tỉnh lấy mẫu xét nghiệm cho 8.491 người. Trong đó, có 71 mẫu nghi ngờ của 253 người, hiện đang xét nghiệm lại, ghi nhận 51 trường hợp dương tính mới với SARS-CoV-2.
Như vậy, tính từ ngày 26/4 đến 8h ngày 22/11, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 2.891 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 (có 6 ca tử vong).
Số trường hợp đi từ vùng dịch về từ ngày 1/10 đến ngày 22/11 phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 là 1.371 ca (1.238 ca dương tính mới và 133 ca tái dương tính).
Hiện, có 1.130 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đang điều trị tại Bệnh viện Dã chiến, Khoa Nhiệt đới Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện 331, Bệnh viện Lao phổi, Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng và Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Từ 9h ngày 21/11 đến 6h ngày 22/11, các cơ sở cách ly do quân đội quản lý tiếp nhận 82 công dân. Hiện, có 1.084 công dân đang cách ly tập trung tại 19 cơ sở trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Trong ngày 22/11, có 34 công dân hoàn thành cách ly tập trung, trở về địa phương tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi cư trú. Ngoài ra, còn có 219 người đang cách ly tập trung tại 6 khách sạn trên địa bàn Tp.Pleiku.
Cũng theo Ban Chỉ đạo, trong ngày 21/11, các đơn vị y tế triển khai tiêm vắc-xin AstraZeneca với 490 liều, vắc-xin Vero Cell (mũi 2) với 29.996 liều, vắc-xin Pfizer đợt 81 với 1.373 liều.
Đến sáng 22/11, tỉnh Gia Lai có quyết định được phân bổ 1.707.612 liều vắc-xin.
Tính đến 17h ngày 21/11, toàn tỉnh đã hoàn thành tiêm 1.157.118 liều vắc-xin, trong đó, số người được tiêm ít nhất một mũi là 848.040, đạt 88,65% dân số trên 18 tuổi.
Số người đã tiêm đủ 2 mũi là 309.078 đạt 32,31% dân số trên 18 tuổi (chưa tính số người ở tỉnh Gia Lai đã được tiêm vắc-xin ở địa phương khác).
Các đơn vị y tế đang tiếp tục khẩn trương triển khai tiêm phòng Covid-19 cho người dân trên địa bàn tỉnh, chuẩn bị các điều kiện để triển khai tiêm cho lứa tuổi từ 12 đến 17.
Tỉnh Gia Lai đã và đang rất khẩn trương, quyết liệt thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Cơ quan chức năng đề nghị người dân hạn chế ra ngoài tỉnh nếu không thật sự cần thiết. Khi phát hiện người đi từ vùng dịch về, người nhập cảnh vào địa phương... phải kịp thời thông báo cho chính quyền để kiểm tra.
Khi có biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở cần liên hệ ngay với cơ sở y tế nơi gần nhất để được tư vấn, làm xét nghiệm Covid-19 miễn phí hoặc liên hệ theo đường dây nóng (bác sỹ Trâm 0397.735.382, bác sỹ Thế 0979.790.134) để được hỗ trợ.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/gia-lai-ghi-nhan-51-truong-hop-duong-tinh-voi-sars-cov-2-a53... Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/gia-lai-ghi-nhan-51-truong-hop-duong-tinh-voi-sars-cov-2-a534636.html
Bình Thuận: Khẩn tìm người đến tiệm tạp hóa, siêu thị, cây xăng
Trước đó, trên địa bàn Tp.Phan Thiết ghi nhận một số ca nghi nhiễm gồm: L.H.D, năm sinh 1999, nữ, khu phố 1, phường Phú Trinh; H.T.T, SN 1994, nam, khu phố 6, phường Phú Tài; V.T.N.Y, SN 1990, nữ, khu phố 1, phường Phú Hài; N.T.K.A, SN 1991, nữ, khu phố Nam Trung, thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam; N.T.T.T, SN 1991, nữ, khu phố 1, phường Phú Tài; P.T.B, SN 1990, nam, xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc.
Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Tp.Phan Thiết được triển khai có hiệu quả, UBND Tp.Phan Thiết yêu cầu những người dân đến các địa điểm dưới đây liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để thực hiện việc khai báo vì có liên quan đến ca nghi nhiễm Covid-19, cụ thể:
Cửa hàng tạp hóa Vân Tân, số 75 đường Nguyễn Hội, phường Phú Tài từ 8h-9h ngày 22/11.
Cửa hàng xăng dầu số 408, đường Thủ Khoa Huân, phường Phú Thuỷ từ 17h-17h10 ngày 18/11.
Công ty TNHH Điều Intersnack Việt Nam - Chi nhánh Bình Thuận, lô 1/6 Khu công nghiệp Phan Thiết giai đoạn 1, xã Phong Nẫm từ 6h-14h ngày 4/11-21/11.
Khu vực quầy lương thực, thực phẩm của Siêu thị Co.opmart Phan Thiết, số 1A đường Nguyễn Tất Thành, phường Bình Hưng từ 16h-18h45 ngày 18/11.
Công ty TNHH Chế biến thủy hải sản Trans Pacific, lô 6/6 Khu công nghiệp Phan Thiết giai đoạn 2, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc từ 7h-18h ngày 8/11-13/11 và ngày 15/11-20/11.
Phòng khám Sản phụ khoa của Bác sĩ Nguyễn Thị Hiền, số 9 đường Nguyễn Thượng Hiền, phường Đức Thắng từ 17h-17h30 ngày 16/11.
Phòng khám Siêu âm của Bác sĩ Trần Đức Sáng, khu phố Nam Trung, thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam từ 9h30-10h ngày 13/11.
Quán phở 142 (đối diện ngã 3 núi Tà Cú), Quốc lộ 1A, thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam từ 8h-8h15 ngày 14/11.
Tiệm cắt tóc Thùy Trâm (trước cổng chợ Km 28), khu phố Nam Thành, thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam từ 9h30-10h ngày 15/11.
Cửa hàng Bách Hóa Xanh (trước cổng chợ Km 28), khu phố Nam Thành, thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam từ 9h-9h15 ngày 16/11.
UBND Tp.Phan Thiết đề nghị UBND các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh, các cơ quan truyền thông, các cơ quan, đơn vị và UBND các phường, xã trên địa bàn Tp.Phan Thiết thông báo thông tin trên qua các phương tiện thông tin đại chúng cho người dân biết.
Đồng thời, yêu cầu những người đến địa điểm và thời gian nêu trên liên hệ ngay với trạm y tế xã, phường, thị trấn; phòng khám đa khoa khu vực; trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố; Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh thực hiện khai báo y tế để được hướng dẫn giám sát, xét nghiệm, cách ly y tế theo quy định.
UBND Tp.Phan Thiết cho biết, ngày 21/11, theo số liệu thống kê toàn thành phố ghi nhận 127 ca nhiễm mới. Trong đó, có 13 ca khu cách ly, 33 ca khu phong toả và 81 ca cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm của Tp.Phan Thiết tính từ 27/4 đến 16h ngày 21/11 là 5.529 ca.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/binh-thuan-khan-tim-nguoi-den-tiem-tap-hoa-sieu-thi-cay-xang... Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/binh-thuan-khan-tim-nguoi-den-tiem-tap-hoa-sieu-thi-cay-xang-a534629.html
Hà Nội: Những F0 nào được điều trị tại trạm y tế lưu động?
Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành công văn khẩn gửi UBND các quận, huyện, thị xã về hướng dẫn triển khai cơ sở thu dung, điều trị F0 tại các quận, huyện, thị xã.Cụ thể, theo Công văn số 632/SYT-NVY, các trường hợp sẽ được thu dung, quản lý, điều trị tại các trạm y tế lưu động bao gồm:
Người bệnh Covid-19 không có triệu chứng: Là người nhiễm SARS-CoV-2 được khẳng định bằng xét nghiệm Realtime RT-PCR dương tính nhưng không có triệu chứng lâm sàng.
Người bệnh Covid-19 mức độ nhẹ: Có viêm đường hô hấp trên cấp tính, bao gồm:
Người bệnh Covid-19 có các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như: Sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi.
Không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu oxy, nhịp thở dưới 20 lần/phút, SpO2 > 96% khi thở khí trời.
Đáng chú ý, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh lý nền sẽ không thuộc diện tiếp nhận điều trị tại trạm y tế lưu động.
Nhiệm vụ của trạm y tế lưu động là thu dung, khám, điều trị cho người bệnh Covid-19 nhẹ, không triệu chứng tại quận, huyện; phát hiện sớm, xử lý cấp cứu, kịp thời chuyển viện khi người bệnh Covid-19 tiến triển ở mức độ vừa và nặng. Kiểm soát, ngăn ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2 tại trạm y tế lưu động và ngăn ngừa lây nhiễm ra cộng đồng.
Sở Y tế cũng yêu cầu, căn cứ điều kiện thực tiễn của từng quận, huyện, thị xã để đề xuất mô hình tổ chức và ban quản lý điều hành trạm y tế lưu động phù hợp.
Tại khu vực tiếp đón, phân loại bệnh nhân phải có trạm gác, có bảo vệ trực 24/24h, tuyệt đối không cho phép những người không có nhiệm vụ vào cơ sở điều trị.
Tại các trạm y tế lưu động phải có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng "Trạm y tế lưu động - cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19: Không nhiệm vụ miễn vào".
Ngoài ra, các trạm y tế lưu động phải bảo đảm kiểm soát và ngăn ngừa lây nhiễm Covid-19 ra cộng đồng. Cụ thể, bố trí khu vực riêng tiếp nhận bệnh nhân F0, dễ tiếp cận cho người bệnh ngay từ bước đầu. Bố trí đủ phương tiện, máy tính, máy quét QR code để rút ngắn thời gian tiếp nhận, đảm bảo chính xác thông tin.
Tại mỗi trạm y tế lưu động được chia làm 3 khu: Khu vực đón tiếp, phân loại bệnh nhân; khu hành chính, hậu cần; khu cách ly, điều trị.
Riêng tại khu vực cách ly, điều trị được chia làm 2 loại đối tượng người bệnh để bố trí phòng: Người mắc Covid-19 khỏe mạnh, không triệu chứng. Người mắc Covid-19 triệu chứng nhẹ hắt hơi, sổ mũi, ho khan...
Ngoài ra, buồng bệnh bảo đảm thông thoáng, phòng bệnh của nam và nữ riêng biệt...
Theo Sở Y tế Hà Nội, trạm y tế lưu động có một xe ô tô chuyên dụng để hỗ trợ (có gắn bình oxy, có xe đẩy hoặc băng-ca để vận chuyển người bệnh đi cấp cứu kịp thời). Nhân viên y tế cho một kíp có 5 người (gồm: 1 bác sĩ phụ trách, 2 điều dưỡng, 1 kỹ thuật viên, điều dưỡng xét nghiệm và 1 dược sĩ). Căn cứ số lượng người bệnh có thể bố trí kíp nhân lực y tế phù hợp, bảo đảm điều kiện hoạt động của cơ sở.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/ha-noi-nhung-f0-nao-duoc-dieu-tri-tai-tram-y-te-luu-dong-a53... Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/ha-noi-nhung-f0-nao-duoc-dieu-tri-tai-tram-y-te-luu-dong-a534644.html
Hà Nội: Phong toả công ty có 87 ca test nhanh dương tính SARS-CoV-2
Sáng 22/11, lãnh đạo UBND huyện Mê Linh (Hà Nội) cho biết, một công ty trong khu công nghiệp Quang Minh trên địa bàn ghi nhận 87 công nhân test nhanh dương tính với SARS-CoV-2.
Theo lãnh đạo huyện Mê Linh, chính quyền đã cho công ty này tạm dừng hoạt động, phong toả công ty này để phun khử khuẩn, lấy mẫu xét nghiệm cho các trường hợp liên quan. Công ty này có khoảng 320 nhân sự.
“Tính đến 11h trưa cùng ngày có 12 người khẳng định dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, huyện Mê Linh có 4 ca, Sóc Sơn có 8 ca. 20 người thực hiện 3 tại chỗ tại công ty. Các trường hợp liên quan khác đã gửi văn bản đến các địa phương để tiếp tục truy vết và cách ly theo quy định”, lãnh đạo UBND huyện Mê Linh nói.
Trước đó, hồi cuối tháng 10/2021, huyện Mê Linh xuất hiện ổ dịch nóng tại thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, vượt 200 ca nhiễm. Nguồn lây được xác định từ một số công dân đi làm ăn tại tỉnh Hà Giang trở về địa phương. Thời điểm này, dịch COVID-19 tại Hà Giang đang diễn biến căng thẳng.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện Mê Linh đã thành lập Tổ công tác chuyên trách phòng chống dịch, huy động lực lượng giáo viên, đoàn viên thanh niên cùng tham gia để xử lý triệt để ổ dịch thôn Bạch Trữ.
Theo thống kê của CDC Hà Nội, tính đến 18h ngày 21/11, trong đợt dịch thứ 4, huyện Mê Linh có tổng 312 ca COVID-19, trong đó 7 ca sàng lọc người ho, sốt cộng đồng, 274 ca thuộc ổ dịch cũ hoặc đã được kiểm soát.
Huyện rà soát được 17 người về từ các tỉnh có dịch mắc COVID-19, từ đó ghi nhận 12 ca nhiễm thứ phát do tiếp xúc gần hoặc liên quan những người này.
Ngoài ra, huyện Mê Linh có 2 người thuộc ổ dịch kho hàng Shopee KCN Đài Tư.
Nguồn: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-dong/ha-noi-phong-toa-cong-ty-co-87-ca-test-nhanh-duong... Nguồn: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-dong/ha-noi-phong-toa-cong-ty-co-87-ca-test-nhanh-duong-tinh-sars-cov-2-c2a20230.html
Vì sao châu lục có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất thế giới lại tránh được sự tàn phá của COVID-19?
Khác với những nơi còn lại trên thế giới, nhiều quốc gia ở châu Phi đã khôi phục lại cuộc sống như thời trước đại dịch. Trong đó, tại một khu chợ sầm uất ở một thị trấn nghèo bên ngoài Harare (thủ đô của Zimbawe), anh Nyasha Ndou đã bỏ khẩu trang trong túi khi hàng trăm người khác, chủ yếu là không đeo khẩu trang, chen lấn mua bán trái cây và rau quả bày trên bàn gỗ. Ở phần lớn những nơi khác tại Zimbabwe, đại dịch COVID-19 đã chóng bị lãng quên, khi các cuộc biểu tình chính trị, các buổi hòa nhạc và các cuộc tụ họp quay trở lại.
Châu Phi là châu lục có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất thế giới, chưa đầy 6% dân số được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: Tsvangirayi Mukwazhi.
Chia sẻ với hãng tin ABC News về việc này, anh Ndou cho biết: "COVID-19 thật sự đã biến mất. Lần cuối bạn nghe thấy thông tin về một ca tử vong do COVID-19 là khi nào? Khẩu trang thực ra để bảo vệ túi tiền của tôi. Cảnh sát sẽ đòi tiền nếu tôi ko mang theo khẩu trang".
Được biết, trong tuần qua, Zimbawe chỉ ghi nhận 33 ca mắc COVID-19 mới và không có ca tử vong. Những con số này phù hợp với xu hướng dịch bệnh đang giảm dần ở châu Phi. Dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết số ca mắc COVID-19 mới tại châu lục này đã có xu hướng giảm từ hồi tháng 7 vừa qua, một điều trái ngược hoàn toàn so với dự đoán của các chuyên gia y tế.
Trước đây, khi đại dịch COVID-19 lần đầu tiên xuất hiện, các chuyên gia đã bày tỏ lo ngại đại dịch sẽ quét qua châu Phi, khiến hàng triệu người thiệt mạng. Dù chưa biết con số ca bệnh và tử vong do COVID-19 gây ra cuối cùng sẽ là bao nhiêu nhưng đến thời điểm hiện tại, một kịch bản về sự tàn phá kinh hoàng của đại dịch tại Zimbawe và châu Phi nói chung chưa xảy ra.
Các nhà khoa học nhân mạnh việc thu thập dữ liệu chính xác về COVID-19, đặc biệt là ở châu Phi - nơi có hệ thống giám sát "chắp vá", là tương đối khó khăn và nguy cơ đại dịch bùng phát là hoàn toàn có thể xảy ra.
Tuy vậy, việc châu Phi, đến thời điểm hiện tại, có thể tránh được sự tàn phá của COVID-19 được xem là một điều "bí ẩn" khiến các nhà khoa quan học quan tâm. Trong đó, bà Wafaa El-Sadr - Chủ nhiệm Bộ phận Y tế toàn cầu Đại học Columbia, phân tích: "Châu Phi không có vaccine ngừa COVID-19 cũng như nguồn lực để chống lại dịch bệnh như ở châu Âu và Mỹ. Nhưng bằng cách nào đó, mọi thứ lại đang hoạt động khá hiệu quả".
Hiện nay, chưa đầy 6% người dân châu Phi được tiêm vaccine ngừa COVID-19, tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất thế giới. Dù vậy, trong nhiều tháng qua, WHO lại nhận định châu Phi là châu lục chịu ít ảnh hưởng của COVID-19 nhất trên thế giới.
Vì sao có sự "ngược đời" này?
Theo một số nhà nghiên cứu, châu Phi là châu lục có dân số trẻ, độ tuổi trung bình của dân số trẻ tại đây là khoảng 20, trong khi đó, con số này ở Tây Âu là 43. Ngoài ra, vì châu Phi là châu lục nghèo, tỷ lệ đô thị hoá thấp nên phần lớn người dân dành thời gian sinh sống, hoạt động và làm việc ngoài trời thay vì tụ tập trong các toà nhà, văn phòng kín. Hai yếu tố này được xem là lý do giúp châu lục có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất thế giới tránh được sự tàn phá của COVID-19.
Một số nghiên cứu khác cũng đang xem xét thêm các nguyên nhân tạo nên sự khác biệt này ở châu Phi, bao gồm nguyên nhân về di truyền hoặc các dịch bệnh truyền nhiễm trong quá khứ.
Ngày 19/11 (theo giờ địa phương), các nhà nghiên cứu các nhà nghiên cứu làm việc tại Uganda cho biết những bệnh nhân COVID-19 dễ mắc sốt rét sẽ có ít nguy cơ trải phải các triệu chứng nặng hoặc tử vong hơn so với những người khác.
Dù không có vaccine và hệ thống y tế còn lạc hậu nhưng châu Phi đã làm tương đối tốt công tác phòng dịch so với thế giới tính đến thời điểm hiện tại. Ảnh: Tsvangirayi Mukwazhi
Jane Achan, cố vấn nghiên cứu cấp cao tại Malaria Consortium và là đồng tác giả của nghiên cứu, nhận xét: "Chúng tôi thực sự khá ngạc nhiên khi thấy điều ngược lại - rằng bệnh sốt rét có thể có tác dụng bảo vệ trước COVID-19".
Bà Achan cho biết điều này có thể cho thấy việc nhiễm bệnh sốt rét trong quá khứ có thể giúp hệ thống miễn dịch của mọi người hoạt động tránh hoạt động quá mức khi một người nhiễm COVID-19. Nghiên cứu đã được trình bày tại một cuộc họp của Hiệp hội Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Mỹ hôm 19/11.
Trong khi đó, ông Christian Happi, giám đốc Trung tâm Châu Phi về gen của các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Redeemer ở Nigeria, nói rằng các nhà chức trách châu Phi đã quen với việc kiềm chế các loại dịch bệnh truyền nhiễm ngay cả khi không có vaccine hay mạng lưới y tế hiện đại.
Ông Happi chia sẻ: "Mọi thứ không phải chỉ phụ thuộc vào mức độ giàu có hay tiên tiến của bệnh viện".
Ông Devi Sridhar, chủ tịch y tế công cộng toàn cầu tại Đại học Edinburgh, nhận xét các nhà lãnh đạo châu Phi vẫn chưa nhận được sự công nhận dù họ đã hành động nhanh chóng như quyết định cửa biên giới của Mali trước khi COVID-19 xuất hiện.
Ông Sridhar phân tích: "Tôi nghĩ rằng có một cách tiếp cận văn hóa khác ở châu Phi, họ đã tiếp cận COVID-19 với sự cẩn trọng vì họ đã trải qua những đại dịch như Ebola, bại liệt và sốt rét".
Trong những tháng qua, COVID-19 đã tấn công Nam Phi và ước tính đã giết chết hơn 89.000 người ở quốc gia này. Cho đến nay, đây là con số người chết nhiều nhất được ghi nhận tại lục địa. Nhưng hiện tại, các nhà chức trách châu Phi, mặc dù thừa nhận rằng có thể có lỗ hổng, đã không báo cáo thêm số lượng lớn các trường hợp tử vong có thể liên quan đến COVID-19. Dữ liệu của WHO cho thấy số ca tử vong ở châu Phi chỉ chiếm 3% tổng số ca tử vong toàn cầu. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong ở châu Mỹ và châu Âu lần lượt là 46% và 29%.
Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/vi-sao-chau-luc-co-ty-le-tiem-chung-thap-nhat-the-gioi-... Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/vi-sao-chau-luc-co-ty-le-tiem-chung-thap-nhat-the-gioi-lai-tranh-duoc-su-tan-pha-cua-covid-19-a519954.html
Điều gì đằng sau sự biến mất của biến thể Delta tại Nhật Bản?
Ba tháng sau khi biến thể Delta gây ra số ca mắc COVID-19 mới trong ngày cao kỷ lục tại Nhật Bản với khoảng 26.000 trường hợp, trong những tuần gần đây, con số này đã bất ngờ giảm xuống chỉ còn khoảng 200 ca/ngày. Không những thế, và ngày 7/11, lần đầu tiên trong vòng 15 tháng, Nhật Bản đã không ghi nhận ca tử vong do COVID-19.
Các nhà khoa học đã đưa ra một vài quan điểm để lý giải tình hình trên, bao gồm tỷ lệ tiêm chủng cao tại Nhật Bản. Trong đó, Nhật Bản là một trong những quốc gia phát triển có tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cao nhất thế giới với khoảng 75,7% người dân được tiêm chủng đầy đủ (tính đến ngày 17/11). Một số nguyên nhân khác được cho là do các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt và thói quen đeo khẩu trang đã "ăn sâu" vào văn hoá Nhật Bản.
Sự biến mất của biến thể Delta tại Nhật Bản đã được các chuyên gia y tế quan tâm. Ảnh: Kyodo News
Tuy nhiên, lý do chính có thể liên quan đến những thay đổi di truyền mà virus SARS-CoV-2 trải qua trong quá trình sinh sản, với tốc độ trung bình tạo ra hai đột biến mỗi tháng. Theo một lý thuyết được đề xuất bởi Ituro Inoue, giáo sư tại Viện Di truyền Quốc gia, biến thể delta ở Nhật Bản đã tích lũy quá nhiều đột biến đối với protein nsp14 (protein giúp virus sao chép và nhân lên). Kết quả là, virus đã phải hoạt động liên tục để sửa chữa các lỗi trong một khoảng thời gian dẫn đến việc "tự hủy diệt".
Ngoài ra, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nhiều người ở châu Á có một loại enzyme bảo vệ gọi là APOBEC3A, có khả năng tấn công các virus RNA, bao gồm cả virus SARS-CoV-2, tốt hơn khi so sánh với những người ở châu Âu và châu Phi.
Vì vậy, các nhà nghiên cứu từ Viện Di truyền Quốc gia và Đại học Niigata Nhật Bản đã bắt đầu nghiên cứu cách thức protein APOBEC3A tác động đến protein nsp14 và liệu nó có thể ức chế hoạt động của virus SARS-CoV-2 hay không. Nhóm đã tiến hành phân tích dữ liệu đa dạng di truyền của các biến thể Alpha và Delta từ các mẫu bệnh phẩm bị nhiễm bệnh ở Nhật Bản trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 10.
Sau đó, họ đã phác thảo mối liên hệ giữa các trình tự DNA của virus SARS-CoV-2 để thể hiện sự đa dạng di truyền trong một sơ đồ được gọi là mạng lưới haplotype. Theo đó, mạng lưới càng lớn thì càng có nhiều trường hợp dương tính.
Mạng lưới biến thể Alpha, vốn là nguyên nhân chính của làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 của Nhật Bản từ tháng 3 đến tháng 6, có 5 nhóm chính với nhiều đột biến phân nhánh và được xác nhận mức độ đa dạng di truyền cao. Các nhà nghiên cứu nghĩ rằng biến thể Delta sẽ có sự đa dạng di truyền mạnh mẽ hơn nhiều.
Tuy nhiên, thực tế lại ngược lại so với dự đoán của họ. Mạng lưới haplotype của biến thể Delta chỉ có 2 nhóm chính và các đột biến dường như đột ngột dừng lại ở giữa quá trình phát triển tiến hóa. Khi các nhà nghiên cứu tiếp tục kiểm tra enzym sửa lỗi nsp14 của virus, họ phát hiện ra rằng phần lớn các mẫu nsp14 ở Nhật Bản dường như đã trải qua nhiều thay đổi di truyền tại các vị trí đột biến được gọi là A394V.
Chia sẻ với Japan Times về phát triện trên, ông Inoue cho biết: "Chúng tôi thực sự bất ngờ khi thấy những phát hiện này. Các biến thể Delta ở Nhật Bản rất dễ lây lan và 'đánh bật' các biến thể khác. Nhưng khi các đột biến chồng chất lên nhau, chúng tôi tin rằng cuối cùng nó đã trở thành một loại virus bị lỗi và nó không thể tạo ra các bản sao của chính nó. Khi các ca mắc COVID-19 mới không gia tăng, chúng tôi nghĩ rằng tại một số thời điểm trong quá trình đột biến như vậy, virus sẽ hướng thẳng đến sự tuyệt chủng tự nhiên của mình".
Lý thuyết của Giáo sư Inoue, mặc dù mang tính sáng tạo nhưng được cho là phù hợp với sự biến mất bí ẩn của biến thể Delta vốn đang lan rộng ở Nhật Bản. Trong khi hầu hết các quốc gia còn lại trên thế giới có tỷ lệ tiêm chủng cao tương tự, bao gồm cả Hàn Quốc và một số nước phương Tây, vẫn đang phải hứng chịu những đợt bùng phát dịch mới, Nhật Bản dường như đã trở thành một trường hợp đặc biệt khi các ca nhiễm COVID-19 vẫn đang có xu hướng giảm dần bất chấp các số đông người tụ tập trên chuyến tàu và tại nhà hàng sau khi chính phủ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp.
Ông Inoue nhấn mạnh: "Nếu virus còn nhân lên và lây lan thì các ca bệnh chắc chắn cũng sẽ tăng lên vì chỉ đeo khẩu trang và tiêm chủng thôi sẽ không giúp ngăn ngừa những ca lây nhiễm đột phá".
Trong khi đó, ông Takeshi Urano, một giáo sư tại Khoa Y của Đại học Shimane, người không tham gia vào nghiên cứu, nhận xét: "Nsp14 hoạt động với các protein virus khác và có chức năng quan trọng để bảo vệ ARN của virus không bị phân hủy. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng protein nsp14 bị tê liệt sẽ khiến khả năng tái tạo của virus giảm đáng kể, vì vậy đây có thể là một yếu tố đằng sau sự sụt giảm nhanh chóng trong số ca mắc COVID-19".
Ông Inoue cho biết một sự tuyệt chủng tự nhiên tương tự của virus SARS-CoV-2 có thể được quan sát thấy ở nước ngoài. Tuy nhiên, ông cho rằng việc này sẽ mất nhiều thời gian vì chưa có quốc gia nào ngoài Nhật Bản có khả năng tích lũy nhiều đột biến trong virus nsp14. Dù vậy, các đột biến tương tự tại vị trí A394V đã đã được phát hiện ở ít nhất 24 quốc gia.
Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/dieu-gi-dang-sau-su-bien-mat-cua-bien-the-delta-tai-nha... Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/dieu-gi-dang-sau-su-bien-mat-cua-bien-the-delta-tai-nhat-ban-a519969.html
Quảng Ngãi: Cho phép nhà hàng, quán ăn phục vụ tại chỗ từ ngày 1-12
Sáng 22-11, UBND tỉnh có cuộc họp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để bàn một số giải pháp ứng phó với dịch trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo, trong 2 tuần qua, Quảng Ngãi có 598 ca Covid-19, tăng 382 ca so với 14 ngày trước. Trong số các ca bệnh được ghi nhận, có 103 ca cộng đồng. Nhiều ổ dịch mới phát sinh ở xã Phổ Khánh (Thị xã Đức Phổ), Tịnh Bình, Tịnh Hà (huyện Sơn Tịnh), Tịnh Châu (TP Quảng Ngãi) và một số doanh nghiệp trên địa bàn KKT Dung Quất, KCN VSIP Quảng Ngãi và KCN Tịnh Phong…
Từ ngày 30-9 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 236 ca Covid-19 là người về từ các tỉnh, thành phố phía nam. Ngành y tế nhận định, thời gian qua, số ca F0 tăng cao trở lại, không xác định rõ nguồn lây. Trong khi đó, việc chấp hành quy định cách ly y tế chưa nghiêm túc, dẫn đến lây lan dịch trong cộng đồng. Đến nay, công an đã phát hiện và xử lý hơn 4.000 trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch.
Cuộc họp tại UBND tỉnh sáng 22-11. Ảnh: T.Trực
Hiện Quảng Ngãi đã hoàn thành tiêm phòng Covid-19 mũi 1 cho 90,8% số người từ 18 tuổi trở lên, mũi 2 cho 19,3% số người từ 18 tuổi trở lên. Dự kiến, trong tuần tới, tỉnh sẽ triển khai tiêm phòng cho trẻ 16-17 tuổi và trên cơ sở nguồn vắc xin được phân bổ, sẽ tiếp tục tiêm phòng cho nhóm trẻ 12-15 tuổi.
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhận định, để thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, cần phải thay đổi nhận thức về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, chuyển hướng quản lý, kiểm soát dịch từ cơ sở. Tổ Covid cộng đồng, chính quyền địa phương phải là trụ cột trong phòng, chống dịch.
"Sở Y tế có trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành 100% số người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 trước ngày 15-12; sớm triển khai tiêm phòng cho trẻ 12-17 tuổi; hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, đặc biệt là Trạm Y tế lưu động để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Thống nhất dừng hoạt động các chốt kiểm tra y tế ở cửa ngõ ra, vào tỉnh, trừ chốt đèo Bình Đê (TX.Đức Phổ) và xã Ba Tiêu (Ba Tơ)", ông Minh chỉ đạo.
Ngoài ra, theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, để phục vụ cho việc phục hồi kinh tế, mở cửa trở lại, Sở TT&TT có trách nhiệm tổ chức kiểm tra việc triển khai quét mã QR-Code để kiểm soát dịch trên địa bàn tỉnh. Sở Công Thương hướng dẫn các địa phương hoàn thiện phương án phục hồi sản xuất, kinh doanh gắn với công tác phòng, chống dịch. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ở các địa phương có cấp độ dịch 1 và 2 được phép hoạt động trở lại từ ngày 1-12, với điều kiện các cơ sở này phải có phương án phòng, chống dịch được cấp có thẩm quyền kiểm duyệt.
Hiện toàn tỉnh Quảng Ngãi chủ yếu ở cấp độ dịch 1 và 2, trừ 5 xã gồm Nghĩa Dõng (TP Quảng Ngãi), Nghĩa Phương (huyện Tư Nghĩa), Bình Chánh, Bình Nguyên (huyện Bình Sơn), Phổ Khánh (Thị xã Đức Phổ) ở cấp độ 3 và 1 xã Đức Lợi (huyện Mộ Đức) ở cấp độ 4.
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/quang-ngai-cho-phep-nha-hang-quan-an-phuc-vu-tai-cho-tu-ngay... Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/quang-ngai-cho-phep-nha-hang-quan-an-phuc-vu-tai-cho-tu-ngay-1-12-20211122104802679.htm