COVID-19 23/12: Hơn 5000 F0, nhiều ca cộng đồng, địa phương cho người dân đi chợ bằng tem phiếu

H.A - Ngày 23/12/2021 12:14 PM (GMT+7)

Tính đến thời điểm hiện tại, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã vượt 5000 ca, tổng số ca tử vong là 9 trường hợp.

8 diễn biến

Hải Phòng: Số ca dương tính vượt 5000 ca, người trong 'vùng đỏ, cam' đi chợ bằng phiếu

Tính đến 18 giờ ngày 22/12/2021, toàn thành phố Hải Phòng ghi nhận thêm 292 ca dương tính SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 5.044 ca. Đáng chú ý, trong số này hầu hết là dân tự nguyện đi làm xét nghiệm và diện F1 của F0 trước đó.

Theo CDC Hải Phòng, trong ngày 22/12, toàn thành phố ghi nhận thêm 2 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 lên 9 trường hợp, hồi phục xuất viện 1.580 ca, số ca đang điều trị hiện nay là 3.455 ca.

Số ca mắc COVID-19 tại Hải Phòng chính thức vượt 5000 ca.

Số ca mắc COVID-19 tại Hải Phòng chính thức vượt 5000 ca.

Địa phương có số ca F0 ghi nhận cao nhất hôm nay là huyện Thủy Nguyên với 71 ca, trong đó 25 ca tự nguyện xét nghiệm, còn lại là các trường hợp F1.

Tiếp đến huyện An Dương có thêm 60 ca, trong đó 20 ca phát hiện qua tự nguyện đi làm xét nghiệm, còn lại là các trường hợp F1.

Quận Lê Chân 34 F0 trong đó có 1 nhân viên y tế Trạm Y tế Phan Bội Châu, quận Hồng Bàng, 8 trường hợp tự nguyện đi làm xét nghiệm, còn lại là các F1.

Cùng ngày, huyện Kiến Thụy ghi nhận 23 ca, quận Dương Kinh 22 ca, huyện Vĩnh Bảo 18 ca, quận Hồng Bàng 14 ca, quận Đồ Sơn 12 ca trong đó 9 ca sàng lọc tại công ty KinKa, quận Ngô Quyền 10 ca, quận Hải An 8 ca, quận Kiến An 7 ca, huyện An Lão 6 ca, huyện Tiên Lãng 1 ca.

Liên quan công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn, từ sáng 22/12, người dân Hải Phòng thuộc các vùng đỏ, cam được chính quyền phường phát phiếu đi chợ theo lịch 2-4-6 và 3-5-7 đối với từng khu, nhằm tránh lây nhiễm chéo trong cộng đồng. Toàn bộ cửa hàng bán thức ăn đường phố ở vùng đỏ, cam cũng tạm dừng phục vụ tại chỗ, thay vào đó chỉ bán phục vụ mang về.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/hai-phong-so-ca-duong-tinh-vuot-5000-ca-nguoi-trong-vung-do-c...

Thanh Hóa thanh tra việc mua sắm thiết bị, vật tư và xét nghiệm Covid-19

Ngày 22/12, trao đổi với Báo Giao thông, ông Trương Thành Quang - Chánh văn phòng Thanh tra tỉnh Thanh Hóa cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa thì vừa qua, Thanh tra tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập tổ chuyên ngành để thanh tra việc tiếp nhận, mua sắm, sử dụng các trang thiết bị, vật tư, phương tiện phòng chống dịch, xét nghiệm chẩn đoán nhanh và xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR xác định Covid-19 trên địa bàn các huyện, thị, thành phố.

Chỉ phát hiện vi phạm...nhỏ?

Theo đó, trong thời gian qua thanh tra 3 huyện gồm: Quảng Xương, Nga Sơn và Hoằng Hóa. Còn lại các đơn vị khác trong đó có cả CDC tỉnh Thanh Hóa sẽ được thanh tra vào năm 2022.

Ông Quang cho biết, thông tin cụ thể về Kết luận thanh tra tại 3 địa phương này cần phải xin ý kiến lãnh đạo và có phát ngôn cụ thể. Tuy nhiên, “đại khái”, các địa phương không có xảy ra vi phạm gì lớn?!

Trên một diễn biến khác, trao đổi với Báo Giao thông, đại diện TTYT huyện Quảng Xương và Nga Sơn cũng cho rằng mọi việc đã được Thanh tra tỉnh Thanh Hóa chỉ rõ, công khai kết luận và “không sai quy định”.

Tuy nhiên, theo thông tin mà Báo Giao thông nắm được, qua công tác thanh tra, lực lượng chức năng chỉ rõ: Từ ngày 1/7 - 09/11/2021, BVĐK huyện Nga Sơn thu các chi phí liên quan đến việc lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm (vật tư tiêu hao, điện nước, nhân công) là chưa đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; số tiền chênh lệch giữa tiền đã thu được từ xét nghiệm chẩn đoán nhanh với chi phí mua test là 1.003.954.000 đồng. Đối với việc thu phí xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR Tổng số test xét nghiệm đã sử dụng từ ngày 16/9 - 9/11/2021 là 1.600 bộ/1.600 bộ xuất ra, trong đó, số bộ test xét nghiệm đã sử dụng cho người bệnh tự trả tiền là 1.180 bộ, tương ứng với số tiền đã thu được là 1.110.815.400 đồng; Số bộ test xét nghiệm đã sử dụng không thu được tiền là 420 bộ.

Qua thanh tra, lực lượng chức năng chưa phát hiện ra vi phạm lớn (Ảnh: TTYT huyện Quảng Xương)

Qua thanh tra, lực lượng chức năng chưa phát hiện ra vi phạm "lớn" (Ảnh: TTYT huyện Quảng Xương)

Hiện tại toàn bộ số tiền thu từ xét nghiệm chẩn đoán nhanh và xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR xác định Covid-19 là 3.144.705.400 đồng (trong đó: xét nghiệm chẩn đoán nhanh là 2.033.890.000 đồng; xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR xác định Covid-19 là 1.110.815.400 đồng) Bệnh viện đa khoa huyện đã nộp vào Kho bạc Nhà nước huyện Nga Sơn. Đến thời điểm kiểm tra, toàn bộ số tiền trên đơn vị chưa sử dụng.

Từ ngày 1/7 - 3/10/2021, TTYT huyện Nga Sơn thực hiện thu giá xét nghiệm test nhanh kháng nguyên với giá 230.000 đồng/mẫu; từ ngày 4/10 – 9/11/2021 với giá 200.000 đồng/mẫu là chưa đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại điểm b Mục 2.1 Công văn số 5378/BYT-KHTC ngày 07/7/2021 về việc hướng dẫn mức giá thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm Covid-19.

Từ ngày 1/7 - 9/11/2021, TTYT huyện Nga Sơn thu các chi phí liên quan đến việc lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm (vật tư tiêu hao, điện nước, nhân công) là chưa đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; số tiền chênh lệch giữa tiền đã thu được từ xét nghiệm chẩn đoán nhanh với chi phí mua kít là 736.550.000 đồng. Toàn bộ số tiền thu từ xét nghiệm chẩn đoán nhanh là 1.740.790.000 đồng, Trung tâm y tế huyện Nga Sơn đã nộp vào Kho bạc Nhà nước huyện Nga Sơn, đến thời điểm kiểm tra, toàn bộ số tiền trên đơn vị chưa sử dụng.

Tương tự, tại huyện Quảng Xương, kết quả kiểm tra cho thấy việc thực hiện xét nghiệm chẩn đoán nhanh chưa thực hiện thanh toán thực thanh, thực chi từ ngày 1/7/2021 dẫn đến việc thu phí dịch vụ xét nghiệm chẩn đoán nhanh cao hơn so với quy định là 1.137.989.750 đồng (chưa bao gồm chi phí liên quan đến việc lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm), trong đó: tại BVĐK huyện Quảng Xương là 692.513.750 đồng, tại TTYT huyện là 445.476.000 đồng. Ngoài ra, việc thực hiện xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR chưa kịp thời xây dựng đơn giá dịch vụ xét nghiệm; TTYT huyện chưa thu nộp số tiền xét nghiệm của 1.486 mẫu.

Theo TTYT huyện Quảng Xương, toàn bộ các mẫu chưa thu được tiền (1.486 mẫu) là của công dân cách ly từ vùng dịch về thuộc đối tượng phải lấy mẫu xét nghiệm PCR có thu phí theo Thông báo số 212/TB-UBND ngày 18/8/2021 của UBND tỉnh. Tuy nhiên, do các đối tượng này thuộc diện có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng chi trả tiền xét nghiệm. Các công dân này đã yêu cầu TTYT huyện cam kết không thu tiền mới cho lấy mẫu xét nghiệm. Trước tình hình cấp bách, nguy cơ dịch bùng phát nên TTYT huyện đã thực hiện việc lấy mẫu chưa thu tiền đối với các trường hợp này. TTYT huyện đang thực hiện hoàn thiện hồ sơ, xin ý kiến chỉ đạo, phương án xử lý từ các cấp có thẩm quyền đối với các trường hợp trên.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng chỉ rõ 2 đơn vị nêu trên (Quảng Xương và Nga Sơn) trong quá trình thực hiện các trình tự, thủ tục khi mua sắm trang thiết bị, vật tư phục vụ phòng chống dịch Covid-19 chưa đầy đủ theo quy định. Mặt khác, một số trang thiết bị được cá nhân, tổ chức hỗ trợ trong công tác phòng chống dịch chưa xác lập quyền sở hữu tài sản do nhà nước quản lý.

Còn tại huyện Hoằng Hóa, từ ngày 1/7 - 15/10/2021, BVĐK huyện Hoằng Hóa thu giá xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 bao gồm cả các chi phí liên quan đến việc lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm (vật tư tiêu hao, điện nước, nhân công) là chưa đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; số tiền chênh lệch giữa tiền đã thu được từ xét nghiệm nhanh kháng nguyên với chi phí mua test là 253.645.000 đồng. TTYT huyện có số tiền chênh lệch giữa tiền đã thu được từ xét nghiệm nhanh kháng nguyên với chi phí mua test là 91.725.000 đồng.

Xử lý vi phạm như thế nào?

Trước những vi phạm, khuyết điểm trên, lực lượng chức năng yêu cầu các đơn vị nêu trên cần sớm có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục. Tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với các tập thể, cá nhân liên quan. Các BVĐK, TTYT huyện cần thực hiện nghiêm việc thu giá xét nghiệm theo quy định hiện hành, thanh quyết toán chi phí liên quan đến việc lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm giai đoạn từ ngày 1/7-9/11/2021. Đồng thời hoàn tất ác thủ tục, lập hồ sơ, trình cơ quan có thẩm quyền xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản do các tổ chức, cá nhân tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu theo quy định.

Riêng đối với số tiền chênh lệch giữa thu giá xét nghiệm và mua test tại các đơn vị, trong quá trình trao đổi, ông Trương Thành Quang cho rằng: Trên cơ sở kiểm tra, cơ quan chuyên môn xác định khoản tiền nằm ở vị trí nào thì sẽ về vị trí đó. Tiền của dân nếu thu sai thì trả, tiền thuộc ngân sách thì trả về ngân sách Nhà nước theo đúng quy định.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/thanh-hoa-thanh-tra-viec-mua-sam-thiet-bi-vat-tu-va-xet-ngh...

Nam Phi: Phần lớn bệnh nhân mắc biến thể Omicron được điều trị dễ dàng

Ngày 21/12 (giờ địa phương), Chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi, Tiến sĩ Angelique Coetzee đã thông báo một thông tin tương đối tích cực. Theo đó, bà Coetzee cho biết phần lớn bệnh nhân mắc biến thể Omicron ở Nam Phi đều đã hồi phục sau khi được điều trị bằng phương pháp dễ dàng và đơn giản. 

Cụ thể, bà Coetzee chia sẻ: "Chúng tôi bắt đầu ngay sau khi chẩn đoán với liều lượng thấp cortisone và một thứ gì đó giống ibuprofen giúp giảm đau cơ và đau đầu. Đó là những gì chúng tôi cung cấp cho các bệnh nhân. Không có gì khác. Không có máy thở oxy và thậm chí không cần kháng sinh". 

Biến thể Omicron đã lây lan nhanh chóng ở nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Mỹ.

Biến thể Omicron đã lây lan nhanh chóng ở nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Mỹ. 

Thông tin về những triệu chứng có liên quan tới biến thể này, Chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi cho biết: "Phần lớn các ca bệnh được báo cáo đều có các biểu hiện bao gồm đau nhức cơ thể, đau đầu và mệt mỏi. Một số người bị ho còn một số người thì không, phần lớn cảm thấy đau hoặc ngứa họng".

Bà trích dẫn một vài nghiên cứu gần đây, tiết lộ thêm rằng biến thể Omicron chỉ ảnh hưởng tới đường hô hấp phía trên chứ không ảnh hưởng tới đường hô hấp phía dưới giống biến thể Delta. 

Hiện nay, các chuyên gia y tế thế giới nhận định vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận về biến thể Omicron. Tuy nhiên, tại một số quốc gia, biến thể này đang gây ra làn sóng dịch bệnh mới và vẫn khiến nhiều người lo ngại. Đặc biệt, tại Mỹ, biến thể Omicron đã chính thức vượt mặt biến thể Delta và trở thành biến thể thống trị tại đây, chiếm khoảng 73% số ca mắc COVID-19 mới. 

Nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nam-phi-phan-lon-benh-nhan-mac-bien-the-omi...

Hà Nội có 485 ca cộng đồng, 4 quận 'nóng' nhất vẫn chiếm tỷ lệ mắc cao

Sở Y tế Hà Nội tối 21/12 cho biết trong 24 giờ qua, TP ghi nhận 1.704 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 485 ca cộng đồng, 1.130 ca phát hiện trong khu cách ly và 89 ca trong khu phong toả. 

Đây là số mắc cao chưa từng có ở Hà Nội. Trong 7 ngày gần đây (từ 15/12), Hà Nội liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới mỗi ngày trên 1.300, tổng cộng Hà Nội có 10.284 ca mắc trong 1 tuần qua còn nhiều hơn số ca mắc trong 15 ngày trước đó. 

COVID-19 23/12: Hơn 5000 F0, nhiều ca cộng đồng, địa phương cho người dân đi chợ bằng tem phiếu - 4

Một số quận huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đống Đa (259); Hoàng Mai (255); Long Biên (146); Hà Đông (127); Nam Từ Liêm (123); Cầu Giấy (90).

Bệnh nhân phân bố tại 301 xã, phường, thị trấn thuộc 29/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó 485 ca cộng đồng ghi nhận tại 142 xã, phường, thuộc 21/30 quận, huyện.

Một số quận, huyện nhiều ca COVID-19 cộng đồng như: Đống Đa (125); Long Biên (92); Hoàng Mai (51); Đông (21); Ba Đình (20).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) đến nay là 30.398 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 11.156 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly  là 19.242 ca. 

Riêng từ 11/10 đến nay, Hà Nội có 26.360 ca mắc mới, nóng nhất là các quận: Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Ba Đình, Gia Lâm, Long Biên. Trong đó 3 quận có trên 2.000 ca mắc từ 11/10 đến nay là Đống Đa (2.973 ca), Hoàng Mai (2.492 ca) và Hai Bà Trưng (2.028 ca). Hai quận Đống Đa, Hai Bà Trưng đã nâng cấp độ dịch từ độ 2 (màu vàng) lên độ 3 (màu cam).

Nguồn: https://giadinh.net.vn/ha-noi-co-485-ca-cong-dong-4-quan-nong-nhat-van-chiem-ty-le-mac-...

Thái Bình kích hoạt tất cả các Bệnh viện Dã chiến

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình, trong 24h qua, toàn tỉnh xét nghiệm 204 mẫu (171 PCR, 33 mẫu test nhanh), ghi nhận 72 ca F0 mới tại 8 huyện, thành phố, trong đó có 16 ca cộng đồng, số còn lại trong Khu cách ly tập trung.

Các ca cộng đồng được ghi nhận tại huyện Kiến Xương 10 ca (Tây Sơn 01 ca, Quang Bình 01, Vũ Ninh 02, Vũ Lễ 05 và Vũ Trung 01 ca); Đông Hưng 04 ca (Mê Linh 03 ca, Đông Cường 01 ca); Tiền Hải 01 ca (Nam Thanh); Thái Thụy 01 ca (Thị trấn Diêm Điền).

Thái Bình đã kích hoạt và đưa vào sử dụng 8 Bệnh viện Dã chiến thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng và mức độ nhẹ ở cả 8 huyện, thành phố.

Thái Bình đã kích hoạt và đưa vào sử dụng 8 Bệnh viện Dã chiến thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng và mức độ nhẹ ở cả 8 huyện, thành phố.

Như vậy, đến nay, Thái Bình đã ghi nhận 2.076 ca mắc COVID-19 mới tính từ đợt dịch cao điểm ngày 10/11/2021.

Trước tình hình ca mắc vẫn ghi nhận rải rác tại thành phố và các huyện, ngành y tế tỉnh Thái Bình đã kích hoạt và đưa vào sử dụng 8 Bệnh viện Dã chiến thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng và mức độ nhẹ ở cả 8 huyện, thành phố. Tổng số đã có 113 bệnh nhân được tiếp nhận, điều trị tại huyện, trong đó Kiến Xương tiếp nhận 25 bệnh nhân, Tiền Hải 18 bệnh nhân, Đông Hưng 18 bệnh nhân, Quỳnh Phụ 17 bệnh nhân…

Ngoài việc đảm bảo hiệu quả công tác khám, chữa bệnh, tất cả các Bệnh viện Dã chiến đều phân công cán bộ và các lực lượng làm nhiệm vụ vòng ngoài để cung cấp các nhu yếu phẩm, trang thiết bị, thuốc men đảm bảo theo phương châm 4 tại chỗ.

Việc kích hoạt và đưa vào sử dụng Bệnh viện Dã chiến tại các huyện đã góp phần giúp người bệnh được tiếp cận chăm sóc y tế ngay từ cơ sở. Đây là một trong những biện pháp nhằm đáp ứng kịp thời, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả, ứng phó với dịch COVID-19.

Về công tác tiêm chủng, đến nay, tỉnh Thái  Bình đã thực hiện được  2.290.882  mũi tiêm đảm bảo an toàn, đúng quy định, trong đó: 2.147.668 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên; 143.214 mũi cho trẻ em 12-17 tuổi; số trẻ từ 12-17 tiêm đủ 2 mũi vaccine: 279; số người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ 2 mũi vaccine là 966.497 người (đạt 77,63%); 1.210.188 người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine (đạt  97,23%); số người tiêm đủ 3 mũi vaccine Abdala là 86.469 người; số người được tiêm mũi thứ 3 bổ sung là 724 người.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/thai-binh-kich-hoat-tat-ca-cac-benh-vien-da-chien-16921122308...

Số ca mắc tăng mạnh, Sơn La lên phương án cách ly, điều trị F0 tại nhà

Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Sơn La ngày 22/12, ông Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, các huyện, thành phố tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các văn bản của Trung ương và của tỉnh về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tiếp tục quan tâm hỗ trợ các huyện: Mộc Châu, Phù Yên, Yên Châu triển khai phòng, chống dịch; tập trung tiêm vaccine phòng COVID-19 đảm bảo đúng theo kế hoạch; xây dựng kế hoạch triển khai tiêm vaccine mũi 3 cho người dân; tăng cường quản lý công dân, phát huy vai trò tổ COVID-19 cộng đồng và chính quyền cơ sở tham gia phòng, chống dịch COVID-19.

Kiên quyết thực hiện nghiêm các biện pháp xử phạt đối với các trường hợp vi phạm thông điệp "5K" của Bộ Y tế; xây dựng phương án làm điểm thực hiện cách ly, điều trị F0 tại nhà và nơi cư trú để rút kinh nghiệm, triển khai diện rộng. Nâng cao chất lượng y tế cơ sở; tiếp tục thực hiện xét nghiệm, tầm soát dịch bệnh ở những nơi tập trung đông người như: Trường học, bệnh viện, chợ…

Điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Trạm Y tế xã Chiềng En, huyện Sông Mã. Ảnh: CDC Sơn La

Điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Trạm Y tế xã Chiềng En, huyện Sông Mã. Ảnh: CDC Sơn La

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Công văn về việc cách ly y tế đối với trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 .

Cụ thể, những người đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 (thẻ xanh trên Sổ sức khỏe điện tử hoặc Giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp), liều cuối cùng được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 6 tháng; hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng, tính đến thời điểm được xác định là đối tượng F1 (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 ), sẽ thực hiện cách ly y tế 7 ngày tại nhà, nơi lưu trú (nếu đủ điều kiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú), tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo.

Để tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19, kiểm soát biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2, UBND tỉnh Sơn La yêu cầu Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện tiêm chủng an toàn, nhanh nhất có thể theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; không để sót ai thuộc diện chỉ định tiêm mà không được tiêm chủng đầy đủ (kể cả mũi tăng cường), đặc biệt là những người thuộc nhóm có nguy cơ cao.

Sở Y tế đảm bảo phân bổ đủ vaccine cho các địa phương, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thừa, thiếu cục bộ vaccine. Tổ chức cấp phát thuốc kháng vi rút (túi thuốc C) cho tất cả những người bị nhiễm virus có nhu cầu được uống sớm nhất, khi được Bộ Y tế phân bổ.

Chỉ đạo, hướng dẫn, tập huấn tăng cường tổ chức điều trị tại nhà, tại cơ sở; tránh tình trạng dồn lên bệnh viện tuyến trên gây quá tải. Rà soát, chủ động tăng cường năng lực hệ thống y tế ở tất cả các tuyến; có kế hoạch rõ ràng với các kịch bản cụ thể, không để bị động. Tuyệt đối không để tình trạng người dân xét nghiệm có kết quả dương tính mà không tiếp cận được dịch vụ y tế, không được cấp phát thuốc, không được quản lý, theo dõi sức khỏe.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/so-ca-mac-tang-manh-son-la-len-phuong-an-cach-ly-dieu-tri-f0-...

Hà Nam phát hiện gần 800 F0 ở khu phong tỏa và tại nhà

Tối 22/12, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam cho biết, trong ngày trên địa bàn ghi nhận 19 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó có 13 F0 được phát hiện trong thời gian cách ly tại nhà.

Luỹ kế trong đợt dịch mới từ ngày 19/9 đến nay, tỉnh Hà Nam ghi nhận 1.684 ca bệnh đã được Bộ Y tế cấp mã.

Trong số đó, 793 trường hợp phát hiện ở khu phong tỏa, tại nhà; 574 trường hợp phát hiện tại các khu cách ly; 55 trường hợp tại cộng đồng và 262 trường hợp qua sàng lọc tại các cơ sở y tế.

TP Phủ Lý là địa phương có số ca mắc cao nhất của tỉnh Hà Nam với 711 trường hợp. Rất nhiều F0 được phát hiện ở khu vực phong tỏa và tại nhà.

Hà Nam phát hiện 793 trường hợp F0 ở khu phong tỏa, tại nhà.

Hà Nam phát hiện 793 trường hợp F0 ở khu phong tỏa, tại nhà.

Trong đợt dịch mới, tỉnh Hà Nam đã phát huy hiệu quả vai trò của 4.709 tổ COVID-19 cộng đồng và 270 chốt liên ngành, kiểm soát dịch tại các khu vực giám ranh, khu vực phong toả, giãn cách, khu cách ly tập trung.

Hiện toàn tỉnh Hà Nam còn 2.152 F1 đang cách ly y tế (trong đó 120 người đang cách ly tập trung và 2.032 người cách ly tại nhà).

Để bảo đảm công tác cách ly tại nhà được thực hiện đúng quy định, Sở Y tế tỉnh Hà Nam yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác quản lý, giám sát người thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú.

Các địa phương đều phải thực hiện treo biển "Gia đình đang có F1 cách ly y tế" trước cửa mỗi nhà và thường xuyên kiểm tra việc chấp hành, đồng thời huy động sự giám sát của người dân.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/ha-nam-phat-hien-gan-800-f0-o-khu-phong-toa-va-tai-nha-169211...

Thời điểm nghỉ Tết Dương lịch, Tết Âm lịch dịch Covid-19 rất dễ bùng phát

Số ca Covid-19 gia tăng một phần do tâm lý chủ quan

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt một số nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 ở cơ sở vào ngày 22/12. , GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, số ca mắc cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng nhanh ở nhiều địa phương.

Nguyên nhân chủ yếu do sau khi thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP và Quyết định 4800/QĐ-BYT, các hoạt động xã hội trở lại bình thường; mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng; biến chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ cao biến thể xâm nhập vào Việt Nam.

Đồng thời người dân xuất hiện tâm lý chủ quan, không thực hiện quy định phòng, chống dịch, đặc biệt không đeo khẩu trang nơi công cộng; miễn dịch của những người tiêm vaccine giai đoạn đầu giảm dần theo thời gian, trong khi người mới tiêm cần thời gian sinh miễn dịch…

Đến nay, cả nước đã tiêm được hơn 1,5 triệu liều vaccine Covid-19 mũi 3, mũi bổ sung, nhắc lại (Tiêm vaccine Covid-19 tại TP.HCM. Ảnh HCDC)

Đến nay, cả nước đã tiêm được hơn 1,5 triệu liều vaccine Covid-19 mũi 3, mũi bổ sung, nhắc lại (Tiêm vaccine Covid-19 tại TP.HCM. Ảnh HCDC)

Thời tiết chuyển mùa Đông - Xuân thuận lợi cho sự phát triển, lây lan, nhất là trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2022 sắp tới… Do đó, Bộ Y tế đề nghị tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt giám sát phát hiện sớm, điều trị giảm bệnh nặng, tử vong và đẩy mạnh tốc độ tiêm vaccine Covid-19.

Hết tháng 12 sẽ tiêm hoàn thành tiêm vaccine Covid-19 cho người trên 18 tuổi

GS Lân cũng cho biết, tốc độ tiêm vaccine Covid-19 hiện nay là nhanh nhất có thể, với việc tổ chức tiêm chủng an toàn. Phấn đấu đến ngày 31/12 hoàn thành tiêm mũi 2 vaccine Covid-19 cho người trên 18 tuổi, hoàn thành tiêm mũi thứ 3 cho người 18 tuổi trở lên và tiêm đủ 2 mũi cho người từ 12-18 tuổi trong tháng 1/2022;

Đồng thời, để tăng hiệu quả điều trị, giảm tử vong, Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương tổ chức tốt việc điều trị tại nhà, cơ sở cho bệnh nhân mắc Covid-19, tránh tình trạng dồn lên bệnh viện các tuyến gây quá tải…

Bộ Y tế đề nghị cũng liên tục có các văn bản yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục đánh giá cấp độ dịch để có các biện pháp phù hợp với diễn biến phức tạp của dịch, bảo đảm các hoạt động phục hồi sản xuất;

Các địa phương cần rà soát khả năng đáp ứng của các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19; Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác điều trị các tuyến; Cung ứng và bảo đảm đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang phục phòng hộ cá nhân; bảo đảm oxy từ tuyến cơ sở đến bệnh viện các tầng 1, 2, 3.

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương đặc biệt quan tâm xây dựng bổ sung các chính sách, chế độ và các hình thức động viên cụ thể bằng tài chính và phi tài chính với đội ngũ nhân viên y tế và mạng lưới tham gia tư vấn, điều trị, chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2, người làm việc tại các trung tâm hồi sức tích cực và cơ sở thu dung, điều trị Covid-19.

Động viên, hỗ trợ tâm lý nhân viên y tế, những người làm việc trong khu điều trị Covid-19 dài ngày, căng thẳng kéo dài, chịu nhiều áp lực và gánh nặng chống dịch.

Nguồn: https://danviet.vn/thoi-diem-nghi-tet-duong-lich-tet-am-lich-dich-covid-19-rat-de-bung-...

Tam hợp Dần Ngọ Tuất và lý do người xưa không thích cưới người tuổi Dần về nhà
Xưa kia nhiều người theo quan niệm dân gian truyền miệng đã tin rằng nhà có một người tuổi Dần sẽ rất an toàn vì sẽ không xảy ra hỏa hoạn, trộm cắp...

Phong thủy năm mới

H.A (tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19