COVID-19 23/7: Cả gia đình dương tính với SARS-CoV-2, một thành phố phong tỏa 14 ngày

K.T - Ngày 23/07/2021 12:10 PM (GMT+7)

Tỉnh Đắk Nông đã quyết định phong tỏa toàn bộ thành phố Gia Nghĩa kể từ 12h ngày 23/7 để thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19.

Video: Muốn kéo giảm F0 khu phong toả, TP.HCM cần làm gì? (Nguồn: Plo.vn)

Cả gia đình dương tính với SARS-CoV-2, một thành phố phong tỏa 14 ngày

5 người trong một gia đình dương tính với SARS-CoV2

Sáng 23/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông cho biết, trên địa bàn vừa ghi nhận thêm 8 trường hợp dương tính với SARS-CoV2.

Trong 8 trường hợp nói trên, có 6 trường hợp tại TP.Gia Nghĩa liên quan đến bệnh nhân số 72.764 được phát hiện vào chiều 22/7.

Cụ thể, có 4 trường hợp, trú tại tổ 2, phường Nghĩa Tân, TP.Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Bốn người này là người thân của BN72.764, gồm: ông N.V.H, sinh năm 1968 - F1 (chồng sống cùng nhà) của bệnh nhân số 72.764; chị N.T.N.Q, sinh năm 1997, làm việc online tại nhà - F1, con gái sống cùng nhà; chị V.T.T, sinh năm 1993 - F1, con dâu sống cùng nhà và cháu N.V.T.Q, sinh năm 2018, cháu sống cùng nhà.

Cả 4 người nói trên đã được cách ly y tế tại khu cách ly tập trung của TP.Gia Nghĩa vào ngày 22/7 và có kết quả xét nghiệm RT-PCR khẳng định dương tính với SARS-CoV-2 vào đêm 22/7.

Ngoài ra, có 2 trường hợp sống cùng dãy nhà với bệnh nhân BN72.764 cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Như vậy đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã có 27 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Phong tỏa toàn thành phố

Trước tình hình trên, tối ngày 22/7, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Đắk Nông đã ký quyết định về việc áp dụng một số biện pháp cấp bách trong phòng chống dịch COVID-19 tại TP.Gia Nghĩa.

Theo đó, phong tỏa toàn bộ TP.Gia Nghĩa trong vòng 14 ngày, kể từ 12h ngày 23/7 và áp dụng nghiêm các biện pháp theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tùy theo diễn biến tình hình dịch mà thời gian cách ly, phong tỏa có thể kéo dài hơn.

Cụ thể, thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc cách ly gia đình với gia đình; thôn, bon, buôn, tổ dân phố với thôn, bon, buôn, tổ dân phố; xã, phường cách ly với xã, phường; phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định. Yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất. Cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa. Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng.

Tạm dừng tất cả hoạt động công cộng, cơ sở vui chơi, giải trí, tập trung đông người, các hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu. Hạn chế tối đa hoạt động của các phương tiện cá nhân; bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hoá, nguyên vật liệu sản xuất...

Sở Y tế chủ trì, hướng dẫn UBND TP.Gia Nghĩa triển khai khẩn cấp các biện pháp cụ thể phòng chống dịch phù hợp với điều kiện thực tiễn như: điều tra truy vết thần tốc, khoanh vùng dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, chuẩn bị cơ sở điều trị, vật tư hóa chất, phương tiện phòng hộ...

Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với sở Y tế, UBND TP.Gia Nghĩa và các ngành liên quan thành lập, bố trí các chốt, trạm kiểm dịch tại các đầu mối giao thông ở khu vực cửa ngõ liên huyện để cách ly y tế đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả. Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh đảm bảo kinh phí để UBND TP.Gia Nghĩa triển khai công tác phòng chống dịch hiệu quả.

Các sở, ngành gồm: y tế, giao thông vận tải, công thương, tài nguyên và môi trường, công an tỉnh, bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp, hướng dẫn UBND TP.Gia Nghĩa thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, đúng quy định.

UBND TP.Gia Nghĩa chủ động làm việc với các sở, ngành liên quan khẩn trương xây dựng, triển khai phương án cách ly theo Chỉ thị 16, đảm bảo khoanh vùng, khống chế, kiểm soát kịp thời dịch bệnh, không để lây lan trong cộng đồng. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo đúng quy định. Đồng thời, kích hoạt các khu cách ly tập trung của thành phố để sẵn sàng cách ly với số lượng lớn; lên phương án thiết lập cơ sở điều trị riêng COVID-19. Mặt khác, phối hợp với sở Công thương, các đơn vị kinh doanh vận tải, thực phẩm để có kế hoạch vận chuyển, cung cấp hàng hóa, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, kịp thời phục vụ nhân dân.

(Theo Người Đưa Tin)

Đắk Lắk: TP Buôn Ma Thuột và 1 huyện giãn cách XH theo Chỉ thị 16 từ 24/7

Chiều 23/7, ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã ký văn bản hỏa tốc áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên toàn địa bàn TP Buôn Ma Thuột và huyện Cư Kuin để thực hiện phòng chống dịch Covid-19 theo quy định.

Theo đó, hai địa phương trên sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, từ 0h00 ngày 24/7 đến hết ngày 7/8.

TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, từ 0h ngày 24/7. Ảnh: X.P

TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, từ 0h ngày 24/7. Ảnh: X.P

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu 2 địa phương trên thực hiện cách ly trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột và huyện Cư Kuin theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố, phường xã cách ly với phường xã. Các xưởng, cơ sở, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật cần thiết như: mua lương thực thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; hoạt động tại nhà máy, cơ sở sản xuất; Cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa/dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác.

Đồng thời, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp và đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Yêu cầu tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột và huyện Cư Kuin; chỉ duy trì hoạt động của siêu thị, chợ, các cơ sở kinh doanh hàng hóa dịch vụ thiết yếu về nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu y tế, xăng dầu, bưu chính, viễn thông, công chứng, ngân hàng, các hoạt động phòng chống dịch và phòng chống lũ lụt; các cơ sở cung cấp thức ăn nấu sẵn/sơ chế với hình thức bán mang về và phải đảm bảo điều kiện phòng chống dịch.

Đối với các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi chỉ được bán các mặt hàng thiết yếu; sắp xếp, bố trí các quầy hàng phù hợp với quy mô, diện tích, điều chỉnh giảm số lượng khách trong cùng thời điểm, đảm bảo thực hiện 5K, hạn chế tối đa việc tiếp xúc gần khi giao dịch; khuyến khích mô hình giao hàng trực tuyến.

Được biết, tính đến chiều 23/7, Đắk Lắk đã ghi nhận 80 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, huyện Cư Kuin và TP Buôn Ma Thuột là 2 địa phương có ca nhiễm nhiều nhất.

Đà Nẵng tìm người từng đến lò mổ lớn nhất thành phố có 4 ca mắc Covid-19

Chiều 23/7, lãnh đạo Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) cho biết, các lực lượng đang truy vết những trường hợp liên quan đến 4 ca dương tính SARS-CoV-2 tại Trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm Đà Sơn (lò mổ Đà Sơn).

Tại lò mổ này, cơ quan chức năng khi ghi nhận 2 ca mắc Covid-19 là lái xe và công nhân làm việc tại đây. Ngành y tế đã xét nghiệm sàng lọc cho những người liên quan đến lò mổ.

Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, lò mổ Đà Sơn có rất nhiều dây chuyền hoạt động, các ca F chủ yếu liên quan đến dây chuyển số 1.

Ngành y tế đã xét nghiệm 684 người liên quan đến 2 ca mắc Covid-19 nêu trên và xác định thêm 2 mẫu dương tính SARS-CoV-2, là vợ chồng chủ lò mổ.

Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu cũng vừa phát đi thông báo đề nghị tất cả những người đã từng đến địa điểm này từ 2h đến 7h các ngày từ 9 đến 22/7, khẩn trương liên hệ với trạm y tế phường gần nhất hoặc Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu để khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm, áp dụng các biện pháp phòng dịch phù hợp.

Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng, trong ngày 23/7, thành phố ghi nhận 37 ca mắc Covid-19 mới. Các ca bệnh hầu hết là F1 đã được cách ly.

Cộng dồn từ ngày 10/7 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận tổng cộng 362 ca bệnh.

(Theo Báo Giao Thông)

Xác minh tin ca nghi nhiễm đầu tiên tại đảo Phú Quý chỉ cách ly tập trung 6 ngày

Ngày 23/7, Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu làm rõ những thông tin liên quan đến ca nghi nhiễm đầu tiên ở huyện đảo Phú Quý.

Báo cáo nhanh ngày 22/7 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện Phú Quý cho thấy, trên đảo Phú Quý đã có 1 trường hợp nghi nhiễm COVID-19, tên N.T.L. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Phú Quý tiếp tục thực hiện nghiêm quy trình quản lý người nghi nhiễm, điều tra F1, F2 và phong tỏa khu vực nhà đối tượng nghi nhiễm trong khi chờ kết quả xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR.

Ngoài ra phải làm rõ vào thời điểm ngày 9/7, người nghi nhiễm này thuộc diện cách ly tập trung 21 ngày, nhưng chỉ mới thực hiện cách ly tập trung được 6 ngày đã chuyển sang cách ly tại nhà là không đúng quy định. Do đó, yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Phú Quý báo cáo rõ sự việc trên và kiểm điểm trách nhiệm những tập thể, cá nhân có liên quan.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp Công an tỉnh kiểm tra, làm rõ việc nhà xe T. N. vẫn tổ chức dịch vụ vận chuyển người từ tỉnh Bình Dương về Phan Thiết, theo lời khai của người nghi nhiễm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Kiểm tra việc người đi về từ vùng dịch, thuộc đối tượng phải cách ly tập trung nhưng vẫn được lên tàu từ Phan Thiết đi về đảo Phú Quý. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ trên, Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh và UBND huyện Phú Quý báo cáo UBND tỉnh trong ngày 25/7.

Dự kiến, mẫu nghi nhiễm đầu tiên trên đảo Phú Quý phải đến ngày 24/7 mới có thể vận chuyển vào đất liền để xét nghiệm khẳng định lại theo kỹ thuật RT-PCR.

Bản tin nhanh cập nhật vào tối 23/7 của Bộ Y tế công bố, tỉnh Bình Thuận có thêm 24 ca mắc COVID-19. Trong đó, 22 ca ở thị xã La Gi (21 ca sàng lọc trong cộng đồng, 1 ca F1 cách ly trước đó); 1 ca ở huyện Tuy phong về từ Thủ Đức đã được cách ly tại nhà; 1 ca huyện Hàm Thuận Nam về từ Gò Vấp, TPHCM đã được cách ly trong khu cách ly tập trung. Trước đó, vào lúc 6h sáng 23/7, Bình Thuận có 23 ca mắc COVID-19 đã được Bộ Y tế công bố.

(Theo Tiền Phong)

NÓNG: TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 1-8

Chiều 23-7, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 15 ngày thực hiện cách ly xã hội toàn TP theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Dự họp có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong.

TP.HCM thực hiện giãn cách toàn TP theo Chỉ thị 16 trong vòng 15 ngày, kể từ 0 giờ 9-7.

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 1-8

Báo cáo sơ kết 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết hiện nay tình hình dịch bệnh tại TP.HCM vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Số ca nhiễm cộng đồng của TP từ ngày 27-4 đến nay là 46.178 trường hợp; trong đó từ ngày 9-7 đến 6 giờ ngày 23-7 có 40.255 ca nhiễm phát hiện qua ghi nhận của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.

Như vậy, từ ngày 9-7 đến nay, trung bình mỗi ngày phát hiện 2.780 ca bệnh; các ca nhiễm hiện nay được ghi nhận phần lớn là tại khu cách ly, khu phong tỏa; số ca khi tầm soát cộng đồng, mở rộng khu vực xét nghiệm, sàng lọc tại bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh vẫn ở mức thấp.

TP.HCM sẽ siết chặt công tác phòng, chống dịch tại các khu phong tỏa

UBND TP.HCM cho biết, thực hiện Công văn số 969/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 12 ngày 22-7-2021 của Thành ủy TP HCM, TP HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16 đến ngày 1-8-2021 với các giải pháp mạnh hơn nữa nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, theo hướng phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch; giữ vững, mở rộng vùng an toàn và kiểm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao với mục tiêu hạ thấp số ca nhiễm mới và tập trung điều trị các bệnh nhân nặng, giảm tỷ lệ tử vong.

Theo UBND TP.HCM, qua 15 ngày triển khai thực hiện, TP.HCM đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của nhân dân, thông qua nhiều kênh thông tin phản ánh đã cho thấy hầu hết người dân đã và đang hoàn toàn ủng hộ với những quyết sách và phương thức chống dịch mà các ngành, các cấp đang triển khai.

Việc thực hiện các biện pháp cách ly xã hội toàn TP cùng với việc thúc đẩy công tác xét nghiệm tầm soát diện rộng đã giúp phát hiện được nhiều ca dương tính, đồng thời xác định khoanh vùng, phong tỏa nhiều khu vực, hạn chế lây lan diện rộng.

Hỗ trợ kịp thời các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Nghị quyết số 09/2021 của HĐND TP.HCM.

Tuy nhiên, mặc dù TP đã cố gắng kiểm soát tình hình dịch trên địa bàn nhưng số ca nhiễm vẫn còn tăng cao; đa số là tại các khu phong tỏa, cho thấy việc quản lý tại các khu phong tỏa còn chưa chặt chẽ, bộc lộ một số hạn chế.

Việc triển khai các giải pháp theo Chỉ thị 16 có nơi có lúc chưa hiệu quả, thống nhất, chưa đủ mạnh trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn TP.

Những giải pháp mạnh trong thời gian tới tại TP.HCM:

Thực hiện Chỉ thị 16 tới ngày 1-8, TP.HCM sẽ tăng cường các biện pháp tăng cường. Theo đó, TP.HCM sẽ thu hẹp diện các nhóm đối tượng hoạt động trong thời gian thực hiện cách ly toàn TP như:

+ Tạm dừng các hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động của các công trường, công trình xây dựng, giao thông chưa thật sự cấp bách.

+ Ngân hàng, chứng khoán bảo đảm hoạt động mức độ duy trì công suất để cung ứng kịp thời dịch vụ cần thiết, riêng đối với các chi nhánh hoặc phòng giao dịch, có thể hoạt động luân phiên, bố trí nhân sự làm việc trực tiếp theo ca kíp, thực hiện nghiêm giãn cách.

+ Siết chặt hoạt động của doanh nghiệp: chỉ những doanh nghiệp dịch vụ thiết yếu về y tế, dược phẩm, lương thực, thực phẩm, cung cấp suất ăn cho các bệnh viện, khu cách ly, khu thu dung điều trị; cung cấp điện, nước, gas, bưu chính, viễn thông, vệ sinh công cộng, vận chuyển hàng hóa thiết yếu; kho bạc nhà nước, dịch vụ tang lễ và một số dịch vụ thiết yếu khác do cấp có thẩm quyền quy định được hoạt động theo yêu cầu phục vụ và bảo đảm an toàn.

Các doanh nghiệp sản xuất khác chỉ được phép hoạt động với điều kiện phải bảo đảm an toàn; kiên quyết dừng ngay lập tức và xử phạt nghiêm đối với các trường hợp hoạt động không bảo đảm các yêu cầu công tác phòng, chống dịch.

- Cơ quan nhà nước tổ chức làm việc luân phiên cách ngày hoặc buổi trong ngày tại cơ quan; gương mẫu, chấp hành nghiêm Chỉ thị 16, chỉ ra đường trong trường hợp có việc cấp thiết.

Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ tiếp tục huy động các tổ chức chính trị - xã hội từ TP đến cơ sở tiếp tục tăng cường phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng cho đoàn viên, hội viên, các chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo và nhân dân thực hiện nghiêm và tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Cùng với đó vận động, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn; tiếp tục vận động các nguồn lực, kịp thời chăm lo cho người dân, nhất là các hoàn cảnh khó khăn, yếu thế.

Giám đốc Bệnh viện E nói gì về việc người dân xếp hàng tiêm vắc-xin Covid-19?

Liên quan đến thông tin lượng người xếp hàng tiêm vắc-xin Covid-19 tại Bệnh viện E Trung ương tăng đột biến vào ngày 22-7, GS-TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc bệnh viện E, cho biết việc triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 được Bệnh viện E Trung ương thực hiện từ ngày 13-5 theo chủ trương của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, gần đây, do dịch bệnh Covid-19 đang gia tăng nhanh tại khu vực TP HCM dẫn đến tâm lý lo lắng của người dân trên địa bàn TP Hà Nội. Số lượng người dân có nhu cầu và đăng ký tiêm ngày càng tăng.

Bệnh viện đã có kế hoạch sắp xếp, bố trí để cố gắng tối đa tiêm vắc-xin Covid-19 cho người dân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người dân hạn chế trong việc sử dụng QR để khai báo y tế dẫn đến việc phải hướng dẫn, giải quyết tại chỗ, gây ùn tắc tại khu vực Khai báo y tế bắt buộc.

Ngay khi có thông tin về việc ùn tắc tại khu vực khai báo thông tin, Bệnh viện E đã quyết định tạm dừng triển khai tiêm vắc-xin Covid-19, chờ hướng dẫn của Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội.

COVID-19 23/7: Cả gia đình dương tính với SARS-CoV-2, một thành phố phong tỏa 14 ngày - 3

"Rút kinh nghiệm từ sự việc ngày 22-7 khi người dân xếp hàng làm thủ tục đăng ký tiêm vắc-xin Covid-19, Bệnh viện E Trung ương sẽ thực hiện phân luồng, bố trí khoa học hơn khu vực đón tiếp khai báo y tế, sẽ điều thêm nhân viên bảo vệ giữ trật tự và điều tiết giãn cách phù hợp. Cá nhân tôi cũng kêu gọi người dân bình tĩnh, nghiêm túc chấp hành hướng dẫn phân luồng của nhân viên y tế để công tác tiếp đón, triển khai tiêm vắc-xin được diễn ra hiệu quả, đảm bảo an toàn cộng đồng" - GS Lê Ngọc Thành nói.

Cũng theo GS Thành, qua hơn 2 tháng triển khai, Bệnh viện E Trung ương đã thực hiện hàng ngàn lượt tiêm, công tác tổ chức triển khai tiêm đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc phòng chống dịch của Chính phủ và yêu cầu của Bộ Y tế.

Đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện E đã hoàn thành tốt yêu cầu triển khai đăng ký tiêm qua ứng dụng hồ điện tử App Hồ sơ sức khoẻ. 100% đối tượng được tiêm phải thực hiện khai báo thông tin tiêm chủng trước khi đến cơ sở y tế .

Người dân khi có lịch hẹn đăng ký tiêm sẽ phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc trước khi lên phòng tiêm, đây là việc làm cần thiết để kịp thời phát hiện và sàng lọc các trường hợp không đủ điều kiện để tiêm ( F1, F2, người mới từ vùng dịch về…..), hạn chế tối đa việc lây nhiễm và dễ dàng khoanh vùng đối tượng nếu có phát sinh F1.

Trước đó, chiều 22-7, Bộ Y tế yêu cầu tạm dừng tiêm chủng vắc-xin Covid-19 tại Bệnh viện E để chấn chỉnh, sau khi có tình trạng tập trung đông người tại bệnh viện chờ tiêm chủng. Theo đó, bệnh viện sẽ tạm dừng tiêm chủng ngay từ ngày 23-7 để rà soát lại các khâu tổ chức tiêm chủng, đảm bảo giãn cách và phòng dịch trước khi tổ chức tiêm chủng trở lại.

Cần Thơ tạm dừng thí điểm cách ly F1 tại nhà, phong tỏa nhiều nơi

Ngày 22-7, Sở Y tế TP Cần Thơ có văn bản về việc tạm dừng thực hiện thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà gửi Bộ Chỉ huy quân sự TP, UBND quận, huyện và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.

Theo đó, công văn cho biết, ngày 19-7, Sở Y tế ban hành công văn về việc hướng dẫn thực hiện thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà.

“Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo TP, căn cứ tình hình dịch bệnh hiện nay và khả năng đáp ứng của các cơ sở cách ly tập trung, Sở Y tế TP thu hồi công văn về việc hướng dẫn thực hiện thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà và thông báo tạm dừng thực hiện thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà đến khi có chỉ đạo của TP, Sở Y tế sẽ hướng dẫn thực hiện”- công văn Sở Y tế nêu.

Cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP có văn bản gửi Sở Y tế, Sở Công thương và UBND quận Cái Răng đề xuất tạm ngừng hoạt động đối với Công ty TNHH EB Cần Thơ (Siêu thị Go).

Theo CDC, Công ty có trụ sở làm việc tại khu dân cư Hưng Phú (phường Hưng Phú, quận Cái Răng) với 260 nhân viên làm việc. Đến ngày 22-7, Công ty này đã xảy ra ba trường hợp mắc COVID-19, 44F1, 111F2. Các trường hợp mắc COVID-19 là nhân viên bảo vệ và nhân viên vệ sinh của Công ty. Qua nhận định, các nhân viên trên có tầm hoạt động khá rộng, tiếp xúc nhiều đối tượng và khách hàng, nguy cơ lây nhiễm cao.

CDC đã hướng dẫn Công ty rà soát lập danh sách theo dõi nhân viên thuộc diện F1 đang được cách ly tập trung, F2 thì liên hệ nơi cư trú khai báo y tế theo quy định.Đồng thời tiếp tục truy vết, xác định các trường hợp liên quan; tổ chức xét nghiệm sàng lọc nhanh tất cả nhân viên Công ty theo từng bộ phận. Cách ly nhân viên tại Công ty và bố trí chỗ ở cho nhân viên theo quy định.

“Đề nghị Công ty TNHH EB Cần Thơ tạm ngừng hoạt động tạm thời 14 ngày để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch, kể từ 0 giờ ngày 23-7-2021” – văn bản của CDC nêu

Cạnh đó, UBND quận Bình Thủy đã có quyết định phong tỏa tạm thời Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Pataya Việt Nam (địa chỉ Lô 44, Khu Công nghiệp Trà Nóc 1) để phòng, chống dịch COVID-19. Thời gian phong tỏa từ 16 giờ ngày 22-7 cho đến khi có thông báo mới.

UBND quận Ô Môn cũng có các quyết định phong tỏa một phần khu vực Thới Hòa, đoạn từ nhà ông Lê Văn Cũ đến chùa Giác Hòa Tự; đoạn từ nhà ông Mao Việt Bằng đến nhà ông Mao Hữu Khởi, phường Thới An. Thời gian phong tỏa hai khu vực trên lần lượt là 16 và 17 giờ ngày 22-7 cho đến khi có thông báo mới.

(Theo Pháp luật TP.HCM)

TP HCM: Phát hiện thêm chuỗi lây nhiễm SARS-CoV-2 ở khu dân cư quận Bình Thạnh

Trưa 23-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết cập nhật tình hình dịch bệnh Covid-19 đến thời điểm hiện tại đã có 49.480 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP HCM được Bộ Y tế công bố.

Tính đến ngày 22-7 đã có 45.874 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 304 trường hợp nhập cảnh. Hơn 90% các trường hợp mới phát hiện trong ngày là ở các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa.

Trong ngày 22-7 cũng đã có thêm 2.046 bệnh nhân xuất viện, tổng số ca điều trị khỏi tính từ khi dịch bệnh bắt đầu là 8.468. Hiện đang điều trị 35.228 bệnh nhân dương tính (bao gồm bệnh nhân có kết quả xét nghiệm PCR xét nghiệm nhanh dương tính), trong đó có 562 bệnh nhân nặng đang thở máy và 11 bệnh nhân can thiệp ECMO. Tính cộng dồn đến nay có 434 bệnh nhân tử vong.

Theo HCDC, TP đã khoanh vùng 36 chuỗi lây nhiễm SARS-CoV-2 phát hiện gần đây tại các chợ (chợ Tân Định, chợ Cầu Muối quận 1; chợ Phùng Hưng quận 5; chợ Bình Điền quận 8), các công ty trong khu chế xuất, khu công nghệ cao và tại các khu dân cư… Đồng thời vừa ghi nhận thêm 1 chuỗi lây nhiễm mới tại khu vực dân cư ở phường 19, quận Bình Thạnh.

Kết quả xét nghiệm từ 26-5 đến ngày 22-7 đã lấy 2.088.349 mẫu xét nghiệm (tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao...), trong đó 1.875.151 mẫu có kết quả, 213.198 mẫu chờ kết quả.

TP đang triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đợt 5 các đối tượng ưu tiên theo kế hoạch UBND TP ban hành. Chiến dịch sẽ được triển khai tại bệnh viện và các điểm tiêm tại phường xã. Bệnh nhân có bệnh lý nền, người trên 65 tuổi sẽ tiêm tại bệnh viện. Các nhóm đối tượng khác sẽ tiêm ở các điểm tiêm tại phường xã.

TP triển khai lấy mẫu tầm soát người dân cộng đồng bằng xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm RT-PCR. Tổ chức hoạt động xét nghiệm theo từng hộ gia đình để đảm bảo việc giãn cách.

"Hôm nay là ngày thứ 15 thực hiện giãn cách xã hội toàn TP. TP đã triển khai tăng cường một số biện pháp để thực hiện mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân, hạn chế tối đa trường hợp tử vong, bảo vệ hệ thống y tế và khả năng điều trị, cứu chữa bệnh nhân" - HCDC thông tin.

(Theo Người Lao Động)

Hà Nội khẩn tìm người tới cửa hàng hoa quả ở quận Bắc Từ Liêm

Sở Y tế TP Hà Nội thông báo tìm người trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đến cửa hàng bán hoa quả, địa chỉ số 39 ngõ 145 đường Cổ Nhuế, tổ dân phố Trù 2, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, trong thời gian từ 7h ngày 18 - 17h ngày 22/7. 

Người đã đến trong thời gian trên tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với Trạm Y tế, Trung tâm Y tế trên địa bàn hoặc gọi điện thoại đến số 0243.83.63.176 (TYT Phường Cổ Nhuế 2); 0383340868 (TTYT quận Bắc Từ Liêm), 0969.082.115 hoặc số 0949.396.115 (CDC Hà Nội).

Hà Nội đã ghi nhận 38 trường hợp dương tính kể từ đêm qua đến trưa nay. Tính từ ngày 29/4 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 656 trường hợp dương tính. Trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 410 trường hợp, số mắc là đối tượng đã được cách ly tập trung là 246 trường hợp.

(Theo Gia đình và Xã hội)

Hậu Giang: Thêm 7 ca mắc COVID-19, thiết lập thêm vùng cách ly hơn 6.000 nhân khẩu

Sáng 23/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hậu Giang cho hay, tỉnh vừa có thêm 7 ca mắc COVID-19, là các ca F1 đã cách ly tập trung, trong đó 2 ca liên quan đến ổ dịch tại xã Xà Phiên (huyện Long Mỹ) và 5 ca tại ổ dịch xã Thuận Hòa (huyện Long Mỹ).

Như vậy, đến nay Hậu Giang có tổng số 61 ca mắc COVID-19 đã được công bố; đã điều trị khỏi 10 ca; hiện còn 51 ca đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Phổi tỉnh và Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 huyện Vị Thủy.

Hiện Hậu Giang còn 20 trường hợp có kết quả khẳng định RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2, đang hoàn thiện hồ sơ dịch tễ để làm thủ tục đăng ký chờ Bộ Y tế công bố. Chiều tối 22/7, tiếp tục ghi nhận thêm 2 trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc và nghi nhiễm tại tỉnh đến thời điểm hiện tại là 83 trường hợp.

Tất cả 7 ca mắc mới nêu trên ngay sau khi CDC tỉnh thông báo có kết quả xét nghiệm RT-PCR khẳng định dương tính với SARS-CoV-2 đã được chuyển về cách ly tại Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 huyện Vị Thủy, tình trạng sức khỏe ổn định. Ngành y tế tiếp tục mở rộng điều tra, truy vết các đối tượng tiếp xúc gần hoặc có liên quan để xét nghiệm và áp dụng các biện pháp cách ly theo quy định.

UBND tỉnh Hậu Giang cũng đã quyết định thiết lập vùng cách ly y tế đối ổ dịch tại xã Thuận Hòa và xã Xà Phiên (huyện Long Mỹ) để điều tra, truy vết các F1, F2, F3. Đã tổ chức lấy mẫu gộp xét nghiệm diện rộng đối với người dân trong vùng cách ly y tế, tổ chức lấy 43 mẫu gộp để xét nghiệm RT-PCR…

Sáng nay (23/7), tỉnh Hậu Giang quyết định thiết lập thêm 6 vùng cách ly y tế để phòng, chống và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn xã Thạnh Hòa và xã Long Thạnh (huyện Phụng Hiệp).

Phạm vi 6 vùng cách ly có tổng cộng 1.687 hộ, với 6.088 nhân khẩu.

Thời gian cách ly từ 00 giờ ngày 23/7 đến khi có quyết định tiếp theo.

Người phụ nữ là F2 không chịu ở nhà cách ly, bị phạt 7,5 triệu đồng

Ngày 23/7, ông Phạm Văn Quyền, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một trường hợp do vi phạm quy định về phòng chống dịch COVID-19.

Người bị UBND huyện Châu Đức xử phạt vi phạm là nữ, 32 tuổi, ngụ tổ 1, thôn Tân Xuân, xã Bàu Chinh bị xử phạt hành chính về hành vi “Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Theo đó, người phụ nữ này là trường hợp F2, sau khi truy vết từ nguồn lây tại Trung tâm Thương mại Kim Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức. Dù đã có quyết định buộc phải cách ly tại nhà nhưng người phụ nữ này vẫn đi lấy hàng về bán cho khách. Do đó, UBND huyện Châu Đức quyết định xử phạt người phụ nữ này với số tiền 7,5 triệu đồng.

Sáng 23/7, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, tính từ 18h ngày 22/7 đến 6h ngày 23/7/2021 tỉnh này ghi nhận 80 ca dương tính với SARS-CoV-2.

Cụ thể, 9 ca ghi nhận trong khu cách ly tập trung. Trong đó, 5 ca liên quan đến BN 28499 (phường 11, phường Vũng Tàu); 3 ca liên quan đến BN 48581 (xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc); 1 ca liên quan đến BN 48593 (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc).

Ngoài ra còn có 70 ca ghi nhận trong khu vực phong tỏa. Trong đó, 65 ca tại khu vực phong tỏa thị trấn Long Hải, liên quan đến BN 62916 (khu phố Hải Hà 1, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền); 5 ca tại khu vực phong tỏa xã Bàu Lâm, liên quan tới chùm ca bệnh BN 37515 (Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc); 1 ca ghi nhận ngoài cộng đồng, phát hiện tại xã Phước Hưng, huyện Long Điền. Hiện tại, lực lượng chức năng đang tiến hành khẩn trương truy vết các F1, F2, F3.

Như vậy, số lượng ca dương tính với SARS-CoV-2 ghi nhận từ ngày 28/6 đến nay là 440 trường hợp. Số ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh là 140 ca. Số người đang cách ly tập trung là 2.709 trường hợp. 

(Theo Tiền Phong)

Muốn qua chốt kiểm dịch COVID-19 vào Hà Nội, người dân cần biết điều này

Ngày 23/7, Công an TP.Hà Nội vừa hướng dẫn chi tiết người dân về một số giấy tờ cần mang theo khi lưu thông qua chốt kiểm dịch COVID-19 tại các cửa ngõ Thủ đô.

Theo đó, Công an TP.Hà Nội đề nghị người dân chuẩn bị các loại giấy tờ sau để tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện di chuyển vào Thủ đô, đi qua các chốt kiểm dịch nhanh nhất, cụ thể:

Người dân di chuyển bằng phương tiện cá nhân, chuẩn bị các giấy tờ gồm: Căn cước công dân; Giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 trong vòng 72 giờ hoặc giấy xác nhận đã tiêm vắc xin hoặc quyết định hết thời hạn cách ly nếu có (3 loại giấy tờ này không bắt buộc, Công an TP.Hà Nội đề nghị người dân chuẩn bị (nếu có) để tiện cho việc lưu thông qua chốt kiểm dịch). Người dân cần điền đầy đủ thông tin vào tờ khai y tế tự nguyện đối với người di chuyển vào TP.Hà Nội (tải biểu mẫu trên Cổng Thông tin điện tử Công an TP.Hà Nội). Trường hợp nhiều người đi trên cùng 1 xe ô tô có thể khai chung 1 biểu mẫu.

Người dân cần thực hiện khai báo y tế khi lưu thông qua chốt kiểm dịch COVID-19 vào Thủ đô.

Người dân cần thực hiện khai báo y tế khi lưu thông qua chốt kiểm dịch COVID-19 vào Thủ đô.

Đối với phương tiện kinh doanh vận tải, Sở Giao thông Vận tải TP.Hà Nội đã có hướng dẫn thực hiện đăng ký cấp thẻ nhận diện phương tiện, các loại phương tiện được đăng ký cấp thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên luồng xanh. 

Các phương tiện bao gồm: Xe ô tô vận chuyển các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ an sinh xã hội, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, vận chuyển thiết bị, vật tư và sinh phẩm y tế phục vụ phòng chống dịch COVID-19,... có hành trình vận chuyển đi, đến hoặc đi qua các khu vực đang phong tỏa, giãn cách hoặc khu vực ổ dịch. Xe ô tô vận chuyển công nhân, người lao động, chuyên gia phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh có hành trình vận chuyển đi, đến hoặc đi qua các khu vực đang phong tỏa, giãn cách hoặc khu vực ổ dịch.

Thủ tục cấp đăng ký nhận diện phương tiện ưu tiên đi vào luồng xanh được thực hiện trực tuyến trên Cổng thông tin đăng ký thẻ nhận diện cho phương tiện ưu tiên hoạt động trên luồng xanh vận tải toàn quốc tại địa chỉ http://luongxanh.drvn.gov.vn.

Các doanh nghiệp đăng nhập và làm theo hướng dẫn, sau khi đăng ký thành công, lái xe tự in thẻ nhận diện kèm mã QRCode để dán lên xe. Mọi chi tiết, thắc mắc liên quan, Công an TP.Hà Nội đề nghị doanh nghiệp, người dân vui lòng liên hệ điện thoại, zalo với đồng chí Nguyễn Quang Huy - 0912.357.845; đồng chí Bùi Thanh Tùng - 0972.756.888 để được giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục cấp đăng ký nhận diện phương tiện ưu tiên nếu có.

Công an TP.Hà Nội cho biết, tại 22 chốt kiểm soát dịch COVID-19 vào TP.Hà Nội, đối với phương tiện được cấp thẻ nhận diện phương tiện rồi thì cán bộ trực chốt cho đi qua ngay, nếu có kiểm tra thì cũng chỉ kiểm tra xác suất để giảm ùn tắc giao thông trên các tuyến. Các chốt bố trí biển báo, phân các luồng xanh để các phương tiện vận tải hàng hóa, vận chuyển công nhân, chuyên gia đi vào luồng xanh được thuận tiện. 

(Theo Dân Việt)

Chủ tịch Hà Nội kêu gọi người dân thành phố khai báo y tế

Trao đổi với báo chí ngày 23/7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, những ngày qua, tình hình dịch COVID-19 tại Hà Nội và các địa phương khác tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Với đặc điểm lây nhiễm nhanh, biến chủng Delta đã làm gia tăng đáng kể số ca dương tính mới mỗi ngày trên địa bàn thành phố.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh, nhằm nhanh chóng khoanh vùng, khống chế dịch, UBND thành phố đã liên tiếp nâng cấp các biện pháp phòng, chống dịch mạnh như Công điện số 15 ngày 18/7/2021 áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cao hơn, tiệm cận với Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 21/7/2021, thành phố tiếp tục ra Công điện số 16 áp dụng biện pháp cách ly tập trung đối với toàn bộ người về từ các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16; trừ các lực lượng phục vụ công tác phòng chống dịch, công tác công vụ được cấp thẩm quyền cho phép.

Để chuẩn bị tốt nhất, bảo đảm năng lực tiếp nhận, triển khai, tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 an toàn, hiệu quả trên địa bàn, UBND thành phố cũng đã ban hành Phương án số 170 về triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Song song với đó, theo ông Chu Ngọc Anh, một trong những biện pháp cấp thiết hiện nay là đẩy mạnh xét nghiệm sàng lọc để bóc tách các ca F0 không có yếu tố dịch tễ.

Với đặc điểm của biến chủng Delta là hơn 50%, thậm chí lên tới 80%, người mắc ít triệu chứng ban đầu thì việc mở rộng xét nghiệm sàng lọc nhằm xác định chính xác các ca chỉ điểm không có yếu tố dịch tễ và từ đó truy vết, khoanh vùng nhanh và hiệu quả, làm sạch mầm bệnh tiềm ẩn, có ý nghĩa quyết định hiệu quả phòng, chống dịch trong những ngày tới.

"Kết quả thực hiện biện pháp này với khoảng 10.000 người trên cơ sở sàng lọc từ khai báo y tế và các trường hợp có nguy cơ cao như có biểu hiện ho, sốt tự giác khai báo đã khẳng định hiệu quả cao, giúp phát hiện nhanh ca bệnh chỉ điểm, kịp thời truy vết sớm, khoanh vùng, kiểm soát dịch bệnh", ông Chu Ngọc Anh nói.

Để tiếp tục tăng cường thực hiện có hiệu quả biện pháp này, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị toàn thể người dân đang sinh sống, học tập, lao động trên địa bàn Thủ đô chủ động, tích cực thực hiện việc khai báo y tế với chính quyền địa phương, ưu tiên việc khai báo qua trang web tokhaiyte.vn.

Việc khai báo y tế phải được coi là việc làm thường xuyên, liên tục. Mỗi người dân, kể cả đã khai báo y tế, khi có triệu chứng cần khai báo cập nhật ngay lên hệ thống để được xét nghiệm, kiểm tra và hướng dẫn theo dõi sức khỏe. Đây là nguồn dữ liệu quan trọng giúp ngành Y tế tổ chức sàng lọc, xét nghiệm sớm để phát hiện ca mắc.

“Đây không chỉ là cách để bảo vệ chính mình mà còn là bảo vệ người thân, gia đình và cộng đồng”, ông Chu Ngọc Anh nói.

Đẩy mạnh tuyên truyền gắn với kiểm tra, giám sát

Để phối hợp với ngành Y tế thực hiện tốt biện pháp xét nghiệm sàng lọc nêu trên, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn phối hợp cùng Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, đưa thông tin về các chủ trương, giải pháp phòng, chống dịch kịp thời đến mỗi gia đình, mỗi người dân; trước mắt tập trung thực hiện hiệu quả biện pháp xét nghiệm diện rộng, thông qua vận động, hướng dẫn người dân thực hiện khai báo y tế qua trang web tokhaiyte.vn; giám sát và hướng dẫn thông tin ngay khi bản thân và người xung quanh có biểu hiện ho, sốt kể cả trường hợp bị nhẹ.

Giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, và xã, phường, thị trấn trên địa bàn siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ sở trong việc thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, UBND thành phố về phòng, chống COVID-19; thành lập ngay các đoàn kiểm tra, giám sát cấp dưới và người dân về việc thực hiện Công điện số 15 và Công điện số 16. Huy động các Tổ COVID-19 cộng đồng tích cực tham gia tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân thực hiện khai báo y tế, báo cáo các trường hợp có nguy cơ cao cần được xét nghiệm.

Đồng thời, Chủ tịch UBND thành phố cũng giao Sở Y tế và các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn toàn thành phố thực hiện lập, công bố danh sách, địa chỉ, thông tin hướng dẫn, liên hệ đường dây nóng (hotline) của các cơ sở khám điều trị, xét nghiệm, tiêm vắc xin (căn cứ điều kiện thực tế diễn biến tình hình dịch bệnh để bố trí việc chia ca đảm bảo phục vụ 24/24/7 đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân); Phổ biến, hướng dẫn để người dân biết, kê khai, đăng ký trước khi đến xét nghiệm, tiêm chủng, khám điều trị đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện, đáp ứng quy định phòng chống dịch, không để tình trạng ùn tắc, tập trung đông người.

"Người dân là trung tâm của cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 bởi vừa là chủ thể chịu tác động chính của dịch, vừa là chủ thể chính thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Nhận thức điều này, cũng mong mỗi người dân thực sự là những chiến sĩ phòng, chống COVID-19 có bản lĩnh kiên cường, có trách nhiệm cao trong mọi lúc, mọi nơi, trước mắt là thực hiện tốt việc khai báo y tế cũng như tham gia giám sát cộng đồng, tạo nên sức mạnh tổng hợp, to lớn để đẩy lùi, tiến tới chiến thắng dịch bệnh trong thời gian sớm nhất", ông Chu Ngọc Anh nêu.

Đón 500 trẻ em, người già từ các vùng dịch về Đắk Lắk cuối tháng 7

Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành kế hoạch hỗ trợ đưa công dân của địa phương từ các vùng dịch về.

Theo đó, Đắk Lắk sẽ chia những trường hợp có nguyện vọng về địa phương thành 3 nhóm. Nhóm 1 là người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, người đi khám, chữa bệnh, người thăm thân, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nhóm 2 gồm lao động tự do, người lao động bị mất việc làm. Và nhóm cuối cùng là học sinh, sinh viên, các đối tượng khác.

Dự kiến, đợt đón công dân đầu tiên diễn ra từ ngày 25-30/7, với khoảng 500 người. Công dân về tỉnh sẽ được đưa về khu cách tập trung của cấp huyện hoặc các địa điểm cách ly có thu phí và thực hiện cách ly 14 ngày.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm phối hợp, bố trí phương tiện để tiếp nhận và đưa công dân về khu cách ly tập trung của địa phương. Sau đó, địa phương sẽ căn cứ tình hình dịch bệnh và các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội tại vùng dịch; dựa trên số lượng công dân đăng ký trở về để triển khai các đợt tiếp theo.

Ban chỉ đạo sẽ bố trí đầy đủ phương tiện vận chuyển bằng đường bộ (xe ô tô ) để đưa công dân tỉnh Đắk Lắk tạm trú tại các vùng dịch có nhu cầu trở về, đảm bảo thực hiện các điều kiện an toàn trong quá trình di chuyển.

(Theo Tiền Phong)

TP HCM: Thần tốc mở 1 bệnh viện dã chiến COVID-19 tại quận 5

Sáng 23-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM cho biết TP vừa ghi nhận thêm 3.302 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.

Tính từ 18 giờ ngày 22-7 đến 6 giờ ngày 23-7, TP ghi nhận thêm 3.302 trường hợp nhiễm mới đã được Bộ Y tế công bố. Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27-4 đến nay, TP đã có hơn 48.800 trường hợp mắc COVID-19.

TP HCM đang bước vào giai đoạn tập trung mọi nguồn lực tốt nhất có thể để kiểm soát, ngăn chặn đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. 

Ứng phó trước tình trạng số lượng người dương tính với SARS-CoV-2 tăng cao, các bệnh viện dã chiến liên tiếp được thành lập để giảm tải cho các bệnh viện điều trị COVID-19 hiện có.

Bệnh viện dã chiến COVID-19 số 5 vừa đưa vào hoạt động tại TP HCM (Ảnh: HCDC)

Bệnh viện dã chiến COVID-19 số 5 vừa đưa vào hoạt động tại TP HCM (Ảnh: HCDC)

Sau 11 ngày thi công thần tốc, Bệnh viện dã chiến số 5 tại The Garden Mall trên đường Hồng Bàng, quận 5 cũng đã đưa vào sử dụng chiều ngày 22-7.

TP đã có hướng dẫn lưu thông cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa mau hỏng như nông sản, thực phẩm tươi sống, hàng đông lạnh và các loại hàng thiết yếu, phục vụ sản xuất kinh doanh có lộ trình đi vào/ra từ TP HCM và quá cảnh qua địa bàn TP HCM.

Theo đó, nếu trường hợp chỉ lưu thông trong phạm vi giữa 19 tỉnh, thành đang thực hiện Chỉ thị 16 thì không cần đăng ký cấp Giấy nhận diện phương tiện.

Trường hợp từ các tỉnh, thành khác có lộ trình đi vào, đi ra vùng thực hiện Chỉ thị 16 và quá cảnh qua vùng thực hiện Chỉ thị 16 chỉ được cấp giấy nhận diện khi các phương tiện có lộ trình điểm đi, điểm đến hoặc quá cảnh qua địa bàn TP HCM thông qua địa chỉ luongxanh.drvn.gov.vn.

"Trong “cuộc chiến” chống đại dịch COVID-19, TP đã nổ lực thực hiện và siết chặt các giải pháp để nhanh chóng tách F0 ra khỏi cộng đồng, cố gắng điều trị cho các trường hợp bệnh nặng, đảm bảo an sinh xã hội vì mục tiêu “không một người dân nào bị bỏ lại phía sau”. Để cùng TP vượt qua đợt dịch lần này, khôi phục và phát triển kinh tế, mỗi người dân hãy chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, thông điệp 5K, đảm bảo giãn cách, hạn chế nhiều hơn nữa sự giao lưu, gặp gỡ giữa người với người" - HCDC kêu gọi.

(Theo Người Lao Động)

TP.HCM: Tăng cường Chỉ thị 16, người dân khu vực nguy cơ rất cao không được ra khỏi nhà
Đối với một số khu vực có nguy cơ rất cao về dịch bệnh, TP.HCM yêu cầu từng hộ dân chỉ ở trong nhà, chính quyền tổ chức mang nhu yếu phẩm thiết yếu...

Dịch COVID-19

K.T (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19