COVID-19 24/7:Hà Nội dự kiến lập 2 bệnh viện dã chiến và Trung tâm hồi sức tích cực 500 giường

HÀ ANH - Ngày 24/07/2021 12:10 PM (GMT+7)

Bệnh viện Đa khoa Đức Giang dự kiến sẽ chuyển đổi thành Trung tâm điều trị hồi sức tích cực, chuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng với quy mô 500 giường.

Sở Y tế Hà Nội vừa phối hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương khảo sát Bệnh viện Đa khoa Đức Giang và hai khu cách ly để sẵn sàng cơ sở điều trị khi số ca mắc COVID-19 gia tăng.

Trong đó, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (nơi đang điều trị 156 ca dương tính) đang xây dựng kế hoạch và dự kiến sẽ chuyển đổi thành Trung tâm điều trị hồi sức tích cực, chuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng với quy mô 500 giường. 

Bệnh viện đang triển khai nâng cấp trang thiết bị, hệ thống cấp ô xy cũng như bảo đảm nguồn nhân lực.

BS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, cho biết bệnh viện đã lên kịch bản, khảo sát từng tòa nhà thành các khu điều trị cho từng nhóm bệnh nhân COVID-19 theo cấp độ bệnh khác nhau.

Cùng với đó, bệnh viện cũng tiến hành rà soát toàn bộ nhân lực để cố gắng đào tạo nhanh nhất có thể nhóm bác sĩ, điều dưỡng về hồi sức tích cực, từ đó tiếp nhận cấp cứu, điều trị bệnh nhân một cách kịp thời nhất.

Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Ảnh: TL

Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Ảnh: TL

Sở Y tế Hà Nội cũng khảo sát khu cách ly tại ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai) và Trường Quân sự (thị xã Sơn Tây). Dự kiến, hai đơn vị này cũng sẵn sàng chuyển đổi công năng thành bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân nhẹ, không có triệu chứng; mỗi khu đáp ứng khoảng 800 giường bệnh.

Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết ngành Y tế Thủ đô sẽ giao cho một bệnh viện đảm nhiệm vận hành bệnh viện dã chiến đó. Chẳng hạn, khu cách ly tại ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp sẽ được giao cho Bệnh viện Đa khoa Đống Đa phụ trách.

Trong điều trị COVID-19, Hà Nội sẽ chia thành "tháp 3 tầng". Tầng 1 dành cho bệnh nhân nhẹ không triệu chứng, điều trị tại các bệnh viện dã chiến; Tầng 2 dành cho bệnh nhân có triệu chứng hoặc bệnh lý nền, điều trị tại bệnh viện như: Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Bắc Thăng Long...; Tầng 3 dành cho bệnh nhân nặng, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. 

Ngoài ra, các bệnh viện trung ương đóng trên địa bàn sẽ hỗ trợ điều trị các bệnh nhân COVID-19 của Hà Nội.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho rằng việc phân tầng điều trị sẽ giúp giảm tải, bảo đảm giãn cách, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế. Riêng tại các bệnh viện dã chiến, khi phát hiện các bệnh nhân từ không có triệu chứng bắt đầu có dấu hiệu chuyển biến nặng sẽ được chuyển đến các bệnh viện chuyên khoa.

Theo Sở Y tế Hà Nội, tính từ ngày 29/4 đến nay, TP đã có 675 trường hợp dương tính SARS-CoV-2, trong đó số ca mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 417 trường hợp, số mắc là đối tượng đã được cách ly là 258.

Đặc biệt, trong những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày thành phố ghi nhận từ 40 đến 60 ca mắc.

Tính tới tối qua, 4 bệnh viện trực thuộc ngành Y tế Thủ đô đang điều trị cho 342 bệnh nhân COVID-19, trong đó, Bệnh viện Bắc Thăng Long điều trị 33 trường hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang điều trị 156 trường hợp, Bệnh viện Thanh Nhàn điều trị 82 trường hợp và Bệnh viện Đa khoa Hà Đông điều trị 71 trường hợp.

(Theo Gia đình & Xã hội)

Hà Nội cho phép nhân viên bưu chính, siêu thị giao hàng thay cho shipper

Chiều ngày 24-7, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản hoả tốc gửi Sở Công thương, các đơn vị bưu chính viễn thông để hướng dẫn đăng ký cho nhân viên được phép vận chuyển hàng hoá thiết yếu phục vụ siêu thị và các doanh nghiệp bưu chính bằng xe mô tô hai bánh.Theo đó, Sở GTVT đề nghị Sở Công thương tổng hợp danh sách nhân viên giao hàng bằng xe mô tô hai bánh cho các siêu thị trên địa bàn TP hà Nội có nhu cầu hoạt động. Tương tự, các đơn vị bưu chính tổng hợp danh sách nhân viên giao nhận bưu kiện thuộc quyền quản lý có nhu cầu hoạt động trên địa bàn.

Các đơn vị đăng ký cho nhân viên được phép hoạt động phải chịu trách nhiệm quản lý và giám sát công tác phòng dịch của đội ngũ nhân viên, chịu trách nhiệm nếu để xảy ra các trường hợp lây nhiễm.

Danh sách này gửi về Sở GTVT qua địa chỉ email sogtvt@hanoi.gov.vn, số điện thoại liên hệ 0982838808. Đồng thời cung cấp đầu mối liên hệ của đơn vị đăng ký để Sở GTVT xác nhận thông tin.

Hà Nội tạm cấm shipper, xe ôm công nghệ hoạt động trong những ngày giãn cách xã hội toàn thành phố từ

Hà Nội tạm cấm shipper, xe "ôm" công nghệ hoạt động trong những ngày giãn cách xã hội toàn thành phố từ

Căn cứ vào danh sách đề nghị của các cơ quan, đơn vị nêu trên, Sở GTVT thực hiện xác nhận thông tin phương tiện được phép hoạt động cho nhân viên vận chuyển qua số điện thoại bằng hình thức tin nhắn. Ví dụ từ số điện thoại của Sở GTVT (SoGTVTHanoi) nhắn đến số điện thoại của lái xe theo đăng ký. Sau khi nhận được tin nhắn của Sở GTVT Hà Nội thông báo, nhân viên vận chuyển chụp ảnh màn hình tin nhắn xác nhận của Sở GTVT và xuất trình khi các lực lượng chức năng kiểm tra, yêu cầu.

Sở GTVT yêu cầu Sở Công thương, các đơn vị bưu chính viễn thông chịu trách nhiệm quản lý, giám sát, đảm bảo độ chính xác của các thông tin đăng ký và chịu trách nhiệm kiểm tra các biện pháp phòng chống dịch bệnh đối với các nhân viên giao hàng theo danh sách đề nghị.

Trước đó, chiều cùng ngày Sở GTVT Hà Nội cũng có văn bản tạm cấm shipper, xe “ôm” công nghệ hoạt động giao hàng, chở người trong thời gian TP thực hiện giãn cách xã hội. Lý giải về lệnh cấm này, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết đây là lực lượng thường xuyên đi lại, tiếp xúc nhiều người nhưng không có người quản lý và chịu trách nhiệm công tác phòng dịch.

Ông Viện cho biết, rút kinh nghiệm phòng chống dịch của các địa phương khác, Hà Nội quyết định tạm dừng hoạt động của shipper và xe “ôm” công nghệ. Thay vào đó, Hà Nội sẽ cho phép nhân viên của các siêu thị, công ty bưu chính giao nhận hàng hoá thiết yếu vì lực lượng này có đơn vị kiểm soát, chịu trách nhiệm phòng chống dịch COVID-19.

Liên quan đến nội dung này, chiều cùng ngày 24-7, Sở TTTT hà Nội đã có văn bản gửi các cơ quan liên qua và các quận, huyện, thị xã ưu tiên, hỗ trợ cấp thẻ nhận diện phương tiện “luồng xanh” cho các doanh nghiệp bưu chính thực hiện việc cung cấp hàng hoá thiết yếu trên địa bàn Hà Nội. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bưu chính lớn (Tổng công ty Bưu điện Việt nam, Tổng công ty cổ phần bưu chính Viettel) và nhân viên của các đơn vị này vận chuyển, giao nhận hàng hoá thiết yếu. Đồng thời hỗ trợ các đơn vị này triển khai phương án tiêm vaccine ngừa COVID-19 theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội.

(Theo Pháp Luật Tp.HCM)

Bí thư Thành ủy Hà Nội nói về lý do thành phố quyết định giãn cách xã hội

Ngày 24/7, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, UBND thành phố đã chính thức triển khai thực hiện giãn cách xã hội trong vòng 15 ngày tính từ 6h ngày 24/7.

Nói về nguyên nhân đưa ra quyết định quan trọng này, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho hay, trong khi dịch diễn biến phức tạp trên cả nước với chủng Delta, tại Hà Nội cũng liên tiếp ghi nhận các ca mắc mới ngoài cộng đồng chưa rõ nguồn lây, nguy cơ lây lan dịch rất lớn. Để có biện pháp phù hợp nên thành phố đã quyết định áp dụng Chỉ thị số 16.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng.

Ông Dũng khẳng định, quyết định áp dụng Chỉ thị số 16 đã được chuẩn bị kỹ, có kịch bản tương ứng để bảo đảm việc thực hiện ít xáo trộn nhất cho đời sống nhân dân và phát huy hiệu quả cao.

“Hà Nội đã có kinh nghiệm áp dụng Chỉ thị số 16 trong năm 2020. Ngay trước khi thực hiện giãn cách xã hội lần này, thành phố đã áp dụng các biện pháp tiệm cận. Chính quyền thành phố đã có sự chuẩn bị nhằm bảo đảm đời sống nhân dân, mà bản thân người dân cũng làm quen và dần thích nghi với Chỉ thị số 16”, Bí thư Thành ủy nói.

Nhắc lại Chỉ thị, ông Dũng kêu gọi mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng. Đặc biệt, cần thực hiện khai báo y tế hằng ngày trên website www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone; liên hệ ngay với chính quyền địa phương, cơ sở y tế khi xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất vị giác...

“Ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong lúc này là vô cùng quan trọng. Mong rằng từng cá nhân hãy cố gắng có trách nhiệm với sức khỏe bản thân và cộng đồng”, ông Dũng nói.

Chuẩn bị phương án dùng trực thăng vận chuyển thực phẩm khi cần thiết

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, thành phố phải tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai kịp thời, hiệu quả các nội dung của Chỉ thị này và xử lý nghiêm các vi phạm, không để xảy ra tình trạng “ngoài chặt, trong lỏng” bởi đây vẫn là hạn chế, nhất là cấp cơ sở.

Theo ông Dũng, ngành Công Thương Hà Nội đã phối hợp tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích gấp 3 lần bình thường, nhiều mặt hàng tăng gấp 5. Chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm vẫn được phép hoạt động. Phương án cung ứng hàng hóa với 3 cấp độ tuỳ từng tình huống dịch đã sẵn sàng. Sở Giao thông Vận tải đã tạo “luồng xanh” thông suốt và cấp mã ưu tiên cho các phương tiện vận chuyển.

Tuy nhiên, ông yêu cầu UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo sát sao nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa đầy đủ, kịp thời, giá cả ổn định cho người dân. Ông cho rằng, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích phải có phương án duy trì hoạt động ngay cả khi phát hiện có ca F0, bằng cách khoanh vùng cục bộ hoặc chuyển địa điểm, không đóng cửa. Các sở, ngành thành phố bảo đảm sẵn sàng trưng dụng xe thư báo, chuyển phát nhanh để vận chuyển, cung cấp hàng hóa duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng và nguồn cung lương thực, thực phẩm.

“Tôi đề nghị phải tính cả phương án, khi cần thiết huy động xe ô tô quân đội, máy bay trực thăng để vận chuyển thuốc men, thực phẩm...”, Bí thư Thành uỷ Hà Nội nói.

Ông Dũng nhấn mạnh, trước mắt, cần tranh thủ từng phút, từng giờ để thần tốc truy vết, khoanh vùng, dập tắt nhanh nhất các ổ dịch mới phát sinh. Triển khai xét nghiệm ngẫu nhiên trên diện rộng để khóa chặt F0 và hướng dẫn chuyên môn. Song song với đó, cần tiếp tục rà soát, chuẩn bị mọi điều kiện nhằm thực hiện hiệu quả chiến lược tiêm vắc xin đã phê duyệt ngay khi được Trung ương phân bổ.

Ông Dũng cũng yêu cầu thành phố phải có phương án, kế hoạch cụ thể bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện cách ly triệt để một khu vực hoặc một đơn vị hành chính cấp xã, thậm chí cấp huyện khi có nhiều ca F0. Theo chức năng, nhiệm vụ, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã phải xây dựng kịch bản cho tình huống này để có giải pháp tổ chức như cung cấp hàng hóa, thuốc men đến từng hộ gia đình; giúp người dân yên tâm thực hiện cách ly.

(Theo Dân Việt)

UBND TP.HCM ra công văn khẩn, hiện thực hóa Chỉ thị 12 của Thành ủy về tăng cường mạnh mẽ Chỉ thị 16

Tối 24-7, UBND TP HCM đã có công văn khẩn gửi Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện; các doanh nghiệp trên địa bàn về tăng cường mạnh mẽ các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội toàn TP theo Chỉ thị 16.

Công văn này cụ thể hóa các chỉ đạo theo Nghị quyết 78 ngày 20-7-2021 của Chính phủ, Công văn 969 ngày 17-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 12 ngày 22-7-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị số 16 về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.

Theo đó, UBND TP HCM yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức thực hiện triệt để các quy định về giãn cách, nhất là việc bảo đảm giãn cách giữa người với người, gia đình với gia đình; thực hiện triệt để yêu cầu, quy định phòng, chống dịch:

Người dân chỉ được phép ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết để cấp cứu, mua thực phẩm thiết yếu tại những nơi cung cấp theo quy định và đi làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được phép hoạt động tại Mục 2.2 của văn bản này.

TP HCM tăng cường các giải pháp mạnh thực hiện Chỉ thị 16 (Trong ảnh là trạm kiểm soát thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn quận Bình Thạnh sáng 24-7) Ảnh: Kiến Qúy

TP HCM tăng cường các giải pháp mạnh thực hiện Chỉ thị 16 (Trong ảnh là trạm kiểm soát thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn quận Bình Thạnh sáng 24-7) Ảnh: Kiến Qúy

Đồng thời tăng cường kiểm soát các khu phong tỏa, khu cách ly:

Đối với các khu phong tỏa:

+ Trên cơ sở đánh giá vị trí, số dân, số ca nhiễm và các yếu tố nguy cơ dịch tễ, ảnh hưởng đến sự lây nhiễm dịch bệnh, các địa phương xác định phạm vi phong tỏa phù hợp (không quá hẹp để bỏ sót trường hợp F0, F1, nhưng cũng không quá rộng để ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân).

+ Thực hiện triệt để "người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình"; tuyệt đối không được tiếp xúc trực tiếp với các hộ gia đình xung quanh. Người dân chỉ được phép ra khỏi nhà khi có yêu cầu cấp cứu y tế. Chính quyền tổ chức mang nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng nhà hoặc hình thức "đi chợ thay".

+ Thành lập Tổ công tác quản lý tại các khu phong tỏa (sau đây gọi tắt là Tổ quản lý), trong đó có sự tham gia của lực lượng công an, quân sự, Thanh niên xung phong, các đoàn thể và nhất là Tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống Covid-19 tại cộng đồng (sau đây gọi tắt là Tổ Covid-19 cộng đồng) để tăng cường quản lý, giám sát, hỗ trợ việc thực hiện quy định về giãn cách của các hộ gia đình trong khu vực phong tỏa.

Chính quyền địa phương phối hợp lực lượng công an, quân sự thường xuyên tố chức tuần tra, giám sát việc thực hiện triệt để yêu cầu giãn cách giữa người với người, nhất là các khu nhà trong các hẻm nhỏ, chằng chịt, đông người, mật độ dân số cao.

+ Đối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu trợ giúp lương thực, thực phẩm cho người dân tại các khu vực này đề nghị liên hệ Tổ quản lý để có biện pháp đưa đến từng hộ dân, không để người dân tự ra ngoài nhận trực tiếp. Giao Chủ tịch UBND phường chỉ đạo Tổ Covid-19 cộng đồng phối hợp lực lượng Thanh niên xung phong TP và tình nguyện viên của Thành Đoàn hỗ trợ điều phối, cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân tại các khu phong tỏa.

+ Tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; nơi nào để xảy ra tình trạng tụ tập, vi phạm giãn cách với bất kỳ lý do nào đều bị xử lý nghiêm khắc trách nhiệm người đứng đầu và những người có liên quan tại địa phương nơi đó.

+ Định kỳ thực hiện đánh giá mức độ an toàn tại khu phong tỏa và kịp thời gỡ bỏ phong tỏa từng phần đối với những khu vực đảm bảo các điều kiện an toàn nhằm giảm tâm lý cho người dân và giảm áp lực cho các lực lượng quản lý khu phong tỏa.

Đối với các khu cách ly:

Người đang thực hiện cách ly phải tuyệt đối chấp hành quy định, không được ra khỏi phòng và không được tiếp xúc trực tiếp với người khác (trừ trường họp cấp cứu y tế).

Giám sát chặt chẽ việc cách ly tại nhà đổi với các ca F0, F1:

Đối với các gia đình có ca F0, F1 thực hiện cách ly tại nhà thực hiện nghiêm theo hướng dẫn của ngành y tế, tuyệt đối không ra khỏi nhà (trừ trường hợp cấp cứu y tế); lương thực, thực phẩm thiết yểu sẽ được chính quyên hỗ trợ, cung cấp tại nhà.

(Theo Người Lao Động)

Những phương tiện nào được phép ra đường khi TP HCM thực hiện tăng cường Chỉ thị 16?

Tối 24-7, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã ký công văn khẩn, gửi Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện; các doanh nghiệp trên địa bàn về tăng cường mạnh mẽ các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội toàn TP theo Chỉ thị 16.

TP HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 1-8.

Ngoài các biện pháp tăng cường, giám sát thực hiện giãn cách trong khu cách ly, khu phong tỏa, UBND TP HCM cũng quy định một số loại hình giao thông vận tải được phép lưu thông:

- Vận chuyển hàng hóa đường thủy (hàng hải, đường thủy nội địa), bến phà, các bến thủy (Cần Giờ - Cần Giuộc, Cần Thạnh - Thạnh An, Thạnh An - Thiềng Liềng);

- Giao thông đường bộ: xe công vụ, các loại phương tiện vận tải có giấy nhận diện (có QR code) được phép lưu thông vào TP HCM hoặc lưu thông xuyên qua TP HCM;

- Xe ô tô, xe mô tô, xe 2 bánh của tổ chức, cá nhân thuộc cơ quan nhà nước (công chức, viên chức, người lao động), lực lượng vũ trang, phục vụ phòng, chống dịch và các mục đích công vụ;

- Xe đưa rước người dân TP HCM về quê theo kế hoạch; xe đưa rước công nhân, chuyên gia đối với các doanh nghiệp đang thực hiện phương án "1 cung đường - 2 địa điểm";

- Xe taxi (được Sở Giao thông vận tải cấp phép hoạt động) chở hàng thiết yếu cho siêu thị và chở người dân đi, đến bệnh viện, trung tâm y tế và trong trường hợp cần thiết;

- Xe mô tô công nghệ phục vụ vận chuyển hàng hóa thiết yếu (phải đảm bảo yêu cầu về phòng dịch - thực hiện 5K) được doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong thời gian giãn cách;

- Xe vận chuyển (được cấp phép hoạt động hoặc có giấy vận chuyển của Bộ Tư lệnh TP HCM, Sở Y tế, các bệnh viện, cơ sở y tế): (1) đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế, người phục vụ phòng chống dịch, (2) người dân kết thúc thời gian cách ly y tế tại các khu cách ly tập trung, (3) người bệnh Covid-19, (4) người xuất viện từ các bệnh viện điều trị Covid-19 về nơi cư trú.

UBND TP HCM giao Sở Giao thông Vận tải khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức cho phương tiện lưu thông, vận chuyển hàng hóa vào và trong TP hoặc lưu thông ngang qua TP. Đồng thời tiếp tục triển khai việc cấp giấy nhận diện phương tiện (QR code) để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16.

Công an TP HCM chủ trì, phối hợp với các ban, ngành tổ chức các chốt trạm kiểm soát cấp TP, trong đó chỉ thực hiện kiểm tra (thông qua hoạt động tuần tra, kiểm soát trên tuyến) đối với các phương tiện có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về phòng, chống dịch và an toàn giao thông; không thực hiện kiểm tra phòng, chống dịch tại chốt kiểm soát dịch trên tất cả các tuyến giao thông đối với phương tiện vận tải hàng hóa có Giấy nhận diện phương tiện (QR code) do Sở Giao thông vận tải tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp để tạo điều kiện lưu thông hàng hóa.

Đồng thời chỉ đạo công an địa phương tham mưu tổ chức các chốt trạm kiểm soát cấp quận - huyện, TP Thủ Đức và tổ tuần tra xử lý đảm bảo khép kín địa bàn; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, Chỉ thị 16, Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM hoặc lợi dụng tình hình dịch bệnh để hoạt động phạm tội hoặc xuyên tạc, kích động, chống phá trên địa TP.

Các chốt phòng, chống dịch do UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chịu trách nhiệm: tổ chức thiết lập chốt, có phương pháp tuần tra, kiểm soát linh hoạt, khoa học tuyệt đối không để xảy ra ùn tắc giao thông; tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận tải có Giấy nhận diện phương tiện (QR code) lưu thông.

(Theo Người Lao Động)

Ôtô chở 6 người từ TP HCM đến Hậu Giang đều dương tính với SARS-CoV-2

Tại cuộc họp tối 24-7, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh cho biết khoảng 15 giờ cùng ngày, một ôtô chở 6 người từ TP HCM vào địa phận tỉnh Hậu Giang khai báo y tế sẽ về tỉnh An Giang và đã qua nhiều chốt kiểm soát dịch ở các địa phương trên Quốc lộ 1 từ TP HCM.

Lý do đoàn xe này vào địa phận Hậu Giang là muốn test nhanh dịch vụ SARS-CoV-2. Tuy nhiên, tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 của tỉnh đặt tại Quốc lộ 61C, nhận thấy yếu tố dịch tễ là về từ TP HCM nên cho khai báo y tế, test nhanh và kết quả 6 người đều dương tính.

Ngay lập tức, 6 người được đưa đi cách ly tập trung, lấy mẫu làm xét nghiệm RT-PCR. Tính đến 18 giờ 30 phút ngày 24-7, toàn tỉnh có 74 ca mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố.

Cùng ngày, Văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành văn bản về việc thu tiền nước, phí thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

Văn bản của Văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang

Văn bản của Văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang

Theo đó, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhằm thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Công ty Cổ phần cấp thoát nước – Công trình đô thị Hậu Giang, Công ty Cổ phần Cấp nước và Vệ sinh môi trường nông thôn Hậu Giang tạm thời không đến nhà khách hàng để ghi chỉ số đồng hồ đo nước, không thu tiền nước, phí thu gom rác thải sinh hoạt.

Đồng thời, xây dựng phương án, quản lý điều phối để các công nhân thu gom rác, xử lý sự cố cung cấp nước theo nguyên tắc người lao động ở địa bàn nào thì làm việc tại địa bàn đó, hạn chế di chuyển qua lại giữa các địa phương.

Đề nghị các công ty thông báo cho khách hàng được biết, khuyến khích triển khai không dùng tiền mặt trong thanh toán tiền nước, phí thu gom rác thải sinh hoạt.

Phong toả 2 toà chung cư với hơn 4.000 cư dân liên quan 3 ca dương tính SARS-CoV-2

Sau khi trên địa bàn phát hiện các ca dương tính SARS-CoV-2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã quyết định thiết lập vùng cách ly y tế tòa C1 và tòa C2, khu nhà ở xã hội Ecohome 2, đường Tân Xuân, Tổ dân phố Đông Ngạc 7, phường Đông Ngạc. Thời gian áp dụng 14 ngày kể từ 10 giờ ngày 23-7 đến 10 giờ ngày 6-8 (nếu không phát sinh ca bệnh dương tính mới).

Lực lượng chức năng đã thiết lập hàng rào phong toả 2 toà chung cư Ecohome 2 vì có liên quan đến 3 ca dương tính SARS-Cov-2

Lực lượng chức năng đã thiết lập hàng rào phong toả 2 toà chung cư Ecohome 2 vì có liên quan đến 3 ca dương tính SARS-Cov-2

Theo cơ quan y tế, có 3 trường hợp F0 liên quan đến chung cư Ecohome. Cụ thể, bệnh nhân nữ, (SN 1972, chung cư Ecohome 2), là giáo viên. Bệnh nhân ở trong khu vực phong tỏa chung cư Ecohome 2 - liên quan F0 về từ TP HCM. Qua điều tra xác minh, có 7 F1. Bệnh nhân nữ thứ hai (SN 1979, đường Cầu Noi, Tổ dân phố Trù 2, phường Cổ Nhuế 2), làm nghề tự do (bán hoa quả tại nhà).

Bệnh nhân có ăn tối cùng F0 tại chung cư Ecohome 2, qua điều tra xác minh có 17 trường hợp F1, 13 trường hợp liên quan đến khu vực nhà bệnh nhân. Bệnh nhân nữ thứ ba (SN 1991, chung cư Ecohome 2), sống trong khu vực phong tỏa do có bệnh nhân F0, ngày 20-7 có triệu chứng sốt, được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.

Hiện tại, chung cư Ecohome 2 gồm 2 tòa nhà C1 và C2 cao 17 tầng, 980 căn hộ với hơn 4.000 cư dân. Cả 2 toà nhà C1, C2 đều đã bị phong toả.

Cũng trong chiều cùng ngày, lực lượng chức năng đã dựng lều dã chiến và lập 2 điểm chốt phong toả 2 cổng ra vào của 2 toà nhà. Tại mỗi toà nhà, lực lượng chức năng đã dựng nhiều lớp hàng rào nhằm hạn chế người dân ra vào khu vực cách ly.

(Theo Người lao động)

Số ca nhiễm Covid-19 mới ở Mỹ cao nhất thế giới, virus lây lan mạnh trên toàn quốc

Mỹ ngày 23.7 ghi nhận 64.906 ca nhiễm Covid-19 mới và 413 ca tử vong. Đây là ngày Mỹ ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất kể từ cuối tháng 4, tương đương với giai đoạn đầu của dịch Covid-19 tại Mỹ vào năm ngoái.

Bang Florida chiếm số ca nhiễm trong ngày cao nhất ở Mỹ với 13.256 ca, xếp sau là California với 9.481 ca và Texas là 6.708 ca.

Trung bình trong tuần qua, Mỹ ghi nhận khoảng 43.700 ca nhiễm mới trong ngày, tăng 65% so với 7 ngày trước đó và gần gấp 3 với số liệu ghi nhận cách đây 2 tuần, theo CNBC.

Mỹ từng trải qua tháng 6 có số ca nhiễm thấp nhất trong 15 tháng. Tuy nhiên, các dữ liệu cho thấy biến thể Delta đang lây lan mạnh, khi ngày càng ít người Mỹ tiêm vaccine Covid-19.

Số ca nhiễm mới trong ngày ở Mỹ có xu hướng tăng trở lại.

Số ca nhiễm mới trong ngày ở Mỹ có xu hướng tăng trở lại.

Tốc độ tiêm vaccine ở Mỹ đạt mức đỉnh hơn 3 triệu liều/ngày vào tháng 4, đến nay giảm còn 530.000 liều/ngày.

Các bang là điểm nóng của đợt lây nhiễm mới như Louisiana, Arkansas, Missouri, Florida và Nevada đều có tỉ lệ tiêm chủng thấp hơn mức trung bình toàn quốc.

Số ca nhiễm Covid-19 phải nhập viện ở Mỹ cũng tăng 32% so với một tuần trước. “Số ca tử vong không tăng vọt nhờ tỉ lệ tiêm chủng đáng kể, đặc biệt là đối với nhóm người có nguy cơ cao trên 65 tuổi”, bác sĩ Chin-Hong, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học California, nói với CNBC. “Tôi dự đoán tỉ lệ tử vong vì Covid-19 ở Mỹ sẽ không tăng trở lại”.

Có tới 97% số ca bệnh nặng và 99,5% số ca tử vong vì covid-19 ở Mỹ là người chưa tiêm vaccine, Tổng Y sĩ Vivek Murthy phát biểu tại Nhà Trắng ngày 22.7.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và giám đốc trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), Rochelle Walensky đều gọi tình trạng lây nhiễm hiện tại là “đại dịch của người chưa tiêm vaccine”.

“Biến thể Delta lây lan rất mạnh so với các chủng virus SARS-CoV-2 từng xuất hiện trước đây”, ông Walensky nói. “Đây là biến thể virus lây lan nhanh nhất mà tôi từng thấy trong sự nghiệp 20 năm của mình”.

Bác sĩ Anthony Fauci, thành viên đội ngũ chống dịch ở Nhà Trắng, nói: “Cách tốt nhất và nhanh nhất để đánh bại biến thể Delta là tiêm vaccine”.

(Theo Dân Việt)

Đi xe bán tải từ Bình Dương về Nghệ An có kết quả dương tính SARS-CoV-2

Sáng 24-7, Tiến sĩ Nguyễn Văn Định, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Nghệ An, cho biết qua lấy mẫu đã phát hiện thêm 4 trường hợp trên địa bàn tỉnh Nghệ An có kết quả dương tính SARS-CoV-2.

Trường hợp thứ nhất là anh L.T.S. (SN 1990), trú xóm Đồng Tráu, xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An. Anh S. là F1 và là chồng của bệnh nhân N.T.H. đã được công bố trước đó. Ngày 19-7, anh S. cùng người nhà từ Thuận An (Bình Dương) về đến Yên Thành được cách ly tại Trường Mầm non Sơn Thành. Ngày 20-7, 21-7, anh S. được lấy mẫu xét nghiệm lần 1, lần 2 gửi CDC cho kết quả xét nghiệm âm tính. Ngày 23-7, anh S. được lấy mẫu lần 3 cho kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính SARS-CoV-2.

Lực lượng chức năng phong tỏa một khu dân cư ở TP Vinh khi phát hiện ca mắc Covid-19.

Lực lượng chức năng phong tỏa một khu dân cư ở TP Vinh khi phát hiện ca mắc Covid-19.

Trường hợp thứ 2 là cháu N.T.P. (SN 2012), trú xóm Đồng Tráu, xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An. Ngày 22-7, cháu P. cùng người nhà đi từ Dĩ An (Bình Dương) về đến Yên Thành và được cách ly tại Trường Mầm non Sơn Thành. Ngày 23-7, cháu P. được lấy mẫu gửi CDC Nghệ An, sáng 24-7 cho kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính SARS-CoV-2.

Trường hợp thứ 3 là anh C.K.H. (SN 1987), làm nghề lái xe, trú phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Anh H. đi cùng xe và là F1 của bệnh nhân L.V.C. đã được công bố trước đó. Anh H. chở hàng chạy tuyến Tiền Giang - Lạng Sơn. Ngày 21-7, anh H. được cách ly tại Trung tâm Y tế huyện Quỳnh Lưu và lấy mẫu xét nghiệm lần 1 cho kết quả âm tính. Ngày 23-7, người này được lấy mẫu lần 2, sáng 24-7 cho kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính SARS-CoV-2.

Trường hợp thứ 4 là anh L.A.N. (SN 1984), trú xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Ngày 23-7, anh N. cùng với bạn chạy xe bán tải từ Tân Uyên (Bình Dương) về đến Nghệ An. Lúc 16 giờ 20 ngày 23-7, anh N. đến CDC Nghệ An làm xét nghiệm, sau đó được cách ly tại Trạm Y tế Thanh Hưng cũ. Sáng 24-7, cho kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính SARS-CoV-2.

Chi tiết phân bổ vắc-xin Covid-19 cho 30 quận, huyện, thị xã ở Hà Nội

Sở Y tế Hà Nội vừa có công văn khẩn số 255/SYT-NYV về việc tiếp tục triển khai tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trên địa bàn thành phố gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội; bệnh viện trong và ngoài công lập; trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã.

Theo đó, Sở Y tế Hà Nội phân bổ 60.480 liều vắc-xin Covid-19 của Moderna và 563.500 liều vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca cho 30 quận, huyện, thị xã và CDC Hà Nội. 

Trong đó, với vắc-xin Moderna, Hà Nội phân bổ cho quận Hoàn Kiếm 7.980 liều; Ba Đình: 6.020 liều; Đống Đa: 5.208 liều...

Với vắc-xin AstraZeneca, quận Đống Đa được phân bổ hơn 25.600 liều; quận Long Biên: 22.440 liều; quận Hai Bà Trưng: 20.580, quận Thanh Xuân và Cầu Giấy mỗi quận gần 20.000 liều...

Ngoài ra, phân bổ 2.340 liều vắc-xin của Pfizer cho Trung tâm Y tế quận Ba Đình (498 liều) và CDC Hà Nội (1.842 liều).

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị nêu trên huy động tối đa nguồn nhân lực tổ chức triển khai tiêm chủng ngay số vắc-xin được phân bổ, hoàn thành trong thời gian sớm nhất, đảm bảo an toàn nhất. Mỗi điểm tiêm chủng chỉ tiêm 1 loại vắc-xin Covid-19 ở cùng 1 thời điểm

Sở Y tế Hà Nội lưu ý, đối với vắc-xin của Pfizer có thể sử dụng để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi thứ nhất bằng vắc-xin AstraZeneca từ 8-12 tuần nếu người được tiêm đồng ý và tiêm mũi 1 cho những người chưa được tiêm phòng Covid-19, vắc-xin đã được bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C thì phải sử dụng hết trong vòng 31 ngày.

Đối với vắc-xin của Moderna thực hiện tiêm mũi 1 cho các đối tượng chưa được tiêm vắc-xin Covid-19. Vắc-xin đã được bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C thì phải sử dụng hết trong vòng 30 ngày.

Đối với vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca, thực hiện tiêm mũi 1 và trả mũi 2 cho các đối tượng đã tiêm mũi 1 vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca bảo đảm khoảng cách ít nhất 8 tuần. Trong một số trường hợp đặc biệt cần hoàn thành đủ 2 mũi vắc-xin sớm có thể thực hiện tiêm trả mũi 2 với khoảng cách ít nhất là 4 tuần.

COVID-19 24/7:Hà Nội dự kiến lập 2 bệnh viện dã chiến và Trung tâm hồi sức tích cực 500 giường - 9

Theo Sở Y tế Hà Nội, các đơn vị triển khai tiêm hết loại vắc-xin Moderna và vắc-xin Pfizer (nếu được phân bổ) mới chuyển sang vắc-xin của Astra Zeneca, bảo đảm sử dụng vắc-xin hiệu quả, xây dựng kế hoạch tiêm chủng hợp lý, tránh hao phí vắc-xin và sử dụng hết vắc-xin trước hạn sử dụng.

Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu, tại mỗi điểm tiêm chủng chỉ tiêm 1 loại vắc-xin ở cùng 1 thời điểm để tránh thắc mắc, bảo đảm công bằng, minh bạch cho đối tượng được tiêm.

(Theo Người Lao Động)

Người từ vùng dịch về Hưng Yên phải có xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ hoặc có giấy xác nhận đã được tiêm 2 mũi vaccine

Tính từ ngày 27/4/2021 đến nay, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 6 huyện ở tỉnh Hưng Yên. Tỉnh ghi nhận trên 200 ca mắc, trong đó nhiều nhất là huyện Yên Mỹ 164; Khoái Châu 14, Kim Động 4, Ân Thi 13, Tiên Lữ 14, Phù Cừ 1... Nguồn lây xâm nhập từ tỉnh ngoài, chủ yếu do lái xe đường dài, người từ TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Nam về tỉnh.

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống dịch; cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và toàn thể Nhân dân vào cuộc tích cực, triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch: phát hiện nhanh, truy vết thần tốc, triệt để, khoanh vùng chặt, dập dịch hiệu quả. Đến nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, nhưng vẫn xuất hiện các ca nhiễm mới tại cơ sở cách ly tập trung, ca nhiễm từ TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Nam và vùng có dịch về tỉnh; nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh ra cộng đồng là rất cao.

UBND tỉnh Hưng Yên mới có thông báo hỏa tốc nhằm thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, ứng phó kịp thời với diễn biến dịch trong tình hình mớ. Theo đó, tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống dịch; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, buông lỏng trong công tác phòng, chống dịch.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chịu trách nhiệm toàn diện công tác phòng, chống dịch tại cơ quan, đơn vị, địa phương; thường xuyên nắm sát tình hình, chủ động rà soát, xây dựng, triển khai kịp thời các phương án, biện pháp phòng, chống dịch phù hợp nhằm ứng phó với các kịch bản xấu, theo phương châm "4 tại chỗ"; bảo đảm chế độ, an toàn cho cán bộ tuyến đầu chống dịch; bảo đảm an sinh xã hội; quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc, giám sát, kiểm tra công tác phòng, chống dịch theo thẩm quyền quản lý. Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, bố trí 100% lực lượng tham gia phòng, chống dịch từ cấp huyện đến cấp xã sử dụng điện thoại kết nối nhóm Zalo hoạt động 24/24 giờ hằng ngày để kịp thời cập nhật thông tin tình hình dịch, chỉ đạo xử lý phòng, chống dịch.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đối với phương tiện vận tải vào tỉnh (có dừng, đỗ) và người từ vùng dịch (vùng dịch được thông báo hằng ngày trên trang tin điện tử của Bộ Y tế) phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng test nhanh hoặc phương pháp RT-PCR còn hiệu lực trong vòng 72 giờ hoặc có giấy xác nhận đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19, thực hiện cách ly tập trung trả phí theo quy định. Người từ vùng không có dịch phải thực hiện nghiêm việc khai báo y tế và yêu cầu 5K theo quy định.

Yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh tạm thời không đi tham quan, du lịch, việc riêng ra ngoài tỉnh. Trường hợp cần thiết phải đi, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải báo cáo thủ trưởng cơ quan, đơn vị; người dân phải thông báo với trưởng thôn, khu phố nơi cư trú.

UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã, Tổ phòng, chống dịch cơ sở rà soát, nắm số lượng người dân địa phương đang sinh sống, làm việc tại TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Nam có nguyện vọng về địa phương trong thời gian tới; rà soát, tổng hợp số lượng người dân trên địa bàn hằng ngày đi/về giữa Hưng Yên với Hà Nội và các tỉnh giáp ranh với Hưng Yên làm việc tại các văn phòng, kinh doanh, buôn bán hay lao động tại doanh nghiệp, báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh thông qua Văn phòng UBND tỉnh và Sở Y tế để kiểm soát nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân tự giác thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; yêu cầu người dân toàn tỉnh không đi ra khỏi tỉnh khi không có việc thật sự cần thiết, tuyên truyền, vận động người thân tại thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam và vùng có dịch tạm thời không về địa phương khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn; phát hiện, tố giác các đối tượng về từ vùng dịch nhưng không khai báo y tế, chậm khai báo y tế, không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, các đơn vị liên quan tổ chức truy vết nhanh, hiệu quả, triệt để các đối tượng nguy cơ trên địa bàn; quản lý chặt di biến động dân cư, đối tượng lái xe đường dài về địa phương.

(Tiền Phong)

[Infographic] Hà Nội cách ly toàn xã hội 15 ngày, người dân được làm những gì?
Tối 23/7, UBND thành phố Hà Nội ra thông báo thực hiện cách ly toàn xã hội trên địa bàn thành phố để phòng chống COVID-19. Thời gian áp dụng từ 6h...

Tin tức Hà Nội

HÀ ANH (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19