COVID-19 25/1: Hơn 100 công nhân dương tính với SARS-CoV-2 không rõ nguồn lây, công ty dừng hoạt động khẩn

K.T - Ngày 25/01/2022 14:44 PM (GMT+7)

Ngay sau khi phát hiện một ca nhiễm, cơ quan chức năng đã xét nghiệm toàn bộ công nhân và ghi nhận hơn 100 trường hợp cũng dương tính với SARS-CoV-2.

10 diễn biến

Nghệ An: Hơn 100 công nhân nhiễm COVID-19, công ty dừng hoạt động khẩn

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An thông tin, trong 12 giờ qua (từ 18h ngày 23/1 đến 6h ngày 24/1), huyện Thanh Chương ghi nhận 75 ca dương tính mới với COVID-19. Trong đó phần lớn các ca bệnh là của Công ty may ABC, đóng trên địa bàn xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương.

Theo điều tra dịch tế, vào lúc 10h30 ngày 22/1, anh P.A.T. (SN 1986, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) là công nhân làm việc tại Công ty may ABC đã 3 tháng nay đến Trạm y tế xã Thanh Tiên để test nhanh để về quê. Tuy nhiên, quá trình test nhanh 3 lần đều cho kết quả dương tính với virut SARS-Cov-2.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết, ngay khi tiếp nhận thông tin về ca nhiễm COVID-19 có nguy cơ lây lan cao, Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch, Ban chỉ đạo phòng chống dịch xã Thanh Tiên đã làm việc với Công ty may ABC.

“Nhận thấy đây là chùm ca bệnh phức tạp nên Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch huyện Thanh Chương đã tiến hành phong tỏa toàn bộ công ty, giám sát, khai thác các yếu tố dịch tế. Đồng thời, yêu cầu Trung tâm y tế Thanh Chương phối hợp với trạm y tế Thanh Tiên, tiến hành lấy mẫu tầm soát toàn bộ 700 công nhân của công ty”, ông Chiến nói.

Công ty có 700 công nhân. Ảnh tư liệu.

Công ty có 700 công nhân. Ảnh tư liệu.

Đến 19h ngày 22/1, cơ quan chức năng đã phát hiện thêm 97 ca dương tính với SARS-CoV-2. Đến ngày 23/1, lực lượng y tế tiếp tục lấy mẫu và ghi nhận thêm 77 ca nhiễm COVID-19. Trước việc chùm ca bệnh phức tạp, Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch huyện Thanh Chương đã quyết định sẽ dừng hoạt động công ty để tiến hành truy vết, xác minh nguồn lây của dịch.

Ông Phạm Ngọc Luân, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Thanh Chương cho biết, sau khi có kết quả các ca dương tính, ngay trong đêm các địa phương đã tiến hành điều tra truy vết các ca tiếp xúc gần.

“Phát hiện trường hợp nào, chúng tôi đều thông báo về địa phương để tiến hành truy vết ở người thân ở nhà. Cho đến thời điểm hiện nay, cơ quan chức năng đã xác định hơn 500 F1. Điều đáng nói, số lượng F0 chưa có dấu hiệu dừng lại”, ông Luân nói.

Đến ngày 24/1, cơ quan chức năng tiếp tục ghi nhận thêm 11 trường hợp test nhanh dương tính với SARS-CoV-2. Phần lớn đều là công nhân của Công ty may ABC.

“Quá trình truy vết, chúng tôi xác định công nhân nhiễm COVID-19 được phát hiện thực chất cũng là người bị lây nhiễm từ trước. Hiện, không thể xác định được nguồn lây COVID-19 từ đâu. Các công nhân có thể bị lây từ người thân, gia đình nên việc truy vết gặp rất nhiều khó khăn”, ông Luân nói.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/nghe-an-hon-100-cong-nhan-nhiem-covid-19-cong-ty-dung-hoat-d...

Nhiều tỉnh, thành mua qua trung gian kit xét nghiệm của Việt Á

Như đã thông tin, ngày 21/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố, bắt giam Giám đốc CDC Bắc Giang Lâm Văn Tuấn cùng đồng phạm liên quan đến vụ kit xét nghiệm của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Cty Việt Á). Dù công bố không ký hợp đồng trực tiếp với Việt Á nhưng trong hai năm 2020, 2021, CDC Bắc Giang thực hiện nhiều hợp đồng mua kit xét nghiệm do Cty Việt Á sản xuất thông qua đơn vị thứ 3 là Cty Phan Anh (có trụ sở tại thành phố Bắc Giang).

Quyết định lựa chọn kit xét nghiệm của Việt Á thông qua đơn vị thứ 3 tại một số tỉnh, thành.

Quyết định lựa chọn kit xét nghiệm của Việt Á thông qua đơn vị thứ 3 tại một số tỉnh, thành.

Ngoài CDC Bắc Giang, nhiều tỉnh mua kit xét nghiệm của Việt Á thông qua Cty thứ 3 như Cần Thơ, Thừa Thiên - Huế, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Khánh Hòa...

Tại Bắc Ninh, trong tháng 5 và 6/2021, CDC tỉnh này 3 lần mua sinh phẩm phục vụ công tác xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19 của Cty Việt Á. Hai đơn vị cùng trúng thầu cung cấp kit xét nghiệm của Việt Á cho ba gói thầu này là Cty TNHH thiết bị An Việt và Cty cổ phần thiết bị y tế Thành An với tổng giá trị của 3 gói thầu khoảng 18 tỷ đồng. Ngày 28/5, CDC tỉnh Bắc Ninh lựa chọn nhà thầu cho gói thầu mua sắm sinh phẩm, vật tư xét nghiệm SARS-CoV-2 thuộc dự án mua sắm vật tư, hóa chất, sinh phẩm phục vụ hoạt động phòng chống dịch chủ động, dịch COVID-19 năm 2021 (đợt 3). Trong gói này, Cty TNHH thiết bị An Việt trúng thầu bộ sinh phẩm Realtime RT- PCR phát hiện SARS-CoV-2 của hãng Việt Á, số lượng 7.500 kit, với tổng giá trị 3,525 tỷ đồng. Cty cổ phần thiết bị y tế Thành An cũng trúng thầu bộ sinh phẩm Realtime RT- PCR phát hiện SARS-CoV-2 của hãng Việt Á, số lượng 7.500 kit, với tổng giá trị 3,525 tỷ đồng.

Cuối tháng 12/2021, CDC Quảng Trị thông báo công khai trên báo chí: Trong 2 năm 2020 và 2021, cơ quan này đã mua 21 gói thầu kit xét nghiệm COVID-19 do Cty Việt Á sản xuất thông qua một doanh nghiệp ở Huế trị giá hơn 30 tỷ đồng. Tài liệu Tiền Phong có được cho thấy, riêng trong năm 2021, CDC Quảng Trị có ít nhất hai hợp đồng mua hàng của Việt Á qua Cty cổ phần Thiết bị y tế và dược phẩm Thừa Thiên Huế vào ngày 24/3 và 15/5 với tổng giá trị gần 3 tỷ đồng.

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, sáng 21/12/2021, ông Hoàng Văn Đức, Giám đốc CDC thông tin, đơn vị này có mua kit xét nghiệm của Cty Việt Á thông qua Cty cổ phần thiết bị y tế và dược phẩm Thừa Thiên - Huế nêu trên. Hiện chưa có thông tin chi tiết về số lượng, chi phí cũng như có sai phạm khi mua hay không nhưng trả lời Tiền Phong hôm 21/12/2021, ông Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế còn cho biết, hồ sơ, quy trình mua sắm kit xét nghiệm COVID-19 đều được các đơn vị thực hiện một cách minh bạch, công khai, bảo đảm quy định pháp luật.

Theo báo cáo của CDC thành phố Cần Thơ, trong năm 2020, đơn vị này đã mua sắm 1 gói thầu phục vụ công tác phòng chống dịch thông qua Cty TNHH Khoa học Hợp Nhất (Cty Hợp Nhất) với 6.000 kit của Việt Á trị giá hơn 3 tỷ đồng. Năm 2021, CDC Cần Thơ 3 gói thầu cũng thông qua Cty Hợp Nhất gồm 69.280 kit của Việt Á trị giá hơn 31,8 tỷ đồng. Trong đó, đã thanh toán hơn 17,3 tỷ đồng, số còn lại chưa thanh toán.

Chiều 24/1, trao đổi qua điện thoại với PV Tiền Phong, ông Đinh Văn Thiệu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà, cho biết đã chỉ đạo Sở Y tế tỉnh thanh tra, rà soát việc mua kit xét nghiệm của Cty Việt Á. “Lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế tỉnh giao thanh tra đơn vị này rà soát, thanh tra việc mua kit xét nghiệm của Cty Việt Á trong năm 2020 và 2021. Qua báo cáo sơ bộ của Sở Y tế tỉnh, hiện các đơn vị trong tỉnh đã chi hơn 26 tỷ đồng để mua kit xét nghiệm Cty Việt Á”, ông Thiệu cho hay.

Theo báo cáo của Sở Y tế Khánh Hoà, trong năm 2020 và 2021, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa (CDC Khánh Hòa) và đơn vị liên quan đã mua hơn 63.000 kit xét nghiệm do Cty Việt Á sản xuất với số tiền hơn 26 tỷ đồng. Cụ thể, trong năm 2020 đã mua 4.700 kit xét nghiệm với số tiền 2,392 tỷ đồng; năm 2021 mua 58.580 kit xét nghiệm với số tiền 23,823 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của PV, CDC Khánh Hòa không thực hiện việc mua sắm trực tiếp từ Cty Việt Á mà thông qua Cty TNHH Khoa học Hợp Nhất bằng hình thức đấu thầu qua mạng và chào hàng cạnh tranh. Việc mua sắm này được chia thành nhiều đợt, với nhiều mức giá khác nhau từ 367.500 đến 509.250 đồng/kit. Đáng chú ý, tháng 7/2021, CDC Khánh Hòa không thực hiện đấu thầu qua mạng mà sử dụng hình thức chào hàng cạnh tranh để mua kit xét nghiệm Cty Việt Á với giá 470.000 đồng/kit. Còn Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa đã trực tiếp mua kit xét nghiệm từ Cty Việt Á với mức giá lên đến 525.000 đồng/kit.

Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Dõng - Giám đốc CDC Khánh Hoà, khẳng định đã thực hiện việc mua sắm kit xét nghiệm đúng quy định, công khai, minh bạch và không có việc nhận, chi quà tặng từ các đơn vị trúng thầu.

Nguồn: https://tienphong.vn/nhieu-tinh-thanh-mua-qua-trung-gian-kit-xet-nghiem-cua-viet-a-post...

Dựng lều cách ly người về quê ăn Tết: Chuyên gia Y tế nói không cần thiết

Từ đầu tháng 1/2022, chính quyền và nhân dân xã Thanh Phong, huyện miền núi Như Xuân (Thanh Hóa) đã chọn khuôn viên hai nhà văn hóa thôn của xã để dựng lều lán, ngăn thành 60 phòng riêng biệt phục vụ cách ly người về quê ăn Tết.

Mỗi phòng cách ly rộng khoảng 5m2, dành cho 1 người. Trong phòng cách ly có giường đơn, điện, sóng wifi miễn phí phục vụ người dân.

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo UBND xã Thanh Phong cho biết, hơn nửa tháng qua, có hơn 300 người xã Thanh Phong đi làm ăn xa, học tập trở về quê đón Tết, trong đó khoảng 200 người thuộc diện cách ly y tế 7 ngày tại nhà nhưng vì nhà riêng không đủ điều kiện cách ly nên được cách ly tại khu vực lều lán hoặc nhà văn hóa thôn.

Khu lều được chính quyền xã Thanh Phong dựng lên để cách ly người về quê ăn Tết - Ảnh: NLĐ

Khu lều được chính quyền xã Thanh Phong dựng lên để cách ly người về quê ăn Tết - Ảnh: NLĐ

Trước việc cách ly người dân về quê ăn Tết ở lều lán, nhiều độc giả thắc mắc, việc cách ly người về quê ăn Tết ở lán trại như ở xã Thanh Phong như vậy đã phù hợp với quy định? Đặc biệt khi ngày 22/1, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước về quê nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Trao đổi với PV về biện pháp cách ly y tế người làm ăn xa về quê ăn Tết, PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, theo quy định của Bộ Y tế và Nghị quyết 128 của Chính phủ thì địa phương làm như vậy vào thời điểm này là chưa đúng.

Ông Phu cho biết, ngày 22/1, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước về quê nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Trong đó, Bộ Y tế đề nghị hướng dẫn người dân về quê nhân dịp Tết Nguyên đán thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 gồm thực hiện 5K, tự theo dõi sức khỏe, không phải cách ly y tế; nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 như sốt, ho, khó thở... thì hạn chế tiếp xúc và hạn chế đi lại, thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm SARS-CoV-2 và xử trí theo quy định.

“Bộ Y tế đã có văn bản rồi, địa phương phải làm theo, không thể dựng lều trại, cách ly người dân phản cảm như vậy được”, ông Phu nói.

Theo ông Phu, Bộ Y tế cũng quy định không chỉ định xét nghiệm, cách ly không cần thiết mà chỉ xét nghiệm với người có điều tra dịch tễ và chỉ cách ly F1 tại nhà.

Chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế phân tích, chính quyền dựng lán trại cách ly người dân làm ăn xa trở về địa phương cách ly về mặt thực tiễn là không cần thiết.

Khi chúng ta đã chấp nhận "không Zero", đã tiêm vắc-xin phòng COVID-19 thì chúng ta phải chấp nhận thực tế số ca mắc COVID-19 có thể tăng.

“Chính phủ đã ra Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, hiệu quả với dịch COVID-19 trong đó nới lỏng tất cả các hoạt động kể cả đi lại, kiểm soát rủi ro. Vì vậy, chính quyền nên tạo điều kiện cho người dân về quê ăn Tết để giữ gìn văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.” – ông Trần Đắc Phu nói.

Cũng theo Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, về mặt khoa học, địa phương cũng không đúng vì những người về quê ăn Tết không phải bị nhiễm COVID-19 mà bắt họ cách ly tại lán trại của xã dựng lên. Ngoài ra, về mặt xã hội gây phản cảm, sẽ tạo ra một số tiền lệ không hay và gây dư luận không tốt.

Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khuyến cáo người dân khi về quê ăn Tết người dân vẫn không nên lơ là các biện pháp phòng bệnh.

“Thích ứng trong tình hình mới, chúng ta không để giãn cách xã hội như trước. Tuy nhiên, người dân phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm 5K mọi chỗ, mọi nơi, hạn chế tiếp xúc với đám đông, giảm đi lại không cần thiết, không tổ chức các hoạt động đông người không cần thiết, không tổ chức ăn uống linh đình, hạn chế thăm nom, tụ tập…” -  ông Phu nói.

Đồng quan điểm PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội nói, địa phương cách ly người dân về quê ở lán, trại đang không cập nhật chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế.

Theo ông Hùng, về xét nghiệm, cách ly, Bộ Y tế đã có quy định không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân, chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ như sốt, ho, khó thở… hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3. Việc yêu cầu toàn bộ người vào địa bàn phải xét nghiệm vừa không cần thiết, vừa tốn kém, vừa gây tâm lý chủ quan phòng bệnh.

Theo TS Hùng, việc yêu cầu người dân cách ly khi quê ăn Tết không có nhiều hiệu quả phòng chống dịch. Điều cốt lõi là cần thích ứng an toàn trong điều kiện mới và nâng cao thói quen phòng ngừa, giúp người dân được về quê đón Tết an toàn.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng khuyến cáo người dân về quê ăn Tết cần tuân thủ quy định “5K” để vừa bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

Nguồn: http://danviet.vn/dung-leu-cach-ly-nguoi-ve-que-an-tet-chuyen-gia-y-te-noi-khong-can-th...

13 địa phương có ca nhiễm biến thể Omicron

Bộ Y tế cho biết kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam ghi nhận 2.155.784 ca mắc COVID-19, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM (512.871), Bình Dương (292.523), Hà Nội (111.428), Đồng Nai (99.686), Tây Ninh (87.289).

Đã có 1.841.180 bệnh nhân được điều trị khỏi. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.484 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 36.884 ca, chiếm tỉ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm.

Theo Bộ Y tế đến nay, đã có 13 tỉnh, thành phố ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron với 163 trường hợp được phát hiện tại Hà Nội (14), Quảng Nam (27), TP HCM (92), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2), Đà Nẵng (8), Khánh Hòa (11), Long An (1), Quảng Ninh (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Kiên Giang (2), Bình Dương (1).

Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân.

Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân.

Trong số các ca COVID-19 nhiễm biến thể Omicron hầu hết là các trường hợp nhập cảnh. Có 5 ca nhiễm biến thể Omicron cộng đồng là chùm ca liên quan đến người phụ nữ nhập cảnh tại Cam Ranh (Khánh Hòa).

Theo đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, trong số ca mắc biến thể Omicron chỉ có 7 trường hợp có triệu chứng. Các triệu chứng này đều nhẹ, thoáng qua như bị sốt, ớn lạnh, đau họng. Trường hợp nặng nhất là cụ bà 82 tuổi có nhiều bệnh nền, nhập cảnh về từ Mỹ và đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, hiện sức khỏe đã ổn định.

Ở các bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron được ghi nhận tại TP số ngày dương tính trung bình từ 6-7 ngày.

Trước nguy cơ dịch bệnh lây lan do biến thể Omicron, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương trong thời gian tới cần tập trung công tác phòng chống dịch; nâng cao năng lực điều trị, giảm nguy cơ các ca mắc COVID-19 chuyển nặng và tử vong. Đồng thời, có phương án sẵn sàng các trạm y tế lưu động tại các địa bàn khi dịch diễn biến phức tạp.

Bộ Y tế cho biết đang nỗ lực bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư cho điều trị; bảo đảm người nhiễm virus SARS-CoV-2 đều được quản lý, chăm sóc y tế phù hợp, được tiếp cận dịch vụ y tế nhanh và sớm ngay tại địa bàn.

Đồng thời, đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin COVID-19, không để sót người có bệnh nền, tuổi cao; nhất là việc hoàn thành tiêm phủ mũi 3.

Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/13-dia-phuong-co-ca-nhiem-bien-the-omicron-2022012508374531...

Bắc Giang: Không dừng cơ sở sản xuất, trường học khi xuất hiện F0

Chiều 24/1, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Giang chủ trì hội nghị trực tuyến ba cấp (tỉnh, huyện, xã) về công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

Kết luận hội nghị, ông Lê Ánh Dương nhấn mạnh: Mục tiêu trước mắt của tỉnh là phải giữ vững địa bàn “xanh” ở cả ba cấp, bảo đảm an toàn cho nhân dân đón Tết; tập trung chuẩn bị các điều kiện để tiến tới chuyển trạng thái thích ứng linh hoạt, sống chung an toàn với dịch COVID-19, không để dịch cản trở phát triển KT-XH.

Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Để đạt mục tiêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị các ngành, địa phương thần tốc, đẩy nhanh tiến độ bao phủ vắc-xin mũi 3, kể cả trong những ngày Tết; vận động cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân thực hiện phương châm đón Tết tại nhà, không đi chúc Tết tập trung; thực hiện nghiêm khai báo y tế đối với người về quê ăn Tết.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo, từ nay, tỉnh Bắc Giang sẽ điều chỉnh chiến lược xét nghiệm, truy vết và cách ly theo hướng chỉ xét nghiệm với trường hợp có triệu chứng, không xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân và những trường hợp đã tiêm đủ 3 mũi vắc-xin, học sinh đã tiêm 2 mũi mà không có triệu chứng; sử dụng test nhanh kháng nguyên là chính. Cơ quan chức năng không truy vết F2, chỉ truy vết F1 có nguy cơ cao; chỉ áp dụng cách ly các trường hợp từ vùng dịch cấp độ 4 trở về; không dừng sản xuất, không dừng hoạt động các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trường học khi xuất hiện F0.

Đối với công tác điều trị, yêu cầu đẩy nhanh mua sắm trang thiết bị y tế, chuẩn bị đủ cơ số thuốc đáp ứng yêu cầu điều trị bệnh nhân trong dịp Tết; tiếp tục đẩy mạnh điều trị F0 tại nhà, chỉ đưa vào điều trị tại cơ sở thu dung đối với bệnh nhân thể vừa và F0 là công nhân ở trọ.

Tỉnh Bắc Giang cũng lên kế hoạch chuẩn bị các điều kiện để sau Rằm tháng Giêng sẽ cho các loại hình kinh doanh dịch vụ trở lại hoạt động bình thường. Riêng huyện Sơn Động, tỉnh cho phép các hàng quán hoạt động trở lại từ ngày 1/2.

Các cơ sở thờ tự, tôn giáo được hoạt động trước, trong và sau Tết nhưng không tổ chức các lễ hội tập trung đông người. Các cơ sở du lịch được phép hoạt động nhưng phải có biện pháp phòng chống dịch. Sau Tết, các hoạt động thể thao trong nhà được hoạt động trở lại trong điều kiện bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch.

Nguồn: https://tienphong.vn/bac-giang-khong-dung-co-so-san-xuat-truong-hoc-khi-xuat-hien-f0-po...

Ninh Bình: Người dân khi đến viện phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2

Theo số liệu báo cáo của Sở Y tế tỉnh Ninh Bình, ngày 24/1, tỉnh Ninh Bình ghi nhận thêm 135 ca bệnh mới, trong đó có 74 ca mắc tại cộng đồng. Trong ngày, số ca mắc COVID-19 tử vong là 3, cộng dồn đến nay có 12 ca tử vong.

Toàn tỉnh Ninh Bình hiện có 37 ổ dịch với 1.363 ca bệnh được ghi nhận. Trong đó, nhiều ổ dịch tại doanh nghiệp đã ghi nhận hơn chục ngày nay nhưng vẫn tiếp tục lây lan lên hàng trăm ca bệnh.

Thành phố Ninh Bình hiện là địa phương có số ổ dịch đang hoạt động nhiều nhất tỉnh, có 13 ổ dịch với trên 500 ca bệnh; tiếp đến là huyện Gia Viễn với 8 ổ dịch, với gần 300 ca bệnh...

Trước số ổ dịch và ca bệnh COVID-19 không ngừng tăng, ngành y tế tỉnh Ninh Bình đã đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine mũi 3 liều bổ sung và nhắc lại cho các đối tượng nguy cơ cao, người bệnh mạn tính và công nhân lao động, nhằm hạn chế lây lan dịch và các ca bệnh nặng.

Đồng thời tiếp tục triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị triển khai Kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm rà soát cho các đối tượng nguy cơ trong tình hình mới...

Đáng chú ý, để chủ động phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho người dân đến khám chữa bệnh, kể từ ngày 24/1, BVĐK tỉnh Ninh Bình đề nghị tất cả người dân trước khi đến viện phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 còn hiệu lực (xét nghiệm test nhanh kháng nguyên trong vòng 48 giờ hoặc xét nghiệm PCR trong vòng 72 giờ).

Để tránh tình trạng sử dụng kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 của người khác, người dân vào viện, ngoài xuất trình giấy xét nghiệm còn hiệu lực phải kèm theo giấy tờ tùy thân có ảnh.

Trường hợp người đến viện chưa có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2, bệnh viện sẽ tổ chức lấy mẫu xét nghiệm test nhanh kháng nguyên ngay tại sảnh khoa khám bệnh. Chi phí xét nghiệm do người lấy mẫu xét nghiệm tự chi trả.

Đây là quy định bắt buộc nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và đảm bảo an toàn cho cho chính người dân và đội ngũ nhân viên y tế.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/ninh-binh-nguoi-dan-khi-den-vien-phai-co-ket-qua-xet-nghiem-a...

TP.HCM cho trẻ mầm non, tiểu học và lớp 6 đến trường từ 14/2

Theo đó, UBND TP.HCM cho phép trẻ mầm non, học sinh tiểu học, lớp 6 đến trường học trực tiếp từ ngày 14/2, trên tinh thần tự nguyện của cha mẹ trẻ, người chăm sóc trẻ và học sinh.

Cụ thể, từ ngày 7/2/2022, cơ sở giáo dục thực hiện các công tác chuẩn bị đón trẻ vả học sinh trở lại trường học tập trực tiếp.

Từ ngày 10/2 – 13/2/2022, cơ sở giáo dục tổ chức họp phụ huynh trẻ, học sinh triển khai các vấn đề cần lưu ý trong công tác phối hợp với nhà trường chăm sóc trẻ, giáo dục trẻ; tổ chức cho học sinh học trực tiếp tại trường; tập huấn cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác phòng, chổng dịch COV1D-19 trong trường học.

Từ ngày 14/2/2022, tổ chức đón trẻ mầm non và học sinh lớp 1 đến lớp 6 đến trường, sinh hoạt hướng dẫn công tác an toàn cho học sinh khi trở lại trường, học tập trực tiếp.

Học sinh bậc tiểu học ở TP.HCM sẽ đến trường học trực tiếp từ 14/2. Ảnh minh họa

Học sinh bậc tiểu học ở TP.HCM sẽ đến trường học trực tiếp từ 14/2. Ảnh minh họa

Trường hợp cha mẹ học sinh chưa đồng thuận cho học sinh (từ lớp 1 đến lớp 6) đến trường học tập trực tiếp, học sinh tiếp tục học trên môi trường internet, trên truyền hình, giao bài tự học theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT TP.HCM đối với bậc tiểu học, với những địa bàn vùng xanh, trong tuần đầu tiên khi học sinh trở lại, nhà trường có thể tổ chức dạy 2 buổi/ngày hoặc bán trú cho tất cả khối. Trong tuần đầu tiên đi học lại, giáo viên dành thời gian hướng dẫn cho học sinh thói quen phòng dịch, xây dựng nề nếp, ôn tập kiến thức học trực tuyến trước đó.

Tuần thứ hai, nhà trường dạy học theo tiến độ chương trình, đồng thời củng cố kiến thức đã học trực tuyến. Tuần thứ ba, trường tổ chức kiểm tra định kỳ học kỳ I cho khối 1 và 2.

Địa phương có dịch cấp độ 2 (vùng vàng) trong tuần đầu tiên, nhà trường được dạy học hai buổi, bán trú cho khối 1 và 2. Với khối 3, 4, 5, các em chỉ học trực tiếp một buổi. Công việc trong các tuần tiếp theo được thực hiện tương tự địa bàn ở vùng xanh.

Các trường ở địa bàn có dịch cấp độ 3 (vùng cam) chỉ tổ chức cho lớp 1, 2 học một buổi; được kiểm tra học kỳ I trong tuần thứ ba. Học sinh khối 3, 4, 5 học trực tuyến.

Với địa phương có dịch cấp độ 4 (vùng đỏ), cấp tiểu học học trực tuyến.

Đới với bậc trung học, học sinh lớp 6 trong tuần đầu đến trường được củng cố kiến thức, trước khi kiểm tra học kỳ I trực tiếp. Đề kiểm tra xoay quanh kiến thức cốt lõi, không gây căng thẳng cho học sinh.

Với các lớp còn lại, nhà trường thực hiện kế hoạch dạy học theo thời khoá biểu. Các trường có thể tổ chức học hai buổi, kế hoạch học buổi thứ hai rõ ràng, trên tinh thần tự nguyện của học sinh.

Trước đó, TP.HCM đã cho hơn 600.000 học sinh khối 7-12 học trực tiếp từ giữa tháng 12/2021.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/tphcm-cho-tre-mam-non-tieu-hoc-va-lop-6-den-truong-tu-14-2-16...

Khẩn: Bình Thuận tìm người đến Cảng cá Phan Thiết vì có ca nghi nhiễm Covid-19

Sáng 25/1, UBND Tp.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận vừa có thông báo khẩn liên quan đến địa điểm có ca nghi nhiễm COVID-19.

Trước đó, trên địa bàn Tp.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận ghi nhận một ca nghi nhiễm là N.H, năm sinh 1973, nam, làm nghề tự do, khu phố 4, phường Đức Long.

Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Tp.Phan Thiết được triển khai có hiệu quả, UBND Tp.Phan Thiết yêu cầu người dân đến Cảng cá Phan Thiết, phường Đức Thắng từ 3h-5h ngày 24/1 liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để thực hiện việc khai báo và được tư vấn hỗ trợ vì có liên quan đến ca nghi nhiễm COVID-19.

UBND Tp.Phan Thiết đề nghị UBND các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh, các cơ quan truyền thông, các cơ quan, đơn vị và UBND các phường, xã trên địa bàn Tp.Phan Thiết thông báo thông tin trên qua các phương tiện thông tin đại chúng cho người dân biết.

Đồng thời, yêu cầu những người đến địa điểm và thời gian nêu trên liên hệ ngay với trạm y tế xã, phường, thị trấn; phòng khám đa khoa khu vực; trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố; Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh thực hiện khai báo y tế để được hướng dẫn giám sát, xét nghiệm, cách ly y tế theo quy định.

Khu vực tiêm vắc-xin cho trẻ em (Ảnh: Đắc Phú)

Khu vực tiêm vắc-xin cho trẻ em (Ảnh: Đắc Phú)

Theo số liệu thống kê của UBND Tp.Phan Thiết, ngày 24/1, Thành phố này có 8 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 4 ca khu cách ly và 4 ca cộng đồng sàng lọc tại cơ sở y tế.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Thuận cho biết, tính từ ngày 27/4/2021 đến 18h ngày 24/1, tỉnh Bình Thuận ghi nhận 28.889 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Trong đó, Tp.Phan Thiết có số ca nhiễm cao với 8.213 trường hợp; thị xã La Gi 2.852 trường hợp; các huyện Tuy Phong 4.067 trường hợp, Hàm Thuận Bắc 2.977 trường hợp, Tánh Linh 2.454 trường hợp, Đức Linh 2.366 trường hợp, Hàm Thuận Nam 2.222 trường hợp, Bắc Bình 1.945 trường hợp, Hàm Tân 1.201 trường hợp, Phú Quý 592 trường hợp.

Số trường hợp cách ly là 61.577 người, trong đó cách ly tại cơ sở y tế có 26.780 người (đang cách ly 526, hoàn thành cách ly 26.254), cách ly tập trung của địa phương có 34.480 trường hợp, cách ly tập trung có thu phí có 317 trường hợp.

Ngoài ra, có 92.873 trường hợp cách ly tại nhà, trong đó đang cách ly có 2.917 trường hợp, hoàn thành cách ly 89.956 trường hợp.

Về công tác xét nghiệm, số mẫu đã thực hiện xét nghiệm 356 mẫu, trong đó số mẫu xét nghiệm sàng lọc tại cơ sở y tế có 138 mẫu, số mẫu xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng có 218 mẫu.

Số người đã tiêm vắc-xin phòng COVID-19 trên địa bàn toàn tỉnh từ 14h ngày 23/1 đến 14h ngày 24/1 là 13.130 người, trong đó tiêm mũi 2 có 396 người, tiêm mũi 3 có 182 người, tiêm cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi có 12.552 người.

Tổng số người ≥18 tuổi tiêm mũi 1 có 902.752/902.752, đạt tỉ lệ 100%; tiêm mũi 2 có 876.996/902.752, đạt tỉ lệ 97,1%; tiêm mũi 3 có 47.014/902.752, đạt tỉ lệ 5,2%.

Tổng số trẻ từ 12 tuổi đến 17 tuổi tiêm mũi 1 có 120.594/121.499, đạt tỉ lệ 99,2%; tiêm mũi 2 có 105.334/121.499, đạt tỉ lệ 86,7%.

Về công tác điều trị, số ca mắc COVID-19 được điều trị khỏi và xuất viện là 167 trường hợp. Trong đó, Tp.Phan Thiết 42 trường hợp; các huyện Tánh Linh 40 trường hợp, Hàm Thuận Bắc 33 trường hợp, Hàm Thuận Nam 21 trường hợp, Đức Linh 15 trường hợp, Tuy Phong 9 trường hợp, Hàm Tân 3 trường hợp, Phú Quý 3 trường hợp, thị xã La Gi 1 trường hợp nâng tổng số ca đã điều trị khỏi và xuất viện là 26.845 trường hợp.

Số trường hợp tử vong 4 ca, trong đó thị xã La Gi có 2 ca (1 ca bệnh nhân nam, 68 tuổi, phường Bình Tân; 1 ca bệnh nhân nam, 104 tuổi, phường Phước Hội); Tp.Phan Thiết có 2 ca (1 ca bệnh nhân nữ, 75 tuổi và 1 bệnh nhân nam, 76 tuổi, cả hai cùng ngụ phường Mũi Né).

Tính từ ngày 27/4/2021 đến 18h ngày 24/1/2022, tỉnh Bình Thuận ghi nhận 362 ca tử vong.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/kha-n-bi-nh-thua-n-ti-m-nguo-i-de-n-ca-ng-ca-phan-thie-t-a54...

Người dân 4 cấp độ dịch không phải cách ly khi về quê đón Tết, trừ một số trường hợp

Trước thông tin một số địa phương cách ly người dân về quê đón Tết Nguyên đán, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các địa phương tạo điều kiện cho người dân về quê, không thực hiện việc cách ly y tế.

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Quản lý môi trường Y tế (Bộ Y tế), người dân sinh sống tại khu vực thuộc 4 cấp độ dịch không phải cách ly y tế khi về quê đón Tết, ngoại trừ các trường hợp thuộc diện theo dõi sức khỏe hoặc đang ở trong khu phong tỏa.

Khu lều được chính quyền địa phương ở Thanh Hoá dựng lên cách ly người về quê ăn Tết- Ảnh: T.Minh

Khu lều được chính quyền địa phương ở Thanh Hoá dựng lên cách ly người về quê ăn Tết- Ảnh: T.Minh

Bà Hương cho biết thêm hiện nay tỉ lệ bao phủ vắc-xin Covid-19 trên cả nước đã đạt cao, vì vậy chỉ những người dân đang trong thời gian cách ly y tế, thuộc diện theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc ở trong khu phong tỏa thì mới phải cách ly khi về quê ăn Tết.

"Những người còn lại không thuộc các diện nêu trên thì không phải cách ly khi về quê, kể cả ở địa bàn nguy cơ dịch bệnh cấp 4"- PGS Hương giải thích.

Cũng theo bà Hương, hiện nay nếu phát hiện ca nhiễm, các địa phương chỉ phong tỏa một tầng, một căn hộ hoặc vài căn hộ trong khu chung cư, một hoặc một vài nhà trong khu dân cư. Những người khác vẫn đi lại bình thường, nên khi về quê cũng không phải cách ly.

Trước đó, Bộ Y tế đã có văn bản số 357/BYT- MT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước về quê nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Theo Bộ Y tế, hiện nay, tiêm chủng vắc-xin Covid-19 tại các tỉnh, thành phố đã đạt tỉ lệ cao: người từ 18 tuổi trở lên được tiêm 1 mũi đạt 100%, tiêm đủ 2 mũi đạt 95,6%, tiêm mũi 3 đạt 18,6%; trẻ em (12-17 tuổi) tiêm mũi 1 đạt 94,1%, tiêm đủ 2 mũi đạt 82,2%.

Bộ Y tế đề nghị địa phương hướng dẫn người dân về quê nhân dịp Tết Nguyên đán thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 gồm thực hiện 5K, tự theo dõi sức khỏe, không phải cách ly y tế; nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19 như sốt, ho, khó thở... thì hạn chế tiếp xúc và hạn chế đi lại, thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm SARS-CoV-2 và xử trí theo quy định.

Bộ Y tế cho biết đang sửa hướng dẫn 4800 về thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, từ đó phân loại cấp độ dịch theo quy chế mới. Theo một thành viên của nhóm sửa đổi hướng dẫn 4800 sửa đổi, hướng dẫn mới sẽ tiếp tục đếm số ca mới, bởi từ số ca mới mới xác định được xu hướng của dịch cũng như tỉ lệ ca bệnh chuyển nặng. Tuy nhiên, sẽ phân loại tình trạng bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng và triệu chứng nặng để đánh giá cấp độ dịch. Cùng đó, bổ sung tiêu chí về tiêm vắc-xin Covid-19 bao gồm mũi bổ sung và mũi nhắc lại.

Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/nguoi-dan-4-cap-do-dich-khong-phai-cach-ly-khi-ve-que-don-t...

Đồng Nai: Số ca nhiễm Covid-19 giảm, tỉ lệ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 2 đạt 99%

Ngày 25/1, Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai cho biết, từ ngày 17-23/1/2022, số ca mắc mới ghi nhận trên địa bàn là gần 3.000 ca, giảm hơn 37% so với tuần trước đó. Số ca tử vong trung bình 8 ca tử vong/ngày, tương đương với tuần trước.

Tính đến ngày 24/1, toàn tỉnh ghi nhận hơn 298.000 ca mắc Covid-19. Trong đó có hơn 292.000 trường hợp đã được điều trị khỏi bệnh (tỉ lệ 97,81%). Tổng số ca tử vong là 1.717 ca (tỉ lệ 0,57%). Hiện, còn hơn 300 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế và hơn 6.000 F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ cách ly, điều trị tại nhà.

Toàn tỉnh đã triển khai 31 đợt tiêm vắc-xin phòng Covid-19 với tổng số hơn 6 triệu liều được Bộ Y tế phân bổ. Tỉ lệ tiêm vắc-xin mũi 1 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt 103,26%, tỉ lệ tiêm mũi 2 đạt 99,36%, tỉ lệ tiêm mũi 3 đạt gần 16,27%. 

Về công tác cách ly giám sát, hiện trên địa bàn tỉnh còn 4 huyện, thành phố duy trì hoạt động các khu cách ly tập trung gồm: Biên Hòa, Vĩnh Cửu, Long Thành, Nhơn Trạch; với 18 khu cách ly, tổng số hơn 3.000 giường phục vụ người không đủ điều kiện thực hiện cách ly tại nhà. 

Dự kiến tình hình dịch bệnh trong thời gian tới vẫn nằm trong tầm kiểm soát với số ca nhiễm mới giảm dần, tuy nhiên dịch bệnh có thể còn tiếp tục diễn biến phức tạp trước nguy cơ xâm nhập của biến chủng Omicron do số lượng chuyên gia nước ngoài nhập cảnh làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lớn.

Để tăng cường phòng chống dịch, nhất là trong dịp đón năm mới, Trung tâm Chỉ huy Điều hành phòng chống dịch Covid-19 tỉnh khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế; các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử phạt vi phạm các quy định phòng chống dịch; tiếp tục hạn chế các hoạt động không thiết yếu nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm; cập nhật đánh giá mức độ nguy cơ dịch bệnh theo hướng dẫn tại Quyết định 4800/QĐ-BYT; tiếp tục kiểm soát nguồn lây nhiễm, ổ dịch tại cộng đồng, hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, đặc biệt các đơn vị có số người lao động lớn.

Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, rà soát tiêm vét cho đối tượng chưa được tiêm vắc-xin, nhất là người trên 50 tuổi có bệnh nền. Đẩy mạnh hoạt động của Trạm y tế lưu động, Tổ Covid cộng đồng, Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 để quản lý tốt F0 tại nhà. Hoàn thiện, củng cố các cơ sở thu dung điều trị theo mô hình tháp 3 tầng.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/dong-nai-so-ca-nhiem-covid-19-giam-ti-le-tiem-vac-xin-mui-2-...

Sau đại dịch COVID-19: Người háo hức về quê đón Tết, người đắn do vì gánh nặng tài chính
Chỉ còn gần 10 ngày nữa là bước sang năm mới Nhâm Dần, nhiều người đã kịp trở về sum vầy cùng gia đình. Nhưng với nhiều người lao động khác, chi phí...

Tết nguyên đán

K.T
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19