COVID-19 26/10: Hơn 150 giáo viên và học sinh nhiễm COVID-19, địa phương đóng cửa nhiều trường học

H.A - Ngày 26/10/2021 12:14 PM (GMT+7)

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ, để đảm bảo an toàn cho học sinh, tỉnh chỉ đạo một số địa phương cho học sinh tạm nghỉ để đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

VietNamNet đưa tin, ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ cho biết, tính đến 18h hôm nay (26/10), toàn tỉnh Phú Thọ có 9 giáo viên và 145 học sinh vào diện F0.

Các ca nhiễm được ghi nhận tại các trường học ở TP Việt Trì, thị xã Phú Thọ, huyện Lâm Thao, huyện Phù Ninh và huyện Tam Nông.

Giáo viên trường Tiểu học Tứ Xã 1 (Lâm Thao) dạy học trực tuyến. Ảnh: Báo Phú Thọ.

Giáo viên trường Tiểu học Tứ Xã 1 (Lâm Thao) dạy học trực tuyến. Ảnh: Báo Phú Thọ.

Tổng số cán bộ, giáo viên, học sinh vào diện F1 là 3.048 người, trong đó có 332 giáo viên và 2.716 học sinh.

Tổng số cán bộ, giáo viên, học sinh vào diện F2 là 13.824 người, trong đó có 1.839 giáo viên và 11.985 học sinh.

Theo Tạp chí Tri thức trực tuyến, trước tình hình đó, trường học tại thành phố Việt Trì, Lâm Thao, Phù Ninh và 3 xã thuộc huyện Tam Nông (Bắc Sơn, Hương Nội, Vạn Xuân) cùng xã Phú Hộ, một phần xã Thanh Minh thuộc thị xã Phú Thọ tạm thời đóng cửa trường học.

Trong thời gian học sinh không đến lớp, các trường tổ chức dạy học trực tuyến đối với học sinh từ lớp 3 đến lớp 12, đồng thời chủ động ôn tập cho học sinh lớp 1 và lớp 2.

Sở GD&ĐT lưu ý với những học sinh hoàn cảnh khó khăn, không đủ thiết bị học tập online, các trường linh hoạt áp dụng phương án giao bài, ôn tập tại nhà, không làm ảnh hưởng, gián đoạn việc học.

Những nơi chưa có ca bệnh, Sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường tận dụng thời gian vàng dạy học trực tiếp tuy nhiên dừng tất cả hoạt động tập thể, hoạt động trải nghiệm và theo dõi sát diễn biến dịch COVID-19.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT tính đến ngày 25/10/2021, hiện có 23 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã tổ chức dạy học trực tiếp, gồm: Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hải Phòng, Hoà Bình, Kon Tum, Lai Châu, Lào Cai, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thái Nguyên, Thanh Hoá, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên bái, Hà Tĩnh, Khánh Hoà, Quảng Ninh, Sơn La, Lạng Sơn.

Có 15 tỉnh, thành kết hợp cả dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình, gồm: Bà Rịa – Vũng Tàu, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Phú Thọ, TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, Bắc Ninh, Lâm Đồng, Nghệ An, Hải Dương, Bình Định, Quảng Trị, Đắk Nông.

Nguồn:

https://www.doisongphapluat.com/hon-150-giao-vien-va-hoc-sinh-nhiem-covid-19-phu-tho-dong-cua-nhieu-truong-hoc-a517362.html

Hà Nội yêu cầu người "vùng đỏ" chưa tiêm vắc xin cách ly 14 ngày ở nhà

Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản hướng dẫn tạm thời thực hiện các biện pháp y tế đối với người đến/về Hà Nội từ các địa phương khác.

Theo đó, người đến/về Hà Nội không phải xuất trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2. Không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân; chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.

Hà Nội yêu cầu người chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19 đến từ vùng đỏ phải cách ly tại nhà 14 ngày, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo

Hà Nội yêu cầu người chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19 đến từ "vùng đỏ" phải cách ly tại nhà 14 ngày, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo

Đối với người từ các địa phương có nguy cơ rất cao (cấp 4, tương ứng với màu đỏ) hoặc khu vực phong tỏa/cách ly y tế:

Trường hợp đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 (sau khi tiêm mũi cuối cùng tối thiểu 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính tới thời điểm về Hà Nội thì tự theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc nơi lưu trú trong vòng 7 ngày, xét nghiệm 1 lần bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 1 từ khi tới Hà Nội.

Người tiêm chưa đủ liều vắc xin phòng Covid-19 sẽ cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú 7 ngày, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc nơi lưu trú trong vòng 7 ngày tiếp theo và luôn thực hiện biện pháp 5K; xét nghiệm 2 lần bằng phương pháp RT-PCR 2 lần vào ngày thứ 1 và ngày thứ 7 từ khi tới Hà Nội.

Người chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19 phải thực hiện cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú 14 ngày kể từ ngày tới Hà Nội, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo; xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR 3 lần vào ngày thứ 1, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ khi tới Hà Nội.

Đối với người từ nơi có nguy cơ cao (cấp 3, tương ứng với màu cam):

Những người đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 (sau khi tiêm mũi cuối cùng tối thiểu 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính tới thời điểm về Hà Nội thì tự theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc nơi lưu trú trong 7 ngày từ khi tới Hà Nội.

Người tiêm chưa đủ liều hoặc chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19 tự theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc nơi lưu trú 14 ngày.

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu thực hiện xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.

Đối với người từ nơi có nguy cơ trung bình (cấp 2, tương ứng với màu vàng):

Người đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 (sau khi tiêm mũi cuối cùng tối thiểu 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính tới thời điểm về Hà Nội thì không áp dụng cách ly, xét nghiệm.

Người chưa tiêm, tiêm chưa đủ liều vắc xin sẽ tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày.

Đối với người từ nơi có nguy cơ thấp (cấp 1, tương ứng với màu xanh):

Những người đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 (sau khi tiêm mũi cuối cùng tối thiểu 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính tới thời điểm về Hà Nội sẽ không áp dụng cách ly, xét nghiệm.

Người chưa tiêm, tiêm chưa đủ liều vắc xin sẽ tự theo dõi sức khỏe trong vòng 7 ngày.

Sở Y tế yêu cầu tất cả các trường hợp trên ngay khi về đến Hà Nội phải khai báo y tế và thông báo, cam kết với chính quyền địa phương. Tất cả các trường hợp trên trong suốt thời gian tự theo dõi sức khỏe, luôn thực hiện 5K, nếu có bất kỳ triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 như ho, sốt, đau rát họng, mất hoặc giảm khứu giác, vị giác...cần báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để được lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Với người di chuyển qua địa bàn Hà Nội không thực hiện cách ly và không yêu cầu xét nghiệm. Trong quá trình lưu thông qua địa bàn TP thực hiện đầy đủ các quy định phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ GTVT và không dừng nghỉ trên địa bàn TP trừ trường hợp bất khả kháng

Nguồn:

https://www.baogiaothong.vn/ha-noi-yeu-cau-nguoi-vung-do-chua-tiem-vac-xin-cach-ly-14-ngay-o-nha-d530069.html

WHO cảnh báo về đợt bùng phát COVID-19 lớn hơn, các nước cần sẵn sàng ứng phó

Theo hãng tin SCMP, ông Takeshi Kasai, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, cho biết: “Ngay cả với những nỗ lực hết sức của chúng ta, giờ đây có vẻ như rõ ràng rằng virus trên toàn cầu sẽ không thể sớm biến mất”. Quan chức WHO chia sẻ tại cuộc họp ủy ban khu vực của cơ quan y tế toàn cầu ở Himeji, Nhật Bản.

"Trong khi chúng ta tiếp tục triển khai tiêm vaccine, thực hiện các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng có mục tiêu, chúng ta cần dự kiến ​​sẽ có nhiều sự gia tăng các ca nhiễm và đảm bảo hệ thống y tế được chuẩn bị tốt để xử lý chúng và giảm thiểu những gián đoạn xã hội mà chúng sẽ gây ra", ông Kasai nói với các phóng viên khi bắt đầu cuộc họp kéo dài 5 ngày dành cho các bộ trưởng y tế.

Ông Kasai cho biết WHO đã làm việc với các quốc gia trên khắp Tây Thái Bình Dương để lập kế hoạch cho bệnh dịch đặc hữu COVID-19, đề cập đến thời kỳ hậu đại dịch khi một căn bệnh không được loại trừ nhưng các xã hội tìm cách quản lý các mối đe dọa của nó đối với cuộc sống hàng ngày.

Ông cho biết các quốc gia nên quyết định cách xử lý các tình huống của riêng mình dựa trên các đánh giá rủi ro cẩn thận và hiểu biết về “ranh giới đỏ” sẽ kéo các bệnh viện vượt quá tầm kiểm soát. Ông Kasai chỉ ra các biện pháp can thiệp "thích ứng, điều chỉnh và duy trì" để đối phó với virus, đồng thời cho phép nền kinh tế và cuộc sống của con người vận hành.

Takeshi Kasai, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, cho biết giờ đây có vẻ như rõ ràng rằng “virus sẽ không sớm biến mất”. Ảnh: WHO.

Takeshi Kasai, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, cho biết giờ đây có vẻ như rõ ràng rằng “virus sẽ không sớm biến mất”. Ảnh: WHO.

Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương cho hay "ngày càng rõ ràng" rằng các quốc gia trên thế giới sẽ cần chuyển sang trạng thái chung sống với virus. Ông nói: “Điều này không có nghĩa là từ bỏ việc kiểm soát virus, mà là tập trung vào cách chúng ta giảm nguy cơ rủi ro dài hạn, cũng như làm tất cả những gì có thể để hạn chế sự xuất hiện của các biến thể mới và nguy hiểm hơn".

Điều đó có nghĩa là bảo vệ những người dễ bị tổn thương và ngăn chặn hệ thống chăm sóc sức khỏe bị quá tải thông qua tiêm chủng, các biện pháp y tế và xã hội, mở rộng năng lực hệ thống y tế, thúc đẩy phát hiện sớm và phản ứng có mục tiêu đối với “bùng phát” và thực hiện “cách tiếp cận dựa trên rủi ro” để kiểm soát biên giới.

Các hạn chế về biên giới đã được một số quốc gia trong khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO áp dụng, bao gồm 37 quốc gia và khu vực từ Trung Quốc, Mông Cổ và Nhật Bản qua Việt Nam, Campuchia, Lào đến Australia và New Zealand. Khu vực hành chính, nơi sinh sống của khoảng 1,9 tỷ người, chỉ có 4% trong số 240 triệu trường hợp mắc bệnh COVID-19 được thông báo, theo báo cáo tình hình mới nhất của WHO vào tuần trước.

Một số quốc gia này gần đây đã báo hiệu rằng họ sẽ bắt đầu nới lỏng kiểm soát biên giới hoặc chính sách “zero COVID”, mặc dù Trung Quốc - quốc gia đang chiến đấu với sự bùng phát ngày càng tăng ở các tỉnh phía Bắc - vẫn đang cố gắng ngăn chặn hoàn toàn virus.

Ông Kasai cho rằng các quốc gia nên quản lý biên giới của họ dựa trên các đánh giá rủi ro và năng lực ứng phó của cá nhân họ. 

Nguồn:

https://www.doisongphapluat.com/who-canh-bao-ve-dot-bung-phat-covid-19-lon-hon-cac-nuoc-can-san-sang-ung-pho-a517360.html

Gia Lai: 1 cán bộ nhiễm COVID-19, xét nghiệm hơn trăm người

Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Gia Lai chiều tối 26-10, cho hay, trường hợp test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 tại Trạm y tế phường Tây Sơn là một cán bộ công tác tại Văn phòng UBND tỉnh.

Ngay sau đó, Trung tâm y tế TP Pleiku đã lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR của cán bộ này gửi CDC và đã có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Tiếp đó, Ban chỉ đạo đã khẩn trương tiến hành truy vết các F1, phong tỏa tạm thời các mốc dịch tễ liên quan. Đồng thời tạm dừng hoạt động của Trạm Y tế phường Tây Sơn. Kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR cho 123 người tại Văn phòng UBND tỉnh đều có kết quả âm tính.

Một khu vực bị phong toả tạm thời ở TP Buôn Ma Thuột để phòng chống dịch.

Một khu vực bị phong toả tạm thời ở TP Buôn Ma Thuột để phòng chống dịch.

Tính từ ngày 25-10 đến trưa 26-10, tỉnh Gia Lai đã lấy mẫu xét nghiệm cho 7.939 người. Ghi nhận 24 trường hợp dương tính mới với SARS-CoV-2 và một trường hợp tái dương tính là người đi từ vùng dịch về Gia Lai.

Như vậy, Gia Lai đã ghi nhận 1.446 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2; 867 người đang được điều trị, đã có 5 ca tử vong

Cùng ngày, thông tin từ Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong 24 giờ qua địa phương ghi nhận 150 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó, có 47 trường hợp được ghi nhận trong cộng đồng. Đáng chú ý, tại TP Buôn Ma Thuột số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng lên đến 38 trường hợp; TX Buôn Hồ có 6 trường hợp và 3 trường hợp còn lại thuộc các huyện Ea H’Leo, Krong Ana, Cư Kuin.

Trước đó, ngày 25-10, TP Buôn Ma Thuột cũng ghi nhận gần 60 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó có rất nhiều trường hợp không rõ yếu tố dịch tễ. Nhiều trường hợp ghi nhận tại các ổ dịch phức tạp như quán phở, tiệm cắt tóc, khách sạn…

Trong số các trường hợp này, có một nhân viên y tế của Bệnh viện Đại học Tây Nguyên. Nữ nhân viên này có liên quan đến chùm ca bệnh trước đó ghi nhận tại phường Ea Tam nên đã được cách ly tại đơn vị. Đây là nhân viên xét nghiệm của Bệnh viện nên đơn vị đã cho xét nghiệm toàn bộ hơn 120 người nhưng chưa phát hiện trường hợp nào dương tính.

Chiều cùng ngày, bác sĩ Nguyễn Đại Phong, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên xác nhận một nhân viên y tế của đơn vị vừa được test nhanh có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Trong những ngày vừa qua, nhân viên này đã đứng tiêm vaccine cho người nhà của nhân viên bệnh viện.

Nguồn:

https://plo.vn/xa-hoi/gia-lai-1-can-bo-nhiem-covid19-xet-nghiem-hon-tram-nguoi-1024157.html

Thanh Hóa ghi nhận 50 ca nhiễm Covid-19 mới trong ngày

Tất cả 50 bệnh nhân đều được ghi nhận tại các khu cách ly của tỉnh Thanh Hóa. Cụ thể:

Tại ổ dịch Tx.Bỉm Sơn ghi nhận 29 bệnh nhân mới tại khu cách ly, nâng tổng số bệnh nhân của ổ dịch này là 166 F0.

Tại huyện Thạch Thành ghi nhận 7 bệnh nhân, trong đó 6 bệnh nhân là F1 từ Công ty VENUS huyện Hà Trung, còn 1 bệnh nhân tiếp xúc với F0 trở về từ  tỉnh Đồng Nai.

Huyện Thọ Xuân ghi nhận 2 bệnh nhân có địa chỉ tại xã Xuân Lai và Thuận Minh.

Các huyện ghi nhận các bệnh nhân trở về từ các tỉnh, thành phía Nam gồm: Nông Cống ghi nhận 1 bệnh nhân, Yên Định 2 bệnh nhân, Thọ Xuân 3 bệnh nhân, Triệu Sơn 2 bệnh nhân, Thường Xuân 1 bệnh nhân, Tx.Nghi Sơn 3 bệnh nhân.

Các bệnh nhân này đã được chuyển cách ly và điều trị tại các cơ sở điều trị Covid-19 của tỉnh Thanh Hóa.

Tính từ ngày 27/4 tới nay, Thanh Hóa ghi nhận 937 F0 cộng dồn, trong đó 544 người điều trị khỏi ra viện, 6 ca tử vong, số bệnh nhân còn lại đang được điều trị các các cơ sở điều trị Covid-19 của tỉnh Thanh Hóa.

Toàn tỉnh đã triển khai tiêm hơn 1,1 triệu liều vắc-xin Covid-19.

Nguồn:

https://www.nguoiduatin.vn/thanh-hoa-ghi-nhan-50-ca-nhiem-covid-19-moi-trong-ngay-a531889.html

Nghệ An: Đến nhà một F0, hàng chục người trong xóm phải đi cách ly

Chiều 26/10, ông Phan Thành Đồng – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đô Lương (Nghệ An) cho biết, cơ quan chức năng đã truy vết được 36 F1 liên quan đến F0 từ phía Nam về nhà ở xóm 3, xã Tràng Sơn.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ông Đồng cho biết thêm, 36 F1 này được cách ly tập trung tại Trường mầm non trên địa bàn xã. Hiện, kết quả test nhanh 36 trường hợp này đều cho kết quả âm tính lần 1. Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 xã Tràng Sơn đã phong tỏa các địa điểm liên quan.

Ca bệnh này là BN P. T. L (nữ, SN 1962, trú xóm 3, xã Tràng Sơn). BN đi từ TP HCM về đến huyện Đô Lương ngày 21/10. BN được cách ly tại nhà và lấy mẫu xét nghiệm test nhanh cho kết quả âm tính. Ngày 23/10, BN được lấy mẫu gộp làm xét nghiệm cho kết quả nghi ngờ. Ngày 24/10, BN được lấy mẫu gửi CDC cho kết quả khẳng định dương tính với SARS-CoV-2. BN đã tiêm 2 mũi vaccine COVID-19.

Việc có nhiều F1 liên quan đến BN này là vì chồng của BN vừa phát hiện bị ung thư nên nhiều người thân, hàng xóm sang thăm hỏi và có tiếp xúc với BN.

Nguồn:

https://giadinh.net.vn/nghe-an-den-nha-mot-f0-hang-chuc-nguoi-trong-xom-phai-di-cach-ly-172211026154109552.htm

Bắc Giang xuất hiện chùm lây mới, khẩn cấp chuyển trạng thái từ phòng dịch sang chống dịch

Tối 26/10, thông tin từ UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, trong ngày trên địa bàn phát sinh 2 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng tại thôn Hạ, xã Thượng Lan, huyện Việt Yên. Đây là 2 mẹ con, có yếu tố dịch tễ liên quan đến ổ dịch ở thành phố Hà Nội.

Ngay sau khi phát sinh ca mắc mới, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Giang yêu cầu chuyển trạng thái từ phòng dịch sang chống dịch, kích hoạt các biện pháp chống dịch tại xã Thượng Lan và các địa bàn liên quan của huyện Việt Yên. 

Ngành y tế hỗ trợ huyện Việt Yên triển khai thần tốc công tác điều tra, truy vết, xét nghiệm các trường hợp có liên quan đến các ca mắc mới; tuyệt đối không được bỏ sót, bỏ lọt bất cứ trường hợp nào. Đặc biệt lưu ý nếu có các trường hợp tiếp xúc là chủ nhà trọ, công nhân làm việc tại các khu, cụm công nghiệp. 

Đến cuối chiều 26/10, lực lượng chức năng truy vết được 24 trường hợp là F1 và 136 F2 liên quan đến 2 ca mắc COVID-19 nêu trên. Trong số đó, một số trường hợp test nhanh cho kết quả dương tính. 

Bên cạnh việc lấy mẫu xét nghiệm cho địa bàn có nguy cơ, huyện Việt Yên đang khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm diện rộng trên toàn xã Thượng Lan với gần 10.000 dân sinh sống. Các hoạt động vui chơi, buôn bán và một số dịch vụ khác trên địa bàn xã được yêu cầu tạm dừng.

Theo ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND huyện Việt Yên, trước mắt huyện chỉ đạo cho học sinh mầm non nghỉ học, học sinh tiểu học, trung học cơ sở Thượng Lan và THPT Việt Yên 2 chuyển sang học trực tuyến.

Huyện Việt Yên cũng đã gửi văn bản khuyến nghị đến Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh và các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp áp dụng biện pháp phòng chống dịch với lao động ở xã Thượng Lan.

Nguồn:

https://suckhoedoisong.vn/bac-giang-xuat-hien-chum-lay-moi-khan-cap-chuyen-trang-thai-tu-phong-dich-sang-chong-dich-169211026190712876.htm

Quảng Nam xuất hiện chuỗi ca bệnh cộng đồng có học sinh ở huyện Nam Trà My

Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Nam thông tin, ngày 25/10, Quảng Nam ghi nhận 12 ca bệnh và đã được Bộ Y tế công bố, trong đó có học sinh trường học ở địa phương.

Sau khi ghi nhận có 5 ca bệnh cộng đồng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam khẩn trương phong toả nhiều khu vực, vị trí, tạm dừng nhiều hoạt động từ ngày 26/10.

Sau khi ghi nhận có 5 ca bệnh cộng đồng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam khẩn trương phong toả nhiều khu vực, vị trí, tạm dừng nhiều hoạt động từ ngày 26/10.

Ở huyện Phước Sơn có 4 ca bệnh: tại thôn 4, Phước Đức 1 ca; thôn 3, Phước Chánh 3 ca). Trong đó 1 ca bệnh là đối tượng đã được giám sát, cách ly từ trước (thôn 3, Phước Chánh), 3 ca bệnh còn lại là đối tượng xét nghiệm sàng lọc tại cộng đồng.

Tại huyện Nam Giang có 2 ca bệnh tại Thạnh Mỹ là đối tượng đã được giám sát, cách ly từ trước.

Tại TP. Tam Kỳ có 1 ca bệnh tại khối phố Xuân Tây (Trường Xuân) là đối tượng F1 (con của ca bệnh cộng đồng phát hiện tại TP Tam Kỳ, ngày 24/10) đã được giám sát, cách ly.

Từ 18/7 đến nay, Quảng Nam ghi nhận 1.009 ca bệnh, cụ thể: 166 ca bệnh cộng đồng, 565 ca lây nhiễm thứ phát (đã cách ly tập trung trước khi phát hiện), 195 ca xâm nhập từ các tỉnh và 83 ca nhập cảnh.

Tại huyện Nam Trà My, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam xác nhận ghi nhận thêm 5 ca dương tính với SARS-CoV-2. Các ca bệnh này trú ở xã Trà Mai, huyện Nam Trà My và cùng có nguồn lây từ một nữ giáo viên trường Phổ thông Dân tộc bán trú-THCS Trà Tập (xã Trà Tập) được phát hiện mắc COVID-19 trước đó.

Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, 5 ca bệnh COVID-19 vừa phát hiện đều trong cùng gia đình. “Nữ giáo viên này trong quá trình công tác thì ở tại nhà bà dì có địa chỉ tại xã Trà Mai và đã lây cho 5 người trong nhà dì”, ông Dũng thông tin.

Hiện, tại trường học nơi nữ bệnh nhân công tác, ngành y tế đã tiến hành truy vết lấy mẫu xét nghiệm cho các giáo viên và học sinh, trong đó hơn 170 mẫu cho kết quả âm tính lần 1. Tuy nhiên một số học sinh đang nghỉ học do bão lũ nên hiện lực lượng chức năng đang tìm về nhà của học sinh để lấy mẫu xét nghiệm.

Nguồn:

https://www.baogiaothong.vn/quang-nam-xuat-hien-chuoi-ca-benh-cong-dong-co-hoc-sinh-o-huyen-nam-tra-my-d529926.html

Nam Định ghi nhận thêm 7 ca bệnh ngoài cộng đồng, nhiều học sinh phải nghỉ học

Liên quan đến ca mắc COVID-19 cộng đồng là nhân viên Ngân hàng, TP. Nam Định đã khẩn trương truy vết và bước đầu xác định có thêm 7 trường hợp dương tính với SARS-COV-2 là hàng xóm của bệnh nhân này.

Trước đó chiều 25/10, TP Nam Định ghi nhận 1 ca mắc mới ngoài cộng đồng là bệnh nhân NVĐ, ở khu đô thị Thống Nhất, phường Lộc Hạ, là nhân viên Ngân hàng SHB, Chi nhánh Hà Nam.

Bệnh nhân này sau khi test nhanh có kết quả dương tính tại 1 phòng khám trên địa bàn đã được xét nghiệm PCR và cho kết quả khẳng định dương tính với SARS-CoV-2.

Trung tâm Y tế TP Nam Định đã khẩn trương điều tra truy vết các trường hợp liên quan, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Tối muộn 25/10, theo thông tin nhanh của Sở Y tế Nam Định, đã có thêm 07 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, liên quan đến bệnh nhân này.

Đáng lưu ý, qua điều tra truy vết, ngành y tế Nam Định cùng cơ quan chức năng cũng đã xác định được hơn 40 trường hợp khác đã tiếp xúc gần với bệnh nhân NVĐ ở nhiều địa điểm khác nhau trên địa bàn TP Nam Định và các huyện Vụ Bản, Ý Yên… trước khi người này được xác định dương tính.

Trong số 8 hàng xóm của bệnh nhân NVĐ có 1 giáo viên đứng lớp dạy nhiều học sinh. Ngày 26/10 nhà trường đã ra thông báo cho học sinh nghỉ học.

TP Nam Định đã khẩn trương phong tỏa đường Lê Tiến Phục và đường Sơn Nam, phường Lộc Hạ, TP Nam Định, gồm 32 hộ 134 nhân khẩu và đang tiếp tục truy vết các trường hợp liên quan, xác minh các trường hợp tiếp xúc gần với các bệnh nhân, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, cách ly tạm thời và tiến hành phun khử khuẩn các địa điểm bệnh nhân có mặt.

Nguồn:

https://suckhoedoisong.vn/nam-dinh-ghi-nhan-them-7-ca-benh-ngoai-cong-dong-nhieu-hoc-sinh-phai-nghi-hoc-169211026133316037.htm

Ổ dịch Quốc Oai "nóng" nhất Hà Nội đã xác định được nguồn lây

Liên quan đến chùm ca nhiễm phức tạp ở huyện Quốc Oai, TP Hà Nội, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, nguồn lây có thể từ người đàn ông có địa chỉ tại thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai làm việc tại Tòa án nhân dân huyện Quốc Oai. Bệnh nhân này đã lây cho vợ, 2 con và 2 hàng xóm.

Ổ dịch nóng nhất Hà Nội đã xác định được nguồn lây từ người làm ở tòa án

Ổ dịch "nóng" nhất Hà Nội đã xác định được nguồn lây từ người làm ở tòa án

Nhận định về ổ dịch tại Quốc Oai, Hà Nội, ông Khổng Minh Tuấn cho rằng đây là một trong những "điểm nóng" của thành phố ở thời điểm hiện tại và có diễn biến phức tạp.

Trong thời gian tới, có thể vẫn sẽ ghi nhận thêm các ca bệnh lẻ tẻ. Tuy nhiên, ổ dịch này cơ bản được khoanh vùng, khó bùng phát mạnh.

"Ổ dịch này lây lan giữa các cán bộ, tiếp xúc nhiều nên có nhiều F1, F2. Ngoài ra, những trường hợp liên quan không chỉ ở Quốc Oai mà còn có các khu vực khác như Thanh Oai, Hà Đông. Tuy nhiên, các trường hợp này đều đã khai báo đầy đủ nên việc điều tra, khoanh vùng, truy vết dễ dàng hơn. Hiện nay, chúng tôi đã cơ bản điều tra được hết các F1", ông Tuấn thông tin.

Cũng theo Phó Giám đốc CDC Hà Nội, việc bùng phát ổ dịch tại Quốc Oai cũng sẽ không ảnh hưởng đến lộ trình nới lỏng, tiến tới trạng thái "bình thường mới" của thành phố.

Liên quan đến ổ dịch này, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho hay, việc ghi nhận nhiều ca mắc mới ở Quốc Oai rất đáng lo ngại, tuy nhiên trong bối cảnh mở cửa để "bình thường mới" chúng ta phải chấp nhận tình hình sẽ có phát sinh ca dương tính trong cộng đồng.

"Đối với những người đã tiêm vaccine sẽ ít có triệu chứng nên tiến hành xét nghiệm định kỳ ở khu vực có nguy cơ là cần thiết. Khu vực nguy cơ cao phải kích hoạt hệ thống giám sát dịch từ cấp cơ sở. Khi có ca dương tính phải tiến hành truy vết rất nhanh" - ông Nhung nói.

Đồng quan điểm với Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng, việc ghi nhận nhiều ca dương tính tại huyện Quốc Oai cho thấy dù đã tiêm phủ vaccine phòng COVID-19 trên diện rộng, mọi người vẫn phải thực sự cảnh giác, đảm bảo an toàn cho chính mình, những người xung quanh.

"Việc bùng phát những ổ dịch mới là điều đã được các chuyên gia dự báo. Sự việc này đúng như nhận định của các chuyên gia, rằng virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng nếu chủ quan không thực hiện các biện pháp 5K vẫn có thể lây lan. Chỉ cần 1 người mắc có thể lây lan ra người khác nếu tiếp xúc gần không thực hiện đeo khẩu trang", ông Nga chia sẻ.

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người kể cả tiêm vaccine cũng phải thực hiện biện pháp 5K. Nếu tiếp xúc với những người mới được tiêm mũi 1 và người chưa tiêm vaccine có thể lây lan nhiều hơn. Vaccine phòng COVID-19 không ngăn được lây lan, vì vậy phải thực hiện tốt công tác phòng chống dịch. Những ai chưa tiêm nên tiêm phòng bệnh diễn biến nặng.

Nguồn:

https://www.baogiaothong.vn/o-dich-quoc-oai-nong-nhat-ha-noi-da-xac-dinh-duoc-nguon-lay-d529977.html

Nhóm du lịch nhiễm COVID-19 về Bắc Kinh không khai báo, tiếp xúc cả nghìn người

Theo China News, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ngày 26/10 thông báo, nước này ghi nhận thêm 43 ca nhiễm mới COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, trong đó có 14 ca nhập cảnh và 29 trường hợp trong nước.

Các con số này vẫn ở mức thấp so với hầu hết các khu vực trên thế giới nhưng vẫn được đánh giá "nguy cơ cao" tại Trung Quốc bởi nước này đến nay vẫn kiên trì với chiến lược "Không COVID" trong suốt đại dịch, cùng với đó là thời điểm Thế vận hội Mùa đông đã cận kề.

Giới chức y tế Trung Quốc cho biết đợt bùng phát dịch mới nhất đã ảnh hưởng đến 11 tỉnh và có liên quan đến biến chủng Delta. Hầu hết ca nhiễm có liên quan đến khách du lịch trong nước, do Trung Quốc hiện vẫn đóng cửa biên giới.

Một trạm xét nghiệm COVID-19 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Baidu

Một trạm xét nghiệm COVID-19 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Baidu

Theo một quan chức y tế cấp cao, hơn 100 ca nhiễm trong đợt bùng phát dịch hiện tại có liên quan đến những người đi du lịch.

Trong cuộc họp báo sáng 25/10, bà Pang Xinghuo, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Bắc Kinh, cho biết, đợt dịch lần này tại Bắc Kinh liên quan tới 2 nhóm du lịch tự lái và một nhóm gồm 5 người đã không khai báo khi trở về thành phố này.

Một người trong nhóm này đã có triệu chứng nhiễm bệnh trong suốt hành trình. Người này nhiều lần đến hiệu thuốc mua thuốc hạ sốt, thuốc cảm… và hai lần tổ chức cho 8 người chơi mạt chược tại nhà, ngoài ra còn đến nhiều địa điểm tập trung đông người ở Bắc Kinh.

Báo cáo cho biết, hiện đã xác định được 1.534 F1 và 5 F0 liên quan đến trường hợp này.

Trong khi đó, nhóm du lịch còn lại gồm 4 người, đã khai báo y tế sau khi trở về Bắc Kinh và được cách ly theo dõi tại nhà. 310 F1 liên quan đến nhóm này đã được xác định.

Thành phố Bắc Kinh đã hạn chế du khách tới các điểm du lịch và khuyến cáo người dân không nên rời thành phố trừ khi cần thiết, mặc dù các dịch vụ vận tải thông thường vẫn tiếp tục vận hành.

Người đi qua vùng dịch trong 14 ngày qua cũng bị hạn chế nhập cảnh vào Bắc Kinh. Trong trường hợp cần thiết, nếu muốn vào Bắc Kinh, họ phải có kết quả xét nghiệm âm tính và trải qua 2 tuần theo dõi sức khỏe.

Kể từ khi dịch COVID-19 lần đầu bùng phát tại Trung Quốc từ cuối năm 2019 đến nay, nước này đã ghi nhận 91.601 ca nhiễm và 4.636 bệnh nhân tử vong.

Nguồn:

https://www.doisongphapluat.com/trung-quoc-nhom-du-lich-nhiem-covid-19-ve-bac-kinh-khong-khai-bao-tiep-xuc-ca-nghin-nguoi-a517299.html

Bạc Liêu lập chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở khu vực cấp độ 3-4

Ngày 26/10, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh vừa chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chỉ đạo thiết lập các chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại địa bàn các xã, phường, thị trấn có cấp độ dịch là cấp 3, cấp 4.

Thời gian đưa vào vận hành trước 12h ngày 26/10/2021 (hoạt động đến khi UBND tỉnh cập nhật, công bố giảm cấp độ dịch thì tháo dỡ ngay các chốt kiểm soát này).

Một chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên đường Trần Huỳnh (thuộc địa bàn phường 1, TP Bạc Liêu).

Một chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên đường Trần Huỳnh (thuộc địa bàn phường 1, TP Bạc Liêu).

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu, việc thiết lập chốt phải đảm bảo phát huy cao nhất hiệu quả kiểm soát, nhưng không để lãng phí nguồn lực, gây phiền hà cho người dân và phương tiện khi qua chốt (nếu đảm bảo điều kiện theo quy định).

Địa bàn thuộc huyện, thị xã, thành phố nào thì do đơn vị đó tổ chức chốt kiểm soát, khi đã thiết lập chốt kiểm soát ở địa bàn có cấp độ dịch là cấp 3, cấp 4 thì không được thiết lập thêm chốt ở địa bàn liền kề có cấp độ dịch là cấp 1, cấp 2.

Các trường hợp đặc thù khác, do 2 địa phương cấp huyện liền kề thỏa thuận, thống nhất tổ chức thực hiện nhưng không được trái với các nguyên tắc nêu trên.

Cần tạo điều kiện cho người dân đi tiêm vaccine được qua chốt (sau khi chứng minh được là người đó đang trên đường đi tiêm vaccine).

“Các Sở, ngành căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ để hướng dẫn, hỗ trợ cho hoạt động của các chốt; kịp thời phát hiện, nhắc nhở, chấn chỉnh các hành vi vượt thẩm quyền hoặc sai quy định, nhất là việc làm ách tắc trong vận chuyển hàng hóa và cản trở các hoạt động kinh tế - xã hội thông thường khác”, văn bản nêu rõ.

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, việc yêu cầu khẩn trương lập các chốt kiểm soát nêu trên, là do hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đang diễn biến rất phức tạp. Số ca lây nhiễm tăng nhanh, nếu không kịp thời ngăn chặn, kiểm soát thì nguy cơ dịch bùng phát trong cộng đồng là rất cao.

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Phạm Văn Thiều đã ra quyết định cập nhật và công bố cấp độ dịch Covid-19 để áp dụng các biện pháp hành chính “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Thời gian áp dụng từ 0h ngày 26/10/2021.

Cụ thể, công bố cấp 4 - “nguy cơ rất cao” (đỏ) đối với 9/64 đơn vị cấp xã, gồm: phường 1, phường Láng Tròn, xã Phong Tân, xã Phong Thạnh Đông thuộc thị xã Giá Rai; xã Long Điền, xã Long Điền Đông thuộc huyện Đông Hải; xã Vĩnh Thanh, xã Phước Long thuộc huyện Phước Long; phường 2 thuộc TP Bạc Liêu.

Cấp 3 - “nguy cơ cao” (cam) có 4/64 đơn vị, gồm: xã Phong Thạnh, xã Phong Thạnh A thuộc thị xã Giá Rai; xã Long Điền Đông A thuộc huyện Đông Hải; xã Ninh Quới thuộc huyện Hồng Dân.

Nguồn:

https://www.baogiaothong.vn/bac-lieu-lap-chot-kiem-soat-dich-covid-19-o-khu-vuc-cap-do-3-4-d529962.html

Gia đình 8 người dương tính với Covid-19, Bạc Liêu có hơn 1.700 ca mắc

Ngày 26/10, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bạc Liêu, trong 24h qua, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 108 trường hợp có kết quả xét nghiệm RT-PCR khẳng định dương tính với virus SARS-CoV-2.

Cụ thể, 48 trường hợp ghi nhận tại cộng đồng. Trong đó, có 8 trường hợp thường trú tại huyện Đông Hải, liên quan đến Công ty TNHH Châu Bá Thảo, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu.

Hiện tại ghi nhận 25 trường hợp F1; 8 trường hợp tại địa bàn thị xã Giá Rai, ghi nhận qua sàng lọc cộng đồng. Hiện đang điều tra, truy vết.

Tại Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu ghi nhận thêm 7 trường hợp dương tính với Covid-19, liên quan đến chuỗi lây nhiễm tại bệnh viện này.

Tại Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu ghi nhận thêm 7 trường hợp dương tính với Covid-19, liên quan đến chuỗi lây nhiễm tại bệnh viện này.

Đặc biệt, có 8 trường hợp (cùng 1 gia đình) thường trú tại ấp Năm Căn, xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi.

Phát hiện qua sàng lọc khi 2 trường hợp đến khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Bạc Liêu. Hiện ghi nhận 18 F1.

4 trường hợp (có 3 trường hợp là cán bộ Quản lý thị trường của huyện Hồng Dân 2; thị xã Giá Rai 1) và 1 trường hợp tiếp xúc gần với 2 trường hợp ở Hồng Dân). Hiện tại ghi nhận 19 trường hợp F1.

2 trường hợp thường trú tại ấp Vĩnh Phú B, xã Vĩnh Phú Đông ghi nhận qua sàng lọc tại Trung tâm Y tế huyện Phước Long. Hiện tại ghi nhận 15 trường hợp F1.

3 trường hợp trường trú tại ấp 14, xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình ghi nhận qua sàng lọc tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ 2 và Trung tâm Y tế huyện Hòa Bình 1. Hiện tại ghi nhận 11 trường hợp F1.

15 trường hợp trên địa bàn TP Bạc Liêu, trong đó: phường 7 (7), phường 1 (2), phường 2 (2), phường 5 (1), phường Nhà Mát (3). Hiện đang điều tra, truy vết.

32 trường hợp ghi nhận tại các khu cách ly tập trung. Trong đó, có 25 trường hợp tại thị xã Giá Rai liên quan đến Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thủy sản Tấn Khởi và Công ty TNHH Châu Bá Thảo (thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu).

Hiện đang điều tra, truy vết; 7 trường hợp tại Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu, liên quan đến chuỗi lây nhiễm Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu. Hiện tại chưa ghi nhận F1.

4 trường hợp ghi nhận tại khu phong tỏa khóm 6, phường 2, TP Bạc Liêu. Hiện đang điều tra, truy vết.

6 trường hợp (cùng gia đình) tại điểm cách ly tại nhà, ấp Lung Lá, xã Định Thành A, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.

Trong đó, 1 trường hợp về từ tỉnh Bình Dương đã hoàn thành cách ly tập trung, tiếp tục cách ly tại nhà; 5 trường hợp sống cùng gia đình. Hiện tại ghi nhận 8 trường hợp F1.

18 trường hợp về từ các tỉnh/thành, ghi nhận tại các khu cách ly tập trung: TP Bạc Liêu 1; huyện Hồng Dân 11; huyện Phước Long 6.

Nguồn:

https://www.baogiaothong.vn/gia-dinh-8-nguoi-duong-tinh-voi-covid-19-bac-lieu-co-hon-1700-ca-mac-d529967.html

Bộ Y tế đề nghị rà soát người về từ TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai

Ngày 25/10, Bộ Y tế đã có công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác giám sát và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong thời gian thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP.

Tăng cường kiểm soát người về từ vùng có ca mắc cao như TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai...

Tăng cường kiểm soát người về từ vùng có ca mắc cao như TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai...

Theo Bộ Y tế, trong thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội và đã bước đầu hạn chế được tốc độ lây lan của dịch bệnh; số ca mắc và tử vong đã giảm rõ rệt.

Các địa phương đã từng bước tháo bỏ giãn cách xã hội chuyển sang thực hiện nghị quyết số 128/NQ-CP về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Tuy nhiên, trong thời gian này một số lượng lớn người dân đã di chuyển từ các địa phương có số mắc cao, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh; một số địa phương nơi người dân trở về đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng, với những chùm nhiều ca mắc trong ngày.

Để tăng cường công tác giám sát và chủ động kiểm soát dịch hiệu quả, Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện rà soát tất cả những người đi về từ các tỉnh, thành phố có số mắc cao (như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An...);

Tăng cường, chủ động giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao, nhất là những điểm có người về từ các địa bàn trên và các địa bàn dịch cấp độ 3, 4; các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh để phát hiện sớm, tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe phù hợp và xử lý kịp thời các ổ dịch Covid-19;

Phát huy vai trò hệ thống chính trị cơ sở, đặc biệt tổ Covid-19 dựa vào cộng đồng trong giám sát, xét nghiệm, theo dõi y tế.

Đồng thời các địa phương chủ động xây dựng kịch bản, tổ chức diễn tập, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực truy vết, sẵn sàng ứng phó với các tình huống diễn biến dịch Covid-19 theo từng cấp độ trên địa bàn không để bị động; tăng cường năng lực y tế các cấp, nhất là năng lực điều trị ở cấp cơ sở để phân loại, điều trị phù hợp, kịp thời, hiệu quả. Khẩn trương có kế hoạch thành lập trạm y tế lưu động theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Công điện của Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả; ưu tiên tiêm chủng cho người cao tuổi, người có bệnh lý nền và phụ nữ mang thai; yêu cầu các cơ sở tiêm chủng sử dụng ứng dụng nền tảng Sổ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng.

Thường xuyên tổ chức thực hiện việc đánh giá, cập nhật và công bố cấp độ dịch để có các biện pháp y tế, hành chính phù hợp với từng cấp độ, từng địa bàn (trên phạm vi nhỏ nhất có thể)...

Nguồn:

https://www.baogiaothong.vn/bo-y-te-de-nghi-ra-soat-nguoi-ve-tu-tphcm-long-an-binh-duong-dong-nai-d529927.html

Ca mắc mới nhất ở Hải Dương, có đưa vợ con đi khám răng, có 1 lần xét nghiệm âm tính

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống vào sáng nay (26/10), ông Bùi Quang Sơn - Chủ tịch UBND xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang (Hải Dương) cho biết, đêm qua trên địa bàn thôn Ngọc Cục thuộc địa phương ghi nhận 1 nam công dân (SN 1995) có xét nghiệm dương tính với SARS-Co-2. Đáng chú ý, trước khi có kết quả dương tính, công dân này di chuyển từ Hà Nội về quê.

Cụ thể, vào tối 21/10 công dân đi từ số nhà 36A, phố Trần Quang Diệu, quận Đống Đa (Hà Nội) về nhà tại thôn Ngọc Cục (xã Thúc Kháng) và sáng hôm sau, ca dương tính đưa vợ, con đi khám răng tại phòng khám đa khoa (có địa chỉ tại phố Phủ, huyện Bình Giang).

Vào đêm qua, trên địa bàn tỉnh Hải Dương ghi nhận 1 ca dương tính với SARS-CoV-2. Ảnh minh họa: Đ.Tùy

Vào đêm qua, trên địa bàn tỉnh Hải Dương ghi nhận 1 ca dương tính với SARS-CoV-2. Ảnh minh họa: Đ.Tùy

Đến chiều ca dương tính đến Trạm Y tế xã khai báo y tế và được hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe tại nhà. Tuy nhiên, vào 19h tối cùng ngày, công dân nhận được thông tin người cùng làm tại Hà Nội có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Sáng hôm sau, công dân được nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính. 

Vào ngày hôm qua, trường hợp này tiếp tục được Trung tâm Y tế huyện Bình Giang lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

"Nhận được thông tin, chúng tôi nhanh chóng truy vết các trường hợp tiếp xúc gần, phun khử khuẩn và phong tỏa tạm thời khu vực gia đình ca dương tính sinh sống, đưa các trường hợp F1 đi cách ly tập trung, đối với F2 thực hiện cách ly theo dõi tại nhà. 

Sáng nay, chúng tôi nhận được tin từ Trung tâm Y tế huyện Bình Giang thông báo, 7 trường hợp F1 liên quan đến ca dương tính đã cho kết quả xét nghiệm âm tính lần 1", Chủ tịch UBND xã Thúc Kháng cho biết.

Cũng trong ngày hôm qua, tại thôn Như, xã Bình Xuyên (cùng huyện Bình Giang) ghi nhận 1 ca mắc COVID-19 đã được Bộ Y tế đánh mã số bệnh nhân 889776. Trường hợp này (làm công nhân) cùng em trai, cháu di chuyển từ TP Hồ Chí Minh về quê và có kết quả xét nghiệm dương tính vào tối 24/10.

Nguồn:

https://giadinh.net.vn/ca-mac-moi-nhat-o-hai-duong-co-dua-vo-con-di-kham-rang-co-1-lan-xet-nghiem-am-tinh-172211026100821669.htm

Hà Nam bất ngờ phát hiện 7 ca cộng đồng chưa rõ nguồn lây

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống sáng 26/10, BS. Trương Mạnh Sức - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Nam cho biết, trên địa bàn vừa phát hiện 7 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 thông qua xét nghiệm RT-PCR trên địa bàn thành phố Phủ Lý. Trong số đó có 2 vợ chồng làm tóc trên địa bàn phường Châu Sơn và 1 trường hợp là nhân viên Công ty Công trình đô thị. Các trường hợp này đều ở cộng đồng nên lực lượng chức năng đang khẩn trương điều tra, truy vết để xác định nguồn lây.

Theo CDC Hà Nam, kể từ ca bệnh BN687.470 ở thôn Lê Lợi, xã Phù vân, TP. Phủ Lý có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào chiều 19/9 đến sáng 26/10, toàn tỉnh ghi nhận 860 ca mắc COVID-19 đã được Bộ Y tế cấp mã.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Phủ Lý kiểm tra công tác phòng chống dịch tại khu phong tỏa tổ 2, phường Lê Hồng Phong. Ảnh: Thúy Nga

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Phủ Lý kiểm tra công tác phòng chống dịch tại khu phong tỏa tổ 2, phường Lê Hồng Phong. Ảnh: Thúy Nga

Theo đánh giá, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Hà Nam trong một tháng qua diễn biến của dịch bệnh phức tạp, khó lường, lây lan nhanh ở cả 6/6 huyện, thị, thành phố. Trong số đó, TP Phủ Lý có hơn 511 ca F0 và 490 trường hợp F1 đang cách ly y tế. 19 xã, phường trên địa bàn được xác định đang ở cấp độ dịch cấp độ 1; 2 phường đang ở cấp độ 2 (vùng vàng) là Lê Hồng Phong và Thanh Tuyền.

Số người dân trong độ tuổi từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 là trên 111 nghìn người (đạt khoảng trên 90%); gần 49.000 người đã hoàn thành tiêm mũi 2 (đạt khoảng 40%).

Trước diễn biến mới của dịch bệnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Phủ Lý đề nghị lực lượng chức năng phối hợp với ngành y tế trung rà soát kỹ các đối tượng F0, F1; thực hiện điều trị, cách ly đúng quy định. Bên cạnh đó, ngành giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các nhà trường vệ sinh môi trường trong các trường học, ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 2 cho toàn bộ giáo viên các nhà trường, để sớm đưa công tác dạy và học đi vào hoạt động theo kế hoạch.

Kể từ ngày 21/9 khi chùm COVID-19 cộng đồng bùng phát, tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo dừng hoạt động giáo dục và đào tạo trực tiếp cho trẻ mầm non, học sinh các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn (chuyển sang học trực tuyến). Riêng với số giáo viên và học sinh phải điều trị, cách ly trong diện F0, F1 sẽ thực hiện giảng dạy và học tập bù sau khi đảm bảo điều kiện.

Nguồn:

https://suckhoedoisong.vn/ha-nam-bat-ngo-phat-hien-7-ca-cong-dong-chua-ro-nguon-lay-169211026103448421.htm

Chống dịch COVID-19 ở Tây Nguyên: Các địa phương khẩn trương vào cuộc

Theo thống kê của Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 Gia Lai, tính từ ngày 26/4 đến sáng 25/10, trên địa bàn tỉnh này ghi nhận 1.422 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Trước diễn biến của dịch bệnh, ngày 25/10, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành công điện gửi đến các cơ quan, đơn vị liên quan trong tỉnh này chỉ đạo tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống COVID-19 và đẩy nhanh tiêm chủng vaccine.

Trong công điện của lãnh đạo tỉnh Gia Lai nêu rõ, địa phương công bố dịch ở mức 2. Tuy nhiên do đặc thù riêng ở Gia Lai đang đối diện như: Y tế cơ sở thiếu nhân lực, hạ tầng, thiết bị. Người về từ vùng dịch đông, xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là. Vậy nên cần tăng cường chống dịch hơn nữa.

Thực tế, thời gian qua, người dân trở về Gia Lai từ TP.HCM và các tỉnh vùng tâm dịch rất đông nên tỉnh Gia Lai đã yêu cầu chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 khu vực cầu 110 (giáp ranh giữa 2 tỉnh Gia Lai-Đắk Lắk) thực hiện kiểm soát dịch chặt chẽ.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các huyện Chư Pưh, Chư Prông và Krông Pa còn lập các chốt kiểm soát phụ tại đường mòn, lối mở, các trục đường khác vào Gia Lai để kiểm soát những người về từ vùng dịch và né tránh không khai báo.

Ông Rơ Ô Krik-Chủ tịch UBND xã Đất Bằng, huyện Krông Pa cho biết: Chúng tôi chỉ đạo các tổ COVID-19 cộng đồng rà soát, nắm bắt từng hộ, từng khẩu. Lập danh sách những gia đình có con em học tập, lao động ở những tỉnh, thành có dịch để vận động thực hiện nghiêm việc khai báo y tế khi trở về địa phương. Vậy nên nếu phát hiện ca mắc COVID-19 nào sẽ được tiến hành khoanh vùng, xử lý. 

Sở Y tế Đắk Lắk thông tin, từ 16h ngày 24/10 đến 16h ngày 25/10 trên địa bàn ghi nhận thêm 167 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó, huyện Lắk 53, TP. Buôn Ma Thuột 52, huyện Krông Búk 28, huyện Krông Ana 26, huyện Ea H'leo 02, huyện M'Đrắk 02, thị xã Buôn Hồ 02, huyện Krông Pắk 01, huyện Cư M'gar 01. Tổng số trường hợp mắc bệnh ghi nhận trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã lên 3.324 trường hợp (trong đó đang điều trị 1.353 trường hợp; 1.949 bệnh nhân điều trị khỏi bệnh, và 22 trường hợp đã tử vong).

Lãnh đạo trung tâm kiểm soát bệnh tật Đắk Lắk cho biết, một trong những khó khăn lớn đó là nhiều ca nhiễm không rõ nguồn lây. Địa phương đang tích cực điều tra, truy vết, triển khai cách ly y tế và lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan.

Để giảm tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng, ngành y tế địa phương cũng tiến hành theo dõi sát tình hình diễn biến điều trị. Cùng với đó, tuyên truyền với thực hiện thông điệp 5K đến từng người dân, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu.

Nguồn: 

https://suckhoedoisong.vn/chong-dich-covid-19-o-tay-nguyen-cac-dia-phuong-khan-truong-vao-cuoc-16921102519204319.htm

COVID-19 25/10: Nhiều địa phương phát hiện hàng trăm ca F0 trong cộng đồng, phải ứng phó khẩn
Những ngày qua, các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, và An Giang, Đắk Lắk đã ghi nhận hàng trăm ca F0, trong đó nhiều ca cộng đồng và chưa rõ nguồn lây.

Dịch COVID-19

H.A (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19