COVID-19 28/2: Lấy mẫu test nhanh cho người dân phát hiện 4.000 ca dương tính, nguy cơ lây nhiễm cao

H.A - Ngày 28/02/2022 14:44 PM (GMT+7)

Trong thời gian ngắn, qua lấy mẫu xét nghiệm, lực lượng chức năng đã phát hiện trên 4.000 ca mắc Covid-19 mới trong đó có gần 1.000 ca cộng đồng tại Nghệ An.

7 diễn biến

Test nhanh phát hiện trên 4.000 ca mắc Covid-19, thêm 6 bệnh nhân tử vong

Sáng 28-2, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Nghệ An, cho biết trong 12 giờ qua (từ 18 giờ ngày 27-2 đến 6 giờ ngày 28-2), tỉnh Nghệ An ghi nhận 1.459 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 258 ca cộng đồng; 1.201 ca đã được cách ly từ trước (1.173 ca là F1, 26 ca trong khu cách ly, 2 ca từ ngoại tỉnh có dịch về). Những địa phương có số bệnh nhân cao nhất trong 12 giờ qua: huyện Diễn Châu, huyện Nghi Lộc, TP Vinh, huyện Nghĩa Đàn và huyện Thanh Chương.

Lực lượng chức năng Nghệ An lấy mẫu test nhanh cho người dân.

Lực lượng chức năng Nghệ An lấy mẫu test nhanh cho người dân.

Trước đó, chiều 27-2, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Nghệ An, thông tin trong 12 giờ qua (từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 27-2), tại Nghệ An ghi nhận 2.562 ca Covid-19 mới. Trong đó có 718 ca cộng đồng; 1.844 ca đã được cách ly từ trước (1.837 ca là F1, 7 ca từ ngoại tỉnh có dịch về). 

Như vậy, trong 24 giờ qua, Nghệ An ghi nhận 4.021 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 976 ca cộng đồng. Trong 24 giờ qua tại Nghệ An ghi nhận 6 bệnh nhân mắc Covid-19 tử vong.

Tính từ đầu mùa dịch đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận 73.385 ca mắc Covid-19. Lũy kế số bệnh nhân điều trị đã khỏi bệnh, ra viện: 44.187 người. Lũy kế số bệnh nhân tử vong: 105 người, số bệnh nhân hiện đang điều trị: 29.093 người.

Trước diễn biến dịch phức tạp, tỉnh Nghệ An đã có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị kiểm soát việc tập trung đông người trái quy định và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định phòng, chống dịch. Ngoài ra, để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, lực lượng chức năng khuyến cáo người dân hạn chế tập trung đông người, thực hiện tốt "5K" và tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đầy đủ.

Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/test-nhanh-phat-hien-tren-4000-ca-mac-covid-19-them-6-benh-...

F0 gặp nhiều khó khăn khi xác nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm

Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội vừa có báo cáo một số vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 thuộc lĩnh vực Ủy ban Pháp luật phụ trách, gửi Tổ Công tác thực hiện Nghị quyết số 30 của Quốc hội.

Liên quan đến việc xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với người lao động điều trị mắc COVID-19 tại nhà, Uỷ ban Pháp luật cho biết, tại một số địa phương, nhiều lao động mắc COVID-19 tự điều trị tại nhà đang gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ hưởng chế độ ốm đau vì thủ tục rườm rà, mất nhiều thời gian.

Cụ thể, báo cáo nêu, theo quy định hiện hành, việc cấp giấy xác nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội do Trung tâm y tế cấp huyện thực hiện, trong khi các Trạm y tế cấp xã chỉ cấp giấy xác nhận hoàn thành cách ly hoặc giấy hoàn thành điều trị COVID-19 tại nhà. Người lao động không thể sử dụng giấy xác nhận của Trạm y tế cấp xã để tiến hành các thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội.

Người dân xếp hàng chờ khai báo F0 tại Trạm Y tế phường Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội)

Người dân xếp hàng chờ khai báo F0 tại Trạm Y tế phường Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội)

Đây là vấn đề đã được nhiều địa phương phản ánh đến Bộ Y tế đề nghị cần có hướng dẫn để giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động mắc COVID-19.

Uỷ ban Pháp luật cho biết, ngày 14/1/2022, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 238 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, Bộ LĐ,TB&XH, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các bệnh viện để hướng dẫn về hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động điều trị COVID-19.

Theo đó, Bộ Y tế cho rằng, hiện nay các văn bản pháp luật chưa có quy định dùng giấy tờ khác để thay thế giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội; chưa có quy định về việc chấp nhận những giấy tờ cấp chưa đúng quy định của pháp luật vẫn có giá trị để cơ quan bảo hiểm xã hội làm cơ sở quyết định hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động.

Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị trong thời gian chờ các văn bản được các cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung, các đơn vị cần thực hiện đúng các quy định của pháp luật có liên quan.

Uỷ ban Pháp luật cho rằng, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng điều chỉnh, sớm sửa đổi, hướng dẫn thực hiện các quy định về phòng, chống dịch một cách linh hoạt, phù hợp với thực tế, thích ứng an toàn, hiệu quả hơn nhất là đối với cấp cơ sở.

Trong đó, cần cải tiến quy trình khai báo, quản lý thông tin đối với người mắc COVID-19, tăng cường tin học hoá, thực hiện trực tuyến (ở các địa phương, gia đình có điều kiện) để hạn chế tiếp xúc, bảo vệ chính nhân viên y tế và mọi người trong cộng đồng.

Cùng với đó, cung cấp đủ vật tư y tế cho công tác phòng chống dịch; tăng chế độ, chính sách cho nhân viên y tế ở cơ sở; có sự sắp xếp nhân lực, có quy trình quản lý và chăm sóc người mắc COVID-19 hợp lý hơn, tạo điều kiện để người dân mắc bệnh nhận được sự chăm sóc hay tư vấn đầy đủ, kịp thời của y tế; giúp họ yên tâm hơn khi điều trị tại nhà.

Về việc cấp giấy xác nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với người mắc COVID-19 điều trị tại nhà, Uỷ ban Pháp luật cho rằng, để đảm bảo quyền lợi, giải quyết kịp thời chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động nhưng vẫn đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật và phù hợp với bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, Bộ Y tế cần phối hợp với các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, hướng dẫn, sửa đổi các văn bản theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành văn bản để giải quyết các vấn đề chưa được quy định trong các văn bản luật hoặc cần thực hiện khác với quy định của luật, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, sớm tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho công tác điều trị người mắc COVID-19 điều trị tại nhà.

Nguồn: https://tienphong.vn/f0-gap-nhieu-kho-khan-khi-xac-nhan-nghi-viec-huong-bao-hiem-post14...

Thủ tướng: Nghiên cứu tiêm vắc-xin mũi 4, tăng cường quản lý bệnh nhân Covid-19 tại nhà

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, tối 27-2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định dù trong thời chiến hay thời bình, sự tận hiến phục vụ đồng bào, chiến sĩ của các thầy thuốc và nhân viên y tế luôn để lại ấn tượng và sự biết ơn sâu sắc trong mỗi chúng ta. 

Nhìn lại hơn 2 năm đại dịch Covid-19 bùng phát và gây hệ lụy nghiêm trọng trên toàn cầu và nước ta, những “chiến sĩ áo trắng”, “anh hùng khoác áo blouse” luôn là hình ảnh đẹp về sự hy sinh, về y đức, về sự quả cảm, về tấm lòng nhân ái.

Thủ tướng cho rằng những “chiến sĩ áo trắng” luôn là hình ảnh đẹp về sự hy sinh, về y đức, về sự quả cảm - Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng cho rằng những “chiến sĩ áo trắng” luôn là hình ảnh đẹp về sự hy sinh, về y đức, về sự quả cảm - Ảnh: Nhật Bắc

"Chúng ta nhớ đến những cán bộ và nhân viên y tế hết mình phục vụ trong các cơ sở y tế, trong các khu cách ly, nhất là vào thời điểm dịch diễn biến phức tạp nhất ở TP HCM và các tỉnh phía Nam. Hơn 25.000 chuyên gia, cán bộ y tế, y bác sĩ, sinh viên các trường y dược đã không quản ngại vất vả và hiểm nguy lên đường hỗ trợ các địa phương. Chúng ta nhớ đến hình ảnh những nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ giữa mùa hè, ướt đẫm mồ hôi, những bàn tay nhăn nheo... Đặc biệt là những cử chỉ ân cần, vỗ về, an ủi thậm chí chăm sóc thay người nhà bệnh nhân trong lúc cứu chữa bệnh... "- Thủ tướng chia sẻ.

Cùng với đó là những bác sĩ và nhân viên y tế đã phục vụ chữa bệnh ở các cơ sở y tế cho nhân dân trên mọi miền Tổ quốc với tần suất làm việc không kể ngày đêm, gánh vác công việc gấp nhiều lần lúc bình thường do nhiều đồng nghiệp phải tăng cường phục vụ phòng, chống dịch Covid-19...

Hàng ngàn nhân viên y tế đã không quản ngại ngày đêm để thực hiện chiến dịch thần tốc tiêm chủng vắc-xin lớn chưa từng có trong lịch sử. Hiện nay, nước ta là một trong những nước có tỉ lệ tiêm chủng lớn nhất thế giới mặc dù việc tiếp cận vắc-xin Covid-19 rất khó khăn, dân số đông và tỉ lệ nhân viên y tế trên dân số còn thấp. 

"Tỉ lệ tiêm chủng cao là cơ sở để nước ta tự tin đưa cuộc sống dần trở lại bình thường, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2021, nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực; trong đó có đóng góp rất quan trọng của ngành y tế"- Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ rõ dịch Covid-19 đã làm bộc lộ những bất cập đối với hệ thống y tế của nước ta. Cơ sở vật chất nhất là hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở còn hạn chế, nhất là nguồn nhân lực; chế độ đãi ngộ với bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế còn chưa tương xứng; lực lượng bác sĩ và nhân viên y tế, độ phủ ở cơ sở còn thiếu.

"Sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn luôn là ưu tiên hàng đầu, là trăn trở của Đảng và Nhà nước. Chúng ta còn nhiều việc phải làm để đáp ứng hơn nữa kỳ vọng của nhân dân. Nhân dân mong muốn các cơ sở khám chữa bệnh sạch sẽ hơn, văn minh hơn, tiện lợi hơn; giá cả khám chữa bệnh, thuốc chữa bệnh, sinh phẩm, vật tư y tế được quản lý tốt hơn, công khai minh bạch hơn; cơ chế, chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội phù hợp và hiệu quả hơn…"- ông nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ "nghề y là một nghề đặc biệt". Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt".

Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành khẩn trương nghiên cứu đề xuất ban hành chính sách đặc thù đối với nhân viên y tế; xử lý các bất cập liên quan đến chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, quản lý giá về khám chữa bệnh, thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế, quản lý, quản trị các cơ sở y tế, tạo môi trường thuận lợi để khám và điều trị cho nhân dân.

Thủ tướng cho biết dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Để thực hiện "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19" tạo nền tảng quan trọng phục hồi nhanh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nhiệm vụ ngành y tế rất nặng nề.

Để giảm bớt vất vả cho đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế; đồng thời bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình và cộng đồng, mỗi người dân cần nêu cao ý thức "mỗi người vì mọi người" trong việc chấp hành các quy định y tế, phòng chống dịch, tiêm chủng… "Đây là nhân tố hết sức quan trọng và quyết định; là quyền lợi, nghĩa vụ và là trách nhiệm của mỗi người dân chúng ta"- Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho biết Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung cho Chương trình phòng, chống dịch Covid-19, chú trọng bảo vệ những người dễ bị tổn thương, người có nguy cơ cao, người ở tuyến đầu; không để khủng hoảng y tế, quá tải hệ thống y tế; tăng cường quản lý bệnh nhân từ sớm, từ xa, từ cơ sở, nhất là bệnh nhân tại nhà.

Bộ Y tế và các địa phương triển khai thần tốc hơn nữa tiêm chủng vắc-xin Covid-19, bảo đảm an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả; tập trung nghiên cứu việc tiêm mũi thứ 4, khẩn trương nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 5 tuổi đến 12 tuổi; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số; thúc đẩy nghiên cứu, xây dựng kịch bản ứng phó dịch bệnh, bảo đảm chủ động về thuốc điều trị.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương và kêu gọi nhân dân cả nước tiếp tục tập trung cao độ, hiệu quả, với tinh thần trách nhiệm cao nhất cho Chiến dịch tiêm chủng, trong đó đẩy mạnh việc tiêm vắc-xin cho trẻ em đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả để bảo vệ sức khỏe các cháu và giúp trẻ trở lại trường học an toàn.

Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/thu-tuong-nghien-cuu-tiem-vac-xin-mui-4-tang-cuong-quan-ly-...

Vì sao nhiều người có triệu chứng nhưng test Covid-19 vẫn âm tính?

Chia sẻ với Infonet, chị Vân Hà (Nam Từ Liêm) cho biết, chồng chị tham gia chống dịch thường xuyên không về nhà. Cách đây 1 tuần, anh về nhà nhưng đã chủ động ăn riêng, ngủ riêng… Hai hôm sau, khi cơ quan thực hiện làm xét nghiệm định kỳ, anh được xác định dương tính với SARS- CoV-2.

“Tôi và hai con xác định là F1. Đến nay đã được 5 ngày. Con trai thì không có biểu hiện gì, cháu vẫn khoẻ mạnh bình thường, còn tôi và con gái lớn thì có… đủ các biểu hiện. Con gái thì đau họng, rát cổ, đau đầu kèm khó thở còn tôi thì ngoài các biểu hiện đó ra thêm ho, ngứa họng, buồn nôn.

Nhưng rất lạ ngay khi biết chồng dương tính 3 mẹ con đã lôi nhau ra test thì… đều âm. Từ hôm ấy đến giờ, ngày nào ba mẹ con cũng test nhưng kết quả vẫn chỉ một vạch.

Thời gian cách ly đã đủ 5 ngày. Không biết tôi có thể ra ngoài được chưa hay vẫn phải tiếp tục cách ly tiếp? Với kết quả âm tính như thế, liệu có nên làm xét nghiệm PCR để xác định chính xác hay không?”, chị Hà thắc mắc.

Về vấn đề này, bác sĩ Lê Xuân Thắng, nguyên bác sĩ Khoa Nội tiêu hoá Bệnh viện Quân y 103, quản trị viên nhóm bác sĩ Quân y hỗ trợ F0 ở Hà Nội cho biết, kết quả âm tính khi tự test nhanh của người dân sau 3-5 ngày có biểu hiện hay với F1 sau 5 ngày cách ly có nhiều khả năng xảy ra.

Thứ nhất là do kỹ thuật tự lấy mẫu của người dân không chuẩn, dẫn đến kết quả không đúng. Việc làm này cho kết quả âm tính giả. Nếu chủ quan vẫn sinh hoạt bình thường sẽ là mầm mống gây lây lan dịch bệnh.

Thứ hai có thể là do người dân mua phải các kit test không đảm bảo chất lượng, do đó dù lấy mẫu đúng nhưng cho ra kết quả cũng có thể sai. Người dân chủ quan thì cũng gián tiếp lây lan dịch bệnh.

“Thời điểm này Hà Nội đang trải qua những đợt rét đậm, do đó rất dễ nhầm giữa Covid-19 với nhiễm lạnh và viêm họng bình thường như mọi khi khiến người dân chủ quan không tuân thủ nghiêm các biện pháp 5K phòng bệnh. Điều này rất nguy hiểm.

Do đó, các trường hợp có biểu hiện đau rát họng, triệu chứng viêm hô hấp trên, nếu test âm tính cũng chủ động cách ly và liên hệ với nhân viên y tế để được test đảm bảo kết quả chính xác. Để đảm bảo chính xác hơn, người dân có thể làm xét nghiệm PCR để khẳng định”, bác sĩ Lê Xuân Thắng khuyến cáo.

Với những trường hợp được xác định là F1 đã thực hiện cách ly 5 ngày theo quy định của Bộ Y tế, test nhanh âm tính nhưng bắt đầu xuất hiện triệu chứng, bác sĩ Thắng cho rằng nên tiếp tục tự cách ly theo dõi. Vì với những biểu hiện triệu chứng (đau họng, ho, rát cổ, đau nhức người, đau đầu…) thì vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh.

Theo các chuyên gia y tế, kết quả âm tính giả có thể khiến tính mạng của bạn cũng như những người khác gặp nguy hiểm. Việc không được điều trị kịp thời có thể làm tăng nguy cơ mắc các triệu chứng nghiêm trọng và phải nhập viện. Một người bệnh cũng có thể truyền virus cho những người xung quanh. 

Nếu bạn đã tiếp xúc với người được chẩn đoán mắc Covid-19 hoặc có bất kỳ triệu chứng nghiêm trọng nào, hãy tự cách ly ngay lập tức. Nếu kết quả âm tính, dù test nhanh hay rRT-PCR, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ, có thể làm các xét nghiệm khác để xác nhận sự hiện diện của virus trong cơ thể. Những trường hợp này nên cách ly, tiếp tục xét nghiệm nhanh tại nhà hoặc rRT-PCR vào 2 ngày sau đó

Bác sĩ CK I Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng lưu ý thêm, sau khi tiếp xúc với F0, điều đầu tiên chúng ta cần làm là súc họng bằng nước muối sinh lý.

Sau đó F1 cần súc họng với dung dịch sát khuẩn Povidone1% hoặc Chlorhexidin từ 0,12 đến 0,2%, sau đó tiếp tục súc họng nước muối sinh lý để tiêu diệt virus. Mọi người có thể thực hiện 4-5 lần/ngày. Đồng thời cần hạn chế tiếp xúc với người khác và tuân thủ nguyên tắc 5K.

Nếu trong gia đình có người nhiễm Covid-19 chúng ta nên khử khuẩn, xông phòng. Tuy nhiên, việc xông hơi cho bản thân không có tác dụng chống phơi nhiễm mà chỉ có tác dụng khi người nhiễm Covid- 19 bị sốt nhẹ, mệt không ra mồ hôi thì xông thải mồ hôi, thải chất độc ra đỡ mệt. Không nên xông 1 lần/ngày, xông hơi nhiều sẽ mất nhiệt, mất điện giải gây ra mệt mỏi.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/vi-sao-nhieu-nguoi-co-trieu-chung-nhung-test-covid-19-van-am...

Nhật Bản cân nhắc gia hạn biện pháp phòng chống dịch Covid-19 ở Tokyo

gày 27/2, Nhật Bản ghi nhận tổng cộng 63.703 ca nhiễm mới trên toàn quốc, giảm 7.700 ca so với 1 tuần trước đó, và 143 người tử vong vì dịch Covid-19. Số bệnh nhân Covid-19 nặng cũng giảm 25 ca so với một ngày trước đó, xuống còn 1.482 người.

Riêng tại Thủ đô Tokyo ghi nhận thêm 10.321 ca nhiễm mới, giảm 2.614 ca so với một tuần trước đó. Đây là ngày thứ 8 liên tiếp, số ca nhiễm mới ở Tokyo giảm.

COVID-19 28/2: Lấy mẫu test nhanh cho người dân phát hiện 4.000 ca dương tính, nguy cơ lây nhiễm cao - 4

Tính chung tuần từ 21-27/2, số ca nhiễm mới ở Tokyo bình quân là 11.141,7 ca/ngày, giảm 24,7% so với một tuần trước đó.

Trong bối cảnh số ca nhiễm mới có xu hướng giảm nhưng tốc độ giảm khá chậm, không ít chuyên gia y tế lo ngại về khả năng dịch bệnh có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào.

Thêm vào đó, tỉ lệ sử dụng giường dành riêng cho các bệnh nhân Covid-19 ở 10 tỉnh, thành, gồm: Thủ đô Tokyo và các tỉnh Saitama, Chiba, Kanagawa, Gifu, Aichi, Mie, Kyoto, Osaka và Hyogo vẫn trên 50%. Do vậy, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ gia hạn các biện pháp phòng dịch trọng điểm ở 10 tỉnh, thành này.

Dự kiến, Thủ tướng Kishida Fumio sẽ trao đổi với thống đốc các tỉnh, thành trên để tìm hiểu về tình hình dịch bệnh và tham vấn với các chuyên gia y tế trước khi đưa ra quyết định gia hạn các biện pháp phòng dịch trọng điểm thêm khoảng 2 tuần trước khi các biện pháp này hết hạn vào ngày 6/3.

Trong một diễn biến liên quan khác, dù tình hình dịch vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống nhưng Chính phủ Nhật Bản đã quyết định nới lỏng các biện pháp nhập cảnh mà nước này đã áp dụng từ tháng 11/2021.

Ngày 17/2 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế nhập cảnh đối với người nước ngoài. Theo quyết định này, ngoại trừ những trường hợp nhập cảnh vì mục đích du lịch, người nước ngoài có thể xin cấp tư cách lưu trú mới và được phép nhập cảnh vào Nhật Bản bắt đầu từ ngày 1/3. Số lượng người được nhập cảnh mỗi ngày cũng được tăng từ 3.500 lên 5.000 người và có thể tăng thêm tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh.

Sau khi nhập cảnh, thời gian cách ly sẽ được rút ngắn còn 3 ngày nếu đáp ứng được một số điều kiện nhất định như người nhập cảnh đã tiêm mũi vắc-xin ngừa Covid-19 tăng cường và có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 vào ngày thứ 3 sau khi nhập cảnh.

Trong trường hợp đã tiêm mũi vắc-xin ngừa Covid-19 tăng cường, đồng thời tình hình dịch bệnh nơi người nhập cảnh lưu trú đã ổn định, người nhập cảnh có thể được xem xét miễn cách ly sau khi nhập cảnh.

Nhật Bản đã nới lỏng các biện pháp hạn chế nhập cảnh nhưng Chính phủ nước này vẫn hết sức thận trọng, cho biết chỉ thực hiện nới lỏng theo từng bước, mức độ sẽ tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh trong và ngoài nước cũng như tiến độ tiêm mũi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tăng cường ở trong nước.

Các số liệu thống kê của Chính phủ Nhật Bản cho thấy, tiến độ tiêm mũi bổ sung ở nước này đang khá chậm và vẫn chưa đạt được mục tiêu mỗi ngày tiêm một triệu mũi bổ sung mà Thủ tướng Kishida đặt ra hôm 7/2.

Tính tới ngày 23/2, mới có gần 20,88 triệu người ở Nhật Bản được tiêm mũi thứ 3, chiếm khoảng 20,8% trong tổng số người đã tiêm đủ 2 mũi. Cho tới thời điểm này, ngày 19/2 là ngày ghi nhận số lượng mũi tiêm bổ sung lớn nhất ở Nhật Bản - 890.000 mũi.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/nhat-ban-can-nhac-gia-han-bien-phap-phong-chong-dich-covid-1...

Số ca nhiễm Covid-19 ở Bình Dương tăng cao trở lại

Chiều ngày 27/2, Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, trong ngày tỉnh này ghi nhận 799 ca nhiễm Covid-19.

Trong số ca bệnh ghi nhận, Thủ Dầu Một 54 ca, thị xã Bến Cát 361 ca, Tp.Thuận An 130 ca, thị xã Tân Uyên 41 ca, huyện Dầu Tiếng 147 ca, huyện Bắc Tân Uyên 17 ca, huyện Phú Giáo 21 ca và Bàu Bàng 23 ca. Người từ các tỉnh, thành khác đến tỉnh Bình Dương phát hiện nhiễm Covid-19 là 5 ca.

Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Bình Dương, từ ngày 23/2 đến 27/2 số ca mắc Covid-19 trên toàn tỉnh đang tăng. Cụ thể ngày 23/2 ghi nhận 373 ca, ngày 24/2 ghi nhận 577 ca, ngày 25/2 ghi nhận 339 ca và ngày 26/2 ghi nhận 696 ca.

Tính đến 17h ngày 27/2, tỉnh Bình Dương đã triển khai tiêm được 5.928.977 liều vắc-xin phòng Covid-19, trong đó có 2.622.931 liều mũi 1; 2.142.792 liều mũi 2 và 1.163.254 liều mũi 3. Trong đó đã tiêm được 345.021 liều vắc -xin cho trẻ từ 12 - 17 tuổi.

Trao đổi với Người Đưa Tin, bác sĩ Huỳnh Minh Chín - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, những ngày qua số ca nhiễm trong cộng đồng ghi nhận tăng trở lại, có những người đã tiêm 3 mũi vắc-xin vẫn có nguy cơ nhiễm, tuy nhiên các triệu chứng, biểu hiện của bệnh rất nhẹ.

Trung tâm kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bình Dương (CDC Bình Dương) cũng khuyến cáo người dân cần phải chủ động trong công tác phòng chống dịch, luôn đeo khẩu trang, sát khuẩn và hạn chế tiếp xúc nơi đông người nếu không thực sự cần thiết.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/so-ca-nhiem-covid-19-o-binh-duong-tang-cao-tro-lai-a544545.h...

Yên Bái thêm gần 2.000 ca mắc mới, nhiều ca phát hiện qua giám sát ho, sốt cộng đồng

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Yên Bái, liên tiếp những ngày qua số ca mắc trên địa bàn tăng mạnh với trung bình hơn 1.900 ca mới mỗi ngày. Tính trong 24 giờ qua (27/2) trên địa bàn tỉnh ghi nhận 1.994 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, 422 trường hợp phát hiện qua lấy mẫu giám sát ho, sốt cộng đồng.

Lũy kế, tính từ 27/11/2021 tới nay, Yên Bái đã ghi nhận tới hơn 19.000 bệnh nhân COVID-19. Hiện tại, tỷ lệ người lớn đã tiêm ít nhất 01 mũi đạt trên 99%; tiêm từ 2 mũi trở lên đạt trên 99% (trong đó: tiêm 3 mũi vaccine đạt 88,8%).

Tình hình dịch COVID-19 tại Yên Bái thời gian qua diễn biến phức tạp khi số ca mắc mới mỗi ngày liên tục "lập đỉnh" và hiện duy trì quanh ngưỡng 2.000 ca mỗi ngày. Sở Y tế cho biết, hiện cơ quan chức năng đang thực hiện triển khai công tác giám sát cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm để nhanh chóng xác định các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao.

Trước đó, hôm qua tỉnh Yên Bái vừa công bố cấp độ dịch khi toàn tỉnh hiện đã chuyển sang "màu cam" tương ứng với cấp độ dịch 3. Để triển khai các phương án chống dịch hiệu qua, ngành y tế tỉnh yêu cầu người dân thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K của bộ Y tế. Đồng thời, thực hiện việc tiêm vaccine cùng sử dụng đúng thuốc điều trị theo hướng dẫn, nâng cao ý thức để giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Ngoài ra, thực hiện hạn chế tối đa tập trung đông người tụ tập ăn uống. Đối với việc tổ chức đám cưới, đám hỏi, đám hiếu tuân thủ theo đúng hướng dẫn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với từng địa bàn theo cấp độ dịch.

Kịp thời phản ánh với các cơ quan chức năng các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Nếu có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, khứu giác… hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, lấy mẫu xét nghiệm và điều trị.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/yen-bai-them-gan-2000-ca-mac-moi-hang-tram-truong-hop-phat-hi...

COVID-19 27/2: F0 tăng chóng mặt, khi nào dịch COVID-19 tại Hà Nội đạt đỉnh?
Sáng nay (27/2), Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 Hà Nội đã chủ trì phiên họp trực tuyến với các quận...

Dịch COVID-19

H.A (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19