Sáng nay (27/2), Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 Hà Nội đã chủ trì phiên họp trực tuyến với các quận huyện, xã phường để chỉ đạo các giải pháp kịp thời trước tình hình dịch bệnh gia tăng.
8 diễn biến
F0 tăng chóng mặt, khi nào dịch COVID-19 tại Hà Nội đạt đỉnh?
Hà Nội dự báo nửa tháng nữa đến đỉnh dịch
Tại phiên họp, ông Chu Ngọc Anh nêu rõ, diễn biến dịch bệnh rất phức tạp và Hà Nội đã có ngày trên 10.000 ca mắc Covid-19; 74 xã phường (12/8%) đã chuyển sang cấp độ 3.
Tuy nhiên số bệnh nhân thể nhẹ, không triệu chứng chiếm đa số 96%, (trong đó 95% tổng số ca nhiễm điều trị tại nhà); TP.Hà Nội luôn theo dõi, nắm bắt chặt diễn biến dịch bệnh, số chuyển tầng, số ca điều trị tầng 2, tầng 3 vẫn được kiểm soát.
"Diễn biến này mang đến áp lực ngày càng tăng cho y tế các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở. Trong đó gánh nặng đang là thủ tục xác nhận F0 và khỏi bệnh trong khi chúng ta vẫn phải tiếp tục tập trung rà soát đối tượng nguy cơ, người già có bệnh nền… chưa được tiêm đủ mũi.
Bên cạnh đó là nguy cơ lây nhiễm với lực lượng tuyến đầu… Vì vậy, cuộc họp lần này chính là để chính quyền các cấp từ Thành phố đến xã phường làm thế nào có giải pháp thiết thực trong tình hình mới để giảm tải, chia sẻ với y tế cơ sở để phục vụ nhân dân tốt nhất" - ông Chu Ngọc Anh nói.
Theo Chủ tịch Hà Nội, các chuyên gia đánh giá có thể nửa tháng nữa Hà Nội sẽ đến đỉnh dịch Covid-19. Ảnh: TA
Người đứng đầu chính quyền Hà Nội nhắc lại các chỉ đạo mới nhất của Thường trực Thành ủy, Công điện 02 của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội và nêu rõ: Với nhiều khó khăn, thách thức, việc tổ chức thực hiện từ Thành phố đến cơ sở rất quan trọng.
Hiện Hà Nội đang khẩn trương giải trình tự gene để đánh giá mức độ chủng Omicron (chờ kết quả từ Viện Vệ sinh dịch tễ).
"Việc giải trình tự gene chậm, nhưng trên thực tế có thể nhận định, hiện Hà Nội đã lưu hành Omicron song hành với Delta và có thể đã chiếm đa số bởi tốc độ lây lan Covid-19 hiện nay rất nhanh.
Theo các chuyên gia đánh giá, nửa tháng nữa số ca mắc ở Hà Nội vẫn sẽ tiếp tục tăng cao và khả năng có thể đạt đỉnh trong nửa tháng nữa tùy vào các biện pháp phòng, chống dịch. Thành phố cũng đánh giá đây là thách thức, áp lực và khó khăn rất lớn đối với hệ thống y tế cơ sở nếu không kịp thời đưa ra các giải pháp công nghệ cùng ý thức người dân" - ông Chu Ngọc Anh cho hay.
Sử dụng phần mềm quản lý người mắc Covid-19
Theo Chủ tịch Hà Nội, các đơn vị chức năng của Thành phố phải có hướng dẫn, thích ứng cụ thể với tình hình, sát sao. Phải thường xuyên theo dõi, nắm rõ con số bao nhiêu trường hợp bệnh nhân thể nhẹ, điều trị tại nhà; tập trung cao độ vào các trường hợp chuyển tầng, thể nặng.
"Chủ tịch các quận huyện xã phường phải "đốc" đến tận nhà, nắm rõ và cập nhật liên tục các con số trên" - ông Chu Ngọc Anh giao nhiệm vụ.
Đáng chú ý, ngay trong ngày hôm nay, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu Giám đốc Sở Y tế chủ trì lập ngay Tổ công tác liên ngành của Ban Chỉ đạo Thành phố với đầu mối rõ, gọn nhẹ nhất để kiểm tra, báo cáo hàng ngày các phần việc cụ thể mọi mặt công tác "nóng".
"Những hướng dẫn thích ứng, kiểm soát nhóm nguy cơ cao, số liệu chuyển tầng, điều trị tại cơ sở y tế hàng ngày; thích ứng với các hoạt động đi học trực tiếp, các cơ quan hành chính để vẫn đảm bảo hiệu quả công việc, đảm bảo việc học tập của học sinh" - ông Chu Ngọc Anh nói rõ.
Liên quan đến việc hệ thống y tế cơ sở quá tải khi 8/10 nhân lực ở trạm y tế đang phải tập trung giảm tối đa các thủ tục hành chính xác nhận F0, thanh toán bảo hiểm… Chủ tịch Hà Nội nêu rõ giải pháp: "Sử dụng phần mềm quản lý người nhiễm Covid-19 hiệu quả nhất. Khó khăn ở đâu tháo gỡ ở đấy; yêu cầu liên ngành Y tế và Thông tin và Truyền thông, các cơ quan liên quan, nghiên cứu, hướng dẫn áp dụng ngay để rút ngắn quy trình để giúp người dân giải quyết các khó khăn, vướng mắc".
Đối với hệ thống y tế cơ sở cần "Kiểm soát thường xuyên hàng ngày. Cần định lượng rõ, 1 cán bộ, nhân viên y tế mỗi ngày chăm lo được bao nhiêu F0. Có chỉ tiêu cụ thể, từ đó sẽ định lượng rõ cần bao nhiêu nhân lực mỗi ngày. Để điều phối, hỗ trợ kịp thời.
Chú trọng vận động sự vào cuộc của các lực lượng tình nguyện, thanh niên, mặt trận đoàn thể…
Các quận, huyện, thị xã tiếp tục đánh giá số liệu (quan tâm đặc biệt đến nhóm nguy cơ cao, phụ nữ mang thai, trẻ em chưa được tiêm, số F0 là trẻ em) thường xuyên đánh giá, điều chỉnh các hoạt động; có thể điều chỉnh việc đi học trực tiếp của học sinh khối lớp 1 đến lớp 6 sang hình thức học trực tuyến, đảm bảo an toàn cho các cháu theo đề xuất của Giám đốc Sở GDĐT).
Chủ tịch Hà Nội cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, thị xã, rà soát ngay, thực hiện đầy đủ chính sách chế độ với các cán bộ y tế…
"Thành phố cùng các sở ngành cộng đồng trách nhiệm với cơ sở, tháo gỡ khó khăn ngay trong mai kia để các đồng chí tập trung vào công tác chuyên môn trong tình hình mới" - ông Chu Ngọc Anh nói.
Nguồn: https://danviet.vn/chu-tich-chu-ngoc-anh-ha-noi-co-the-nua-thang-nua-se-den-dinh-dich-c... Nguồn: https://danviet.vn/chu-tich-chu-ngoc-anh-ha-noi-co-the-nua-thang-nua-se-den-dinh-dich-covid-19-20220227123225653.htm
Ca Covid-19 liên tiếp lập đỉnh, Hà Nội không thể chủ quan được nữa!
Hiện nay Hà Nội số ca mắc đã trên 10 nghìn ca, tuy nhiên đây có thể chưa phải là con số đánh giá đúng thực tế, bởi còn nhiều trường hợp mắc Covid-19 nhưng không khai báo y tế.
Dù có ý kiến cho rằng đến lúc không cần thiết lưu tâm đến số ca mắc mà cần tập trung vào số ca trở nặng, tử vong, nhưng theo tôi, dự báo số mắc rất quan trọng.
Làm công tác dịch tễ mà không nắm được số ca bệnh thì sao dự báo được xu thế phát triển của dịch? Đặc biệt trong tình hình dịch phức tạp, số ca bệnh tăng nhiều, nếu không có số liệu cụ thể, khi F0 tăng quá cao sẽ gây ra quá tải hệ thống y tế.
Người nhiễm Coivd-19 xếp hàng đi test để được công nhận là F0 tại Trung tâm y tế phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội
Chỉ khi biết số ca bệnh mỗi ngày, mỗi tháng bao nhiêu thì cơ quan dịch tễ học mới đánh giá được dịch và đưa ra dự báo và có biện pháp phòng dịch phù hợp. Do vậy, chúng ta vẫn phải thống kê báo cáo số ca bệnh, dù có thể không công bố hàng ngày.
Ngoài số ca mắc tăng, số tử vong vì Covid-19 tại Hà Nội cũng bắt đầu tăng, với 24 ca trong ngày 26/2. Thường số ca nặng và tử vong đi sau số ca mắc tăng cao một thời gian.
Hà Nội không thể chủ quan được nữa, dù vẫn tiếp tục mở cửa các hoạt động nhưng cần tăng cường cấp độ an toàn. Nếu không tăng cường các biện pháp kiểm soát, nguy cơ dịch ở Hà Nội bùng lên là hiện hữu.
Tình hình hiện nay cũng cho thấy có thể biến chủng Omicron đã hình thành và bắt đầu làn sóng mới. Cho dù với Omicron được đánh giá với triệu chứng nhẹ hơn nhưng với tốc độ lây lan mạnh, việc không kiểm soát tốt tốc độ dịch cũng sẽ kéo theo hệ lụy về ca nặng tăng, số tử vong tăng, khủng hoảng về nguồn nhân lực của hệ thống y tế...
Bài học nhìn từ nhiều nước trên thế giới khi làn sóng Omicron trải qua, gây thiếu hụt nhân viên y tế do nhiễm Covid-19 khiến hệ thống y tế quá tải. Và với Việt Nam, hệ thống y tế vốn đã khó khăn, sắp tới dễ đối mặt với khủng hoảng về nhân lực.
Dự báo trong 2-3 tuần tới, dịch Covid-19 với làn sóng mới và nhiều khả năng chưa thể đi xuống.
Với Hà Nội, ngay bây giờ không chủ quan được nữa và dù không cấm nhưng cần có biện pháp mạnh mẽ hơn, không tụ tập đông người, các hoạt động nếu số người tập trung quá đông cần phải dừng lại; người dân cần thực hiện 5 K thật tốt; tại các công sở tăng cường họp, làm việc online…
Đồng thời, cần đẩy mạnh hơn nữa ý thức phòng chống dịch an toàn, những hoạt động không thiết yếu mà có nguy cơ cao cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn, và chưa thể coi Covid-19 như bệnh lý thông thường…
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/ca-covid-19-lien-tiep-lap-dinh-ha-noi-khong-the-chu-quan-du... Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/ca-covid-19-lien-tiep-lap-dinh-ha-noi-khong-the-chu-quan-duoc-nua-d543909.html
Nam thanh niên F0 trốn cách ly ra ngoài mua ma túy về xài
Ngày 26-2, thông tin từ Công an huyện Anh Sơn, Nghệ An cho biết đang tạm giữ Hoàng Khắc Quân (SN 1997), trú tại xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, để điều tra, làm rõ hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy.
Hoàng Khắc Quân tại cơ quan công an - Ảnh: Công an cung cấp
Trước đó, vào trưa ngày 24-2, tại khu vực thôn 4, xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy Công an huyện Anh Sơn phối hợp cùng Công an xã Hội Sơn bắt giữ Hoàng Khắc Quân về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Khám xét tại chỗ, lực lượng công an thu giữ 4,65 gram ma túy tổng hợp.
Được biết, vào thời điểm bị bắt giữ, Hoàng Khắc Quân mắc Covid-19 và đang thực hiện cách ly y tế tại nhà theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, nam thanh niên F0 này vẫn tự ý trốn ra khỏi nhà để đi mua ma túy về sử dụng.
Hiện cơ quan công an đang hoàn tất hồ sơ xử lý Hoàng Khắc Quân trước pháp luật.
Nguồn: https://nld.com.vn/phap-luat/nam-thanh-nien-f0-tron-cach-ly-ra-ngoai-mua-ma-tuy-ve-xai-... Nguồn: https://nld.com.vn/phap-luat/nam-thanh-nien-f0-tron-cach-ly-ra-ngoai-mua-ma-tuy-ve-xai-20220226164644012.htm
Nghệ An thêm 4030 ca nhiễm Covid-19, có 867 ca cộng đồng
Tối 26/02/2022, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Nghệ An, trong 24 giờ qua Nghệ An ghi nhận 4030 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 867 ca cộng đồng, 9 ca tử vong.
Cụ thể, từ 18h00 ngày 25/02/2022 đến 06h00 ngày 26/02/2022, Nghệ An ghi nhận 1.461 ca dương tính mới với Covid-19. Trong đó có 231 ca cộng đồng; 1.230 ca đã được cách ly từ trước (1.225 ca là F1, 5 ca từ ngoại tỉnh có dịch về).
Số địa phương có số bệnh nhân cao nhất: Hoàng Mai, Tp.Vinh, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Diễn Châu... Số ca tử vong qua là 5 bệnh nhân. Tất cả 5 ca đều là người già yếu, có bệnh nền (>70 tuổi).
Từ 06h00 đến 18h00 ngày 26/02/2022), Nghệ An ghi nhận 2.569 ca dương tính mới với Covid-19. Trong đó có 636 ca cộng đồng; 1.933 ca đã được cách ly từ trước (1.922 ca là F1, 11 ca từ ngoại tỉnh có dịch về).
Số địa phương có số bệnh nhân cao nhất: Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Tp.Vinh, Nam Đàn. Số ca tử vong 4 bệnh nhân. Tất cả 4 bệnh nhân đều là người có bệnh nền (từ 60-70 tuổi 01 bệnh nhân, >70 tuổi 3 bệnh nhân).
Lực lượng ngành y tế lấy amaux xét nghiệm cho người dân.
Lũy kế từ đầu mùa dịch đến nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 67.967 ca mắc Covid-19. Lũy kế số bệnh nhân điều trị đã khỏi bệnh, ra viện 41.917 bệnh nhân. Lũy kế số bệnh nhân tử vong 99 bệnh nhân. Số bệnh nhân hiện đang điều trị 25.951 bệnh nhân.
Ngày 25/2, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định phân bổ 700 tấn gạo cho UBND các huyện và thị xã để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19.
Theo đó, mỗi nhân khẩu trong hộ thiếu đói sẽ được hỗ trợ 15kg gạo. Các địa phương có nhiều người bị thiếu đói được hỗ trợ gạo gồm huyện Quế Phong được hỗ trợ 183.960 kg gạo, Quỳ Châu: 102.105 kg gạo; Quỳ Hợp: 53.805 kg gạo; Nghĩa Đàn: 13.965 kg gạo; Thị xã Thái Hòa: 3.150 kg gạo; Kỳ Sơn: 69.435 kg gạo; Tương Dương: 16.530 kg gạo; Con Cuông: 22.320 kg gạo; Anh Sơn: 26.685 kg gạo; Đô Lương: 1.380 kg gạo; Tân Kỳ: 1.250 kg gạo; Thanh Chương: 111.300 kg gạo; Nam Đàn: 15.810 kg gạo; Hưng Nguyên: 6.780 kg gạo; Diễn Châu: 23.355 kg gạo; Nghi Lộc: 26.010 kg gạo; Tx.Cửa Lò: 22.155 kg gạo.
UBND tỉnh đề nghị Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nghệ Tĩnh tổ chức vận chuyển, giao gạo trực tiếp tại Trung tâm các huyện, thị xã đảm bảo chất lượng, kịp thời; việc vận chuyển gạo cho các huyện, thị xã hoàn thành trước ngày 04/3/2022.
UBND tỉnh giao Chủ tịch UBND các huyện, thị xã tổ chức tiếp nhận gạo từ Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nghệ Tĩnh để kịp thời cấp phát gạo cho UBND các xã, phường, thị trấn theo danh sách đã được UBND các huyện phê duyệt và số lượng UBND tỉnh đã phân bổ cho các huyện để cấp phát cho nhân dân bị thiếu đói; chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra việc tiếp nhận, cấp gạo cho các hộ gia đình thuộc diện thiếu đói tại các xã, phường, thị trấn đảm bảo kịp thời, đúng quy định; việc cấp phát gạo cho nhân dân hoàn thành trước ngày 06/3/2022. Đồng thời, chủ động trích ngân sách địa phương để vận chuyển kịp thời gạo cứu đói cho nhân dân từ trung tâm huyện, thị đến trung tâm xã và các bản đối với các huyện vùng núi cao.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan đôn đốc, kiểm tra UBND các huyện, thị xã trong việc cấp phát gạo cứu đói cho người dân đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định. Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh quyết định hỗ trợ kinh phí vận chuyển gạo cứu đói cho nhân dân.
Hơn một tháng trước, ngày 21/1, UBND tỉnh cũng mới phân bổ 1.140 tấn gạo cho các huyện để hỗ trợ người dân thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/nghe-an-them-4030-ca-nhiem-covid-19-co-867-ca-cong-dong-a544... Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/nghe-an-them-4030-ca-nhiem-covid-19-co-867-ca-cong-dong-a544436.html
Hà Nội thu giữ hàng nghìn que test nhanh COVID-19, máy đo SpO2 vi phạm
Theo thông tin từ Tổng Cục quản lý thị trường, trong ngày 25/2, lực lượng QLTT Hà Nội tiếp tục thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt đối với các mặt hàng thiết bị y tế, phòng chống dịch bệnh COVID-19. Theo đó, các Đội QLTT đã phát hiện thu giữ trên 5.000 que test nhanh COVID-19, 600 máy đo nồng độ oxy trong máu có dấu hiệu vi phạm.
Kiểm tra kho hàng của Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ kỹ thuật TNT (tại địa chỉ số 5, lô A.2, khu đô thị mới Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội, Đội QLTT số 13), Cục QLTT TP Hà Nội đã phát hiện và tạm giữ 5.000 bộ kit test nhanh COVID-19 do nước ngoài sản xuất; 600 máy đo nồng độ oxy trong máu. Ước tính lô hàng có trị giá khoảng 300 triệu đồng.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ sở hữu lô hàng có xuất trình đầy đủ hóa đơn chứng từ. Tuy nhiên trên sản phẩm không có đầy đủ nhãn phụ theo quy định của pháp luật. Đội QLTT số 13 đã tiến hành các thủ tục tạm giữ toàn bộ lô hàng. Theo dự kiến, đơn vị vi phạm sẽ bị phạt hành chính 30,5 triệu đồng.
Cũng trong ngày 25/2/2022, Đội QLTT số 11, Cục QLTT TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra Nhà thuốc Big Family Pharmacy tại địa chỉ số 88 đường Phú Cường, P. Phú Lương, Hà Đông. Tại thời điểm kiểm tra, Đội đã phát hiện tại Nhà thuốc đang bày bán 130 bộ kit test nhanh COVID-19 Rapid Antigen Test không có nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định. Đội QLTT số 11 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số kit test để xử lý theo quy định.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/ha-noi-thu-giu-hang-nghin-que-test-nhanh-covid-19-may-do-spo2... Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/ha-noi-thu-giu-hang-nghin-que-test-nhanh-covid-19-may-do-spo2-vi-pham-169220226150121309.htm
Ca mắc COVID-19 tăng mạnh, 74 xã phường ở Hà Nội thành "vùng cam"
UBND thành phố Hà Nội vừa có thông báo đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP (cập nhật đến 9h ngày 25/2).
Theo đó, có 283 xã, phường, thị trấn cấp độ 1 (giảm 216 xã, phường so với tuần trước); 222 xã, phường cấp độ 2 (tăng 142 xã, phường). Đặc biệt, Hà Nội hiện có và có 74 xã, phường, thị trấn nào ở cấp độ 3 - màu cam, nguy cơ cao, tăng 74 đơn vị so với tuần trước, đồng thời không có địa bàn nào ở cấp độ 4 - màu đỏ, nguy cơ rất cao.
Cụ thể, 74 xã, phường, thị trấn dịch diễn biến phức tạp, đánh giá cấp độ dịch từ mức cấp độ 3 trở lên như sau: Ba Đình 2 đơn vị, Bắc Từ Liêm 4 đơn vị, Chương Mỹ 5 đơn vị, Đan Phượng 3 đơn vị, Đông Anh 8 đơn vị, Đống Đa 1 đơn vị, Gia Lâm 2 đơn vị, Hà Đông 3 đơn vị, Hai Bà Trưng 2 đơn vị, Hoài Đức 3 đơn vị, Hoàn Kiếm 1 đơn vị, Hoàng Mai 1 đơn vị, Long Biên 3 đơn vị, Mê Linh 5 đơn vị, Nam Từ Liêm 6 đơn vị, Quốc Oai 2 đơn vị, Sóc Sơn 5 đơn vị, Tây Hồ 1 đơn vị, Thạch Thất 8 đơn vị, Thanh Oai 2 đơn vị, Thanh Trì 3 đơn vị, Thanh Xuân 1 đơn vị, Thường Tín 3 đơn vị.
Ngoài ra, trong số 505 xã, phường, thị trấn còn lại, có 222 đơn vị đạt cấp độ 2 và 283 đơn vị đạt cấp độ 1. Với những xã, phường, thị trấn đạt cấp độ 2 có mức độ lây nhiễm ở mức 3 và khả năng đáp ứng ở mức cao. Những xã, phường, thị trấn đạt cấp độ 1 có mức độ lây nhiễm ở mức 1-2 và khả năng đáp ứng ở mức cao.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong những ngày gần đây, tình hình dịch trên địa bàn thành phố gia tăng. Số ca mắc COVID-19 dao động trong khoảng từ 8.000-9.000 ca/ngày. Riêng ngày 25/2, Hà Nội ghi nhận số ca mắc kỷ lục lên tới hơn 9.800 ca/ngày.
Trước tình hình đó, tối 24/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký Công điện hỏa tốc đề nghị mỗi người dân tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ và thành phố; thực hiện thông điệp 5K, hạn chế tụ tập đông người không cần thiết, thường xuyên theo dõi sức khỏe, trang bị kiến thức khi nhiễm COVID-19 và điều trị tại nhà, nhận biết các dấu hiệu khi bệnh chuyển nặng để liên hệ với các cơ sở y tế kịp thời hỗ trợ; tránh “tâm lý chủ quan” hoặc “hoang mang, lo sợ cực đoan không cần thiết”.
Người đứng đầu UBND thành phố Hà Nội yêu cầu tăng cường hiệu quả hoạt động của các trạm y tế và trạm y tế lưu động, Tổ hỗ trợ chăm sóc theo dõi F0 tại nhà nhất là địa bàn có mật độ dân cư cao (đảm bảo nhân lực, cơ số thuốc, điều kiện vật chất, lực lượng y tế…), kịp thời chuyển tuyến điều trị theo hướng dẫn phân luồng tiếp nhận, điều trị người bệnh COVID-19 của ngành Y tế.
Chủ tịch Hà Nội cũng chỉ đạo đẩy mạnh thần tốc hơn nữa việc tổ chức tiêm vắc xin mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, tiêm vét mũi thứ 2 cho trẻ em từ 12 đến dưới 17 tuổi; hoàn thành tốt chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân năm 2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng…
Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/ca-mac-covid-19-tang-manh-74-xa-phuong-o-ha-noi-thanh-v... Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/ca-mac-covid-19-tang-manh-74-xa-phuong-o-ha-noi-thanh-vung-cam-a529533.html
Hà Nội: F0 tăng nhanh, học sinh nhiều trường tạm dừng đến lớp
Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã ít nhiều làm xáo trộn tình hình học tập của học sinh tại Hà Nội khi các nhà trường phải liên tục điều chỉnh, thay đổi kế hoạch và phương thức dạy học.
Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh: Trước đó, trường cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 chuyển sang học trực tuyến trong 3 ngày 21, 22 và 23/2 vì thời tiết xấu.
Sau đó, trường hủy kế hoạch cho học sinh trở lại học trực tiếp từ ngày 24/2 do số lượng học sinh và giáo viên mắc Covid-19 tăng nhanh.
Đến nay, toàn trường (2 cơ sở Cầu Giấy và Thanh Trì) có khoảng 500 học sinh mắc COVID-19. Nếu tính cả số em là F1, con số này lên đến hơn 1.000 em. Ngoài ra, 50% cán bộ, giáo viên, nhân viên nhiễm SARS-CoV-2.
Trước tình hình như vậy, trường THCS - THPT Lương Thế Vinh quyết định cho học sinh tiếp tục học online.
Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy): việc tổ chức dạy và học đang "rất vất vả". Trường có khoảng 20 lớp, trong tổng số hơn 40 lớp, có tỷ lệ học sinh ở nhà nhiều hơn đến trường. Ban giám hiệu trường quy định lớp nào có trên 50% học sinh F0 và F1 sẽ chuyển sang học trực tuyến hoàn toàn.
Học sinh Tiểu học Ngô Sĩ Kiện, huyện Thanh Trì, đến trường học trực tiếp ngày 10/2. (Ảnh: VNE)
Trường Tiểu học - THCS - THPT Nguyễn Siêu (quận Cầu Giấy): Học sinh cũng tiếp tục học trực tuyến.
Thông tin từ nhà trường cho hay trường vừa thực hiện khảo sát. Kết quả, trên 80% cha mẹ học sinh chưa muốn con trở lại trường trong tình hình dịch bệnh như hiện nay.
Trường TH School (quận Đống Đa): Hầu hết cha mẹ học sinh, trường đã quyết định chuyển sang phương thức dạy học trực tuyến. Riêng các lớp 11, 12 dự kiến trở lại trường từ ngày 7/3.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Xuân Tiến cho biết trên Lao động, việc đưa học sinh trở lại trường học luôn được sở nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng về mọi mặt. Trong đó, đơn vị đặc biệt quan tâm đến diễn biến thực tế của dịch COVID-19 trên địa bàn và công tác chuẩn bị của các địa phương, nhà trường với phương châm được đặt lên hàng đầu là bảo đảm an toàn ở mức cao nhất cho học sinh.
Chỉ khi nào tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, thời tiết ấm áp trở lại và các điều kiện đón học sinh bảo đảm an toàn, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ đề xuất UBND TP.Hà Nội về lộ trình cụ thể cho học sinh tiểu học, lớp 6 nội thành đi học trực tiếp.
Cũng theo Sở GD&ĐT Hà Nội, việc tổ chức cho học sinh đến trường học trực tiếp, đặc biệt là học sinh tiểu học cần được thực hiện theo tinh thần tự nguyện của gia đình học sinh. Các nhà trường cố gắng động viên, hỗ trợ để học sinh đến trường học tập trực tiếp và duy trì các biện pháp bảo đảm an toàn.
Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/ha-noi-f0-tang-nhanh-hoc-sinh-nhieu-truong-tam-dung-den... Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/ha-noi-f0-tang-nhanh-hoc-sinh-nhieu-truong-tam-dung-den-lop-a529577.html
Ca mắc mới liên tục 'lập đỉnh', toàn tỉnh Yên Bái chuyển 'màu cam'
Theo thông tin được Sở Y tế vừa công bố, 4 huyện cấp độ dịch 4 (màu đỏ) gồm có: huyện Văn Chấn, Trấn Yên, Trạm Tấu, Yên Bình;
4 địa bàn ở cấp độ dịch 3 (màu cam) gồm: thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và 2 huyện Văn Yên, Lục Yên.
Chỉ còn duy nhất huyện Mù Cang Chải ở cấp độ 2 (màu vàng).
Về chi tiết các khu vực, trong tổng số 173 xã, phường, thị trấn ở tỉnh thì có tới 77 đơn vị ở cấp độ 4; 29 đơn vị ở cấp độ 3…
Tình hình dịch COVID-19 tại Yên Bái thời gian qua diễn biến phức tạp khi số ca mắc mới mỗi ngày liên tục "lập đỉnh". Trong 24 giờ qua tỉnh ghi nhận 1.954 ca mắc mới, trong đó tính từ 27/11/2021 tới nay, Yên Bái đã ghi nhận tới hơn 17.000 bệnh nhân COVID-19.
Ca mắc mới liên tục 'lập đỉnh', toàn tỉnh Yên Bái chuyển "màu cam".
Để thực hiện công tác phòng chống dịch trên địa bàn, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Yên Bái đề nghị tất cả công dân trên địa bàn thực hiện nghiêm nguyên tắc “5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân" để giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng; Chấp hành việc tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như: quán karaoke, mát xa, internet, các cơ sở làm đẹp, cơ sở tập luyện thể dục thể thao và các hoạt động, sự kiện tập trung đông người như: lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo; các dịch vụ ăn uống chỉ bán hàng mang về, hoặc áp dụng theo quy định cụ thể tại từng địa bàn...
Về việc giảng dạy trực tiếp, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch đề nghị học sinh thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch tại trường học, không tổ chức học nhóm, tụ tập đông người trong khoảng thời gian này.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/ca-mac-moi-lien-tuc-lap-dinh-toan-tinh-yen-bai-chuyen-mau-cam... Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/ca-mac-moi-lien-tuc-lap-dinh-toan-tinh-yen-bai-chuyen-mau-cam-16922022618450495.htm