Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, huy động toàn bộ hệ thống chính quyền các cấp vào cuộc, đảm bảo kiểm soát hiệu quả, không để dịch lây lan ra diện rộng trên địa bàn.
Ngày 5-5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký, hỏa tốc ban hành chỉ thị về tăng cường thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Nhân viên bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) đi đến từng địa điểm để thông báo biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Ngô Nhung
Theo chỉ thị, toàn bộ hệ thống chính quyền các cấp của TP phải xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, huy động toàn bộ hệ thống chính quyền các cấp vào cuộc, đảm bảo kiểm soát hiệu quả, không để dịch lây lan ra diện rộng trên địa bàn.
Phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nhanh hơn, hiệu quả hơn, quan tâm tuyên truyền trên loa truyền thanh xã, phường, tuyên truyền lưu động (như xe tuyên truyền của công an, của các lực lượng...); phát huy vai trò của các tổ Covid-19 cộng đồng... nhằm nâng cao nhận thức và huy động cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19 với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng".
Tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch: Bắt buộc phải khai báo y tế theo quy định; bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài; không tập trung đông người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1 m khi tiếp xúc; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở hoặc các triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19, phải đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám, điều trị kịp thời.
Đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng chống dịch cho các cơ sở khám chữa bệnh. Đồng thời, thực hiện tốt công tác điều trị cho người mắc bệnh, hạn chế thấp nhất người tử vong. Thần tốc truy vết đến cùng, lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tuyệt đối các trường hợp F1, quản lý nghiêm ngặt các trường hợp F2 theo quy định.
Tổ chức khoanh vùng theo điều tra dịch tễ, đảm bảo đúng quy mô, mức độ, số lượng đối tượng hẹp nhưng chặt chẽ. Đối với các khu vực đã phong tỏa, cần kiểm soát chặt chẽ không cho người dân ra, vào theo đúng tinh thần "nội bất xuất - ngoại bất nhập". Bên trong khu cách ly: Các hộ gia đình phải cách ly giữa nhà với nhà, người dân không được giao lưu.
Tổ chức xét nghiệm sàng lọc tại các khu vực có nguy cơ cao, trong đó lưu ý các khu vực có nhiều chuyên gia, khu công nghiệp…, và các đối tượng có nguy cơ (người từ vùng dịch về, người có các biểu hiện ho, sốt, khó thở…) để đánh giá nguy cơ dịch bệnh và đưa ra các giải pháp phòng chống kịp thời, hiệu quả.
Tất cả các đơn vị từ TP đến quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn phải rà soát lại các phương án phòng chống dịch; nâng công suất, năng lực về truy vết, cách ly, xét nghiệm, điều trị… chuẩn bị sẵn sàng trong tình huống dịch bệnh lan rộng.
Chuẩn bị đủ cơ sở cách ly, nâng công suất cách ly đảm bảo đủ chỗ cách ly trong tình huống dịch bệnh lan rộng. Siết chặt quản lý các khu cách ly tập trung, đặc biệt là các khu cách ly tại khách sạn, tuyệt đối không để lây chéo trong khu cách ly tập trung và lây từ khu cách ly ra cộng đồng. Các đơn vị được giao tổ chức cách ly tập trung cần rà soát lại cơ sở vật chất nhằm đảm bảo giám sát chặt chẽ người được cách ly; các khu cách ly phải có đủ camera để giám sát, các camera phải hoạt động liên tục, kết nối với hệ thống giám sát do Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ định. Đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt quy định về việc tổ chức bàn giao, đưa đón và tiếp nhận người đã hoàn thành cách ly tập trung về nơi lưu trú theo quy định.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở chịu trách nhiệm thực hiện công tác phòng, chống dịch trong cơ quan, đơn vị: Không tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết, không tổ chức liên hoan, tiệc mừng; khuyến khích họp trực tuyến và sử dụng công nghệ thông tin, không để đình trệ công việc, nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Các ca dương tính với SARS-CoV-2 tại BV Nhiệt đới Trung ương liên quan đến 8 tỉnh, thành phố
Theo số liệu tổng hợp nhanh của BV Nhiệt đới Trung ương, hiện có khoảng 200 bệnh nhân, 300 nhân viên y tế, gần 200 người nhà chăm sóc bệnh nhân đang ở tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Hiện toàn bộ số người ở bệnh viện đã được lấy mẫu, tuy nhiên số mẫu được xét nghiệm tính đến đầu giờ chiều ngày 5/5 mới được 307 mẫu, trong đó có 14 trường hợp dương tính.
Kết quả sơ bộ đến thời điểm hiện tại đã ghi nhận ít nhất 14 ca mắc, cụ thể: Khoa Hồi sức tích cực (8 ca); Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp (4 ca); Khoa Viêm Gan (1 ca); Khoa Cấp cứu (1 ca). Sau khi phát hiện các ca dương tính, CDC Hà Nội kết hợp với lực lượng chức năng tiến hành điều tra dịch tễ, hiện đã điều tra được 9 trường hợp phân bố theo các địa phương như sau: Hà Nội (1 ca là điều dưỡng tại khoa Hồ sức tích cực); Quảng Ninh (1 ca); Hưng Yên (2 ca); Phú Thọ (1 ca); Bắc Ninh (1 ca); Bắc Giang (1 ca); Hải Dương (1 ca); Thái Bình (1 ca).
Phân nhóm đối tượng gồm 1 nhân viên y tế và 8 bệnh nhân, người nhà. Hiện CDC Hà Nội đã thông báo cho CDC các tỉnh danh sách bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong vòng 15 ngày kể từ ngày (20/4/2021) để truy vết, xử lý theo quy định.
Riêng trên địa bàn TP Hà Nội kết quả tổng hợp sơ bộ cho thấy, có 270 người đến khám, điều trị tại bệnh viện từ 20/4 đến 5/5/2021, đã thông báo các đơn vị điều tra xác minh. CDC Hà Nội cùng các đơn vị liên quan đang tiếp tục thần tốc thực hiện điều tra truy vết người tiếp xúc gần với chùm ca bệnh để khoanh vùng, xử lý dịch kịp thời.
Tới đây, Sở Y tế Hà Nội sẽ thực hiện kế hoạch xét nghiệm sàng lọc tại 5 nơi trọng điểm, đó là người từng du lịch tại thành phố Đà Nẵng; trở về từ ổ dịch tại tỉnh Hà Nam, tỉnh Vĩnh Phúc; những khu vực có nhiều dịch vụ quán karaoke, spa, bar; chợ đầu mối; khu vực sân bay Nội Bài.
Thêm một địa phương cho toàn bộ học sinh nghỉ học khẩn phòng dịch
Bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cho biết đã truy vết được 13 trường hợp tiếp xúc gần (F1) với bà B.T.T. Trong đó, 2 trường hợp F1 là học sinh, cháu bà T.
Cụ thể, 1 em là lớp 8/2 trường THCS Lê Quý Đôn, em còn lại là học sinh lớp 5/4 trường Tiểu học Lê Văn Tám đều thuộc TP Long Khánh.
Trường Tiểu học Lê Văn Tám nơi có 1 học sinh thuộc diện F1. Sáng nay, ngành y tế đã phun xịt khử khuẩn hoá chất phòng chống Covid
Giám đốc Sở Y tế cho biết trong sáng 5-5, phía ngành y tế đã phun khử trùng toàn bộ trường Tiểu học Lê Văn Tám. Với các trường hợp học sinh, giáo viên của lớp F1 sẽ bị cách ly tại nhà. Hiện lực lượng chức năng đang tiếp tục truy vết, rà soát, xác định các trường hợp liên quan trong trường.
Trong khi đó, ông Trần Công Nghị, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP Long Khánh, cho biết học sinh cấp 1,2,3 toàn thành phố đã được cho nghỉ học từ ngày hôm nay 5-5 cho đến hết tuần.
Trong những ngày này, các trường học trên địa bàn sẽ được phun khử khuẩn phòng chống Covid-19.
BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương dừng khám, tiếp nhận bệnh nhân ở cả 2 cơ sở vì có bác sĩ mắc COVID-19
Đề phòng chống dịch bệnh COVID-19, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương sẽ tạm dừng tiếp nhận khám và nhận bệnh nhân vào điều trị nội trú.
Theo đó, ông Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, đã ký quyết định thông báo về tạm ngừng tiếp nhận khám và nhận bệnh nhân vào điều trị nội trú ở cả 2 cơ sở sau cuộc họp với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 vào sáng cùng ngày.
Theo thông báo này, các đơn vị trong bệnh viện khẩn trương hoàn thành việc lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ nhân viên, người lao động, học viên, bệnh nhân và người nhà tại 2 cơ sở. Các khoa: Khám bệnh (cơ sở Giải Phóng, Kim Chung), Khoa Nội phối hợp với Phòng Công tác xã hội thông báo cho các bệnh nhân điều trị ngoại trú, có lịch tái khám và hướng dẫn đến cơ sở y tế thích hợp để tái khám và lĩnh thuốc.
Toàn bộ nhân viên, học viên, bệnh nhân và người nhà tại 2 cơ sở thực hiện cách ly tại bệnh viện từ ngày 5/5 đến khi có thông báo mới. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Các đơn vị tự tổ chức cách ly tại chỗ, chuyển ca dương tính lên khu vực điều trị COVID-19. Khẩn trương hoàn thành tiêm phòng vắc-xin COVID-19 cho nhân viên bệnh viện. Thông báo cho Sở Y tế, CDC các tỉnh thông báo cho bệnh nhân từng khám, điều trị tại bệnh viện trong vòng 15 ngày để truy vết.
Trước đó, Sở Y tế Hà Nội thông báo, một bác sĩ đang làm việc tại bệnh viện này mắc COVID-19, vị bác sĩ này có lịch trình di chuyển phức tạp và tiếp xúc nhiều người. Đáng chú ý, hiện chưa rõ nguồn lây COVID-19 là do đâu.
Được biết, bác sĩ này công tác tại khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. Gần đây ông không có tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 điều trị tại bệnh viện.
Một địa phương bất ngờ thay đổi quyết định, cho HS trở lại trường từ hôm nay
Thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang), từ ngày 5/5, học sinh mầm non, tiểu học, THCS và các cơ sở mầm non độc lập, tư thục trên địa bàn thành phố sẽ trở lại trường học bình thường.
Theo đó, để bảo đảm an toàn cho cán bộ, giáo viên, học sinh trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh và thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm năm học 2020-2021, Phòng Giáo dục và Đào tạo yêu cầu hiệu trưởng các cơ sở giáo dục tăng cường thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa triển khai hiệu quả hoạt động giáo dục đồng thời đẩy mạnh áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Thông báo với cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế: "Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế"; đeo khẩu trang trong suốt thời gian ở trường và ở nơi công cộng.
(Ảnh minh họa)
Trước đó, vào tối ngày 3/5, Phòng GD&ĐT TP Bắc Giang yêu cầu hiệu trường các trường mầm non, tiểu học, THCS, chủ các cơ sở mầm non độc lập, tư thục thực hiện: Cho học sinh (trẻ) trong các trường mầm non, tiểu học, THCS, các cơ sở mầm non độc lập tư thục nghỉ học từ ngày 04/5/2021 đến khi có thông báo mới. Riêng lớp 9, các trường THCS tổ chức cho học sinh học trực tuyến.
Quốc gia Đông Nam Á phản ứng gấp khi phát hiện biến chủng từ Ấn Độ lây lan
Biến chủng B.1.167 được cho là phần nào khiến đợt lây nhiễm thứ hai ở Ấn Độ tồi tệ nhất thế giới. Hôm 4/5, Ấn Độ chính thức ghi nhận số ca nhiễm vượt mức 20 triệu.
Hôm 3/5, Singapore đã phát hiện 10 ca nhiễm cộng đồng liên quan đến biến chủng B.1.167. 7 ca nhiễm trong số này đến từ 3 ổ dịch khác nhau, nhóm đặc trách về Covid-19 của Singapore cho biết. Đến ngày 4/5, Singapore ghi nhận thêm 5 ca nhiễm mới lây lan trong cộng đồng.
“Tất cả các biện pháp y tế công cộng cần thiết đã được thực hiện kịp thời để cách ly và ngăn chặn tất cả các trường hợp mắc bệnh”, Bộ Y tế Singapore cho biết.
Singapore siết chặt các quy định phòng dịch kể từ ngày 8.5.
“Do khả năng lây truyền của các biến thể Covid-19 mới tăng lên, cần phải thực hiện các biện pháp chặt chẽ hơn, phản ánh mức cảnh báo cao độ để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm ở Singapore”, Bộ Y tế Singapore cho biết thêm.
Hôm 4.5, Singapore thông báo siết chặt các quy định phòng dịch để ngăn chặn đợt lây nhiễm mới. Kể từ ngày 8.5, tất cả những người nhập cảnh vào Singapore từ các quốc gia có mức độ lây nhiễm cao, sẽ phải cách ly 21 ngày, so với 14 ngày như trước đây.
Quy định mới sẽ có hiệu lực đến ngày 30.5. Các biện pháp phòng dịch khác bao gồm hạn chế tụ tập đông người, xét nghiệm Covid-19 tại các sự kiện quan trọng và đóng cửa các phòng gym.
Cụ thể, người dân Singapore bị cấm tụ tập quá 5 người ở nơi công động. Mỗi gia đình chỉ được đón 5 khách mỗi ngày.
Tại các cơ quan công sở, chỉ 50% nhân viên được phép đến làm việc. Các sự kiện tập trung đông người như đám cưới, lễ nhà thờ hay các sự kiện trực tiếp vẫn được diễn ra nhưng tất cả những người tham dự phải xét nghiệm Covid-19 tại chỗ.
Phòng gym bị đóng cửa trong khi bảo tàng, thư viện chỉ hoạt động với 50% sức chứa.
Các biện pháp mới đưa Singapore quay trở lại trạng thái chống dịch như trong giai đoạn năm 2020.
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Singapore đã ghi nhận 61.235 ca nhiễm Covid-19 trong thành phố có số dân 5,7 triệu người.
11 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép cố thủ trong chung cư ở Hà Nội
Ngày 5/5, một lãnh đạo Công an quận Hà Đông, TP.Hà Nội cho biết, đơn vị đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an TP.Hà Nội điều tra, làm rõ việc 12 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, cư trú bất hợp pháp trên địa bàn quận này.
Trước đó, chiều 4/5, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP.Hà Nội phát hiện 1 nữ giới người Trung Quốc có mặt ở sảnh tòa nhà Samsora, số 105 đường Chu Văn An, phường Yết Kiêu, quận Hà Đông.
Qua xác minh, lực lượng công an xác định đối tượng này nhập cảnh trái phép vào Việt Nam nên đã tạm giữ tại trụ sở Công an phường Yết Kiêu.
Các đối tượng nhập cảnh trái phép cố thủ khi gặp đoàn kiểm tra.
Tiếp đó, đến khoảng 19h tối 4/5, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP.Hà Nội phối hợp với Công an quận Hà Đông kiểm tra căn phòng số 3017 tòa A, chung cư Samsora nơi đối tượng nữ đăng ký tạm trú. Tại đây, lực lượng công an phát hiện thêm 11 đối tượng người Trung Quốc gồm cả nam và nữ đang cố thủ, không chịu mở cửa, buộc lực lượng chức năng phải phá khoá.
Qua kiểm tra, tất cả 11 đối tượng gồm 7 nam, 4 nữ này đều không có giấy tờ nhập cảnh hợp lệ. Tổng số đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh trái phép bị phát hiện là 12 người gồm 7 nam, 5 nữ. Các đối tượng có năm sinh từ 1994 - 1973.
Theo cơ quan công an, tòa nhà Samsora mới được đưa vào sử dụng từ giữa tháng 4/2021 nên lực lượng an ninh toà nhà còn mỏng và chưa chuyên nghiệp.
Hiện vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Đà Nẵng xét nghiệm toàn bộ tiểu thương chợ Phước Mỹ
Ngày 4-5, UBND quận Sơn Trà (Đà Nẵng) quyết định tạm dừng hoạt động chợ Phước Mỹ từ 0 giờ ngày 5-5 cho đến khi có thông báo mới.
Quận yêu cầu tất cả tiểu thương trong chợ tập trung lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 vào sáng mai (5-5) tại sân chợ Phước Mỹ.
Trong quá trình lấy mẫu phải giữ khoảng cách và tuân thủ quy định phòng, chống dịch. Sau khi lấy mẫu xong, người dân không được ra khỏi nhà khi chưa có kết quả xét nghiệm.
Chợ Phước Mỹ (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Ảnh: BÙI TOÀN
Đây là chợ mà một bệnh nhân đến mua sắm trước khi được phát hiện mắc COVID-19.
Chiều 4/5, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Đà Nẵng đã họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh.
Liên quan đến ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, ngành y tế đã cách ly và lấy mẫu xét nghiệm 39 F1, trong đó 26 mẫu có kết quả âm tính, một kết quả dương tính, 12 trường hợp chưa có kết quả.
Thông tin về BN 2982 ở Hà Nam mắc COVID-19 sau khi hoàn thành cách ly tại Đà Nẵng, ngành y tế cho biết đã xác định 30 F1 đang lưu trú tại TP và có kết quả âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.
Ngoài ra, 43/43 người đi chung xe Tân Kim Chi chuyến Đà Nẵng – Hà Nam và người cách ly chung phòng với bệnh nhân trong 12 ngày đã được cách ly tại Hưng Yên và có kết quả xét nghiệm âm tính.
Đối với hai người Trung Quốc về nước từ Việt Nam và được xác định dương tính với COVID-19, cơ quan chức năng xác định 88 trường hợp F1 và lấy mẫu xét nghiệm lần 1. Kết quả, 82 mẫu có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, sáu trường hợp chưa có kết quả.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu các địa phương tích cực truy vết, tăng cường thông tin đến với người dân về công tác phòng, chống dịch, đồng thời kích hoạt các tổ COVID-19 cộng đồng.
Ông cũng yêu cầu các địa phương xét nghiệm đối với toàn bộ tiểu thương hai chợ có liên quan đến bệnh nhân mắc COVID-19 trong cộng đồng là Phước Mỹ và Cẩm Lệ.
Một huyện của Hà Nội hoãn, huỷ 50 đám cưới để phòng dịch COVID-19
Chiều 4/5, báo cáo tại Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.Hà Nội, lãnh đạo huyện Đông Anh cho biết, trong ngày trên địa bàn huyện ghi nhận thêm 2 trường hợp F1 của ca mắc COVID-19 số 1978 ở Yên Lạc, Vĩnh Phúc. 2 trường hợp này đi ăn cỗ ngồi cùng, đã cho cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, chưa có kết quả.
Theo lãnh đạo UBND huyện Đông Anh, tính từ 29/4 đến nay trên địa bàn huyện có 98 F1, trong đó có 28 F1 ở địa phương khác, 70 F1 trên địa bàn huyện. Trong đó có 68 trường hợp âm tính, 2 trường hợp đang chờ kết quả.
“Tại ổ dịch ở xã Việt Hùng, chúng tôi đã cho phong toả thôn Lỗ Giao có 17 hộ gia đình và 73 nhân khẩu, xét nghiệm, cách ly đảm bảo tuyệt đối theo quy định. Cả xã Việt Hùng đã cho giãn cách xã hội, lập 26 chốt kiểm soát”, lãnh đạo UBND huyện Đông Anh nói.
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.Hà Nội chiều 4/5
Ngoài ra, lãnh đạo UBND huyện Đông Anh cũng cho biết, đơn vị đã kiểm tra, xử lý 45 trường hợp không đeo khẩu trang, phạt 87 triệu đồng. Nhắc nhở 117 hàng quán vỉa hè, không chấp hành các quy định phòng chống dịch, giải toả 13 hàng quán nước vỉa hè vi phạm.
“Chúng tôi đã vận động dừng, hoãn, huỷ 50 đám cưới. Thu gọn quy mô nội bộ gia đình có 41 đám. Có 63 sự kiện văn hoá thể thao dừng tổ chức. Di tích dừng đón khách”, lãnh đạo UBND huyện Đông Anh thông tin.
Tính đến chiều 4/5, Hà Nội ghi nhận 5 ca bệnh cộng đồng (có liên quan đến Hà Nam, đoàn chuyên gia người Trung Quốc và chuyên gia Ấn Độ) và 2 ca bệnh được ghi nhận cho tỉnh Vĩnh Phúc nhưng có liên quan đến Hà Nội.
Cảnh báo sốc từ Ấn Độ
Làn sóng Covid-19 mới không chỉ bùng phát mạnh tại Ấn Độ mà còn đang càn quét nhiều nước đang phát triển khác trên thế giới, từ đó gây sức ép lên hệ thống y tế không ít quốc gia.Một số nước ở Đông Nam Á, như Lào, Thái Lan, Campuchia... và những nước có chung đường biên giới với Ấn Độ, như Bhutan, Nepal, đều ghi nhận sự gia tăng mạnh của các ca Covid-19 mới trong vài tuần gần đây. Theo số liệu được công bố hôm 4-5, Ấn Độ có thêm 357.229 ca mới trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số ca lên hơn 20 triệu.
Thủ tướng Narendra Modi hiện đối mặt sức ép ngày một tăng về việc ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc để ngăn chặn dịch bệnh lây lan thêm. Trong khi đó, Nepal đang chứng kiến tình trạng khan hiếm bình ôxy sau khi số bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện gia tăng. Trong bối cảnh như thế, theo Reuters, nước này cho biết đang cần khẩn cấp ít nhất 1,6 triệu liều vắc-xin Covid-19 của hãng AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) để tiến hành mũi tiêm thứ 2.
Một bệnh nhân Covid-19 ngồi đợi được nhập viện tại lối vào một bệnh viện bị thiếu giường bệnh ở thủ đô Kathmandu - Nepal hôm 30-4Ảnh: Reuters
Tình hình Covid-19 tại Campuchia cũng đáng lo khi Bộ Y tế nước này hôm 4-5 công bố số ca Covid-19 mới trong ngày đạt mức cao kỷ lục là 938. Cùng ngày, Thái Lan ghi nhận 27 trường hợp tử vong và 1.763 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ. Đáng chú ý, một số đảo quốc ở Thái Bình Dương đang đối mặt làn sóng Covid-19 đầu tiên sau khi gần như không chịu tác động của đại dịch nhờ các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ. Riêng nhà chức trách Fiji vào cuối tháng rồi buộc phải ra lệnh phong tỏa một số thành phố sau khi xuất hiện một số ca nhiễm mới trong cộng đồng.
Những biến chủng mới dễ lây hơn, cùng với tâm lý tự mãn và tình trạng thiếu nguồn lực để đối phó dịch bệnh được cho là các nguyên nhân dẫn đến diễn biến nói trên, qua đó nêu bật nguy cơ tiềm tàng của tình trạng lây nhiễm mất kiểm soát và tính cấp thiết của việc cung ứng vắc-xin cho các nước nghèo.
Ông Hans Kluge, Giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), gần đây cảnh báo rằng tình hình tại Ấn Độ có thể xảy ra ở bất kỳ nước nào và đây là thách thức không nhỏ. "Ấn Độ là một cảnh báo sốc với thế giới về việc đại dịch này có thể vượt khỏi tầm kiểm soát nhanh tới mức nào" - ông Jonathan Pryke, chuyên gia tại Viện Lowy (Úc), nhận định với trang Bloomberg.
Ông Ali Mokdad, chuyên gia tại Trường ĐH Washington (Mỹ), cũng đánh giá tình hình hiện nay là "rất nghiêm trọng" khi cho biết: "Các biến thể mới đòi hỏi phải có vắc-xin hoặc cần thêm liều tiêm đối với những người đã được tiêm chủng. Điều này khiến tiến trình kiểm soát đại dịch bị kéo dài thêm". Cũng theo ông Mokdad, những khó khăn về kinh tế khiến cuộc chiến chống Covid-19 càng thêm khó khăn tại các nước nghèo.
Cố tình hát karaoke, 8 thanh niên bị phạt 16 triệu, đi cách ly tự trả phí
Chiều tối 4/5, Đoàn kiểm tra liên ngành của TP. Móng Cái (Quảng Ninh) đã kiểm tra đột xuất và phát hiện cơ sở kinh doanh karaoke Đông Nhi tại khu 8, phường Hải Hòa đang hoạt động, trong đó có 8 thanh niên đang vui vẻ ca hát.
Đoàn công tác đã lập biên bản vi phạm hành chính, đề nghị UBND TP. Móng Cái ra quyết định xử phạt đối với chủ cơ sở 15 triệu đồng và thu hồi giấy phép hoạt động.
Lực lượng chức năng Tp Móng Cái lập biên bản các thanh niên vi phạm quy định về phòng chống dịch Covid-19
Mặt khác, đoàn công tác đã giao UBND phường Hải Hòa xử phạt 8 khách hát với lỗi không đeo khẩu trang 16 triệu đồng và thực hiện biện pháp cách ly y tế tập trung buộc trả phí tại khu cách ly Centerway đối với 8 thanh niên này.
Trước đó, sáng 30/4, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có công điện khẩn số 10 yêu cầu thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống dịch, trong đó có nội dung kể từ 12h00 ngày 30/4/2021, tạm dừng hoạt động tất cả cơ sở kinh doanh karaoke, mát xa, vũ trường, bar, pub, club, dịch vụ internet, trò chơi điện tử trên địa bàn toàn tỉnh.