Cả gia đình nữ nhân viên sân golf FLC Quy Nhơn đều dương tính SARS-CoV-2. Nữ nhân viên này là người tiếp xúc với ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Sở Du lịch Bình Định và Nguyễn Công Thành - Cục phó Cục thuế Bình Định cùng 2 chủ doanh nghiệp.
"Tường trình" của nữ nhân viên khiến giám đốc sở và cục phó chơi golf... thành F1
Sáng 6-8, nguồn tin của phóng viên cho biết chị T.T. Q (SN 1994; ngụ xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định – nhân viên sân golf của FLC Quy Nhơn) là F1 của em chồng, tên M.M.L (SN 1996; ngụ xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) – tiểu thương và là người đầu tiên được phát hiện dương tính SARS-CoV-2 tại ổ dịch ở chợ đầu mối Gò Bồi, thuộc xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước.
Theo tường trình của chị T.T. Q, từ ngày 19 đến 28-7, chị chủ yếu ở nhà tại xã Phước Thắng. Thời gian này, chị tiếp xúc với em chồng là M.M.L, hằng ngày từ 14 giờ đến 16 giờ về chăm sóc ông nội đang bị bệnh.
Từ 29 đến 30-7, chị T.T. Q cùng gia đình lo đám tang cho ông nội chồng. Trong thời gian này có tiếp xúc với nhiều người trong gia đình và ở địa phương.
Ngày 31-7, chị Q. làm việc tại sân golf của FLC Quy Nhơn, có tiếp xúc gần với 1 nữ đồng nghiệp và khách chơi golf là ông Nguyễn Hữu Lộc (SN 1981, Giám đốc Công ty TNHH Khoáng sản Thành An - PV). Ngày 1-8, chị Q. làm việc tại sân golf của FLC Quy Nhơn, có tiếp xúc gần với 3 nữ đồng nghiệp và khách chơi golf tên Dũng (ông Nguyễn Văn Dũng – Giám đốc Sở Du lịch Bình Định - PV).
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định.
Đến chiều 1-8 được Trạm Y tế xã Phước Thắng làm test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 kết quả âm tính, sau đó được đưa đi cách ly tập trung tại Phòng khám đa khoa khu vực Phước Hòa. Kết quả xét nghiệm RT-PCR ngày 3-8 dương tính SARS-CoV-2.
Theo một lãnh đạo Trạm Y tế xã Phước Thắng, trong quá trình lấy lời khai ban đầu về lịch trình di chuyển và tiếp xúc với người xung quanh, chị T.T. Q đã khai bất nhất, lúc thế này, lúc thế khác nên không biết đâu mà lần. Sau đó, do chị Q. được được đưa đi cách ly điều trị nên chưa thể lấy lại lời khai được.
Để làm rõ thêm vụ việc, sáng cùng ngày, phóng viên đã liên hệ với chị T.T. Q qua điện thoại. Tuy nhiên, chị Q. từ chối trả lời về những câu hỏi của phóng viên về việc tiếp xúc với những ai và như thế nào tại sân golf của FLC Quy Nhơn.
Trong khi đó, nội dung bản báo cáo nhanh gửi Sở Y tế Bình Định ngày 4-8, Trung tâm Y tế TP Quy Nhơn nêu rõ có 4 trường hợp tiếp xúc gần với chị T.T. Q tại sân golf của FLC Quy Nhơn vào các ngày 31-7 và 1-8. Cụ thể là các ông: Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định; Nguyễn Công Thành, Cục phó Cục thuế Bình Định cùng 2 "đại gia" Nguyễn Hữu Lộc và Lê Văn Thảo.
Liên quan đến vụ việc 2 lãnh đạo chơi golf trong lúc chính quyền đã ban hành lệnh cấm để phòng chống dịch COVID-19, UBND tỉnh Bình Định, Tổng Cục thuế đã ra các quyết định tạm đình chỉ công tác Giám đốc Sở Du lịch đối với ông Nguyễn Văn Dũng và Cục phó Cục thuế Bình Định đối với ông Nguyễn Công Thành để xem xét, xử lý vi phạm quy định về phòng chống dịch COVID-19.
Được biết, ngày 3-8, sau khi phát hiện chị T.T. Q dương tính SARS-CoV-2, cơ quan chức năng đã tiến hành test nhanh kháng nguyên 4 ông Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Công Thành, Nguyễn Hữu Lộc và ông Lê Văn Thảo, kết quả tất cả âm tính SARS-CoV-2 nên được đưa đi cách ly tập trung.
Lâm Đồng phát hiện ổ dịch từ nhà máy sợi Đà Lạt, cách ly hơn 100 công nhân
Chiều 6/8, Sở Y tế Lâm Đồng cho biết, đến trưa nay đã phát hiện 4 ca dương tính Covid-19 đều là công nhân trong Công ty may DWS - Công ty TNHH sợi Đà Lạt, thuộc xã Trạm Hành (TP.Đà Lạt). Trong đó, 3 ca dương tính là công dân xã Trạm Hành (Đà Lạt), hằng ngày làm việc tại Công ty sợi Đà Lạt, gồm: T.T.K.H (BN189018), N.T.T (BN189017) và Đ.T.S (BN189016). Ngành y tế đang tiếp tục truy vết, khoanh vùng các trường hợp liên quan ổ dịch với 4 ca dương tính Covid-19.
Ngay trong đêm 5/6 lực lượng chức năng triển khai xét nghiệm người dân trên địa bàn xã Trạm Hành, TP Đà Lạt.
Công ty sợi Đà Lạt có 217 công nhân, sáng 5/8 có 105 công nhân làm việc. Liên quan đến 4 ca dương tính với Covid-19 này, cơ quan chức năng đã đưa gần 105 công nhân là F1 đi cách ly y tế tập trung 21 ngày.
Cùng ngày phát thông báo cho toàn bộ công nhân của công ty đang cư trú trên địa bàn TP Đà Lạt và huyện Đơn Dương đến Trung tâm y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Nhà máy Công ty sợi Đà Lạt đã tạm ngưng hoạt động để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19
Ngay lập tức Sở Y tế Lâm Đồng thông báo, đề nghị những người đến các địa điểm nguy cơ liên quan đến trường hợp mắc Covid-19.
Cụ thể, gồm: Công ty TNHH Sợi Đà Lạt, Quốc lộ 20, xã Trạm Hành, TP Đà Lạt, từ ngày 23/7 đến 5/8; Quán tạp hóa Cơ Hội (gần cổng nhà máy Chè FUSHENG -Trạm Hành), khoảng ngày 2/8; Tiệm bánh mì Thu Huân, gần chợ Phát Chi, xã Trạm Hành, TP. Đà Lạt, khoảng 5 đến 5h30 từ ngày 3/8 - 5/8; Chợ Phát Chi, xã Trạm Hành, TP. Đà Lạt, khoảng 14h đến 18h30 ngày 3/8; Tạp hóa Bà Sương, xã Trạm Hành, TP. Đà Lạt, khoảng 15h đến 16h ngày 3/8; Trạm Y tế xã Trạm Hành, khoảng 14h30 ngày 4/8; Tạp hóa Mai Lâm, gần chợ Phát Chi, xã Trạm Hành, TP. Đà Lạt, khoảng 15h đến 16hngày 4/8; Tạp hóa Sáu Nhân, gần chợ Phát Chi, xã Trạm Hành, TP Đà Lạt, khoảng 15h đến 16h ngày 4/8; Chợ Trạm Hành, Tổ 3 xã Trạm Hành, khoảng từ ngày 30/7 đến 05/8.
(Theo Báo Giao Thông)
Lý do Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội tới 23/8
Chiều 6/8, tại cuộc họp thông tin về công tác phòng, chống dịch COVID-19 TP.Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP Hà Nội vẫn phức tạp, khó lường, số ca trong cộng đồng còn cao. Vì vậy, thành phố đã ban hành Công điện số 18 ngày 6/8 nhằm tiếp tục cách ly toàn xã hội thêm 15 ngày, đến 6h ngày 23/8 trên phạm vi toàn thành phố để phòng, chống dịch COVID-19.
Phó Chủ tịch TP Hà Nội nhấn mạnh, trong Công điện đã nêu rõ các nhóm vấn đề để tiếp tục thực hiện nghiêm phòng, chống dịch theo Chỉ thị 17 của UBND thành phố (trên nguyên tắc Chỉ thị 16 của Thủ tướng), trong đó, triển khai hoạt động thực chất, chặt chẽ hơn: giãn cách giữa người với người, gia đình với gia đình, đồng thời, kiên quyết kiên quyết yêu cầu người dân "ai ở đâu ở nguyên đó".
Ông Dũng đề nghị các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch. Chỉ những người được phép, thực hiện nhiệm vụ trực cơ quan, nhiệm vụ cấp bách được đến nơi làm việc và gắn với trách nhiệm người đứng đầu.
Thành phố cũng tiếp tục thực hiện các công việc xuyên suốt trong phòng, chống dịch, trong đó ngăn chặn, phát hiện, truy vết, cách ly, xét nghiệm, khoanh vùng dập dịch trong thời gian ngắn nhất. Xây dựng các phương án chuẩn bị cho công tác điều trị… Bên cạnh đó, thành phố chủ động, duy trì bảo đảm cung ứng hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi sản xuất và có chỉ đạo cụ thể, cung cấp đầy đủ, không tăng giá hàng hóa.
Cũng tại cuộc họp này, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, sau gần 2 tuần thực hiện Chỉ thị 17 của UBND thành phố (trên nguyên tắc Chỉ thị 16 của Thủ tướng), chủ trương của Hà Nội là tiếp tục thực hiện Chỉ thị 17 thêm 15 ngày, đến ngày 23/8.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại cuộc họp chiều 6/8.
Phân tích về quyết định này, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá, từ ngày 24/7 đến nay, sau gần 2 tuần, Chỉ thị 17 đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu. Có kết quả đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là của người dân, của các doanh nghiệp, các đơn vị từ Trung ương đến thành phố đã đồng tình, ủng hộ. Dư luận xã hội cũng như các chuyên gia đánh giá việc thành phố thực hiện Chỉ thị 17 từ ngày 24/7 là đúng, trúng, kịp thời.
Theo ông Phong, tuy có những mặt được là cơ bản, nhưng cũng có những khó khăn, phức tạp, đặc biệt là diễn biến dịch bệnh có nguy cơ rất cao, bởi Hà Nội là trung tâm cả nước, đầu mối giao thông trọng điểm quốc gia nên thực tế Hà Nội không thể “đóng cứng”, vẫn có giao thương, vận chuyển hàng hóa. Hơn nữa, xung quanh Hà Nội, các tỉnh vẫn có dịch; các ca bệnh nằm rải rác ở khắp 30 quận, huyện, trong đó nhiều quận huyện có số ca mắc lớn, như Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Trì, Đông Anh...
Đặc biệt, dịch bệnh đã xâm nhập vào những nơi rất phức tạp, như khu công nghiệp, chợ, siêu thị, bệnh viện, các khu dân cư đông người... Tiếp nữa, còn nhiều ca bệnh không rõ nguồn lây.
“Chính vì thế, nếu dừng việc giãn cách thì những thành quả, những kết quả đạt được trong thời gian giãn cách vừa qua khó mà đảm bảo được”, ông Phong nhấn mạnh.
Ông Phong cho biết, việc giãn cách là cần thiết để khoanh vùng, cách ly, xử lý ổ dịch. Trong giai đoạn này cũng là cần thiết để củng cố, nâng cao năng lực của ngành y tế, giữ thế chủ động một cách toàn diện, trên tất cả các mặt trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
“Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình như vậy, qua báo cáo của các ngành, tư vấn của chuyên gia, thành phố quyết định thực hiện Chỉ thị 17 thêm 15 ngày”, ông Phong nêu rõ.
Ngoài ra, Phó Bí thư Thành Uỷ Hà Nội cũng cho biết, với quan điểm luôn luôn chủ động, không lơ là, mất cảnh giác và chuẩn bị cao hơn một bước so với diễn biến tình hình dịch bệnh, thành phố đã có nhiều chủ trương, biện pháp để chuẩn bị cho việc này. Vừa qua, thành phố đã đưa vào sử dụng một bệnh viện, trung tâm thu dung, điều trị những người mắc F0 thể nhẹ tại Đền Lừ, Hoàng Mai với quy mô 1.000 giường và tới đây tiếp tục đưa vào hoạt động thêm 5.000 giường.
Chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chỉ thị 17 của thành phố, ông Phong cho biết, thành phố xác định đây là một việc mới, khó, chưa có tiền lệ, nên thành phố đã nhanh chóng tiếp thu, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, như việc giảm ùn tắc ở cửa ngõ, hoạt động vận chuyển hàng hóa, cấp phép cho các công trình xây dựng cấp thiết, đảm bảo an toàn... và sẽ tiếp tục điều chỉnh.
(Theo Dân Việt)
Bệnh viện Bạch Mai gấp rút hoàn thiện Trung tâm Hồi sức 500 giường tại TP HCM
Trước tình hình số ca bệnh nặng, tử vong do dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM tăng cao, Bộ Y tế chủ trương mở rộng thêm phân tầng ở tuyến điều trị cho nhóm bệnh nặng, nguy kịch. Theo đó 4 trung tâm mới sẽ được lập do các bệnh viện đầu ngành của Bộ Y tế chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn.
Sau khi 50 giường bệnh tại Bệnh viện Quốc tế City do Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM phụ trách đi vào hoạt động, Trung tâm Hồi sức tại Bệnh viện Dã chiến số 16 trên đường Đào Trí, quận 7 cũng đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng để đi vào hoạt động. Dự kiến, tại đây sẽ đưa vào vận hành trước 100 giường hồi sức.
Ngày 6/8, bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Máy móc, thiết bị đã về nhiều, chúng tôi đang đẩy mạnh hoàn thiện. Đến nay về cơ bản đã đảm bảo tốt cho khoảng 100 giường đi vào hoạt động. Sáng nay, thiết bị và máy móc tiếp tục từ Bệnh viện Bạch Mai lên tàu. Tại đây sẽ lập tổng kho để bảo vệ tốt nhất thiết bị, an toàn thuốc men… khi đưa vào hoạt động”.
Về nhân sự, riêng Bệnh viện Bạch Mai đã chi viện 200 y bác sĩ đến Bệnh viện Dã chiến số 16. Ngoài ra, còn có các lực lượng nhân sự hỗ trợ chuyên môn từ các tỉnh thành khác. Đến chiều ngày 6/8, đội thi công đang đẩy nhanh tiến độ lắp đặt oxy và khí nén trung tâm. Từng khu sẽ được hoàn thiện nhanh theo hình thức cuốn chiếu.
Theo dự tính, khu vực tiếp nhận bệnh nhân sẽ hoàn thành ngay trong đêm 6/8 để chuẩn bị đón những bệnh nhân đầu tiên. Tất cả y bác sĩ cũng đã sẵn sàng với tinh thần cao nhất nhằm điều trị kịp thời, cứu sống các bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch.
(Theo Tiền Phong)
Lịch trình phức tạp của thanh niên từ Bình Dương ra nhà bạn ở Phan Thiết dương tính với Covid-19
Sáng 6/8, tin từ sở Y Tế Bình Thuận cho biết, 1 thanh niên từ tỉnh Bình Dương ra phường Mũi Né, TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận chơi nhưng không khai báo y tế khiến bạn gái bị nghi nhiễm Covid-19.
Theo điều tra dịch tễ, ngày 31/7, anh T.A.K từ Bình Dương đi xe ô tô đến nhà chị M. SN 1995, trú khu phố 15, phường Mũi Né, TP.Phan Thiết chơi và ở lại đến trưa 3/8 thì quay trở về Bình Dương.
Trong lúc ở lại Mũi Né, anh K. còn dùng ô tô chở người nhà chị M. đến xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc thăm gia đình người quen.
Đến 14h ngày 4/8, anh K. có điện thoại báo là kết quả xét nghiệm PCR dương tính với SARS-CoV-2.
Sau đó chị M. đến phòng khám Đa khoa Mũi Né khai báo y tế và được làm test nhanh cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Cán bộ y tế nhanh chóng đưa chị M. đi cách ly tập trung tại bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bình Thuận.
Vụ việc này cho thấy gia đình chị M. đã vi phạm nghiêm trọng các quy định phòng chống dịch của tỉnh Bình Thuận.
Theo quy định, các trường hợp về Bình Thuận từ những vùng có dịch phải khai báo y tế và tiến hành cách ly tập trung.
Thế nhưng gia đình chị M. đã không tuân thủ quy định về phòng chống dịch mà còn có hành vi che giấu.
Đáng nói, trong quá trình anh K. ở tại Mũi Né, còn tiếp tục đi đến xã Thuận Hòa làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm dịch ra cộng đồng.
Trong cuộc họp của ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 của tỉnh diễn ra vào chiều 5/8, UBND tỉnh Bình Thuận giao Công an tỉnh chỉ đạo Công an TP.Phan Thiết điều tra, xem xét khởi tố hình sự nếu đủ điều kiện.
Hiện, ngành chức năng TP.Phan Thiết đang khẩn trương điều tra truy vết 2 trường hợp nghi nhiễm Covid-19 mới phát hiện tại phường Mũi Né.
(Theo Người Đưa Tin)
Bình Dương: Dừng việc yêu cầu người đến tiêm vắc xin phải xét nghiệm nhanh COVID-19, trừ trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ
Chiều 6/8, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã có công văn khẩn về việc chấn chỉnh hoạt động tiêm vắc xin trên địa bàn tỉnh. Theo đó, qua phản ánh của người dân từ các điểm tiêm chủng vắc xin gửi về, Sở Y tế Bình Dương yêu cầu các điểm tiêm chủng cố định và lưu động trên địa bàn thực hiện dừng ngay việc yêu cầu người dân đến tiêm vắc xin phải test nhanh kháng nguyên COVID-19 (trừ trường hợp nghi ngờ). Đồng thời, dừng ngay việc thu phí dịch vụ tiêm phòng COVID-19 với bất kỳ hình thức nào.
Sở Y tế Bình Dương yêu cầu các đoàn kiểm tra, giám sát đến kiểm tra tại các điểm tiêm chủng, nếu phát hiện các sai phạm trên đề nghị đoàn lập biên bản, tạm dừng hoạt động và xử lý theo từng mức độ vi phạm. Hiện tại, tỉnh Bình Dương đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin.
Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đã chỉ đạo yêu cầu Sở Y tế, UBND các huyện, thị, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan phải hoàn thành tiêm tối thiểu 100.000 liều/ngày để bảo đảm tiêm hết số vắc xin được phân bổ trước ngày 10/8.
KHẨN: Tìm người đến hàng loạt địa điểm ở Hà Nội
Chiều 6-8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quận Ba Đình (TP Hà Nội) thông báo tìm người từng đến các địa điểm sau nhanh chóng liên hệ với cơ quan y tế.
Từ 8 giờ 30 đến 10 giờ ngày 1-8 tại chợ Châu Long, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình.
Từ 10 giờ đến 11 giờ ngày 1-8 tại siêu thị Vinmart, địa chỉ 23 Cửa Bắc, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình.
Từ 18 giờ đến 20 giờ ngày 4-8 có đến hiệu thuốc số 42 Cửa Bắc, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình.
Từ 7 giờ đến 8 giờ 30 ngày 1-8 tại chợ Linh Lang.
Từ 6 giờ đến 7 giờ 30 ngày 4-8 tại cửa hàng tạp hóa 51/58 Đào Tấn, quận Ba Đình.
Từ 10 giờ đến 11 giờ 30 ngày 4-8 tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, phường Cống Vị, quận Ba Đình.
Từ 9 giờ 15 đến 10 giờ 15 ngày 5-8 tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, phường Cống Vị, quận Ba Đình.
Tất cả những người từng đến các địa điểm trên tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với Trạm Y tế gần nhất hoặc Trung tâm Y tế quận Ba Đình (Khoa Kiểm soát dịch bệnh: 02438432113) hoặc gọi điện thoại đến số 0969082115 hoặc số 0949396115 (CDC Hà Nội).
Trưa 6-8, Sở Y tế Hà Nội cho biết trên địa bàn TP ghi nhận thêm 40 ca mắc Covid-19, trong đó có 25 trường hợp tại cộng đồng và 15 tại khu cách ly.
Tính từ 29-4 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 1.599 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 953 trường hợp ghi nhận tại cộng đồng và 646 trường hợp tại khu cách ly.
Hiện tại, có 1.330 trường hợp mắc thuộc các ổ dịch đang hoạt động, trong đó có 298 trường hợp ở 3 ổ dịch đã xác định được nguồn lây, còn lại 1.032 trường hợp ở 9 ổ dịch chưa xác định được nguồn lây nhiễm.
Phong toả toà Park 3 trong khu chung cư cao cấp có ca Covid-19 chưa rõ nguồn lây
Trưa 6-8, Sở Y tế Hà Nội công bố 40 ca COVID-19 mới, trong đó có trường hợp bệnh nhân N.M. (nam, SN 1988; người Ấn Độ), địa chỉ: Park 3 Khu đô thị Times City, phường Mai Động, quận Hoàng Mai.
Thời gian qua, Hà Nội ghi nhận nhiều ca Covid-19 cư trú tại các khu chung cư.
Ngày 25-7, bệnh nhân từ Khánh Hòa về Hà Nội trên chuyến bay VN1558. Ngày 1-8, bệnh nhân xuất hiện ho, sốt nhẹ, ngày 4-8 đến khám tại Bệnh viện Vinmec được test nhanh dương tính SARS-CoV-2 và được lấy mẫu bệnh phẩm PCR gửi CDC Hà Nội cho kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2 (ngày 5-8).
Ông Trần Văn Vịnh, Chủ tịch UBND phường Mai Động, cho biết ngay sau khi nhận thông tin về trường hợp dương tính SARS-CoV-2 trên, chính quyền địa phương đã tiến hành phong toả toà nhà Park 3 trong Khu đô thị Times City.
Công tác điều tra, truy vết được thực hiện khẩn trương. Trường hợp này có 4 F1 liên quan, trong đó có vợ và con của bệnh nhân. Các F1 hiện đã được đưa đi cách ly tập trung.
Lực lượng y tế cũng đã lấy mẫu xét nghiệm cho cư dân cùng tầng nơi bệnh nhân sinh sống và đều cho kết quả âm tính SARS-CoV-2.
Theo lãnh đạo UBND phường Mai Động, chính quyền địa phương sẽ đề xuất thu hẹp phạm vi phong toả. Theo đó sẽ gỡ phong toả toàn bộ toà Park 3 mà chỉ phong toả tầng nơi bệnh nhân sinh sống.
Tính từ 29-4 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 1.599 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 953 trường hợp ghi nhận tại cộng đồng và 646 trường hợp tại khu cách ly.
Hiện tại, có 1.330 trường hợp mắc thuộc các ổ dịch đang hoạt động, trong đó có 298 trường hợp ở 3 ổ dịch đã xác định được nguồn lây, còn lại 1.032 trường hợp ở 9 ổ dịch chưa xác định được nguồn lây nhiễm.
(Theo Người Lao Động)
Một bé trai chào đời ngay tại chốt kiểm soát dịch COVID-19
Sự việc xảy ra vào khoảng 8g30 ngày 06/8, tại chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên đường Lê Hồng Phong giao Đại Lộ Bình Dương (phường Phú Thọ, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương).
Vào thời điểm trên, khi các lực lượng đang thực hiện nhiệm vụ kiểm soát phòng chống dịch thì anh Lý Vuôl chở theo vợ là chị Lý Thị Đa Ghi (quê Sóc Trăng, hiện làm công nhân tại TP Dĩ An) có dấu hiệu sinh con nên ghé chốt kiểm soát để nhờ sự hỗ trợ.
Lúc này, tại chốt kiểm soát có cô Trần Thị Vàng (72 tuổi, cán bộ hưu trí, nguyên là bác sỹ làm việc tại Bệnh xá Công an tỉnh Bình Dương) với kinh nghiệm từng nhiều năm công tác trong lĩnh vực y tế, cô Vàng đã nhanh chóng nhờ các lực lượng hỗ trợ đưa thai phụ vào lán trại. Chỉ vài phút sau, một bé trai nặng 3kg chào đời khỏe mạnh. Ngay sau đó, lực lượng y tế phường cũng có mặt hỗ trợ cắt dây rốn và thực hiện sơ cứu tại chỗ.
Cô Trần Thị Vàng hỗ trợ lực lượng tại chốt kiểm soát dịch đã giúp sản phụ sinh con.
Trung tá Nguyễn Duy Tâm, trưởng Công an phường Phú Thọ cho biết, sau khi thực hiện sơ cứu, công an phường cũng cử lực lượng hỗ trợ phương tiện, đưa mẹ con sản phụ vào bệnh viện để được tiếp tục chăm sóc bảo đảm sức khoẻ. Hiện hai mẹ con đều khoẻ mạnh và được bệnh viện xét nghiệm âm tính với COVID-19.
Được biết, cô Trần Thị Vàng nguyên là phó trưởng phòng Hậu cần Công an tỉnh Bình Dương. Sau khi nghỉ hưu về địa phương đã tiếp tục tham gia hỗ trợ các hoạt động tại địa phương. Hiện cô là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh khu phố 7, phường Phú Thọ) đang tham gia cùng các lực lượng làm nhiệm vụ kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 của phường Phú Thọ.
(Theo Dân Việt)
F0 kích động đập phá, cầm dao uy hiếp y bác sĩ trong khu điều trị COVID-19 ở Bình Dương
Ngày 6/8, đại diện Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng, cho biết đã đề nghị công an địa phương đến can thiệp liên quan đến việc có bệnh nhân đang điều trị COVID-19 kích động, đe dọa nhân viên y tế.
Trước đó, khuya 5/8 tại khu cách ly theo dõi, điều trị F0 không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ ở Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng, một số đối tượng F0 lôi kéo kích động, đập phá khu nhà ở của nhân viên y tế, lao vào ôm, cầm dao uy hiếp bắt nhân viên y tế phải làm theo yêu cầu.
Trước sự việc này, cán bộ y tế đã đề nghị công an can thiệp, cưỡng chế kẻ cầm đầu và một F0 cầm dao đe doạ bác sĩ đưa đi nơi khác.
Con dao đối tượng dùng đe dọa nhân viên y tế và đối tượng bị đưa đi khu vực riêng.
BS Huỳnh Minh Chín, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng cho biết, gần 10 ngày nay, có một F0 trong khu cách ly điều trị có hành vi gây rối, quậy phá, không tuân thủ quy định cách ly y tế. "Các y bác sĩ tuyến đầu đã vất vả, không màng nguy hiểm để điều trị cho bệnh nhân, giờ lại xảy ra việc này. Đây là hành động không thể chấp nhận được, đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm để răn đe", BS Chín nói.
Lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng cho biết thêm, đối tượng chỉ mới đe dọa và chưa gây thương tích đối với nhân viên y tế. Tuy nhiên, từ hành động quậy phá của đối tượng đã khiến đội ngũ làm nhiệm vụ lo lắng.
(Theo Tiền Phong)
Chùm ca nhiễm COVID-19 sau đám tang: Vợ chồng Phó chủ tịch xã dương tính
Sáng 6/8, lãnh đạo UBND huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) xác nhận, ông Nguyễn Tấn Tài, Phó chủ tịch xã Thuận Hưng cùng vợ có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SAR-CoV-2.
Ông Tài ở cùng ấp Trà Lây 2 với gia đình có đám tang bà T.T.T. (đám tang diễn ra từ 29 - 31/7/2021). Ông Tài đã bị đình chỉ công tác, lý do trên địa bàn có tổ chức đám tang nhiều người dự trong khi địa phương đang thực hiện giãn cách.
Đường về trung tâm xã Thuận Hưng vắng lặng, lực lượng chức năng đã chốt chặn để kiểm soát dịch bệnh.
Tại đám tang này có 3 F0 là mẹ, con gái và một người họ hàng với bà T.
Sau đó thêm 2 người ở xã Mỹ Phước của huyện Mỹ Tú, 1 người ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính COVID-19.
Vợ ông Tài là người dự đám tang bà T. Kết quả xét nghiệm ông Tài và vợ đều nhiễm SARS-CoV-2.
Sau đó, một số khu vực của xã Phú Tân (huyện Châu Thành), xã Thuận Hưng và xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) được UBND tỉnh Sóc Trăng quyết định thiết lập vùng cách ly y tế.
Các điểm bị phong tỏa liên quan đến các F0 lây nhiễm từ bệnh nhân mắc COVID-19 tại đám tang nhà bà T. (ấp Trà Lây 2, xã Thuận Hưng).
Vùng cách ly y tế tại Thuận Hưng là khu vực trụ sở Đảng ủy, UBND xã, chợ Cầu Trắng, 2 khu dân cư; 1 khu dân cư xã Mỹ Phước, 1 khu thuộc xã Phú Tân.
Tổng số hộ bị ảnh hưởng phong tỏa 15 ngày là 1.021 hộ với 3.445 nhân khẩu.
(Theo Báo Giao Thông)
TP Hải Dương giãn cách nhà với nhà sau khi ghi nhận nhiều ca bệnh
UBND TP Hải Dương vừa áp dụng bổ sung các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố sau khi liên tiếp ghi nhận thêm các ca bệnh mới.
Theo đó, từ ngày 6/8, TP Hải Dương yêu cầu thực hiện nhà cách ly với nhà, người dân ở tại nhà, không ra ngoài đường từ 21 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau. Chỉ ra ngoài trong trường hợp cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men; cấp cứu, khám chữa bệnh, lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, tiêm chủng; đi làm tại cơ quan, công sở, nhà máy, cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu được phép hoạt động.
Không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng.
Thành phố tạm dừng tất cả các cuộc họp chưa cần thiết tại các cơ quan, đơn vị, công sở. Trường hợp đặc biệt do BCĐ Phòng chống COVID -19 tỉnh và thành phố quyết định.
Tạm dừng hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thành phố và cấp phường. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn hạn chế tối đa làm việc có tiếp xúc trực tiếp; Bố trí làm việc trực tuyến hoặc đến làm việc không quá 50% số người trong một phòng.
Các doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất trên địa quản lý nơi ở, di biến động của các công nhân, lao động. Bố trí phương án sản xuất an toàn "3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ) hoặc "1 cung đường 2 điểm đến", không để lái xe đường dài về sinh hoạt tại gia đình, cộng đồng. Không để công nhân, người lao động từ địa phương có dịch vào làm việc.
Từ 12h ngày 6/8, TP Hải Dương đóng cửa, tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ, trừ các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa quả, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm trên địa bàn chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm hằng ngày cho người dân.
Ngoài ra, một số cơ sở kinh doanh thiết yếu khác được hoạt động như: cửa hàng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ khám chữa bệnh và phòng chống dịch; Cơ sở dịch vụ khám chữa bệnh; Ngân hàng, kho bạc; Các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm..), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội.
Các cơ sở được phép hoạt động kinh doanh dịch vụ, hàng thiết yếu phải ghi chép thông tin khách hàng, lập mã QR Code cho khách đến làm việc, giao dịch.
(Theo Tiền Phong)
TP.HCM: Không có việc tăng giá, ngưng tiếp nhận các trường hợp có nhu cầu hỏa táng
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng, chống COVID-19 TP.HCM chiều 5/8, đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, căn cứ vào hướng dẫn 636 ngày 12/2/2020 và hướng dẫn 2223 của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 quốc gia, quy trình xử lý đối với trường hợp người tử vong do bị bệnh sẽ gồm 6 bước.
Tại tất cả các tỉnh, thành phố, các cơ sở y tế, các đơn vị đều buộc phải tuân thủ quy trình xử lý một cách nghiêm ngặt.
Trên địa bàn TP.HCM, bệnh nhân tử vong do COVID-19 được hoả táng tại cơ sở Bình Hưng Hoà (quận Bình Tân). Cơ sở này hiện nay hoạt động 24/24 để đảm bảo đáp ứng nhu cầu xử lý.
Về chi phí, cơ sở hoả táng Bình Hưng Hoà do nhà nước quản lý, giao cho Công ty Môi trường đô thị điều hành. Do đó, không có việc tăng giá, ngưng tiếp nhận các trường hợp có nhu cầu hoả táng.
Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: TTBC
Với trường hợp người từ vong không có người thân hoặc người thân đang ở khu phong tỏa, phần tro cốt sẽ do Công ty Môi trường Đô thị lưu giữ và thông tin về gia đình. Đơn vị này sẽ trao lại cho gia đình khi có người tiếp nhận.
"Hiện nay, trong quá trình xử lý các trường hợp tử vong do COVID-19 vẫn còn tồn tại một số bất cập. Sở đã tiếp nhận những thông tin phản ánh và đang điều chỉnh những vướng mắc cho phù hợp", lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết thêm.
Liên quan đến việc hỗ trợ hỏa táng và lưu trữ tro cốt, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin thêm, chế độ chính sách hỗ trợ của thành phố trong phòng chống dịch COVID-19 có chế độ hỗ trợ cho người nghèo. Có thể quy định vẫn chưa đủ và bao quát hết, tuy nhiên chủ trương của thành phố sẽ hỗ trợ đối với những gia đình không may có người mất bằng ngân sách của thành phố hoặc nguồn xã hội hóa.
"Đây là việc thiêng liêng, cần được làm chu đáo", Phó Bí thư Phan Văn Mãi cho biết.
(Theo Gia đình và Xã hội)
Thái Lan, Malaysia đồng loạt ghi nhận hơn 20.000 ca mắc mới COVID-19/ngày
Thái Lan ngày 6/8 ghi nhận mức tăng số ca mắc mới và số ca tử vong vì COVID-19 cao kỉ lục, với 21.379 ca mắc mới trong 24 giờ, với 191 ca tử vong.
Đây là ngày thứ ba liên tiếp Thái Lan lập kỉ lục số ca mắc mới COVID-19, phá kỉ lục của hai ngày trước đó là 20.200 ca (ngày 4/8) và 20.920 ca (ngày 5/8).
Hơn 156.000 giường bệnh, tương đương 73,49% số giường bệnh ở các tỉnh của Thái Lan (trừ Bangkok) đã được lấp đầy. “Tình hình đang được kiểm soát vì chúng tôi vẫn còn hơn 41.000 giường trống”, ông Thongchai Lertwilairattanapong, Chánh văn phòng Bộ Y tế Thái Lan cho biết.
Cũng theo ông Thongchai, các bệnh viện tỉnh đang chăm sóc gần 100.000 bệnh nhân COVID-19 được chuyển về từ thủ đô Bangkok. Nhiều bệnh nhân đã chủ động về quê điều trị vì Bangkok và nhiều khu vực khác đang áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Ông Thongchai cho biết bệnh nhân muốn về quê phải liên hệ với cán bộ y tế để hỏi xem cơ sở địa phương có điều trị được không, trước khi liên hệ để bố trí phương tiện di chuyển.
Ngày 5/8, Malaysia ghi nhận 20.596 ca mắc COVID-19 mới, vượt kỉ lục của một ngày trước đó (19.819 ca). Tổng số ca bệnh ở Malaysia đến thời điểm hiện tại là hơn 1,2 triệu ca. Tổng số ca tử vong vì COVID-19 cũng vượt mốc 10.000 ca sau khi khi nhận thêm 164 ca tử vong mới ngày 5/8.
Malaysia đã chứng kiến sự gia tăng số ca mắc COVID-19 kể từ tháng Bảy. Mức tăng số ca mắc mới đã không giảm xuống dưới mốc 10.000 kể từ ngày 12/7.
Malaysia đã tiêm tổng cộng 22,1 triệu liều vắc xin COVID-19. Riêng trong ngày 4/8, số liều vắc xin được tiêm đã gần chạm mốc 500.00 liều.
Hôm thứ Năm, Malaysia đã cấp phép sử dụng khẩn cấp có điều kiện vắc xin ngừa COVID-19 của Moderna. Người đứng đầu cơ quan y tế Malaysia - Noor Hisham Abdullah cho biết Bộ Y tế sẽ tiếp tục đánh giá chất lượng, độ an toàn và hiệu quả của vắc xin để đảm bảo lợi ích mà vắc xin mang lại lớn hơn rủi ro.
Trung Quốc ngày 6/8 ghi nhận mức tăng số ca mắc mới COVID-19 cao nhất trong đợt bùng phát lần này, với 124 ca.
Trong số các ca bệnh nói trên, có 80 ca lây nhiễm trong cộng đồng, bao gồm 61 ca ở Giang Tô, 9 ca ở Hồ Nam, 6 ca ở Hồ Bắc, Nội Mông - Hà Nam - Hải Nam - Vân Nam mỗi nơi một ca.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Năm cho biết Bắc Kinh sẽ phấn đấu đạt mục tiêu cung cấp hai tỷ liều vắc xin COVID-19 cho các quốc gia khác trong năm 2021.
Trong thông điệp gửi tới một diễn đàn hợp tác vắc xin COVID-19 quốc tế, ông Tập Cận Bình cũng cho biết Trung Quốc sẽ tặng 100 triệu đô la cho chương trình phân phối vắc xin toàn cầu COVAX.
(Theo Tiền Phong)