Những ngày điều trị COVID-19 là những kỷ niệm khó quên đối với chị G. khi 7 người trong gia đình là F0.
7 người trong gia đình là F0
Ngày 5/8, chia sẻ với PV, chị N.Q.P.G. (23 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh, người mắc COVID-19 đã được điều trị khỏi bệnh) cho biết, một tháng chị nằm viện điều trị COVID-19 là khoảng thời gian khá dài. Chị muốn gửi lời cảm ơn Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện dã chiến số 4 và Bệnh viện Đại học Y Dược đã tận tình chăm sóc chị, gia đình chị và các bệnh nhân trong suốt quá trình cách ly điều trị.
Nhớ lại những ngày đầu mắc bệnh, chị G. kể, ngày 24/6, chị đưa dì đi mổ khối u ở bụng. Tại bệnh viện, chị nhận kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Lần lượt sau đó, cả gia đình 7 người trong gia đình chị, gồm: chị, ông bà ngoại, ba, mẹ, dì và em gái 10 tuổi được xác định mắc COVID-19, được đưa đi điều trị ở các bệnh viện khác nhau.
Theo chị G., bản thân chị không biết nguồn lây từ đâu. Ba mẹ chị có triệu chứng đầu tiên, sau đó mới đến G. Sau khi có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, chị được chuyển đi điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, ba mẹ và em gái ở Bệnh viện Củ Chi, dì và ông ở Bệnh viện Trương ương, còn bà nặng nhất thì ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.
Chị G. mắc COVID-19, nay đã được điều trị khỏi bệnh
Trong lúc tạm cách ly chờ chuyển đến bệnh viện, chị đã khóc rất nhiều. Không phải là cảm giác uất ức, oán trách tại sao bản thân và gia đình lại mắc bệnh mà chị khóc vì thương ông bà ngoại, bởi ông có bệnh về tâm thần, bà bị tai biến nằm liệt và viêm phổi, cả hai đều đã hơn 80 tuổi.
“Gia đình tôi may mắn phát hiện sớm và được đi cách ly luôn nên tránh được lây nhiễm cho những người xung quanh. Sau khi nhập viện, tôi bình tĩnh khai báo lịch trình đi lại”, chị G. nói.
Chị G. cho hay, hằng ngày mỗi sáng thức dậy, bác sĩ sẽ đo nồng độ SpO2 (độ bão hòa oxy trong máu ngoại biên) và phát thuốc cho từng bệnh nhân. Mỗi lần khám xong, chị không quên nói lời cảm ơn các nhân viên y tế.
“Ngày đầu tôi xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, hơi sốt, ho khan, người mệt lả. Hai ba ngày sau thì mất khứu giác, vị giác. Tôi ho rất nhiều, ho như rách họng khiến vòm họng sưng lên và bị loét. Lúc súc miệng đau chảy nước mắt. Có những bữa không ăn được cơm mà quên đăng ký cháo, các nhân viên y tế lại đi từng phòng để xin cháo cho. Nhìn thấy hành động đó, tôi thấy những cơn đau không còn quá ghê gớm", chị G. nhớ lại.
Hiểu được sự vất vả của các bác sĩ, chị G. luôn tự chủ động chăm sóc bản thân. Mỗi ngày chị G. đều uống nước có chứa khoáng, bổ sung điện giải, sốt sẽ uống thuốc. Với chị G. điều sợ nhất không phải là triệu chứng của bệnh mà là xa gia đình, bất lực nhìn người thân bệnh trở nặng, các bác sĩ kiệt sức vì chăm sóc bệnh nhân.
“Khi nghe tin sức khoẻ của ba mẹ yếu đi, ông bà phải vào phòng hồi sức cấp cứu lòng tôi đau thắt lại, cảm giác lo lắng, bồn chồn và bất lực”, chị G. nói.
Chị G. cho hay, trong suốt khoảng thời gian điều trị, các thành viên trong gia đình vẫn liên lạc với nhau qua điện thoại, duy chỉ có ông bà của G. bệnh nặng, nằm hồi sức từ hôm cách ly chưa thể liên lạc.
“Lời nhắn đầu tiên tôi nhận được về ông bà là tin nhắn báo tử. Đau đớn lắm, khi mất đi người thân mà không kịp nhìn mặt, ngày cách ly cũng là ngày từ biệt”, G. xúc động nói.
Giường bệnh của chị G. tại bệnh viện
Những ngày điều trị tại bệnh viện, G. ám ảnh với những tiếng khóc của trẻ nhỏ nhớ ba mẹ trong khu dã chiến, tiếng nấc của những bệnh nhân gọi về cho gia đình và cả những tiếng rên rỉ vì đau đớn.
Mỗi ngày thức giấc trên giường bệnh, G. luôn làm "công tác tư tưởng" cho bản thân chấp nhận mắc COVID-19.
"Cảm xúc ghét bỏ, oán trách hiện thực không giúp mình tốt hơn. Hãy hít vào cảm xúc tích cực, thở ra nỗi thất vọng, điều đó khiến mình tốt hơn", chị G. nói.
Ấm lòng khi được bác sĩ hỏi thăm, động viên
Mỗi lần được khám bệnh, hay gặp những nhân viên y tế, người lao công, chị luôn nở nụ cười tươi và không quên nói cảm ơn vì những gì họ đã làm. Ngày thứ 10, G. thấy khoẻ hơn và thèm ăn rất nhiều.
Những suất cơm tại khu cách ly, điều trị
Ngày thứ 15, chị được chuyển tới bệnh viện dã chiến, phòng chị ở có 3 người. Ở trong phòng, đều là bệnh nhân nhưng mọi người luôn muốn truyền suy nghĩ tích cực, họ chia sẻ những cách giúp bản thân khoẻ hơn, chủ động nhắc nhau tập thể dục, luân phiên dọn dẹp phòng, cùng nhau hát hò... nhưng vẫn giữ khoảng cách và đeo khẩu trang.
G. nói, bản thân ví cuộc sống ở bệnh viện dã chiến như một gia đình lớn, mọi người luôn tự chủ động làm việc nếu có thể, hỗ trợ nhau cuộc sống sinh hoạt nhằm giảm tải những khó khăn cho đội ngũ y bác sĩ.
“Ở bệnh viện dã chiến, các bác sĩ hay gọi "bệnh nhân của em đâu rồi ạ", "bệnh nhân của em hôm nay khoẻ không ạ", "bệnh nhân cố gắng lên, cố gắng giúp bác sĩ nhé" sau mỗi lần đến thăm khám. Những câu nói này của bác sĩ vừa gần gũi, ấm áp lại đầy trách nhiệm khiến tôi rất cảm động”, chị G. cho biết.
Những ngày đầu mệt mỏi, chị G. không ăn được cơm, các bác sĩ đã xin cháo giúp chị
G. hiểu các bác sĩ không phải siêu anh hùng, không thể đáp ứng 100% mong đợi của từng người, nhưng tất cả đều cố gắng không ngưng nghỉ. Là bệnh nhân, mọi người cần có ý thức chủ động và giữ tinh thần trong đợt dịch, là giúp đỡ cho chính mình, cũng là để giúp cho bác sĩ.
Suốt quãng thời gian điều trị, chị G. cho biết, chị luôn nhớ đến hình ảnh những điều dưỡng phải đi lau nhà, dọn rác nhà vệ sinh sau khi chăm sóc bệnh nhân. Các anh dân quân làm việc tới tận 8 giờ tối vẫn miệt mài quét dọn, thu gom đồ tồn của F0, sau mới ăn cơm chiều.
“Ngày 25/7, tròn 30 ngày điều trị và có kết quả âm tính được xuất viện, tôi hét lớn và gọi điện thông báo cho gia đình. Lúc này, bố, me và em gái, dì của tôi cũng đã khỏi bệnh và xuất viện. Cả gia đình 7 F0 thì 5 thành viên khỏi bệnh, chỉ có ông bà ngoại của tôi đã mất”, cô gái 23 tuổi chia sẻ.
Ngày xuất viện, lúc đi qua các phòng bệnh, mọi người đều chúc mừng G., ai nấy cũng mong mau chóng hết bệnh để được đoàn viên.
Về nhà, điều đầu tiên G. làm là lên thắp hương và nói lời cảm ơn đến ông bà ngoại. Chị ôm hôn em gái và mẹ, ngắm nhìn ngôi nhà thân thương đã xa nhiều ngày và gửi những lời cảm ơn chân thành nhất đến những bác sĩ tuyến đầu chống dịch.