COVID-19 7/12: 210 học sinh mắc COVID-19, một địa phương hỏa tốc dừng tới trường

H.A - Ngày 07/12/2021 12:14 PM (GMT+7)

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, từ 6/12, khoảng 80.000 học sinh của huyện Thủy Nguyên cũng dừng đến trường để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh.

9 diễn biến

210 học sinh mắc COVID-19, một địa phương hỏa tốc cho nghỉ học

Theo báo cáo của Sở Y tế Hải Phòng, từ ngày 27/4 đến nay, Hải Phòng ghi nhận tổng số hơn 1.200 ca mắc COVID-19, trong đó có 210 học sinh. Riêng quận Hồng Bàng, từ ngày 26/11 đến 6/12, ghi nhận 300 ca dương tính. 

Mới đây, UBND huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng có công văn yêu cầu các trường tiểu học, THCS trên địa bàn cho học sinh dừng đến trường và chuyển sang dạy học trực tuyến; các cơ sở mầm non nghỉ học từ ngày 6/12/2021. Bắt đầu từ ngày 6/12, khoảng 80.000 học sinh của huyện Thủy Nguyên dừng đến trường để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh. Đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống, hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khoá tạm dừng việc dạy và học từ ngày 5/12/2021.

Huyện cũng yêu cầu các trường THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Thuỷ Nguyên tùy theo tình hình dịch bệnh, xin ý kiến cơ quan quản lý cấp trên cho học sinh dừng đến trường và chuyển sang dạy học trực tuyến.

Các trường, cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử khuẩn trường, lớp; bố trí lịch trực cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trực tại trường; cập nhật báo cáo các trường hợp F0, F1,F2, F3 là cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh của trường hằng ngày về UBND huyện qua Phòng giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, giao phòng Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS thuộc huyện xây dựng phương án dạy học, tổ chức các hoạt động dạy học trực tuyến và hướng dẫn chăm sóc trẻ mầm non tại nhà bảo đảm chất lượng, phù hợp với các đối tượng học sinh để hoàn thành chương trình năm học 2021-2022.

Nguồn: (tổng hợp)

Ca mắc Covid-19 tăng mạnh, Hà Nội hoả tốc yêu cầu thiết lập khu điều trị trong bệnh viện

Ngày 6/12, Sở Y tế Hà Nội hỏa tốc ban hành Công văn 670 về việc triển khai các biện pháp cấp bách thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Công văn nêu rõ, thực hiện Công điện 26 của UBND TP Hà Nội về việc triển khai các biện pháp cấp bách thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong tình hình mới; Công văn số 1580 của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở khám, chữa bệnh.

COVID-19 7/12: 210 học sinh mắc COVID-19, một địa phương hỏa tốc dừng tới trường - 1

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong và ngoài công lập khẩn trương thiết lập khu điều trị Covid-19 trong bệnh viện, triển khai giường điều trị người bệnh Covid-19 được giao theo Quyết định số 5057/QĐ-UBND ngày 1/12 của UBND TP Hà Nội về việc giao chỉ tiêu giường bệnh cách ly, điều trị cho các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, đảm bảo vừa khám chữa bệnh thông thường vừa điều trị người bệnh Covid-19. 

Theo đó, rà soát, chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất tại các cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ để sẵn sàng tiếp nhận điều trị sớm cho người bệnh nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong. 

Đồng thời, nghiêm túc thực hiện công tác tổ chức phân luồng, sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm để phát hiện sớm ca bệnh Covid-19, xét nghiệm ngẫu nhiên, định kỳ cho nhân viên y tế, người bệnh nội trú, người nhà người bệnh, đặc biệt ở các khoa hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực, thận nhân tạo,… theo hướng dẫn của Bộ Y tế để tránh lây nhiễm trong cơ sở khám, chữa bệnh. 

Thực hiện khai thác, khám, phân loại mức độ bệnh, đánh giá nguy cơ để phân luồng, chuyển tuyến người bệnh theo hướng dẫn tại Công văn số 2139 của Sở Y tế TP Hà Nội về việc phân luồng, tiếp nhận người bệnh Covid-19 (lần 4). 

Các đơn vị thực hiện nghiêm 5K trong toàn bệnh viện và tăng cường giám sát việc thực hiện công tác vệ sinh, khử khuẩn, tăng cường thông khí tự nhiên hoặc cơ học tại các khoa, phòng. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh, công tác hội chẩn. Kê đơn, cấp thuốc điều trị ngoại trú cho bệnh nhân mắc bệnh mạn tính tối đa 3 tháng đối với các bệnh mạn tính đã điều trị ổn định.

Ngoài ra, Sở Y tế yêu cầu các Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã khẩn trương triển khai theo dõi, quản lý, điều trị F0 tại nhà theo đúng hướng dẫn tại Phương án 276/PA-UBND của UBND TP ban hành ngày 2/12 về phương án thu dung điều trị "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" trên địa bàn Hà Nội, áp dụng phần mềm theo dõi, quản lý, điều trị F0 tại nhà.

Ngày 6/12, Hà Nội ghi nhận 774 ca mắc Covid-19, trong đó có 280 ca cộng đồng, số còn lại nằm trong khu cách ly và phong tỏa. Cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 29/4): 13.946 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 5.492 ca, số mắc đã được cách ly 8.454 ca.

Nguồn: https://danviet.vn/ca-mac-covid-19-tang-manh-ha-noi-hoa-toc-yeu-cau-thiet-lap-khu-dieu-...

Hải Phòng: Thực hiện điều trị F0 tại nhà theo mô hình hoạt động của Trạm y tế lưu động

Chủ tịch TP Hải Phòng vừa yêu cầu UBND quận Hồng Bàng và UBND huyện Tiên Lãng thực hiện điều trị F0 mắc Covid-19  tại nhà theo mô hình hoạt động của Trạm y tế lưu động với sự hướng dẫn của Sở Y tế.

Cán bộ y tế ở Hải Phòng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân. Ảnh: Nguyễn Đại

Cán bộ y tế ở Hải Phòng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân. Ảnh: Nguyễn Đại

Theo đó, TP Hải Phòng sẽ xây dựng 211 Trạm y tế lưu động, đảm bảo đủ 1 Trạm y tế lưu động/một đơn vị xã, phường, thị trấn từ nguồn kinh phí xã hội hóa, dự kiến 50.000.000 đồng/trạm, tổng số kinh phí là 10,5 tỷ đồng để trang bị xe máy, bình ôxy, thiết bị khám chữa bệnh, vật tư y tế và các thiết bị khác.

TP Hải Phòng cũng yêu cầu UBND các quận, huyện giúp các đơn vị hỗ trợ thực hiện mua sắm thiết bị, vật tư y tế trang bị cho các Trạm y tế lưu động từ ngày 07/12/2021 và xong trước ngày 10/12/2021, đảm bảo đúng giá thị trường. Có trách nhiệm giao cá nhân, đơn vị đầu mối quản lý tài sản; tùy tình hình, diễn biến của dịch Covid-19, thành phố sẽ trưng dụng hoặc thu hồi để sử dụng vào mục đích khác. Thực hiện điều phối Trạm y tế lưu động giữa các xã, phường, thị trấn trong nội bộ, tăng cường cho các xã, phường, thị trấn có nhiều F0.

Về hoạt động của Trạm y tế lưu động, TP Hải Phòng chỉ đạo thiết kế vị trí phù hợp để bình ôxy, thuốc, thiết bị y tế và gắn biển ghi chữ "TRẠM Y TẾ LƯU ĐỘNG" trên các xe máy. Trưởng trạm y tế lưu động là Bác sĩ hoặc cán bộ y tế có đủ điều kiện về chuyên môn theo quy định. Chỉ bố trí giường cho cán bộ y tế của Trạm thực hiện nhiệm vụ trực. Cán bộ y tế của Trạm phải có trách nhiệm giữ liên hệ với F0 trong quá trình giám sát, điều trị; sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi được yêu cầu.

Trước đó quận Hồng Bàng và huyện Tiên Lãng đã thực hiện việc hoạt động thí điểm 15 Trạm y tế lưu động, gồm 05 Trạm tại 02 phường thuộc quận Hồng Bàng: Thượng Lý, Sở Dầu và 10 trạm tại 4 xã thuộc huyện Tiên Lãng: Tiên Thắng, Tiên Minh, Toàn Thắng, Vinh Quang. Đến nay, 15 Trạm y tế đã cơ bản đủ điều kiện để hoạt động điều trị F0 tại nhà.

Nguồn: https://danviet.vn/hai-phong-thuc-hien-dieu-tri-f0-tai-nha-theo-mo-hinh-hoat-dong-cua-t...

5 tỉnh phía Nam gia tăng số ca Covid-19: Đi từng ngõ, gõ từng nhà để đẩy nhanh tiêm chủng

5 tỉnh đang có số ca mắc và số ca Covid-19 tử vong gia tăng đáng lưu ý là TP Cần Thơ, An Giang, Tây Ninh, Sóc Trăng, Bà Rịa- Vũng Tàu. 

Báo cáo của TP Cần Thơ cho biết, số ca Covid-19 mắc thời gian gần đây đang gia tăng, hiện đã trên 30.000 ca; TP đang ở cấp độ dịch 3.

Tại An Giang, số ca mắc Covid-19 đến nay của tỉnh là 24.753 trường hợp, trong đó số đang điều trị là 5.284 ca. Tuy nhiên lũy kế số tử vong là 468 bệnh nhân (chiếm 1,89%), 75% bệnh nhân tử vong chưa được tiêm vaccine. 

COVID-19 7/12: 210 học sinh mắc COVID-19, một địa phương hỏa tốc dừng tới trường - 3

Toàn tỉnh có 13 cơ sở thu dung điều trị với 4.570 giường bệnh. Người bệnh Covid-19 nặng và nguy kịch được điều trị tại 4 bệnh viện tuyến tỉnh là Bệnh viện đa khoa (BVĐK) trung tâm An Giang, BVĐK khu vực tỉnh, BVĐK khu vực Tân Châu và BV Sản Nhi.

Báo cáo của Tây Ninh cho biết, đến ngày 6/12, tỉnh này ghi nhận 49.639 ca mắc Covid-19, đang điều trị 14.838 ca, trong số đó có 173 bệnh nhân nặng, nguy kịch đang điều trị tại tầng 3;

Tại Sóc Trăng đến ngày 6/12 ghi nhận 21.835 ca mắc Covid-19; cộng dồn 127 tử vong, trong số đó có 76% người chưa tiêm vaccine Covid-19;

Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, hiện có 3.766 ca Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị trên địa bàn; 3.813 trường hợp F0 đang quản lý, theo dõi và cách ly tại nhà. Đánh giá về cấp độ dịch của tỉnh cho thấy hiện có 7 đơn vị ở cấp độ 4; có 33 đơn vị ở cấp độ 3.

Thực hiện triệt để các biện pháp chống dịch ở các nơi có số ca Covid-19 caoTại buổi họp trực tuyến với 5 tỉnh chiều 6/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nhận định, số người chưa tiêm vaccine Covid-19 có nguy cơ tử vong cao hơn rất nhiều người đã tiêm vaccine Covid-19. Do đó, theo Bộ Y tế, biện pháp cấp bách hiện nay là đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine ở các tỉnh này. 

"Chúng ta phải thực hiện chiến dịch "đi từng ngõ, gõ từng nhà" lập danh sách tất cả những người cao tuổi, người có bệnh lý nền chưa tiêm vaccine để tiêm chủng cho nhóm đối tượng này", Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Báo cáo của 5 địa phương này đều cho biết, hiện tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 mũi 1 rất cao đều trên 98%; mũi 2 trên 80%. Các tỉnh này cũng đã hoàn thành tiêm vaccine mũi 1 cho trẻ trong độ tuổi từ 12-17; đang triển khai tiêm mũi 2.

Lãnh đạo ngành y tế các địa phương trên cũng thông tin đang đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 2, tiêm vét các trường hợp thuộc đối tượng tiêm nhưng trì hoãn.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng lưu ý các địa phương vì số ca nhiễm tăng nên trong quá trình triển khai Nghị quyết 128, đối với những nơi thuộc cấp độ dịch 3 và 4 phải thực hiện nghiêm, triệt để các biện pháp phòng chống dịch, nhất là các khu vực thuộc cấp độ 4. "Có như thế chúng ta mới kiểm soát được số mắc"- Bộ trưởng nói.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: "Thực tế cho thấy chúng ta sẽ tiếp tục phải đối mặt với tình trạng gia tăng ca nhiễm Covid-19 vì tại nhiều địa phương vẫn còn hiện tượng người dân không thực hiện nghiêm các khuyến cáo của ngành y tế về phòng chống dịch, lơ là, chủ quan... 

Khi số ca mắc gia tăng, đương nhiên bệnh nhân nặng sẽ tăng và con số tử vong cũng sẽ có thể tăng. Do vậy cần nỗ lực để giảm số ca tử vong".

Cũng về điều trị, Bộ trưởng Long lưu ý các địa phương là quản lý, theo dõi và chăm sóc F0 tại nhà phải chặt chẽ, khoa học và luôn đảm bảo "y tế phải gần dân nhất" thông qua việc thiết lập các trạm y tế, tổ y tế lưu động. Mỗi xã, phường có thể có nhiều trạm y tế, tổ y tế lưu động để quản lý chặt chẽ danh sách các ca bệnh nguy cơ cao nhằm sẵn sàng chuyển tuyến kịp thời. 

Nguồn: https://danviet.vn/5-tinh-phia-nam-gia-tang-so-ca-covid-19-can-triet-de-thuc-hien-bien-...

Lần đầu tiên toàn bộ 17 xã, phường của TP Cà Mau đổi màu sang cấp độ 3

Tối 6/12, Sở Y tế tỉnh Cà Mau đã có quyết định công bố cấp độ dịch Covid-19 quy mô cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn (trừ các khu phong tỏa). Lần đầu tiên toàn bộ 17 xã, phường của TP Cà Mau đồng loạt thuộc vùng cam (cấp độ 3).

Lần đầu tiên toàn bộ 17 xã, phường của TP Cà Mau đổi màu sang cấp độ 3. (Ảnh: CL).

Lần đầu tiên toàn bộ 17 xã, phường của TP Cà Mau đổi màu sang cấp độ 3. (Ảnh: CL).

Theo quyết định này, toàn tỉnh Cà Mau có 55 đơn vị cấp xã thuộc cấp độ 3 (bao gồm 17 xã, phường của TP Cà Mau). Trong đó có 8 đơn vị ấp/khóm thuộc cấp độ 4, gồm: Khóm 4 (thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển), ấp 7 (xã Tân Lộc, huyện Thới Bình), khóm 1, khóm 2 (thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước), ấp Nam Đan, Trung Hưng (xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước), khóm 4 (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời), ấp Ô Rô (xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển).

46 đơn vị cấp xã thuộc cấp độ 2 và không có đơn vị cấp độ 1.

Cùng ngày, thông tin từ Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Cà Mau, trong ngày tỉnh ghi nhận 639 ca mắc Covid-19 và 2 ca tử vong.

Cụ thể, có 328 ca được phát hiện trong cộng đồng, 233 ca đang cách ly, 72 ca trong khu phong tỏa và 6 ca là người từ vùng dịch về địa phương bằng phương tiện cá nhân (lũy kế 1.1.12 ca).

Từ ngày 27/4 đến nay, tỉnh Cà Mau ghi nhận 12.360 ca mắc Covid-19 (5.128 ca cộng đồng); có 6.287 người điều trị khỏi và 56 người tử vong. Hiện có 6.099 trường hợp nhiễm Covid-19 đang điều trị.

Nguồn: https://danviet.vn/lan-dau-tien-toan-bo-17-xa-phuong-cua-tp-ca-mau-doi-mau-sang-cap-do-...

Từ 20-12, F0 không triệu chứng ở Quảng Ngãi được điều trị tại nhà

Sáng 6-12, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh chủ trì buổi họp về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh này.

Tại cuộc họp, Sở Y tế báo cáo, từ 22-11 đến 6-12, tỉnh Quảng Ngãi ghi nhận 776 ca nhiễm COVID-19, trong đó 121 ca nhiễm cộng đồng. So với hai tuần trước, số ca nhiễm cộng đồng tăng 22 ca.

Ngày 20-12, tỉnh Quảng Ngãi cho phép F0 không triệu chứng, đã tiêm hai mũi vaccine và dưới 50 tuổi điều trị tại nhà.

Ngày 20-12, tỉnh Quảng Ngãi cho phép F0 không triệu chứng, đã tiêm hai mũi vaccine và dưới 50 tuổi điều trị tại nhà.

Trong hai tuần, số ổ dịch phát sinh mới là 15 điểm, số F0 nhiều nhất tại xã Sơn Hạ (huyện Sơn Hà) với 57 ca; nhóm sàng lọc tại cơ sở y tế, xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi), xã Sơn Linh (huyện Sơn Hà) vẫn còn duy trì ở mức hai con số. Ngành Y tế xác định có hơn 11 ngàn trường hợp F1.

Tỉnh Quảng Ngãi đã tiêm vaccine COVID-1 mũi 1 cho 96%, mũi 2 cho 86,5% người trên 18 tuổi; 2.399 người từ 12-18 tuổi đạt tiêm mũi 1, đạt tỉ lệ 2%. Tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine để 100% người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm đủ liều trong tháng 12-2021 và triển khai mũi bổ sung, mũi tăng cường cho người tiêm đủ hai mũi.

Trên cơ sở báo cáo của các đơn vị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã đồng ý cho phép F1, F2 cách ly tại nhà từ ngày 10-12. Đến 20-12, F0 không triệu chứng, đã tiêm đủ hai mũi vaccine và dưới 50 tuổi được điều trị tại nhà. Ngành y tế tham mưu UBND tỉnh ban hành hướng dẫn cụ thể kèm các điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch khi điều trị F0 tại nhà.

Ngoài ra, ngành y tế đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành bao phủ vaccine cho người trên 18 tuổi, khẩn trương mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế... xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19.

Tỉnh Quảng Ngãi bắt đầu tạm dừng hoạt động các chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại đèo Bình Đê (thị xã Đức Phổ) và xã Ba Tiêu (huyện Ba Tơ). Các hoạt động kinh doanh không thiết yếu như massage, karaoke, vũ trường… tiếp tục tạm dừng.

Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm làm việc với các địa phương trong tỉnh để thống nhất phương án dạy và học theo phương châm an toàn đến đâu thì cho tổ chức dạy trực tiếp đến đó, không để chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng.

Nguồn: https://plo.vn/suc-khoe/tu-2012-f0-khong-trieu-chung-o-quang-ngai-duoc-dieu-tri-tai-nha...

Bình Thuận khẩn tìm người đến ngân hàng, cửa hàng điện thoại, vựa thanh long

Trước đó, trên địa bàn Tp.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận ghi nhận một số ca nghi nhiễm gồm: L.M.H, năm sinh 2004, nam, lao động tự do, thôn Tiến Hưng, xã Tiến Lợi; N.T.K.T, năm sinh 1996, nữ, lao động tự do, khu phố 3, phường Xuân An; U.B.D.T, năm sinh 1978, nữ, khu phố 9, phường Phú Trinh; L.P.C, năm sinh 1990, nam, khu phố 6, phường Lạc Đạo; H.V.T, năm sinh 1993, nam, khu phố 6, phường Phú Tài; N.T.T.A, năm sinh 1987, nữ, khu phố 7, phường Đức Long.

Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Tp.Phan Thiết được triển khai có hiệu quả, UBND Tp.Phan Thiết yêu cầu những người dân đến các địa điểm dưới đây liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để thực hiện việc khai báo vì có liên quan đến ca nghi nhiễm Covid-19, cụ thể:

Khâu bốc vác của vựa thanh long Hồng Đào, thôn Dân Hiệp, xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam từ 9h-22h ngày 23/11-06/12.

Nhà trọ, số 326 đường Nguyễn Hội, phường Xuân An từ ngày 23/11-6/12.

Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bình Thuận, số 137 đường Lê Hồng Phong, phường Phú Trinh từ 7h-17h30 ngày 18/11-29/11.

Đài thông tin Duyên Hải Phan Thiết, khu phố 5, phường Hưng Long từ ngày 23/11-6/12.

Tiệm photocopy Ánh Dương, số 113 đường Tuyên Quang, phường Phú Thuỷ từ 16h-16h30 ngày 3/12.

Nhà sách Phương Nam, số 284 đường Trần Hưng Đạo, phường Bình Hưng từ 16h30-17h ngày 3/12.

Cửa hàng rau hành trên đường Trương Văn Ly (nằm giữa Siêu thị Vinmart và cửa hàng Bách Hoá Xanh) và cửa hàng bán thịt (trước nhà bác sĩ Hoà trên đường Trương Văn Ly), phường Đức Long từ 11h-11h30 các ngày 22, 24, 26/11.

Quầy bán thịt heo của chị Út và các hàng rau hành trong chợ Bia Đài, phường Đức Long từ 10h-11h ngày 27/11-28/11.

Phòng Giao dịch Phan Thiết, Ngân hàng Vietcombank, số 318 đường Trần Hưng Đạo, phường Đức Thắng từ 11h-11h30 ngày 2/12.

Cửa hàng tạp hóa Hiếu Nhân (nằm trên đường Trương Văn Ly) và cửa hàng bán trứng (đối diện nhà bác sĩ Hoà trên đường Trương Văn Ly), phường Đức Long từ 17h-17h15 ngày 4/12-5/12.

Khu vực quầy lương thực, thực phẩm và khu vực hàng tiêu dùng của siêu thị Co.opmart Phan Thiết, số 01A đường Nguyễn Tất Thành, phường Bình Hưng từ 16h30-17h15 ngày 29/11.

Cửa hàng sửa điện thoại Toàn Iphone, số 275 đường Trần Hưng Đạo, khu phố 3, phường Bình Hưng từ 7h-18h30 ngày 20/11-5/12.

UBND Tp.Phan Thiết đề nghị UBND các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh, các cơ quan truyền thông, các cơ quan, đơn vị và UBND các phường, xã trên địa bàn Tp.Phan Thiết thông báo thông tin trên qua các phương tiện thông tin đại chúng cho người dân biết.

Đồng thời, yêu cầu những người đến địa điểm và thời gian nêu trên liên hệ ngay với trạm y tế xã, phường, thị trấn; phòng khám đa khoa khu vực; trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố; Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh thực hiện khai báo y tế để được hướng dẫn giám sát, xét nghiệm, cách ly y tế theo quy định.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm.

Theo số liệu thống kê của UBND Tp.Phan Thiết, ngày 6/12, Thành phố này có 59 ca mắc Covid-19. Trong đó, có 29 ca tại khu cách ly, 1 ca ở khu phong toả, 29 ca cộng đồng.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Thuận cho biết, tính từ ngày 27/4 đến 18h ngày 6/12, tỉnh Bình Thuận ghi nhận 20.245 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, Tp.Phan Thiết có số ca nhiễm cao với 7.192 trường hợp.

Số trường hợp cách ly là 54.349 trường hợp, trong đó cách ly tại cơ sở y tế có 19.641 trường hợp, cách ly tập trung của địa phương có 34.391 trường hợp, cách ly tập trung có thu phí có 317 trường hợp.

Số đối tượng đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trên địa bàn toàn tỉnh từ 14h ngày 5/12 đến 14h ngày 6/12 là 7.934 người, trong đó tiêm mũi 1 có 944 người, tiêm mũi 2 có 5.232 người, tiêm cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi có 1.758 người.

Tích lũy số người tiêm mũi 1 có 885.302, đạt tỉ lệ 98,1% (dân số ≥18 tuổi), số người tiêm mũi 2 có 645.456, đạt tỉ lệ 71,5% (dân số ≥18 tuổi). Tích lũy số trẻ từ 12 tuổi đến 17 tuổi tiêm mũi 1 có 51.215, đạt tỉ lệ 37,7%.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/binh-thuan-khan-tim-nguoi-den-ngan-hang-cua-hang-dien-thoai-...

Nghệ An: F0 tăng nhanh trong khu vực phong tỏa, đa số là học sinh

Không xác định nguồn lây, khó khăn cho công tác dập dịch

Ngày 7/12, ông Nguyễn Thanh Hoài, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An cho biết, nhờ công tác phòng chống dịch nhanh chóng nên mấy ngày nay huyện Quỳ Châu không ghi nhận các ca cộng đồng. Số người nhiễm trên địa bàn từ đầu mùa dịch đến nay vẫn là 199 ca.

“Hiện, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch đang tập trung lực lượng để ngăn chặn dịch trong khu vực phong tỏa. Hai ngày trước dịch phức tạp nhưng hiện nay đã được khống chế”, ông Hoài nói.

Trung tâm y tế Quỳ Châu tiếp tục gấp rút lấy mẫu xét nghiệm cho học sinh Trường THCS Tiến - Thắng và Trường Tiểu học Châu Tiến.

Trung tâm y tế Quỳ Châu tiếp tục gấp rút lấy mẫu xét nghiệm cho học sinh Trường THCS Tiến - Thắng và Trường Tiểu học Châu Tiến.

Theo công bố, trong 12 giờ (từ 6h đến 18h ngày 6/12), huyện Quỳ Châu ghi nhận tới 34 ca nhiễm đều nằm tại xã Châu Tiến. Ngoài ra, từ 18h ngày 5/12 đến 6h ngày 6/12, xã Châu Tiến cũng ghi nhận 24 ca nhiễm mới.

Đây là địa phương có diễn biến dịch phức tạp nhất, đặc biệt là hai bản Hoa Tiến 1 và 2. Vì vậy, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện đã tạm thời phong tỏa toàn xã Châu Tiến, đặc biệt yêu cầu người dân bản Hoa Tiến 1 và 2 không ra khỏi nhà. Đáng lo là đại đa số các F0 đều là học sinh tiểu học và trung học cơ sở; không xác định nguồn lây, gây khó khăn cho công tác dập dịch.

Trao đổi thêm về diễn biến của dịch, bác sĩ Đặng Tân Minh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu cho biết thêm: “Ổ dịch chưa tìm ra được nguồn lây ban đầu, chỉ số kết quả xét nghiệm cho thấy ổ dịch nghi có từ lâu nên dẫn đến F0 nhiều”.

Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, huyện Quỳ Châu đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai ngay các giải pháp chống dịch, tiến hành điều tra, truy vết, cách ly các đối tượng theo quy định; triển khai ngay trạm y tế lưu động để thu dung, điều trị bệnh nhân.

“Ban Chỉ đạo phòng chống dịch đã mở rộng việc truy vết, cách ly sớm các trường hợp nghi nhiễm nên từ hôm nay số lượng F0 đã giảm. Dự kiến từ ngày mai số lượng ca nhiễm sẽ giảm sâu”, ông Minh cho hay.

Khẩn trương triển khai các giải pháp dập ổ dịch phức tại

Trước diễn biến phức tạp, PGS.TS Dương Đình Chỉnh, Phó Chỉ huy trưởng Trung tâm Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An đã có mặt làm việc cùng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch huyện Quỳ Châu bàn các giải pháp để sớm khống chế, dập tắt ổ dịch tại xã Châu Tiến.

“Ổ dịch tại xã Châu Tiến rất phức tạp, liên quan đến trường học, học sinh. Nếu không có giải pháp kịp thời, hiệu quả, dịch sẽ có nhiều nguy cơ bùng phát ra diện rộng”, ông Chỉnh nhận định.

Vì vậy, Giám đốc Sở Y tế đề nghị huyện Quỳ Châu tiếp tục đẩy mạnh điều tra, truy vết thật kỹ các trường hợp liên quan, không để khoảng trống, bỏ sót F1; tiến hành khoanh vùng rộng để đánh giá tính hình, lấy mẫu xét nghiệm và cách ly, phong tỏa hẹp để vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Huyện Quỳ Châu cần thực hiện tổ chức cách ly F1 tại nhà nếu đủ điều kiện theo quy định; tăng cường giám sát tránh lây chéo trong khu cách ly và lây dịch ra cộng đồng; thực hiện xét nghiệm cho người dân vùng phong tỏa và các F1 theo quy định; cần đánh giá tình hình dịch tại các xã và thị trấn, nếu có trường hợp nghi ngờ, cần xem xét lấy mẫu gộp sàng lọc cộng đồng, thăm dò hộ gia đình để sớm bóc tách F0…

Về lâu dài, huyện Quỳ Châu cần tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, chính sách chống dịch của Trung ương, tỉnh, ngành y tế; chủ động xây dựng, bổ sung kịch bản chống dịch để thích ứng tình hình mới; thường xuyên đánh giá cấp độ dịch từng xã để từ đó quyết định các hoạt động trên địa bàn.

“Huyện phát huy tốt “4 tại chỗ”. Trong đó, cần đầu tư nguồn lực, dự phòng các vật tư y tế để chủ động trong chống dịch; động viên và phát huy tốt vai trò của tổ Covid cộng đồng, khơi dậy tinh thần, trách nhiệm của cộng đồng dân cư, làng, bản tham gia phòng, chống dịch bệnh…”, ông Chỉnh trao đổi.

Ngoài ra, huyện Quỳ Châu cũng cần rà soát kế hoạch và tiếp tục đẩy mạnh việc tiêm phòng Covid-19 đúng tiến độ, an toàn và hiệu quả, sớm bao phủ vắc-xin cho người dân một cách nhanh nhất; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho cấp ủy, chính quyền và người dân trong công tác chống dịch, từng bước loại bỏ những thói quen không phù hợp trong tình hình dịch bệnh mới.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/nghe-an-f0-tang-nhanh-trong-khu-vuc-phong-toa-da-so-la-hoc-s...

Bệnh nhân Covid-19 ở Hà Nội: Ai được ở nhà, ai sẽ tới bệnh viện?

Sở Y tế Hà Nội vừa có công văn hướng dẫn về việc phân luồng tiếp nhận, điều trị người bệnh Covid-19 gửi các bệnh viện công lập và ngoài công lập; Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã và Trung tâm Cấp cứu 115.

Hà Nội ban hành hướng dẫn mới phân tầng điều trị bệnh nhân Covid-19

Hà Nội ban hành hướng dẫn mới phân tầng điều trị bệnh nhân Covid-19

Theo hướng dẫn mới này, Hà Nội phân thành 3 tầng điều trị dựa theo mức độ lâm sàng và yếu tố nguy cơ. Cụ thể:

Tầng 1, dành cho trường hợp bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ với mức nguy cơ trung bình, gồm: Tuổi từ 50-64, chưa phát hiện bệnh nền và đã tiêm đủ liều vắc xin; tuổi từ 3 tháng đến dưới hoặc bằng 49 tuổi và chưa phát hiện bệnh nền, đã tiêm đủ liều vắc xin, không có triệu chứng cần can thiệp y tế. Những trường hợp ở tầng này được điều trị tại nhà, trạm y tế lưu động (cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 tại quận, huyện); hoặc cơ sở thu dung, điều trị Covid-19.

Tầng 2, dành cho trường hợp không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, mức độ trung bình với nguy cơ cao, gồm: Tuổi bằng hoặc trên 65 và đã tiêm đủ liều vắc xin; mắc bệnh lý nền và đã tiêm đủ liều vắc xin; từ 50-64 tuổi chưa phát hiện bệnh nền và chưa tiêm đủ liều vắc xin; phụ nữ có thai và sinh con từ dưới hoặc bằng 42 ngày; trẻ em dưới hoặc bằng 3 tháng tuổi. Những trường hợp này điều trị tại bệnh viện thuộc tầng 2.

Tầng 3, dành cho trường hợp nặng hoặc nguy kịch với nguy cơ rất cao, gồm: Tuổi từ trên hoặc bằng 65 và chưa tiêm đủ liều vắc xin; mắc bệnh lý nền và chưa tiêm đủ liều vắc xin; có tình trạng cấp cứu chuyên khoa.

Những trường hợp này được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và bệnh viện trung ương.

Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng phân tầng điều trị đối với những trường hợp đặc biệt. Cụ thể: Người bệnh chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng, cơ sở tiếp nhận trường hợp này ở tầng 1 và tầng 2 là Bệnh viện Bắc Thăng Long; ở tầng 2 và tầng 3 là Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang và bệnh viện trung ương;

Người bệnh đang điều trị HIV, Lao, cơ sở tiếp nhận điều trị ở tầng 1 và tầng 2 là Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Phổi Hà Nội; ở tầng 3 là Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang và bệnh viện trung ương;

Người có bệnh lý tâm thần, người đang cai nghiện tại cộng đồng, cơ sở điều trị tầng 1 và tầng 2 là Bệnh viện Tâm thần Hà Nội; tầng 3 là Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Bệnh viện Tâm thần Hà Nội phối hợp) và bệnh viện trung ương;

Người bệnh mắc các bệnh lý chuyên khoa khác (như: Răng hàm mặt, mắt, tai mũi họng…) cần can thiệp y tế, cơ sở điều trị tầng 1 và tầng 2 là Bệnh viện Đa khoa tầng 2; cơ sở điều trị tầng 3 là Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang và bệnh viện trung ương.

Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện thường xuyên đánh giá diễn biến, mức độ lâm sàng, xét nghiệm của người bệnh Covid-19, chủ động chuyển người bệnh đến các cơ sở điều trị ở tầng thấp hơn để tiếp tục quản lý, điều trị khi tình trạng ổn định; đồng thời, ưu tiên bố trí giường bệnh tầng 2, tầng 3 để tiếp nhận người bệnh mới.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/benh-nhan-covid-19-o-ha-noi-ai-duoc-o-nha-ai-se-toi-benh-vi...

COVID-19 6/12: Bất ngờ phát hiện 77 tiểu thương ở một khu chợ dương tính, nguy cơ lây nhiễm cao
Từ một ca F0, Hải Phòng đã phong tỏa chợ Sắt, tầm soát diện rộng, phát hiện tổng cộng 77 trường hợp dương tính COVID-19.

Dịch COVID-19

H.A (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19