COVID-19 7/8: Tình nguyện viên tại điểm tiêm chủng nhiễm SARS-CoV-2, test nhanh cả nghìn người

HÀ ANH - Ngày 07/08/2021 12:10 PM (GMT+7)

Sau khi từ Bình Dương về Thanh Hóa, tài xế đường dài không ra trạm y tế khai báo mà lên thẳng bệnh viện làm xét nghiệm và có kết quả dương tính SARS-CoV-2.

Tình nguyện viên tại điểm tiêm chủng nhiễm SARS-CoV-2, Khánh Hoà test nhanh cả nghìn người

Chiều 7/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Khánh Hòa cho biết, nam tình nguyện viên dương tính SARS-CoV-2 tại điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 nói trên là sinh viên một trường cao đẳng trên đường Trần Phú, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang, đã tham gia phục vụ trong hai ngày 5 và 6/8 vừa qua tại điểm tiêm Kho bạc Nhà nước cũ.

Người dân chờ tiêm vaccin tại điểm tiêm Kho bạc Nhà nước cũ

Người dân chờ tiêm vaccin tại điểm tiêm Kho bạc Nhà nước cũ

Các đơn vị chuyên môn đang tiến hành xét nghiệm cho toàn bộ người đã tiêm vaccine COVID-19 trong hai ngày qua, tại điểm tiêm này. Theo CDC Khánh Hoà, số người đã tiêm vaccine trong hai ngày 5 và 6/8 phải xét nghiệm lên đến cả nghìn người và thuộc nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; trong đó rất nhiều người là cán bộ nhà nước, giáo viên, công an, công nhân viên, công nhân… 

Việc xét nghiệm được tiến hành từ chiều 6/8 vẫn tiếp tục và đến thời điểm hiện tại, các đơn vị vẫn chưa có báo cáo phát hiện trường hợp dương tính SARS-CoV-2.

Được biết, nam sinh viên tình nguyện dương tính SARS-CoV-2 đã đăng ký tham gia phòng chống dịch COVID-19, được CDC Khánh Hòa tập huấn, tiêm vaccin ngừa COVID-19 mũi 1 và đã xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi được bố trí phục vụ tại điểm tiêm vaccine Kho bạc Nhà nước cũ từ ngày 2/8. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm lại ba ngày sau đó, anh này lại có kết quả dương tính virus SARS-CoV-2.

(Theo Sức khỏe & Đời sống)

Về quê giỗ cha, bác sĩ dương tính SARS-CoV-2 khiến cả bệnh viện ngừng tiếp nhận khám chữa

Chiều ngày 6/8, BS.CKII Nguyễn Thị Mỹ Hà, Giám đốc Bệnh viện chuyên khoa Sản – Nhi tỉnh Sóc Trăng đã ký văn bản thông báo với nội dung: Để ứng phó khẩn cấp phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, từ 17 giờ ngày 6/8, Bệnh viện chuyên khoa Sản – Nhi tỉnh Sóc Trăng (đường Tôn Đức Thắng, phường 5 -TP. Sóc Trăng) tạm ngừng tiếp nhận người bệnh đến khám chữa bệnh thông thường để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trong thời gian này, Bệnh viện chuyên khoa Sản – Nhi Sóc Trăng vẫn duy trì hoạt động khám chữa bệnh cho bệnh nhân đang điều trị nội trú.

Thông báo cũng nói rõ bệnh viện chỉ tiếp nhận bệnh nhân chuyển từ tuyến huyện, bệnh nhân nặng, bệnh nhân phải phẫu thuật mà nếu chậm trễ có thể nguy hiểm tới tính mạng. Đồng thời các trường hợp này phải báo trước và được sự đồng ý của lãnh đạo bệnh viện để chuẩn bị tiếp nhận và đảm bảo an toàn cho người bệnh, đảm bảo nguyên tắc phòng, chống COVID-19.

Bệnh viện chuyên khoa Sản - Nhi Sóc Trăng.

Bệnh viện chuyên khoa Sản - Nhi Sóc Trăng.

Theo thông tin từ bệnh viện này cho biết, bệnh viện có bác sĩ T.M.T (29 tuổi) vừa phát hiện nhiễm SARS-CoV-2. Người này làm việc tại khoa Ngoại nhi của Bệnh viện. Liên quan đến bác sĩ T, Bệnh viện chuyên khoa Sản - Nhi đã đưa 78 F1 đi cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh Sóc Trăng, kết quả xét nghiệm âm tính lần đầu với SARS-CoV-2. Trên 350 cán bộ, nhân viên còn lại của bệnh viện và 216 bệnh nhân, người nuôi bệnh được xét nghiệm cho kết quả âm tính với nCoV.

Được biết, bác sĩ T. quê ấp Trà Lây 2, xã Thuận Hưng (nơi có nhiều F0 liên quan đến đám tang bà T.T.T), huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng. Trong thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, bệnh viện tổ chức cho đội ngũ nhân viên của đơn vị có nhà ở ngoài phạm vi TP. Sóc Trăng ăn ở trong bệnh viện nhưng bác sĩ T. lấy lý do có người thân ở đường Nguyễn Văn Linh, phường 2 (TP. Sóc Trăng) nên xin không ở lại bệnh viện.

Đáng nói, trong lúc giãn cách xã hội, ngày 30/7, vị bác sĩ này đã về quê để thắp nhang cho cha trong ngày giỗ. Lúc này các chốt kiểm soát dịch đã được thiết lập nhưng ông T. xin và được Phó chủ tịch xã Thuận Hưng cho vượt chốt để về nhà. Ông T. còn khai đã ôm cổ vị Phó Chủ tịch xã Thuận Hưng (ông Nguyễn Tấn Tài – PV). Tuy nhiên, sau khi trở lại bệnh viện, bác sĩ này không khai báo y tế.

Liên quan đến đám tang bà T.T.T ở ấp Trà Lây 2, vợ chồng ông Nguyễn Tấn Tài - Phó chủ tịch UBND xã Thuận Hưng đã có kết quả xét nghiệm PCR dương tính SARS-CoV-2. Ngoài 2 người này, ổ dịch tại đám tang nhà bà T. gần nhà ông Tài ở ấp Trà Lây có 2 người ở xã Mỹ Phước (huyện Mỹ Tú) và 1 người ở xã Phú Tân (huyện Châu Thành) mắc COVID-19.

Như Tiền Phong đã đưa tin, bà T. bị bệnh hiểm nghèo. Trước khi gia đình xin đưa về nhà và tử vong sáng 29/7, bà T. được điều trị tại khoa Nhiễm E của Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng.

Ngày 2/8, Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng phát hiện một bảo vệ dương tính với SARS-CoV-2. Sau đó, ngành y tế xác định mẹ, con gái và một người họ hàng của bà T. nhiễm SARS-CoV-2.

Truy vết các trường hợp liên quan F0, cơ quan chức năng phát hiện gia đình bà T. đã tổ chức đám tang từ 29-31/7. Khoảng 20 người ở huyện Mỹ Tú và 2 xã của huyện Châu Thành đến chia buồn với gia đình họ không biết mẹ, con ruột và một người thân của bà T. nhiễm SARS-CoV-2.

Trong những người dự đám tang có vợ của ông Nguyễn Tấn Tài, người được phân công phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương. Trước khi được đưa đi cách ly, điều trị, chiều ngày 5/8, UBND huyện Mỹ Tú tạm đình chỉ công tác đối với ông Tài vì lơ là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

(Theo Tiền Phong)

COVID-19: Nhìn lại 30 ngày TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16

Tính đến hôm nay (ngày 7/8), TP.HCM đã trải qua 30 ngày giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Với việc thêm 3.930 ca nhiễm COVID-19 (F0) mới phát hiện trong ngày 7/8, đã có tổng cộng 108.840 F0 được ghi nhận tại TP.HCM trong 30 ngày vừa qua.

Nhìn biểu đồ dễ thấy, số F0 mới mỗi ngày tăng dần trong giai đoạn đầu giãn cách xã hội, sau đó đã giảm mạnh. Và 11 ngày gần đây có xu hướng đi ngang với con số thấp nhất ghi nhận được là 3.300 ca vào ngày 4/8.

Số ca nhiễm COVID-19 tại TP.HCM từ ngày 9/7 đến ngày 7/8.

Số ca nhiễm COVID-19 tại TP.HCM từ ngày 9/7 đến ngày 7/8.

Những F0 nói trên chủ yếu được phát hiện trong các khu cách ly, phong tỏa thuộc 31 ổ dịch đã được khoanh vùng, giám sát và 2 ổ dịch mới phát hiện trong tại khu dân cư trong ngày 7/8. Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ tiếp tục xét nghiệm, truy vết "thần tốc" để nhanh chóng tách các F0 ra khỏi cộng đồng, sớm đưa Thành phố trở lại cuộc sống bình thường.

Thông tin cập nhật từ Sở Y tế TP.HCM vào ngày 7/8, cho biết thêm, TPHCM đã tiêm vắc-xin COVID-19 cho 1.835.461 người, tất cả đều an toàn. Với 2.823 bệnh nhân mắc COVID-19 khỏi bệnh, xuất viện mới ghi nhận, tổng số bệnh nhân xuất viện đến nay là 62.106 người.

Sau ngày 7/8, TP.HCM vẫn còn 8 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, trước khi lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM có những quyết sách tiếp theo trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Để tiếp tục kéo giảm số ca nhiễm COVID-19, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, Thành phố cần sự tiếp tục chung tay của tất cả người dân trong việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, thông điệp 5K, quy định của khu cách ly, khu phong tỏa, tăng cường giãn cách giữa người với người, giữa nhà với nhà và tham gia tiêm chủng vắc-xin khi đến lượt.

Song song với công tác phòng, chống dịch COVID-19, TP.HCM cũng đã, đang và sẽ cố gắng chăm lo, ổn định cuộc sống, đảm bảo người dân được điều trị, được tiêm chủng và được đón nhận tình cảm yêu thương, HCDC cho biết thêm.

Trước đó, TP.HCM đã thực hiện Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7 đến hết ngày 23/7 theo Công văn 2279/UBND-VX của UBND TP.HCM. Sau 15 ngày này, TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 từ 0h ngày 24/7 đến hết ngày 1/8 (theo Công văn 969/TTg-KGVX của Thủ tướng Chính phủ) và tăng cường thêm một số biện pháp siết chặt. Đến ngày 1/8, Chủ tịch UBND TP.HCM đã ký ban hành Công văn 2556/UBND-VX về việc tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị số 16 thêm 14 ngày kể từ 0h ngày 2/8 đến hết ngày 15/8.

(Theo Dân Việt)

Vụ nam thanh niên xưng “bố” với công an: Xử phạt thêm nhiều lỗi vi phạm

Liên quan đến vụ nam thanh niên xưng “bố” với công an khi ra ngoài không có lý do chính đáng, chiều 7/8, Công an TP.Hà Nội cho biết, Công an phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân vừa phối hợp với UBND phường Thanh Xuân Nam ra quyết định xử phạt H.B.L (SN 2003, hộ khẩu tại huyện Đoan Hùng, Phú Thọ) và B.T.K.L (SN 2001, hộ khẩu tại huyện Thạch Thành, Thanh Hoá) tổng số tiền 3,425 triệu đồng về nhiều hành vi vi phạm.

H.B.L nhận thức hành vi sai phạm tại trụ sở cơ quan chức năng.

H.B.L nhận thức hành vi sai phạm tại trụ sở cơ quan chức năng.

Theo đó, khoảng 14h chiều 6/8, chốt kiểm dịch tại đầu ngõ 42 phường Thanh Xuân Nam có yêu cầu kiểm tra giấy tờ của đôi nam nữ là H.B.L và B.T.K.L.

Khi bị yêu cầu kiểm tra, L. đã không xuất trình được giấy tờ tùy thân và các giấy tờ đủ điều kiện để ra đường. L. còn có lời nói xúc phạm, thách thức, chửi bới lực lượng chức năng.

Ngay sau đó, Công an phường đã đưa 2 đối tượng trên về trụ sở làm việc và phối hợp với UBND phường xử phạt L. các lỗi như 1 triệu đồng về hành vi Ra đường không đúng quy định; 1,25 triệu đồng về hành vi Có lời nói lăng mạ, xúc phạm...người thi hành công vụ.

Ngoài ra, Công an phường Thanh Xuân Nam cũng ra quyết định xử phạt L. các lỗi vi phạm giao thông.

Cụ thể, L. bị phạt 125 nghìn đồng về lỗi Không đội mũ bảo hiểm; 125 nghìn đồng về lỗi Chở người ngồi sau không đội mũ bảo hiểm; 175 nghìn đồng về lỗi Xe không gắn biển kiểm soát; 500 nghìn đồng về lỗi Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô dung tích từ 50cm3 trở lên. 

Ngoài ra, cơ quan công an cũng có hình phạt bổ xung với L. là tạm giữ xe máy 7 ngày. Tổng số tiền L. phải nộp phạt là 3,175 triệu đồng.

Đồng thời, cơ quan công an cũng ra quyết định xử phạt hành chính 250 nghìn đồng đối với cô gái đi cùng B.T.K.L về lỗi Người ngồi sau xe mô tô không đội mũ bảo hiểm.

(Theo Dân Việt)

TP.HCM: 2 Chủ tịch phường bị đình chỉ, điều chuyển công tác vì lơ là công tác phòng dịch 

Ngày 7/8, UBND quận 8 (TP.HCM) đã có quyết định đình chỉ công tác cán bộ đối với ông Trần Phát Tấn, Chủ tịch UBND phường 15 (quận 😎 trong thời gian 15 ngày, kể từ ngày 7/8/2021. 

Lý do được đưa ra là để kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn phường 15.

Ông Trần Phát Tấn có trách nhiệm bàn giao nhiệm vụ, hồ sơ tài liệu có liên quan cho UBND phường 15 theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, UBND quận 8 cũng quyết định điều chuyển công tác đối với ông Lê Minh Tâm, Chủ tịch UBND phường 16 (quận 8 đến nhận công tác tại Phòng Nội vụ quận 8. Ông Tâm bị điều chuyển công tác vì thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. 

Cả 2 Chủ tịch UBND phường 15 và phường 16 bị đình chỉ, điều chuyển công tác vì chưa thực hiện nghiêm việc kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, chưa giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị của người dân, chưa giải quyết nhanh nhạy các yêu cầu của người dân về hỗ trợ y tế, chăm lo an sinh xã hội đối với người dân có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Huy Nguyễn

Tài xế không khai báo, dương tính với SARS-CoV-2 làm hàng loạt người liên quan

Sáng ngày 7-8, tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thanh Hóa cho biết đơn vị này đã thần tốc truy vết được 88 trường hợp có liên quan tới trường hợp tài xế đường dài về địa phương dương tính SARS-CoV-2.

Bệnh nhân khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt trước khi vào bệnh viện

Bệnh nhân khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt trước khi vào bệnh viện

Theo CDC tỉnh Thanh Hóa, ngay khi nam tài xế đường dài từ Bình Dương về Thanh Hóa có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2, đơn vị này đã báo cáo Sở Y tế, chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Quảng Xương và phối hợp Bệnh viện Phổi Thanh Hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa di chuyển bệnh nhân về nơi điều trị theo quy định, đồng thời khoanh vùng, truy vết những người liên quan để phòng dịch.

Qua truy vết, đến 0 giờ ngày 7-8, CDC tỉnh Thanh Hóa đã xác minh được 11 trường hợp tiếp xúc gần (F1) với bệnh nhân bao gồm: 3 trường hợp tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, 8 trường hợp là người nhà của bệnh nhân.

Ngoài ra, liên quan tới khoảng thời gian bệnh nhân làm xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, CDC Thanh Hóa cũng xác minh được 76 trường hợp có liên quan. Tất cả đã được thông báo cho địa phương, khai báo y tế, theo dõi sức khỏe, cách ly theo quy định.

Trước đó, tối 6-8, nam tài xế đường dài (SN 1985; ngụ thôn Hiền Tây, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) được thông báo dương tính SARS-CoV-2.

Đáng nói, trước khi trở về địa phương, tài xế này ngụ ở số 36F/1B, Đồng An, Phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Anh là tài xế xe container vận chuyển nhu yếu phẩm thiết yếu đã đăng ký tem QR ưu tiên lưu thông trên Luồng Xanh quốc gia; được tiêm mũi 1 vắc xin AstraZeneca (khoảng 15 ngày trước) và xét nghiệm định kỳ Covid-19 bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên.

Ngày 4-8, bệnh nhân lái xe trở về Thanh Hóa, trên xe đi cùng 1 người khác. Trong quá trình di chuyển có dừng đổ xăng tại cây xăng Thái Hà, Hà Tĩnh (không nhớ địa chỉ) và chỉ nấu ăn trên xe, không ăn uống dọc đường.

9 giờ ngày 6-8, tài xế này xuống xe tại thôn 6, xã Quảng Lưu, Quảng Xương và tự đi bộ về nhà, không ra Trạm Y tế xã khai báo y tế, còn 1 lái xe đi cùng tiếp tục di chuyển ra Hà Nội, tại nhà bệnh nhân có tiếp xúc với con gái.

Đến 9 giờ 30 phút cùng ngày, bệnh nhân lấy xe máy của gia đình di chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa làm xét nghiệm Covid-19 lúc khoảng 10 giờ. Đến 11 giờ 45 phút sau khi được lấy mẫu xét nghiệm xong, bệnh nhân có đi ra khỏi bệnh viện tới khu đất trống gần Công viên hướng đi TP Sầm Sơn chờ kết quả.

Quá trình tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa làm xét nghiệm, bệnh nhân có tiếp xúc nhân viên y tế (có sử dụng bảo hộ), kế toán thu tiền, điều dưỡng phân luồng. 16 giờ 15 phút, bệnh nhân quay trở lại lấy kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Sau 17 giờ, bệnh nhân được nhân viên y tế thông báo 22 giờ mới có kết quả xét nghiệm nên di chuyển bằng xe máy đến Trạm y tế xã Quảng Lưu để khai báo y tế.

Trên đường về, bệnh nhân có dừng mua nước uống tại quán tạp hóa ở xã Quảng Giao (hiện đã truy vết được 1 người tiếp xúc gần). Sau khi khai báo y tế, tài xế này được cách ly tạm thời tại Trạm Y tế xã Quảng Lưu. Toàn bộ quá trình di chuyển, bệnh nhân đều đeo khẩu trang.

Đến 18 giờ 30 phút ngày 6-8, CDC Thanh Hóa nhận được thông báo bệnh nhân có kết quả xét nghiệm Realtime PCR dương tính SARS-CoV-2 (CT value 30) do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa thực hiện.

(Gia đình & Xã hội)

Bà Rịa - Vũng Tàu: Xuất hiện nhiều F0 ở khu cách ly tập trung, khẩn trương di dời các trường hợp F1

Ngày 7.8, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai kế hoạch di dời nhiều F1 ở những khu cách ly tập trung có phát sinh nhiều F0 sang những khu mới thành lập. 

Cụ thể theo kế hoạch, trong ngày 6/8, 135 trường hợp F1 tại khu cách ly tập trung Trung đoàn Minh Đạm đã được di dời xong đến 2 cơ sở mới với sức chứa 522 người.

Trong ngày 7/8, thực hiện di dời 91 người tại Trụ sở Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cũ về cơ sở trường THCS Võ Văn Kiệt sức chứa 496 người.

Ngày mai 8/8 sẽ tiến hành di dời 241 người tại cơ sở trường TH Nguyễn Viết Xuân về cơ sở trường THCS Phước An sức chứa 528 người; di dời 102 người tại cơ sở Trường tiểu học Chu Văn An về 02 cơ sở mới đảm bảo 2 người/phòng.

Sau khi thực hiện di chuyển, các khu cách ly tập trung cũ sẽ được tiến hành phun khử khuẩn, vệ sinh lại. Còn những khu cách ly mới sau khi hoàn thành di chuyển các F1 đến cũng sẽ phun khử khuẩn để bảo đảm an toàn, chống lây nhiễm chéo.

Trong khi đó, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 TP.Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho hay, trên địa bàn có 18 cơ sở cách ly tập trung. Hiện thành phố này có 1.022 người đang thực hiện cách ly tập trung.

Theo UBND TP. Vũng Tàu, từ cuối tháng 7, tại khu cách ly tập trung ở địa chỉ 89 Lê Lợi, phường Thắng Nhì có tổng số 149/190 ca F1 đã trở thành F0, liên quan đến chuỗi lây nhiễm tại Công ty TNHH Thủy sản Nguyễn Tiến (Cảng cá Cát Lở, phường 11). Nguyên nhân, do chuỗi lây nhiễm tại Công ty TNHH Thủy sản Nguyễn Tiến có nguy cơ rất cao, các F1 đang trong quá trình ủ bệnh và được phát hiện dương tính trong quá trình xét nghiệm lần 2 và lần 3. 

Ngoài ra, có 22 trường hợp F1 thành F0 tại Khu cách ly tập trung trường TH Nguyễn Viết Xuân (phường Nguyễn An Ninh) cũng đều có cùng chuỗi lây nhiễm F0. Trong thời điểm xét nghiệm lần đầu những người này có kết quả âm tính tức là đang trong thời gian ủ bệnh nên nồng độ bệnh phẩm chưa đủ cho ra kết quả dương tính. Đến thời điểm xét nghiệm lần 2 và 3 thì có kết quả dương tính. 

Từ ngày 25/7 ghi nhận các F0 gia tăng nhanh tại 2 điểm cách ly tập trung số 89 Lê Lợi và Trường TH Nguyễn Viết Xuân, BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố xác định đây là 2 ổ dịch nên đã quyết định phong tỏa 2 địa điểm này và không tiếp nhận thêm F1.

Hữu Huy

Lần thứ 4 "thông chốt" kiểm dịch, thanh niên ở Hà Nội bất ngờ bị phát hiện dưong tính SARS-CoV-2

Sở Y tế Hà Nội trưa nay thông tin Thủ đô vừa ghi nhận thêm 36 ca dương tính mới, trong đó có anh N.V.S, 31 tuổi, ở An Lạc, Trung Giã, huyện Sóc Sơn. 

Theo Sở này, khoảng 21h ngày 6/8, anh S từ nhà trọ ở Đông Anh sang Hiệp Hòa - Bắc Giang để lấy đồ nhưng bị giữ lại tại chốt kiểm dịch và làm test nhanh cho kết quả dương tính. Ngày 7/8, anh có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, được lấy mẫu PCR kết quả dương tính.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Liên quan trường hợp này, CDC Hà Nội đầu giờ chiều 7/8 cho biết Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang vừa phát đi thông báo về trường hợp dương tính từng di chuyển trên địa bàn tỉnh, đó là anh N.V.S trên đây. 

Anh S là công nhân nhà máy gạch 382 ở huyện Đông Anh, quê quán xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Đêm 6/8, N.V.S từ huyện Đông Anh đi xe máy đến huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang để lấy đồ dùng cá nhân trước khi về quê tại Sóc Sơn. Tuy nhiên, khi đến chốt kiểm dịch Cầu Vát, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang, do giấy xét nghiệm âm tính của S đã hết hạn nên lực lượng chức năng nghi ngờ, yêu cầu anh này làm test nhanh COVID-19 và cho kết quả dương tính.

Ngay sau đó, trường hợp này đã được cách ly tạm thời và lấy mẫu làm xét nghiệm RT-PCR. Đến sáng 7/8, kết quả xét nghiệm khẳng định, S dương tính với SARS-CoV-2 do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang thực hiện. 

Do là người có hộ khẩu tại thôn An Lạc, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, Hà Nội nên S đã đươc Công an huyện Hiệp Hòa bàn giao cho công an xã Trung Giã để đưa đi cách ly điều trị tại bệnh viện.

Trong những ngày trước đó, S đã từng di chuyển nhiều lần từ nhà trọ ở thôn Ấp Tó, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh đến Công ty An Hưng tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. 

(Theo Gia đình & Xã hội)

Hà Nội khẩn tìm người đến 6 địa điểm tại quận Ba Đình liên quan COVID-19

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 quận Ba Đình (Hà Nội) thông báo, những người từng đến 6 địa điểm thuộc quận Ba Đình cần liên hệ cơ quan y tế.Cụ thể, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 quận Ba Đình thông báo, tất cả những người từng đến các địa điểm sau nhanh chóng liên hệ với cơ quan y tế:

Từ 8h30 đến 10h ngày 1/8/2021 tại chợ Châu Long, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình;

Từ 10h đến 11h ngày 1/8/2021 tại siêu thị Vinmart, địa chỉ 23 Cửa Bắc, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình;

Từ 18h - 20h ngày 4/8/2021 có ra hiệu thuốc số 42 Cửa Bắc, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình;

Từ 7h đến 8h30 ngày 1/8/2021 tại chợ Linh Lang.

Từ 6h đến 7h30 ngày 4/8/2021 tại cửa hàng tạp hóa 51/58 Đào Tấn, quận Ba Đình.

Từ 6h đến 7h30 ngày 4/8/2021 tại cửa hàng tạp hóa 51/58 Đào Tấn, quận Ba Đình.

Từ 10h đến 11h30 ngày 4/8/2021 tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, phường Cống Vị, quận Ba Đình.

Từ 9h15 đến 10h15 ngày 5/8/2021 tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, phường Cống Vị, quận Ba Đình.

Tất cả những người từng đến các địa điểm trên tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với Trạm Y tế gần nhất hoặc Trung tâm Y tế quận Ba Đình (Khoa kiểm soát dịch bệnh: 02438432113) hoặc gọi điện thoại đến số 0969.082.115 hoặc số 0949.396.115 (CDC Hà Nội).

(Tiền Phong)

Trà Vinh: Nhiều khu cách ly, phong tỏa ở Trà Cú chưa đảm bảo yêu cầu chống dịch

Huyện Trà Cú ghi nhận trường hợp F0 đầu tiên trong cộng đồng ngày 20/6 từ TP HCM về địa phương tại xã An Quảng Hữu qua khai báo y tế. Tính đến ngày 6/8, huyện Trà Cú ghi nhận 190 trường hợp F0, trong đó có 102 trường hợp liên quan đến Công ty TNHH Giày da Mỹ Phong.

Hiện trên địa bàn huyện còn 1.206 trường hợp đang cách ly y tế tập trung, trong đó có 219 trường hợp ngoài tỉnh và 987 trường hợp F1, ngoài ra cách ly tại nhà 1.817 trường hợp. Thực hiện test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 đạt 24.322 test, lấy xét nhiệm RT-PCR đạt 1265 mẫu. 

Đáng lưu ý, số trường hợp dương tính được phát hiện từ các trường hợp F1, người ngoài tỉnh về địa phương được cách ly tập trung đang tăng, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ lây chéo trong khu cách ly.

TS Nguyễn Vũ Thượng nhận định địa điểm cách ly chưa đáp ứng đủ yêu cầu phòng, chống dịch

TS Nguyễn Vũ Thượng nhận định địa điểm cách ly chưa đáp ứng đủ yêu cầu phòng, chống dịch

Qua khảo sát thực tế tại điểm cách ly tập trung trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Trà Cú và một số khu dân cư nguy cơ lây nhiễm cao, đoàn công tác Bộ Y tế nhận định các địa điểm này chưa đáp ứng đủ những yêu cầu phòng, chống dịch như: thiếu vùng đệm sạch, không đảm bảo 5K trong khu cách ly, thiếu quần áo bảo hộ, không đảm bảo nhân lực y tế túc trực thường xuyên trong khu cách ly…

Do đặc thù của huyện Trà Cú là một trong những huyện có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất tại tỉnh Trà Vinh với 62.88% dân số người dân tộc Khmer, đồng thời đây là huyện thuần nông với điều kiện kinh tế còn khó khăn nên công tác phòng, chống dịch tại “điểm nóng” này đang thiếu thốn cả nhân lực, vật lực trong khi đó toàn huyện có tới 7 khu cách ly và 4/15 xã phong tỏa. Mặc dù địa phương đã có nhiều cố gắng và nỗ lực tuy nhiên vẫn cần sự hỗ trợ kịp thời của các cơ quan ban ngành.

(Theo Gia đình & Xã hội)

Dừng toàn bộ chuyến bay chở khách giữa TP HCM - Hà Nội

Nhằm tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm kiểm soát hoạt động khai thác chuyến bay thương mại và di biến động, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Cục Hàng không Việt Nam mới đây đã có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải, cho phép dừng toàn bộ hoạt động vận chuyển hành khách thường lệ giữa các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nói chung và đường bay TP HCM-Hà Nội nói riêng.

Sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) vắng bóng hành khách - Ảnh:Phan Công

Sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) vắng bóng hành khách - Ảnh:Phan Công

Chỉ ưu tiên chuyến bay phục vụ công vụ và nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh. Trường hợp cần thiết phải di chuyển, địa phương có người di chuyển phải thống nhất với địa phương nơi đến (của chuyến bay) và địa phương tiếp nhận (nếu khác với địa phương đến của chuyến bay) để kịp thời đón và tiếp nhận ngay tại sân bay, thực hiện xét nghiệm và cách ly theo quy định.

(Theo Người Lao Động)

Hà Nội dự kiến thời gian mở lại hai chợ đầu mối lớn nhất thành phố

Chiều 6/8, tại cuộc họp thông tin về việc công tác phòng, chống dịch COVID-19 TP.Hà Nội, Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan cho biết, khi thực hiện Chỉ thị 17 của UBND thành phố, Sở Công thương đã chủ động các hệ thống phân phối để cung ứng hàng hoá gấp 3 lần thông thường, với 194 nghìn tỷ đồng cho việc dự trữ hàng hoá, các doanh nghiệp đã dự trữ đủ lượng hàng ở các kho lưu trữ.

Theo bà Lan, Sở Công thương cũng đã phối hợp với các địa phương bố trí các điểm bán hàng lưu động phù hợp, vận động các đơn vị có những điểm bán hàng không thiết yếu chuyển sang bán hàng thiết yếu. Tăng cường thương mại điện tử, đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho các khu vực cách ly. Ngoài ra, Sở Công thương kích hoạt thêm 800 điểm bán hàng thiết yếu, đang phối hợp với Bưu điện thành phố để mở thêm 472 điểm nữa và phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội như hội phụ nữ, đoàn thanh niên để mở thêm các điểm bán hàng thiết yếu phục vụ nhân dân.

Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan.

Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan.

Bà Lan cũng cho biết, với phương châm chủ động nguồn cung, thành phố đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, cơ cấu lại các vùng trồng, chuyển đổi trồng các loại rau ăn lá, rau ngắn ngày và chăn nuôi gia cầm để đáp ứng ngay nhu cầu tự cung tự cấp của nhân dân trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, ngoài 21 tỉnh, thành khu vực phía Bắc đang cung cấp cho thị trường Hà Nội, Sở Công thương đã phối hợp với một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, những tỉnh chưa có dịch để chủ động sẵn sàng thay thế nguồn cung cho các địa phương đang cung cấp cho Hà Nội nếu như có dịch.

“Trong thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 17 của UBND thành phố, việc cung ứng hàng hóa cho người dân đảm bảo đầy đủ, giá cả bình ổn, không để thiếu hàng, sốt hàng, không để người dân không mua sắm được hàng hóa thiết yếu”, bà Lan khẳng định.

Quyền Giám đốc Sở Công thương cũng cho hay, ngành Công thương tiếp tục rà duyệt các phương án, trình thành phố ban hành kế hoạch về đảm bảo nguồn cung và điều phối hàng hóa cho người dân khi tình hình dịch có diễn biến phức tạp, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải huy động các phương tiện vận tải để sẵn sàng tham gia vận chuyển hàng hóa phục vụ nhân dân trên địa bàn.

“Chúng tôi tin rằng, với tính chủ động của Hà Nội và sự triển khai đồng bộ của các sở, ngành như Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải thì việc cung ứng hàng hóa cho nhân dân trên địa bàn sẽ tiếp tục được đảm bảo”, bà Lan nói.

Đối với chợ đầu mối phía Nam, lưu lượng hàng hóa qua chợ khoảng gần 300 tấn hàng/ngày, lượng rau củ quả chiếm 1/3, trái cây 2/3 và chủ yếu từ các tỉnh phía Nam ra, như vậy lượng rau củ quả không lớn lắm nên chưa ảnh hưởng nhiều đến tình hình cung ứng của Hà Nội.

Còn đối với chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), hầu hết tiêu thụ cho người dân tại các huyện của Hà Nội và một số tỉnh như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam. Sở đã phối hợp với các huyện tập trung hàng hóa lại, giao cho hệ thống phân phối của các siêu thị thu mua nên giảm ở chợ đầu mối thì tăng ở các siêu thị, vẫn đảm bảo cung ứng hàng hóa trên địa bàn một cách bình thường.

Thành phố cũng đang chỉ đạo Sở Y tế và Sở Công thương xây dựng hướng dẫn chung cho các điểm bán, khi có F0 phải đóng cửa và mở cửa trở lại phải đảm bảo yêu cầu dịch tễ. Dự kiến, sang tuần chợ đầu mối phía Nam (chợ Đền Lừ) sẽ hoạt động trở lại, còn chợ đầu mối Minh Khai đang triển khai phun khử khuẩn để nhanh chóng hoạt động trở lại.

Bà Lan cũng cho biết thêm, thành phố Hà Nội đang chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tìm các điểm đất trống để giãn các chợ đầu mối hoặc nếu như các chợ đầu mối phải đóng cửa để phòng chống dịch. Hiện Sở đang dự kiến một số điểm, gồm Bến xe Hà Đông, cụm công nghiệp Nam Hà Nội, khu tái định cư tại Tiên Dược, Sóc Sơn, khu triển lãm tại 489 Hoàng Quốc Việt và 1 điểm ở Gia Lâm... để trung chuyển hàng hóa, hạn chế vào các chợ đầu mối sâu trong nội thành.

(Theo Dân Việt)

Lý do Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội tới 23/8

Chiều 6/8, tại cuộc họp thông tin về công tác phòng, chống dịch COVID-19 TP.Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP Hà Nội vẫn phức tạp, khó lường, số ca trong cộng đồng còn cao. Vì vậy, thành phố đã ban hành Công điện số 18 ngày 6/8 nhằm tiếp tục cách ly toàn xã hội thêm 15 ngày, đến 6h ngày 23/8 trên phạm vi toàn thành phố để phòng, chống dịch COVID-19.

Phó Chủ tịch TP Hà Nội nhấn mạnh, trong Công điện đã nêu rõ các nhóm vấn đề để tiếp tục thực hiện nghiêm phòng, chống dịch theo Chỉ thị 17 của UBND thành phố (trên nguyên tắc Chỉ thị 16 của Thủ tướng), trong đó, triển khai hoạt động thực chất, chặt chẽ hơn: giãn cách giữa người với người, gia đình với gia đình, đồng thời, kiên quyết kiên quyết yêu cầu người dân "ai ở đâu ở nguyên đó".

Ông Dũng đề nghị các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch. Chỉ những người được phép, thực hiện nhiệm vụ trực cơ quan, nhiệm vụ cấp bách được đến nơi làm việc và gắn với trách nhiệm người đứng đầu.

Thành phố cũng tiếp tục thực hiện các công việc xuyên suốt trong phòng, chống dịch, trong đó ngăn chặn, phát hiện, truy vết, cách ly, xét nghiệm, khoanh vùng dập dịch trong thời gian ngắn nhất. Xây dựng các phương án chuẩn bị cho công tác điều trị… Bên cạnh đó, thành phố chủ động, duy trì bảo đảm cung ứng hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi sản xuất và có chỉ đạo cụ thể, cung cấp đầy đủ, không tăng giá hàng hóa.

Cũng tại cuộc họp này, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, sau gần 2 tuần thực hiện Chỉ thị 17 của UBND thành phố (trên nguyên tắc Chỉ thị 16 của Thủ tướng), chủ trương của Hà Nội là tiếp tục thực hiện Chỉ thị 17 thêm 15 ngày, đến ngày 23/8.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại cuộc họp chiều 6/8.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại cuộc họp chiều 6/8.

Phân tích về quyết định này, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá, từ ngày 24/7 đến nay, sau gần 2 tuần, Chỉ thị 17 đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu. Có kết quả đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là của người dân, của các doanh nghiệp, các đơn vị từ Trung ương đến thành phố đã đồng tình, ủng hộ. Dư luận xã hội cũng như các chuyên gia đánh giá việc thành phố thực hiện Chỉ thị 17 từ ngày 24/7 là đúng, trúng, kịp thời.

Theo ông Phong, tuy có những mặt được là cơ bản, nhưng cũng có những khó khăn, phức tạp, đặc biệt là diễn biến dịch bệnh có nguy cơ rất cao, bởi Hà Nội là trung tâm cả nước, đầu mối giao thông trọng điểm quốc gia nên thực tế Hà Nội không thể “đóng cứng”, vẫn có giao thương, vận chuyển hàng hóa. Hơn nữa, xung quanh Hà Nội, các tỉnh vẫn có dịch; các ca bệnh nằm rải rác ở khắp 30 quận, huyện, trong đó nhiều quận huyện có số ca mắc lớn, như Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Trì, Đông Anh...

Đặc biệt, dịch bệnh đã xâm nhập vào những nơi rất phức tạp, như khu công nghiệp, chợ, siêu thị, bệnh viện, các khu dân cư đông người... Tiếp nữa, còn nhiều ca bệnh không rõ nguồn lây.

“Chính vì thế, nếu dừng việc giãn cách thì những thành quả, những kết quả đạt được trong thời gian giãn cách vừa qua khó mà đảm bảo được”, ông Phong nhấn mạnh.

Ông Phong cho biết, việc giãn cách là cần thiết để khoanh vùng, cách ly, xử lý ổ dịch. Trong giai đoạn này cũng là cần thiết để củng cố, nâng cao năng lực của ngành y tế, giữ thế chủ động một cách toàn diện, trên tất cả các mặt trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

“Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình như vậy, qua báo cáo của các ngành, tư vấn của chuyên gia, thành phố quyết định thực hiện Chỉ thị 17 thêm 15 ngày”, ông Phong nêu rõ.

Ngoài ra, Phó Bí thư Thành Uỷ Hà Nội cũng cho biết, với quan điểm luôn luôn chủ động, không lơ là, mất cảnh giác và chuẩn bị cao hơn một bước so với diễn biến tình hình dịch bệnh, thành phố đã có nhiều chủ trương, biện pháp để chuẩn bị cho việc này. Vừa qua, thành phố đã đưa vào sử dụng một bệnh viện, trung tâm thu dung, điều trị những người mắc F0 thể nhẹ tại Đền Lừ, Hoàng Mai với quy mô 1.000 giường và tới đây tiếp tục đưa vào hoạt động thêm 5.000 giường.

Chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chỉ thị 17 của thành phố, ông Phong cho biết, thành phố xác định đây là một việc mới, khó, chưa có tiền lệ, nên thành phố đã nhanh chóng tiếp thu, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, như việc giảm ùn tắc ở cửa ngõ, hoạt động vận chuyển hàng hóa, cấp phép cho các công trình xây dựng cấp thiết, đảm bảo an toàn... và sẽ tiếp tục điều chỉnh.

(Theo Dân Việt)

Hà Tĩnh tạm dừng các hoạt động cắt tóc, spa, tập gym từ ngày 8-8

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, cùng với đó những ngày qua tỉnh Hà Tĩnh ghi nhận nhiều công dân trở về quê dương tính với SARS-CoV-2, UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có văn bản triển khai một số biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn, trong đó tạm dừng một số dịch vụ không thiết yếu từ 6 giờ ngày 8-8 cho đến khi có chỉ đạo tiếp theo.

Các dịch vụ không thiết yếu sẽ tạm dừng gồm: cắt tóc, gội đầu, làm móng tay/móng chân; các cơ sở thẩm mỹ/spa; phòng tập gym, yoga. Hà Tĩnh tiếp tục dừng hoạt động đối với khu vui chơi, giải trí, rạp chiếu phim, dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, xông hơi, massage; các điểm cung cấp trò chơi điện tử, điểm truy cập internet công cộng; quán/điểm ăn, uống vỉa hè. Quán cà phê, đồ uống, giải khát không phục vụ tại chỗ, chỉ được bán hàng mang về.

Các nhà hàng, quán bia, quán ăn trong nhà được phép hoạt động nhưng phải có vách ngăn chắn giọt bắn và sắp xếp giãn cách chỗ ngồi dưới 50% công suất; khuyến khích bán hàng mang về.

Nhiều công dân Hà Tĩnh được tổ chức đưa về từ TP HCM và các tỉnh phía Nam trên chuyến tàu tình nghĩa vừa qua đã có kết quả dương với SARS-CoV-2.

Nhiều công dân Hà Tĩnh được tổ chức đưa về từ TP HCM và các tỉnh phía Nam trên chuyến tàu tình nghĩa vừa qua đã có kết quả dương với SARS-CoV-2.

Ngoài ra, chủ cơ sở kinh doanh phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch như: đảm bảo môi trường thông thoáng, sạch sẽ; trang bị phòng hộ cho nhân viên; bố trí đầy đủ phương tiện để rửa tay, sát khuẩn; ghi chép đầy đủ thông tin của khách hàng (họ tên, địa chỉ, số điện thoại) để phục vụ truy vết khi cần thiết.

Chủ cơ sở kinh doanh, khách hàng không tuân thủ, vi phạm các nội dung nêu trên sẽ bị đóng cửa, dừng hoạt động và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, hoạt động thể thao ngoài trời không quá 20 người. Hạn chế tối đa số lượng người tham gia đám tang và yêu cầu tuân thủ nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế; khuyến khích người dân chưa tổ chức đám cưới, ăn hỏi, sinh nhật, mừng nhà mới… 

Đối với các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế, xã hội thực sự cần thiết phải tổ chức thì cơ quan tổ chức phải thực hiện nghiêm ngặt quy định phòng chống dịch, số lượng người tham dự không quá 30 người/phòng họp; lập danh sách, địa chỉ, số điện thoại tất cả đại biểu tham dự; người có biểu hiện sốt, ho, cảm cúm… tuyệt đối không được tham dự; trong trường hợp thực sự cần thiết phải tổ chức với số lượng trên 30 người thì cơ quan tổ chức phải xin ý kiến của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh bằng văn bản. 

 Bắc Ninh cho phép học sinh, sinh viên trở lại trường từ ngày 10/8, hoàn thành bài kiểm tra, đánh giá cuối năm học
UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có văn bản cho phép học sinh, học viên, sinh viên trở lại trường thực hiện nhiệm vụ năm học 2020-2021 từ ngày 10/8.

Tin tức 24h

HÀ ANH (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19