COVID-19 8/2: Ngày đầu trở lại trường, địa phương phát hiện 7 học sinh dương tính với SARS-CoV-2

H.A - Ngày 08/02/2022 14:44 PM (GMT+7)

Qua test nhanh trong ngày đầu tiên học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 ở tỉnh Cà Mau trở lại trường học, đã phát hiện 7 học sinh dương tính với SARS-CoV-2.

9 diễn biến

Ngày đầu học trực tiếp có 7 học sinh dương tính với SARS-CoV-2

Chiều 7/2, ông Nguyễn Thanh Luận - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Cà Mau xác nhận, đến hết buổi sáng hôm nay số lượng học sinh đến trường đạt tỷ lệ 90,7%. Qua test nhanh, có 7 học sinh dương tính với SARS-CoV-2.

Theo đó, huyện Thới Bình 1 em, Trần Văn Thời 3 em, Ngọc Hiển 2 em và Phú Tân 1 em. Tất cả các học sinh dương tính với SARS-CoV-2 đã được cách ly theo quy định phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, theo Sở GDĐT tỉnh Cà Mau, qua kiểm tra, các trường học đã chủ động chuẩn bị điều kiện tổ chức dạy và học trực tiếp theo quy định, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Hôm nay, học sinh từ lớp 6 đến 12 ở tỉnh Cà Mau trở lại trường. Ảnh: CTV.

Hôm nay, học sinh từ lớp 6 đến 12 ở tỉnh Cà Mau trở lại trường. Ảnh: CTV.

Hầu hết học sinh đều có sức khỏe ổn định và phấn khởi khi đến trường, tham gia tích cực vào các hoạt động học tập.

Trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tỷ lệ học sinh đến trường tại các trường học trên địa bàn TP.Cà Mau và huyện Cái Nước, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đánh giá cao công tác chuẩn bị các điều kiện cần thiết trong công tác giảng dạy và phòng chống dịch của các trường.

"Nhà trường cần phải phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh trong công tác phòng chống dịch, rà soát lại tiến độ tiêm vaccine và tiến hành tiêm đủ 2 mũi vaccine cho học sinh, tổ chức kiểm tra kiến thức để trang bị, bù đắp lại kiến thức cho các em học sinh sau thời gian dài học trực tuyến", Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau chỉ đạo.

Nguồn: https://danviet.vn/ca-mau-ngay-dau-hoc-truc-tiep-co-7-hoc-sinh-duong-tinh-voi-sars-cov-...

Sau Tết Nguyên đán, 53 cán bộ tại Đắk Nông mắc Covid-19

Ngày 7/2, theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Đắk Nông, có 53 trường hợp nhiễm Covid-19 là cán bộ, nhân viên các sở, ban, ngành đang được cách ly, điều trị.

Trước đó, Sở Y tế tỉnh Đắk Nông thông báo việc xét nghiệm Covid-19 cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị, địa phương sau kỳ nghỉ Tết. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trước khi đi làm lại sau kỳ nghỉ Tết bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 còn giá trị trong vòng 72 giờ.

Tỉnh Đắk Nông vẫn đang triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân. Ảnh: P.H

Tỉnh Đắk Nông vẫn đang triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân. Ảnh: P.H

Qua sàng lọc, tỉnh này phát hiện có 53 ca nhiễm ở 13/39 cơ quan, đơn vị, sở, ban, ngành. Tại huyện Krông Nô ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 nhất với 24 trường hợp.

Tính đến ngày 6/2, Đắk Nông ghi nhận hơn 8.700 ca nhiễm Covid-19, trong đó đã có hơn 7.700 ca được điều trị khỏi. Bản đồ cấp độ dịch vừa công bố cho thấy, tỉnh Đắk Nông đang ở mức nguy cơ cấp 2.

Nguồn: https://danviet.vn/sau-tet-nguyen-dan-53-can-bo-tai-dak-nong-mac-covid-19-2022020716500...

Không chủ quan với dịch Covid-19 sau Tết

Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai khuyến cáo, để phòng ngừa dịch Covid-19, nhất là biến chủng Omicron nên người dân cần tuân thủ nguyên tắc 5K, khai báo y tế trên ứng dụng PC Covid-19 nhằm kịp thời giám sát, truy vết các ca bệnh.

Số ca nhập viện giảm

BS-CK2 Hồ Hữu Đức, Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM) kiêm Phó Giám đốc Bệnh viện Dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 đa tầng quận Tân Bình, cho biết trong những ngày Tết tại bệnh viện chỉ có 10 ca nhập viện.

Theo bác sĩ Đức, những ngày trước Tết trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 4-5 ca. Tuy nhiên, trong những ngày Tết, trung bình chỉ có 1 ca/ngày nhập viện điều trị. Từ đầu tuần này, khi mọi người trở lại thành phố sau nghỉ Tết, dự báo số ca mắc Covid -19 có thể sẽ tăng nhẹ. "Tuy nhiên, nếu có gia tăng số ca mắc thì tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Bởi hiện tại, người dân đã có ý thức phòng ngừa và tỉ lệ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đã khá cao" - BS Đức cho biết.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho hay số ca bệnh mới tại TP HCM ngày càng giảm, số ca xuất viện ngày càng tăng. Số bệnh nhân nhập viện trong những ngày Tết vừa qua đều được điều trị kịp thời, ổn định, không có ca nào trở nặng.

Người dân đã ý thức mang khẩu trang ở nơi công cộng khi vui chơi dịp Tết 2022 vừa qua (ảnh chụp tại phố Ông đồ ở Nhà Văn hóa Thanh Niên TP HCM). Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Người dân đã ý thức mang khẩu trang ở nơi công cộng khi vui chơi dịp Tết 2022 vừa qua (ảnh chụp tại phố Ông đồ ở Nhà Văn hóa Thanh Niên TP HCM). Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Theo bà Mai, ngành y tế đã dự báo sau Tết có thể số ca mắc Covid-19 sẽ tăng nhưng không bị động vì đã có sự chuẩn bị từ trước. Ngay từ trước Tết, thành phố đã có chuẩn bị những phương án cụ thể cho các bệnh viện và vẫn duy trì đến hiện nay. Trong vòng 24 giờ, nếu có sự gia tăng số ca mắc Covid-19, các bệnh viện sẽ nhanh chóng được tái hoạt động theo kế hoạch khi có tình huống khẩn cấp. Có thể nói tất cả các bệnh viện tại TP HCM đều luôn trong tư thế sẵn sàng. TP HCM cũng triển khai tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 xuyên Tết. Đồng thời, mở rộng chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ từ 65 tuổi xuống 50 tuổi và thêm đối tượng là phụ nữ mang thai. Thời gian qua, tại thành phố đã thực hiện tốt, nay tiếp tục được chú trọng nhằm bảo vệ, chăm sóc kịp thời các đối tượng nguy cơ.

Hệ thống trạm y tế lưu động vẫn được duy trì khi có sự tham gia của sinh viên Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Y Dược TP HCM và nhân sự tăng cường của các bệnh viện.

Tuân thủ 5K và khai báo y tế

PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng, Trường ĐH Y Dược TP HCM, nhận định thời gian tới, số ca mắc Covid-19 có thể sẽ tăng bởi thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán nhiều người về quê, du lịch. Do gia tăng tiếp xúc, gia tăng số người phơi nhiễm dẫn đến số ca bệnh tăng.

"Nếu như khi quay trở lại thành phố học tập, làm việc người dân vẫn tuân thủ nghiêm quy định 5K, khai báo y tế đầy đủ và tiếp tục đi tiêm chủng theo chính sách của ngành y tế thì dù số ca mắc mới Covid-19 có tăng nhưng vẫn sẽ trong tầm kiểm soát và không gây nên làn sóng dịch mới. Tuy nhiên, nếu người dân không tuân thủ nghiêm 5K, không khai báo y tế, không xét nghiệm khi có tiếp xúc với đối tượng nguy cơ để tự cách ly tại nhà thì sẽ là nguy cơ lây lan cho người mắc bệnh nền, người cao tuổi. Lúc này, số ca mắc không chỉ tăng mà còn khiến gia tăng những ca bệnh nặng" - PGS Dũng khuyến cáo.

PGS-TS-BS Vũ Minh Phúc, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Nhi Trường ĐH Y Dược TP HCM, cho rằng sau Tết Nguyên đán, số ca mắc Covid-19 sẽ tăng là khó tránh khỏi, do người dân về quê, đi du lịch nhiều nơi trên cả nước quay trở lại thành phố, chưa kể sắp tới, sẽ mở lại các chuyến bay thương mại và cho phép du lịch tái hoạt động. Số ca mắc Covid-19 sẽ tăng nhưng sẽ hạn chế được khi người dân tuân thủ tốt 5K, đặc biệt là việc đeo khẩu trang.

PGS Đỗ Văn Dũng lưu ý không chỉ người dân cần tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch mà ngành y tế cùng các cơ quan chức năng cũng cần có biện pháp kiểm soát chặt biến chủng Omicron. Bởi hiện nay, tại TP HCM, dù tỉ lệ tiêm chủng Covid-19 đã khá cao nhưng dù có tiêm chủng vẫn có khả năng mắc bệnh, với biến chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh, nếu số ca mắc biến chủng Omicron gia tăng nhanh có thể dẫn đến nguy cơ mất kiểm soát.

Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/khong-chu-quan-voi-dich-covid-19-sau-tet-20220207205203742....

Quảng Bình ghi nhận số ca mắc 'khủng', đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân

Ngày 8/2, thông tin từ Trung tâm Chỉ huy phòng, chống COVID-19 tỉnh Quảng Bình được biết, tỉnh này ghi nhận 413 ca mắc COVID-19 mới, trong đó 336 ca tại cộng đồng.

Theo đó, tỉnh Quảng Bình đã nghi nhận số lượng lớn các ca mắc mới tại khu cách ly, người cách ly y tế tại nhà và trong cộng đồng.

Cụ thể, tại TP. Đồng Hới nghi nhận thêm 149 ca mắc; huyện Quảng Ninh có thêm 54 ca; huyện Bố Trạch thêm 70 ca; huyện Lệ Thủy 60 ca; huyện Quảng Trạch 13 ca, TX. Ba Đồn 36 ca; huyện Tuyên Hóa 23 ca và huyện Minh Hóa 8 ca.

Ngành Y tế Quảng Bình đẩy nhanh Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 mùa Xuân.

Ngành Y tế Quảng Bình đẩy nhanh Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 mùa Xuân.

Là hoạt động quan trọng trong công tác phòng, chống COVID-19, ngành Y tế Quảng Bình đã xuyên Tết đẩy mạnh Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 mùa Xuân năm 2022 cho toàn bộ trẻ em và người lớn có chỉ định và đến thời gian tiêm trên quy mô toàn tỉnh tại tất cả các xã, phường, thị trấn.

Đặc biệt ưu tiên người từ 50 tuổi trở lên, các đối tượng nguy cơ cao (người già, người yếu thế, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai).

Trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố đã tổ chức các điểm tiêm tại trạm y tế xã/phường/thị trấn nâng công suất tiêm hàng ngày lên gấp 2 - 3 lần so với thời gian trước đây. Thành lập các đội tiêm lưu động để hỗ trợ tiêm tại nhà cho các đối tượng không thể di chuyển được đến các điểm tiêm. Công tác rà soát, tiêm vét các đối tượng nguy cơ cao, không để bỏ sót đối tượng chưa được tiêm chủng và đối tượng chưa được tiêm đủ liều vaccine cũng được chú trọng.

Theo ông Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc CDC Quảng Bình, hiện toàn tỉnh đã có hơn 101. 000 người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ 3 mũi vaccine phòng COVID-19. Riêng trong dịp Tết Nguyên đán đã tiêm được 15.455 liều vaccine phòng COVID-19 (số người được tiêm mũi 2 là 910 người, số người tiêm mũi 3 là 14.431 người).

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/quang-binh-ghi-nhan-so-ca-mac-khung-day-manh-chien-dich-tiem-...

Yên Bái: Số ca mắc COVID-19 tăng mạnh sau Tết

Theo thông tin từ ngành y tế Yên Bái, ngày 7/2, tỉnh này ghi nhận thêm 115 ca mắc COVID-19, số ca mắc cao nhất trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán; trong đó có 10 ca cộng đồng.

Trước đó trong 09 ngày nghỉ Tết Nguyên Đán (từ 29/1 đến 06/2), Yên Bái ghi nhận 561 ca mắc COVID-19, phần lớn các trường hợp ghi nhận tại khu cách ly.

Như vậy liên quan đến các chùm ca bệnh từ ngày 27/11/2021, địa phương này đã ghi nhận tổng số 2.227 trường hợp mắc COVID-19, đã có 1.703 bệnh nhân được ra viện. Hiện có 524 bệnh nhân đang điều trị trong đó có hơn 400 trường hợp điều trị tại nhà.

Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên Đán, nhân viên ngành y tế Yên Bái vẫn đến tận nhà kiểm tra sức khỏe cho các F0 điều trị tại nhà. Ảnh: PV

Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên Đán, nhân viên ngành y tế Yên Bái vẫn đến tận nhà kiểm tra sức khỏe cho các F0 điều trị tại nhà. Ảnh: PV

BS Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Sở Y tế Yên Bái cho biết, trong những ngày Tết Nguyên Đán, ngành y tế Yên Bái vẫn tăng cường và siết chặt công tác phòng, chống dịch COVID-19 đồng thời thực thiện tốt triển khai điều trị F0 tại nhà.

Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch, chủ động triển khai các hoạt động giám sát, truy vết, xét nghiệm kịp thời, sẵn sàng tiếp nhận và khẩn trương triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 liều bổ sung và liều nhắc lại.

Hiện tại, tỷ lệ người lớn đã tiêm ít nhất 01 mũi đạt trên 99%; tiêm từ 2 mũi trở lên đạt 98,8% (trong đó: tiêm 3 mũi vaccine đạt 74,0%). Đối với trẻ em từ đủ 12 - dưới 18 tuổi, tỷ lệ đã tiêm ít nhất 01 mũi vaccine đạt trên 99%; đã tiêm 02 mũi đạt 95,7%.

Bên cạnh đó, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố bố trí các kíp trực tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên, xử lý kịp thời, không để dịch lan rộng, kéo dài. Truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp có dương tính với SARS-CoV-2 trở về địa phương trong những ngày nghỉ tết.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/yen-bai-so-ca-mac-covid-19-tang-manh-sau-tet-1692202072033428...

Hải Dương lập kỷ lục 1 ngày có 845 ca mắc, toàn tỉnh vượt ngưỡng 14.000 bệnh nhân

Hôm nay, Hải Dương đạt kỷ lục cao nhất với 845 ca mắc COVID-19. Trong đó, 502 bệnh nhân là F1, 127 trường hợp ho sốt cộng đồng, 190 ca sàng lọc cộng đồng, 1 nhân viên y tế và 25 trường hợp về từ các tỉnh khác.

Các địa phương có số ca mắc mới nhiều nhất như: TP. Hải Dương, huyện Thanh Hà, huyện Kim Thành và huyện Ninh Giang.

Ngày 7/2, tỉnh Hải Dương ghi nhận số ca mắc COVID-19 lớn nhất từ trước đến nay. Ảnh: Đ.Tùy

Ngày 7/2, tỉnh Hải Dương ghi nhận số ca mắc COVID-19 lớn nhất từ trước đến nay. Ảnh: Đ.Tùy

Tại TP. Hải Dương phát sinh thêm 151 ca mắc mới, gồm: 93 trường hợp F1, 22 ca ho sốt cộng đồng, 23 bệnh nhân sàng lọc cộng đồng, 13 ca từ vùng dịch về. Riêng 4 ổ dịch ghi nhận 36 bệnh nhân mới tại công ty TNHH may Ever-Glory (phường Ái Quốc), phường Nam Đồng, phường Quang Trung, phường Phạm Ngũ Lão.

Đối với huyện Thanh Hà hôm nay có 107 ca mắc. Trong đó 49 trường hợp F1, 12 ca ho sốt cộng đồng, 46 bệnh nhân sàng lọc cộng đồng. Tại 4 ổ dịch trên địa bàn gồm: Công ty Iri Factory (xã Hồng Lạc), xã Tân Việt, thị trấn Thanh Hà và xã Thanh Hải đều phát sinh ca mắc.

Còn tại huyện Kim Thành cũng có 106 ca mắc mới chủ yếu từ đối tượng F1 chuyển thành F0. Riêng địa phương này hiện có nhiều ổ dịch nhất tỉnh với 8 nơi gồm: Xã Kim Liên, xã Kim Anh, xã Phúc Thành, xã Tuấn Việt, xã Kim Xuyên, xã Lai Vu, xã Ngũ Phúc và công ty may Tinh Lợi 2.

Trong ngày hôm nay, huyện Ninh Giang ghi nhận 89 ca mắc COVID-19 mới. Trong đó 55 trường hợp F1, 13 ca ho sốt cộng đồng, 18 bệnh nhân sàng lọc cộng đồng, 3 ca từ vùng dịch về. Đáng chú ý, trên địa bàn ghi nhận 4 ổ dịch ở: Xã Nghĩa An, xã Tân Phong, xã Kiến Quốc và xã Hiệp Lực.

Cũng theo ngành Y tế Hải Dương, đến hôm nay toàn tỉnh đã có 14.400 bệnh nhân mắc COVID-19. Trong đó đang điều trị 2.172 trường hợp, có 25 ca tử vong.

Hiện tại 7 địa phương ở Hải Dương đang có số ca mắc vượt 1.000 bệnh nhân gồm: TP. Hải Dương (2.167), huyện Kim Thành (1.883), huyện Cẩm Giàng (1.398), huyện Tứ Kỳ (1.390), huyện Ninh Giang (1.324), thị xã Kinh Môn (1.279), huyện Bình Giang (1.189), riêng huyện Nam Sách có số ca măc ít nhất 509 người.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/hai-duong-lap-ky-luc-1-ngay-co-845-ca-mac-toan-tinh-vuot-nguo...

Hà Tĩnh: Cẩm Xuyên phát hiện 217 ca nhiễm Covid-19 trong một ngày

Nguy cơ bùng dịch trên diện rộng

Chiều 7/2, ông Lê Ngọc Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-9 tại 2 xã Cẩm Duệ và Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh do diễn biến phức tạp về dịch tại địa phương này.

Theo báo cáo của huyện Cẩm Xuyên, dịch bệnh Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Chỉ trong ngày 7/2 (tính đến 19h ngày 7/2), toàn huyện đã phát hiện 217 ca nhiễm Covid-19 qua test nhanh.

Trong đó, tại thôn Hoa Thám, xã Cẩm Duệ, qua test nhanh 252 nhân khẩu ở 60 hộ dân, có 88 mẫu dương tính, chiếm gần 1/3 người dân trong thôn. Tại thôn 5, thôn 6, xã Cẩm Thạch, qua tets nhanh hơn 700 công dân trên địa bàn (đến 19h ngày 7/2) đã có 84 ca dương tính với SARS-CoV-2.

Theo nhận định của chính quyền địa phương, nguyên nhân chính của sự gia tăng đột biến số người mắc Covid-19 trên địa bàn là do người dân chưa tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch. Đặc biệt vẫn còn tập trung đông người như mừng thọ, đám cưới và đi lễ... Ban chỉ đạo phòng chống dịch huyện Cẩm Xuyên đã chỉ đạo các xã phong tỏa tạm thời các thôn có dịch để phục vụ công tác phòng chống dịch.

Lực lượng chức năng lập chốt phong tỏa thôn Hoa Thám, xã Cẩm Duệ. Ảnh Sở y tế Hà Tĩnh.

Lực lượng chức năng lập chốt phong tỏa thôn Hoa Thám, xã Cẩm Duệ. Ảnh Sở y tế Hà Tĩnh.

Sau khi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các xã Cẩm Duệ và Cẩm Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu nhấn mạnh, chỉ trong một ngày (7/2), số lượng người mắc trên địa bàn 2 xã Cẩm Duệ và Cẩm Thạch đã tăng đột biến, nguy cơ dịch bùng phát trên diện rộng là rất cao.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu địa phương tập trung cao cho công tác phòng chống dịch; chủ động các phương án dạy, học cho phù hợp để đảm bảo công tác phòng, chống dịch và việc học tập cho các em học sinh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, sắp tới là Rằm tháng Giêng và mùa lễ hội, cấp ủy chính quyền các cấp và ngành chuyên môn cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong công tác phòng chống dịch; khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm 5K theo hướng dẫn của ngành y tế. Đặc biệt, không tập trung đông người, không được chủ quan lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Hà Tĩnh chỉ đạo “khẩn” các biện pháp phòng, chống dịch bùng phát

Ngày 8/2, ông Lê Ngọc Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ký, ban hành Văn bản số 565/UBND-VX1 “Về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19”.

Trong ngày 7/2, Hà Tĩnh có 338 ca mắc mới trong đó có 216 ca cộng đồng, 17 ca khu vực phong tỏa và 105 ca đã được cách ly từ trước. Từ ngày 1/1 đến nay, toàn tỉnh phát hiện 2.160 ca trong đó 826 ca cộng đồng, 1.251 ca cách ly và 83 ca trong các khu vực phong tỏa. Tổng số ca mắc trên địa bàn toàn tỉnh cộng dồn từ 4/6/2021 đến nay 3.774 ca.

Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo thực hiện ngay các biện pháp phòng chống, ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh bùng phát.

Cụ thể, thực hiện nghiêm và ở mức cao nhất các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, đặc biệt là việc chấp hành nghiêm thông điệp 5K, hạn chế tổ chức, tham gia các hoạt động đông người sau Tết Nguyên đán như: Đi lễ hội tại các đền, chùa; các hoạt động trong dịp Rằm tháng Giêng...

Yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã đánh giá chính xác cấp độ dịch tối thiểu hàng tuần theo quy định tại Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày 27/1/2022 của Bộ Y tế; định kỳ báo cáo kết quả đánh giá cấp độ dịch hàng tuần và báo cáo ngay khi có thay đổi cấp độ dịch trên địa bàn về Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh (qua Sở Y tế). Tăng cường đôn đốc, kiểm tra và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đáp ứng nhanh khi tình hình dịch bệnh thay đổi.

Tại các địa bàn các xã, phường, thị trấn có cấp độ dịch được đánh giá ở cấp 3, cấp 4 thì quyết định tạm dừng tổ chức dạy học trực tiếp đối với học sinh mầm non, tiểu học và học sinh lớp 6 (đối tượng chưa được tiêm vắc-xin phòng Covid-19) cho đến khi địa bàn thay đổi cấp độ dịch ở mức an toàn.

Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Chịu trách nhiệm đảm bảo đủ kít, test, vật tư… để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tăng cường động viên, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tập trung công tác phòng, chống dịch; kêu gọi, vận động nhân dân vì lợi ích của mỗi cá nhân, cộng đồng và quốc gia, dân tộc, tự giác thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/ha-tinh-cam-xuyen-phat-hien-217-ca-nhiem-covid-19-trong-mot-...

Nghệ An thêm 812 ca Covid-19, tăng cường phòng chống dịch sau dịp Tết

Trong 12 giờ qua (từ 18h00 ngày 7/2/2022 đến 6h00 ngày 8/2/2022), Nghệ An ghi nhận 812 ca dương tính mới tại 14 địa phương (Diễn Châu 176 ca, Tp.Vinh 173 ca, Nghi Lộc 100 ca, Tân Kỳ 64 ca, Quỳnh Lưu 63 ca, Cửa Lò 61 ca, Anh Sơn 50 ca, Thái Hòa 38 ca, Thanh Chương 31 ca, Hưng Nguyên 29 ca, Hoàng Mai 21 ca, Kỳ Sơn 4 ca, Đô Lương 1 ca, Nam Đàn 1 ca).

Trong đó, có 186 ca cộng đồng tại 10 địa phương (Tp.Vinh 86 ca, Diễn Châu 19 ca, Quỳnh Lưu 14 ca, Cửa Lò 14 ca, Hưng Nguyên 12 ca, Tân Kỳ 11 ca, Thanh Chương 11 ca, Anh Sơn 9 ca, Nghi Lộc 8 ca, Kỳ Sơn 2 ca); 626 ca đã được cách ly từ trước (617 ca là F1, 8 ca từ ngoại tỉnh có dịch về, 1 ca nhập cảnh). Ghi nhận 459 ca có triệu chứng, 353 ca không có triệu chứng.

Theo thống kê từ Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, tính trong 7 ngày nghỉ Tết, ngành đã ghi nhận tổng cộng 201 ca F0 là học sinh và giáo viên.

Cụ thể, có 166 em học sinh mắc Covid-19, trong đó học sinh mầm non là 10 em, tiểu học có 75 em, THCS có 16 em và 64 em là bậc THPT. Có 35 giáo viên mắc Covid-19, trong đó bậc mầm non là 21, tiểu học là 7, THCS là 5 và THPT là 2 giáo viên.

Trong số các ca nhiễm được ghi nhận này, nhiều trường hợp là F0 cộng đồng, không rõ nguồn lây. Hầu hết các F0 đều có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng.

Lực lượng ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân.

Lực lượng ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. 

Sau Tết Nguyên đán, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Số ca mắc gia tăng, nhiều ca bệnh không có triệu chứng, nguồn lây tiềm ẩn trong cộng đồng. Tỉnh Nghệ An yêu cầu các huyện, thành, thị và các sở, ban, ngành tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch.

Tình hình dịch bệnh trong tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Số ca mắc cộng đồng gia tăng, nhiều ca bệnh không có triệu chứng, nguồn lây tiềm ẩn trong cộng đồng cao; tần suất di chuyển, mức độ giao lưu của người dân trong dịp Tết lớn. Vì vậy, sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán nguy cơ các ca nhiễm mới tăng nhanh, bùng phát dịch trên diện rộng tại nhiều địa  phương… Tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch ở các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, trường học trong nhưng ngày đầu bắt đầu trở lại làm việc và học tập.

Trước tình hình dịch Covid-19 hiện nay, Ban chỉ đạo, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh yêu cầu các huyện, thành, thị tiếp tục quán triệt, thực hiện quyết liệt, toàn diện công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo các quan điểm, chủ trương mới của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế; Ban chỉ đạo tỉnh và Sở Y tế; chủ động xây dựng kịch bản, phương án đáp ứng  phòng chống dịch phù hợp với từng diễn biến cụ thể trên địa bàn, đặc biệt trước khả năng gia tăng đột biến các ca bệnh sau dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Các huyện, thành, thị tăng cường kiểm soát công dân từ các địa phương khác trở về tỉnh, yêu cầu bắt buộc thực hiện khai báo y tế, tuân thủ 5K, áp dụng các biện pháp theo dõi sức khỏe, phòng chống dịch theo đúng quy định của Bộ Y tế, UBND tỉnh; khuyến khích người dân tự xét nghiệm; nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19 như sốt, ho, khó thở... thì hạn chế tiếp xúc và hạn chế đi lại, thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm và xử trí theo quy định; tăng cường kiểm soát dịch, thực hiện giãn cách, phân luồng tại các khu vực tập trung đông người như chợ truyền thống, chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm mua sắm, bến tàu, bến xe, sân bay; tiếp tục thực hiện nghiêm quy định tạm dừng hoạt động đối với các dịch vụ không thiết yếu như karaoke, quán bar, internet, trò chơi điện tử…

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân trong độ tuổi chỉ định, kể cả đối tượng ở các địa phương khác về sinh sống trên địa bàn; khẩn trương hoàn thành việc  tiêm mũi bổ sung theo kế hoạch, đảm bảo tiêm chủng an toàn theo các quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt lưu ý và ưu tiên tiêm chủng cho đối tượng là người từ 50 tuổi trở lên, người mắc bệnh nền; tăng cường công tác truyền thông, liên tục dưới nhiều hình thức, đa phương tiện nhằm nâng cao ý thức của người dân không chủ quan, không hoang mang cũng như hiểu đúng, đồng thuận với các biện  pháp phòng chống dịch trên địa bàn… Chủ động triển khai các Trạm Y tế lưu động tại các xã/phường/thị trấn để hướng tới triển khai chăm sóc, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú.

Các sở, ban, ngành tiếp tục triển khai công tác phòng chống dịch trên địa bàn theo chức năng và nhiệm vụ được giao. Riêng với ngành y tế thì tiếp tục rà soát bổ sung đầy đủ vật tư, hóa chất, trang thiết bị đảm bảo đáp ứng nhu cầu chống dịch khi xảy ra dịch bệnh trên địa bàn; đảm bảo đủ lượng oxy y tế; có phương án dự trữ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết  bị, bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu, sẵn sàng đáp ứng, phục vụ công tác điều trị, cấp cứu; xây dựng phương án mở rộng năng lực thu dung, điều trị của các cơ sở y tế trên địa bàn; phối hợp Ban Chỉ đạo tiêm chủng các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, đặc biệt kêu gọi, huy động sự vào cuộc tối đa của lực lượng y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/nghe-an-them-812-ca-covid-19-tang-cuong-phong-chong-dich-sau...

Hà Nội: Rạp chiếu phim mở cửa trở lại từ ngày 10/2

Tối 8/2, UBND TP Hà Nội vừa có văn bản mở cửa các rạp chiếu phim, các cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hoá nghệ thuật tại Hà Nội.

Theo đó, từ ngày 10/2, UBND thành phố đồng ý với đề xuất của Sở Văn hoá và Thể thao về việc mở cửa các rạp chiếu phim, các cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hoá nghệ thuật tại Hà Nội (các nhà hát, rạp hát…).

Rạp chiếu phim mở cửa trở lại từ ngày 10/2: Ảnh minh họa

Rạp chiếu phim mở cửa trở lại từ ngày 10/2: Ảnh minh họa

UBND TP.Hà Nội giao Sở văn hoá và Thể thao chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị liên quan căn cứ hướng dẫn của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các quy định của Trung ương và Thành phố, hướng dẫn các rạp chiếu phim, các cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hoá nghệ thuật trên địa bàn TP triển khai theo đúng quy định, đảm bảo an toàn, hiệu quả, tuân thủ phòng chống dịch COVID-19.

Cùng ngày, UBND TP.Hà Nội cũng ra văn bản hoả tốc đồng ý với đề xuất của UBND huyện Mỹ Đức về việc mở cửa tổ chức phục vụ đón khách về tham quan di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn từ ngày 16/2 trong điều kiện thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19.

UBND Hà Nội giao Sở Văn hoá và Thể thao chủ trì, phối hợp Sở Y tế hướng dẫn huyện Mỹ Đức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo đúng hướng dẫn của Trung ương và Thành phố.

Nguồn: http://danviet.vn/ha-noi-rap-chieu-phim-mo-cua-tro-lai-tu-ngay-10-2-5020228219298606.ht...

Cận ngày trẻ đến trường học trực tiếp sau thời gian dài nghỉ dịch: Phụ huynh băn khoăn điều gì?
Sau thời gian dài học online do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngày mai (8/2), học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 tại nhiều trường ở Hà Nội sẽ đến trường học trực tiếp. Trước thông tin này, bố mẹ các em học sinh có những tâm trạng khác nhau, người thì mừng rỡ, ng

Tin tức Hà Nội

H.A (tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19