Dẫu biết không thể gặp lại được con qua những tấm ảnh, vợ chồng bà Lan vẫn gắng níu kéo từng tia hi vọng.
Gần 20 năm ròng, vợ chồng bà Lan (Long Thành, Đồng Nai) sống trong nỗi dằn vặt đớn đau vì trót dại cho con, để người khác nuôi dưỡng. Bà Lan kể rằng hồi còn trẻ, bà mê tín đến mức tháng nào cũng đi xem bói. Thầy phán như thế nào bà cũng lắng nghe để gia đình được hòa thuận. Song đến khi bầu bé thứ hai tên Tuấn Anh (1994), vợ chồng bà liên tục xảy ra mâu thuẫn, gia đình có nhiều biến cố.
“Vừa hay tin có bầu thằng nhỏ, ông xã bị tai nạn lao động, đứt 2 ngón chân. Tôi cứ thấy lo lo nên sinh xong liền đi xem tử vi. Thầy phán thằng nhỏ khắc cha mẹ nặng lắm, phải cho làm con của người khác thì mới sống nổi, chứ để chúng tôi chăm sóc thì đến năm con 12 tuổi hoặc ông xã hoặc con sẽ chết”, bà Lan nhớ lại.
Gần 20 năm ròng, vợ chồng bà Lan sống trong nỗi dằn vặt đớn đau vì trót dại cho con, để người khác nuôi dưỡng.
Thầy tử vi đó còn dặn bà Lan phải cho Tuấn Anh cho người khác nuôi hẳn. Bà không tin lắm vì không có can đảm cho đứa con mình dứt ruột đẻ ra. Nhưng con trai bà vừa chào đời đã phải nằm hồi sức mất 28 ngày, đến 1 tuổi bị ngã đứt lưỡi, 2 tuổi ngã gãy tay phải... Với tất cả điềm báo ấy, bà quyết định để Tuấn Anh cho người khác nuôi dưỡng.
“Tôi đem thằng bé gửi ở ngôi chùa gần nhà – nơi có nhiều trẻ mồ côi sinh sống được người nước ngoài đến nhận làm con nuôi. Tôi cũng hi vọng con may mắn được ai đó đón nhận rồi cho sang Tây ở. Hàng ngày, tôi cho thằng lớn dắt Tuấn Anh vào chùa để người ta coi mặt, chiều tối lại đón con về. Một thời gian sau, thằng nhỏ được gia đình người Mỹ nhận làm con nuôi”, người phụ nữ miền Tây tâm sự.
Đến ngày Tuấn Anh được người ta nhận nuôi, vợ chồng bà Lan đã gặp họ tại chùa song không dám thừa nhận là cha mẹ ruột. Bà nói với họ mình là người thân của Tuấn Anh. Khi làm giấy tờ, bà cũng xin giữ lại một bản để sau này con lớn đi tìm cha mẹ thì có bằng chứng để hai bên nhận nhau. Đến giờ bà vẫn giữ toàn bộ hồ sơ, giấy tờ liên quan đến việc cho con trai đi làm con nuôi người nước ngoài.
Bé Tuấn Anh ngày nhỏ.
“Trước khi Tuấn Anh sang Mỹ định cư, tôi đã đưa thằng nhỏ đi Suối Tiên chơi rồi chụp tấm hình làm kỷ niệm. Sau đó tôi “giao” con cho họ vào năm 1997 tại một khách sạn ở quận Phú Nhuận.
Sang đó, Tuấn Anh được đổi tên thành Thomas. Mỗi quý cha mẹ nuôi thường gửi ảnh và thư về chùa thông qua một người liên lạc. Cuối năm, họ gửi về một bản báo cáo tổng kết chung ghi chép tỉ mỉ thói quen, sở thích, năng khiếu, tính cách... và cả những lần ốm đau của con. Nhờ đó, trong 3 năm đầu tiên con đi, chúng tôi nhận được 16 tấm hình và 4 bản báo cáo. Tiếp đó chúng tôi không nhận được bất cứ lá thư hay thông tin gì của con nữa! Lúc này chúng tôi đã tỉnh ra: Mất con thật rồi”, bà Lan chua xót.
Dẫu biết không thể gặp lại được con qua những tấm ảnh, vợ chồng bà Lan vẫn gắng níu kéo từng tia hi vọng. Bà thường xuyên sang chùa hỏi thăm thông tin của Tuấn Anh nhưng họ không biết, chỉ loáng thoáng hay rằng người liên lạc giữa hai bên bị đột quỵ và qua đời. Vì thế đường dây liên lạc bị mất.
“Hai mươi năm trôi qua, chúng tôi đã già đi rất nhiều và mọi thông tin về con dường như mờ mịt vô cùng. Tôi ân hận lắm, chỉ vì mù quáng nghe lời của ông thầy tử vi mà cho đi đứa con dứt ruột đẻ ra. Giờ tôi ngẫm lại mới thấy giận bản thân mình.
Tuấn Anh sang Mỹ đã được cha mẹ nuôi đổi tên thành Thomas.
Tôi vốn là đứa trẻ bị bỏ rơi, lớn lên trong cô nhi viện. Đến khi tôi trưởng thành mới gặp lại cha mẹ ruột của mình.... Vậy mà tôi không tự thấu hiểu hoàn cảnh của bản thân, lỡ cho con để người khác nuôi dưỡng. Tôi không xứng đáng làm mẹ của thằng bé”, bà Lan giãi bày.
Người mẹ mắc sai lầm ấy từng tin rằng việc mình cho con vì muốn con được sống, có cuộc sống tốt đẹp hơn. Bà sợ nhất đến ngày con trai biết chuyện lại hiểu lầm rằng bà bán con lấy tiền.
“Mong mỏi của vợ chồng tôi chỉ đơn giản là được biết thông tin về con, được gặp con dù chỉ một mình. Tôi sẽ không đòi hỏi ở thằng bé bất cứ điều gì cả bởi cả đời này tôi nợ con rất nhiều, đến chết cũng không thể trả nổi. Nếu có phép màu xảy ra, tôi được gặp lại con, tôi sẽ nói với con rằng: Cha mẹ không cần gì cả, chỉ mong con thừa nhận cha mẹ và tha thứ lỗi lầm của quá khứ”, bà Lan nói.
Tấm hình do chính cha mẹ nuôi của Tuấn Anh gửi về chùa.
Đến nay, Tuấn Anh đã gần 30 tuổi. Bà Lan bảo nếu còn sống, con trai bà đã trưởng thành rất nhiều, có gia đình riêng. Bà hi vọng một ngày nào đó có thể được gặp lại con trai bằng da bằng thịt. Khi ấy vợ chồng bà có nằm xuống cũng cảm thấy an lòng.
Để tìm được con, vợ chồng bà Lan đã nhờ những kênh thông tin từ mạng xã hội đến Youtube giúp đỡ với hy vọng Tuấn Anh tình cờ xem được rồi tìm về Việt Nam. Song đến giờ họ vẫn chưa nhận được bất cứ tin vui nào cả.