Nhiều nước Tây Âu đang đối mặt làn sóng dịch COVID-19 mới sau khi dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch.
8 diễn biến
WHO: Nhiều nước châu Âu quá vội vàng dỡ bỏ biện pháp phòng dịch
Ngày 22/3, Giám đốc WHO khu vực Châu Âu Hans Kluge nói trong một cuộc họp báo ở Moldova rằng ông "lạc quan nhưng cảnh giác" về diễn biến đại dịch ở châu Âu.
Ông Kluge cho biết số ca mắc mới COVID-19 đang gia tăng ở 18 trong số 53 quốc gia thuộc khu vực châu Âu của WHO. “Các quốc gia mà chúng tôi thấy có sự gia tăng rõ rệt là Anh, Ireland, Hy Lạp, CH Síp, Pháp, Đức, Ý.”
Lý do chính dẫn đến sự gia tăng này có thể là do biến thể phụ BA.2 của dòng Omicron mà các chuyên gia cho là có khả năng lây lan cao hơn khoảng 30%, nhưng không nguy hiểm hơn so với phiên bản “tiền nhiệm” BA.1.
Ngoài ra, nguyên nhân còn do “các quốc gia này đang dỡ bỏ các lệnh hạn chế một cách quá vội vàng, từ quá nhiều xuống quá ít”, ông Kluge nhận định.
Theo cơ sở dữ liệu của WHO, số ca nhiễm mới ở châu Âu đã giảm mạnh sau khi đạt đỉnh vào cuối tháng 1, nhưng đã gia tăng trở lại kể từ đầu tháng 3. Trong 7 ngày qua, khu vực châu Âu của WHO ghi nhận hơn 5,1 triệu ca mắc mới và 12.496 ca tử vong.
Ông Hans Kluge cho rằng châu Âu hiện có thể đối phó hiệu quả hơn với COVID-19, vì “khả năng miễn dịch đã rất cao, nhờ tiêm chủng và nhờ miễn dịch tự nhiên”. Mùa đông cũng đã kết thúc nên mọi người sẽ ít tụ tập ở những nơi nhỏ hẹp, đông đúc.
Tuy nhiên, ông Kluge nhắc nhở rằng “ở những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp, nó vẫn là một căn bệnh gây chết người”.
“Thế giới sẽ phải sống chung với COVID-19 trong một khoảng thời gian khá dài, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể thoát khỏi đại dịch”, ông Kluge nói. Để làm được như vậy, các quốc gia cần tăng cường bảo vệ những người dễ bị tổn thương, tăng cường giám sát và giải trình tự bộ gien, cũng như tiếp cận với các loại thuốc kháng virus mới.
Cuối cùng, ông nói rằng các quốc gia cần phải chăm sóc những người bị "hậu COVID-19", và giải quyết tình trạng dồn ứ trong lĩnh vực chăm sóc y tế - vấn đề phát sinh trong thời kì đại dịch.
Nguồn: https://tienphong.vn/who-nhieu-nuoc-chau-au-qua-voi-vang-do-bo-bien-phap-phong-dich-pos... Nguồn: https://tienphong.vn/who-nhieu-nuoc-chau-au-qua-voi-vang-do-bo-bien-phap-phong-dich-post1425267.tpo
Trung Quốc đối phó Omicron: Không bắt buộc xét nghiệm diện rộng như trước
Bà Jiao Yahui, người đứng đầu Cục Quản lý Y tế của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC), phát biểu trong cuộc họp báo hôm 22/3 rằng, hướng dẫn mới sửa đổi tập trung vào việc xét nghiệm axit nucleic theo khu vực cụ thể thay vì xét nghiệm hàng loạt như trước đây.
Hướng dẫn mới cũng đặt ra thời hạn nghiêm ngặt để một khu vực cụ thể hoàn thành xét nghiệm. Theo bà Jiao, thời hạn này là 24 giờ. Thời báo Hoàn cầu đưa tin, việc sửa đổi hướng dẫn xét nghiệm axit nucleic của Trung Quốc là một cách để Bắc Kinh đối phó với biến thể Omicron tàng hình, vốn rất dễ lây lan.
Trung Quốc hôm 22/3 sửa đổi về hướng dẫn xét nghiệm axit nucleic để đối phó với đợt bùng phát nghiêm trọng nhất kể từ đợt dịch Vũ Hán. Ảnh: Tân Hoa xã
Theo hướng dẫn mới, tất cả các quận và thành phố, bao gồm các siêu đô thị với hơn 10 triệu dân phải hoàn thành xét nghiệm axit nucleic trong vòng 24 giờ cho người dân ở một khu vực bất kỳ được chỉ định.
Hướng dẫn trước đó, được ban hành vào tháng 9/2021, nêu rằng, các thành phố có ít hơn 5 triệu dân phải hoàn thành xét nghiệm axit nucleic cho người dân trong 2 ngày. Trong khi đó, các thành phố có hơn 5 triệu dân dự kiến hoàn thành xét nghiệm cho toàn bộ dân cư trong 3 ngày.
Khi được hỏi liệu hướng dẫn mới có phải là dấu hiệu cho việc không cần xét nghiệm hàng loạt nữa hay không, bà Jiao trả lời rằng, điều đó phụ thuộc vào việc chúng ta kiểm soát các nguy cơ lây nhiễm tốt cỡ nào.
Bà Jiao nói thêm, nếu các rủi ro lây nhiễm có thể kiểm soát, chúng ta có thể khoanh vùng khu vực xét nghiệm dựa trên các nguồn lây nhiễm. Khi đó, việc xét nghiệm hàng loạt là không cần thiết.
Các chuyên gia y tế Trung Quốc cho rằng, việc phát hiện một số lượng lớn người nhiễm biến thể tàng hình Omicron đã gây thêm khó khăn cho việc tuân thủ chính sách "Zero Covid". Vì vậy, Trung Quốc cần điều chỉnh các biện pháp phòng chống sao cho đúng đối tượng và khoa học hơn.
Ông Liang Wannian, người đứng đầu nhóm chuyên gia ứng phó Covid-19 của Trung Quốc, phát biểu trong cùng cuộc họp báo hôm 22/3 rằng, các biện pháp hướng đến mục tiêu là nhanh chóng và hiệu quả. Theo ông Liang, Trung Quốc cần điều chỉnh thêm về việc điều tra dịch tễ học, kiểm soát người tiếp xúc gần, theo dõi các đột biến của virus và đảm bảo xét nghiệm axit nucleic đúng đối tượng dựa trên khoa học và công nghệ.
Ông Liang lưu ý, hướng dẫn mới là một ví dụ điển hình của việc xét nghiệm đúng đối tượng căn cứ vào khoa học và công nghệ.
Người đứng đầu nhóm chuyên gia ứng phó Covid-19 của Trung Quốc còn cho rằng, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh phức tạp và gay gắt, Trung Quốc nên tuân thủ chính sách "Zero Covid" năng động.
Trung Quốc ghi nhận hơn 41.000 ca nhiễm Covid-19 trong nước từ ngày 1/3 đến ngày 21/3, trải khắp 28 tỉnh thành. Trong đó, Cát Lâm là tỉnh chịu ảnh hưởng nhất trong đợt bùng phát mới. Kể từ 14/3 đến nay, trung bình mỗi ngày Cát Lâm ghi nhận 1.000 ca nhiễm mới.
Nguồn: http://danviet.vn/tq-doi-pho-omicron-khong-bat-buoc-xet-nghiem-dien-rong-nhu-truoc-5020... Nguồn: http://danviet.vn/tq-doi-pho-omicron-khong-bat-buoc-xet-nghiem-dien-rong-nhu-truoc-502022233142314460.htm
Gia hạn thanh tra việc mua sắm kit xét nghiệm, vắc xin COVID-19
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa có công văn đồng ý với kiến nghị của Thanh tra Chính phủ về việc gia hạn thời gian thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch COVID-19 tại thành phố Hà Nội, TPHCM và Bộ Y tế.
Phó Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch COVID-19 trước ngày 15/5/2022.
Trước đó, tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành thanh tra diễn ra ngày 12/1, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ tập trung triển khai có hiệu quả thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng chống dịch COVID-19 tại Bộ Y tế, thành phố Hà Nội và TPHCM.
Ngay sau đó, trong trung tuần tháng 1/2022, Thanh tra Chính phủ đã lần lượt công bố các quyết định thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch COVID-19 tại Bộ Y tế, Hà Nội và TPHCM.
Sau đó, tại Văn bản số 888/VPCP-V.I, Phó Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch COVID-19 tại Hà Nội, TPHCM và Bộ Y tế theo đúng kế hoạch thanh tra năm 2022 đã được phê duyệt.
Đồng thời, đôn đốc Thanh tra các bộ, ngành địa phương khẩn trương thực hiện thanh tra chuyên đề việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm các cuộc thanh tra được thực hiện theo đúng tiến độ, chất lượng; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 3 năm 2022.
Nguồn: https://tienphong.vn/gia-han-thanh-tra-viec-mua-sam-kit-xet-nghiem-vac-xin-covid-19-pos... Nguồn: https://tienphong.vn/gia-han-thanh-tra-viec-mua-sam-kit-xet-nghiem-vac-xin-covid-19-post1425501.tpo
Cục Quản lý Dược đề nghị làm rõ tình trạng bán thuốc điều trị COVID-19 không theo đơn tại TP HCM
Cục Quản lý dược, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Sở Y tế TP HCM, yêu cầu tăng cường kiểm tra, làm rõ tình trạng không tuân thủ quy định về bán thuốc theo đơn khi bán thuốc điều trị COVID-19 trong đó có Molnupiravir.
Theo văn bản của Cục Quản lý Dược do Cục trưởng Vũ Tuấn Cường ký ban hành, trên phương tiện thông tin đại chúng có phản ánh tình trạng bán thuốc điều trị COVID-19 không cần đơn của bác sĩ, trong đó có thuốc Molnupiravir.
Thuốc Molnupiravir được cấp phép có điều kiện, là thuốc kê đơn, cần tiếp tục theo dõi về chất lượng, hiệu quả, an toàn của thuốc trong quá trình lưu hành. Việc sử dụng thuốc Molnupiravir cần phải có sự thăm khám, kê đơn và hướng dẫn của thầy thuốc.
Theo Cục Quản lý dược, việc mua, bán, sử dụng thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19 không đúng quy định về kê đơn thuốc là vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật dược và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, giảm hiệu quả phòng chống dịch Ảnh: minh hoạ
Theo Cục Quản lý dược, việc mua, bán, sử dụng Molnupiravir không đúng quy định về kê đơn thuốc là vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật dược và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, giảm hiệu quả phòng chống dịch.
Để bảo đảm an toàn cho người sử dụng, thực hiện nghiêm Luật dược 2016 và chấn chỉnh tình trạng vi phạm pháp luật kê đơn, bán thuốc theo đơn trong lưu hành thuốc điều trị COVID-19, Cục Quản lý dược đề nghị Sở Y tế TP HCM tiếp tục thực hiện đầy đủ các nội dung hướng dẫn về bán thuốc theo đơn, trong đó có Molnupiravir tại các văn bản trước đó của Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược; Cũng như các hướng dẫn về thanh kiểm tra, tăng cường quản lý việc mua bán thuốc điều trị COVID-19.
Chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc sở khẩn trương kiểm tra việc phân phối, cấp phát thuốc Molnupiravir tại hệ thống các nhà thuốc trên địa bàn thành phố.
Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Kết quả kiểm tra, xác minh và xứ lý các vi phạm (nếu có), Sở Y tế TP HCM báo cáo về Cục Quản lý Dược trước ngày 30/3 để Cục tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ Y tế; Đồng thời, thông báo cho cơ quan báo chí theo thẩm quyền.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/cuc-quan-ly-duoc-de-nghi-lam-ro-tinh-trang-ban-thuoc-dieu-tri... Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/cuc-quan-ly-duoc-de-nghi-lam-ro-tinh-trang-ban-thuoc-dieu-tri-covid-19-khong-theo-don-tai-tp-hcm-169220324085519916.htm
Lao động tái nhiễm Covid-19 có được hưởng hỗ trợ từ BHXH không?
Anh Nguyễn Văn Nam (Công nhân, Công ty Giày Hongfu Thanh Hóa) cho biết, anh mới mắc Covid-19 phải nghỉ việc 14 ngày để điều trị và làm thủ tục hưởng chế độ ốm đau từ quỹ BHXH được 1 tháng. Vừa qua anh lại tái nhiễm Covid-19, anh Nam băn khoăn, không biết mình có tiếp tục được hưởng chế độ ốm đau hoặc hỗ trợ nào khác không?.
Lao động tái nhiễm Covid-19 vẫn được hưởng chế độ ốm đau từ quỹ BHXH. Ảnh: Quang Vinh
Cùng chung thắc mắc, chị Nguyễn Thị Phương (Hà Nội) cho biết, chị mới tái nhiễm Covid-19 không lâu. Lần một có khai báo mắc bệnh ở nhà điều trị hưởng BHXH. Tuy nhiên lần hai khi tái nhiễm thì không khai báo. Phần vì không biết liệu có được hưởng BHXH lần thứ 2 hay không, phần vì sợ thủ tục phức tạp như lần một nên không khai báo.
Cứ ốm có giấy xác nhận là được hưởng chế độ từ quỹ BHXH
Trao đổi với PV Báo Dân Việt, bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Thông tin BHXH Hà Nội cho biết, Luật BHXH có quy định cụ thể về việc lao động ốm, nghỉ việc hưởng BHXH. Theo đó, lao động cứ ốm, có giấy xác nhận là được hưởng quyền lợi và thanh toán tiền từ BHXH bất kể là ốm do tái nhiễm Covid-19 hay bất cứ bệnh lý nào khác.
"Việc chi trả quyền lợi ốm đau theo BHXH được thực hiện với cả các bệnh nhân điều trị nội trú và ngoại trú ở tất cả các bệnh. Vì thế lao động tái nhiễm Covid-19 vẫn sẽ được hỗ trợ như đợt nhiễm đầu miễn không vượt quá số ngày nghỉ ốm theo quy định", bà Châu nói.
Cụ thể Khoản 1 Điều 25 Luật BHXH năm 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động đang tham gia BHXH là: “Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế”.
Khoản 1 Điều 26 Luật BHXH 2014 quy định về thời gian hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần, cụ thể như sau:
Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.
Riêng lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐTBXH, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.
Trường hợp lao động nghỉ việc do ốm đau thông thường trùng với ngày nghỉ hằng tuần của đơn vị thì không được giải quyết hưởng chế độ ốm đau từ quỹ BHXH.
Theo quy định tại khoản 3 điều 85 Luật BHXH năm 2014: “Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không phải đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản”.
Ngày làm việc ở đây được hiểu là số ngày phải làm việc của người lao động trong một tháng theo nội quy, quy định của đơn vị cũng như nội dung thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động thể hiện trên HĐLĐ nhưng không được trái với quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của Bộ luật Lao động. Nếu đơn vị quy định thứ 7, chủ nhật là ngày nghỉ hàng tuần của người lao động thì những ngày này không được tính là ngày làm việc để xét điều kiện không đóng BHXH tháng đó.
Như vậy, nếu các lao động nghỉ ốm chưa hết số ngày theo quy định Luật BHXH thì vẫn có quyền khai báo, làm thủ tục hưởng chế độ ốm đau từ quỹ BHXH.
Nguồn: https://danviet.vn/lao-dong-tai-nhiem-covid-19-co-duoc-huong-ho-tro-tu-bhxh-khong-20220... Nguồn: https://danviet.vn/lao-dong-tai-nhiem-covid-19-co-duoc-huong-ho-tro-tu-bhxh-khong-20220322192827598.htm
Đồng Nai: F0 giảm, chỉ còn 9 trường dạy học trực tuyến
Ngày 23/3, liên quan đến công tác dạy và học tại Đồng Nai, ông Võ Ngọc Thạch, Phó giám đốc Sở GDĐT Đồng Nai cho biết, những ngày gần đây số ca F0 tại các trường học có dấu hiệu giảm nên tình hình dạy – học của các trường học trong tỉnh cơ bản ổn định.
Như vậy tính đến nay chỉ còn 9/969 trường học tổ chức học trực tuyến. Số trẻ mầm non đi học trực tiếp đạt khoảng 60%, tỷ lệ học sinh phổ thông đi học đạt từ 80-90%.
Theo ông Thạch, tuần trước Đồng Nai có khoảng gần 15.000 F0 là học sinh và giáo viên, giảm khoảng 10.000 F0 so với tuần trước nữa. Đặc biệt số F0 đang giảm mạnh và hiện trong ngày, toàn tỉnh phát sinh hơn 2.200 ca F0, trong đó có 256 ca là giáo viên, số còn lại là học sinh.
“Đa số học sinh và giáo viên đều đã được tiêm vaccine Covid-19, có nhiều người đã được tiêm 3 liều vaccine. Hầu hết tình trạng bệnh nhẹ, chỉ theo dõi sức khỏe tại nhà từ 5 - 7 ngày là ổn định và có thể đến trường”, ông Thạch nói.
Cũng theo ông Thạch, các trường phải học trực tuyến hay trực tiếp đều do cấp phường xã tự căn cứ vào cấp độ dịch của địa phương để đưa ra phương án phù hợp, tránh lây nhiễm chéo trong lớp học, phát sinh ca nhiễm thứ cấp tại gia đình…
Hiện tại để đảm bảo an toàn cho học sinh trước đại dịch Covid-19, ngành giáo dục đang tiếp tục kết hợp với ngành y tế tiêm mũi 3 cho học sinh trên 18 tuổi và đưa ra kế hoạch cụ thể để chuẩn bị tiêm vaccine cho học sinh từ 5 - 11 tuổi.
Nguồn: https://danviet.vn/dong-nai-f0-giam-chi-con-9-truong-day-hoc-truc-tuyen-202203230809114... Nguồn: https://danviet.vn/dong-nai-f0-giam-chi-con-9-truong-day-hoc-truc-tuyen-20220323080911419.htm
Làm rõ việc cán bộ mượn người giả chữ ký nhận tiền hỗ trợ Covid-19
Liên quan đến việc cán bộ giả chữ ký của người dân để nhận tiền hỗ trợ Covid-19, chiều 23/3, ông Châu Minh Đảm - Chủ tịch UBND xã Khánh Hội (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) cho biết, đơn vị đã cho xác minh bước đầu.
"Xã không có chủ trương giả chữ ký của người dân để nhận tiền hỗ trợ Covid-19, việc này là do ông Vinh (Lư Công Vinh, cán bộ phụ trách Thương binh - Xã hội của xã) tự ý thực hiện", ông Đảm thông tin.
Một cán bộ ở Cà Mau có hành vi mượn người giả chữ ký nhận tiền hỗ trợ dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)
Ông Đảm cho rằng, nếu có danh sách hỗ trợ mà không có người nhận thì phải nộp hoàn trả ngân sách, chứ không được giả chữ ký và nhận thay.
"Trước mắt, chúng tôi sẽ xem xét tạm điều chuyển ông Vinh làm nhiệm vụ khác. Đồng thời, sẽ tiếp tục rà soát và xử lý dứt điểm vụ việc theo quy định, tránh để người dân bức xúc", ông Đảm nói và cho biết thêm, về vấn đề ông Vinh có dấu hiệu lạm dụng số tiền này hay không, chúng tôi cũng đang làm rõ.
Cũng theo ông Đảm, hiện tại, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau cũng đã lên kế hoạch trong tuần này sẽ vào làm việc với xã. Đồng thời đề nghị ông Vinh có báo cáo giải trình cụ thể lý do để có đánh giá sự việc như thế nào.
Trước đó, nhiều người dân là lao động tự do trên địa bàn xã Khánh Hội bị thất nghiệp do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 chưa nhận được hỗ trợ 1,5 triệu đồng. Dù đã nhiều lần hỏi thăm nhưng người dân không được câu trả lời thỏa đáng.
Sau đó, khi có người tố giác thì dân mới biết số tiền hỗ trợ đã có người ký nhận. Sự việc vỡ lở, cán bộ Thương binh - Xã hội của xã mới đem tiền cấp cho dân.
Theo UBND xã Khánh Hội, qua xác minh, tại ấp 3 có 24 người bị giả chữ ký với số tổng tiền 36 triệu đồng. Người chủ trương giả chữ ký là ông Lư Công Vinh, cán bộ Thương binh - Xã hội UBND xã Khánh Hội. Người thực hiện là bà Lý Hồng Mận - Trưởng ấp 3.
Lý giải việc này, ông Vinh cho biết, do gần hết thời gian nhận hỗ trợ mà người dân không đến nhận, sợ bị thu hồi số tiền trên nên bảo bà Mận nhận. Bà Mận nhờ 2 người dân đang đi làm thủ tục hành chính tại xã giả chữ ký của 24 hộ dân.
Tuy nhiên, theo người dân, ngoài danh sách 24 hộ mà UBND xã đã xác minh vẫn còn trường hợp chưa nhận được tiền nhưng có ký vào danh sách nhận tiền.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/lam-ro-viec-can-bo-muon-nguoi-gia-chu-ky-nhan-tien-ho-tro-c... Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/lam-ro-viec-can-bo-muon-nguoi-gia-chu-ky-nhan-tien-ho-tro-covid-19-d480623.html
TP HCM ra công văn khẩn đối với F1
UBND TP HCM vừa có công văn khẩn hướng dẫn biện pháp y tế đối với người tiếp xúc gần ca mắc Covid-19 (F1).
Theo đó, trường hợp F1 đã được tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 hoặc đã từng mắc Covid-19 trong vòng 3 tháng được phép tiếp tục đi làm, đi học. Họ phải chấp hành nghiêm các quy định sau:
- Tự theo dõi sức khỏe ít nhất 10 ngày kể từ ngày tiếp xúc gần lần cuối với F0, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ 5 và khi có triệu chứng bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Trong thời gian này, F1 di chuyển từ nơi lưu trú đến nơi học tập, làm việc bằng phương tiện cá nhân.
Quy định mới của UBND TP HCM nhằm hạn chế việc gián đoạn đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đi học... (Trong ảnh: Học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong; Ảnh: Hoàng Triều)
- Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch như thường xuyên đeo khẩu trang, sát khẩu tay, không dùng chung vật dụng cá nhân trong sinh hoạt, làm việc, học tập.
- Tránh tiếp xúc gần với những người thuộc nhóm nguy cơ (người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, người chưa tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19) trong gia đình, tại nơi làm việc, học tập…; khai báo y tế trên ứng dụng PC-Covid-19.
Theo UBND TP HCM, quy định mới nhằm hạn chế việc gián đoạn đối với các hoạt động của đời sống như sản xuất, kinh doanh; việc đi học của học sinh; các hoạt động quản lý, điều hành, chăm sóc y tế… trong khi chờ hướng dẫn mới của Bộ Y tế.
UBND TP HCM cũng cho biết hiện nay tình hình dịch bệnh trên địa bàn đang được kiểm soát. Hầu hết người trên 12 tuổi đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19, đa số các trường hợp mắc Covid-19 không thuộc nhóm nguy cơ cao đều không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ và khỏi bệnh sau đó.
Văn bản này điều chỉnh biện pháp y tế áp dụng đối với các trường hợp F1 đã được quy định tại Công văn 548 ngày 22-2-2022 và Công văn 625 ngày 2-3-2022 của UBND TP HCM; Công văn 8095 ngày 1-11-2021 và Công văn 1474 ngày 4-3-2022 của Sở Y tế.
Nguồn: https://nld.com.vn/chinh-tri/tp-hcm-ra-cong-van-khan-doi-voi-f1-20220324092649548.htm Nguồn: https://nld.com.vn/chinh-tri/tp-hcm-ra-cong-van-khan-doi-voi-f1-20220324092649548.htm