Nhiều trường hợp không đồng ý tiêm vaccine mắc COVID-19 ở Cà Mau có quan điểm người lớn tuổi, ít ra khỏi nhà, có bệnh nền nên không cần tiêm.
6 diễn biến
Vì sao nhiều người ở Cà Mau không đồng ý tiêm vaccine ngừa COVID-19?
Theo Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Cà Mau trong số các ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây có nhiều trường hợp chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Cụ thể, trong 2.714 ca mắc mới ngày 21/3 có 1.513 ca đã tiêm trên 2 mũi, 558 ca đã tiêm 2 mũi, 13 ca đã tiêm 1 mũi, 630 ca chưa tiêm (trong đó, có trong đó 592 ca chưa đủ tuổi tiêm chủng và 38 ca trong độ tuổi tiêm chủng).
Nhiều trường hợp ở Cà Mau mắc COVID-19 không đồng ý tiêm vaccine ngừa COVID-19. (Ảnh minh họa)
Qua rà soát của các địa phương, nguyên nhân của tình trạng “đủ tuổi nhưng không tiêm” là do người dân không đồng ý tiêm, một bộ phận người dân hiện nay còn có quan điểm người lớn tuổi, ít ra khỏi nhà nên không cần tiêm vaccine phòng COVID-19 hoặc lo lắng cho sức khỏe của mình do các phản ứng sau tiêm có thể gặp phải, đặc biệt là đối tượng người cao tuổi, có nhiều bệnh nền.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau, thời gian tới, các Trạm Y tế xã/phường/thị trấn cần thống kê số lượng người dân đủ tuổi, nhưng chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn quản lý.
“Trạm Y tế lưu động và Tổ COVID cộng đồng cử nhân viên đi từng ngõ, gõ từng nhà, vận động, người dân chưa tiêm vaccine đồng ý tiêm vaccine phòng COVID-19, không để người nhiễm COVID-19 trên địa bàn chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi nhiễm COVID-19 (trừ trường hợp chống chỉ định)”, ông Dũng cho hay.
Cũng theo ông Dũng, bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục rà soát công tác tiêm phòng đầy đủ 2 mũi vaccine COVID-19 cho học sinh từ 12 -17 tuổi, đặc biệt tổng hợp danh sách trẻ em từ 5-11 tuổi để chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhóm tuổi này theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/vi-sao-nhieu-nguoi-o-ca-mau-khong-dong-y-tiem-vaccine-ngua-...
Việt Nam sắp triển khai cấp hộ chiếu vaccine điện tử
Đó là thông tin được ông Nguyễn Bá Hùng, Phó giám đốc Trung tâm dữ liệu Y tế, Cục công nghệ thông tin, Bộ Y tế chia sẻ với báo chí vào chiều 22-3.
Cụ thể, từ ngày 20-12-2021, Bộ Y tế đã ban hành quyết định số 5772/QĐ-BYT về Ban hành Biểu mẫu và quy trình cấp “Hộ chiếu vắc xin”. Sau quyết định này, Bộ Y tế phối hợp tích cực với Bộ Thông tin Truyền thông và cơ quan liên quan xây dựng hệ thống cấp chứng nhận hộ chiếu vaccine cũng như chỉnh sửa, bổ sung chức năng ký số trên nền tảng quản lý tiêm chủng.
Vừa qua, Bộ Y tế đã thí điểm tại 3 cơ sở y tế là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K và Bệnh viện E, kết quả cho thấy hệ thống đã sẵn sàng đáp ứng tốt việc triển khai cấp hộ chiếu vaccine điện tử.
Hộ chiếu vaccine điện tử có ý nghĩa như hộ chiếu vaccine giấy. Ảnh: AB
“Trong tuần tới Trung tâm dữ liệu Y tế, Cục công nghệ thông tin, Bộ Y tế sẽ tổ chức hội nghị để tiến tới triển khai cấp hộ chiếu vaccine điện tử” - ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, hộ chiếu vaccine điện tử có ý nghĩa như hộ chiếu vaccine giấy, giúp người dân thuận lợi hơn trong việc đi lại, giao thương quốc tế. Hiện nay, theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, biểu mẫu hộ chiếu vaccine của Việt Nam đã được 17 quốc gia công nhận.
Thông tin về nhu cầu mong muốn được cấp hộ chiếu vaccine của người dân, Phó giám đốc Trung tâm dữ liệu Y tế cho biết, vừa qua đơn vị nhận được rất nhiều câu hỏi của người dân: “Khi nào được cấp hộ chiếu vaccine?”. Có những người trực tiếp đến Cục Y tế dự phòng và Cục Công nghệ thông tin để hỏi về việc này. Nhất là từ ngày 15-3, khi nước ta mở cửa du lịch quốc tế thì nhu cầu càng lớn hơn và chắc chắn còn tăng.
Giải đáp về những vướng mắc trong cấp hộ chiếu vaccine điện tử, nhất là khi số lượng người dân đã tiêm chủng rất lớn, ông Hùng cho biết, theo quyết định 5772, các cơ sở tiêm chủng sẽ thực hiện ký số. Tuy nhiên, về giải pháp kỹ thuật, Trung tâm dữ liệu Y tế, Cục công nghệ thông tin, Bộ Y tế đã xây dựng 2 phương án.
Một là cho phép các cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số. Hai là tuỳ tình hình thực tế của từng địa phương sẽ giao Sở Y tế hoặc Trung tâm kiểm soát bệnh tật thực hiện ký số. “Thực chất việc ký số khá đơn giản, cho phép ký theo lô, có thể ký hàng nghìn người một lúc chứ không phải chọn từng người để ký. Chúng tôi đánh giá về mặt quy trình thì việc cấp hộ chiếu vaccine điện tử rất đơn giản” - ông Hùng cho biết thêm.
Đại diện Trung tâm dữ liệu Y tế, Cục công nghệ thông tin, Bộ Y tế cũng cho biết về mặt quy trình, người dân khi đi tiêm chủng phải khai báo thông tin chính xác. Trách nhiệm của các cơ sở tiêm chủng phải chịu trách nhiệm về việc rà soát thông tin và kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực thông tin của người dân.
“Toàn bộ quá trình cấp hộ chiếu vaccine điện tử là do cơ sở tiêm chủng thực hiện, Cục Y tế dự phòng là đầu mối ký số. Tất cả người dân đã tiêm chủng và có thông tin trên nền tảng quản lý tiêm chủng sẽ có một QR code, được hiển thị trên ứng dụng PC COVID-19 hoặc Sổ sức khỏe điện tử để phục vụ việc kiểm soát khi ra nước ngoài” - ông Hùng nhấn mạnh.
Hiện Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế đang làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông để xây dựng chức năng hiển thị hộ chiếu vắc xin. Nếu người dân đã có thông tin chính xác trên ứng dụng này thì sẽ được tự động hiển thị hộ chiếu vắc xin. Kết quả là 1 mã QR code theo tiêu chuẩn quốc tế, có thể dùng để đi nước ngoài.
Nguồn: https://plo.vn/suc-khoe/viet-nam-sap-trien-khai-cap-ho-chieu-vaccine-dien-tu-1049915.ht...
Đồng Nai: Số ca nhiễm COVID-19 mới chủ yếu tại các trường học
Ngày 22/3, tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đồng Nai cho biết, theo báo cáo Trung tâm Chỉ huy Điều hành phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Nai, trong tuần qua số ca mắc mới ghi nhận trên địa bàn tỉnh đã có xu hướng giảm (giảm 21,33% so với tuần trước), trung bình ghi nhận 3.439 ca mắc/ngày.
Tỉnh Đồng Nai ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 mới chủ yếu tại các trường học.
Cụ thể, từ ngày 14/3 – 21/3, toàn tỉnh ghi nhận 15.854 ca nhiễm từ cán bộ, giáo viên, học sinh đi học trực tiếp tại các trường học trên địa bàn tỉnh (chiếm 65,48% tổng số ca mắc mới), bao gồm 1.865 ca nhiễm là các cán bộ, giáo viên nhà trường và 13.989 ca nhiễm là học sinh.
Số ca tử vong do COVID-19 trong tuần tăng 35% so với tuần trước, tỉ lệ tử vong/ca nhiễm mới cũng tăng lên 0,11% do phần lớn các ca nhiễm nguy kịch suy kiệt sau thời gian điều trị hồi sức tích cực trên 15 ngày.
Tính đến hết ngày 21/3, toàn tỉnh đã ghi nhận 393.213 ca nhiễm, trường hợp đã được điều trị khỏi bệnh đạt tỉ lệ 92,72%. Tổng số ca tử vong là 1.891 ca, tỉ lệ 0,48%.
Ngoài ra, tỉnh đã triển khai 36 đợt tiêm vắc-xin phòng COVID-19 với tổng số hơn 6,86 triệu liều vắc-xin đã được tiêm.
Trong đó, tỉ lệ tiêm vắc-xin mũi 1 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt 104,46%, tỉ lệ tiêm mũi 2 đạt 100,85%, tỉ lệ tiêm mũi 3 đạt gần 53,01%. Hiện nay, các cơ sở tiêm chủng đang tiếp tục tiến hành cập nhật dữ liệu tiêm mũi 3 cho người dân lên hệ thống.
Về công tác điều trị, duy trì mô hình điều trị tháp 3 tầng, trong đó công suất tầng 2 là 3.426 giường và tầng 3 còn 251 giường. Tiếp tục duy trì các đơn vị hồi sức tích cực, đồng thời tăng cường mở rộng thêm các giường hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân nặng tại cơ sở y tế cấp huyện để đáp ứng điều trị cho người dân.
Mặc dù tình hình dịch COVID-19 hiện nay đã được kiểm soát nhưng vẫn có khả năng diễn biến phức tạp nếu chủ quan, lơ là, mất cảnh giác sẽ số ca nhiễm tăng nhanh.
Vì vậy, để phòng chống dịch COVID-19, Trung tâm Chỉ huy điều hành phòng chống dịch COVID-19 tỉnh đề nghị tập trung đẩy mạnh tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19, rà soát tiêm vét cho đối tượng chưa được tiêm vắc-xin, nhất là người trên 50 tuổi, có bệnh nền và lứa tuổi học sinh, sinh viên đi học trở lại.
Tăng tốc tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên khi đủ thời gian quy định, ưu tiên cho các đối tượng nguy cơ cao như người trên 50 tuổi, mắc bệnh nền, suy giảm miễn dịch,… và lực lượng công nhân, lao động tự do.
Tiếp tục kiểm soát nguồn lây nhiễm, ổ dịch tại cộng đồng, hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, đặc biệt các đơn vị có số người lao động lớn. Thực hiện chặt chẽ các biện pháp y tế gồm: Giám sát, xét nghiệm, cách ly, thu dung điều trị theo quy định.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/dong-nai-so-ca-nhiem-covid-19-moi-chu-yeu-tai-cac-truong-hoc...
Tp.HCM: Chuyển đổi số công tác quản lý F0 mang lại nhiều thuận lợi cho người dân
Ngày 22/3, thông tin từ Sở Y tế Tp.HCM cho biết, sau hơn một tuần triển khai thử nghiệm chuyển đổi số, công tác quản lý F0 đang dần định hình theo hướng tạo sự thuận lợi tốt nhất cho người dân.Theo báo cáo, tính đến 10h ngày 22/3, đã có gần 48.000 lượt khai báo của người dân mắc COVID-19 (F0) qua mạng tại địa chỉ website: https://khaibaof0.tphcm.gov.vn được ghi nhận trên Hệ thống quản lý người bệnh COVID-19.
Trong đó, các trạm y tế được hệ thống cảnh báo 731 trường hợp thuộc nhóm nguy cơ cao cần được tư vấn, chăm sóc tại nhà và hệ thống đã gửi cảnh báo đến nhân viên các trạm y tế 4.342 trường hợp có dấu hiệu nặng (mệt/khó thở/đau tức ngực) cần được tư vấn, cung cấp thuốc điều trị kịp thời cũng như hướng dẫn nhập viện ngay khi có chỉ định.
Trước đó, sau thời gian khẩn trương và tích cực chuẩn bị, kể từ ngày 11/3, lần đầu tiên trên cả nước, Sở Y tế và Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp triển khai quy trình chuyển đổi số công tác quản lý F0 tại nhà nhằm tạo sự thuận lợi cho người dân và giảm khối lượng công việc hành chính của nhân viên y tế tại các trạm y tế phường, xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố này.
Những ngày đầu sau triển khai, đã có trường hợp người dân mắc COVID-19 rất phấn khởi khi vào được địa chỉ tại https://khaibaof0.tphcm.gov.vn để khai báo và được xác nhận là F0 thay vì phải đến trạm y tế phường, xã để làm các thủ tục khai báo, mất khá nhiều thời gian do phải chờ đợi; tuy nhiên, cũng không ít trường hợp người dân không vào được do mạng bị nghẽn tắc.
Bên cạnh việc liên tục mở các buổi tập huấn cho nhân viên y tế đang công tác tại các trạm y tế, Sở Y tế đã tổ chức nhiều đoàn công tác đi thực tế để kịp thời nắm bắt những vướng mắc khi triển khai chuyển đổi số.
Cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật kịp thời của Sở Thông tin và Truyền thông, ứng dụng “Nền tảng số quản lý COVID-19” của Sở Y tế bao gồm cả ứng dụng chuyển đổi số trong khai báo F0 đã chính thức được chuyển vào Trung tâm dữ liệu dùng chung của Thành phố.
Với 8 máy chủ được đảm bảo an toàn và an ninh dữ liệu cùng với tốc độ đường truyền được cải thiện rõ rệt, việc chuyển đổi số toàn bộ công tác quản lý F0 đang từng bước được cải thiện rõ nét, người dân và ngay cả nhân viên y tế đang được tạo điều kiện thuận lợi hơn để thực hiện chuyển đổi số trong suốt quá trình khai báo, chăm sóc và kết thúc thời gian cách ly tại nhà.
Chiều 21/3, tại buổi giám sát trực tiếp của lãnh đạo Sở Y tế tại Trạm y tế phường 4 và Trạm y tế phường 7, quận Phú Nhuận về việc chuyển đổi số quản lý F0 tại nhà, một hình ảnh mới đã khác với trước đây. Không còn tình trạng người dân tập trung đông đúc tại các trạm y tế để khai báo F0, xét nghiệm hoàn thành cách ly, nhận giấy xác nhận hoàn thành cách ly y tế tại nhà.
Với lực lượng nhân sự khá mỏng thì việc chuyển đổi số trong khai báo F0 và khai báo hoàn thành cách ly đã giảm tải được một phần khối lượng công việc cho nhân viên để tập trung chăm sóc, quản lý người thuộc nhóm nguy cơ cao, đặc biệt là người thuộc nhóm nguy cơ cao dương tính với SARS-CoV-2.
Ngoài ra, Sở Y tế đã kịp thời bổ sung thêm tiện ích phát hiện người khai báo có triệu chứng nặng hoặc thuộc nhóm nguy cơ để gửi tin nhắn cảnh báo đến bác sĩ và nhân viên của trạm y tế giúp kịp thời tư vấn và can thiệp. Đây là một trong những tiện ích khá “thông minh” của ứng dụng, góp phần quan trọng làm giảm nguy cơ tử vong cho các đối tượng này khi mắc COVID-19.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/tp-hcm-cong-tac-quan-ly-f0-dang-dan-dinh-hinh-sau-mot-tuan-t...
Bình Thuận ghi nhận 672 ca nhiễm COVID-19, có 47 ca diễn biến nặng
Tối 22/3, tỉnh Bình Thuận ghi nhận 672 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 214 ca tại khu cách ly tập trung, 458 ca cộng đồng.
Các trường hợp nhiễm bệnh theo địa phương gồm: Tp.Phan Thiết 22 ca; thị xã La Gi 23 ca; các huyện Tánh Linh 182 ca, Phú Quý 112 ca, Tuy Phong 28 ca, Hàm Thuận Bắc 120 ca, Hàm Tân 48 ca, Đức Linh 20 ca, Bắc Bình 14 ca, Hàm Thuận Nam 103 ca.
Liên quan đến các ca bệnh mới, ngày 22/3, tỉnh Bình Thuận truy vết được 554 F1.
Số ca mắc COVID-19 đang điều trị có diễn tiến nặng là 47 ca, trong đó Tp.Phan Thiết là 25 ca, huyện Đức Linh 5 ca, thị xã La Gi 17 ca.
Tính từ ngày 27/4/2021 đến 18h ngày 22/3/2022, tỉnh Bình Thuận ghi nhận 45.849 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Trong đó, Tp.Phan Thiết có số ca nhiễm cao với 8.871 trường hợp, các huyện Tánh Linh 6.862 trường hợp, Hàm Thuận Bắc 5.251 trường hợp, Tuy Phong 4.855 trường hợp, Hàm Thuận Nam 5.138 trường hợp, Hàm Tân 3.400 trường hợp, Đức Linh 3.182 trường hợp, Bắc Bình 2.486 trường hợp, Phú Quý 2.147 trường hợp, thị xã La Gi 3.657 trường hợp.
Toàn tỉnh truy vết 65.236 trường hợp F1 và 27.839 trường hợp F2.
Số ca mắc COVID-19 được điều trị khỏi và xuất viện là 846 trường hợp, trong đó các huyện Tánh Linh 290 trường hợp, Hàm Thuận Nam 158 trường hợp, Hàm Thuận Bắc 126 trường hợp, Hàm Tân 86 trường hợp, Phú Quý 40 trường hợp, Tuy Phong 37 trường hợp, Đức Linh 28 trường hợp, Bắc Bình 18 trường hợp, Tp.Phan Thiết 7 trường hợp, thị xã La Gi 56 trường hợp,
Hiện, tổng số ca đã điều trị khỏi và xuất viện là 40.049 trường hợp.
Về công tác xét nghiệm, số mẫu đã thực hiện xét nghiệm là 1.047 mẫu.
Số người đã tiêm vắc-xin trên địa bàn toàn tỉnh là 1.758 người. Tiêm cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên, tiêm mũi 2 có 83 người, tiêm mũi 3 có 1.376 người.
Tích lũy số người (dân số ≥18 tuổi), tiêm mũi 1 có 902.752/902.752, đạt tỉ lệ 100%, tiêm mũi 2 có 900.966/902.752, đạt tỉ lệ 99,8%, tiêm mũi 3 có 438.348/902.752, đạt tỉ lệ 48,5%.
Về công tác cách ly, tỉnh Bình Thuận đang có 1.029 trường hợp được cách ly. Trong đó, cách ly tại cơ sở y tế có 111 trường hợp, cách ly tại nhà có 918 trường hợp.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/binh-thuan-ghi-nhan-672-ca-nhiem-covid-19-co-47-ca-dien-bien...
Cà Mau: Tăng cường kiểm tra hoạt động mua, bán thuốc điều trị Covid-19
Ngày 23/3, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh này vừa chỉ đạo Sở Y tế; Công an tỉnh; Cục Quản lý thị trường tỉnh; UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra và quản lý thuốc điều trị Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường lấy mẫu kiểm nghiệm để kiểm tra chất lượng thuốc; tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động mua, bán thuốc điều trị Covid-19 tại các cơ sở kinh doanh dược.
Việc làm này nhằm phát hiện, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong sản xuất, kinh doanh thuốc điều trị Covid-19. Nhất là các hoạt động mua, bán thuốc điều trị Covid-19 tại các địa điểm kinh doanh không được cấp phép hoặc trên các nền tảng mạng xã hội và trực tuyến khác.
Theo báo cáo của Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, ngày 22/3/2022 tỉnh Cà Mau ghi nhận thêm 3.053 trường hợp dương tính SARS-CoV-2. Tính đến nay, toàn tỉnh có tổng số 124.468 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Hiện tại, tỉnh còn tổng số 27.541 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đang điều trị; trong đó, có 710 trường hợp điều trị tại cơ sở y tế, 30 trường hợp điều trị tại khu cách ly tập trung và 26.646 trường hợp điều trị tại nhà.
Ngày 23/3, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh này vừa chỉ đạo Sở Y tế; Công an tỉnh; Cục Quản lý thị trường tỉnh; UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra và quản lý thuốc điều trị Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường lấy mẫu kiểm nghiệm để kiểm tra chất lượng thuốc; tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động mua, bán thuốc điều trị Covid-19 tại các cơ sở kinh doanh dược.
Việc làm này nhằm phát hiện, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong sản xuất, kinh doanh thuốc điều trị Covid-19. Nhất là các hoạt động mua, bán thuốc điều trị Covid-19 tại các địa điểm kinh doanh không được cấp phép hoặc trên các nền tảng mạng xã hội và trực tuyến khác.
Theo báo cáo của Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, ngày 22/3/2022 tỉnh Cà Mau ghi nhận thêm 3.053 trường hợp dương tính SARS-CoV-2. Tính đến nay, toàn tỉnh có tổng số 124.468 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Hiện tại, tỉnh còn tổng số 27.541 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đang điều trị; trong đó, có 710 trường hợp điều trị tại cơ sở y tế, 30 trường hợp điều trị tại khu cách ly tập trung và 26.646 trường hợp điều trị tại nhà.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/ca-mau-tang-cuong-kiem-tra-hoat-dong-mua-ban-thuoc-dieu-tri-...