COVID-19 ngày 20/4: Tiếp tục không ghi nhận ca nhiễm mới, cả nước chỉ còn 54 ca dương tính

Ngày 20/04/2020 10:00 AM (GMT+7)

Tính đến 18h00, ngày 20/4/2020, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 nào, tổng số ca ở nước ta là 268.

Tiếp tục không ghi nhận ca nhiễm mới, cả nước chỉ còn 54 ca dương tính với COVID-19

Cũng trong ngày 20/4, Bộ Y tế công bố 12 ca điều trị khỏi COVID-19. Trong đó 5 ca được công bố vào sáng cùng ngày, 7 ca còn lại vừa được công bố. Như vậy, nước ta có tổng cộng 214 ca đã được công bố khỏi bệnh, 07 ca vừa được công bố bao gồm:

- BN 164 (nam, 23 tuổi, quốc tịch Việt Nam), vào viện ngày 26/3/2020. Trong quá trình điều trị tại đây, bệnh nhân được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính nhiều lần với SARS-CoV-2. Cụ thể: lần 1 vào ngày 9/4/ 2020, lần 2 vào ngày 11/4/2020, lần 3 vào ngày 13/4/2020 và lần 4 vào ngày 19/4/2020.

- BN 165 (nam, 58 tuổi, quốc tịch Việt Nam), vào viện ngày 26/3/2020. Bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính 4 lần với SARS-CoV-2: lần 1 vào ngày 9/4/20202, lần 2 vào ngày 11/4/2020, lần 3 vào ngày 13/4/2020 và lần 4 vào ngày 19/4/2020.

- BN 180 (nữ, 27 tuổi, quốc tịch Việt Nam), vào viện ngày 26/3/2020, các xét nghiệm của bệnh nhân từ ngày 13-19/4/2020 đều cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

COVID-19 ngày 20/4: Tiếp tục không ghi nhận ca nhiễm mới, cả nước chỉ còn 54 ca dương tính - 1

Biểu đồ các bệnh nhân khỏi bệnh tại Việt Nam.

- BN 181 (nam, 33 tuổi, quốc tịch Việt Nam), vào viện ngày 26/3/2020. Quá trình điều trị tại đây bệnh nhân được xét nghiệm và kết quả âm tính với SARS-CoV-2: lần 1 vào ngày 9/4/20202, lần 2 vào ngày 11/4/2020, lần 3 vào ngày 13/4/2020 và lần 4 vào ngày 19/4/2020.

- BN 182 (nữ, 19 tuổi, quốc tịch Việt Nam), vào viện ngày 26/3/2020. Các xét nghiệm của bệnh nhân từ ngày 9/4/20202 đến ngày 17/4/2020 đều cho kết quả âm tính nhiều lần với SARS-CoV-2. - BN 230 (nữ, 28 tuổi, quốc tịch Việt Nam), vào viện ngày 03/4/2020. Các kết quả xét nghiệm của bệnh nhân trong các ngày từ 9/4/2020- 17/4/20202 đều âm tính với SARS-CoV-2.

- BN 240 (nữ, 29 tuổi, quốc tịch Việt Nam), vào viện ngày 01/4/2020. Bệnh nhân cũngcó kết quả xét nghiệm âm tính 4 lần với SARS-CoV-2: lần 1 vào ngày 11/4/20202, lần 2 vào ngày 13/4/2020, lần 3 vào ngày 15/4/2020 và lần 4 vào ngày 17/4/2020. Hiện tại sức khỏe bệnh nhân ổn định, không sốt, không ho, không khó thở, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh. Các trường hợp trên sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.

Hà Nội đề xuất giảm mức giãn cách xã hội đến hết ngày 22/4

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch, ông Ngô Văn Quý, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, tình hình dịch trên địa bàn đang được kiểm soát rất tốt.

Cụ thể, tại ổ dịch Hạ Lôi (huyện Mê Linh), Hà Nội đã tiếp tục khoanh vùng cách ly thôn Hạ Lôi theo quy định.

Đồng thời, tiến hành xét nghiệm 12.673 người ở xã Mê Linh; phát hiện 5 ca dương tính (từ trước tuần trước); 12.668 người âm tính.

Các trường hợp tiếp xúc gần F1 có 734 trường hợp tại ổ dịch Hạ Lôi, chỉ có 7 ca dương tính ở giai đoạn trước và 727 ca âm tính hiện nay đã cách ly tại các cơ sở tập trung theo đúng quy định; 1793 người liên quan đến chợ hoa Mê Linh đến thời điểm hiện nay đều âm tính.

Về ổ dịch tại thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội), đến nay, có 50 trường hợp F1 có kết quả xét nghiệm âm tính; 1.196 người trong tâm ổ dịch cũng có xét nghiệm âm tính.

Trong 2 ngày qua, Hà Nội cũng tổ chức lấy 1.064 mẫu là các trường hợp tiểu thương kinh doanh tại 5 chợ đầu mối trên địa bàn thành phố và tất cả các mẫu này đều có kết quả âm tính.

Ông Ngô Văn Quý đề xuất, đến hết ngày 22/4, nếu không có ca mới, các ổ dịch tiếp tục kiểm soát thì Ban Chỉ đạo phòng chống dịch trung ương có thể nghiên cứu, giảm mức giãn cách xã hội đối với Thủ đô; các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 thực hiện theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng.

Học sinh một số tỉnh phấn khởi đi học trở lại sau kỳ nghỉ dài chưa từng có

Tại Cà Mau, theo ghi nhận, sau thời gian dài nghỉ học, các em học sinh rất háo hức khi được trở lại trường. Để đảm bảo an toàn trước khi bước vào lớp học, các em học sinh phải thực hiện một số biện pháp phòng chống dịch COVID-19 (như đeo khẩu trang, rửa tay...) do thầy cô hướng dẫn.

Trước đó, UBND tỉnh Cà Mau đã có quyết định học sinh khối 9 và 12 đi học lại từ ngày 20/4. UBND tỉnh Cà Mau giao sở GD-ĐT căn cứ tình hình thực tế của các trường, lớp học và giáo viên để có biện pháp chia nhỏ sỉ số lớp, tăng cường giáo viên giảng dạy, có biện pháp giãn cách xã hội đối với phụ huynh khi đưa rước học sinh nhằm đảm bảo cho học sinh đến lớp an toàn.

Đồng thời khẩn trương chỉ đạo cho phun xịt, tiêu độc, khử trùng, triển khai các công việc cần thiết trước khi học sinh khối lớp 9 và lớp 12 đến trường, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Các cấp học, bậc học còn lại (kể cả các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề, trường chính trị tỉnh và các trung tâm bồi dưỡng chính trị) tiếp tục nghỉ học, chờ thông báo tiếp theo của UBND tỉnh.

Cũng theo chỉ thị này, cấm tụ tập từ 10 người trở lên tại một số vị trí ngoài công sở, nhà máy, xí nghiệp, trường học và bệnh viện...

COVID-19 ngày 20/4: Tiếp tục không ghi nhận ca nhiễm mới, cả nước chỉ còn 54 ca dương tính - 2

Học sinh Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, tỉnh Cà Mau ngồi cách nhau 2m để phòng chóng dịch COVID-19.

COVID-19 ngày 20/4: Tiếp tục không ghi nhận ca nhiễm mới, cả nước chỉ còn 54 ca dương tính - 3

Thầy và học trò Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai gặp lại sau thời gian dài nghỉ học.

Bên cạnh Cà Mau thì sáng nay 20/4, tỉnh Thái Bình cũng cho học sinh THPT trở lại học.

Theo ghi nhận, các em học sinh đều hào hứng trở lại trường sau kỳ nghỉ dài, đặc biệt là các em học sinh lớp 12 cuối cấp. Ý thức phòng dịch của học sinh rất nghiêm túc, các em đều đeo khẩu trang khi đến trường.

Thầy Đặng Hoàn Kiếm – Hiệu trưởng THPT Nam Đông Quan (Huyện Đông Hưng, Thái Bình) cho hay: “Để chuẩn bị cho việc đón học sinh trở lại trường an toàn nhất, trước đó nhà trường cũng đã tiến hành vệ sinh, khử khuẩn toàn bộ lớp học, cầu thang, mua bổ sung máy đo thân nhiệt, trang bị thêm hệ thống bồn rửa tay xà phòng ở những nơi thuận tiện.

Nhà trường cũng bám sát chỉ đạo của sở GD-ĐT Thái Bình trong công tác phòng dịch COVID – 19. Học sinh lớp 11, 12 trở lại trường sáng nay còn học sinh lớp 10 học buổi chiều, nhà trường đều tiến hành đo thân nhiệt học sinh trước khi vào lớp. Yêu cầu 100% học sinh đeo khẩu trang trong quá trình đến trường và trong giờ học.

Học sinh cũng sẽ tự trang bị cốc uống nước cá nhân và tự bảo quản chứ không dùng cốc uống nước chung. Đây là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo phòng chống dịch bệnh”.

Một học sinh lớp 12 tại trường THPT Nam Đông Quan chia sẻ: “Em rất vui khi được quay lại trường học, nhớ trường lớp, bạn bè và thầy cô quá rồi ạ. Em tin là mọi người chấp hành tốt các quy định về đeo khẩu trang, dùng nước rửa tay chúng ta sẽ nhanh chóng chiến thắng dịch bệnh”.

COVID-19 ngày 20/4: Tiếp tục không ghi nhận ca nhiễm mới, cả nước chỉ còn 54 ca dương tính - 4

Học sinh của trường THPT Nam Đông Quan, Thái Bình được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào lớp. Ảnh: Infonet.  

COVID-19 ngày 20/4: Tiếp tục không ghi nhận ca nhiễm mới, cả nước chỉ còn 54 ca dương tính - 5

Các học sinh đều tuân thủ rửa tay sạch sẽ trước khi vào lớp. Ảnh: Infonet.

COVID-19 ngày 20/4: Tiếp tục không ghi nhận ca nhiễm mới, cả nước chỉ còn 54 ca dương tính - 6

100% học sinh trong lớp đeo khẩu trang. Ảnh: Infonet.

Tin vui: Thêm 5 ca được công bố khỏi bệnh, Việt Nam chỉ còn 60 ca đang điều trị

Thông tin từ tiểu Ban điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, ngày 20/4 cả nước đã có 05 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh. Trong đó có 02 bệnh nhân người nước ngoài và 03 bệnh nhân quốc tịch Việt Nam. Như vậy đến thời điểm này Việt Nam chỉ còn 60 ca mắc COVID-19 vẫn đang phải điều trị tại các cơ sở y tế.

- Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình có 01 bệnh nhân ra viện, đó là BN 228 (nam, 29 tuổi, quốc tịch Việt Nam), vào viện ngày 06/4/2020. Trong quá trình điều trị tại đây, bệnh nhân được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 lần 1 vào ngày 12/4/2020, lần 2 vào ngày 14/4/2020 và lần 3 vào ngày 19/4/2020.

- Tại bệnh viện Đa khoa khu vực Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo- Hà Tĩnh có 02 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, đó là bệnh nhân 210 và bệnh nhân 238. Cả 2 bệnh nhân này đều có 2 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Hiện tại sức khỏe bệnh nhân ổn định, không sốt, không ho, không khó thở, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh.

- Tại bệnh viện dã chiến Củ Chi- TP Hồ Chí Minh có 02 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, đó là bệnh nhân 224 (quốc tịch Brazil) và bệnh nhân 236 (quốc tịch Anh). Hiện tất cả các trường hợp trên sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.

Italia: Gần 17.000 y bác sĩ nhiễm bệnh, chủ yếu là phụ nữ

Italia vẫn đang đứng thứ ba sau Mỹ và Tây Ban Nha về tổng số ca nhiễm và đứng thứ hai sau Mỹ về số ca tử vong. Đến sáng nay, quốc gia này ghi nhận 178.972 ca nhiễm (tăng 3.047) và 23.660 ca tử vong (tăng 433). 

Viện Y tế Cộng đồng Italia ngày 17/4 xác nhận gần 17.000 nhân viên chăm sóc sức khỏe tại nước này đã bị nhiễm COVID-19, trong số này, hơn 2/3 ca nhiễm là phụ nữ.

Con số trên chiếm khoảng 10% trong tổng số ca mắc COVID-19 được xác nhận chính thức tại Italy tính đến thời điểm hiện tại. Phần lớn nhân viên y tế bị nhiễm bệnh là những người làm việc ở tuyến đầu chống dịch tại khu vực phía Bắc Italy.

COVID-19 ngày 20/4: Tiếp tục không ghi nhận ca nhiễm mới, cả nước chỉ còn 54 ca dương tính - 7

Kể từ khi bùng phát hồi cuối tháng 2, dịch COVID-19 đã gây sức ép lớn lên hệ thống y tế của Italy. Các bệnh viện đều rơi vào tình trạng thiếu nghiêm trọng trang thiết bị y tế và đồ bảo hộ, khiến đội ngũ y tế đối mặt với nguy cơ bị lây nhiễm cao.

Mỹ: Số người tử vong trong 24 giờ tại Mỹ tăng gần 1.500 ca

Theo số liệu thống kê trên trang web Worldometers, tính đến chiều 19/4 theo giờ địa phương, số người chết vì COVID-19 ở Mỹ xấp xỉ 40.500 người, tăng gần 1.500 ca so với 24h trước đó. Cùng ngày, Mỹ ghi nhận thêm hơn 24.000 ca mắc mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh tại đây lên xấp xỉ 763.000 ca.

Số liệu thống kê của Reuters cho thấy, nước Mỹ chỉ mất 38 ngày kể từ khi ghi nhận ca tử vong đầu tiên do COVID-19 vào ngày 29/2 đến khi có hơn 10.000 người chết vào ngày 6/4, và chỉ thêm 5 ngày nữa để cán mốc 20.000 người tử vong.

Số người chết vì COVID-19 tại Mỹ tăng từ 30.000 người lên 40.000 người chỉ trong 4 ngày sau khi thành phố New York thay đổi cách tính, gộp cả những trường hợp tử vong nghi do mắc COVID-19.

Anh: Mức gia tăng ca tử vong thấp nhất trong gần 2 tuần qua 

Bộ Y tế Anh thông báo, tính đến hết ngày 19/4 (theo giờ địa phương), nước này ghi nhận thêm 596 ca tử vong, mức gia tăng thấp nhất trong gần 2 tuần qua và nâng tổng số bệnh nhân tử vong do mắc COVID-19 lên 16.060 người. Anh đã ghi nhận tổng cộng 120.067 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, tăng 5.850 ca trong vòng 24 giờ qua.

Theo kế hoạch, hiện Anh đang tiến hành xét nghiệm diện rộng. Tính đến sáng 19/4, nước này đã tiến hành xét nghiệm 482.000 người, trong đó ngày 18/4 đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho 21.626 người.

Trong khi đó, Bộ trưởng Văn phòng Nội các Anh Michael Gove, cho biết hiện nước này chưa xem xét việc nới lỏng lệnh phong tỏa được áp đặt trong gần 4 tuần qua. Theo quan chức, Anh đang hoặc gần chạm "đỉnh dịch".

Tây Ban Nha: Trong 24 giờ qua tăng khá mạnh với 1.195 ca

Theo số liệu thống kê do Bộ Y tế Tây Ban Nha công bố ngày 19/4, số ca tử vong do mắc COVID-19 tại nước này mặc dù trong 24 giờ qua tăng khá mạnh với 1.195 ca, song nhìn chung đồ thị dịch bệnh đang đi xuống trong những ngày qua.

Các số liệu cho thấy diễn biến đại dịch COVID-19 đang chậm lại sau khi Tây Ban Nha áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt từ giữa tháng 3. Tới sáng 20/4 giờ Việt Nam, tổng số ca nhiễm virus được ghi nhận là 198.674, tăng 4.258 ca trong 24 giờ qua.

Mặc dù giới chức Tây Ban Nha cho rằng nước này đã đạt tới "đỉnh dịch" vào ngày 2/4, song hiện các nhà lãnh đạo vẫn chưa sẵn sàng đề xuất nới lỏng lệnh phong tỏa toàn quốc. Thủ tướng Pedro Sanchez thông báo ông sẽ đề nghị quốc hội gia hạn lệnh phong tỏa thêm 2 tuần nữa đến ngày 9/5. Tuy nhiên, một số quy định hiện đang có hiệu lực sẽ được nới lỏng phần nào nhằm cho phép trẻ em có thể ra ngoài kể từ ngày 27/4.

Pháp: Thủ tướng Edouard Philippe nhấn mạnh rằng nước này vẫn đang đương đầu với cuộc khủng hoảng y tế tàn khốc. Đây không phải là đại dịch đầu tiên mà Pháp đã trải qua, song dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có quy mô chưa từng được biết đến trong lịch sử hiện đại.

Đến sáng nay,  Pháp ghi nhận 152.894 người nhiễm (tăng 1.101) và 19.718 trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19, bao gồm 12.069 ca tại bệnh viện ( tăng 227) và 7.649 tại các và cơ sở y tế xã hội khác. Hiện 30.610 người đang nằm viện ( giảm 29), trong đó 5.744 trường hợp nghiêm trọng được chăm sóc đặc biệt, giảm 89 bệnh nhân so với hôm trước và tiếp tục đà giảm từ 11 ngày nay.

Nga: Tuyên bố chính quyền hoàn toàn kiểm soát đại dịch

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 19/4 tuyên bố chính quyền hoàn toàn kiểm soát đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tổng thống Putin đánh giá: "Tất cả chính quyền các cấp làm việc nhịp nhàng, có tổ chức và có trách nhiệm. Tình hình hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát".

Ông Putin cũng cho rằng tất cả các hạn chế do chính quyền áp đặt để chống lại sự lây lan của virus SARS-COV-2 là cần thiết. Theo ông, dựa trên phân tích kinh nghiệm của các nước khác, Nga đang đi trước trong cuộc chiến này.

COVID-19 ngày 20/4: Tiếp tục không ghi nhận ca nhiễm mới, cả nước chỉ còn 54 ca dương tính - 8

Trung tâm ứng phó khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 của Nga thông báo 6.060 ca nhiễm mới - mức cao kỷ lục trong 24 giờ ở nước này, nâng tổng số ca lên 42.853 người. Có thêm 48 người tử vong, đưa số ca tử vong tại đây lên 361 người.

Tổng thống Nga nhấn mạnh hiện nước này có mọi cơ sở cần thiết để chống lại đại dịch như một nền kinh tế mạnh, tiềm năng khoa học, vật liệu cần thiết và cơ sở chuyên nghiệp cao trong lĩnh vực y tế.

Các nước Đông Nam Á

Đến sáng 20/4, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã có tổng cộng 28.250 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.223 trường hợp mới mắc bệnh.

Virus SARS-CoV-2 cũng đã khiến 1.144 người dân ở khu vực này thiệt mạng, tăng 60 trường hợp so với một ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực này cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 7.584 trường hợp.

Singapore tiếp tục có số ca mắc COVID-19 mới nhiều nhất khu vực trong ngày thứ 6 liên tiếp (596 người), qua đó trở thành nước thành viên có nhiều ca COVID-19 nhất 6.588 người. 

Indonesia tiếp tục là nước có số ca tử vong trong ngày nhiều nhất với 47 ca mới, đồng thời cũng dẫn đầu khu vực về tổng số người thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2 (582 người).

Trong số các nước Đông Nam Á, Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thailand là "Top 5" nước chứng kiến tình hình dịch bệnh nghiêm trọng hơn hẳn nhóm 6 nước còn lại gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Brunei. 

COVID-19 ngày 20/4: Tiếp tục không ghi nhận ca nhiễm mới, cả nước chỉ còn 54 ca dương tính - 9

COVID-19 ngày 20/4: Tiếp tục không ghi nhận ca nhiễm mới, cả nước chỉ còn 54 ca dương tính - 10

COVID-19 ngày 20/4: Tiếp tục không ghi nhận ca nhiễm mới, cả nước chỉ còn 54 ca dương tính - 11

Ngày thứ 4 không có ca nhiễm mới, có kết quả xét nghiệm 4 người dương tính qua test nhanh
Sáng ngày 20/4, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 nào, cả 4 mẫu dương tính khi test nhanh tại Mê Linh đều có kết quả xét nghiệm khẳng định.
K.T (Tổng hợp)
Nguồn: thoidaiplus.suckhoedoisong.vn

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h