Hiện các bệnh nhân nặng đều có tiến triển tích cực, nhất là bệnh nhân 91 đã có xét nghiệm âm tính trở lại.
Sáng ngày 19/4, Bộ Y tế cho biết Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 nào trong 72 giờ qua. Tính đến thời điểm này nước ta có 268 ca dương tính, trong đó 201 ca đã được điều trị khỏi.
Về tình hình các bệnh nhân nặng đang điều trị tại các cơ sở y tế, Tiểu ban điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết hiện tất cả các bệnh nhân nặng đều có tiến triển tích cực.
Theo báo cáo của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM sáng nay, bệnh nhân 91 là phi công người Anh không còn chảy máu, kết quả xét nghiệm (RT PCR) dịch phế quản và dịch mũi họng đều âm tính. Hiện bệnh nhân đang được tiếp tục điều trị tại khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện và vẫn phải chạy ECMO (tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể).
Trước đó bệnh nhân này có kết quả âm tính, sau đó lại dương tính nhẹ. Cách đây 3 ngày, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm ở dịch rửa phế quản âm tính trở lại nhưng ở mũi, họng vẫn còn dương tính. Hiện bệnh nhân vẫn được tiếp tục theo dõi kết quả xét nghiệm trong những ngày tiếp theo.
Các bệnh nhân nặng ở Việt Nam đang có tiến triển tích cực.
Đối với 2 bệnh nhân nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là bệnh nhân 19 và bệnh nhân 251 hiện sức khỏe đều ổn định, các bác sĩ vẫn đang tiếp tục hội chẩn để đưa ra phương án điều trị tốt nhất và dần cho các bệnh nhân cai máy thở.
Để có được thành công trong việc điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19 nói chung và các bệnh nhân nặng nói riêng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cho biết Bộ Y tế đã thành lập “Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn hỗ trợ chẩn đoán, điều trị người bệnh COVID-19”.
Trung tâm này thường xuyên tổ chức hội chẩn trực tuyến, mời các giáo sư đầu ngành cả nước cùng hội chẩn các ca bệnh nặng, bàn các phương pháp điều trị tối ưu cho người bệnh, cùng chia sẻ kinh nghiệm điều trị, chăm sóc người bệnh.
Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp tập hợp đội ngũ chuyên gia đầu ngành và các bệnh viện xích lại gần nhau hơn, gần tới mức gần như không có khoảng cách giữa trong Nam, ngoài Bắc, giữa tuyến trên, tuyến dưới.
Người bệnh điều trị tại tuyến dưới cũng được hưởng chăm sóc sức khoẻ như tuyến trên bởi khi cần thiết, các chuyên gia đầu ngành sẵn sàng cùng hội chẩn phương án điều trị cho bệnh nhân bằng hình thức trực tuyến từ xa.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, Trung tâm hỗ trợ chuyên môn được thành lập đã đánh dấu sự phát triển của hệ thống khám chữa bệnh trong xu hướng hội nhập, áp dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong điều trị bệnh tật, đặc biệt với bệnh dịch nguy hiểm COVID-19.
Đến giờ phút này, tất cả các bệnh nhân COVID-19 nặng đều được hội chẩn thường xuyên bởi các chuyên gia đầu ngành. Chính vì thế các ca bệnh nặng đều được điều trị thành công.