Từng là hình mẫu trong khống chế COVID-19, Singapore nay đang có số ca bệnh tăng nhanh chóng và đối mặt nguy cơ mất kiểm soát.
Ca nhiễm mới tăng kỷ lục, quốc gia ĐNA đối mặt nguy cơ mất kiểm soát
Trong 24 giờ qua, Singapore ghi nhận 1.426 ca mắc mới, nâng tổng số người bệnh ở nước này lên 8.014. Đa số ca mắc mới ở nước này là người sống trong các ký túc xá dành cho lao động nước ngoài. Chỉ có 16 ca mắc mới là người Singapore hoặc người có thẻ cư trú lâu dài.
18 ký túc xá của lao động nước ngoài đã bị cách ly, trong lúc số ca mắc ở những ổ dịch đó tiếp tục gia tăng. Đến nay, ký túc xá S11 Punggol là ổ dịch lớn nhất, với 1.508 ca bệnh. Ổ dịch lớn thứ hai là ký túc xá Sungei Tengah Lodge, với 521 ca bệnh.
Lao động nước ngoài được kiểm tra y tế tại Singapore ngày 8/4
Đến đầu tháng 3, Singapore vẫn được thế giới nhìn vào như một bài học thành công trong ngăn chặn COVID-19. Sự quyết liệt tầm soát những người tiếp xúc với bệnh nhân, quy trình cách ly nghiêm ngặt và hạn chế đi lại là những yếu tố khiến Singapore nhận được nhiều khen ngợi. Nước này cũng đạt tỷ lệ xét nghiệm ở mức cao của thế giới. Số ca mắc đến đầu tháng 3 chỉ dừng lại ở hơn 100. Nhưng tình hình thay đổi chóng mặt từ hôm 1/4. Singapore đã trở thành nước có dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất ở Đông Nam Á, vượt qua Indonesia và Philippines.
Giới chức Singapore thừa nhận số ca nhiễm sẽ còn tăng mạnh trong những ngày tới do nước này đang triển khai xét nghiệm diện rộng. Giới quan sát dự báo số ca nhiễm có thể sẽ lên tới 20.000 ca vào cuối tháng 4 này.
Singapore đang phải đối mặt với nguy cơ mất kiểm soát do dịch bệnh bùng phát tại các khu nhà ở của công nhân nhập cư từ nước ngoài.
Quốc gia có số người tử vong vì Covid-19 nhiều nhất châu Á bắt đầu mở cửa trở lại
Quốc gia châu Á với hơn 5.200 người tử vong vì Covid-19 đã bắt đầu mở lại các đường cao tốc liên tỉnh và trung tâm mua sắm, trong bối cảnh nhiều người vẫn lo ngại về mối nguy dịch bệnh bùng phát trở lại.
Những cửa hàng, các trung tâm thương mại tại Tehran – thủ đô của Iran đã mở cửa trở lại. Chính phủ Iran quy định những trung tâm thương mại chỉ được hoạt động đến 6 giờ chiều mỗi ngày.
Những người phụ nữ đi mua sắm tại một trung tâm thương mại ở Iran
Vẫn còn nhiều mối lo dai dẳng về sự bùng phát Covid-19 tại Iran và sự an toàn của người dân khi quay lại làm việc, mua bán. Tính đến ngày 20.4, Iran ghi nhận tổng cộng 83.505 ca nhiễm Covid-19 và 5.209 trường hợp tử vong. Số người tử vong do virus tại quốc gia Trung Đông là cao nhất châu Á. Ngày 20.4, Iran cũng ghi nhận thêm 1.294 ca nhiễm mới Covid-19 với 91 trường hợp tử vong sau 24 giờ, theo Irannews.
Những tài xế taxi tại Iran đã phân tách chỗ ngồi của họ riêng với khách hàng bằng tấm chắn nhựa. Họ đều đeo khẩu trang đầy đủ khi từng phải chứng kiến nhiều đồng nghiệp của mình tử vong vì Covid-19.
Iran là một trong những điểm nóng lây lan của Covid-19. Nhiều quan chức cấp cao của nước này cũng nhiễm Covid-19. Thậm chí ngay cả quốc hội Iran cũng cho rằng số người tử vong do dịch bệnh chưa được thống kê đầy đủ.
Các "ổ dịch" châu Âu liên tiếp đón tín hiệu tích cực về dịch Covid-19
Tính đến 8h00 sáng ngày 21/4, toàn cấu có 170.423 trường hợp tử vong. Số ca nhiễm bệnh đã phục hồi là 646.675 trường hợp. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới 210 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Mỹ ghi nhận ngày thứ 18 liên tiếp có số ca tử vong ở trên mức 1.000 người. Trong 24 giờ qua, nước Mỹ có thêm 28.123 ca nhiễm, 1939 ca tử vong, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong nước này lên 792.759 và 42.514.
Số ca tử vong tại bang New York đã giảm trong 5 ngày liên tục, với 478 ca được ghi nhận trong 24h qua, nâng tổng số ca tử vong lên 14.347 trường hợp. Trước đó, Thống đốc New York Andrew Cuom nhận định số liệu cho thấy bang này đã qua đỉnh dịch, nhưng cảnh báo người dân phải hết sức cẩn trọng.
Tây Ban Nha trải qua một ngày với số ca nhiễm và tử vong giảm bất ngờ. Tuy nhiên, đang có rất nhiều tranh cãi liên quan đến cách thống kê số người tử vong vì COVID-19 tại nước này.
Số ca tử vong do COVID-19 của Tây Ban Nha hiện tại là 20.852 sau khi ghi nhận thêm 399 trường hợp trong ngày 20/4. Tây Ban Nha hiện là "ổ dịch" lớn thứ 2 thế giới và lớn nhất ở châu Âu.
Nhân viên y tế chuyển người nghi mắc Covid-19 tới bệnh viện ở Madrid, Tây Ban Nha.
Italy ghi nhận thêm 2.256 ca mắc mới và 454 ca tử vong. Tổng số ca mắc bệnh tại Italy hiện tại là 181.288, trong đó có 24.114 ca tử vong.
Tổng số bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại Italy trong ngày 20/4 đã lần đầu tiên giảm xuống kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng. Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho biết, hiện có 108.237 ca điều trị tại nước này, giảm so với con số 108.257 trong ngày 19/4.
Tại Pháp, ngày 20/4 thông báo có thêm 547 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong vì Covid-19 tại nước này lên tới 20.265 người.
Tình hình dịch bệnh tại Pháp tiếp tục có tín hiệu tích cực khi nước này ghi nhận sự sụt giảm về số ca bệnh được điều trị tại các bệnh viện và phòng chăm sóc đặc biệt. Tổng số ca tử vong vì Covid-19 tại Pháp gồm hơn 12.500 người chết tại bệnh viện và hơn 7.700 người chết tại các viện dưỡng lão.
Pháp hiện là nước thứ 4 trên thế giới có số người chết vì Covid-19 vượt 20.000, sau Mỹ, Italia và Tây Ban Nha.
Thêm bệnh nhân được công bố khỏi COVID-19, Việt Nam chỉ còn 52 ca đang điều trị
Ngày 21/4, thông tin từ tiểu Ban điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, đã có 1 bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi được công bố khỏi bệnh. Như vậy, đến nay cả nước đã có tổng cộng 216 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh.
Cụ thể, bệnh nhân vừa được công bố khỏi bệnh là ca bệnh thứ 248 (20 tuổi, quốc tịch Việt Nam) vào viện ngày 07/4.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm 3 lần âm tính với SARS-CoV-2 (lần 1 vào ngày 13/4, lần 2 vào ngày 15/4, lần 3 vào ngày 19/4). Hiện tại bệnh nhân sức khỏe ổn định, không sốt, không ho, không khó thở, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh.
Bệnh nhân này sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.