Quảng Ngãi là tỉnh thành đầu tiên chính thức công bố thời gian đi học lại của học sinh từ các cấp mầm non đến THCS.
Địa phương đầu tiên công bố cho học sinh từ mầm non đến THCS đi học lại từ 9/3
Chiều 5/3, ông Lưu Thanh Hải, Chánh văn phòng sở GD&ĐT Quảng Ngãi, cho biết lãnh đạo sở đã bàn bạc và thống nhất đề xuất lên UBND tỉnh cho học sinh từ mầm non đến THCS đi học lại từ ngày 9/3.
“Sáng nay lãnh đạo sở đã họp và có quyết định như trên. Chúng tôi sẽ có văn bản chính thức để thông báo về vấn đề này. Nếu không có gì bất thường, các em sẽ đi học lại từ tuần sau”, ông Hải nói.
Nguồn tin trên báo Quảng Ngãi cho hay, sở GD&ĐT sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến dịch bệnh Covid-19. Nếu những ngày tới, dịch bệnh có diễn biến xấu, Sở sẽ có quyết định phù hợp với tình hình thực tế.
Sở cũng đề nghị các trường tiếp tục thực hiện nghiêm quy trình phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên khi trở lại trường. Hướng dẫn học sinh các biện pháp vệ sinh phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Trước đó, sở GD&ĐT đã quyết định cho học sinh bậc THPT, học viên giáo dục thường xuyên đi học lại vào ngày 2/3. Các trường, trung tâm đang thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong trường học.
Xác định danh tính 5 người tiếp xúc với bệnh nhân người Nhật
Sáng 5/3, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho biết, ngay sau khi nhận thông tin từ Nhật Bản về ca nhiễm COVID-19, Thành phố đã lập tức thực hiện xác minh danh tính 05 hành khách nhập cảnh vào Việt Nam trên chuyến bay VN814. Hệ thống phòng dịch đã làm việc khẩn trương để truy tìm 05 hành khách này.
Theo đó, trung tâm đã xác định được danh tính và vị trí 5 hành khách bay cùng chuyến với du khách Nhật nhiễm COVID-19. Cụ thể, một người Việt Nam đã được cách ly và 4 du khách ngoại quốc đã xuất cảnh trong ngày 4/3.
"Hành khách người Việt Nam đã được đưa vào khu cách ly, còn người nhà thực hiện cách ly tại gia. Ba người Pháp qua Bangkok, một người Australia về nước", đại diện Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP.HCM thông tin.
Điều tra người tiếp xúc với hành khách Nhật nhiễm COVID-19 trên chuyến bay của VNA
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 vừa có công điện về việc điều tra người tiếp xúc, đi cùng bệnh nhân người Nhật Bản nhiễm COVID-19 từ Campuchia quá cảnh Việt Nam.
Công điện cho biết, theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, ngày 3/3/2020 có một hành khách người Nhật được phát hiện nhiễm COVID-19 tại Nhật Bản sau khi đi từ Campuchia, quá cảnh qua Việt Nam và về Nhật Bản.
Cụ thể hành khách này đi từ Siêm Riệp, Campuchia về Sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM ngày 3/3/2020 trên chuyến bay số VN814 của Vietnamairlines, tại số ghế 33D, sau đó chuyển chuyến bay VN340 của Vietnamairlines đi Nhật Bản tại số ghế 2C; ngày04/3/2020, máy bay này quay trở lại Việt Nam với số hiệu VN341.
Ban Chỉ đạo quốc gia đề nghị Bộ Công an rà soát danh sách người nhập cảnh đi trên chuyến bay có chở hành khách người Nhật dương tính với COVID-19. (Ảnh minh họa).
Để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19 xâm nhập vào nước ta, Ban Chỉ đạo quốc gia đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức rà soát danh sách người nhập cảnh đi trên chuyến bay số VN814 của Vietnamairlines ngày 3/3/2020 từ Siêm Riệp về sân bay Tân Sơn Nhất và chuyến bay số VN341 của Vietnamairlines ngày 4/3/2020 từ Nhật Bản về sân bay Tân Sơn Nhất; Xác định địa chỉ nơi lưu trú của những người này để thông báo ngay cho Chính quyền địa phương thực hiện cách ly và theo dõi sức khỏe kịp thời theo quy định.
Ban Chỉ đạo quốc gia đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với Bộ Công an điều tra người tiếp xúc (kể cả phi hành đoàn, tiếp viên và nhân viên phục vụ mặt đất tại sân bay Tân Sơn Nhất), người đi cùng với trường hợp nhiễm COVID-19 người Nhật nói trên trên các chuyến bay, xác định danh sách người nhập cảnh từ chuyến bay VN814 cũng như chuyến bay VN341 vào Việt Nam để tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe theo quy định.
Thực hiện việc khử trùng các tàu bay liên quan, những khu vực người nhiễm COVID-19 nói trên đã từng đi đến, sử dụng dịch vụ tại sân bay Tân Sơn Nhất để ngăn ngừa virus lây lan.
"Ghen Cô Vy" và "Vũ điệu rửa tay" lan nhanh như... dịch COVID-19
Sau khi "vũ điệu rửa tay" của chàng vũ công điển trai Quang Đăng xuất hiện trên sóng truyền hình Mỹ song song với ca khúc "Ghen Cô Vy", mới đây, một "cơn sốt" không nhỏ đã diễn ra xoay quanh nội dung và phần vũ đạo quá đáng yêu này.
Vũ điệu rửa tay trên nền nhạc "Ghen Cô Vy" thu hút khán giả quốc tế
Cụ thể, chưa dừng lại ở đất Mỹ, trang fanpage chính thức của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cũng đã chia sẻ về vũ điệu rửa tay này trên nền ca khúc "Ghen Cô Vy" với những lời khen tặng. Ở dưới phần bình luận, đông đảo khán giả quốc tế bày tỏ sự thích thú trước vũ đạo độc đáo của Quang Đăng. Rất nhiều netizen quốc tế đã tag người thân của họ vào để chia sẻ một bài học rửa tay phòng ngừa COVID-19 độc đáo từ Việt Nam. "Thật là dễ thương để các em nhỏ bắt chước và ghi nhớ những điều này"; "Đây là cách bảo vệ tối ưu nhất!"; "Hoàn hảo!" - cộng đồng mạng quốc tế chia sẻ.
Quang Đăng gởi lời cám ơn đến UNICEF
Thậm chí, UNICEF kèm đăng kèm lời nhắn bên cạnh chia sẻ clip vũ điệu chống dịch của Quang Đăng: "Chúng tôi thực sự rất là yêu vũ điệu rửa tay từ một vũ công người Việt Nam - Quang Đăng. Rửa tay sạch với nước và xà phòng là một trong những bước đầu tiên giúp bảo vệ bạn khỏi virus corona".
Chia sẻ về điều này, biên đạo Quang Đăng đã để lại lời cảm ơn với UNICEF: "Ôi trời ơi! Cảm ơn UNICEF rất nhiều!!! Vinh dự của tôi khi làm được việc này cho cộng đồng!".
Trong những ngày qua, với sự chia sẻ của cư dân mạng quốc tế, cộng đồng khán giả Việt cũng phát sốt theo với "Ghen Cô Vy" và "vũ điệu rửa tay".
Trước đó, MV "Ghen Cô Vy" - sản phẩm nhằm hưởng ứng "cuộc chiến" chống dịch bệnh viêm phổi cấp (COVID-19) do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra được thể hiện bởi bộ ba Min - Erik - Khắc Hưng nằm trong dự án của Viện Sức khoẻ - Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế), cùng đoạn clip challenge "vũ điệu rửa tay" bất ngờ xuất hiện trên sóng truyền hình Mỹ trong chương trình "Last Week Tonight With John Oliver". Đây là một trong những show có tầm ảnh hưởng lớn nhất ở Mỹ, MC John Oliver - người từng nhận được 16 giải Emmys danh giá trong suốt sự nghiệp - rất phấn khích khi múa theo trên sóng truyền hình.
Hiện tại, vũ đạo rửa tay chống dịch trên nền bài hát "Ghen Cô Vy" đang trở thành xu hướng, lan rộng khắp mọi nơi. Rất nhiều vũ đoàn, studio dạy nhảy và các bạn học sinh, sinh viên đều nhiệt tình tham gia hưởng ứng #ghencovychallenge.
MV "Ghen Cô Vy".
Bên cạnh đó, tạp chí âm nhạc hàng đầu của Mỹ là Billboard cũng có một bài viết khen ngợi dành cho Ghen Cô Vy. Theo Billboard, khi virus Corona lan rộng và có diễn biến phức tạp trên nhiều quốc gia thì Việt Nam đã có chiến dịch truyền thông hiệu quả để đối phó với dịch bệnh, một trong số đó là việc phát hành ra MV "Ghen cô Vy" có giai điệu "rất hấp dẫn, bắt tai, hướng dẫn, giới thiệu cho mọi người các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh".
Billboard cũng nhấn mạnh việc bài hát này trở thành cơn sốt phần lớn là nhờ điệu nhảy thịnh hành mang tên #ghencovychallenge (hay còn gọi là #vudieuruatay trên TikTok) do vũ công nổi tiếng Quang Đăng biên đạo.
Bài viết trên Billboard
Iran: 92 ca tử vong, gần 3.000 người nhiễm virus corona tại
"Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 586. Có 15 người không may đã thiệt mạng", người phát ngôn Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour phát biểu trong cuộc họp báo được phát sóng trực tiếp hôm nay 4/3.
Tính đến thời điểm hiện tại, số ca tử vong vì virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) tại Iran đã lên tới 92 trường hợp. Ngoài ra, Iran cũng ghi nhận 2.922 ca nhiễm. Iran hiện là nước có nhiều người tử vong nhất vì virus corona bên ngoài Trung Quốc.
Tehran và Qom là hai thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch corona tại Iran. Qom được xem tâm dịch corona và là nơi ghi nhận ca tử vong đầu tiên tại Iran vào ngày 19/2.
Algeria: Xuất hiện 16 ca nhiễm COVID-19 trong một gia đình
Reuters cho hay, bộ Y tế Algeria thông báo, chỉ trong vòng 1 ngày, số ca nhiễm COVID-19 ở nước này đã tăng lên gần gấp đôi, từ 9 lên 17. Điều đáng nói là 16 trường hợp trong số này đều đến từ một gia đình ở tỉnh Blida, cách thủ đô Algiers khoảng 30 km về phía nam.
Bệnh nhân còn lại là một người đàn ông Italia, nơi đang là trung tâm bùng phát dịch COVID-19 mạnh mẽ ở châu Âu.
Được biết, gia đình có 16 người nhiễm COVID-19 đã tiếp đón người đàn ông quốc tịch Italia và con gái của người này. Cô con gái của nam bệnh nhân đó sau khi trở về Pháp cũng có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 (chủng mới của virus corona, gây ra bệnh COVID-19).
Khi được thông báo về việc này, giới chức Algeria bắt đầu điều tra và tìm kiếm những người có tiếp xúc với hai cha con này trong chuyến đi của họ ở Algeria.
Chính phủ Algeria cũng đề nghị đội ngũ y tế tại các bệnh viện, đặc biệt ở Blida và các khu vực lân cận, phải đặt trong tình trạng sẵn sàng ứng phó với các ca nhiễm COVID-19.
"Việc huy động đội ngũ y tế hiện vẫn ở mức cao nhất", Bộ Y tế Algeria cho biết trong một thông cáo phát đi hôm qua.
Với 17 ca nhiễm COVID-19, Algeria trở thành quốc gia có nhiều ca nhiễm nhất châu Phi. Morroco, Tunisia, Senegal và Nigeria đều ghi nhận 1 trường hợp nhiễm COVID-19. Tất cả những ca nhiễm bệnh trên đều bắt nguồn từ Pháp hoặc Italia.
Hàn Quốc: Ghi nhận 35 người tử vong
Theo Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế, đến 6h30 ngày 5/3, tình hình dịch bệnh Covid- 19 cụ thể như sau:
- Tổng số trường hợp mắc: 95.049 (6h30 hôm qua - 4/3, thế giới ghi nhận tổng số trường hợp mắc COVID-19: 92.777).
+ Tại Trung Quốc đại lục: 80.269
+ 81 quốc gia và vùng lãnh thổ bên ngoài Trung Quốc: 14.780
- Tổng số trường hợp tử vong: 3.252 (6h30 hôm qua - 4/3, thế giới ghi nhận 3.161 người tử vong do Covid- 19).
+ Tại Trung quốc đại lục: 2.981
+ 81 quốc gia và vùng lãnh thổ bên ngoài Trung Quốc: 271
Tại Việt Nam: 16/16 trường hợp nhiễm COVID-19 đã được điều trị khỏi. Kể từ ngày 13/2/2020 tới thời điểm hiện tại, Việt Nam không ghi nhận trường hợp nào mắc mới; Số ca xét nghiệm âm tính: 1.769 người.
Ngoài ra có 16.191 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe.
Italia: 107 ca tử vong vì dịch COVID-19, đóng cửa toàn bộ trường học
Theo CNN, toàn bộ trường học, bao gồm cả trường đại học ở Italia sẽ bị đóng cửa từ ngày 5.3 và quyết định này có hiệu lực đến ngày 15.3, Thủ tướng Italia Giuseppe Conte và Bộ trưởng Giáo dục Lucia Azzolina thông báo.
Bà Azzolina nói quyết định trên được đưa ra sau khi chính phủ cân nhắc kỹ lưỡng ý kiến của các chuyên gia.
Giới chức y tế Italia cho biết, trong ngày 4.3, nước này ghi nhận thêm 28 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số người chết lên tới 107. Đây là ngày có nhiều ca tử vong vì COVID-19 nhất tại Italia kể từ khi dịch bùng phát.
107 ca tử vong vì dịch COVID-19, Italia đóng cửa toàn bộ trường học.
Italia ghi nhận tổng cộng 3.089 ca nhiễm virus Corona và hiện có 276 bệnh nhân đã hồi phục. Các trường học ở Italia đã gửi thông báo mới cho phụ huynh và một số trường bắt đầu dạy học trực tuyến từ ngày 6.3.
Italia hiện là quốc gia có số ca tử vong vì virus Corona lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc.
Bộ Giáo dục Italia đã mở một trang web cung cấp thông tin cho người dân về cách đối phó với dịch bệnh ở trường lớp. Bộ cũng công bố chỉ dẫn về việc học từ xa, đào tạo hơn 2.000 giáo viên.
Chính phủ Italia hiện đã phong tỏa nhiều thành phố và thị trấn ở phía bắc. Các biện pháp ngăn virus lây lan bao gồm cấm người dân ra vào vùng dịch, ngừng các sự kiện ngoài trời, đóng cửa những nơi có thể tập trung đông người như bảo tàng.
Ước tính lệnh phong tỏa tác động đến 100.000 người ở phía bắc Italia. Thủ tướng Italia Giuseppe Conte hồi tuần trước thừa nhận một bệnh viện ở thị trấn Codogno đã mắc sai lầm trong việc xử lý ca nhiễm virus Corona đầu tiên trong vùng, từ đó khiến dịch bệnh bùng phát.