Cụ bà 75 tuổi kiếm sống bằng nghề bốc vác và ước mơ đau đáu trước lúc lìa đời

Ngày 18/02/2019 06:00 AM (GMT+7)

Ở độ tuổi đáng ra đã được nghỉ ngơi, sum vầy bên gia đình, con cháu, người phụ nữ ấy vẫn lầm lũi đi về trên những chuyến xe buýt cuối ngày, kiếm sống bằng nghề cửu vạn.

45 năm bốc vác

Gặp bà Mai Thị Bốn (75 tuổi, ngụ phường 2, quận 4, TPHCM) tại chợ đầu mối Thủ Đức TPHCM, người ta không khỏi bất ngờ khi thấy một người phụ nữ với mái tóc bạc trắng đang thoăn thoắt đẩy hàng vào từng sạp theo yêu cầu của khách. Chiếc xe đẩy chất bên trên là nhiều thùng trái cây xếp ngay ngắn với nhau. Nếu nhìn từ phía sau, chẳng ai thấy bà Bốn đâu cả vì chiều cao của bà lọt thỏm giữa những thùng hàng.

Vừa di chuyển xong 4 thùng bưởi vào sạp cho khách, quay trở ra, quẹt vội dòng mồ hôi đầm đìa trên mặt, bà Bốn hồ hởi bảo: “Đêm nay làm được 120 nghìn cô ạ. Mệt quá!”. Rồi bà ngừng lại vài giây để thở, bất chợt nhìn xa xăm, như một cuốn phim quay chậm, bà cất lời kể về cuộc đời mình.

Gia đình khó khăn, phải chạy ăn từng bữa, bà Bốn lên 9 tuổi đã phải cùng cha bôn ba kiếm tiền. Ước mơ được biết chữ với bà từ lâu đã là một ước mơ xa xỉ. “Cơm ăn còn không đủ, tiền đâu mà dám nghĩ đến việc đến trường. Mà kể ra nhiều khi cũng thèm đọc, thèm viết, thèm biết chữ như mọi người lắm. Đến bây giờ, nhiều khi nghĩ lại tủi thân, cả cái tên mình mà mình còn không biết viết", bà ngậm ngùi.

Năm 1965, bà từ quê Quảng Nam lặn lội vào Sài Gòn kiếm sống. Tưởng chừng hạnh phúc bên “túp lều tranh, hai trái tim vàng” khi bà gặp người đàn ông mà mình yêu thương, gán nghĩa vợ chồng sẽ kéo dài thật lâu, bù đắp cho tuổi thơ vất vả của bà khi trước. Ấy thế mà niềm vui ấy "ngắn chẳng tày gang".

Chồng bà mất đột ngột, gánh nặng 3 đứa con thơ nheo nhóc đặt lên vai người phụ nữ tảo tần. Nhìn con khóc, con đau, con đói khát, gạt nước mắt, bà xin vào vào công đoàn chợ Cầu Ông Lãnh làm cửu vạn - công việc nặng nhọc tưởng chừng chỉ dành cho cánh đàn ông để kiếm tiền nuôi con.

30 năm sau, bà nghỉ hưu vì đến tuổi. “Tôi già rồi, xin việc ở đâu họ cũng không nhận, họ bảo sợ té ngã, tai nạn này nọ thì mất công cho họ. Xin khắp nơi, tôi đến chợ đầu mối Thủ Đức. Thấy tôi làm được việc, mấy chủ sạp ở đây nhận tôi làm”, bà Bốn thuật lại.

Từ đấy, đều đặn cứ khoảng hơn 21h, bà Bốn lại nhờ cháu chở ra trạm xe buýt Cầu Ông Lãnh đón tuyến số 42 đến chợ đầu mối Thủ Đức. Công việc sẽ bắt đầu từ lúc 23h, có khi đến hơn 2h sáng mới bắt đầu.

Chỉ vào chiếc xe kéo, bà Bốn khoe phải mất hơn 1,8 triệu đồng mới mua được nó. “Cần câu cơm” này được bà vay tiền để mua, mỗi ngày phải tốn thêm 5 nghìn đồng trả tiền gửi xe. “Tôi gửi ngày nào trả tiền ngày đó, chứ mình không có tiền, mà gom lại một tháng mới trả một lần, nhìn vậy thấy ngán lắm”, thoăn thoắt dùng nón quạt mồ hôi, bà Bốn vừa nói.

Cụ bà 75 tuổi kiếm sống bằng nghề bốc vác và ước mơ đau đáu trước lúc lìa đời - 1

Hình ảnh người phụ nữ 75 tuổi vẫn phải vất vả mưu sinh khiến nhiều người không khỏi xót xa

Cụ bà 75 tuổi kiếm sống bằng nghề bốc vác và ước mơ đau đáu trước lúc lìa đời - 2

Mỗi ngày thu nhập của bà từ vài chục ngàn đến 200 ngàn.

Khi được hỏi về thu nhập mỗi ngày, bà Bốn dùng tay vỗ vỗ vào mấy thùng hàng trên xe đẩy rồi nói nhiêu đây được 10-15 ngàn. Theo bà Bốn, mỗi ngày thu nhập của bà dao động từ vài chục ngàn đến 200 ngàn, tùy vào số hàng mà chủ sạp nhờ kéo. Nhìn người đàn bà ở độ tuổi thất tuần, bàn tay gầy guộc, nhăn nheo, người ta không khỏi ái ngại khi nghe những lời bà tâm sự.

Bà bảo vì không có sức như người trẻ nên bà phải dùng hông để tì vào thùng hàng, lấy lực kéo. Những khi xe xuống dốc, hai bàn chân ốm yếu, khẳng khiu lại phải vội vã hãm chiếc xe với 4, 5 thùng hàng lại.

"Tôi sợ nhất là bệnh, không đi làm được vì không đi làm thì chẳng biết sống bằng gì. Ngày nào bệnh cũng ráng uống thuốc rồi đi làm lại, có khi mệt lắm cũng gắng gượng mà đi. Nhiều khi về nhà mà hai bên hông ửng đỏ, còn hai đầu gối sưng nhức, nhưng mà phải cố chịu chứ biết sao giờ", bà Bốn bùi ngùi cho biết.

75 tuổi, không biết chữ, nhưng bà Bốn tự hào bảo chưa một lần bà giao nhầm hàng cho sạp. Bà hào hứng bảo ai cần giao hàng khu vực nào, chỉ cần đọc ký hiệu chữ cái đầu và số thứ tự đằng sau, bà sẽ biết cách đi.

Gánh nặng tuổi xế chiều

“Con lớn, đứa nào gia đình cũng khó khăn nên tôi đảm đương luôn việc nuôi đứa cháu nội 33 tuổi bị bệnh tâm thần. Nhiều lúc tụi nó bảo tôi thôi ở nhà đi, có rau ăn rau, mà nhìn con cực, tôi không chịu nổi. Giờ tiền điện, tiền nước…mọi thứ trong nhà đều là tôi trả, phụ đỡ đần cho con, để con có tiền mà xây sửa lại căn nhà, đó là ước mong lớn nhất trước lúc tôi nhắm mắt”, bà Bốn ngậm ngùi.

Căn nhà nơi bà Bốn đang sống nằm sâu trong một hẻm nhỏ tại quận 4. Với diện tích 31 mét vuông, đây là nơi cư ngụ của 6 thành viên: vợ chồng cậu út, 2 cháu nội và một cháu ngoại cùng bà.

Căn nhà xiêu vẹo, cột nhà nhiều chỗ đã nứt, 2 bên vách tường phụ thuộc vào nhà hàng xóm, những tấm la-phông cũ kỹ, trục gãy đôi sắp rớt xuống nền nhà, nơi bà Bốn cùng cháu nội, cháu ngoại ngủ mỗi đêm. Mùa mưa, căn nhà bị ngập nước đến đầu gối, đêm đến cả gia đình phải ngủ trên các vật dụng như tủ, bàn, ghế.

Nhìn căn nhà, bà Bốn bất chợt thở dài: "Con dâu tôi đi phụ quán cà phê, chồng nó đi làm thợ hồ cũng không có có bao nhiêu. Thằng cháu thì làm tạp vụ, chỉ đủ nó sống thôi, nhiều khi cháu không đủ tiền đổ xăng, tôi cũng cho nó. Mình phải đi làm, con mới có tiền dành dụm mà xây sửa lại căn nhà”, bà Bốn nói.

Tạm biệt bà Bốn, hình ảnh người đàn bà với gương mặt khắc khổ ngồi bên căn nhà lụp xụp, mỗi khi mưa gió là cả nhà lại thức trắng đêm vẫn cứ ám ảnh. Hình ảnh chiếc bóng của bà hắt dưới ánh đèn ban đêm tại chợ đầu mối ẩn hiện trong đầu như một niềm cảm thương về số phận. Gánh nặng gia đình, những nỗi lo cứ ngày ngày đè nặng trên vài bà Bốn, nặng hơn cả sức nặng công việc cửu vạn mà người phụ 75 tuổi chọn để kiếm sống mưu sinh.

Tết đầu tiên sau thảm họa cháy chung cư Carina: Chúng tôi chỉ ước mong hai chữ bình an
Ngày giáp Tết, không khí tại chung cư Carina Plaza có phần vắng lặng. Dư âm ngày cũ dường như vẫn còn đâu đó, phảng phất trong tiếng gió, trong không...
Huy Vân
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nhân vật