10 năm không “hôn thú”, người đàn bà khoèo chân và ông lão liệt toàn thân vẫn nương tựa vào nhau, sống cuộc đời chứa đầy nghĩa tình phu – thê.
Nhiều năm qua, căn nhà rộng chừng 12m2 dưới chân cầu Thủ Thiêm (Quận 2, TP.HCM) là nơi sinh sống của vợ chồng người đàn bà khoèo chân. Những ngày mưa lớn, nước ngập vào trong, người phụ nữ ấy lại miệt mài tìm cách ngăn nước dâng cao, để chiếc giường cũ – nơi người chồng không "hôn thú” nằm một chỗ bớt mục nát thêm.
Hơn 40 tuổi mới được làm cô dâu
Kể về cuộc đời, bà Hồ Thị Thu Xuân (52 tuổi, quê Đồng Tháp) gạt nước mắt: “Tôi bị khoèo chân và đi đứng không vững từ nhỏ. Vì vậy, mọi sinh hoạt đều trông chờ vào cha mẹ và chị em trong nhà. Sau này, họ có gia đình riêng nên tôi quyết định xuống Sài Gòn kiếm sống bằng nghề phụ quán ăn”.
10 năm trước, trong lúc phụ bàn, bà Xuân tình cờ gặp ông Nguyễn Văn Hải (55 tuổi), làm nghề lái xe vào quán ăn cơm. Bà đã đem lòng mến thương người đàn ông làm nghề “phiêu bạt” này.
Bà Xuân tình cờ quen ông Hải rồi "thầm thương trộm nhớ"
Những lần sau, ông Hải đến quán, bà Xuân thường có những cử chỉ quan tâm như bưng canh đến tận chỗ ngồi, lấy nước trà đá nhiều hơn,…Tuy nhiên, bà tự ti về hoàn cảnh của mình nên không dám nói lời yêu, nên đành “thầm thương, trộm nhớ”.
Cảm nhận được tấm chân tình của bà Xuân, ông Hải chủ động ngỏ lời “dọn về sống chung”. “Khi ấy, chúng tôi đã ngoài 40 tuổi nên nghe lời đề nghị, tôi rất bất ngờ và lưỡng lự. Tôi vốn khuyết tật và không thể sinh được con nên không dám trở thành gánh nặng. Nhưng ông ấy không chịu và nói: “con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Nghe xong, tôi bằng lòng theo ông ấy”, bà Xuân chia sẻ.
Một đám cưới không hôn thú, không tiệc tùng,… đã được “tổ chức” tại xóm trọ nghèo với sự chúc mừng của hàng xóm. Sau đó họ cùng nhau xây dựng tổ ấm mới, chăm lo cho nhau từng bữa cơm ngon canh ngọt.
Cuộc sống khó khăn, chồng gặp tai nạn, bà Xuân vẫn mãi ở bên làm chỗ dựa tinh thần cho người đàn ông ấy!
Một ngày làm vợ chồng, cả đời nên nghĩa phu thê
Tưởng chừng cuộc sống của cặp vợ chồng già sẽ mãi hạnh phúc và vẹn toàn. Ngờ đâu, trong một lần lái xe, ông Hải gặp tai nạn giao thông và bị liệt toàn thân, phải nằm một chỗ.
Kể từ đó, gánh nặng cơm áo đổ dồn lên đôi vai người vợ. “4 năm sống với nhau, tôi không phải bận tâm kinh tế gia đình. Chi phí sinh hoạt, tiền trọ,…đều một tay ông ấy chăm lo. Chuyện xảy ra, tôi không biết bấu víu vào đâu nhưng nhìn chồng nằm một chỗ đành gượng dậy làm chỗ dựa cho ông ấy.
Tôi quyết định chạy xe lăn bán vé số kiếm tiền trang trải cuộc sống và mua thuốc cho chồng”, bà Xuân nhớ lại.
Tháng ngày mưu sinh, bà Xuân gặp quá nhiều vấn đề trong chính cuộc đấu tranh giành giật miếng cơm. Bà kể, sáng sáng thường dậy sớm đến đại lý lấy vé số rồi lái chiếc xe lăn tự chế đi quanh khu vực quận 2, Bình Thạnh mời khách. Xế trưa, bà quay về nhà nấu cơm, thay bỉm cho chồng. Chiều mát, bà lại cầm cọc vé số đi trên chiếc xe quen thuộc.
Những bữa cơm chỉ có đậu phụ, canh nui nhưng chứa đầy nghĩa tình vợ chồng
Mỗi ngày như vậy, bà Xuân kiếm được chừng 80-90 nghìn đồng. Với số tiền ít ỏi, bà có thể tằn tiện đủ cho cuộc sống của hai vợ chồng. Còn nỗi lo lớn nhất đối với bà chính là người chồng nằm bất động một chỗ.
“6 năm qua, tôi để chồng nằm ở nhà một mình rồi đi bán vé số. Nếu còn tỉnh, tôi sẽ không bận tâm nhiều. Đằng này, ông ấy không còn khả năng nhận thức. Vì vậy, lúc đói bụng hay khát nước, ông ấy chỉ biết kêu gào như một đứa trẻ khờ. Thử hỏi, tôi không lo lắng sao được”, bà Xuân xót xa.
Nhắc đến chuyện tình nghĩa vợ chồng, bà Xuân nói: “Hồi mới tai nạn, nhiều người khuyên tôi đưa ông ấy về nhà đẻ để các anh chị em chăm sóc. Họ còn bảo chúng tôi không giấy đăng ký kết hôn nên việc “chia tay” rất đơn giản, không phải ra tòa. Dù vậy, lương tâm tôi không cho phép bản thân làm thế. Với tôi một ngày sống chung như vợ chồng thì cả đời nên nghĩa phu thê. Cuộc sống khó khăn cỡ nào, tôi cũng cố gắng chăm lo và phụng dưỡng ông ấy!”,
>> Xem thêm: Cuộc mưu sinh chật vật của “gia đình người lùn” ở Hưng Yên