Cử nhân 'xếp xó' bằng đại học, về quê làm công nhân

Ngày 24/09/2014 11:26 AM (GMT+7)

Học 4-5 năm ra trường, ngày càng nhiều cử nhân đại học 'xếp xó' bằng đại học để xin làm công nhân ở các khu công nghiệp. Với mức lương công nhân chỉ từ 2,5-3 triệu đồng/tháng, nhưng cử nhân muốn được làm công nhân không hề dễ dàng, họ phải giấu bằng đại học để hy vọng có một công việc ổn định.

Có bằng đại học cũng như không

Theo thông tin tại hội thảo công bố bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam mới đây do bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tổng cục Thống kê cho thấy, trong quý I năm 2014, có 21,2% thanh niên trong độ tuổi 20-24, có trình độ cử nhân trở lên bị thất nghiệp. Riêng đầu tháng 7/2014 có hơn 162.000 cử nhân thất nghiệp. Theo các chuyên gia thì con số thực tế lao động chất lượng cao thất nghiệp còn cao hơn rất nhiều.

Cử nhân #039;xếp xó#039; bằng đại học, về quê làm công nhân - 1

Nhiều cử nhân chấp nhận "ít học", giấu bằng cử nhân để yên thân làm công nhân.

Trước thực tế nhiều người ra trường cố bám trụ ở các thành phố, nhưng sau nhiều ngày "dài cổ" không tìm được công việc phù hợp, hay mức lương quá bèo không đủ chi phí, nhiều cử nhân đành ngậm ngùi "gác" bằng, về quê xin làm công nhân tại các khu công nghiệp (KCN). Tưởng rằng có bằng cử nhân sẽ dễ dàng xin làm công nhân, nhưng thực tế tại nơi mà bằng cử nhân không được coi trọng thì không dễ dàng bởi các nhà tuyển dụng có những tuyệt chiêu để loại các cử nhân.

Nữ công nhân Phạm Thị Tr. (cử nhân sư phạm khoa Tâm lý - giáo dục, đại học Sư phạm Thái Nguyên) tốt nghiệp năm 2012, hơn một năm chật vật tìm việc, nhưng vẫn thất nghiệp, Tr. về quê xin làm công nhân tại KCN Nam Sách (Hải Dương) gần nhà. Tr. chia sẻ: "Mới ra trường, bố mẹ chỉ hỗ trợ thời gian đầu tìm việc, nộp hồ sơ xin việc khắp nơi vẫn thất nghiệp, em quyết định về quê xin làm công nhân tại KCN gần nhà. Lương thấp và làm việc rất vất vả, thường xuyên phải tăng ca làm 12h/ngày, nhưng có thu nhập để trang trải cuộc sống.

Hiện Phạm Thị Tr. làm cho công ty điện tử Aiden Việt Nam với mức lương 2,6 triệu đồng cộng với tiền tăng ca... tổng thu nhập hàng tháng được hơn 4 triệu đồng. Với mức sống này ở quê được coi là tạm được, ngoài các khoản chi phí vẫn còn để ra được một ít. Đây cũng chính là lý do mà nhiều cử nhân đại học "tránh bão" trong lúc thất nghiệp.

Cũng theo nữ công nhân này, một trong những bí kíp giúp cử nhân được tuyển dụng là không được hé lộ thân phận đã tốt nghiệp đại học của mình. "Có công ty ghi rõ không tuyển dụng người tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Hầu hết các công ty ở KCN Nam Sách không tuyển công nhân tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Để vượt qua vòng nộp hồ sơ, phỏng vấn, ứng viên thậm chí phải giả "ngu". "Tổ em có 10 người mà có đến 4 người tốt nghiệp đại học. Công ty may bạn em đang làm số tốt nghiệp đại học, cao đẳng khá đông. Bạn học cấp ba và đại học của em hầu hết đi làm công nhân gần nhà", Phạm Thị Tr. nói.

Cử nhân #039;xếp xó#039; bằng đại học, về quê làm công nhân - 2

Cử nhân đại học, con đường hẹp vào cánh cổng khu công nghiệp.

Các chiêu "cấm cửa" cử nhân

Chuyện cử nhân thất nghiệp do nhiều nhà tuyển dụng không thích tuyển cử nhân vào làm công nhân bởi tâm lý e ngại họ chỉ làm tạm thời, và sẽ bỏ việc bất cứ lúc nào khi tìm được một công việc phù hợp với chuyên ngành học. Hơn nữa, cử nhân có trình độ nhận thức tốt hơn sẽ đòi hỏi và khó bảo hơn so với lao động phổ thông.

Tuy nhiên, nhiều cử nhân thấy mặc cảm khi phải vứt xó bằng đại học xin làm công nhân. Nhưng để có thể tự nuôi sống bản thân, chờ đợi cơ hội xin được việc phù hợp, làm đúng chuyên ngành, họ buộc phải làm công nhân như một giải pháp "lấy ngắn nuôi dài". Như trường hợp nữ công nhân Nguyễn Thị D. (cử nhân quản trị kinh doanh, đại học Thành Đô) đang làm tại KCN Đại An (Hải Dương) kể: "Không còn đường nào khác em mới phải đi làm công nhân, tiếc lắm mấy năm học đại học, nhưng ra trường hơn một năm vẫn không tìm được việc áp lực lắm. Vừa rồi em mới quyết định xin làm công nhân cùng với các bạn học hết cấp ba, mang tiếng được học hành lại về làm công nhân các bạn cười, nhưng không đi làm ở nhà chơi mãi sao được".

Nữ công nhân D. cũng cho biết, lần đầu tiên em thi tuyển vào một công ty may tại KCN Nam Sách nhưng bị loại chỉ vì khai đã tốt nghiệp đại học. Nhiều công ty tuyển dụng còn ghi rõ không tuyển lao động có trình độ đại học, cao đẳng, chỉ tuyển lao động tốt nghiệp THPT. Để qua mặt nhà tuyển dụng, hầu hết mọi người đến nộp hồ sơ và phỏng vấn đều ghi chỉ học hết cấp ba.

Vẫn biết, lao động có trình độ cao nhà tuyển dụng sẽ không mất nhiều thời gian, tốn tiền đào tạo, tuy nhiên lực lượng này hay "nhảy" việc nên nhiều nhà tuyển dụng không mặn mà. Họ nghĩ ra nhiều cách để loại hồ sơ "ông cử, bà cử".

Một trong những câu chuyện bi hài đó là nhà tuyển dụng tuyển công nhân bằng cách xem lòng bàn tay như một số công ty ở KCN Nomura (Hải Phòng). Công nhân Nguyễn Duy L. (cử nhân điện công nghiệp, đại học Hải Phòng) cho biết: "Em tốt nghiệp đại học năm 2012. Gần hai năm thất nghiệp, em đi làm đủ mọi việc từ bưng bê đồ ăn đến phát tờ rơi để trang trải chi phí chờ xin được việc phù hợp. Chờ đợi mãi không tìm được việc, sống khổ sở, cuối cùng em xin làm công nhân cho ổn định dù thu nhập thấp mà lại vất vả. Công ty em không tuyển cử nhân đại học, cao đẳng làm công nhân, cách tuyển dụng rất đặc biệt chỉ cần nộp hồ sơ và xem lòng bàn tay ứng viên. Bàn tay ai mềm mại, không chai sạn sẽ bị loại.

Tại KCN Thăng Long, số cử nhân đại học, cao đẳng làm công nhân không phải là ít, nữ công nhân Trần Thị C. (cử nhân Quản trị kinh doanh, đại học Kinh tế Quốc dân) đang làm tại công ty Canon kể: "Hôm phỏng vấn, nhân viên tuyển dụng nói công ty đang tuyển gấp nhân viên văn phòng, ưu tiên người có bằng đại học, cao đẳng, tin học tốt. Ai đủ tiêu chuẩn bước sang một bên để phỏng vấn riêng. Tưởng thật, gần một nửa số người thi tuyển bước sang. ít ai ngờ rằng đó là một cách để người ta loại người có bằng cấp dù trong lý lịch có "khai man" không bằng cấp.

Cũng theo chị Trần Thị C., nhiều trường hợp được nhận vào làm vẫn bị đuổi việc vì bị lộ cho người khác biết, thậm chí có trường hợp hi hữu bị đuổi việc vì bị phát hiện đăng thông tin cá nhân tìm việc làm trước đó trên mạng internet. Với công nhân, tấm bằng đại học không khác gì đống giấy lộn, không giá trị, thậm chí còn gây phiền phức, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

Lãng phí nguồn lực xã hội

TS. Nguyễn Hữu Lam, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng: "Thực tế nhiều cử nhân đại học, cao đẳng làm công nhân tại các KCN bây giờ không ít dù con số thống kê chưa đầy đủ. Đây là thực trạng đáng buồn, rất lãng phí nguồn lực của xã hội. Người được đào tạo bài bản, có trình độ cao lại đi làm một công việc hoàn toàn khác so với những gì được đào tạo.

Điều này cho thấy định hướng nghề nghiệp ở ta còn nhiều hạn chế. Đào tạo cử nhân một cách ồ ạt, tràn lan, không chất lượng. Nhà tuyển dụng không tuyển cử nhân do nhu cầu không cần đến trình độ đại học. Bởi vậy tuyển dụng công nhân, cử nhân bị loại là chuyện bình thường. Thực trạng này đáng báo động và số lượng cử nhân, lao động chất lượng cao thất nghiệp, làm trái ngành trái nghề có thể còn tăng cao".

Theo Vũ Phương (Đời sống Pháp luật)

Tin liên quan