Tàng thinh – tượng trưng cho “của quý” của nam giới tại lễ hội Ná Nhèm (Lạng Sơn) mỗi năm đều có kích thước và hình dáng khác nhau.
Lễ hội Ná Nhèm mới được phục dựng vài năm gần đây và tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng hằng năm tại xã Trấn Yên (huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn). Điểm nhấn của lễ hội là màn rước tàng thinh – tượng trưng cho bộ phận sinh dục nam và mặt nguyệt – tượng trưng cho bộ phận sinh dục nữ.
Hình ảnh tàng thinh màu hồng năm 2016 gây nhiều tranh cãi trong dư luận
Khác với các lễ hội phồn thực khác, tàng thinh và mặt nguyệt trong lễ hội Ná Nhèm là vật cúng tế, cuối ngày được đem ra đốt. Vì vậy, mỗi năm tàng thinh và mặt nguyệt sẽ được làm mới. Mặt nguyệt qua các năm ít có sự thay đổi nhưng tàng thinh thì thay đổi liên tục cả về hình dạng và kích thước.
Đặc biệt, trong lễ hội Ná Nhèm 2016, sự xuất hiện của hình ảnh tàng thinh - sinh thực khí nam màu hồng, chiều dài khoảng 1m, nặng 80 kg đã gây ra các ý kiến trái chiều.
Tàng thinh năm 2017 được đặt một thợ mộc ở huyện Bắc Sơn. Thợ mộc làm theo mẫu mà ban tổ chức gửi cho và làm mất nửa tháng mới hoàn thành.
Năm 2017, tàng thinh được thuê thợ làm và có kích thước khoảng 20cm, dài khoảng 1 mét
Ngày 1/3 (tức 14 tháng Giêng), ông Hoàng Văn Chẩn – Bí thư xã Trấn Yên (Trưởng ban chỉ đạo lễ hội xã Trấn Yên) cho biết, lễ hội Ná Nhèm năm 2018 đã được huyện Bắc Sơn giao cho UBND xã đứng ra tổ chức.
“Tàng thinh và mặt nguyệt năm nay cũng do các bô lão trong làng tự làm chứ không thuê thợ ngoài. Đến giờ phút này, tôi cũng chưa được chứng kiến tàng thinh như thế nào. Các cụ tự làm và không cho ai xem trước vì sợ mất thiêng.
Khoảng 5h sáng mai (15 tháng Giêng), tàng thinh sẽ được rước ra miếu Xa Vùn, lúc đó mọi người mới được tận mắt chứng kiến. Tuy nhiên, theo thông tin tôi nắm được, tàng thinh năm nay có chiều dài khoảng hơn 1 mét và rộng khoảng 20 cm, gần tương đương với tàng thinh năm 2017”, ông Chẩn chia sẻ.
Trưởng ban chỉ đạo lễ hội xã Trấn Yên cho biết thêm, lễ hội Ná Nhèm năm 2018 có thêm lễ dâng hương ở miếu Mỏ Vằn và miếu Xa Vùn vào ngày 14-15 tháng Giêng.
Ngoài ra, năm nay, Lễ hội còn tổ chức hội xuân và chương trình giao lưu đá bóng trong ngày 14/1 (Âm lịch). Đồng thời, các làng vẫn dựng hội trại để vui chơi xung quanh khu lễ hội.
Theo lời kể của các vị bô lão, xưa có một toán giặc Tấc Tài Ngàn - hay còn gọi là giặc răng đỏ - đến chiếm đóng tại ngôi miếu thờ Thành hoàng Đức Cao Sơn ở sườn đồi Khau Dạ Háy (xã Trấn Yên, Bắc Sơn, Lạng Sơn). Chúng bắt con gái của dân làng lên giặt giũ, nấu ăn, ban đêm thắt miệng túi cho bọn chúng ngủ. Lũ giặc còn làm một cái trống to, đêm xuống, chúng bắt các cô gái dắt dê lên mặt trống để giẫm tạo ra âm thanh dồn dập như xông trận làm dân làng hoang mang lo sợ. Ban ngày, chúng xuống làng giết người, cướp bóc của cải khiến dân làng căm phẫn. Để giết giặc, dân làng đã bày mưu cho các cô gái phục vụ buộc miệng túi thật chặt khi giặc ngủ rồi làm ám hiệu cho dân làng biết để lên diệt giặc, quăng xuống suối Phai Huấn. Sau khi bọn giặc chết không lâu thì trong làng xuất hiện dịch bệnh lạ, làm nhiều người và vật nuôi bị chết, hạn hán xảy ra liên miên. Tại gần ngôi miếu Xa Vùn xuất hiện một tổ ong chúa rất lớn, hễ người và gia súc đi qua đều bị ong đốt chết. Thầy mo cho rằng giặc chết vào giờ linh không được cúng tế cho ăn nên chúng quậy phá. Thời gian sau, dân làng đã tổ chức lễ hội Ná Nhèm cúng tế Thành hoàng và tục hèm đánh trận mô tả lại quá trình chống giặc của người dân. Trong lễ hội có màn rước sinh thực khí nam và sinh thực khí nữ để thể hiện sự sinh sôi, nảy nở, cầu mong cho cuộc sống đầy đủ, ấm no. |