Hai linh vật là Nõ và Nường sẽ đâm vào nhau 3 lần khi chủ tế miếu Đụ Đị (Phú Thọ) hô vang “Linh tinh tình phộc”.
Từ mo cau chuyển sang gỗ mít
Lễ hội “Linh tinh tình phộc” hay còn gọi là “Lễ hội Trò Trám” được tổ chức thường niên vào các ngày 11 và 12 tháng Giêng hằng năm tại xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
Đúng 00h, khoảnh khắc giao thời từ ngày 11 sang ngày 12, chủ tế miếu Trò (hay còn gọi miếu Đụ Đị) sẽ làm lễ và mang 2 linh vật Nõ - tượng trưng cho bộ phận sinh dục nam và Nường – tượng trưng cho bộ phận sinh dục nữ ở trong cung xuống.
Miếu Đụ Đị (miếu Trò) nơi diễn ra trò làm “chuyện ấy”.
Một đôi vợ chồng trong làng sẽ được chọn để thực hiện nghi thức Lễ Mật. Khi chủ tế miếu Đụ Đị hô vang “Linh tinh tình phộc”, 2 linh vật là Nõ và Nường sẽ đâm vào. Nếu cả 3 lần Nõ đều đâm trúng Nường, người dân quan niệm cả năm đó sẽ được may mắn và làm ăn phát đạt.
Mỗi năm đến hội, rất đông người dân và du khách thập phương đổ về đây để chứng kiến khoảnh khắc Nõ và Nường đâm vào nhau. Tuy nhiên, ít ai biết được về lịch sử của 2 linh vật Nõ và Nường.
Ông Chử Đức Bách (67 tuổi) – Đại diện Ban Quản lý di tích lịch sử miếu Đụ Đị cho hay, Nõ và Nường là 2 linh vật của miếu Đụ Đị. Chúng đã có tuổi đời lên đến hàng ngàn năm, mà đến nay dân làng không ai biết chính xác.
Ông Chử Đức Bách (67 tuổi) – Đại diện Ban Quản lý di tích miếu Đụ Đị.
“Những người già nhất trong làng chúng tôi cũng không biết 2 linh vật đó có từ khi nào. Chỉ biết nó đã truyền từ đời này sang đời khác, lên đến cả ngàn năm tuổi. Nõ và Nường xuất hiện ngay khi miếu Đụ Đị được xây dựng từ thời vua Hùng, còn vua Hùng đời thứ bao nhiêu chúng tôi cũng không biết vì không có văn tự nào còn ghi lại”, ông Bách nói.
Theo ông Bách, Nõ ngày xưa được làm bằng gỗ xoan còn Nường được làm bằng mo cau. Tuy nhiên, qua thời gian, Nõ và Nường cũ đã hỏng và được người dân phục chế lại.
“Năm 1993, Nõ và Nường được người dân làm lại nhưng cả 2 được làm bằng gỗ mít chứ không phải nguyên liệu như ban đầu. Nõ và Nường đều được sơn màu đỏ, bỏ vào trong một chiếc hòm nhỏ có che phủ vải điều và khóa cẩn thận. Chiếc hòm nhỏ được đặt ở trong cung của miếu và khóa một lần nữa, không ai được phép tùy tiện động vào”, ông Bách chia sẻ.
Ông Bách cũng cho biết, Nõ và Nường không có kích thước cụ thể. Vì nó chỉ là vật tượng trưng nên người dân làm lại theo tượng tưởng.
Miếu Đụ Đị mới được phụng dựng lại
Ông Nguyễn Thành Ngữ - thủ từ miếu Đụ Đị cho biết, miếu thờ cúng bà Ngô Thị Thanh. Bà được người dân phong làm Thành hoàng làng vì đã có công dạy nhân dân 4 nghề “Tứ dân chi nghiệp” là dạy học, làm ruộng, thủ công (quay tơ, dệt lụa, nghề mộc…) và thương mại (buôn bán, chợ búa…).
Ông Nguyễn Thành Ngữ - thủ từ miếu Đụ Đị cho biết, miếu hiện tại được xây dựng lại từ năm 2000.
Ông Ngữ cho biết thêm, sở dĩ, miếu Đụ Đị còn gọi là miếu Trò vì trước đây, khu vực quanh miếu là một rừng cây Trò, cây Trám.
“Thời làm lại miếu, người dân múc ở dưới ao lên được rất nhiều gỗ Trò, Trám mà đến 2-3 người ôm không hết”, ông Ngữ nói.
Thủ từ miếu Đụ Đị cũng cho hay, người dân đã trải qua một thời gian dài không có miếu để thờ cúng. Bởi, năm 1965, do chiến tranh nên miếu Đụ Đị bị tàn phá. Từ đó đến năm 1990, ảnh hưởng của chiến tranh và sau đó hòa bình nhưng kinh tế còn khó khăn nên người dân chưa thể khôi phục lại miếu.
Năm 1990, UBND tỉnh Phú Thọ và người dân bắt đầu đi tìm tài liệu, hình ảnh để khôi phục miếu Đụ Đị. Đến năm 1993, miếu được phục dựng lại. Tuy nhiên, do nguyên liệu được phục dựng bằng gỗ xoan nên sau một thời gian bị mọt phá hỏng.
“Miếu cũ bị mối mọt ăn ruỗng nên bị dỡ bỏ. Miếu mới này được xây dựng lại năm 2000, ở ngay cạnh vị trí miếu cũ, có diện tích khoảng 40 m2”, ông Ngữ thông tin.