Không có điều kiện học trường quốc tế nhưng chị An Dương Huyền và chị Đặng Thị Thu Huyền đều đã chọn được trường công lập ưng ý giúp con vừa được học văn hóa, vừa được tạo điều kiện phát triển năng khiếu khi bước vào lớp 1.
Chị An Dương Huyền (Ba Đình, Hà Nội) có 3 bé, Phạm An Phúc (11 tuổi), Phạm Phương Ngọc (bé Nụ - 9 tuổi) và Phạm Phương Hà Ngân (bé Na - 6 tuổi). Mặc dù thích cho con học trường quốc tế nhưng do gia đình không có điều kiện nên chị đều cho các con học trường công lập ở khu Văn Miếu, Đống Đa. Dẫu vậy chị vẫn rất hài lòng về ngôi trường này.
Có kinh nghiệm từ bé lớn trong gia đình nên với bé Na, chị không còn nhọc công tìm hiểu về các trường cho con trong năm học đầu cấp như trước đây.
Theo chị An Dương Huyền chia sẻ, ngôi trường công lập mà chị đăng ký cho con hiện nay có truyền thống lịch sử, không gian rộng, sạch sẽ, nề nếp học tập có kỷ luật. Ngoài ra, giáo viên ở đây có trình độ và thân thiện với học sinh, trường tổ chức nhiều hoạt động văn hóa cộng đồng, luôn chú trọng thể chất, sức khỏe an toàn thực phẩm cho các con.
Tôi không chọn trường quốc tế cho con vì không phù hợp với thu nhập...
Bé Phúc được phát huy hết khả năng, học năng khiếu khi học trường công.
Dương Huyền - Eva.vn
”Đặc biệt, ngôi trường này đánh giá đúng năng lực học tập của học sinh, tạo điều kiện cho học sinh phát huy năng khiếu và luôn có khích lệ khen thưởng nên dù ở xa nhà, chị vẫn cố gắng cho con đi học tại đây.
“Tôi không chọn trường quốc tế cho con vì không phù hợp với thu nhập, học dân lập thì được. Tuy nhiên, tôi nghĩ ngay ở môi trường công lập kiến thức vẫn phải song hành cùng kỹ năng sống và trường mà tôi đăng ký cho con theo học hiện nay đã phần nào làm tốt cả 2 việc đó.
Trước đó với bé Phúc, tôi cho cháu học trường điểm gần nhà nhưng cháu không được tạo điều kiện để phát huy hết sức khả năng của mình.
Sau khi cho cháu chuyển sang trường ở Đống Đa, dù xa hơn nhưng tôi rất yên tâm vì cháu được thầy cô tạo điều kiện cho đi học năng khiếu nữa”, chị Huyền tâm sự.
Chia sẻ về việc chuẩn bị, kiến thức, tâm lý cũng như kỹ năng cho con bước vào lớp 1, chị Huyền cho biết điều đầu tiên chị dạy con là bảo vệ thân thể, đi vệ sinh phải nói cô giáo và đi cùng các bạn gái, không cho ai giúp mặc quần áo mà chính con phải tự làm.
Ngoài ra, trước khi con chuẩn bị tới trường, chị cũng dạy con không nhận quà của người lạ hay theo người lạ đi ra khỏi lớp học. Đặc biệt, không được tự ý lấy đồ dùng của bạn, đổ lỗi cho bạn và nếu bản thân sai phải biết dũng cảm nhận lỗi.
“Tôi dạy bé Na mọi sinh hoạt cá nhân ngay từ ở nhà, dạy bé tự cất, tự soạn sách vở và luôn cho con biết cô giáo dạy rất nhiều thứ.
Để giúp con có hứng thú học trước khi bước vào lớp 1, tôi cho con nghe truyện cổ tích, thường xuyên giúp con học chữ để con có thể tự đọc truyện mà không cần mẹ. Con rất thông minh nên con đã có thể kể truyện cho các bạn nghe giờ ra chơi.
Bên cạnh đó, tôi giúp con tiếp cận với năng khiếu âm nhạc, dạy con uốn dẻo và đàn vì như vậy mình sẽ như cô giáo.
Với các mẹ đang có con chuẩn bị vào lớp 1, tôi có lời khuyên là bố mẹ cần phối hợp cùng cô chủ nhiệm theo dõi tâm lý và ý thức rèn luyện con từng ngày. Không những vậy, cùng giáo viên tham gia các hoạt động trong lớp và coi như lớp là một gia đình thứ 2 của con vì phần lớn thời gian con ở trên lớp nhiều”, chị Huyền chia sẻ.
Cũng giống như chị An Dương Huyền, tuy rất thích cho con học trường quốc tế nhưng khả năng không cho phép, hơn nữa sợ con tự ti với các bạn, bị phân biệt đối xử nên chị Đặng Thị Thu Huyền (Đống Đa) đã cho bé Mai Tú Uyên vào học lớp 1 trường công lập bởi theo chị “học phí và những khoản phụ phí đầu năm cho con chắc tầm 3 triệu mà thôi”.
Lần đầu cho con vào học lớp 1, chị Đặng Thị Thu Huyền tìm hiểu khá kỹ lưỡng bởi chị muốn con vừa được học, vừa được tham gia các hoạt động tập thể để có thể phát triển khả năng của mình.
Sau một thời gian tìm hiểu, nghe nhận xét của mọi người, chị đã quyết định cho con gái học tại một trường tiểu học công lập ở quận mình đang sinh sống bởi chị yên tâm cả về học phí lẫn môi trường giáo dục ở đây.
“Hiện tại, ưu tiên của tôi là con sẽ vừa được học lại vừa được tham gia các hoạt động tập thể giống như học trường quốc tế. Ngày trước tôi học rất thích và tích cực tham gia các phong trào nhưng phải nghỉ học 1 vài tiết. Và rồi có một số môn học tôi bị điểm lẹt đẹt nên đành phải hạn chế tham gia các hoạt động. Tuy nhiên điều đó khiến cho việc giao tiếp của tôi khi lớn lên bị hạn chế, tôi nhút nhát hơn rất nhiều và tôi không muốn con giống mình”, chị Đặng Thị Thu Huyền tâm sự.
Cũng vì sợ con còn nhỏ lại chịu áp lực học hành nên dù bé Tú Uyên sắp vào lớp 1 nhưng chị Huyền vẫn cho con về quê chơi. Theo chia sẻ của chị Huyền, chị không đặt mục tiêu cho con trước khi vào lớp 1 phải biết đánh vần, viết chữ mà chỉ cho con tập tô chữ để rèn luyện sự tập trung, một tuần tập viết khoảng 2 tối. Ngoài ra, chị hay khuyến khích con bằng cách cho con vẽ và đố toán.
Các con còn rất nhỏ, đang trong tuổi ăn tuổi lớn nên bố mẹ cố gắng đừng gây áp lực học tập lên con, rất tội.
Thu Huyền - Eva.vn
”“Khi hai mẹ con đi đường hoặc ở nhà ngồi chơi, thỉnh thoảng tôi lại hỏi phép tính để con phản ứng nhanh. Chắc chắn sau này tôi cũng sẽ không so sánh kết quả học tập của con với các bạn. Điều tôi đặc biệt quan tâm là giao tiếp”, chị Huyền cho biết.
Chia sẻ thêm về việc chọn trường cũng như đưa ra lời khuyên cho các bậc phụ huynh đang có con chuẩn bị vào lớp 1, chị Huyền nhắn nhủ: “Tôi chỉ có một lời khuyên cho các mẹ khi chọn trường, chọn lớp cho các con đó là các con còn rất nhỏ, đang trong tuổi ăn tuổi lớn nên bố mẹ cố gắng đừng gây áp lực học tập lên với con, rất tội.
Khi tham khảo trường lớp, các mẹ đừng đặt yếu tố lớp này, trường này thì các con học sẽ nhanh biết đọc, biết viết, chữ rất đẹp hay là lớp là trường có tỷ lệ các con tham gia học sinh giỏi nhiều nhất. Vì như vậy vô tình chúng ta đang đặt mục tiêu học tập, bắt con mình phải đạt được.
Hãy cho con học lớp bình thường, trường bình thường để con có cơ hội phát triển năng khiếu của con. Lớp chọn chưa chắc đã là lựa chọn tối ưu”.
Vào lớp 1 đồng nghĩa với việc con sẽ chấm dứt những ngày tháng đến lớp chỉ ăn, chơi, ngủ và được cô giáo chăm lo như mẹ hiền. Các con sẽ phải tập trung học hành với thời khóa biểu nghiêm túc, thời gian chơi eo hẹp và chịu sự quản lý của giáo viên. Không ít trẻ bị lạ lẫm, thậm chí "sốc" khi tiếp xúc với bạn bè mới, thầy cô, trường mới này. Để giúp cho trẻ cũng như các bậc cha mẹ chuẩn bị tốt về tâm lý, những việc cần làm trước thềm năm học mới cũng như những chia sẻ của những người có kinh nghiệm, các chuyên gia... tạp chí Khám phá phối hợp cùng trang điện tử Eva xin gửi tới bạn đọc loạt bài viết với chủ đề Cùng con đến trường. ==> Xem lại: CÙNG CON ĐẾN TRƯỜNG (kỳ 1): Con vào lớp 1, bố mẹ chuẩn bị như con đi lấy vợ CÙNG CON ĐẾN TRƯỜNG (kỳ 2): Con không tìm được lớp, mẹ đứng khóc cùng con ==> Đón đọc: CÙNG CON ĐẾN TRƯỜNG (kỳ 4): Những kỹ năng vàng dạy cho con vào lớp 1 cha mẹ không thể bỏ qua |