Theo chị Phương, có nhiều vấn đề đáng quan tâm khi chọn trường cho con nhưng "điểm mấu chốt" chính là nằm ở con.
Chị Phương (Hà Nội) hiện đang làm quản lý một công ty về thể thao của gia đình. Chị có hai con trai là Khánh Nam (11 tuổi) và Khải Nguyên (5 tuổi), cả hai bé đều đang theo học một trường quốc tế gần nhà, trong đó bé Khải Nguyên chuẩn bị bước vào lớp 1.
Chị Phương và hai con Khánh Nam - Khải Nguyên.
Theo chị Phương cho biết, trường quốc tế mà các con đang theo học xây dựng theo hệ thống bao gồm mầm non, tiểu học và trung học, tức là trẻ được tham gia học tại các lớp mầm non sẽ tiếp tục được chuyển lên tiểu và trung học khi đến độ tuổi nếu có nhu cầu và đủ năng lực khi tham gia các đợt xét tuyển lên lớp của nhà trường.
Trước nhiều băn khoăn của các bậc phụ huynh về cách chọn trường khi con bước vào lớp 1 cũng như những kĩ năng, kiến thức mà cha mẹ cần chuẩn bị để con bước chân vào một bước ngoạt mới của cuộc đời, từ thực tế kinh nghiệm của bản thân, chị Phương đã có những chia sẻ vô cùng bổ ích.
Được biết, bé Khánh Nam đang theo học một trường tiểu học quốc tế, bé thứ hai Khải Nguyên cũng chuẩn bị vào lớp 1. Vậy lý do vì sao mà chị lại lựa chọn cho cả hai con học trường quốc tế?
Trước khi cho các con đi học, tôi cũng đã tham khảo tất cả các trường bao gồm cả trường công lập và trường quốc tế. Lúc đó, thực sự bản thân tôi không mấy quan trọng việc nên cho con học trường công lập hay trường quốc tế.
Việc đầu tiên mà tôi quan tâm đến đơn giản là về khoảng cách giữa trường và nhà phải gần nhất cũng như đảm bảo được các vấn đề về thuận tiện và an toàn cho các con.
Lý do thứ hai đó là tôi tìm hiểu về môi trường học mà mình định cho con theo học. Với trường hiện tại của hai con, tôi nhận thấy hướng giáo dục ở đó hầu như theo hướng giáo dục mở, không gò bó cho học sinh, cô trò cùng thoải mái, thậm chí mối quan hệ giữa phụ huynh và cô giáo rất gần gũi, cởi mở giúp tôi có thể biết được việc ở trường của các con như thế nào tốt hơn.
Một điều khác quan trọng và khiến tôi đặc biệt quan tâm, suy nghĩ khi chọn trường cho cả hai con đó là tôi đã cân nhắc tới việc ở độ tuổi của các con thì chỉ cần những gì và cha mẹ đặt ra mục tiêu con phải đạt được những gì.
Chị Phương luôn lựa chọn trường phù hợp với năng lực và nhận thức của hai con. Trong ảnh là bé Khải Nguyên và Khánh Nam.
Điều đó được giải thích đơn giản như sau: Với tôi, ở bất kì ngôi trường nào, đã là giáo viên họ đều có những kiến thức và trình độ chuyên môn giỏi khác nhau. Không thể nói rằng cô không giỏi khiến trò không giỏi mà theo tôi việc con giỏi hay kém phụ thuộc phần lớn là ở các con.
Với độ tuổi mầm non và tiểu học của hai con, bản thân tôi không đòi hỏi con phải học quá nhiều, phải thành tài ngay từ khi còn nhỏ, không phải đạt được những thành tích quá cao siêu. Bản thân tôi nuôi dạy con theo hướng đơn giản và biết con cần đạt được những điều cơ bản gì ở độ tuổi này để lựa chọn trường cho con. Tôi không đặt quá nhiều kì vọng ở con.
Song bên cạnh đó, tôi dựa vào năng lực, tính cách và khả năng nhận thức mà con của mình có thể đạt được để tìm được trường phù hợp cho các con.
Một yếu tố cuối cùng tôi mới quan tâm đó là chuyện kinh tế. Theo tôi thấy không phải cứ trường quốc tế là học phí sẽ cao hay như mọi người nói rằng “nhà giàu mới cho con học trường quốc tế”, bởi bản thân tôi thấy rằng với mức học phí hiện tại của các con ở trường và với những gì con thu nạp được là hoàn toàn cân xứng và trong khả năng chi trả được của gia đình.
Vậy kinh nghiệm mà chị rút ra được khi chọn trường cho con là gì?
Như đã nói ở trên thì tôi có thể rút ra được những kinh nghiệm khi chọn trường cho con đó là dựa vào con là chính, bản thân con nhận thức tới đâu ta tìm trường phù hợp với con. Bởi nếu con có nhận thức hơi kém mà chọn trường cao thì vô hình chung sẽ tạo áp lực.
Tiếp đó là dựa vào bản thân mình kì vọng gì ở con. Với những bé vào lớp 1 thì thực sự mới chỉ bước đầu làm quen với những con số, với những bài toán và câu văn, vì thế cha mẹ đừng nên kì vọng và thúc ép con quá nhiều.
Chị Phương nuôi dạy con theo hướng đan giản, không kì vọng quá nhiều sẽ khiến các bé bị áp lực.
Nếu con có nhận thức tốt, khả năng tư duy tốt thì dù ở môi trường nào bé có cũng có thể vươn lên, lúc đó mẹ sẽ thấy được có thể cần phải thay đổi môi trường cho con.
Bản thân thực tế tôi thấy ở trường của con trai mình, có quá nhiều các bậc phụ huynh kì vọng vào con nhưng bản thân bé lại chưa thể đạt được những điều đó. Việc này khiến cho các bé bị áp lực khá nhiều.
Một số người cho rằng, định hướng giáo dục của các trường quốc tế thường theo hướng Âu Mỹ nên các bé được “tự do” hơn trường công, vô hình chung thiếu đi sự “nề nếp”. Chị có ý kiến gì về nhận định này?
Bản thân từ thực tế có hai con đang học trường quốc tế, tôi khẳng định là không có chuyện đó mà còn ngược lại, các cô ở trường quốc tế rèn các con khắt khe, không phải trường quốc tế mà thoải mái đâu nhé. Các cô dạy đúng, dạy trong tầm kiểm soát, đúng độ tuổi và nhận thức của độ tuổi trẻ.
Giống như các bé nhà tôi, từ khi đi học tôi thấy bé rất có ý thức và tự giác. Gặp ai bé cũng biết tự giác chào hỏi hay những nghi lễ giao tiếp đơn giản nhất. Tôi nghĩ, ở độ tuổi hai con nhà mình thì việc bé nhận thức được những điều như thế là tốt và chúng ta không nên đặt mục tiêu cho con quá cao.
Bên cạnh đó, tôi thấy một vấn đề khá hay ở trường quốc tế con đang theo học đó là sự thân thiện và gần gũi giữa giáo viên và phụ huynh học sinh. Ở trường ở lớp con đang gặp khó khăn gì, các giáo viên sẽ thông báo cho mẹ biết và cùng mẹ tìm ra cách giải quyết.
Bản thân tôi sinh con ra, tôi sẽ là người hiểu các con hơn ai hết. Các cô là những người tiếp xúc với các bé hàng ngày sẽ biết hướng và nắn các con theo đúng hướng. Sự kết hợp từ hai phía như thế sẽ giúp cho việc nuôi dạy trẻ sẽ tốt hơn.
Khi con chuẩn bị bước vào lớp 1 chị đã chuẩn bị tâm lý, kĩ năng sống và kiến thức nào cho con?
Theo hệ thống trường học mà các bé nhà tôi đang được theo học thì học sinh trong độ tuổi 2-3 được tách riêng, chỉ tham gia các hoạt động ăn - chơi - ngủ - nghỉ. Nhưng đến 5 tuổi là được xác nhập luôn vào khu của các bạn học sinh tiểu học.
Vì thế, tôi không gặp nhiều khó khăn khi con chính thức bước vào tiểu học vì con đã sớm được làm quen từ trước rồi nên sẽ không còn nhiều bỡ ngỡ nữa.
Tuy nhiên, tôi vẫn phải định hướng một số vấn đề về tâm lý cũng như kĩ năng sống học đường cho con đơn giản như việc con sẽ tiếp xúc với nhiều bạn mới hơn, con sẽ phải tự một mình làm những gì (trước đó được các cô giáo giúp đỡ)… Việc này mẹ nên có những cuộc trao đổi, trò chuyện thẳng thắn để con dần dần hiểu ra.
Về kiến thức thì bản thân tôi không kì vọng và luôn nuôi dạy con theo hướng đơn giản và thoải mái nhất. Chính vì thế, tôi không cho con đi học trước các lớp học thêm ở ngoài. Cũng một phần vì tôi biết ở lớp mầm non mà con đang theo học cũng được học một số kiến thức cơ bản về giao tiếp, dạy chữ cái, dạy viết, dạy số… Vì thế, tôi nghĩ vấn đề kiến thức, nên cho con đi học trước cho “bằng bạn bằng bè” không quan trọng có hay không mà chỉ là mức độ dạy cho các bé là như thế nào và dạy cái gì? Dạy cho con những điều đơn giản để các bé tập làm quen và không bỡ ngỡ thì là điều nên làm.
Bé Khải Nguyên sắp bước vào lớp 1
Tôi cũng có một lời khuyên rằng các mẹ cũng không quá lo lắng là con sẽ bị căng thẳng vì phải học trước bởi việc học trước mà mình nhắc đến ở đây đó những kiến thức mà con được học đều là đơn giản và không bắt ép, vốn bản thân trẻ cũng không tiếp xúc thường xuyên, mải chơi nên sẽ không nhớ lâu được nên sẽ không bị áp lực.
Một số mẹ nghĩ rằng chương trình học ở các trường quốc tế thường nhẹ nhàng, đơn giản hơn ở các trường công. Chị có lo ngại vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến kiến thức sau này khi con vào trung học hoặc đại học?
Chương trình học quốc tế nhẹ nhàng hơn là không phải. Chương trình các bậc tiểu học, THCS đều phải học theo chương trình sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nên khi học và thi đều trong chương trình, bạn nào học trường quốc tế hay công đều phải nắm rõ kiến thức chính để bước đến Đại học. Chỉ có cách hướng dẫn học khác nhau, học như thế nào, học kết hợp với kỹ năng, chứ không phải cứ học liên tục, học thêm... mới có kiến thức để vào Đại học.
Theo chị, làm thế nào để tạo hứng thú học cho các bé sắp bước vào lớp 1?
Các mẹ cũng không cần quá lo lắng về việc con không hứng thú với việc học hành vì vào một môi trường mới, nhiều bạn mới cộng với việc các cô sẽ có những kĩ năng nghiệp vụ riêng giúp con tiếp cận và thích nghi với việc học.
Bên cạnh đó, cha mẹ nên nhẹ nhàng nói chuyện với con về việc cần phải học: ví dụ như con phải học, con mà không học thì chắc chắn các cô không thể dạy được con, con sẽ bị đào thải và không được học. Trẻ nhỏ khi đã đi học thì rất sợ việc không được học. Vì thế cha mẹ nhẹ nhàng khuyên bảo con thì con sẽ có ý thức hơn.
Vậy, chị có lời khuyên nào dành cho các bậc phụ huynh có con năm nay vào lớp 1?
Các mẹ hãy nghĩ chuyện này cũng bình thường như bao chuyện khác thôi, chỉ là con bước vào môi trường kỷ luật hơn, có trách nhiệm với việc đi học, phải hoàn thành nhiệm vụ học sinh. Bố mẹ nên hỏi han con mỗi khi đi học về, nắm rõ lịch học, ăn bán trú, quan hệ thầy cô, bạn bè.
Ngoài ra, hãy cố gắng mỗi ngày đưa con đi học như là một buổi chơi mà có thêm nhiều kiến thức từ trường học.
Điều cấm kỵ không nên biến trường học là nơi để phạt hay lúc không nghe lời là bắt con đi.
Xin cảm ơn chị về những chia sẻ!
Xem video: Chuyên gia chỉ ra những tiêu chí mẹ nên lưu ý khi chọn trường cho con vào lớp 1