40 năm trước, lực lượng đặc nhiệm Israel khiến cả thế giới choáng váng với chiến dịch táo bạo nhằm giải cứu gần 100 con tin bị khống chế ở Uganda, đặc biệt là khi bí mật bị lộ vào phút chót.
Thế giới ngày càng bất ổn với những vụ khủng bố, bắt cóc con tin ở nhiều nơi. Qua loạt bài này, mời bạn đọc cùng nhìn lại những vụ bắt cóc con tin lớn nhất thế giới, và cách các nước xử lý những vụ khủng hoảng như vậy. |
Ngày nay, vụ giải cứu được nhớ đến như những giờ phút đẹp đẽ nhất trong lịch sử Israel, và đó là lý do một người không mấy tên tuổi hồi đó là ông Benjamin Netanyahu khởi đầu sự nghiệp chính trị của mình - sau khi anh trai Yoni của ông và cũng là người lính Israel duy nhất thiệt mạng trong vụ giải cứu, được vinh danh là anh hùng của đất nước.
Ngày 27.6.1976, chuyến bay A300 của hãng hàng không Pháp Air France chở 248 hành khách trên đường từ sân bay Tel Aviv, Israel, đến Paris, Pháp, bị khống chế bởi hai thành viên của Mặt trận Nhân dân Giải phóng Palestine - Các chiến dịch Bên ngoài (PFLP-EO) và hai người Đức thuộc tổ chức Các chi bộ Cách mạng.
Đám đông nhấc bổng chỉ huy của phi đội giải cứu sau khi họ trở về (Ảnh: Getty Images)
Máy bay bị chuyển hướng sang Benghazi, Libya, để nạp nhiên liệu, sau đó bay sang sân bay Entebbe của Uganda, nơi nhóm không tặc được Tổng thống Uganda Idi Amin ủng hộ và cử lực lượng hỗ trợ bảo vệ. Yêu cầu của nhóm bắt cóc là phải trả tự do cho 40 người Palestine và tay súng của họ đang bị giam giữ ở Israel và 13 tù nhân đang bị giam giữ tại 4 quốc gia khác.
Sau khi di chuyển tất cả con tin từ máy bay sang một tòa nhà bỏ không trong sân bay, nhóm không tặc tách các con tin thành hai nhóm: nhóm người Israel và Do Thái, và nhóm những người còn lại, rồi đưa họ vào 2 phòng riêng biệt.
Trong 2 ngày sau đó, 148 hành khách không phải công dân Israel được thả và bay đến Paris. 94 người còn lại, chủ yếu là công dân Israel, bị giữ lại và dọa giết nếu yêu cầu của nhóm không tặc không được đáp ứng.
Trước mối đe dọa này, Israel quyết định cử lực lượng đặc nhiệm đi thực hiện chiến dịch giải, cho dù có nguy cơ vấp phải phản kháng vũ trang từ quân đội Uganda.
Qua vài ngày căng thẳng, đến hạn chót 1.7, chính phủ Israel để xuất đàm phán với nhóm bắt cóc để kéo dài hạn chót tới ngày 4.7. Tổng thống Uganda Amin cũng yêu cầu nhóm không tặc kéo dài thời gian tới ngày 4.7 để đợi ông hoàn thành một chuyến công cán đến Mauritius nhằm chuyển giao chức chủ tịch Tổ chức Thống nhất châu Phi.
Việc kéo dài thời hạn chót này đóng vai trò cực kỳ quan trọng giúp lực lượng Israel có đủ thời gian tới sân bay Entebbe của Uganda.
Tổng thống Uganada Idi Amin nói chuyện với các con tin (Ảnh: AP)
Ngày 3.7, Nội các Israel thông qua kết hoạch giải cứu. Sau vài ngày thu thập thông tin tình báo và lên kế hoạch, Israel cử gần 100 lính biệt kích và bốn chiếc máy bay vận tải C-130 Hercules thuộc Không quân Israel bí mật bay tới sân bay Entebbe vào ban đêm mà không cần sự trợ giúp của trạm không lưu mặt đất Entebbe.
Họ bay cực thấp, cách mặt đất khoảng 30m để tránh bị radar phát hiện. Điều kiện bay ngặt nghèo này khiến máy bay rung lắc dữ dội suốt hành trình khoảng 8 giờ đồng hồ. Nhiều người không chịu được đã phải nôn mửa.
Lực lượng Israel hạ cánh xuống Entebbe vào khoảng 11h đêm 3.7, với các khoang hàng đã mở cửa sẵn. Một chiếc Mercedes đen được những chiếc Land Rover hộ tống, vờ là đoàn xe của Tổng thống Uganda Amin vừa trở về từ chuyến công tác.
Tuy nhiên, trong lúc đoàn xe đang di chuyển thì bị hai cảnh sát Uganda yêu cầu dừng lại vì họ biết Tổng thống Amin đã thay chiếc Mercedes đen bằng chiếc màu trắng. Trong tình huống đó, các lính biệt kích Israel nổ súng vào hai cảnh sát Uganda bằng súng giảm thanh, nhưng không trúng người nào. Một lính Israel đi trong đoàn xe Land Rovers hộ tống đã loại bỏ được hai viên cảnh sát bằng lựu đạn.
Sợ tiếng nổ khiến kế hoạch bị lộ, đội tấn công nhanh chóng hành động. Lực lượng Israel lao ra khỏi xe và xông vào nhà ga tấn công, tiêu diệt toàn bộ nhóm 4 tên không tặc, kịp thời ngăn không cho chúng có cơ hội giết các con tin. Có khoảng 20 lính Uganda cũng bị đặc nhiệm Israel bị bắn chết.
Trong khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng gấp gáp này, Chỉ huy Yonatan Netanyahu trúng đạn. Ông là người duy nhất của lực lượng giải cứu thiệt mạng trong chiến dịch.
Sứ mệnh giải cứu thành công. Phía Israel, ngoài Trung tá Yonatan Netanyahu còn có 3 con tin thiệt mạng. Trung tá Netanyahu trở thành anh hùng, còn em trai ông, ông Benjamin ngày nay là đương kim Thủ tướng Israel.
Các lính biệt kích Israel trong chiếc Mercedes đen được sử dụng trong chiến dịch (Ảnh: Bộ Quốc phòng Israel)
Bị bẽ mặt vì cuộc đột kích bất ngờ, Tổng thống Uganda Amin cho tin rằng Kenya đã hỗ trợ Israel trong kế hoạch này. Hàng trăm người Kenya đang sống tại Uganda đã bị thảm sát sau đó.
Chính phủ Uganda tìm cách thúc đẩy một kỳ họp của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc để chính thức lên án Israel đã xâm phạm vào chủ quyền của Uganda, nhưng yêu cầu này bị từ chối.
Sự thành công của chiến dịch có thể là một trong những lý do khiến các chính trị gia Israel, đặc biệt là Thủ tướng Netanyahu, từ chối chấp nhận sự thỏa hiệp cần thiết cho một nền hòa bình lâu dài với người Palestine. Nhiều người Israel tin rằng cơ quan tình báo và lực lượng quân sự của họ có thể đối phó với bất kỳ mối đe dọa an ninh nào.
Một trong những bài học được nhiều chính phủ phương Tây rút ra từ cuộc giải cứu là cách phản ứng chính trị đúng đắn đối với tình huống bắt cóc con tin không phải việc đàm phán với những kẻ bắt cóc con tin mà là thực hiện một chiến dịch quân sự đáp trả.