Bản thân bị nhiễm HIV/AIDS từ chồng, chị Lê Thị L. (SN 1972, thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh, Quảng Trị) phải ôm trọn nỗi đau bởi sự kỳ thị, lạnh nhạt của mọi người.
Những ngày đầu gánh hàng rau của chị ế ẩm không có khách vì mọi người sợ lây H. Nhưng với bản tính chịu khó, dần dần bà con lối xóm cũng mở lòng, đồng cảm, chia sẻ với chị, vì thế gánh hàng rau của chị dần đông đúc khách hơn.
Những ngày tuyệt vọng
Thời con gái, chị L. đã từng mơ ước có một mái ấm hạnh phúc. Duyên số thế nào đưa đẩy để chị gặp một thanh niên từ Thái Nguyên vào lập nghiệp. Nói lập nghiệp cũng đúng mà đi cai nghiện ma túy cũng không sai. Do nhiều lần cai nghiện không thành, anh Ph. (chồng chị L. sau này) quyết định vào ở với người bà con tại Gio Linh để đoạn tuyệt với "nàng tiên nâu".
Sau một năm nỗ lực, anh Ph. cắt đứt cơn nghiện, chăm chỉ làm ăn. Chị L. thấy anh Ph. là người tốt bụng, lại chịu thương chịu khó nên dần dần quý mến rồi nảy sinh tình cảm. Sau một thời gian gặp gỡ, năm 2002, hai anh chị đi đến hôn nhân và ở nhờ trên đất của một người quen. Một năm sau, bé trai Thúc N. chào đời trong niềm hạnh phúc vô bờ bến.
Thế nhưng, hạnh phúc không kéo dài được lâu, tháng 4/2005, anh Ph. bỗng nhiên sốt cao và kéo dài triền miên. Uống thuốc mãi mà không khỏi, cuối cùng chị L. quyết định đưa chồng vào bệnh viện chữa trị nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Khi ấy chị L. đang mang thai đứa con thứ hai. Tin báo từ bệnh viện anh Ph. bị nhiễm HIV và đau đớn hơn khi chị L. biết mình bị lây nhiễm HIV từ chồng. Chị sốc nặng không dám tin đó là sự thật, chị muốn khóc mà không khóc được, muốn hét lên mà không hét lên được.
Thời gian đó, chị L. cảm thấy tồi tệ nhất, bị mất phương hướng, bi quan, tuyệt vọng và lúc nào cũng trong trạng thái mình... sắp chết. Dù đau đớn đến tột cùng vì mình cũng bị lây bệnh từ chồng nhưng không vì thế mà chị bỏ mặc anh. Chị ở bên anh, cùng nhau động viên, chia sẻ nỗi sợ hãi.
"Khi biết mình không qua khỏi, anh bảo muốn ra thăm bố mẹ đẻ lần cuối. Lúc đó tui bụng mang dạ chửa nên không đi cùng được. Ba ngày sau, tôi nhận được tin anh đã mất. Anh ra đi mà chưa kịp nhìn mặt mẹ con tôi lần cuối" - chị L. sụt sùi kể lại.
Chồng mất, chỗ dựa tinh thần, vật chất đối với ba mẹ con cũng mất, lại mang trong mình căn bệnh HIV/AIDS nên chị suy sụp. Ruộng vườn, nhà cửa chị đều bỏ mặc, chỉ biết nhìn con mà khóc. Nhiều lần, chị muốn dùng thuốc độc để tự kết liễu cuộc đời ba mẹ con nhưng mỗi lần nhìn ánh mắt trong sáng ngây thơ của con, chị không nhẫn tâm ra tay.
Buồn lo, cơ cực, chị quên cả việc đưa cháu Vy đi xét nghiệm máu. Mãi đến khi cháu Vy 2 tuổi, chị mới đưa đi xét nghiệm máu, lúc này cháu N. (4 tuổi) cũng được đem đi lấy mẫu máu. Nhưng bất hạnh vẫn chưa thôi bám riết gia đình chị. Ngày 30/8/2007, trung tâm Y tế Dự phòng Quảng Trị thông báo kết quả xét nghiệm của cả hai anh em. Chữ "dương tính" trên phiếu của N. đập vào mắt chị L., chị như chết lặng đi. Thế nhưng kết quả của bé Vy lại khác hoàn toàn: "âm tính", chị vui mừng khôn xiết. Niềm hy vọng nhỏ nhoi của chị là cháu Vy không bị lây nhiễm HIV từ bố mẹ đã trở thành hiện thực. Thế là bao nhiêu khổ cực, tủi nhục chị chấp nhận chịu đựng, vì các con mà chị cắn răng sống tiếp.
Hằng ngày để có miếng ăn cho ba mẹ con, chị L. phải bán rau ở ngoài chợ Gio Linh.
Vượt qua bóng tối cuộc đời
Khi xóm giềng biết chị bị lây nhiễn HIV từ chồng, đi đâu chị cũng bị mọi người xì xào, bàn tán là "con ấy bị Si - đa"... Thấy chị họ chẳng dám đứng gần, không dám nói chuyện, ăn cơm, uống nước cùng... Mọi người tránh chị như tránh tà, chỉ trừ mẹ chị L. là an ủi động viên chị, còn lại anh em họ hàng đều sợ lây "H" của chị. Mặc dù bị mọi người hắt hủi nhưng chị không dám trách móc ai cả.
Mấy mẹ con chị sống chưa được bao lâu thì người quen đòi lại căn nhà, ở nhà người thân thì chật chội, nên ba mẹ con chị đành dắt nhau đi thuê trọ. Biết chị bị nhiễm HIV nên các chủ trọ tỏ ra ái ngại, đuổi khéo chị đi. Không còn nơi bám víu, chị đành ra mảnh đất hoang phía sau làng, dựng túp lều lá ở tạm. Những ngày tháng ấy, ba mẹ con chị sống lay lắt, hết sức cực khổ. Đến gạo chẳng có mà ăn, chỉ biết sống qua ngày nhờ vào đồng tiền và chút quà thơm thảo của người đi đường.
Trong khi mọi người không dám gần chị L. thì chị Đặng Thị Hoài Thu, một tiểu thương ở chợ Cầu (Gio Linh), nhận cưu mang, sắp xếp cho chị một chỗ ở trong căn nhà cũ. Từ trong tận cùng của sự đau khổ vì bệnh tật và sự kỳ thị của mọi người, chị L. nhận ra rằng vẫn còn những người tốt, biết cảm thông với những người bị nhiễm HIV/AIDS, vậy là thêm một lý do nữa để chị L. quyết tâm sống.
Để có kế sinh nhai cho ba mẹ con, chị L. đã chọn nghề buôn bán rau. Những ngày đầu gánh hàng rau của chị ế ẩm không có khách, nhiều người không dám đến mua rau vì sợ lây bệnh. Không nản chí, chị L. cố gắng sống tốt hơn, chăm chỉ lao động như một người bình thường. Chị tìm đọc thêm nhiều tài liệu liên quan đến bệnh HIV/AIDS, để từ đó tuyên truyền cho mọi người xung quanh hiểu hơn về căn bệnh này và con đường lây truyền chủ yếu của nó.
Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, sự cố gắng nỗ lực của bản thân, chị L. đã giúp mọi người xung quanh có thêm kiến thức, hiểu được tính chất của HIV/AIDS. Bà con lối xóm dần mở lòng, đồng cảm, chia sẻ với chị, vì thế gánh hàng rau của chị L. dần đông đúc khách hơn.
Cháu N. ngày càng khôn lớn, thấy bạn bè cùng trang lứa được đi học, cháu cũng ao ước được đi học như chúng bạn. Thấy con muốn đi học, chị L. làm đơn xin cho con đến trường, nhưng đi hết trường này đến trường khác họ đều lắc đầu bởi các phụ huynh khác họ lo sợ bị lây bệnh từ cháu N., nên phản đối mạnh mẽ gây áp lực cho nhà trường để không cho cháu N. đi học. Nhìn cháu N. quay quắt vì thèm đến trường, mà lòng chị L. se thắt. Chị mong mỏi làm sao cho cháu N. được đến trường, khổ mấy chị cũng chịu được.
Không có cơ hội được đến trường, bé Thúc N. phải nhờ bạn hàng xóm hướng dẫn học.
May mắn hơn anh trai, cháu Vy được đến trường, hiện cháu đang chuẩn bị vào lớp 4. Chị L. kể: "Hồi cháu Vy mới đi mẫu giáo, phụ huynh các cháu ái ngại, phản đối ghê lắm. Thậm chí họ còn bắt tôi mang giấy xét nghiệm chứng minh con gái tôi "âm tính" với HIV thì mới cho vào học. Cũng may, Trung tâm y tế huyện đã đứng ra bảo đảm trước phụ huynh có các con em đến học, đưa bằng chứng nên họ mới thôi, không phản đối nữa. Tuy nhiên, sau mỗi buổi học cháu Vy về nhà hay mách lại với tôi là "các bạn bảo con bị Si - đa", thương con tôi chỉ biết động viên với nó là dần dần bạn bè sẽ hiểu và thông cảm thôi".
Dù mang trong mình căn bệnh mà hiện tại y học chưa tìm ra thuốc chữa nhưng chị L. vẫn không đầu hàng số phận, tự vượt qua mọi rào cản dư luận để sống. Điều hạnh phúc nhất đối với chị L. là bé Thúc N. và Tường Vy khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Đây cũng là lý do chính đáng để chị không gục ngã trước bệnh tật. Các con chị chính là niềm hy vọng, là tương lai, tiếp thêm nghị lực để chị sống ý nghĩa hơn giữa cuộc đời.
"Vượt qua tất cả, giờ cuộc sống của tôi mặc dù còn nhiều khó khăn. Nhưng tôi muốn chứng minh cho mọi người rằng người bị HIV vẫn có thể hòa nhập, sống tốt và có ích cho cộng đồng", chị L. nói.
Những gì chúng tôi kể trên đây có lẽ chưa thể nói hết được sự đau khổ và một cuộc sống tủi nhục của người phụ nữ là nạn nhân của HIV/AIDS. Không phải người bị nhiễm HIV nào cũng xuất phát từ một lối sống buông thả. Nếu xã hội biết cảm thông chia sẻ với những người bị HIV thì họ sẽ sớm có cơ hội được hòa nhập cùng cộng đồng và làm được những việc có ích cho xã hội.
Hãy mở lòng với những người có "H" Cuộc sống của ba mẹ con chị L. vẫn còn gặp nhiều khó khăn, mặc dù cháu Vy có được cơ hội đến trường. Nhưng Vy luôn bị bạn bè trêu chọc, kỳ thị khi nói cháu là con của "Si - đa". Đây cũng là điều trăn trở và nỗi buồn của chị L., chị ao ước một ngày nào đó con cái chị được đến trường bình an, được đối xử công bằng như một người bình thường… |