Cuộc sống đáng thương của những cô gái tuổi teen bị bán vào nhà thổ ở Ấn Độ

Ngày 07/08/2016 00:25 AM (GMT+7)

Hàng ngàn cô gái đáng thương vẫn phải chịu đựng sự tra tấn dã man cả về tinh thần và thể xác ở các nhà thổ tại Varanasi mà không hề có sự can thiệp của luật pháp.

Mới đây, hãng phim Blush Original đã đăng tải bộ phim tài liệu mang tên Gudiya.  Đây không phải là một đoạn phim hư cấu mà nó hoàn toàn có thật, lột tả rõ nét nỗi thống khổ của những cô gái bị giam giữ bên trong các nhà thổ ở Varanasi (bang Uttar Pradesh) - một trong những thành phố tôn giáo lâu đời nhất trên thế giới. Sau khi đăng tải lên Youtube, đoạn phim đã có 284.799 lượt xem và hàng ngàn lượt bình luận của mọi người trên khắp thế giới.

Nổi bật trong đoạn phim là câu chuyện của hai cô gái trẻ tên là Roohi và Priya, lần lượt 13 và 17 tuổi, đã bị những người đàn ông lạ mặt bắt cóc. Hai cô gái này đã dũng cảm xuất hiện trước ống kính và chia sẻ về thế giới mà họ coi là "tồi tệ hơn so với địa ngục".

“Tôi đã bị bắt cóc bởi hai người đàn ông. Họ đưa tôi đến Mumbai. Mỗi ngày tôi bị họ hãm hiếp và đánh đập. Khi chuẩn bị bán tôi cho nhà chứa, chúng phát hiện ra mẹ tôi đã báo cảnh sát, một sĩ quan cảnh sát tên là Chaurasiya đã yêu cầu những tên ma cô vứt tôi ở một nơi tôi không thể trở về nhà. Vì thế mà tôi bị bọn chúng bỏ lại ở Mumbai. Sau đó, tôi bắt tàu và may mắn trở về nhà an toàn”, Priya chia sẻ.

Roohi, một cô gái khác cũng xuất hiện trong bộ phim tài liệu, bị bắt cóc từ năm 13 tuổi. “Chúng giữ em chặt tới nỗi em không thể thở được. Em la hét nhưng chẳng ai tới cứu”, Roohi nói.

Cuộc sống đáng thương của những cô gái tuổi teen bị bán vào nhà thổ ở Ấn Độ - 1

Cuộc sống đáng thương của những cô gái tuổi teen bị bán vào nhà thổ ở Ấn Độ - 2

Roohi và Priya là hai cô gái dũng cảm khi xuất hiện trước ống kính và chia sẻ về thế giới mà họ coi là "tồi tệ hơn so với địa ngục".

Roohi và Priya là một trong số ít những cô gái may mắn trống thoát khỏi sự giam cầm tàn ác của bọn nhà thổ. Từ trước đến nay, các nhà thổ ở Varanasi là một trung tâm buôn bán mại dâm trẻ em và nô lệ tình dục nhỏ tuổi. Cảnh sát, nhà cầm quyền, chủ chứa và ma cô đều bắt tay nhau để thực hiện đường dây phi pháp này.

Trẻ nhỏ bị bắt cóc rồi bán vào nhà chứa. Các em bị đánh đập, chích điện, bỏ đói và tiêm hormone sinh dục. Trong thời gian ngắn, các em trở thành một phần của nhà thổ. Điều kiện sinh hoạt ở các nhà chứa rất tồi tệ khiến hầu hết các em mắc AIDS và các căn bệnh tình dục.

Cuộc sống đáng thương của những cô gái tuổi teen bị bán vào nhà thổ ở Ấn Độ - 3

Trẻ nhỏ bị bắt cóc rồi bán vào nhà chứa. Các em bị đánh đập, chích điện, bỏ đói và tiêm hormone sinh dục

Nhằm cứu giúp những cô gái đáng thương, Ajeet Singh và vợ là Manju Singh đã sáng lập tổ chức NGO - Guriya Swayam Sevi Sanstha. “Chúng tôi không phải cảnh sát hay thẩm phán. Phương châm của chúng tôi chỉ là chống nạn buôn người, ngăn chặn tệ nạn mại dâm và tìm mọi cách để phá vỡ hệ thống ủng hộ các chủ chứa”, Ajeet Singh nói.

Ajeet Singh và vợ đã cứu được nhiều cô gái khỏi nhà thổ nhưng họ nhận thấy rằng vấn đề lớn nhất với những cô gái này là tâm hồn họ đã bị hủy hoại nghiêm trọng đến nỗi họ nghĩ rằng chỉ có nhà chứa mới là nơi an toàn.

“Hầu hết các em nghiện ma túy hoặc mắc một số căn bệnh chết người. Sau nhiều năm ở nhà thổ thì việc quay trở về nhà không còn là lựa chọn hàng đầu của họ nữa. Họ đã mất niềm tin vào hệ thống luật pháp, nhất là cảnh sát – những người đã góp phần đẩy họ vào địa ngục”, Ajeet nói.

Cuộc sống đáng thương của những cô gái tuổi teen bị bán vào nhà thổ ở Ấn Độ - 4

Nhiều bậc cha mẹ đã bị chính cảnh sát đe dọa không được nói lên sự thật rằng con gái họ bị bắt cóc và bán cho nhà chứa. Nhiều cô gái trẻ chấp nhận lời mớm cung này và thừa nhận bỏ nhà ra đi chứ không hề bị bắt cóc.

Joyna Mukherjee và Ankit Tari, đạo diễn của bộ phim tài liệu Gudiya nhận thấy rằng các nhà thổ được hoạt động công khai ở Varanasi trong nhiều thập kỷ qua, không một hoạt động nào được đưa ra nhằm ngăn chặn nó, cũng không có bất cứ cung cấp nào giúp các cô gái kia có được một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thậm chí, khi chạy trốn được nhà thổ và tới cảnh sát nhờ trợ giúp, các em lại bị bán sang nhà thổ khác.

Joyna Mukherjee và Ankit Tari hy vọng rằng thông qua đoạn phim ngắn này sẽ khiến mọi người suy nghĩ và nói về vấn đề này một cách cởi mở hơn. Đồng thời, họ hy vọng sau khi đoạn phim được nhiều người biết đến, các cô gái đáng thương ở Varanasi sẽ nhận được sự giúp đỡ.

Mới đây, tổ chức Guriya đã gửi 14 đơn kiện các chủ nhà chứa trong tổng số 17.000 đơn được phát đi. Tuy nhiên họ không cứu được nhiều cô gái như mong muốn.

Nhật Linh (Dailymail)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h