Các em chưa đủ 18 tuổi vẫn được nhận vào làm việc dù không có hợp đồng. Qua kiểm tra, quán này có nhiều dấu hiệu vi phạm.
Gần một tháng trôi qua nhưng em L (15 tuổi, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) vẫn không thôi bàng hoàng khi được hỏi về những tháng ngày bị “giam cầm”. L kể, đi làm thuê tại tỉnh Bình Dương. Do có xích mích, em quyết định trở về nhà. Em bắt xe lên bến xe Miền Đông (TP HCM) với ý định bắt tiếp chuyến xe từ TP HCM về Bà Rịa – Vũng Tàu. Lúc này, do trong túi chỉ có 20.000 đồng, không đủ tiền mua vé nên không thể thực hiện được ý định.
L vào quán internet gần đó nhắn tin vào facebook cho chị gái với nội dung lên bến xe Miền Đông đón em về. Sau đó, em quay trở vào bến xe. Do đợi quá lâu, em thất thần đi ra phía trước cổng bến xe. Cùng lúc, em được một xe ôm lại gần hỏi về hoàn cảnh. Sau khi nghe em kể về hoàn cảnh bi đát của mình, người xe ôm khuyên: “Nếu muốn thì chú chỉ chỗ làm vài ngày để kiếm tiền về nhà”. Em đồng ý.
Quán phở nơi xảy ra sự việc
Em được xe ôm chở đến quán phở Lý Quốc Sư (quận 2, TP HCM). Tại đây, người xe ôm cho biết, mức lương mỗi tháng của em là 3,7 triệu đồng. Sau đó, người này bảo L vào trong tắm còn mình đứng bên ngoài trò chuyện với chủ quán. Khi L tắm xong, bước ra, thấy chủ quán đưa cho xe ôm 600 nghìn đồng.
Theo L trong khoảng thời gian làm việc tại quán bị cấm không được sử dụng điện thoại, ra khỏi quán. Tất cả quần áo, đồ đạc của người làm đều được chủ quán cung cấp và có người theo sát. Người làm ở đây hầu hết là trẻ em.
Do không chịu nổi cảnh “giam cầm”, trưa 25/1, L lợi dụng cơ hội hai người trông coi xem bói, giả vờ đi tắm nên lẻn ra bên ngoài. L chạy đến gần cầu Sài Gòn, gặp một xe ôm, kể hết mọi chuyện. Người này muốn giúp em về nhà nhưng do không có nhiều tiền nên không giúp được nhiều. Anh móc trong túi ra được 20.000 đồng đưa cho em.
Sau đó, L bắt xe buýt về Suối Tiên. Đến đây, em gặp một người dân phòng và nhờ đưa đến đồn công an gần nhất. Em được đưa đến trụ sở công an phường Tân Phú (quận 9). Công an gọi điện về nhà. Em được người thân đến đón về gia đình.
Sự thực sáng tỏ từ một lời tố cáo
Chị H (chị gái L) cho biết, sau khi nhận được điện thoại của em trai liền lên bến xe Miền Đông đón về. Thế nhưng, khi đến nơi thì không thấy L đâu. Chị rất lo lắng cho em trai vì trong túi của em không có tiền. Chị lấy ảnh của em trai, đưa cho bảo vệ bến xe cũng như xe ôm hỏi có nhìn thấy L không. Ngoài ra, chị cũng đến công an phường trình báo sự “mất tích” của em trai mình.
Trong khoảng thời gian tìm kiếm không thấy L, cả gia đình rất lo lắng. Vào ngày 25/1, chị vô cùng vui mừng khi nhận được thông tin từ công an là L đang ở đó. Ngay lập tức, chị lên đón em trai về nhà.
Em L vẫn còn bàng hoàng khi kể lại sự việc
Lúc trò chuyện, L kể lại khoảng thời gian làm việc tại quán phở Lý Quốc Sư. Chị quyết định đến công an quận 2 tố cáo sự việc.
Bà Trần Thị Hồng Nguyệt (Chủ tịch UBND phường Bình An) cho biết, sau khi nhận được trình báo của chị L, UBND phường cùng công an quận 2 tiến hành kiểm tra quán phở này. Đoàn kiểm tra phát hiện, quán có giấy phép kinh doanh. Riêng giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm được cấp nhưng đã hết hạn.
Tại quán có 5 trẻ từ 15 đến 17 làm việc. Tại đây, chủ bao ăn, ở, tiền lương mỗi tháng 2,5 triệu đồng. Tuy nhiên, chủ “giữ giúp” và trả tiền lương cho các em sau. Chủ quán cho rằng, sở dĩ “giữ giúp” lương và sẽ trả một lúc vì sợ các em còn nhỏ, tiêu xài phung phí.
Các em đều có hoàn cảnh đặc biệt. Có em cha mẹ ly hôn. Có em chán nản gia đình nên bỏ đi lang thang. Các em lang thang ở bến xe Miền Đông nên được xe ôm chở đến đây. Các em được đưa ra khỏi quán. Trong đó, có hai em đã được gia đình bảo lãnh về. Còn ba em do có hoàn cảnh đặc biệt nên đã được chuyển đến trung tâm giáo dục dạy nghề thanh thiếu niên thành phố.
Phía phường vẫn đang làm việc với nơi các em đăng ký hộ khẩu thường trú bàn phương án hỗ trợ đào tạo, học nghề, giải quyết việc làm để các em có cuộc sống tốt hơn.
Bà Nguyệt cũng cho biết thêm, khi trò chuyện với mình, ba em khẳng định không bị đánh đập. Trong khi đó, làm việc với cơ quan công an thì các em nói, chỉ khi nào làm sai, đổ bể thì sẽ bị người của tiệm phở dùng dây nịt đánh vào chân.