Nếu bị rắn lục cắn, không được rạch vết thương, không nên cử động nhiều, băng vết thương. Thay vào đó, phải đưa nạn nhân đến bệnh viện, cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, can thiệp, xử lý…
90 người nhập viện trong một tháng
Thời gian gần đây, dư luận xôn xao về tình trạng rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều, gây hoang mang. Tuy nhiên, sáng 8/12/2014, Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Quang Bính (Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện Chợ Rẫy) cho hay, từ đầu năm 2014 đến nay, số ca nhập bị rắn cắn nhập viện này không tăng so với các năm trước.
Ông Bính cho biết, mỗi năm, tại Việt Nam có khoảng 300.000 trường hợp bị rắn cắn. Trong đó, bệnh viện Chợ Rẫy thường tiếp nhận khoảng 1.5000 ca. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 779 ca bị rắn cắn. Trong đó, số lượng bị rắn lục cắn chiếm 492 ca. Ngoài ra, 97 ca bị rắn chàm quạp cắn và 57 trường hợp bị rắn hổ mèo cắn. Mặc dù vậy, ông Bính khẳng định, số lượng gần 500 ca rắn lục cắn phải nhập viện tại bệnh viện Chợ Rẫy là không tăng so với những năm trước.
Hai tháng gần đây, số lượng người bị rắn cắn nhập viện tại bệnh viện Chợ Rẫy tăng
Các bệnh nhân bị rắn lục cắn nhập viện tại bệnh viện Chợ Rẫy chủ yếu ở các địa phương Long An, Bình Dương, Đồng Nai… Trong đó, vào tháng 10, số lượng bệnh nhân nhập viện vì rắn lục cắn cao nhất là 90 ca. Hiện tại, ở bệnh viện này có khoảng 10 ca bị rắn cắn đang được điều trị.
Từ đầu năm đến nay, tất cả các bệnh nhân nhập viện vì rắn cắn đều được chữa trị khỏi và chưa có trường hợp nào tử vong. Các ca bị rắn cắn thường chỉ nhập viện từ 2 đến 3 ngày là được xuất viện. Ông Bính cho biết, điều may mắn, hiện nay, Việt Nam là một trong bốn quốc gia sản xuất được huyết thanh kháng nọc rắn lục. Do đó, đây cũng là điều kiện tốt để đội ngũ y bác sĩ chữa trị cho các nạn nhân.
Một bệnh nhân đang được điều trị tại khoa Bệnh Nhiệt đới cho biết, ở tỉnh Bình Dương thường ít xuất hiện rắn. Tuy nhiên, chừng hai tháng trở lại đây, số lượng rắn xuất hiện nhiều và có nhiều trường hợp bị rắn lục cắn. Người này đang trong nhà bước ra ngoài sân thì bỗng dưng bị một con rắn xông đến cắn. Ngay lập tức, ông được đưa đến bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Đến nay, sức khỏe ông đã trở lại bình thường.
Vì sao rắn lục xuất hiện nhiều?
Ông Bính cho rằng, sở dĩ, hai tháng trở lại đây, số lượng ca nhập viện bị rắn cắn tăng, vì đây là khoảng thời gian Nam Bộ vào mùa mưa. Thời gian giao phối của rắn lục từ tháng 3 đến tháng 5, chừng tháng 8 đến tháng 11 là thời kỳ sinh sản. Trong điều kiện mùa mưa, thời tiết ẩm tạo điều kiện môi trường phát triển tốt cho rắn. Đây cũng là lý do chính khiến dư luận thấy rắn xuất hiện nhiều và có nhiều người bị rắn cắn.
Trong khi đó, ông Đỗ Quang Huy (Trưởng Bộ môn Quản lý động vật hoang dã – Đại học Lâm Nghiệp) cũng đồng quan điểm của ông Bính. Tuy nhiên, ông Huy cho biết thêm, có thể, mấy năm trở lại đây, người dân săn bắt các loại thiên địch của rắn lục như chim bìm bịp, cầy… nhiều nên tạo điều kiện cho rắn phát triển.
Rắn lục thường cắn ở chân và tay
Bên cạnh đó, môi trường sống rắn lục bị thu hẹp do rừng bị tàn phá. Các con mồi của rắn như chuột, ếch, nhái… cũng bị con người săn bắt nhiều. Từ những điều này, rắn phải di chuyển môi trường sống từ rừng đến các bụi cây, hang hóc gần khu dân cư. Ngoài ra, vài năm trở lại đây, nhiệt độ trung bình tăng từ 0,5 đến 1 độ C. Thời tiết nóng ẩm kéo dài tạo điều kiện tốt cho rắn lục sinh sản.
Ông Bính khuyên, người dân phải phát quang bụi rậm gần nơi sinh sống. Khi phải vào rừng, lùm cây, phải đội nón rộng vành, đi ủng cao cổ, dùng cành cây để xua đuổi rắn… Không nên đến gần những ụ mối, đống rác, gạch ẩm ướt... Đây là những nơi rắn thường sống. Ngoài ra, nên trồng cây sả ở xung quanh nhà, lối đi…
Nếu bị rắn lục cắn, không được rạch vết thương. Bởi, nọc độc gây rối loạn đông máu, dẫn đến khó cầm máu. Khi bị cắn, không nên cử động nhiều. Không nên băng vết cắn lại. Thay vào đó, phải đưa nạn nhân đến bệnh viện, cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.