Sáng nay, bão Noru gió giật cấp 14 đã vượt qua Philippines đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 4 năm 2022.
Lúc 7h sáng nay 26/9, vị trí tâm bão số 4 ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 118,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 720km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118-133km/giờ), giật cấp 14. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 210km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 4 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km có xu hướng mạnh thêm. Đến 7 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 113,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 190km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134-149km/giờ), giật cấp 16.
Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của bão Noru trên Biển Đông.
Thời gian và vị trí bão vào bờ
Đến 7 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 109,1 độ Kinh Đông, trên khu vực biển Quảng Trị-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166km/giờ), giật cấp 16.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền khu vực Trung Trung Bộ, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. Đến 7 giờ ngày 29/9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 104,1 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).
Từ trưa 27/9, vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Bình đến Ninh Thuận (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-14, giật cấp 17, sóng biển cao 8-10m, biển động dữ dội. Từ tối và đêm 27/9 vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 6-8m. Khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi cần đề phòng nước dâng do bão cao 1,0-1,5m gây ngập úng tại khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông. Toàn bộ tàu thuyền, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão.
Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Từ gần sáng ngày 28/9, khu vực ven biển từ Quảng Trị trở vào đến Ninh Thuận có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9-10; ven biển khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, từ sáng sớm ngày 28/9 có gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 14-15, các khu vực sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 8-9; giật cấp 12-13; khu vực Kon Tum, Gia Lai ngày 28/9 có gió mạnh dần lên 6, sau tăng lên cấp 7-8, có nơi cấp 9, giật cấp 11.
Từ chiều 27/9 đến ngày 28/9 ở khu vực Trung Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên mưa to đến rất to và dông kèm gió giật mạnh, lượng mưa phổ biến 150-300mm, có nơi trên 350mm. Từ 28-30/9 mưa có xu hướng mở rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ.
TS. Nguyễn Ngọc Huy (Huy Nguyễn), chuyên gia Biến đổi khí hậu và Giảm thiểu thiên tai nhận định tâm bão được dự báo đi vào Quảng Nam. Tuy nhiên, do bão lớn nên khu vực Quảng Ngãi và Đà Nẵng cũng được xác định là vùng ảnh hưởng mạnh nhất của tâm bão.
Trước nguy cơ bão tấn công, bốn tỉnh miền Trung gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cảnh báo rủi ro thiên tai ở cấp 4 (cấp độ đỏ - rủi ro rất lớn, chỉ sau cấp thảm họa), nhiều tỉnh miền Trung, Tây Nguyên phát báo động rủi ro thiên tai cấp 3 (cấp độ cam- rủi ro lớn).
Thủ tướng yêu cầu 16 tỉnh, thành khẩn trương, quyết liệt ứng phó bão Noru
Công điện của Thủ tướng gửi 16 tỉnh thành từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, một số tỉnh ở Tây Nguyên và 11 bộ ngành, đơn vị liên quan nêu rõ, cơn bão Noru đang tiến vào Biển Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15, giật cấp 17. Sau khi vào Biển Đông, bão số 4 có thể vẫn duy trì sức gió rất mạnh cấp 13-14, giật cấp 16 (khi đến Nam Quần đảo Hoàng Sa). Khi vào gần bờ, cơn bão này có thể vẫn mạnh cấp 12-13, giật cấp 15.
Đây là cơn bão có cường độ rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh. Dự báo từ ngày 26/9, bão gây gió mạnh, sóng lớn trên vùng biển giữa và Bắc Biển Đông.
Chiều tối ngày 27/9, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển và đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ, trọng tâm là từ Quảng Trị đến Bình Thuận, gây mưa lớn tập trung ở Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên.
Để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại do bão và mưa lũ sau bão, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành và tỉnh thành tập trung triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm "bốn tại chỗ" với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất.
Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ sau bão, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động ứng phó phù hợp;
Chủ tịch UBND các tỉnh thành đình hoãn các cuộc họp không thật sự cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão, lũ; tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ; phân công lãnh đạo, triển khai lực lượng xuống các địa bàn trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở.
Căn cứ diễn biến và dự báo bão, Chủ tịch UBND các tỉnh thành ban hành lệnh cấm biển, cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn; khẩn trương rà soát, kiểm đếm, hướng dẫn bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển và tại nơi tránh trú.
Đồng thời, các địa phương cần rà soát kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng của sóng lớn, ngập sâu, khu dân cư có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét…
Nhiều tỉnh lên phương án cho học sinh nghỉ học
Tại Quảng Ngãi, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Quảng Ngãi Nguyễn Ngọc Thái cho biết, Sở GD&ĐT cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học từ ngày 27/9 đến khi có thông báo mới để tránh bão số 4 (Noru), đảm bảo an toàn tính mạng của học sinh, giáo viên.
Sở GD&ĐT Quảng Ngãi yêu cầu các trường học huy động lực lượng chằng chống phòng, lớp, trường học, cắt tỉa cây xanh trong sân trường, chuyển tài liệu, thiết bị đồ dùng dạy học về nơi an toàn, tổ chức trực 24/24 giờ để nhận nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền về phòng, chống bão số 4. Các trường phối hợp cùng chính quyền địa phương sắp xếp phòng, lớp học cho người dân vào tránh trú bão; không để học sinh, giáo viên, nhân viên ra ngoài khi bão đổ bộ…
Tại Quảng Trị: UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu Sở GD-ĐT chủ động cho học sinh nghỉ học nhằm đảm bảo an toàn.
Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 19 giờ ngày 25/9/2022; việc sắp xếp tàu thuyền vào các nơi neo đậu, tránh trú đảm bảo an toàn trên địa bàn tỉnh hoàn thành trước 17 giờ ngày 26/9/2022
Tại Quảng Nam: Chủ tịch UBND tỉnh đã ra công điện yêu cầu Sở GD-ĐT, các địa phương và trường học chủ động quyết định cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học tùy tình hình thực tế diễn biến của bão và mưa lũ.
Đồng thời, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi kể từ 0 giờ ngày 26/9. Công tác sơ tán dân ở những nơi nguy hiểm phải hoàn thành trước 9 giờ ngày 27/9; đồng thời đảm bảo lương thực, các nhu cầu thiết yếu tại nơi tổ chức sơ tán tập trung.
Tại Đà Nẵng: UBND TP Đà Nẵng đang lên phương án thành lập Sở chỉ huy tiền phương (bao gồm các thành viên nòng cốt Bộ Chỉ huy Quân sự TP; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP; Công an TP; Sở NN&PTNT…), chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để lãnh đạo UBND TP tập trung chỉ huy, chỉ đạo ứng phó với bão số 4 Noru.
Sở GD-ĐT được giao chủ động việc cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học.
Tạm đóng cửa một số sân bay trong vùng đổ bộ của siêu bão Noru
Tin từ Cục Hàng không (Bộ GTVT) cho hay, cơ quan này đang phối hợp đơn vị liên quan theo thêm đường đi, thời gian đổ bộ của bão Noru vào đất liền để đưa ra quyết định liên quan tới hoạt động hàng không.
“Chắc chắn phải tạm dừng khai thác một số sân bay trong vùng bão đổ bộ”, lãnh đạo Cục Hàng không cho biết.
Dự kiến chiều nay (26/9), cơ quan này sẽ ra quyết định liên quan tới đảm bảo hoạt động bay trước ảnh hưởng của cơn bão được đánh giá mạnh nhất 20 năm trở lại đây.
Bộ GTVT cũng có công điện gửi các cơ quan chuyên môn của bộ thuộc lĩnh vực hàng hải, hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, Sở GTVT các tỉnh thành phía Bắc, và dọc bờ biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận về ứng phó bão Noru.
Dự kiến, do ảnh hưởng bão Noru, từ chiều 27 - 28/9, khu vực Trung Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên có mưa to, đến rất to, dông kèm gió giật mạnh; từ 28-30/9 mưa có xu hướng mở rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ. Rủi ro thiên tai cấp 4 gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định ở cấp 4 (rất lớn), các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Kon Tum cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 3 (lớn).
Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không chỉ đạo các đơn vị có liên quan tăng cường công tác an toàn bay, không cho phép máy bay, cất/hạ cánh khi có tình huống xấu của thời tiết trong khu vực bị ảnh hưởng của bão.
Dự kiến sẽ có 1 số sân bay khu vực miền Trung chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão Noru sẽ phải tạm đóng cửa để đảm bảo an toàn hoạt động hàng không.
Cục Hàng hải được yêu cầu nắm chắc số lượng tàu thuyền đang neo đậu tại cảng, vùng nước và hướng dẫn tàu thuyền vào khu neo đậu an toàn; không cấp phép cho tàu rời cảng có hướng hành trình đi vào vùng ảnh hưởng nguy hiểm của bão; triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống cảng, bến, con người hoạt động trong phạm vi quản lý; sẵn sàng các phương án về lực lượng, phương tiện tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có lệnh.
Tổng cục Đường bộ phải chỉ đạo các đơn vị liên quan quản lý tuyến đường bộ trong khu vực ảnh hưởng bão bố trí nhân lực, phương tiện để chống ngập lụt, khắc phục kịp thời hậu quả do mưa bão… đảm bảo giao thông trong thời gian nhanh nhất.
Cục Đường thuỷ nội địa, Cục Đường sắt, Sở GTVT cũng được yêu cầu sẵn sàng phương án về nhân lực, phương tiện để ứng phó bão và khắc phục nhanh nhất thiệt hại do bão gây ra đảm bảo giao thông thông suốt.
Xuyên đêm 25-9, các cán bộ chiến sĩ thuộc Công an TP Đà Nẵng đã có mặt ở bãi biển, khu vực nguy cơ cao để giúp người dân chuyển ngư cụ, thuyền thúng đến nơi an toàn…
Bất chấp những đợt mưa nặng hạt, không khí lạnh về đêm, các CBCS Công an TP Đà Nẵng đến từng nhà, chằng chống nhà cửa giúp dân ứng phó siêu bão Noru.
Lực lượng Cảnh sát cơ động, Công an TP Đà Nẵng hỗ trợ người dân chèn chống nhà cửa xuyên đêm 25-9
Triển khai hỗ trợ ngư dân chống bão tại Âu thuyền, cảng cá Thọ Quang
Ghi nhận tại phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà) vào tối 25-9, nhiều gia đình thuộc diện neo đơn, nhà cửa không đảm bảo đã liên hệ với chính quyền địa phương và được hỗ trợ ngay lập tức.
Trong khi đó, lực lượng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn Công an TP Đà Nẵng đã điều động lực lượng đến kiểm tra các khu vực xung yếu như Âu thuyền cảng cá Thọ Quang, thúc giục, kiểm tra phương tiện cứu nạn, cứu hộ để sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ.
Triển khai hỗ trợ ngư dân chống bão tại Âu thuyền, cảng cá Thọ Quang
Triển khai hỗ trợ ngư dân chống bão tại Âu thuyền, cảng cá Thọ Quang
Các chiến sĩ cảnh sát cơ động cùng ngư dân đưa thuyền thúng, ngư lưới cụ lên vùng an toàn
Các chiến sĩ cảnh sát cơ động cùng ngư dân đưa thuyền thúng, ngư lưới cụ lên vùng an toàn
Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn túc trực hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa
Trước đó, thông tin tại buổi kiểm tra công tác phòng chống bão Noru tại Âu thuyền, cảng cá Thọ Quang (chiều 25-9), Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho biết thành phố đang tập trung, quyết liệt triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó với bão.
Đặc biệt, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết các địa phương đã có phương án và sẽ triển khai sơ tán nhân dân sống trong các nhà không bảo đảm an toàn, các vùng nguy hiểm, vùng trũng thấp, có nguy cơ sạt lở... đến nơi an toàn và bảo đảm lương thực, thực phẩm, các điều kiện sinh hoạt tối thiểu cho người dân đến sơ tán.
Các chiến sĩ Đồn biên phòng Sơn Trà hỗ trợ ngư dân Thọ Quang đưa ngư lưới cụ lên bờ
Các chiến sĩ Đồn biên phòng Sơn Trà hỗ trợ ngư dân Thọ Quang đưa ngư lưới cụ lên bờ
Công tác chống bão tại biển Thọ Quang, Mân Thái rất khẩn trương
Bến thủy CT15 (bán đảo Sơn Trà) được sử dụng làm nơi cẩu thuyền thúng lên bờ
Lực lượng biên phòng Đà Nẵng vận động ngư dân gấp rút lên bờ, tránh bão