Vì những ám ảnh cuộc chiến đã qua, vì chứng kiến nỗi đau của những nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong cuộc sống hiện tại ở Đà Nẵng, nhiều cựu binh Mỹ từng đóng quân trên chiến trường Đà Nẵng đã trở lại vùng đất này, thầm lặng trả nợ cuộc chiến.
Hồi ức không thể xóa bỏ
Năm 1970, Chuck Palazzo mới 18 tuổi, là lính thủy đánh bộ thuộc lực lượng hải quân Mỹ đặt chân đến Đà Nẵng.
Chuck đã cầm súng đi khắp các chiến trường Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị với ý tưởng “trả tự do cho đất nước Việt Nam”, nhưng rồi Chuck nhận ra đây là một cuộc chiến phi nghĩa, bởi chỉ đem lại đau khổ cho người dân nơi đây.
Chuck bên những đứa trẻ da cam. Kim Oanh
Sau 13 tháng ở Việt Nam, trở về nước, điều đầu tiên mà Chuck Palazzo làm là xin rút khỏi lực lượng hải quân, trở về một công dân bình thường, ông tiếp tục học tập, thu thập tài liệu để giúp các chiến binh hiểu rõ về sự vô nghĩa của cuộc chiến Việt Nam mà họ tham gia.
Chuck kể rằng “Khi ông ở đây trong cuộc chiến tranh, ông đã chứng kiến việc Mỹ rải chất độc da cam xuống những cánh rừng Việt Nam nhưng không bao giờ biết nó là gì. Sau đó khi ông cùng những người lính quay lại những con đường mòn thì nhận thấy, sau một ngày tất cả lá cây trong khu rừng đều không còn nữa. Những cây nhỏ đều héo úa và chết”.
“Lúc này, tôi biết về chất độc da cam và tất cả những cái chết và sự hủy diệt nó gây ra cho người Việt cũng như các cựu chiến binh đồng bào của tôi từ thời chiến tranh” - Chuck chia sẻ.
Năm 2001, sau 31 năm, Chuck đến Việt Nam sau chiến tranh để tìm hiểu về những nạn nhân da cam. Ông đã gặp gỡ nhiều nạn nhân da cam, hình ảnh những cô, cậu bé không còn nguyên vẹn, đau đớn do chất dộc dioxin mà Mỹ rải xuống chiến trường Việt Nam đã đem lại cho ông nhiều đau đớn, ông đã quyết định rằng sẽ làm việc để giúp đỡ họ. “Năm 2008, tôi chuyển đến Đà Nẵng, chuyển công ty phần mềm từ Mỹ về Việt Nam và Việt Nam bây giờ là nhà của tôi”- Chuck nói.
Mặc dù ông đưa công ty về Việt Nam nhưng thời gian chủ yếu của ông là hành động cho những nạn nhân da cam. Ông là một trong những thành viên Tổ chức Cựu chiến binh vì Hòa Bình trên thế giới. Ông sáng lập Hội Cựu binh vì Hòa Bình ở Việt Nam gồm những thành viên như ông cùng nhiều người khác sống ở Việt Nam. Ngoài ra, ông cũng là thành viên danh dự của Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng.
Trả nợ cuộc chiến
Chuck Pallazzo cho biết, những năm 1980 ông là một trong số hàng chục nghìn cựu binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam đệ đơn chống 7 nhà sản xuất chất độc da cam. Dù những công ty này không thừa nhận nhưng vụ kiện cuối cùng được tòa án phán quyết phạt các công ty sản xuất 180 triệu USD, mỗi cá nhân bị nhiễm chất độc da cam đã được nhận 2.000USD.
“Nước Mỹ cuối cùng đã giúp các cựu chiến binh Mỹ, những người có bệnh liên quan đến chất da cam, nhưng chưa giúp các nạn nhân Việt Nam. Tôi muốn giúp đỡ và làm bất cứ điều gì tôi có thể để giúp đỡ các nạn nhân da cam Việt Nam”- Chuck nói.
Chuck đã đến Việt Nam sáng lập Hội Cựu binh vì hòa bình ở Việt Nam nhằm thực hiện nhiều chuyến thăm Việt Nam cho các cựu binh Mỹ mà ông kêu gọi giúp đỡ cho những nạn nhân da cam Việt Nam và giúp thực hiện các công việc giải quyết tàn tích chiến tranh. Hiện Việt Nam có 60 người tham gia.
Chuck Palazzo nay đã 61 tuổi, nhưng ông vẫn không ngừng đấu tranh để giúp những nạn nhân da cam và trả nợ cuộc chiến tại Việt Nam. Ông còn là một trong nhiều cựu binh Mỹ có mặt tại sân bay Đà Nẵng khi các nhà chức trách Mỹ và Việt Nam tiến hành triển khai dự án khắc phục hậu quả nhằm làm sạch đất bị ô nhiễm dioxin tại căn cứ không quân ở Đà Nẵng, nơi lưu trữ một lượng lớn chất độc đioxin của cuộc chiến tranh Việt Nam.
Ông cũng đã kêu gọi rất nhiều cựu binh Mỹ tham gia đóng góp để trả nợ cuộc chiến mà họ từng tham chiến.
“Kế hoạch của tôi là ở lại Đà Nẵng và tiếp tục công việc của mình với các nạn nhân da cam Việt Nam. Tiếp tục nâng cao nhận thức, gây quỹ, vận động Chính phủ Mỹ, và thực hiện các công việc tình nguyện với các nạn nhân ở đây”- Chuck chia sẻ.
Anh Phan Thành Tiến - Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam /dioxin thành phố Đà Nẵng: Làm vơi đi nỗi đau tinh thần, thể xác “Là một cựu chiến binh Mỹ, nhưng với tấm lòng của mình thời gian qua ông Chuk Palazzo đã nhiệt tình tham gia các hoạt động của Hội, giúp Hội chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam vơi đi khó khăn. Bên cạnh đó, ông còn làm cầu nối giới thiệu nhiều cựu chiến binh Mỹ, nhiều tổ chức xã hội Mỹ quan tâm về chất độc da cam ở Việt Nam đến với nạn nhân chất độc da cam ở Đà Nẵng để giúp đỡ và hỗ trợ cho các nạn nhân vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Với sự giúp đỡ và đóng góp của Chuk Palazzo, những nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung không chỉ được giúp đỡ về mặt vật chất, mà những nỗi đau về tinh thần cũng được nguôi ngoai bởi bên cạnh họ luôn có những người bạn, những người đồng hành cùng nỗi đau da cam. Anh Thư |