Đà Nẵng truy tìm F0 rất khó, có thể phát hiện ca bệnh mới ở Hà Nội, TP.HCM

Ngày 01/08/2020 16:00 PM (GMT+7)

Câu chuyện của Đà Nẵng không chỉ dừng lại ở Đà Nẵng mà có xu hướng lan ra một số tỉnh khác, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định.

Tại Hội nghị trực tuyến nâng cao năng lực chuyên môn cho các cơ sở khám chữa bệnh trong công tác tiếp nhận, quản lý và điều trị COVID-19, diễn ra tại Hà Nội ngày 1/8, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định: Dịch bệnh lần này diễn biến phức tạp hơn lần trước, với nhiều yếu tố tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch ra cộng đồng vì thế cần ứng phó nhanh hơn, khẩn trương hơn.

Đà Nẵng truy tìm F0 rất khó, có thể phát hiện ca bệnh mới ở Hà Nội, TP.HCM - 1

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế. (Ảnh: Trần Minh- SKĐS). 

Ổ dịch lớn nhất phần lớn ở khu vực của 3 bệnh viện: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Phục hồi chức năng Đà Nẵng (hiện đã được phong tỏa). Ngành y tế đã tung lực lượng rất lớn vào Đà Nẵng để bao vây chặt chẽ vùng dịch này. Đà Nẵng đã trải qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm, việc truy tìm F0 rất khó.

“Thời gian tới dịch còn tiếp tục diễn biến phức tạp, chúng ta cần cùng nhau cố gắng. Câu chuyện của Đà Nẵng không chỉ dừng lại ở Đà Nẵng mà có xu hướng lan ra một số tỉnh khác như Quảng Nam nguy cơ rất cao, địa phương này đã thực hiện việc giãn cách xã hội với một khu số vực. Có thể phát hiện thêm ca bệnh ở Quảng Nam, Hà Nội, Huế, TP.HCM cũng thuộc nhóm nguy cơ cao trong đợt dịch này”, GS Long nhận định.

Theo GS Long, thời gian qua chúng ta đã làm rất tốt các công tác phòng, chống dịch, sắp tới chúng ta cần làm tốt hơn vấn đề phân luồng, phân tuyến kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện, mở rộng xét nghiệm.

Quyền Bộ trưởng đề nghị các địa phương chuẩn bị các kịch bản. Đầu tiên phải điều tra, kiểm soát tất cả những người trở về từ Đà Nẵng - khai báo y tế, những người đến các địa điểm đã được Bộ Y tế cảnh báo thì phải xét nghiệm.

Số lượng người đi đến Đà Nẵng trong thời gian qua rất đông. Cơ quan chức năng đã lập danh sách toàn bộ gần 800.000 người đã đi đến Đà Nẵng từ ngày 1/7, yêu cầu những người này liên hệ với cơ quan chuyên môn y tế. Đồng thời lập danh sách 41.000 người từng đến khám chữa bệnh, thăm người thân tại Bệnh viện Đà Nẵng. 

Về vấn điều trị, quyền Bộ trưởng Y tế đề nghị các cơ sở lưu ý phân luồng, phân tuyến đảm bảo kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Với y tế cơ sở cần thực hiện phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng, không được bỏ sót.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã huy động khoảng 1.000 sinh viên trường Y và quân đội phục vụ công tác phòng, chống dịch của Đà Nẵng. Mục đích ngăn bằng được, chặn bằng được dịch tại Đà Nẵng càng sớm càng tốt, hạn chế tối đa tử vong khu vực này.

Chia sẻ tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Thanh Long đã chuyển lời động viên, chia sẻ của Thủ tướng Chính phủ tới cán bộ, nhân viên y tế trong toàn quốc trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

"Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên tục có điện, gửi lời động viên cho nhân viên y tế toàn ngành. Thủ tướng nói rằng làm thế nào để lần này toàn ngành cùng nhau hành động, cùng nhau phấn đấu, cùng nhau quyết tâm và cùng nhau chiến thắng. Trưởng Ban chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng liên tục gửi lời động viên tới anh em - những chiến sĩ trên tuyến đầu mặt trận chống dịch COVID-19", Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ.

Gửi thông điệp tới toàn thể nhân viên y tế, cán bộ làm ngành Y trên cả nước, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho hay, thời gian qua, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, với sự nỗ lực lớn của ngành y tế, chúng ta đã chiến thắng trận đầu COVID-19.

“Chúng tôi tin rằng chúng ta sẽ chiến thắng”, quyền Bộ trưởng nói.

Bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong sẽ được xử lý theo quy trình như thế nào?
Bộ Y tế đã có những quy định rất chặt chẽ về việc hướng dẫn việc vận chuyển, xử lý, mai táng…đối với những trường hợp tử vong do mắc COVID-19.
Theo Diệu Thu
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h