Ít ai biết được rằng con dế cơm cũng có thể làm món ăn ngon, là đặc sản nổi tiếng được bán với giá khá đắt đỏ trong những năm gần đây.
Khi cuộc sống đủ đầy, người ta lại có nhu cầu thưởng thức "của ngon vật lạ". Dế cơm là một trong số đó. Từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm là thời điểm dế cơm vào mùa. Lúc này, bà con ở Đồng Nai, Tây Nguyên, Hà Tĩnh... ra đồng "săn" dế cơm để ăn và bán cho các nhà hàng, quán ăn.
Dế cơm có vẻ ngoài xấu xí nhưng là món đặc sản độc nhất vô nhị được nhiều người ưa chuộng
Khác với những loại dế khác như dế than, dế lửa, dế tiêu... dế cơm được ưa chuộng trong ẩm thực bởi vì chúng rất sạch và mang một hương vị lạ lẫm, khác biệt. Về kích thước, dế cơm to gần gấp đôi những người "họ hàng", béo ú và lớp da ửng màu vàng nhạt. Chúng đào hang dưới đất để trú ngụ và sinh sống.
Trước đây, nhiều đứa trẻ ở các miền quê bắt con dế cơm để chơi, nhưng ít ai biết rằng ở một số nơi người dân địa phương đã bắt con dế cơm để làm thành món ăn dân dã. Hiện nay, món ăn này đã trở thành đặc sản độc nhất vô nhị, không phải ai cũng có cơ hội được thưởng thức.
Trên thị trường, dế cơm được bán với giá khoảng 200.000 đồng/kg. Từ dế cơm có thể làm thành các món chiên giòn, kho, tẩm bột chiên... Trong các nhà hàng và quán ăn ở miền Tây, dế cơm được đưa vào thực đơn để đãi khách mỗi khi đến mùa. Tuy nhiên, số lượng dế trong tự nhiên không có nhiều nên khách phải đặt trước mới được.
Từ dế cơm có thể làm thành những món ngon trong nhà hàng, quán ăn
Người dân địa phương cho biết loại côn trùng này sống tự nhiên dưới lòng đất, trong những hang sâu, ngóc ngách và rất nhỏ. Người "săn" dế phải dày dặn kinh nghiệm mới phát hiện được hang của chúng. Dụng cụ của những thợ săn dế cũng khá đơn giản chỉ cần một cái len, xô hoặc rọng để đựng là có thể săn vô tư những con dế đào hang trốn trong lòng đất.
Anh Bình (ở quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) cho biết: "Săn dế thường vào buổi sáng bởi lúc đó dễ tìm hang của chúng để đào. Những con dế to thường trốn trên những đồi cát cao, nhiều cỏ, còn dế dưới rẫy thường nhỏ hơn. Nguồn thức ăn của dế là đậu phộng, đậu đen, bắp, khoai lang...
Lúc cao điểm chỉ cần đi khoảng 1 – 2 giờ có thể bắt được hơn 100 con dế. Còn bình thường thì kiếm vài chục con thì dễ dàng cũng không tốn mấy thời gian".
Dế bắt về, bỏ phần gai chân, giữ lại phần đùi béo tròn, nếu có cánh thì cắt bỏ đi. Ngắt nhẹ phần đuôi, nặn hết ruột ra, rửa lại vài lần với nước sạch và để ráo. Sở dĩ người ta thường bắt dế cơm thay vì bắt các loại dế khác như dế than, dế lửa, dế tiêu… bởi chúng ăn cỏ nên rất sạch, có độ béo mập, to và hương vị thơm ngon đặc trưng.
Lần đầu nghe tên món đặc sản này, nhiều người sẽ có chút dè chừng, thậm chí rùng mình vì vẻ bề ngoài của chúng khá xấu xí. Còn những người ăn quen, có cơ hội nếm thử nhiều lần sẽ cảm thấy say mê, thích thú hương vị lạ miệng của dế cơm.
Hiện nay, dế cơm sau khi bắt về được làm sạch, đóng gói để vận chuyển tới nhiều tỉnh thành, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của du khách thập phương.