Ông Đỗ Hữu Phương được xếp vào hạng “tứ đại phú hào" của Sài Gòn xưa, sở hữu khối tài sản được cho chỉ thua đại gia Nhất Sỹ - người thậm chí còn giàu hơn cả vua Bảo Đại.
Câu nói “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hoả" để chỉ 4 đại gia giàu nức tiếng Sài Gòn xưa đến nay vẫn khiến nhiều người tò mò. Đây là 4 vị đại phú hào có khối tài sản đất đai, tiền của cực “khủng". Trong đó ông Đỗ Hữu Phương xếp thứ 2, theo tương truyền lại ông giàu đến mức có một đội chuyên đếm tiền trong nhà.
Độ giàu có của ông Đỗ Hữu Phương và chuyện nuôi giai nhân chỉ để đếm tiền
Ông Đỗ Hữu Phương sinh năm 1841, xuất thân trong một gia đình có cha là Bá Hộ Khiêm. Gia đình ông vốn sở hữu đất đai rộng lớn, trồng lúa và cây ăn trái ngút ngàn. Cùng với đó là hàng trăm căn nhà mặt tiền để cho thuê, sinh sống.
Ông Phương là người có tầm hiểu biết, giỏi ngoại ngữ có chí làm quan và làm giàu. Từ một quan chức nhỏ, ông được Pháp thưởng Tam đẳng bội tinh, triều đình Huế phong hàm Tổng đốc. Ông Phương rất nhanh nhạy trong việc tiếp xúc với những nền văn hoá bên ngoài, khôn khéo, biết nắm bắt thời cuộc. Cũng nhờ đây mà ông giàu lên nhanh chóng.
Hình ảnh về đại gia Đỗ Hữu Phương được lưu lại đến hiện tại
Ngoài ra, vị phú hào này được thừa hưởng khối tài sản kếch xù, đồng lúa bạt ngàn, cửa hiệu buôn bán do bố để lại. Mỗi mùa vụ thu lợi lớn từ lúa má, ông kết nối với các tiểu thương, thương lái xây dựng hệ thống buôn bán riêng biệt. Cùng với đó ông cai quản bất động sản đất đai một vùng rộng lớn về phía Bắc của Sài Gòn xưa.
Độ giàu có của ông Phương được kể lại rằng gia đình có riêng một đội đếm tiền được sắp xếp bí mật trong căn phòng phía sau nhà. Khi vào mùa vụ hoặc dịp thu tiền của thương lái, tiểu thương… thì đội nhóm này ăn ngủ tại chỗ để đếm tiền.
Tiền sau khi đếm xong được buộc chặt rồi cất vào phòng kín kiên cố, khóa nhiều lớp. Chìa khoá của căn phòng cất tiền chỉ có vợ của ông Phương giữ kĩ, như vật bất ly thân. Thậm chí lúc ngủ cũng nắm chặt trong tay không rời.
Căn biệt thự bề thế của gia đình ông Phương ở đường Châu Văn Liêm
Sự giàu có còn thể hiện ở việc khách đến chơi nhà ông Phương được đãi rượu sâm banh, ăn bánh petits beurres de Nates và uống cà phê De la Paix. Đây là những món thượng hạng chỉ dành cho giới nhà giàu. Trong dinh thự của ông có nhà hát, thỉnh thoảng có nghệ sĩ nổi tiếng đến biểu diễn. Biệt thự của ông Phương ngày nay thuộc đường Châu Văn Liêm (quận 5, TP.HCM).
Giàu nhất nhì Sài Gòn xưa nhờ công lớn của vợ, người phụ nữ quyền lực là “tay hòm chìa khoá"
Sự giàu có của ông Phương công lớn nhờ người vợ đảm đang tháo vát, biết quán xuyến gia đình. Vợ ông Phương là một người phụ nữ họ Trần, con quan lại lớn trong triều Nguyễn.
Ông Phương lo chuyện ngoại giao bên ngoài còn bà Trần cáng đáng việc gia đình. Đất đai hàng ngàn hecta khi đến mùa vụ, bà Trần tất bật lo toan mọi chuyện từ tính toán thu chi rồi sắp xếp nhân công. Ruộng đất làm không xuể bà cho tá điền thuê lại, đến mùa thu tô thuế. Lúa thóc nhiều không dùng hết thì khéo bán sang tay với giá hời để vừa thu tiền, vừa tránh được thất thoát không đáng có.
Ngoài ra, bà Trần và ông Phương còn mở rộng hệ thống buôn bán với thương lái, tạo thành “đế chế" kinh doanh riêng cực kỳ lớn ở Sài Gòn xưa. Vợ chồng vị đại gia này cũng góp công xây dựng một số công trình đến hiện tại vẫn còn lưu lại tại Sài Gòn. Trong đó là việc xây trường College de Jeunes file Indigenes, tức trường Áo tím (Gia Long) mà bây giờ có tên là trường Nguyễn Thị Minh Khai (đường Điện Biên Phủ, Quận 3).
Trường Nguyễn Thị Minh Khải ở TP.HCM hiện tại
Bên cạnh tháo vát quán xuyến chuyện làm ăn, bà Trần cũng đảm nội trợ, lại được trường thọ mất sau chồng. Ông Phương và bà Trần có với nhau tất cả 6 người con, trong đó có 2 người con trai phục vụ trong binh đoàn lính Lê dương của Pháp.
Khi ông Đỗ Hữu Phương mất vào năm 1914, gia đình tổ chức đám tang rất trọng thể. Thi hài vị đại phú hào này được quàn nửa tháng mới chôn, hàng ngày có hàng trăm khách đến viếng. Gia đình thịt trâu, bò, heo… làm mâm cúng liên miên để đãi khách. Tràng bông phúng điếu vài trăm cái, trải dài cả một con đường.