Đại gia Lý Tường Quang được mệnh danh là người giàu thứ 3 của mảnh đất Sài Gòn xưa. Ông phất lên từ công việc nặn tò he, tích lũy khối tài sản "khủng" và có nhiều vợ con.
Sài Gòn xưa không hiếm những đại gia giàu có nức tiếng, nhưng trong số đó phải kể đến ông Lý Tường Quang, người được xếp vào hạng "tứ đại phú hào". Ông Lý Tường Quang xếp thứ 3 trong số những người giàu nhất Sài Gòn ngày trước, sau ông Huyện Sỹ và ông Đỗ Hữu Phương.
Giàu lên từ nghèo khó nhờ "học lỏm" một nghề đặc biệt
Sài Gòn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 dường như ai cũng biết về bá hộ Xường Lý Tường Quang về độ giàu có. Ông Tường Quang xuất thân trong gia đình nghèo khó, mẹ của ông qua đời vì mắc bệnh nặng nhưng không có thuốc trị, khi tròn 13 tuổi thì cha cũng mất.
Ông Tường Quang nổi tiếng thông minh, khéo tay nên “học lỏm" được nghề nặn tò he. Ngày ngày ra góc đường nặn tò he, làm đẹp và có hồn đến nỗi thu hút nhiều người, kể cả lính Pháp đến xem rồi mua. Khi tiếp xúc với lính Pháp, ông bập bẹ học tiếng Pháp rồi trở nên sành sỏi. Sau đó còn được mời làm thông dịch viên.
Chân dung ông Lý Tường Quang, người được xếp vào hạng giàu có thứ 3 ở Sài Gòn xưa
Sau khi tích luỹ được một ít vốn liếng, ông Tường Quang mở một tiệm buôn bán nhỏ. Vì sự thông minh, nói được tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Hoa… ông được mời làm thông ngôn và giao cho chức bang trưởng cai quản 7 bang người Hoa ở Sài Gòn - Chợ Lớn.
Sau một thời gian làm quan, ông rời quan trường để tiếp tục làm kinh doanh. Ban đầu bán cá tươi ở lục tỉnh rồi Sài Gòn - Chợ Lớn, tiếp đó là những mặt hàng như: cá khô, mắm… thậm chí còn xuất khẩu sang Mỹ, Pháp. Sau đó ông Tường Quang lập công ty tên Kim Bảo, mua thực phẩm ở miền Tây rồi bán ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Ông cũng mua nhu yếu phẩm ở Sài Gòn - Chợ Lớn rồi bán ngược xuống miền Tây. Dần dần mở rộng thị trường ra khắp nơi
Sức ảnh hưởng trong kinh doanh của ông Tường Quang lớn đến nỗi người ta kháo nhau gần như một nửa miền Tây mua đồ của ông. Từ vốn liếng làm ăn, ông đầu tư vào mua đất, xây nhà cho thuê. Theo ước tính, ông Tường Quang có hơn 30.000 căn nhà khắp nơi, không kém cạnh gì các vị đại gia cùng thời.
Một căn nhà của ông Lý Tường Quang còn lưu lại tại Sài Gòn đến ngày nay
Theo một số thông tin, sau khi thành bá hộ giàu có, ông Tường Quang thường tìm mua lại những khu đất gắn liền với tuổi thơ cơ cực của mình.
Bá hộ giàu có lấy 3 chị em ruột làm vợ, con cái đều đỗ đạt thành tài
Ông Lý Tường Quang sinh năm 1842, là người gốc Hoa. Bên cạnh câu chuyện làm giàu từ nghèo khó, ông Tường Quang còn để lại giai thoại về việc lấy 3 chị em ruột làm vợ. Đặc biệt là 3 bà vợ sống rất êm ấm, hòa thuận, sinh cho ông Tường Quang tổng cộng 10 người con.
Vốn sẵn có nền tảng từ người cha thông minh, khéo léo và ham học hỏi, những người con của ông Tường Quang cũng kế thừa được điều này. Giàu nó nên bá hộ Xường cho con học ở những ngôi trường danh giá. Các con sau đều đỗ đạt thành tài, trở thành kỹ sư, công chức hoặc chọn con đường kinh doanh.
Ông Lý Tường Quang và vợ cả là bà Nguyễn Thị Lâu
Hiện nay vẫn còn những người cháu chắt nhiều đời của ông Tường Quang sinh sống tại Sài Gòn, một số định cư ở nước ngoài. Ngoài ra tại quận 5 còn dấu tích một thời giàu có tột đỉnh của gia đình ông với ngôi nhà cổ kiến trúc đẹp mắt, được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.
Ông Tường Quang mất vào năm 1896, khi mới 54 tuổi. Tài sản được ông chia đều cho các con mỗi người một phần. Khá lạ là dù đông con và giàu có, nhưng hiếm có câu chuyện về việc tranh giành tài sản trong gia đình ông Tường Quang được lưu truyền lại.
Tại quận Tân Phú, TP.HCM có ngôi mộ cổ bề thế của ông Tường Quang và vợ cả là bà Nguyễn Thị Lâu được xây dựng kiên cố trên diện tích đất khoảng 200m2.
Phần mộ của ông Lý Tường Quang và vợ vẫn được hương khói, chăm sóc cho đến hiện tại
Hằng năm con cháu thường tề tựu đông đủ ở phần mộ của ông để thắp hương, làm cỗ bày tỏ lòng tri ân đến tổ tiên.